Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 4329/QĐ-UBND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 04 tháng 10 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG LƯU VỰC HỆ THỐNG SÔNG ĐỒNG NAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2011 VÀ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 120/2008/NĐ-CP ngày 01 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về quản lý lưu vực sông;
Căn cứ Quyết định số 187/2007/QĐ-TTg ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai đến năm 2020”;
Căn cứ Quyết định số 157/2008/QĐ-TTg ngày 01 tháng 12 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 5868/TNMT-QLMT ngày 13 tháng 9 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Kế hoạch triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2011, giai đoạn 2011 - 2015.

Điều 2. Kế hoạch triển khai Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2011, giai đoạn 2011 – 2015 được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với chương trình, đề án, kế hoạch bảo vệ môi trường của các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nhằm đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Thủ trưởng các Sở - ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Hoàng Quân

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (BVMT) LƯU VỰC HỆ THỐNG SÔNG ĐỒNG NAI TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH NĂM 2011, GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4329/QĐ-UBND ngày 04 tháng 10 năm 2010 của Ủy ban nhân dân thành phố)

A. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN TRONG NĂM 2011

I. Mục tiêu

1. Tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, thái độ, hành vi cư xử tốt với môi trường của cộng đồng dân cư thành phố;

2. Ngăn chặn được sự gia tăng ô nhiễm trên các tuyến sông, kênh, rạch thuộc địa bàn thành phố (về phạm vi không gian và mức độ ô nhiễm); từng bước cải thiện chất lượng nước và phục hồi môi trường tại những khu vực bị ô nhiễm, những điểm nóng về ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn.

II. Các nhiệm vụ trọng tâm

1. Tăng cường sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân thành phố đối với công tác BVMT nói chung và BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai nói riêng; kiện toàn về mặt tổ chức để sẵn sàng triển khai thực hiện tốt Đề án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020;

2. Tăng cường sự chỉ đạo, điều hành của Ủy ban nhân dân quận - huyện đối với công tác quản lý và BVMT tại địa phương;

3. Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư thành phố về BVMT, ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn;

4. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT đối với các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; các bệnh viện, bãi rác, cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc trên địa bàn thành phố;

5. Hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu trực tuyến về các nguồn xả thải chính trên địa bàn thành phố vào lưu vực hệ thống sông Đồng Nai để làm cơ sở cho việc kiểm tra, giám sát và quản lý chặt chẽ các nguồn thải này ở các giai đoạn tiếp theo;

6. Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải và tự làm sạch của hệ thống sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố; phân vùng môi trường nước phục vụ công tác quản lý và cấp phép xả thải;

7. Duy trì chương trình quan trắc chất lượng nước hiện có tại các tuyến sông, kênh, rạch trên địa bàn thành phố. Đầu tư xây dựng Phòng thí nghiệm phân tích môi trường; hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước mặt; hệ thống quan trắc tự động chất lượng nước thải tại các Khu chế xuất, Khu công nghiệp, Khu công nghệ cao.

8. Xây dựng, thẩm định và phê duyệt các đề án, dự án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố để triển khai thực hiện trong những năm tiếp theo;

9. Đảm bảo nguồn kinh phí đầy đủ, kịp thời để triển khai thực hiện tốt các hoạt động của Đề án.

III. Các nhiệm vụ, dự án cụ thể cần ưu tiên thực hiện năm 2011

Đến cuối năm 2011, thành phố sẽ tổ chức triển khai thực hiện 32 nhiệm vụ, dự án ưu tiên thuộc 9 nội dung công tác nhằm từng bước BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố với tổng kinh phí dự kiến khoảng 56,668 tỷ đồng từ nguồn ngân sách sự nghiệp môi trường của thành phố (không kể các nguồn khác).

TT

Nội dung công tác

Số nhiệm vụ cần thực hiện

Kinh phí dự kiến

(tỷ đồng)

01

Tổ chức, điều hành

03

0,3

02

Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học phục vụ công tác quản lý nhà nước về BVMT lưu vực sông

04

7,2

03

Công tác kiểm tra, thanh tra, xử lý, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường

02

1,168

04

Công tác quan trắc và chia sẻ thông tin môi trường

09

39,5

05

Công tác tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm BVMT lưu vực sông

02

2,4

06

Công tác bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ và phục hồi cảnh quan môi trường lưu vực sông

01

0,4

07

Công tác thu phí BVMT đối với nước thải và thu thuế khai thác sử dụng tài nguyên nước

02

Nhiệm vụ thường xuyên

08

Phối hợp, hợp tác với các Bộ, ngành và các địa phương về BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai

03

0,7

09

Xây dựng, thẩm định và phê duyệt các đề án, dự án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn TP.HCM để triển khai thực hiện những năm tiếp theo

06

5,0 (*)

 

Tổng cộng

32

56,668

Ghi chú:

(*) Không kể kinh phí lập, thẩm định và phê duyệt 07 dự án đầu tư nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt còn lại của thành phố theo Quy hoạch tổng thể thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

B. KẾ HOẠCH THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2011 - 2015

I. Mục tiêu

1. Đảm bảo nguồn nước sông Sài Gòn đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 08:2008/BTNMT về chất lượng nước mặt;

2. Đảm bảo nguồn nước sông Đồng Nai đạt Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 08:2008/BTNMT về chất lượng nước mặt;

3. Cải thiện đáng kể tình trạng ô nhiễm môi trường tại các kênh, rạch nội thành và một số kênh, rạch khu vực ngoại thành, khơi thông dòng chảy tự nhiên của các kênh, rạch, phấn đấu 100% kênh, rạch nội thành đạt tiêu chuẩn chất lượng nước dành cho mục đích giao thông thủy (tương ứng với cột B2 của Quy chuẩn kỹ thật Quốc gia về chất lượng nước mặt QCVN 08:2008/BTNMT), các sông, kênh, rạch còn lại đạt mức chất lượng nước sạch tự nhiên.

II. Các nhiệm vụ trọng tâm

1. Kiểm soát và quản lý chặt chẽ các nguồn xả thải có tiềm năng gây ô nhiễm cao vào hệ thống sông Đồng Nai thuộc địa bàn thành phố Hồ Chí Minh:

- Đảm bảo 100% Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao của thành phố có hệ thống xử lý nước thải tập trung, thực hiện đấu nối hoàn chỉnh, vận hành thường xuyên, nước thải sau xử lý có chất lượng ổn định và đảm bảo các tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về xả thải;

- Thu gom và xử lý phần lớn lượng nước thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn thành phố tại các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung (theo Quy hoạch tổng thể thoát nước đô thị thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2001). Đảm bảo đến cuối năm 2015, các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung của thành phố đều được chuẩn bị đầu tư, xây dựng;

- Đạt 100% bệnh viện, trung tâm y tế đóng trên địa bàn thành phố có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về xả thải;

- Đạt 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ bên ngoài Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao có phát sinh nước thải phải có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về xả thải;

- Tất cả các bãi rác, khu liên hợp xử lý chất thải, các trang trại chăn nuôi, các cơ sở giết mổ gia súc - gia cầm của thành phố có hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành về xả thải;

- Chất thải từ các ao, hầm nuôi thủy sản phải được xử lý đạt các tiêu chuẩn quy định hiện hành trước khi thải ra môi trường bên ngoài;

- Kiểm soát và quản lý chặt chẽ việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp; khuyến khích phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao;

- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thông thường, chất thải nguy hại, tránh trường hợp đổ bỏ không đúng nơi quy định gây ô nhiễm môi trường.

2. Phối hợp, hợp tác chặt chẽ với các tỉnh trong lưu vực và các cơ quan chức năng ở Trung ương trong việc kiểm tra, giám sát các nguồn xả thải vào hệ thống sông Đồng Nai ngoài địa bàn thành phố Hồ Chí Minh; kiểm soát sự lan truyền ô nhiễm xuyên địa bàn, kiểm soát lũ và xâm nhập mặn ở vùng hạ lưu hệ thống sông Đồng Nai; phòng ngừa và ứng cứu sự cố tràn dầu; chia sẻ thông tin môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai.

3. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định pháp luật về BVMT đối với các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Khu công nghệ cao; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; các bệnh viện, bãi rác, cơ sở chăn nuôi, giết mổ gia súc trên địa bàn thành phố.

4. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ tiến độ thực hiện các dự án đã triển khai có liên quan đến môi trường nước của thành phố:

- Dự án vệ sinh môi trường thành phố (lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè) giai đoạn 1 và giai đoạn 2;

- Dự án cải thiện môi trường nước thành phố (lưu vực Tàu Hũ - Bến Nghé – Đôi - Tẻ) giai đoạn 2;

- Dự án nâng cấp đô thị (lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm);

- Dự án tiêu thoát nước và cải thiện môi trường lưu vực kênh Tham Lương - Bến Cát - rạch Nước Lên;

- Dự án cải tạo kênh Ba Bò;

- Các dự án xử lý nước thải bệnh viện.

5. Tiếp tục chương trình giải tỏa, tái định cư cho các khu nhà lụp xụp xây cất lấn chiếm kênh, rạch thoát nước của thành phố.

6. Cải tạo, phục hồi môi trường cho những đoạn sông, kênh, rạch bị ô nhiễm nghiêm trọng ngoài phạm vi của các dự án đã nêu trong mục (4) ở trên.

7. Tổ chức triển khai thực hiện 05 đề án và 07 dự án BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố sau khi hoàn tất việc xây dựng, thẩm tra và được cơ quan thẩm quyền phê duyệt gồm:

- Đề án Quy hoạch BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2025;

- Đề án BVMT nước sông Sài Gòn phục vụ an toàn cho mục đích cấp nước và bảo vệ cảnh quan đô thị ven sông;

- Đề án bảo tồn rừng ngập mặn và đa dạng sinh học khu vực huyện Cần Giờ;

- Đề án lồng ghép nội dung BVMT vào chương trình giáo dục các cấp (từ mầm non đến lớp 12) trên địa bàn thành phố;

- Đề án xây dựng và triển khai mô hình quản lý, bảo vệ môi trường lưu vực sông dựa vào cộng đồng - Thử nghiệm ở lưu vực rạch Văn Thánh;

- 07 dự án đầu tư nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung còn lại của thành phố theo Quy hoạch tổng thể thoát nước và xử lý nước thải đô thị thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020.

8. Tổ chức triển khai thực hiện bước 1 các hợp phần của dự án Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng khu vực thành phố Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó ưu tiên cho các hạng mục công trình thuộc vùng bờ phải sông Sài Gòn - Nhà Bè kéo dài đến giáp với sông Vàm Cỏ Đông - Vàm Cỏ ở phía Tây và Tây Nam thành phố (Vùng I) gồm:

- Hệ thống đê bao;

- Hệ thống cống kiểm soát mực nước;

- Cải tạo các kênh trục chính;

- Các hồ điều tiết.

9. Triển khai công tác quan trắc môi trường nước hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố theo chương trình quan trắc mới được điều chỉnh, bổ sung; đầu tư lắp đặt các thiết bị quan trắc và truyền dữ liệu tự động tại các khu vực nhạy cảm (các điểm lấy nước vào nhà máy nước, các khu vực giáp ranh giữa thành phố và các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu).

10. Duy trì thường xuyên công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của cộng đồng dân cư thành phố về BVMT, ý thức chấp hành pháp luật về BVMT của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

11. Đảm bảo nguồn kinh phí đầy đủ, kịp thời để triển khai thực hiện tốt các hoạt động của Đề án trong giai đoạn năm 2011 - 2015.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

- Làm đầu mối tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố trong hoạt động phối hợp với các cơ quan Trung ương, các tỉnh trong lưu vực, Văn phòng Ủy ban Bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai thực hiện Đề án sông Đồng Nai; tham mưu tổ chức điều phối triển khai các nhiệm vụ, dự án thực hiện Kế hoạch;

- Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành, Ủy ban nhân dân các quận - huyện chỉ đạo, đôn đốc, tổ chức thực hiện Kế hoạch, định kỳ hàng năm tổng hợp và báo cáo kết quả cho Ủy ban nhân dân thành phố;

- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố trong việc điều chỉnh, bổ sung các nhiệm vụ, dự án thực hiện Kế hoạch, phù hợp với chương trình, đề án, kế hoạch BVMT của Trung ương và thành phố Hồ Chí Minh;

- Đẩy mạnh việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về BVMT; tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra để xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

Thực hiện lồng ghép kế hoạch kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản với công tác BVMT; khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực bảo vệ môi trường. Phối hợp, thống nhất với Sở Tài chính trong việc cân đối, bố trí vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác thực hiện Kế hoạch.

3. Sở Tài chính:

Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối, bố trí ngân sách nhà nước và các nguồn vốn khác để thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Kế hoạch, bảo đảm đạt hiệu quả và đúng tiến độ.

4. Giám đốc các Sở - ngành: Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Giao thông vận tải, Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập nước thành phố, Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn và các Sở - ngành liên quan khác:

Chủ động xây dựng các cơ chế, chính sách, kế hoạch chi tiết để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, dự án của Kế hoạch; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, dự án theo chức năng và phạm vi quản lý của mình và theo sự phân công của Kế hoạch.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện:

- Phối hợp với các Sở - ngành liên quan triển khai các nhiệm vụ, dự án của Kế hoạch và tham gia thực hiện Kế hoạch theo sự phân công;

- Phân bổ chi ngân sách cho hoạt động triển khai các nhiệm vụ, dự án của Kế hoạch, phù hợp với yêu cầu thực tế của địa phương;

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải và các đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra các bến bãi, điểm neo đậu ghe tàu không đúng quy hoạch, kể cả hành vi xả rác thải xuống sông, kênh, rạch để xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn và các cơ quan, tổ chức liên quan ở địa phương tăng cường công tác BVMT lưu vực hệ thống sông Đồng Nai tại địa phương nói riêng và công tác BVMT trên địa bàn nói chung./.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4329/QĐ-UBND năm 2010 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2011 và giai đoạn 2011 - 2015 do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 4329/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/10/2010
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Lê Hoàng Quân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 84
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản