Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 44/2020/QĐ-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 31 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, HỒ SƠ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 06/2020/NQ-HĐND NGÀY 17/7/2020 CỦA HĐND TỈNH VỀ HỖ TRỢ TIỀN SỬ DỤNG SẢN PHẨM, DỊCH VỤ THỦY LỢI NỘI ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH PHÚC

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Thủy lợi ngày 19/6/2017;

Căn cứ Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc về hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025;

Theo đề nghị của Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 311/TTr-SNN&PTNT ngày 25/12/2020; Báo cáo kết quả thẩm định dự thảo văn bản quy phạm pháp luật số 272/BC-STP ngày 04/12/2020 của Sở Tư pháp.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ thực hiện Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 01 năm 2021.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn; Chủ tịch các Công ty TNHH MTV thủy lợi: Liễn Sơn, Lập Thạch, Tam Đảo, Phúc Yên và Thủ trưởng các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Khước

 

QUY ĐỊNH

VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, HỒ SƠ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 06/2020/NQ-HĐND NGÀY 17/7/2020 CỦA HĐND TỈNH VỀ HỖ TRỢ TIỀN SỬ DỤNG SẢN PHẨM, DỊCH VỤ THỦY LỢI NỘI ĐỒNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 44/2020/QĐ-UBND ngày 31/12/ 2020 của UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này hướng dẫn trình tự, thủ tục, hồ sơ thực hiện Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND ngày 17/7/2020 của HĐND tỉnh về hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025.

2. Đối tượng áp dụng: Các cơ quan quản lý nhà nước, các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác quản lý, khai thác công trình thủy lợi nội đồng và các hộ gia đình, cá nhân sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Người dùng nước, đại diện hộ dùng nước

Hộ dùng nước là các hộ gia đình, cá nhân sử dụng nước từ sau hệ thống kênh nội đồng.

Các cá nhân, hộ gia đình sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi có thể ủy quyền bằng văn bản cho Trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố đại diện cho mình thực hiện việc ký hợp đồng và nghiệm thu, thanh lý hợp đồng sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi theo quy định của Bộ luật dân sự.

Chương II

TRÌNH TỰ ĐĂNG KÝ, XÁC NHẬN, PHÊ DUYỆT KHỐI LƯỢNG, DIỆN TÍCH SỬ DỤNG DỊCH VỤ THỦY LỢI VÀ KÝ HỢP ĐỒNG THỰC HIỆN

Điều 3. Đăng ký kế hoạch sử dụng, xác nhận và phê duyệt đối tượng, diện tích được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng

1. Đăng ký kế hoạch sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng: Đầu mỗi vụ, các hộ dùng nước theo quy định tại Điều 2 có trách nhiệm đăng ký kế hoạch sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng về Uỷ ban nhân dân cấp xã và các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi nội đồng.

2. Xác nhận đối tượng, diện tích, khối lượng tưới, tiêu được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng:

a) Cấp xã: Trên cơ sở đăng ký của các hộ dùng nước, Ủy ban nhân dân cấp xã căn cứ bản đồ giải thửa, tình hình thực tế của địa phương xác nhận đối tượng và diện tích được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn và tổng hợp gửi Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

b) Cấp huyện: Trên cơ sở báo cáo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, xác nhận đối tượng, diện tích được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm,dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn, tổng hợp, gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

c) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Tổng hợp chung toàn tỉnh, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt khối lượng công việc, diện tích được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng.

Việc lập danh sách và xác nhận đối tượng, diện tích được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi nội đồng đến hộ gia đình, cá nhân dùng nước được thực hiện một lần vào năm đầu thực hiện (năm 2021). Các năm sau, trên cơ sở diện tích, đối tượng của năm trước các trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố xác định những đối tượng có thay đổi tăng, giảm (nếu có) lập danh sách gửi Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét tổng hợp gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, tổng hợp gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn để tổng hợp chung toàn tỉnh. Trường hợp năm 2021 các tổ chức thủy lợi cơ sở chưa thành lập, Ủy ban nhân dân cấp xã có thể sử dụng danh sách xác nhận đối tượng, diện tích đã được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi đến hộ gia đình, cá nhân do các Công ty TNHH một thành viên thủy lợi thực hiện năm 2018 và trình phê duyệt điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

3. Hồ sơ trình phê duyệt khối lượng, diện tích hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng gồm:

a) Năm đầu thực hiện (năm 2021): Bảng kê đối tượng, công việc và diện tích được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

b) Các năm sau: Bảng kê tăng, giảm (nếu có) đối tượng, công việc và diện tích được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi nội đồng có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

c) Tờ trình đề nghị phê duyệt khối lượng công việc công việc và diện tích được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng.

Thời gian gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn trước ngày 30/9 năm trước năm kế hoạch.

Điều 4. Hợp đồng, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng

Đầu các vụ, trên cơ sở đăng ký kế hoạch tưới, tiêu, cấp nước của các hộ dùng nước, các tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi nội đồng thực hiện ký hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng với các cá nhân, hộ gia đình dùng nước hoặc người đại diện hộ dùng nước quy định tại Điều 2 Quy định này.

Cuối mỗi vụ các hộ dùng nước, đại diện hộ dùng nước thực hiện nghiệm thu, thanh lý hợp đồng sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng với các tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi nội đồng.

Chương III

TRÌNH TỰ THỦ TỤC LẬP DỰ TOÁN, CẤP PHÁT, THANH QUYẾT TOÁN KINH PHÍ HỖ TRỢ TIỀN SỬ DỤNG SẢN PHẨM DỊCH VỤ THỦY LỢI NỘI ĐỒNG

Điều 5. Lập dự toán

1. Việc lập dự toán và giao dự toán kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật.

2. Cơ sở lập dự toán

a) Khối lượng: Là diện tích tưới, tiêu, cấp nước được Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo Điều 7 Quy định này.

b) Đơn giá: Là giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định.

3. Lập dự toán: Các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi nội đồng lập dự toán của đơn vị

Điều 6. Tổng hợp dự toán

Các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi nội đồng có trách nhiệm gửi dự toán của đơn vị tới Ủy ban nhân dân cấp xã. Uỷ ban nhân dân cấp xã xem xét, tổng hợp dự toán của các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi thuộc địa bàn quản lý gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện. Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (kinh tế) thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét, tổng hợp dự toán của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn gửi phòng Tài chính- Kế hoạch, tổng hợp vào dự toán ngân sách cấp huyện, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn xem xét, tổng hợp chung và gửi Sở Tài chính để tổng trong dự toán ngân sách tỉnh.

Điều 7. Cấp phát, thanh toán

1. Thanh toán, cấp kinh phí đối với phương thức đặt hàng

a) Ngay sau khi hợp đồng đặt hàng được ký, cơ quan đặt hàng thực hiện tạm ứng 60% kinh phí theo hợp đồng cho đơn vị nhận đặt hàng. Sau khi có báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng đặt hàng đạt 60% giá trị hợp đồng, cơ quan đặt hàng tạm ứng tiếp 30% giá trị hợp đồng, 10% kinh phí còn lại được cấp phát thanh toán sau khi hợp đồng được nghiệm thu, thanh lý.

b) Hồ sơ đề nghị cấp phát kinh phí: Công văn đề nghị cấp phát kinh phí; quyết định giao dự toán; bản sao hợp đồng đặt hàng; báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng đặt hàng của đơn vị nhận đặt hàng.

2. Thanh toán, cấp kinh phí đối với phương thức đấu thầu

a) Ngay sau khi hợp đồng nhận thầu được ký, cơ quan giao thầu tạm ứng 50% kinh phí theo hợp đồng cho đơn vị nhận thầu. Sau khi có báo cáo tình hình thực hiện hợp đồng với khối lượng đã thực hiện đạt 60% giá trị nhận thầu, cơ quan giao thầu ứng tiếp 40% kinh phí theo hợp đồng, 10% kinh phí còn lại được cấp phát thanh toán sau khi hợp đồng được nghiệm thu, thanh lý.

b) Hồ sơ đề nghị cấp phát kinh phí: Công văn đề nghị cấp phát kinh phí; bản sao Hợp đồng nhận đấu thầu, biên bản nghiệm thu khối lượng theo giá trị nhận đấu thầu, báo cáo tình hình thực hiện Hợp đồng.

Điều 8. Quyết toán kinh phí

1. Việc quyết toán kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, các văn bản hướng dẫn Luật.

2. Các tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi nội đồng phải có đầy đủ các chứng từ để làm căn cứ thanh, quyết toán (bản sao có xác nhận sao y bản chính của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi nội đồng):

a) Hợp đồng cung cấp, sử dụng sản phẩm, dịch vụ công thủy lợi nội đồng;

b) Biên bản nghiệm thu, thanh lý Hợp đồng sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng;

3. Cơ quan đặt hàng, đấu thầu thực hiện quyết toán kinh phí với các tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi nội đồng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.

4. Phòng Tài chính – Kế hoạch cấp huyện tổng hợp, quyết toán kinh phí với cơ quan đặt hàng, đấu thầu, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi kết quả về Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài chính để tổng hợp chung.

Điều 9. Xử lý thừa, thiếu kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng

Hàng năm, sau khi quyết toán kinh phí hỗ trợ sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt nếu số kinh phí được cấp lớn hơn số kinh phí được hỗ trợ theo quyết toán thì phải nộp trả ngân sách nhà nước phần chênh lệch; nếu số kinh phí được cấp thấp hơn số kinh phí được hỗ trợ theo quyết toán thì sẽ được ngân sách cấp bổ sung theo quy định.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Công tác báo cáo

1. Cuối các vụ và cuối năm, tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi phải có báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ với Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác quản lý, khai thác các công trình thủy lợi được giao quản lý, khai thác và tình hình sử dụng kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng của đơn vị.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện tổng hợp, báo cáo tình hình quản lý, khai thác công trình thủy lợi được giao quản lý trên địa bàn cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Tài chính để theo dõi, chỉ đạo. Thời gian: Vụ Chiêm trước này 30 tháng 6, Vụ Mùa trước ngày 30 tháng 9 năm trước năm kế hoạch. Vụ Đông và cả năm trước ngày 31 tháng 01 năm sau năm kế hoạch.

Điều 11. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Xem xét, tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt khối lượng, diện tích được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn toàn tỉnh (các năm sau chỉ phê duyệt khối lượng tăng giảm).

b) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan hướng dẫn các huyện, thành phố sử dụng kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng theo quy định.

c) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất việc quản lý, khai thác công trình thủy lợi nội đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng của các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Tài chính

a) Tổng hợp dự toán kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng của các huyện, thành phố trong dự toán ngân sách tỉnh trên cơ sở tổng hợp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

b) Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, các tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi nội đồng thủ tục hợp đồng, thanh toán, quyết toán nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định.

c) Thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất việc sử dụng kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng của các cơ quan đơn vị.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Quyết định phương thức giao quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn theo quy định của Luật Thủy lợi, Nghị định số 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ “Quy định về giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên” và các quy định khác liên quan.

b) Chỉ đạo các xã: Tổ chức thủy lợi cơ sở ký kết hợp đồng, nghiệm thu và thanh lý hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đến điểm giao nhận với các Công ty TNHH MTV thủy lợi liên quan; ký hợp đồng cung cấp sản phẩm dịch vụ thủy lợi với các hộ dùng nước (hoặc đại diện) và thực hiện nghiệm thu, thanh lý hợp đồng theo quy định.

c) Hàng năm, thực hiện tổng hợp, xác nhận đối tượng, diện tích được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn gửi Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

d) Tổng hợp dự toán kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng của cấp xã trên địa bàn huyện.

e) Thực hiện hoặc phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan kiểm tra, thanh tra thường xuyên hoặc đột xuất việc sử dụng kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng của các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi nội đồng.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Xác nhận, tổng hợp đối tượng, diện tích được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn theo đề nghị của các hộ dùng nước gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.

b) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác kiểm tra, thanh tra việc quản lý, khai thác công trình thủy lợi nội đồng trên địa bàn và việc sử dụng kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng theo quy định.

d) Tổng hợp dự toán kinh phí hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng của các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi nội đồng thuộc địa bàn quản lý gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện.

đ) Chịu trách nhiệm về tính chính xác của các hợp đồng, biên bản nghiệm thu thanh lý hợp đồng với các Hộ dùng nước khi thực hiện nhiệm vụ của tổ chức thủy lợi cơ sở (nếu chưa thành lập, kiện toàn xong tổ chức thủy lợi cơ sở theo quy định).

5. Các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi nội đồng

a) Thực hiện quản lý, khai thác công trình thủy lợi nội đồng được đặt hàng, đấu thầu theo quy định.

b) Có trách nhiệm làm việc với Ủy ban nhân dân cấp xã lập danh sách đối tượng, diện tích được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng thuộc vùng phục vụ gửi Uỷ ban nhân dân cấp xã xác nhận, tổng hợp.

c) Ký hợp đồng cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi đến điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi với các Công ty TNHH MTV thủy lợi.

d) Căn cứ hợp đồng đặt hàng, đấu thầu với cơ quan đặt hàng, đấu thầu, tổ chức ký hợp đồng với các Hộ dùng nước (hoặc đại diện) trong vùng phục vụ. Quản lý, khai thác hệ thống công trình thủy lợi nội đồng để cung cấp sản phẩm, dịch vụ thủy lợi sau điểm giao nhận đến khu đất canh tác đảm bảo cấp nước, tưới, tiêu đầy đủ, kịp thời theo tiến độ và yêu cầu sản xuất.

đ) Chịu trách nhiệm về tính chính xác của các hợp đồng, biên bản nghiệm thu thanh lý hợp đồng với các Hộ dùng nước.

6. Các hộ dùng nước (hoặc đại diện các hộ dùng nước)

a) Đầu các vụ có trách nhiệm đăng ký kế hoạch sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi với Ủy ban nhân dân cấp xã và các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi nội đồng và phối hợp với các tổ chức quản lý, khai thác công trình thủy lợi trong việc kê khai, xác định đối tượng, diện tích tưới, tiêu được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng.

b) Thực hiện ký kết hợp đồng, nghiệm thu, thanh lý hợp đồng sử dụng sản phẩm dịch vụ thủy lợi với các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi theo quy định.

c) Chịu trách nhiệm về tính chính xác của các hợp đồng, biên bản nghiệm thu thanh lý hợp đồng cung cấp sản phẩm dịch vụ thủy lợi với các tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác công trình thủy lợi.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để kịp thời hướng dẫn, giải quyết./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 44/2020/QĐ-UBND quy định về trình tự, thủ tục, hồ sơ thực hiện Nghị quyết 06/2020/NQ-HĐND về hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ thủy lợi nội đồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2021-2025

  • Số hiệu: 44/2020/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc
  • Người ký: Nguyễn Văn Khước
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản