Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 432/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 24 tháng 3 năm 2021 |
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ ĐIỀU TRA CƠ BẢN TÀI NGUYÊN NƯỚC ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Quy hoạch ngày 24 tháng 11 năm 2017; Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch ngày 20 tháng 11 năm 2018;
Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước; Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây gọi tắt là Quy hoạch) với những nội dung chính như sau:
1. Phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, chiến lược quốc gia về tài nguyên nước và đảm bảo tính khả thi, kế thừa kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước đã thực hiện.
2. Các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước phải gắn với việc tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất, điều tra đánh giá, thống kê, kiểm kê tài nguyên nước, quan trắc giám sát tài nguyên nước, phục vụ khai thác sử dụng và bảo vệ nguồn nước đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh trên các lưu vực sông, các vùng kinh tế, phục vụ công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
3. Ưu tiên công tác điều tra, đánh giá tài nguyên nước phục vụ nhu cầu khai thác, sử dụng nước ở những vùng đặc biệt khó khăn về nguồn nước, vùng kinh tế trọng điểm, vùng kinh tế xã hội phát triển và nguồn nước có giá trị cao về đa dạng sinh học.
4. Huy động tối đa các nguồn lực, các thành phần kinh tế trong nước kết hợp với hợp tác quốc tế tham gia công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước nhằm đẩy nhanh tiến độ, nâng cao trình độ khoa học, công nghệ trong điều tra cơ bản tài nguyên nước.
5. Các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước phải đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất giữa Trung ương và địa phương; lồng ghép tối đa với các lĩnh vực khác có liên quan, đặc biệt là trong việc xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước, khí tượng thủy văn, môi trường nước; kế thừa, tận dụng cơ sở vật chất kỹ thuật và đội ngũ quan trắc viên hiện có, trong đó lấy mạng quan trắc thủy văn là nòng cốt.
6. Kết quả hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước phải phục vụ đắc lực cho công tác quản lý tài nguyên nước, gắn với việc khai thác hiệu quả, bảo vệ và phát triển bền vững đối với tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Quy hoạch được thực hiện đối với các nguồn nước liên quốc gia, liên tỉnh, nguồn nước nội tỉnh trên phạm vi toàn quốc và bao gồm các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước theo quy định tại Điều 12 Luật Tài nguyên nước.
1. Đối với các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước định kỳ, thường xuyên, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu sau:
a) Hoàn thành việc xây dựng và duy trì hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước quốc gia (bao gồm mạng quan trắc tài nguyên nước trung ương và địa phương); hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra.
b) Hoàn thành việc xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống giám sát việc phối hợp vận hành của tất cả các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông và hệ thống giám sát hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước theo quy định.
c) Hoàn thành việc xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, địa phương và cơ sở dữ liệu khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các bộ, ngành.
d) Công bố được kết quả tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, báo cáo tài nguyên nước quốc gia (theo giai đoạn 5 năm một lần) vào các năm 2025, 2030 và báo cáo sử dụng nước hằng năm của các bộ, ngành, địa phương theo quy định của Luật Tài nguyên nước.
2. Đối với các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước không định kỳ, phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành các chỉ tiêu chủ yếu sau:
a) Điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất; tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất liên tỉnh và nội tỉnh:
- Đánh giá, xác định được số lượng (trữ lượng), chất lượng nước dưới đất, lập bản đồ địa chất thủy văn cho các tầng, các cấu trúc chứa nước, phức hệ chứa nước và bản đồ tài nguyên nước dưới đất trên phạm vi toàn quốc với tỷ lệ 1:100.000; khoảng 12% phạm vi toàn quốc với tỷ lệ 1:50.000.
- Tìm kiếm, đánh giá, xác định được các vị trí có triển vọng khai thác nước dưới đất để phục vụ cấp nước sinh hoạt cho nhân dân ở các đảo trọng điểm và một số đảo nhỏ khác nhằm đáp ứng yêu cầu quy hoạch phát triển kinh tế đảo Việt Nam; ở các khu vực khan hiếm nước, thiếu nước sinh hoạt thuộc các xã đặc biệt khó khăn, khó khăn và các vùng biên giới.
b) Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt:
- Đánh giá, xác định được các đặc trưng cơ bản của tài nguyên nước mặt; đồng thời lập được bản đồ tài nguyên nước mặt trên phạm vi toàn quốc, trên các lưu vực sông.
- Xác định được tổng lượng nước trữ được vào cuối mùa lũ đầu mùa cạn của tất cả các hồ chứa quan trọng, có khả năng điều tiết trên các sông liên tỉnh, liên quốc gia, các sông nội tỉnh, ưu tiên đối với các hồ có dung tích từ 3,0 triệu m3 trở lên và các hồ thuộc Danh mục nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia.
- Xác định và công bố được dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu tất cả các hồ chứa thủy điện, thủy lợi có quy mô khai thác, sử dụng nước thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định và trên các sông liên tỉnh, liên quốc gia, các sông nội tỉnh trên phạm vi toàn quốc.
c) Hoàn thành việc khoanh định, công bố vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên phạm vi toàn quốc.
d) Hoàn thành việc xác định và công bố khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước đối với các sông, đoạn sông liên tỉnh, liên quốc gia, các sông nội tỉnh trọng điểm về ô nhiễm nguồn nước và các sông, đoạn sông có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương.
3. Đối với các hoạt động điều tra cơ bản có tính chất đặc thù
Kịp thời cung cấp các thông tin, số liệu hiện trạng về khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, khí thải, chất thải khác vào nguồn nước; tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, nhiễm mặn nguồn nước; đánh giá, cảnh báo, dự báo tác động của biến đổi khí hậu với tài nguyên nước, diễn biến bất thường về số lượng, chất lượng các nguồn nước và các tác hại do nước gây ra; khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất và các hoạt động khác để có giải pháp quản lý các vấn đề phát sinh trong thực tiễn.
4. Đến năm 2050 thông tin, số liệu, kết quả điều tra cơ bản tài nguyên nước được xử lý, lưu trữ trên cơ sở nền tảng công nghệ, kỹ thuật hiện đại, tiên tiến theo chuẩn mực chung của quốc tế đáp ứng yêu cầu quản lý hiệu quả, khai thác, sử dụng, bảo vệ bền vững, bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.
1. Đối với hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước định kỳ, thường xuyên
a) Xây dựng và duy trì hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước quốc gia (gồm mạng quan trắc tài nguyên nước trung ương và địa phương); hệ thống cảnh báo, dự báo tài nguyên nước:
- Đối với mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trung ương: duy trì vận hành hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước hiện có và tiếp tục đầu tư xây dựng mới, nâng cấp đưa vào vận hành 92 trạm tài nguyên nước mặt (xây mới 25 trạm quan trắc tài nguyên nước mặt độc lập và nâng cấp 67 trạm thủy văn hiện có để lồng ghép yếu tố quan trắc tài nguyên nước mặt) và 257 điểm với 394 giếng quan trắc nước dưới đất. Danh mục các trạm quan trắc tài nguyên nước trung ương tại Phụ lục I và Phụ lục II kèm theo Quyết định này.
- Đối với mạng lưới quan trắc tài nguyên nước của địa phương: duy trì vận hành hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước hiện có. Việc đầu tư xây dựng mới phải căn cứ vào nhu cầu thông tin, số liệu tài nguyên nước để phục vụ công tác quản lý, phát triển kinh tế xã hội của địa phương, đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc không trùng lặp với mạng quan trắc của trung ương; quan trắc được quy luật biến đổi số lượng và chất lượng nguồn nước nội tỉnh, giám sát và kiểm soát được việc khai thác, xả nước thải vào nguồn nước của các đối tượng sử dụng nước. Căn cứ vào nguồn lực từng địa phương chủ động thực hiện xây dựng mạng quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn theo thứ tự ưu tiên quan trắc các nguồn nước cấp cho sinh hoạt, cho sản xuất công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất; giám sát hoạt động xả nước thải vào nguồn nước từ các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất.
Các địa phương xây dựng nội dung quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh trên cơ sở nguyên tắc nêu trên và được thể hiện trong quy hoạch tỉnh theo quy định tại khoản 11 Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch.
- Thực hiện xây dựng và duy trì hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra tại các vùng, khu vực đã hoặc được dự báo có nguy cơ xảy ra; ưu tiên những vùng, khu vực đang chịu sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
b) Xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống giám sát vận hành liên hồ chứa; hệ thống giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước:
- Hệ thống theo dõi, giám sát tự động trực tuyến việc phối hợp vận hành của tất cả các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông: Hồng, Mã, Cả, Hương, Vu Gia - Thu Bồn, Trà Khúc, Ba, Kôn - Hà Thanh, SêSan, Srêpốk và Đồng Nai làm căn cứ để đánh giá sự tuân thủ theo quy trình và cung cấp thông tin kịp thời phục vụ việc hướng dẫn, chỉ đạo, điều hành và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình vận hành của các chủ hồ.
- Hệ thống theo dõi, giám sát tự động trực tuyến các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thống nhất toàn quốc, bao gồm cả Trung ương và địa phương, làm căn cứ để đánh giá sự tuân thủ theo giấy phép tài nguyên nước đã được cấp và cung cấp thông tin kịp thời phục vụ việc xử lý các vấn đề phát sinh.
c) Xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước:
- Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia đảm bảo kết nối, tích hợp được với các hệ thống gồm: hệ thống mạng quan trắc tài nguyên nước; hệ thống giám sát khai thác sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước; hệ thống cảnh báo và dự báo tài nguyên nước quốc gia, địa phương; đồng thời tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường quốc gia.
- Hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước của địa phương; khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các bộ, ngành tích hợp với hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia.
d) Kiểm kê tài nguyên nước, xây dựng báo cáo tài nguyên nước:
- Xây dựng và tổ chức thực hiện kiểm kê tài nguyên nước quốc gia giai đoạn đến năm 2025 và giai đoạn 2026 - 2030.
- Thực hiện việc thống kê, tổng hợp, lập báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 và giai đoạn 2026 - 2030; lập báo cáo sử dụng nước của các bộ, ngành, địa phương hằng năm theo quy định.
2. Đối với hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước không định kỳ
a) Điều tra, đánh giá tổng hợp nước dưới đất và tìm kiếm, phát hiện nguồn nước dưới đất:
- Thực hiện việc điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam; tỷ lệ 1:50.000 đến 1:25.000 đối với nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia, nguồn nước nội tỉnh ở những vùng, khu vực nước dưới đất có tiềm năng lớn, là đối tượng khai thác chủ yếu để cấp nước cho sinh hoạt, các nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, các đô thị, khu dân cư tập trung, các đảo, khu vực khan hiếm nước, thiếu nước sinh hoạt.
- Thực hiện việc điều tra, tìm kiếm phát hiện nguồn nước dưới đất gắn với phục vụ cấp nước sinh hoạt cho các thôn, xã đặc biệt khó khăn và khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, ở các đảo lớn, quan trọng, các vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số khan hiếm nước, thiếu nước sinh hoạt.
b) Điều tra, đánh giá tài nguyên nước mặt:
- Thực hiện việc đánh giá, xác định, cập nhật định kỳ các đặc trưng cơ bản, lập bản đồ đặc trưng tài nguyên nước mặt; đánh giá diễn biến tài nguyên nước mặt theo từng giai đoạn trên các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia quy định tại Phụ lục III và Phụ lục IV kèm theo Quyết định này và các nguồn nước nội tỉnh.
- Thực hiện việc điều tra, thống kê tổng lượng nước trữ được vào cuối mùa lũ đầu mùa cạn hằng năm của các hồ chứa quan trọng, có khả năng điều tiết mùa, năm, nhiều năm trên lưu vực sông liên tỉnh, nội tỉnh, ưu tiên đối với các hồ có dung tích từ 3,0 triệu m3 trở lên, các hồ thuộc Danh mục nguồn nước liên tỉnh quy định tại Phụ lục III kèm theo Quyết định này; tổng hợp đánh giá diễn biến lượng nước trữ được của các hồ trên phạm vi toàn quốc, từng lưu vực sông theo từng giai đoạn 5 năm, 10 năm.
- Thực hiện việc công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu tất cả các hồ chứa thủy điện, thủy lợi có quy mô khai thác, sử dụng nước thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định.
- Thực hiện việc điều tra, đánh giá, xác định và công bố dòng chảy tối thiểu trên các sông liên tỉnh, liên quốc gia và các sông nội tỉnh trên các lưu vực sông: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Gianh, Thạch Hãn, Vu Gia - Thu Bồn, Kôn - Hà Thanh, Trà Khúc, Ba, Sê San, Srêpốk, Đồng Nai, Cửu Long, nhóm các sông Quảng Ninh, nhóm các sông Quảng Bình, nhóm các sông Quảng Trị, nhóm các sông vùng Đông Nam Bộ. Trong đó, ưu tiên thực hiện trên các sông, suối, đoạn sông suối có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của vùng, của địa phương.
c) Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước: thực hiện việc điều tra, đánh giá, xác định khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ liên tỉnh, liên quốc gia, nội tỉnh và lập bản đồ phân vùng tiếp nhận nước thải của nguồn nước trên các lưu vực sông: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Hồng - Thái Bình, Mã, Cả, Hương, Gianh, Thạch Hãn, Vu Gia - Thu Bồn, Kôn - Hà Thanh, Trà Khúc, Ba, Sê San, Srêpốk, Đồng Nai, Cửu Long, nhóm các sông Quảng Ninh, nhóm các sông Quảng Bình, nhóm các sông Quảng Trị, nhóm các sông vùng Đông Nam Bộ, trong đó, ưu tiên thực hiện đối với các sông, suối trọng điểm về ô nhiễm nguồn nước và sông, suối, đoạn sông suối đã được xác định và công bố dòng chảy tối thiểu.
d) Khoanh định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất: thực hiện việc điều tra, khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất, tổng hợp, lập bản đồ và danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất để công bố và thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định ở từng địa phương.
3. Đối với hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính chất đặc thù
Căn cứ vào yêu cầu về thông tin, số liệu để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn phục vụ công tác quản lý, cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định về nội dung, nhiệm vụ thực hiện cụ thể đối với từng hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính chất đặc thù sau đây:
a) Điều tra hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải, khí thải, chất thải khác vào nguồn nước.
b) Đánh giá tình hình ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt, nhiễm mặn nguồn nước mặt, nước dưới đất, ô nhiễm nước biển; phân loại nguồn nước theo mức độ ô nhiễm, suy thoái, cạn kiệt.
c) Đánh giá, cảnh báo, dự báo tác động của biến đổi khí hậu với tài nguyên nước, diễn biến bất thường về số lượng, chất lượng các nguồn nước và các tác hại do nước gây ra.
d) Xác định khả năng bổ sung nhân tạo nước dưới đất.
đ) Các nhiệm vụ khác theo yêu cầu để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn phục vụ công tác quản lý.
V. THỨ TỰ THỰC HIỆN CÁC NHIỆM VỤ ƯU TIÊN
Trên cơ sở quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch này, các bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức xây dựng kế hoạch thực hiện các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước theo nguyên tắc, thứ tự ưu tiên sau:
1. Giai đoạn đến năm 2025
a) Tiếp tục thực hiện các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được phê duyệt.
b) Xây dựng và duy trì mạng quan trắc tài nguyên nước theo lộ trình đến năm 2025.
c) Xây dựng và đưa vào vận hành hệ thống theo dõi, giám sát tự động trực tuyến việc phối hợp vận hành của tất cả các hồ chứa theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên 11 lưu vực sông và hệ thống theo dõi, giám sát tự động trực tuyến các hoạt động khai thác, sử dụng nước, xả nước thải vào nguồn nước thống nhất toàn quốc, bao gồm cả Trung ương và địa phương.
d) Xây dựng và duy trì hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên nước quốc gia, địa phương.
đ) Xây dựng và tổ chức thực hiện tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia giai đoạn đến năm 2025; lập báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2021 - 2025; lập báo cáo sử dụng nước của các bộ, ngành, địa phương hằng năm theo quy định.
e) Thực hiện việc điều tra, khoanh định các khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất tại các địa phương theo quy định.
g) Thực hiện việc điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:100.000 lãnh thổ Việt Nam, ưu tiên thực hiện ở những vùng, khu vực có yêu cầu cấp nước sinh hoạt cho nhân dân và cho các nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng, địa phương.
h) Thực hiện việc điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000 đến 1:25.000 đối với nguồn nước liên tỉnh, nguồn nước nội tỉnh, ưu tiên thực hiện ở các đảo lớn quan trọng, các khu vực khan hiếm nước, thiếu nước sinh hoạt; điều tra, tìm kiếm phát hiện nguồn nước dưới đất gắn với phục vụ cấp nước sinh hoạt cho các thôn, xã đặc biệt khó khăn và khó khăn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ, các đảo lớn, quan trọng, các vùng biên giới, vùng dân tộc thiểu số khan hiếm nước, thiếu nước sinh hoạt.
i) Thực hiện việc đánh giá, xác định, cập nhật định kỳ các đặc trưng cơ bản của tài nguyên nước mặt, ưu tiên thực hiện đối với các nguồn nước liên tỉnh, nội tỉnh có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của lưu vực, vùng kinh tế và của địa phương.
k) Thực hiện việc điều tra, thống kê tổng lượng nước trữ được vào cuối mùa lũ đầu mùa cạn hằng năm của các hồ chứa có khả năng điều tiết (điều tiết mùa, năm, nhiều năm), có dung tích từ 3,0 triệu m3 trở lên, các hồ thuộc Danh mục nguồn nước liên tỉnh.
l) Thực hiện việc công bố dòng chảy tối thiểu ở hạ lưu các hồ chứa thủy điện, thủy lợi có quy mô khai thác, sử dụng nước thuộc trường hợp phải có giấy phép khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo quy định.
m) Thực hiện việc điều tra, đánh giá, xác định và công bố dòng chảy tối thiểu; khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ và lập bản đồ phân vùng tiếp nhận nước thải của nguồn nước:
- Đối với các nguồn nước liên tỉnh, liên quốc gia ưu tiên thực hiện trên các lưu vực sông: Bằng Giang - Kỳ Cùng, Mã, Cả, Gianh, Hương, Ba, Trà Khúc và Srêpốk. Các lưu vực sông còn lại căn cứ vào mức độ cấp thiết trên lưu vực, cơ quan có thẩm quyền có thể quyết định việc thực hiện.
- Đối với nguồn nước nội tỉnh ưu tiên cho các nguồn nước cấp cho sinh hoạt, sản xuất công nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, chảy qua các khu đô thị, khu công nghiệp, khu chế xuất và các khu vực trọng điểm về ô nhiễm nguồn nước của địa phương đảm bảo phù hợp với yêu cầu thực tế công tác quản lý, nguồn lực thực hiện của từng địa phương.
2. Giai đoạn 2026 - 2030
a) Tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được phê duyệt trong giai đoạn đến năm 2025 chưa hoàn thành.
b) Xây dựng và duy trì mạng quan trắc tài nguyên nước theo lộ trình đến năm 2030.
c) Xây dựng và duy trì hệ thống cảnh báo, dự báo lũ, lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, nước biển dâng và các tác hại khác do nước gây ra ở những vùng, khu vực đang chịu sự tác động mạnh mẽ của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
d) Xây dựng và tổ chức thực hiện tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia giai đoạn đến năm 2030; lập báo cáo tài nguyên nước quốc gia giai đoạn 2026 - 2030; lập báo cáo sử dụng nước của các bộ, ngành, địa phương hằng năm theo quy định.
đ) Thực hiện việc điều tra, đánh giá tổng hợp tài nguyên nước dưới đất tỷ lệ 1:50.000 đến 1:25.000 đối với nguồn nước liên tỉnh, nguồn nước nội tỉnh ở những vùng, khu vực nước dưới đất có tiềm năng lớn, là đối tượng khai thác chủ yếu để cấp nước cho sinh hoạt, các nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, các đô thị, khu dân cư tập trung.
e) Thực hiện điều tra, đánh giá, xác định và công bố dòng chảy tối thiểu; khả năng tiếp nhận nước thải, sức chịu tải của nguồn nước sông, hồ và lập bản đồ phân vùng tiếp nhận nước thải của nguồn nước trên các sông liên tỉnh, liên quốc gia thuộc các lưu vực sông còn lại và các sông nội tỉnh còn lại của địa phương.
3. Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ theo các giai đoạn, nếu phát sinh các yêu cầu cấp bách về thông tin, số liệu để giải quyết các vấn đề phát sinh trong thực tiễn, cơ quan quản lý nhà nước về tài nguyên nước có thẩm quyền sẽ xem xét, quyết định ưu tiên thực hiện các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính chất đặc thù.
VI. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Hoàn thiện, đổi mới chính sách, cơ chế quản lý, cấp phát, quyết toán kinh phí đối với các hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước phù hợp với Luật Ngân sách theo hướng tăng cường xã hội hóa, nhà nước mua thông tin số liệu điều tra cơ bản tài nguyên nước từ các tổ chức, cá nhân và đảm bảo cơ chế đấu thầu, đặt hàng.
2. Xây dựng cơ chế quản lý, cấp vốn cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên nước bằng nguồn thu từ các hoạt động tài nguyên nước và phí sử dụng thông tin, số liệu tài nguyên nước.
3. Đổi mới, hoàn thiện các quy trình, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, định mức kinh tế - kỹ thuật, đơn giá sản phẩm điều tra cơ bản tài nguyên nước phù hợp với trình độ phát triển và năng lực công nghệ tiên tiến của các nước trong khu vực.
4. Tập trung đầu tư nghiên cứu, lựa chọn các phương pháp, thiết bị, mô hình, công cụ kỹ thuật tiên tiến, hiện đại có độ chính xác cao, sử dụng có hiệu quả trong công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước và phân tích, đánh giá, dự báo diễn biến tài nguyên nước.
5. Xây dựng danh mục các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước ưu tiên đầu tư theo hình thức xã hội hóa, đồng thời có cơ chế để khuyến khích các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư theo hình thức công - tư để cung cấp dịch vụ công.
6. Tăng cường hợp tác quốc tế để tiếp cận các thành tựu khoa học công nghệ về điều tra, đánh giá, dự báo, giám sát tài nguyên nước của các nước tiên tiến, đẩy mạnh ứng dụng các phương pháp, thiết bị, công nghệ, mô hình, công cụ phân tích, đánh giá hiện đại trong công tác điều tra cơ bản tài nguyên nước. Ưu tiên hợp tác quốc tế đối với các quốc gia chung nguồn nước với Việt Nam.
VII. NGUỒN KINH PHÍ THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Kinh phí thực hiện
Kinh phí thực hiện Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước được dự toán khi xây dựng kế hoạch thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước và được thẩm định, phê duyệt cụ thể thông qua các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước.
2. Nguồn kinh phí
Nguồn kinh phí thực hiện Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước gồm:
a) Ngân sách nhà nước: nguồn vốn đầu tư công, nguồn vốn chi sự nghiệp kinh tế, nguồn vốn chi sự nghiệp bảo vệ môi trường.
b) Nguồn vốn hợp pháp từ các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tham gia góp vốn điều tra cơ bản tài nguyên nước theo hình thức công tư hoặc xã hội hóa khác.
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và các địa phương tổ chức thực hiện Quy hoạch này;
b) Tổ chức xây dựng và phê duyệt kế hoạch thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với các nguồn nước liên quốc gia, nguồn nước liên tỉnh, lưu vực sông liên tỉnh;
c) Phê duyệt và tổ chức thực hiện các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được phê duyệt trong kế hoạch và các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính chất đặc thù thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật;
d) Đánh giá tiến độ, chất lượng, hiệu quả của việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ theo Quy hoạch. Công tác đánh giá được tiến hành định kỳ 05 năm một lần, báo cáo Chính phủ, làm căn cứ để tiếp tục triển khai thực hiện.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cân đối kế hoạch vốn từ nguồn đầu tư phát triển để thực hiện Quy hoạch theo quy định pháp luật về đầu tư công.
3. Bộ Tài chính có trách nhiệm cân đối kinh phí chi thường xuyên từ các nguồn vốn chi sự nghiệp kinh tế, nguồn chi sự nghiệp bảo vệ môi trường để thực hiện Quy hoạch theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước.
4. Các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Xây dựng, Giao thông vận tải theo chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng và phê duyệt kế hoạch đối với việc điều tra, thống kê, tổng hợp tình hình sử dụng nước hàng năm, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo theo quy định.
5. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
a) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các bộ, ngành có liên quan để tổ chức rà soát, xây dựng và phê duyệt kế hoạch thực hiện điều tra cơ bản tài nguyên nước đối với các nguồn nước nội tỉnh;
b) Tổ chức thực hiện xây dựng nội dung quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên nước của địa phương lồng ghép trong nội dung Quy hoạch tỉnh theo quy định tại khoản 11 Điều 28 Nghị định số 37/2019/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch và đảm bảo phù hợp với mạng lưới quan trắc tài nguyên nước Trung ương trong Quy hoạch này;
c) Phê duyệt và tổ chức thực hiện các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước đã được phê duyệt trong kế hoạch; các đề án, dự án điều tra cơ bản tài nguyên nước có tính chất đặc thù thuộc thẩm quyền của địa phương;
d) Bố trí các nguồn lực để thực hiện các đề án, dự án điều tra cơ bản trên địa bàn để đảm bảo theo các mục tiêu, nhiệm vụ của Quy hoạch này;
đ) Định kỳ hằng năm báo cáo tình hình và kết quả thực hiện quy hoạch trên địa bàn, gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, tổng hợp.
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Bộ trưởng các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương, Giao thông vận tải, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Quyết định 1748/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Công văn 3437/BTNMT-TNN về đề nghị cung cấp thông tin về kết quả phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 3Công văn 7492/BTNMT-PC năm 2020 thực hiện Nghị quyết về không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 4Quyết định 1383/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Công văn 6683/BTNMT-TNN năm 2021 sửa đổi nội dung Văn bản 1799/BTNMT-TNN do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 6Quyết định 1622/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 7Quyết định 44/QĐ-HĐTĐQH năm 2023 về Kế hoạch tổ chức thẩm định Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ ban hành
- 8Quyết định 161/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1Luật tài nguyên nước 2012
- 2Nghị định 201/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật tài nguyên nước
- 3Luật ngân sách nhà nước 2015
- 4Luật tổ chức Chính phủ 2015
- 5Luật Quy hoạch 2017
- 6Nghị định 37/2019/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quy hoạch
- 7Luật sửa đổi, bổ sung một số Điều của 37 Luật có liên quan đến quy hoạch 2018
- 8Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 9Quyết định 1748/QĐ-TTg năm 2019 về phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Công văn 3437/BTNMT-TNN về đề nghị cung cấp thông tin về kết quả phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước trong năm 2020 do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 11Công văn 7492/BTNMT-PC năm 2020 thực hiện Nghị quyết về không thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và khai thác tài nguyên nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 12Quyết định 1383/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Đề án tổng kiểm kê tài nguyên nước quốc gia, giai đoạn đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 13Công văn 6683/BTNMT-TNN năm 2021 sửa đổi nội dung Văn bản 1799/BTNMT-TNN do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 14Quyết định 1622/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15Quyết định 44/QĐ-HĐTĐQH năm 2023 về Kế hoạch tổ chức thẩm định Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ ban hành
- 16Quyết định 161/QĐ-TTg năm 2024 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Quyết định 432/QĐ-TTg năm 2021 phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 432/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 24/03/2021
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Trịnh Đình Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra