Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4337/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 11 tháng 12 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN TƯỚI TIÊN TIẾN, TIẾT KIỆM NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Văn bản số 3427/SNN-TL ngày 30/11/2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Thông tin và truyền thông; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các sở, ngành, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (b/cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Tổng cục Thủy lợi;
- Hội Nông dân tỉnh;
- Đài PTTH, Báo Bình Định;
- PVP KT;
- Lưu: VT, K10, K13.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Châu

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN TƯỚI TIÊN TIẾN, TIẾT KIỆM NƯỚC CHO CÂY TRỒNG CẠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH
(Kèm theo Quyết định số 4337/QĐ-UBND ngày 11/12/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh)

I. Thực trạng cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước

Trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã có nhiều hộ nông dân, doanh nghiệp trồng cây rau màu, sản xuất cây giống lâm nghiệp, cây ăn quả áp dụng mô hình tưới nước bằng phương pháp béc quay tự động và tưới nhỏ giọt; ứng dụng công nghệ tưới nhỏ giọt, tưới phun trong sản xuất thâm canh đem lại hiệu quả kinh tế bước đầu.

Theo số liệu các địa phương báo cáo đến cuối năm 2018: Tổng diện tích gieo trồng cây trồng cạn 36.600 ha, (bao gồm cây ngô 8.200 ha, khoai 300 ha, đậu tương 100 ha, lạc 9.600 ha, vừng 2.200 ha, rau các loại 14.500 ha, đậu các loại 1.700 ha). Trong đó, cây trồng cạn được tưới từ công trình thủy lợi 11.800 ha. Diện tích cây trồng cạn được tưới tiên tiến, tiết kiệm nước 1.700 ha, bao gồm: 300 ha hành, 900 ha cây lạc, 500 ha giống cây lâm nghiệp.

II. Mục tiêu

- Góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; nâng cao hiệu quả khai thác các công trình thủy lợi, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh.

- Phát huy nội lực, khuyến khích và nâng cao vai trò của các tổ chức, doanh nghiệp, của người dân trên cơ sở đẩy mạnh xã hội hóa và sự tham gia của các thành phần kinh tế, nhất là thành phần kinh tế tư nhân trong đầu tư, nghiên cứu, sản xuất, cung ứng các vật tư, thiết bị, công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cung cấp nguồn nước tưới cho các loại cây trồng cạn có lợi thế, có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ, góp phần hình thành chuỗi giá trị nông sản chất lượng cho thị trường.

- Kế hoạch đến năm 2020 toàn tỉnh có 3.000 ha diện tích cây trồng cạn chủ lực (mía, sắn, ngô, cây ăn quả, rau màu, cây giống lâm nghiệp) được tưới bằng công nghệ, kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước thay thế phương pháp tưới truyền thống nhằm tiết kiệm lượng nước tưới, tiết kiệm phân bón, giảm công chăm sóc, giảm chi phí quản lý vận hành công trình, thuận tiện cho việc cơ giới hóa và tự động hóa trong sản xuất nông nghiệp, tăng năng suất cây trồng, tăng chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập của người dân, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước góp phần bảo vệ môi trường.

III. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

1. Rà soát, bổ sung quy hoạch

- Rà soát quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh theo mục tiêu tái cơ cấu ngành trong điều kiện biến đổi khí hậu, một trong các nhiệm vụ trọng tâm là rà soát quy hoạch thủy lợi cấp nước tưới cho các cây trồng cạn có quy mô sản xuất tập trung gắn với các đề án, quy hoạch phát triển từng loại cây trồng.

- Rà soát, lồng ghép giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Bình Định.

- Rà soát, lồng ghép vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện, thị xã, thành phố nhiệm vụ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các loại cây trồng cạn chủ lực có quy mô sản xuất tập trung, có giá trị, có thị trường tiêu thụ như: cây mía, sắn, ngô, lạc, cây ăn quả có múi, rau an toàn, dược liệu, cây lâm nghiệp...

- Lập quy hoạch mẫu cho một số vùng trọng điểm gắn tưới tiên tiến, tiết kiệm nước với các biện pháp thực hành nông nghiệp khác, mô hình chính sách, liên kết sản xuất, tổ chức sản xuất phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

- Rà soát hạ tầng thủy lợi tưới tiêu cho cây trồng cạn còn hạn chế nhất là hệ thống tiêu, chống úng ngập chưa được quan tâm đầu tư.

2. Hoàn thiện thể chế, chính sách

Hướng dẫn, đánh giá tình hình triển khai thực hiện, đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy áp dụng tưới tiên tiến, tiết kiệm nước:

- Hoàn thiện, đề xuất hoàn thiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức, đơn giá phục vụ phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn chủ lực phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

- Hoàn thiện và đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích (tín dụng, thuế, nguồn vốn, chính sách khác) cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia nghiên cứu, sản xuất, cung ứng các vật tư, thiết bị, cấu kiện, hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

- Khuyến khích mô hình đối tác công - tư, xã hội hóa trong đầu tư xây dựng, quản lý khai thác hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn chủ lực; hỗ trợ đầu tư hạ tầng công trình thủy lợi tưới cho cây trồng cạn.

- Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước phục vụ sản xuất nông nghiệp tại các khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Có chính sách tạo điều kiện tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn.

3. Điều chỉnh cơ cấu đầu tư công

- Rà soát và kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, giai đoạn 2021-2025 bằng nguồn vốn trong nước và quốc tế các công trình tạo nguồn và hoàn chỉnh hệ thống kênh mương phục vụ phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho vùng cây trồng cạn chủ lực có quy mô sản xuất tập trung, có giá trị, có thị trường tiêu thụ. Ưu tiên, khuyến khích đầu tư công tư trong xây dựng hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

- Xây dựng các mô hình mẫu, mô hình trình diễn nông nghiệp thông minh (CSA) gắn với công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; thử nghiệm áp dụng các chính sách mới; tổ chức sản xuất và liên kết sản xuất - tiêu thụ,... lồng ghép trong các dự án đầu tư công để làm cơ sở nhân rộng mô hình.

- Hoàn thiện cơ sở hạ tầng nội đồng phục vụ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ở vùng đã có công trình thủy lợi; đầu tư xây dựng mới công trình thủy lợi vùng trồng cây màu chưa có công trình tưới; Chương trình xây dựng nông thôn mới cũng dành kinh phí để đầu tư đồng bộ hạ tầng công trình thủy lợi; Quy định dành từ 30-50% kinh phí cấp hỗ trợ sử dụng dịch vụ thủy lợi để kiên cố kênh.

4. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ:

- Rà soát, đánh giá tình hình thực hiện, đề xuất, kiến nghị để hoàn thiện quy trình công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước: Quy trình công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng chủ lực (ngô, lạc, rau màu, vv...); các tài liệu hướng dẫn kỹ thuật, phục vụ nhân rộng mô hình; các sổ tay hướng dẫn kỹ thuật, các thiết kế mẫu, mô hình mẫu phục vụ phát triển tưới tiết kiệm nước cho cây trồng chủ lực.

- Ứng dụng, tích hợp công nghệ, thiết bị trong và ngoài nước để giảm giá thành đầu tư hệ thống tưới tiên tiến, tiết kiệm nước; khuyến khích các doanh nghiệp nông nghiệp, doanh nghiệp cung ứng thiết bị tưới đầu tư nghiên cứu và phát triển công nghệ tưới phù hợp với điều kiện của tỉnh.

- Tiếp nhận chuyển giao và nhân rộng, ứng dụng các giải pháp tạo nguồn:

+ Ứng dụng công nghệ vật liệu, kết cấu mới để thu trữ nước tại chỗ, phân tán, quy mô nhỏ kết hợp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn cho vùng đất dốc, chưa có hoặc xa công trình thủy lợi.

+ Giải pháp sử dụng năng lượng tái tạo, thiết bị bơm cột nước cao phục vụ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho vùng cao.

+ Ứng dụng công nghệ thủy lợi nhỏ, thân thiện môi trường để bảo vệ và bổ cập nước ngầm ở các địa phương thường xuyên bị khô hạn, thiếu nước, gồm các huyện: Phù Mỹ, Phù Cát, Hoài Ân.

5. Tuyên truyền, đào tạo và tập huấn

- Tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước trong phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn thông qua Đài Truyền thanh, Truyền hình, Báo chí và hoạt động của Hội Nông dân tỉnh để nâng cao nhận thức của người dân tham gia xây dựng mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.

- Tổ chức tham quan, học tập, chia sẻ kinh nghiệm các mô hình tưới tiên tiến, tiết kiệm nước thành công ở các tỉnh, thành trong nước cho các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhất là đội ngũ lãnh đạo của địa phương.

- Tổ chức đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ quản lý địa phương (ưu tiên cấp huyện, xã), các tổ chức dùng nước, chủ trang trại và người nông dân về tưới tiên tiến, tiết kiệm nước gắn với khuyến nông, xây dựng nông thôn mới.

6. Tăng cường hợp tác quốc tế

- Lồng ghép các nội dung liên quan đến phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn vào các chương trình hợp tác, các dự án vay vốn ODA để kêu gọi nguồn lực quốc tế tham gia vào quá trình thúc đẩy phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

- Tăng cường hợp tác quốc tế về công nghệ, kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước thông qua các hoạt động nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ, v.v.

IV. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan thường trực, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương và cơ quan liên quan để theo dõi, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch hành động.

2. UBND các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế hoạch triển khai trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố; theo dõi, tổng hợp tình hình, định kỳ báo cáo gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT.

3. Các sở, ban, ngành có liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, có trách nhiệm triển khai Kế hoạch hành động này, đảm bảo kịp thời, hiệu quả, phù hợp tình hình thực tế. (Danh mục nhiệm vụ và phân công thực hiện chi tiết có phụ lục kèm theo).

4. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Bình Định và các cơ quan thông tin truyền thông xây dựng nội dung tuyên truyền Kế hoạch này; đồng thời, thông tin, phản ánh kịp thời các mô hình, điển hình về công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ở các tỉnh, thành trong nước và trên địa bàn tỉnh cho các tổ chức, doanh nghiệp, người nông dân biết.

5. Chế độ thông tin báo cáo: Định kỳ 6 tháng và hàng năm, các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan liên quan tiến hành đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện, trong đó nêu rõ việc đã hoàn thành, việc chưa hoàn thành, nguyên nhân và đề xuất giải pháp, gửi về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và PTNT.

Quá trình thực hiện nếu có vấn đề vướng mắc phát sinh các đơn vị có trách nhiệm báo cáo kịp thời về UBND tỉnh (thông qua Sở Nông nghiệp và PTTN) để xem xét, quyết định./.

 

NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG PHÁT TRIỂN TƯỚI TIÊN TIẾN, TIẾT KIỆM NƯỚC CHO CÂY TRỒNG CẠN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH ĐỊNH

(Ban hành kèm theo Quyết định số 4337/QĐ-UBND ngày 11/12/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh)

TT

Nhiệm vụ

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Sản phẩm

Thời gian (Hoàn thành)

I

TỔ CHỨC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH

1

Tổ chức phổ biến và triển khai nội dung Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn.

Sở NN và PTNT

- UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Sở, ngành liên quan

Hội nghị

Quý I/2019

II

RÀ SOÁT, ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH

1

Rà soát Quy hoạch phát triển thủy lợi tỉnh theo mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với tưới tiết kiệm nước.

Sở NN và PTNT

- UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Các sở, ngành, đơn vị liên quan

Quy hoạch được phê duyệt

Năm 2018-2020

2

Rà soát, lồng ghép giải pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước vào “Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Bình Định đến năm 2030”.

Sở NN và PTNT

- UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Các Sở, ngành, đơn vị liên quan

Đề án được phê duyệt

Năm 2018-2020

III

HOÀN THIỆN THỂ CHẾ, CHÍNH SÁCH THÚC ĐẨY ÁP DỤNG TƯỚI TIÊN TIẾN, TIẾT KIỆM NƯỚC

1

Hướng dẫn áp dụng, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ, thủy lợi nội đồng và tưới tiên tiến, tiết kiệm nước ban hành tại Nghị định 77/2018/NĐ-CP ngày 16/5/2018 của Chính phủ.

Sở NN và PTNT

- UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Các sở, ngành, đơn vị liên quan

Văn bản hướng dẫn, báo cáo đánh giá

Quý I/2019

2

Phổ biến, chỉ đạo áp dụng, chuyển giao vào sản xuất: các quy trình công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, sổ tay hướng dẫn kỹ thuật; thiết kế mẫu công nghệ, các mô hình mẫu; định mức, đơn giá cho các thiết kế mẫu công nghệ và mô hình mẫu phục vụ phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng chủ lực có lợi thế (ngô, lạc, kiệu, v.v); quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (sửa đổi, bổ sung) cho rau, quả tươi an toàn gắn với tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Sở NN và PTNT

- UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Các sở, ngành, đơn vị liên quan

Văn bản chỉ đạo áp dụng, phổ biến, chuyển giao

Năm 2018-2020

IV

ĐIỀU CHỈNH CƠ CẤU ĐẦU TƯ CÔNG

1

Đề xuất, đăng ký danh mục các dự án ưu tiên đầu tư gắn với tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn giai đoạn 2016-2020

Sở NN và PTNT

- UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Các sở, ngành, đơn vị liên quan

Danh mục dự án được Bộ phê duyệt

Năm 2018-2020

2

Xây dựng Dự án thí điểm tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn phục vụ tái cơ cấu ngành nông nghiệp và nhân rộng mô hình

Sở NN và PTNT

- UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Các sở, ngành, đơn vị liên quan

Dự án thí điểm và mô hình nhân rộng

Năm 2018-2020

3

Điều chỉnh các dự án đầu tư đang thực hiện để hoàn thiện cơ sở hạ tầng nội đồng phục vụ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước

Sở NN và PTNT

- UBND các huyện, thị xã, thành phố

Các sở, ngành, đơn vị liên quan

Dự án được điều chỉnh

Năm 2018-2020

V

ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ

1

Rà soát, tổng kết, đánh giá các mô hình tưới, các nghiên cứu về chế độ tưới, quy trình công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho các cây trồng cạn chủ lực trong tỉnh.

Sở NN và PTNT

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Báo cáo tổng kết, đánh giá

Năm 2018-2020

2

Tiếp tục nghiên cứu các giải pháp chuyển nước nối mạng thủy lợi, trọng tâm là sử dụng nước sau thủy điện kết hợp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho vùng đồi núi, đất dốc.

Sở NN và PTNT

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Giải pháp đề xuất, mô hình thí điểm (nếu có)

Năm 2018-2020

3

Tiếp nhận chuyển giao và ứng dụng, nhân rộng công nghệ vật liệu, kết cấu mới để thu trữ nước tại chỗ, phân tán, quy mô nhỏ gắn với tưới tiên tiến, tiết kiệm nước.

Sở NN và PTNT

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Công nghệ, kết cấu và giải pháp kỹ thuật kèm theo

Năm 2018-2020

4

Tiếp nhận chuyển giao và nhân rộng ứng dụng, phát triển công nghệ thiết bị bơm cột nước cao, thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo kết hợp công trình trữ nước quy mô nhỏ phục vụ tưới tiết kiệm nước.

Sở NN và PTNT

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Công nghệ, thiết bị, giải pháp kỹ thuật, sổ tay kỹ thuật

Năm 2018-2020

5

Ứng dụng, nhân rộng các mô hình bổ cập và tái tạo nguồn nước ngầm phục vụ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước

Sở NN và PTNT

UBND các huyện, thị xã, thành phố

Mô hình, sổ tay kỹ thuật

Năm 2018-2020

VI

TUYÊN TRUYỀN, ĐÀO TẠO VÀ TẬP HUẤN

1

Tăng cường công tác tuyên truyền về chủ trương, chính sách pháp luật của nhà nước trong phát triển công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước

Sở NN và PTNT

- Sở Thông tin và Truyền thông, Hội Nông dân tỉnh, Đài Phát thanh - Truyền hình Bình Định, Báo Bình Định

- UBND các huyện, thị xã, thành phố

Kế hoạch, tài liệu, hội nghị tuyên truyền

Hàng năm

2

Tổ chức các hội nghị, hội thảo, tham quan thực tế các mô hình đã xây dựng thành công tại địa phương

Sở NN và PTNT

- UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Các Sở, ngành, đơn vị liên quan

Hội nghị, hội thảo

Hàng năm

3

Xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước lồng ghép trong chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

Sở NN và PTNT

- UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Văn phòng Điều phối CTMTQG xây dựng NTM tỉnh

Kế hoạch, đào tạo

Năm 2018-2020

4

Tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ tưới tiết kiệm nước

Sở NN và PTNT

- UBND các huyện, thị xã, thành phố

- Văn phòng Điều phối CTMTQG xây dựng NTM tỉnh

- Các tổ chức hợp tác dùng nước; chủ trang trại, người nông dân

Số lớp, số người được đào tạo

Năm 2018-2020

VII

HỢP TÁC QUỐC TẾ

 

Lồng ghép các nội dung liên quan đến phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây trồng cạn vào các chương trình hợp tác kỹ thuật, các dự án vay vốn ODA

Sở NN và PTNT

- Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành liên quan

- UBND các huyện, thị xã, thành phố

Số dự án

Năm 2018-2020

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4337/QĐ-UBND năm 2018 về Kế hoạch hành động phát triển tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn tỉnh Bình Định

  • Số hiệu: 4337/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/12/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Định
  • Người ký: Trần Châu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/12/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản