Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 435/2010/QĐ-UBND | Bắc Kạn, ngày 12 tháng 3 năm 2010 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và Phát triển rừng số: 29/2004/QH11 ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Dược số: 34/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
Căn cứ Pháp lệnh số: 07/2003/PL-UBTVQH11 ngày 25/02/2003 về hành nghề y dược tư nhân;
Căn cứ Nghị định số: 32/2006/NĐ-CP ngày 30/3/2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng nguy cấp, quý hiếm;
Căn cứ Quyết định số: 186/2006/QĐ-TTg ngày 14/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Xét đề nghị của Sở Y tế tại Tờ trình số: 144/TTr-SYT ngày 03/3/2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý khai thác, kinh doanh và sử dụng nguồn tài nguyên cây thuốc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, các cơ quan chức năng, các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUẢN LÝ KHAI THÁC, KINH DOANH VÀ SỬ DỤNG NGUỒN TÀI NGUYÊN CÂY THUỐC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
(Ban hành theo Quyết định số: 435/2010/QĐ-UBND Ngày 12 /3 /2010 của UBND tỉnh Bắc Kạn)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng:
1. Quy chế này quy định các biện pháp quản lý khai thác, kinh doanh và sử dụng các nguồn tài nguyên cây thuốc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.
2. Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (trong và ngoài tỉnh) có các hoạt động khai thác để kinh doanh hoặc khai thác để sử dụng các loài cây thuốc của địa phương.
3. Quy chế này không áp dụng đối với các hình thức sản xuất và kinh doanh các thuốc thành phẩm, các loại thực phẩm chức năng có nguồn gốc dược thảo của địa phương đã được các cơ quan có thẩm quyền cấp phép.
Điều 2. Giải thích các từ ngữ được sử dụng trong Quy chế này
1. Tài nguyên cây thuốc ở đây được hiểu là:
Các loài dược thảo có nguồn gốc từ thiên nhiên, mọc hoang dã trong rừng, đồi hoặc soi bãi được khai thác dưới dạng nguyên sơ hoặc là các loại dược thảo được trồng trên đất lâm nghiệp, đất trồng cây hàng năm hoặc đất chưa sử dụng được sử dụng để làm nguyên liệu chế biến thuốc mỹ phẩm hoặc thực phẩm chức năng để phòng và chữa bệnh.
2. Cây thuốc bản địa: Là các loài cây thuốc có xuất xứ ở địa phương, mọc nhiều ở các địa phương trong tỉnh.
3. Tài nguyên dược liệu: Là nguồn tài nguyên bao gồm các nguyên liệu chuyên dùng trong chăm sóc sức khoẻ (kê đơn, sản xuất thuốc, mỹ phẩm hoặc thực phẩm chức năng) và được phân chia thành 3 loại như sau:
- Dược thảo: Là nguồn dược liệu có nguồn gốc thực vật (cây, cỏ)
- Dược động vật: Là nguồn dược liệu có nguồn gốc động vật (chim, cá, các loài thú, các loài côn trùng)
- Khoáng vật: Là nguồn dược liệu có nguồn gốc khoáng chất: Lưu huỳnh, sun phát đồng, sunphua thuỷ phân…
4. Rừng đặc dụng: Là rừng có công dụng đặc biệt được sử dụng để bảo tồn (bảo tồn đa dạng sinh học, bảo tồn nguồn gen sinh vật rừng) nghiên cứu khoa học, bảo vệ di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, du lịch. Tỉnh Bắc Kạn có 03 khu rừng đặc dụng:
- Vườn Quốc gia Ba bể (huyện Ba bể);
- Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ (huyện Na Rì)
- Khu bảo tồn Loài và Sinh cảnh Nam Xuân Lạc (huyện Chợ Đồn)
5. Người thu hái: Là người làm nhiệm vụ thu hái cây thuốc và phải đáp ứng các yêu cầu sau:
- Phải được đào tạo hoặc có kinh nghiệm thu hái để nhận biết chính xác cây thuốc cần thu hái, tránh nhầm lẫn với các loài có hình thái tương tự.
- Biết cách thu hái đối với từng loài cây thuốc, cách bảo quản và sơ chế, cách vận chuyển.
- Có kiến thức hoặc phải được hướng dẫn các vấn đề liên quan đến thu hái cây thuốc như bảo vệ môi trường, bảo tồn tài nguyên sinh vật, thu hái bền vững (thu hái gắn với bảo tồn)
6. Giấy phép thu hái: Là giấy phép do chính quyền địa phương hoặc cơ quan quản lý tài nguyên ở địa phương cấp, sau khi có giấy chứng nhận đã qua các lớp bồi dưỡng chuyên môn về dược liệu do Hội Đông y tỉnh cấp.
7. Cơ sở bán buôn Dược liệu gồm:
- Doanh nghiệp kinh doanh thuốc Đông dược;
- Hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể buôn bán dược liệu.
Về nguyên tắc, cơ sở bán buôn Dược liệu được phép buôn bán các mặt hàng dược liệu bao gồm dược thảo (cây thuốc), động vật làm thuốc, khoáng vật làm thuốc nhưng động vật làm thuốc nằm trong danh mục cấm săn bắn buôn bán của Luật bảo vệ và phát triển rừng nên không nằm trong danh mục được phép buôn bán của cơ sở kinh doanh Dược liệu. Vì vậy, cơ sở bán buôn dược liệu chỉ chủ yếu bán buôn dược thảo.
8. "Thực hành tốt thu hái cây thuốc hoang dã" (GCP) GCP là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Good Collection Practices" nghĩa là thực hành tốt thu hái cây thuốc hoang dã. Nguyên tắc chung của GCP là khi thu hái cây thuốc hoang dã trong tự nhiên phải đúng loài và đúng bộ phận dùng. Đồng thời phải đảm bảo sự tồn tại bền vững của các loài cây bị thu hái và bảo vệ môi trường sống của chúng. Vì vậy khi khai thác cây thuốc hoang dã, người khai thác phải có kiến thức của người thu hái.
9. "Thực hành tốt trồng cây thuốc" (GAP) đây là chữ viết tắt của cụm từ tiếng Anh "Good Agricultural And Pratices" nghĩa là "Thực hành tốt trồng cây thuốc" của Tổ chức Y tế Thế giới WHO, đây là quy trình áp dụng đối với trồng trọt, chăm sóc, thu hái, các loài cây thuốc. Quy trình này đặc biệt chú trọng đến giống cây thuốc, điều kiện môi trường tự nhiên (thổ nhưỡng, khí hậu, thời tiết) điều kiện về chăm sóc (phân bón, tưới tiêu) thu hoạch, vận chuyển, sơ chế và đóng gói, bảo quản dược liệu theo những quy định cụ thể.
Điều 3. Việc quản lý khai thác, sử dụng, kinh doanh nguồn tài nguyên cây thuốc nhằm mục đích thống nhất việc quản lý nguồn tài nguyên này, không phân chia địa giới hành chính. Đảm bảo các yêu cầu phòng chống khai thác cạn kiệt, tàn phá môi trường tiến tới phục hồi, tái sinh nguồn cây thuốc bản địa, khôi phục lại vùng phân bố và phát triển bền vững, mặt khác vẫn đảm bảo quyền và lợi ích của các tổ chức cá nhân có nhu cầu khai thác để sử dụng trong chăm sóc sức khoẻ bản thân, gia đình và cộng đồng.
Mục I: QUY ĐỊNH VỀ KHAI THÁC GẮN VỚI BẢO TỒN CÂY THUỐC
Điều 4. Mọi tổ chức cá nhân đều có quyền được khai thác nguồn tài nguyên cây thuốc để sử dụng với mục đích phòng và chữa bệnh cho bản thân và cộng đồng, khuyến khích khai thác gắn với bảo tồn và bảo vệ môi trường sống, đặc biệt khuyến khích trồng để bảo tồn nguồn cây thuốc bản địa, vừa làm mẫu, làm giống và phát triển nhân rộng.
Điều 5. Quy định về khai thác:
1. Khi tổ chức khai thác cây thuốc để sử dụng tại chỗ hoặc kinh doanh, người khai thác phải là những người thu hái (có hiểu biết về dược liệu) biết thu hái hợp lý để Bảo tồn cây thuốc, thực hiện tốt các quy định GCP (thực hành tốt thu hái cây thuốc hoang dã).
2. Trước khi khai thác, người thu hái phải xin phép chính quyền và cơ quan quản lý tài nguyên ở địa phương và nộp lệ phí khai thác tài nguyên theo quy định.
Điều 6. Nghiêm cấm việc khai thác vì mục đích thương mại các loài cây thuốc, các loài dược liệu ở trong các khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, trừ khi khai thác để sử dụng chữa bệnh tại chỗ, khai thác để phục vụ nghiên cứu khoa học. Nhưng trước khi khai thác phải được sự đồng ý của cơ quan có thẩm quyền và thực hiện theo Quy chế của các khu rừng đặc dụng.
Điều 7. Không được khai thác để kinh doanh hoặc xuất khẩu các loài cây thuốc hiếm có nguy cơ tuyệt chủng cao đã được quy định trong Nghị định số: 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 03 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp quý hiếm và đã được ghi trong sách Đỏ Việt Nam (có danh mục cụ thể kèm theo) tại tất cả các địa phương trong tỉnh.
Mục II: QUY ĐỊNH VỀ SỬ DỤNG CÂY THUỐC
Điều 8. Khuyến khích các hoạt động nghiên cứu sử dụng các loài cây thuốc bản địa có giá trị cao trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng, đặc biệt trong lĩnh vực thừa kế, ứng dụng các cây thuốc, bài thuốc dân tộc cổ truyền trong phòng và điều trị các bệnh hay gặp mang tính xã hội (bệnh tiểu đường, bệnh gút, bệnh viêm gan truyền nhiễm…).
1. Ngành Y tế cùng các tổ chức xã hội nghề nghiệp đi sâu nghiên cứu và ứng dụng các cây thuốc, bài thuốc cổ truyền bản địa trong chăm sóc sức khoẻ. Xây dựng các Đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng các bài thuốc cổ truyền điều trị các bệnh hiểm nghèo tại các cơ sở điều trị, tổ chức thực hiện và đánh giá hiệu quả.
2. Sở Khoa học và Công nghệ ưu tiên thẩm định và cho triển khai các Đề tài, Dự án khoa học công nghệ liên quan đến lãnh vực nghiên cứu cây con làm thuốc, sản xuất thuốc bảo tồn và phát triển cây thuốc từ nguồn cây thuốc bản địa.
3. Các cơ sở y tế nhà nước có sử dụng thuốc y học cổ truyền trong điều trị, các cơ sở y tế tư nhân hành nghề khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền được phép sử dụng một số vị thuốc cổ truyền bản địa đã được kiểm chứng có hiệu quả cao trong chữa bệnh.
Mục III: QUY ĐỊNH VỀ VẬN CHUYỂN VÀ KINH DOANH CÂY THUỐC
Điều 9. Khi tổ chức các hoạt động kinh doanh, buôn bán dược liệu các cơ sở bán buôn dược liệu phải có Chứng chỉ hành nghề và Giấy chứng nhận đủ điều kiện hành nghề kinh doanh dược liệu do Ngành y tế cấp, phải liệt kê danh mục các mặt hàng cây thuốc để kinh doanh buôn bán (những mặt hàng này không có trong danh mục cấm khai thác) và phải có trách nhiệm nộp thuế (thuế kinh doanh, thuế tài nguyên) với Nhà nước.
Điều 10. Khi vận chuyển các loài cây thuốc từ nguồn cây thuốc bản địa không phải do trồng trọt ra ngoài tỉnh với số lượng lớn (từ 500 kg trở lên) các cơ sở buôn bán dược liệu phải có giấy phép vận chuyển, hợp đồng mua bán, dược liệu phải được đóng gói, trên bao bì có nhãn ghi tên cây thuốc và phải có danh mục liệt kê các vị thuốc kinh doanh, nguồn gốc xuất xứ (danh mục này không được có các loài cây thuốc bị cấm được quy định trong Danh lục đỏ cây thuốc Việt Nam). Trước mắt từ nay đến năm 2015 không cho phép xuất khẩu ra ngoài tỉnh và ra nước ngoài các mặt hàng cây thuốc có nguồn gốc hoang dã, quý hiếm.
Mục IV: QUY ĐỊNH VỀ TRỒNG VÀ PHÁT TRIỂN CÂY THUỐC
1. Các ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế; các tổ chức xã hội nghề nghiệp như Hội Đông y, Hội dược liệu cần chủ động xây dựng các Dự án về phát triển cây thuốc theo tiêu chí GAP từ nguồn cây thuốc bản địa vừa đảm bảo an toàn, chất lượng vừa có tác dụng bảo tồn, phát triển nguồn tài nguyên cây thuốc của địa phương, đặc biệt là khuyến khích các hoạt động trồng cây thuốc dưới tán cây rừng hoặc tận dụng đất rừng, đất chưa sử dụng để trồng và phát triển cây thuốc, khôi phục lại vùng phân bố cây thuốc bản địa, phát triển bền vững phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.
2. Các chủ Dự án cần chủ động tìm nguồn đầu tư ngoài nguồn vốn ngân sách của địa phương, cần xúc tiến hợp tác với các doanh ngiệp Trung ương, các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ thêm nguồn tài chính để triển khai các Dự án đạt hiệu quả.
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH BẢO TỒN, PHÁT TRIỂN NGUỒN TÀI NGUYÊN CÂY THUỐC
1. Ban hành chính sách cho vay ưu đãi hoặc hỗ trợ về giống, phân bón, cho các gia đình tham gia chương trình và chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ cây lương thực hiệu quả thấp sang trồng cây thuốc.
2. Tổ chức tập huấn hoặc tổ chức các lớp trồng dược liệu ngắn ngày cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu trồng dược liệu để phát triển kinh tế, có hỗ trợ về kinh phí đào tạo cho học viên.
Điều 13. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp:
1. Uỷ ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về Quản lý khai thác, kinh doanh và sử dụng nguồn tài nguyên cây thuốc trên địa bàn toàn tỉnh:
1.1. Quyết định theo thẩm quyền các biện pháp bảo vệ do các địa phương, các ngành chức năng, các tổ chức xã hội nghề nghiệp đề xuất.
1.2. Phê duyệt theo thẩm quyền các Đề tài,DDự án liên quan đến lãnh vực bảo tồn, phát triển dược liệu, phê duyệt các chính sách hỗ trợ về giống, phân bón cho các chương trình dự án trồng cây thuốc trên địa bàn tỉnh.
1.3. Thực hiện các điều ước quốc tế trong lãnh vực bảo tồn nguồn tài nguyên động thực vật quý hiếm.
2. Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm quản lý nguồn tài nguyên cây thuốc trên địa bàn huyện:
2.1. Chỉ đạo các phòng chức năng và cấp xã hướng dẫn thực hiện Quy chế, đặc biệt là chỉ đạo cấp xã phổ biến các quy trình thủ tục cấp giấy phép hoạt động cho các đối tượng quy định ở Khoản Điều 1 Quy chế này.
2.2. Thường xuyên chỉ đạo kiểm tra các hoạt động kinh doanh, buôn bán nguồn tài nguyên cây thuốc trên địa bàn huyện và chỉ đạo xử lý đối với những trường hợp vi phạm với số lượng lớn .
2.3. Tạo điều kiện cho tổ chức thực hiện các Dự án bảo tồn và phát triển tài nguyên cây thuốc trên địa bàn, đặc biệt là các Dự án trồng cây thuốc trên đất lâm nghiệp, đất chưa sử dụng và đất ruộng một vụ hiệu quả kinh tế thấp.
3. Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện tốt việc quản lý nguồn tài nguyên cây thuốc và được phép cấp giấy phép thu hái dược liệu tại xã mình cho các đối tượng là người thu hái theo quy định của Quy chế này:
3.1. Hướng dẫn các tổ chức cá nhân trên địa bàn mình quản lý thực hiện tốt nội dung của Quy chế về khai thác, sử dụng và kinh doanh nguồn tài nguyên cây thuốc.
3.2. Xét và cấp giấy phép thu hái cho các đối tượng quy định ở Khoản 2 Điều 1 của Quy chế này, cấp đặc cách cho các hội viên Hội Đông y đã có thẻ hội viên hoặc giấy chứng nhận đã qua các lớp bồi dưỡng Đông y, Đông dược do Hội Đông y tỉnh cấp.
3.3. Chỉ đạo Trạm y tế, Hội Đông y xã (phường, thị trấn) vận động cán bộ hội viên và nhân dân trồng vườn "Cây thuốc gia đình" vừa có tác dụng bảo tồn, vừa có thuốc sử dụng tại chỗ khi cần thiết. Việc trồng vườn "Cây thuốc gia đình" cần gắn liền với phát triển kinh tế, cung cấp cho thị trường những loại dược thảo có giá trị chữa bệnh cao góp phần xoá đói giảm nghèo và cải tạo môi trường sống.
1. Điều kiện để cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh buôn bán Dược liệu (giấy phép kinh doanh buôn bán dược liệu), được quy định tại Nghị định số 79/2006/NĐ-CP ngày 9 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Dược, cụ thể:
1.1. Người quản lý chuyên môn phải có chứng chỉ hành nghề buôn bán Dược liệu phù hợp với cơ sở kinh doanh dược liệu.
Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề buôn bán Dược liệu.
a) Văn bằng, chứng chỉ:
- Bằng tốt nghiệp Dược sỹ Đại học, hoặc Dược sỹ Trung học;
- Bằng tốt nghiệp Bác sỹ, Y sỹ y học cổ truyền;
- Văn bằng lương y, lương dược, giấy chứng nhận bài thuốc gia truyền và giấy chứng nhận bồi dưỡng chuyên môn y dược học cổ truyền.
b) Điều kiện về thực hành: Cá nhân xin cấp chứng chỉ hành nghề buôn bán Dược liệu phải có tối thiểu 2 năm thực hành tại các cơ sở dược hợp pháp (khoa dược của bệnh viên, các doanh nghiệp dược, các cơ sở hành nghề Y học cổ truyền đã được cấp phép).
1.2. Cơ sở vật chất, kỹ thuật và nhân sự của cơ sở kinh doanh buôn bán Dược liệu phải đạt tiêu chuẩn về thực hành tốt nhà thuốc theo Điều 27 Nghị định số 79/2006/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Dược số 34/2005/QH11.
2. Sở Y tế có trách nhiệm hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục cấp chứng chỉ hành nghề và giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh buôn bán dược liệu cho các tổ chức và cá nhân xin đăng ký kinh doanh.
Hồ sơ đề nghị cấp, bổ sung, gia hạn, cấp lại, hoặc đổi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh Dược liệu thực hiện theo Điều 28, Nghị định số 79/2006/NĐ-CP.
3. Thanh tra Sở Y tế có trách nhiệm kiểm tra các cơ sở kinh doanh buôn bán dược liệu. Lập biên bản xử lý đối với các cơ sở buôn bán bất hợp pháp, buôn bán các mặt hàng bị cấm.
- Cơ quan Thuế có trách nhiệm hướng dẫn các thủ tục đăng ký kinh doanh và nộp thuế (thuế kinh doanh, thuế tài nguyên…) đối với các đối tượng thuộc Khoản 2 Điều 1 khi nộp đầy đủ hồ sơ.
- Cơ quan Quản lý thị trường có trách nhiệm kiểm tra việc tuân thủ theo pháp luật của các tổ chức cá nhân có hoạt động kinh doanh dược liệu trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.
- Cơ quan Kiểm lâm có trách nhiệm cấp giấy phép vận chuyển mặt hàng cây thuốc ra khỏi địa bàn tỉnh, các đội Kiểm lâm cơ động có trách nhiệm kiểm tra các hoạt động khai thác, vận chuyển các loài cây thuốc tại địa phương, kiểm tra giấy phép thu hái, giấy phép vận chuyển. Các hoạt động khai thác, vận chuyển không có giấy phép được coi như khai thác trái phép và bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Các đội kiểm tra liên ngành có trách nhiệm kiểm tra các hoạt động kinh doanh tại cơ sở kinh doanh dược liệu như: các loại giấy phép, hoá đơn thuế, mặt hàng kinh doanh và các hoạt động vận chuyển buôn bán ra ngoài tỉnh (giấy phép vận chuyển, hợp đồng mua bán, hoá đơn thuế, chủng loại cây thuốc) nếu phát hiện các hoạt động gian lận thì có trách nhiệm xử lý theo các quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 17. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội Đông y và các tổ chức xã hội nghề nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực dược liệu (cây, con khoáng vật làm thuốc) nói chung và cây thuốc (dược thảo) nói riêng, có trách nhiệm tư vấn và hướng dẫn các đối tượng được quy định ở khoản 2 Điều 1 thực hiện Quy chế này. Đặc biệt, Hội Đông y với tổ chức mạng lưới cơ sở và Hội viên có trách nhiệm giám sát, phát hiện các hoạt động khai thác, kinh doanh cây thuốc có tính chất thương mại và thông báo cho các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Điều 18. Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan chức năng, các tổ chức và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác tư vấn, thực hiện chức trách của mình theo Quy chế này sẽ được Uỷ ban nhân dân tỉnh khen thưởng theo quy định hiện hành.
Điều 19. Những tổ chức, cá nhân thuộc đối tượng quy định ở Khoản 2, Điều 1 của Quy chế này có những hoạt động vi phạm quy chế phải chịu các hình thức xử lý tương xứng, bị tịch thu hàng hoá hoặc chịu xử phạt vi phạm hành chính theo các quy định của pháp luật.
Điều 20. Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Uỷ ban nhân dân các cấp, các cơ quan chức năng và các tổ chức thành viên có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực khai thác và kinh doanh dược liệu quán triệt, học tập Quy chế này và triển khai thực hiện.
Điều 21. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bắc Kạn và các phương tiện truyền thông đại chúng có trách nhiệm đăng tải, phổ biến Quy chế để toàn thể nhân dân được biết và thực hiện.
Điều 22. Hàng năm, Uỷ ban nhân dân các cấp và các cơ quan chức năng có trách nhiệm báo cáo kết quả thực hiện trong báo cáo tổng kết năm kế hoạch của địa phương, đơn vị. Trong quá trình thực hiện nếu có những vấn đề không phù hợp hoặc phát sinh mới, các cơ quan chức năng, các địa phương, đơn vị cần phản ảnh kịp thời với Uỷ ban nhân dân tỉnh để sửa đổi, bổ sung kịp thời./.
|
- 1Luật Dược 2005
- 2Nghị định 32/2006/NĐ-CP về việc quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm
- 3Nghị định 79/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Dược
- 4Quyết định 186/2006/QĐ-TTg ban hành Quy chế quản lý rừng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Pháp lệnh hành nghề y, dược tư nhân năm 2003
- 6Luật Bảo vệ và Phát triển rừng 2004
- 7Kế hoạch 109/KH-UBND năm 2013 triển khai công tác lập quy hoạch và xây dựng dự án phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 8Chỉ thị 11/CT-UBND năm 2014 tăng cường công tác quản lý bảo vệ và khai thác hợp lý cây ươi trên địa bàn tỉnh Quảng Nam
Quyết định 435/2010/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý khai thác, kinh doanh và sử dụng nguồn tài nguyên cây thuốc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn do Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Kạn ban hành
- Số hiệu: 435/2010/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 12/03/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Bắc Kạn
- Người ký: Triệu Đức Lân
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 22/03/2010
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra