Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4384/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 07 tháng 12 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT DỰ ÁN XÂY DỰNG MÔ HÌNH THÍ ĐIỂM DOANH NGHIỆP - HỢP TÁC XÃ - NÔNG DÂN TIÊU THỤ NÔNG SẢN VÀ CUNG ỨNG VẬT TƯ NÔNG NGHIỆP (ÁP DỤNG ĐỐI VỚI SẢN PHẨM CA CAO) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến năm 2020”;

Căn cứ Quyết định số 68/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp;

Căn cứ Văn bản số 9500/VPCP-KTTH ngày 07 tháng 11 năm 2015 của Văn phòng Chính phủ về việc báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ;

Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Văn bản số 12153/BCT-TTTN ngày 27/1/2015 của Bộ Công Thương về việc triển khai Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020;

Căn cứ Văn bản số 5004/BCT-TTTN ngày 07/6/2017 của Bộ Công Thương về việc xây dựng dự án mô hình thí điểm tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp;

Căn cứ Quyết định số 2014/QĐ-UBND ngày 13/6/2018 của UBND tỉnh về phê duyệt Đề cương và dự toán kinh phí dự án xây dựng mô hình thí điểm doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai,

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai tại Tờ trình số 4419/TTr-SCT ngày 20 tháng 11 năm 2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt dự án xây dựng mô hình thí điểm doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp (áp dụng đối với sản phẩm ca cao) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai với những nội dung chủ yếu sau:

1. Mục tiêu của mô hình thí điểm:

a) Mục tiêu chung

Khuyến khích doanh nghiệp, hợp tác xã và thành viên hợp tác xã, nông dân tiêu thụ sản phẩm ca cao thông qua hợp đồng liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm ca cao. Thông qua hợp đồng tiêu thụ, bước đầu gắn trách nhiệm các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến ca cao với thành viên hợp tác xã, nông dân. Đối với thành viên hợp tác xã, nông dân: An tâm sản xuất do sản phẩm được bao tiêu với giá cả hợp lý, có điều kiện tiếp nhận hỗ trợ về đầu tư, áp dụng các biện pháp kỹ thuật thâm canh tăng năng suất, chất lượng, tạo ra nguồn hàng chất lượng góp phần nâng cao thu nhập. Đối với doanh nghiệp: Chủ động trong xây dựng kế hoạch kinh doanh, mở rộng quy mô tiêu thụ, tăng cường năng lực cạnh tranh do có nguồn cung nguyên liệu ổn định, có chất lượng, giảm chi phí sản xuất, chi phí giao dịch. Đối với hợp tác xã: Làm ăn có hiệu quả, góp phần tích cực nâng cao đời sống người dân và làm giàu cho xã hội.

b) Mục tiêu cụ thể

- Tập hợp và thu hút các thành viên hợp tác xã, người trồng ca cao trong và ngoài tỉnh tham gia mô hình; tăng thu nhập tối đa cho người nông dân trồng ca cao trong vườn điều, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, gia tăng giá trị sản xuất trong vùng dự án.

- Hỗ trợ, trao đổi, học tập kinh nghiệm về kỹ thuật canh tác, tổ chức quản lý sản xuất đáp ứng yêu cầu thị trường; sơ chế, phân loại ca cao, công nghệ bảo quản sau thu hoạch.

- Hình thành, tạo liên kết lâu dài bền vững và nhân rộng mô hình liên kết doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân về tiêu thụ ca cao và cung ứng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Chủ thể tham gia mô hình thí điểm

a) Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức;

b) Tập đoàn Con Cò Vàng;

c) Hợp tác xã ca cao Thống Nhất, Hợp tác xã ca cao Định Quán;

d) Hộ nông dân.

3. Thời gian triển khai thực hiện mô hình: Năm 2019, tổ chức sơ kết đánh giá tác động kinh tế, xã hội của việc thực hiện dự án vào năm 2020.

4. Địa điểm triển khai:

a) Các xã thuộc Dự án cánh đồng lớn trên địa bàn các huyện Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú đã được phê duyệt tại Quyết định số 865/QĐ-UBND ngày 13/4/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai.

b) Các vùng trồng ca cao ngoài các dự án cánh đồng lớn đã được phê duyệt.

5. Cơ chế hoạt động của mô hình:

a) Chuẩn bị ký kết hợp đồng:

- Hợp tác xã tổ chức họp lấy ý kiến thành viên, nông dân tham gia mô hình thí điểm và thỏa thuận thống nhất với thành viên hợp tác xã, nông dân về số lượng, chủng loại giống, phân bón, phẩm cấp, giá cả, thời gian cung ứng, phương thức thanh toán với doanh nghiệp cung ứng phân bón; thống nhất cách tính toán giá cả (theo giá sàn hay giá bình quân của thị trường tại thời điểm thu hoạch), phương thức thanh toán, phương thức giao, nhận ca cao, thời gian, địa điểm giao ca cao cho doanh nghiệp thu mua, dự kiến số lượng ca cao tiêu thụ… (các nội dung trên phải được ghi vào biên bản cuộc họp) và đại diện cho thành viên hợp tác xã, nông dân ký kết hợp đồng với doanh nghiệp kinh doanh, chế biến ca cao.

- Doanh nghiệp ký kết hợp đồng với hợp tác xã.

Hợp đồng phải thể hiện ý chí của các bên trên tinh thần các bên cùng có lợi và cùng chia sẻ rủi ro. Trong hợp đồng cần nêu rõ các điều, khoản thỏa thuận (số lượng, quy cách, thời hạn giao hàng, phương thức giao hàng, cách tính toán giá cả, phương thức giao nhận hàng hóa…) và trách nhiệm của các bên khi vi phạm hợp đồng, thể hiện các cách xử lý cụ thể khi một bên vi phạm hợp đồng (hòa giải, khởi kiện…).

- Các thành viên hợp tác xã, nông dân đã ủy quyền cho hợp tác xã phải cam kết thực hiện hợp đồng mà hợp tác xã đã ký kết với doanh nghiệp, cung ứng sản phẩm cho doanh nghiệp theo đúng thời gian và quy cách, không bán sản phẩm cho đối tượng ngoài hợp đồng.

b) Trong quá trình thực hiện hợp đồng.

Các bên thường xuyên theo dõi, đôn đốc về trách nhiệm của từng bên trong quá trình thực hiện hợp đồng, cụ thể:

- Hợp tác xã và thành viên hợp tác xã, nông dân phải liên hệ chặt chẽ với nhau để nắm thông tin về quá trình hoạt động sản xuất, tiến độ sản xuất theo kế hoạch, dự ước sản lượng thu hoạch vào thời điểm trước khi thu hoạch 10 - 15 ngày và báo cáo sơ bộ cho doanh nghiệp biết để doanh nghiệp chủ động kế hoạch kinh doanh. Trong vòng 03 - 05 ngày trước khi thu hoạch, hai bên (doanh nghiệp và hợp tác xã) xác định thông tin về sản lượng, chất lượng, kế hoạch thu hoạch và dự báo/ thống nhất giá cả.

- Doanh nghiệp cung ứng vật tư nông nghiệp phải cung ứng đầy đủ số lượng, chủng loại phân bón đã cam kết trong hợp đồng, mọi sự thay đổi, những khó khăn trong hoạt động cung ứng phân bón phải kịp thời thông báo cho hợp tác xã để thống nhất điều chỉnh ngay, đảm bảo phân bón cung ứng cho nông dân kịp thời, đúng thời điểm. Doanh nghiệp thu mua buộc phải tiêu thụ hết lượng hàng của hợp tác xã với giá cả đã thống nhất (giá sàn/giá thỏa thuận), ngược lại, hợp tác xã phải giao hàng theo đúng số lượng, thời gian đã xác định, không được tự tiện bán hàng cho người khác.

- Trường hợp hai bên (hoặc một vài thành viên hợp tác xã) không thống nhất được giá, hai bên phải có sự thương lượng trên cơ sở chia sẻ rủi ro, hài hòa lợi ích. Trong những lúc khan hiếm hàng, một số doanh nghiệp/ thương lái khác tăng giá mua để đủ lượng cho lô hàng của mình, hợp tác xã, thành viên hợp tác xã, nông dân cần hết sức cảnh giác với kiểu kinh doanh “Dễ làm khó bỏ”, những trường hợp kinh doanh kiểu “Chụp giựt”, cạnh tranh không lành mạnh, chỉ mua một vài lô hàng rồi sau đó bỏ ngang… gây ảnh hưởng đến hợp đồng liên kết đã được ký kết.

c) Thanh lý hợp đồng.

- Sau khi kết thúc phải tiến hành thanh lý hợp đồng theo quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế.

- Bản thanh lý hợp đồng phải thể hiện nội dung: Xác nhận việc thực hiện các điều, khoản đã ký kết, những tồn tại cần tiếp tục giải quyết; nếu các bên có vi phạm hợp đồng thì nêu cụ thể đối tượng vi phạm, hướng giải quyết, việc chấp hành biên bản hòa giải, quyết định của Tòa án...

7. Giải pháp thực hiện dự án mô hình thí điểm

a) Nhóm giải pháp về quy hoạch phát triển sản xuất ca cao và định hướng phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh.

- Về quy hoạch phát triển sản xuất ca cao

Quy hoạch vùng sản xuất ca cao với diện tích 2.070 ha, tại các địa phương: Huyện Thống Nhất 200 ha (các xã Hưng Lộc, Bàu Hàm 2, Quang Trung, Gia Tân 1); huyện Định Quán 330 ha (các xã Thanh Sơn, La Ngà, Túc Trưng, Phú Túc, Gia Canh, Phú Lợi, Phú Hòa, thị trấn Định Quán); huyện Tân Phú 300 ha (các xã Phú Thịnh, Tà Lài, Nam Cát Tiên, Thanh Sơn, Phú Sơn, Phú An); huyện Trảng Bom 1.000 ha (xã An Viễn); thị xã Long Khánh 200 ha (các xã Bảo Quang, Bảo Lộc, Hàng Gòn). Với các địa phương còn lại là Vĩnh Cửu, Xuân Lộc dự kiến đến năm 2020 định hướng đến năm 2030 diện tích trồng ca cao có thể đạt khoảng 40 ha, trong đó: Xuân Lộc: 36 ha; Vĩnh Cửu: 4 ha.

- Về định hướng phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh

Đối với nông sản nói chung, ca cao nói riêng:

+ Tại những vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, hình thành các kênh tiêu thụ cấp độ lớn với sự tham gia của các doanh nghiệp nòng cốt (doanh nghiệp thương mại có vốn nhà nước); doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh, hệ thống đại lý, chợ đầu mối nông sản cấp tỉnh.

+ Tại những vùng sản xuất nông sản hàng hóa chưa phát triển, phân tán, tạo lập kênh lưu thông ở cấp độ vừa và nhỏ, phù hợp cung cầu thị trường; với sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại, hộ kinh doanh… Hàng nông sản được tiêu thụ chủ yếu thông qua mạng lưới chợ, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh tại các thị trấn, thị tứ; chợ dân sinh và cửa hàng tạp hóa ở địa bàn xã.

+ Tại các vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, trong đó có cây ca cao, xây dựng mối liên kết kinh tế bền vững giữa hộ nông dân, hợp tác xã nông nghiệp - thương mại - dịch vụ với doanh nghiệp sản xuất, chế biến, vừa đảm bảo đầu ra ổn định cho nông dân, vừa đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng cho hoạt động sản xuất, chế biến của doanh nghiệp.

b) Nhóm giải pháp xây dựng các hình thức hợp tác, liên doanh liên kết

- Nâng cao vai trò của kinh tế hợp tác. Củng cố, thành lập mới tổ hợp tác, hợp tác xã tại các vùng sản xuất ca cao tập trung (ngoài vùng dự án cánh đồng lớn đã được duyệt). Song song với công tác củng cố, thành lập mới cần tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hợp tác xã, nâng cao nhận thức và tư duy về phát triển kinh tế hợp tác, hợp tác xã cho cán bộ chính quyền các cấp trên cơ sở đó nâng cao vai trò, trách nhiệm của các ngành, của địa phương trong nhiệm vụ phát triển kinh tế hợp tác.

- Xây dựng, tổng kết, nhân rộng các mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã ca cao hoạt động hiệu quả từ các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đã triển khai, các điển hình tiên tiến gắn với các Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn... để nông dân nhận thức được lợi ích, hiệu quả của kinh tế hợp tác mà tự nguyện, tự giác tham gia.

- Xây dựng các kế hoạch để đào tạo các thành phần trong chuỗi sản xuất ca cao, trong đó có nông dân, các tổ hợp tác, hợp tác xã kiến thức và kỹ năng về sản xuất và quản lý sản xuất ca cao, về công nghệ thu hoạch, chế biến, về thu nhận, phân tích thông tin thị trường để có giải pháp, định hướng kế hoạch sản xuất kinh doanh đối với ngành hàng này.

- Các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến ca cao phải am hiểu và có khả năng tư vấn cho người sản xuất (nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã) về quy trình sản xuất, nhu cầu sản lượng, yêu cầu chất lượng sản phẩm, có khả năng tập huấn cho người sản xuất, tập hợp họ để họ trở thành thành viên trong thành phần sản xuất của công ty mình, từ đó sẽ hình thành được vùng nguyên liệu ổn định và tin cậy của doanh nghiệp. Gắn kết chặt chẽ với các hợp tác xã để triển khai có hiệu quả các hoạt động của chuỗi.

- Từng chủ thể tham gia chuỗi liên kết phải xác định rõ trách nhiệm của mình trong dự án, phải tuân thủ nghiêm các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng liên kết, cùng chia sẻ các rủi ro phát sinh, không tự ý phá vỡ hợp đồng gây tổn thất không đáng có.

- Các ngành chức năng, các cơ quan liên quan trong phạm vi chức năng của mình tích cực hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể trong quá trình triển khai dự án như thành lập mới hợp tác xã, đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ hợp tác xã, cán bộ quản lý doanh nghiệp, giải ngân kinh phí hỗ trợ, vay vốn sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng, xúc tiến thương mại, công tác khuyến nông….

c) Nhóm giải pháp về chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với chủ thể tham gia mô hình thí điểm

- Thông tin đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh đến doanh nghiệp để doanh nghiệp có định hướng trong việc đầu tư đổi mới, cải tiến công nghệ, thiết bị chế biến gắn với việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng được yêu cầu của thị trường nước ngoài cho doanh nghiệp trực tiếp chế biến sản phẩm từ ca cao để xuất khẩu. Nghiên cứu nâng cao chất lượng giống cây ca cao nhằm tăng năng suất, nâng cao chất lượng trái cao, giảm sâu bệnh từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh đối với ngành hàng này.

- Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân tham gia mô hình thí điểm được tiếp cận và thụ hưởng kịp thời các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của trung ương và của tỉnh về đầu tư, về tổ chức sản xuất, bảo quản, thu hoạch, về xúc tiến thương mại, về xây dựng, quảng bá thương hiệu, về tín dụng và bảo lãnh tín dụng phục vụ sản xuất, chế biến, thu mua, tiêu thụ…

- Khen thưởng, động viên kịp thời các chủ thể đã nghiêm túc, tích cực trong quá trình triển khai mô hình và có đúc kết, rút kinh nghiệm đồng thời tổ chức báo cáo điển hình cho các mô hình khác trên địa bàn sau khi mô hình được nhân rộng.

d) Nhóm giải pháp về xúc tiến thương mại

- Ngân sách tỉnh và các địa phương tiếp tục hỗ trợ kinh phí để các chủ thể tham gia mô hình được tham gia các buổi hội thảo, hội nghị chuyên đề về ca cao để trao đổi, cập nhật thông tin về hoạt động sản xuất chế biến cao cao trong tỉnh, trong nước, thế giới… từ đó có định hướng cho hoạt động trồng, sản xuất, chế biến ca cao; tham gia các hội chợ, triển lãm trong tỉnh, trong vùng và Thành phố Hồ Chí Minh nhằm giới thiệu sản phẩm và tìm kiếm thêm các nhà đầu tư, nhà tiêu thụ.

- Tăng cường hoạt động của hệ thống thông tin nông nghiệp để cung cấp các thông tin về thị trường ca cao thế giới (ca cao nguyên liệu, sản phẩm từ ca cao), công nghệ sản xuất… cùng các dự báo đáng tin cậy để doanh nghiệp tra cứu, tham khảo…

đ) Nhóm giải pháp về bồi dưỡng, đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm liên kết… tham gia mô hình thí điểm.

- Triển khai công tác tổ chức khảo sát, điều tra thực trạng trình độ đội ngũ cán bộ quản lý, kỹ thuật và lao động tại các hợp tác xã tham gia mô hình thí điểm qua đó phân tích, đánh giá và có kế hoạch cụ thể về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động phát triển sản xuất ca cao - xuất khẩu sản phẩm từ ca cao trong thời gian tới.

- Mở các lớp bồi dưỡng cho các cán bộ kỹ thuật chuyên trách của hợp tác xã về kỹ thuật canh tác, quy trình sản xuất ca cao an toàn, các lớp tập huấn về sử dụng an toàn, đúng và có hiệu quả các loại thuốc bảo vệ thực vật, quản lý dịch hại tổng hợp; quy trình sơ chế và bảo quản ca cao an toàn; các kiến thức về quan hệ giao kết hợp đồng, tiếp nhận và xử lý thông tin về thị trường, giá cả, cung cầu,…

e) Các giải pháp khác

- Chính quyền các cấp cần thực sự quan tâm đúng mức đối với công tác lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể; nâng cao tính chủ động, sáng tạo của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong công tác tham mưu cho lãnh đạo triển khai đầy đủ các nhiệm vụ quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, song song với việc thường xuyên nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức quản lý nhà nước về kinh tế tập thể, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp.

- Xây dựng và công khai bộ thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động cấp phát, quyết toán kinh phí thuộc Dự án để các chủ thể tham gia dự án sớm được giải ngân, giải quyết một phần khó khăn về vốn thực hiện dự án.

- Hướng dẫn, hỗ trợ chủ dự án xây dựng, quảng bá thương hiệu ca cao thông qua việc tổ chức các hội nghị, tổ chức đoàn ra, tiếp đón đoàn vào làm việc với tỉnh. Về phía chủ dự án phải không ngừng nghiên cứu cải tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến từ ca cao, tạo sự khác biệt, riêng có của ca cao Việt Nam để có thể tiếp cận và thu hút được sự quan tâm của nhiều đối tượng tiêu dùng trên thế giới.

Điều 2. Tổ chức thực hiện dự án

1. Giao Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đồng chủ trì tổ chức triển khai thực hiện dự án, trong đó Sở Công Thương là đầu mối chính chịu trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện dự án mô hình thí điểm trong năm 2019, tổ chức sơ kết đánh giá tác động kinh tế, xã hội của việc thực hiện dự án, tổng hợp báo cáo đánh giá tình hình và kết quả triển khai thực hiện về UBND tỉnh;

2. Căn cứ vào nội dung chính của Dự án, các địa phương, các sở, ngành liên quan theo nhiệm vụ được phân công nêu tại Dự án, có trách nhiệm tổ chức thực hiện và phối hợp, hỗ trợ Sở Công Thương, các chủ thể tham gia Dự án triển khai thành công mô hình thí điểm làm cơ sở cho việc nhân rộng mô hình trong thời gian tới.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa, các đơn vị và cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Chánh

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4384/QĐ-UBND năm 2018 về phê duyệt dự án xây dựng mô hình thí điểm doanh nghiệp - hợp tác xã - nông dân tiêu thụ nông sản và cung ứng vật tư nông nghiệp (áp dụng đối với sản phẩm ca cao) trên địa bàn tỉnh Đồng Nai

  • Số hiệu: 4384/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 07/12/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Võ Văn Chánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản