Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/2024/QĐ-UBND

Hà Giang, ngày 04 tháng 10 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CỤ THỂ VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐỐI VỚI TỪNG CHỨC DANH NGƯỜI HOẠT ĐỘNG KHÔNG CHUYÊN TRÁCH Ở XÃ, PHƯỜNG, THỊ TRẤN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

Căn cứ Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang quy định chức danh, kiêm nhiệm chức danh, mức phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và mức phụ cấp kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định cụ thể về quản lý, sử dụng đối với từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Giang (sau đây gọi tắt là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã).

2. Đối tượng áp dụng

a) Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội cấp xã và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến tuyển chọn, quản lý, sử dụng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn tỉnh Hà Giang.

b) Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định tại Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang quy định chức danh, kiêm nhiệm chức danh, mức phụ cấp của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố; mức khoán kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội ở cấp xã; mức hỗ trợ hàng tháng đối với người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố và mức phụ cấp kiêm nhiệm người trực tiếp tham gia hoạt động ở thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Hà Giang (sau đây gọi tắt là Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh).

Điều 2. Tiêu chuẩn chung người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

1. Là công dân Việt Nam, cư trú tại địa phương, có đầy đủ năng lực hành vi dân sự và có đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ được giao;

2. Có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; gương mẫu chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có năng lực tổ chức thực hiện và vận động Nhân dân ở địa phương thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước;

3. Không trong thời gian bị truy cứu trách nhiệm hình sự, chấp hành án phạt tù, cải tạo không giam giữ, quản chế, đang bị áp dụng biện pháp giáo dục tại cấp xã hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh, cơ sở giáo dục.

Điều 3. Tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

1. Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân, Phó Chủ tịch Hội Cựu Chiến binh, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ

a) Độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên;

b) Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

c) Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp Trung cấp trở lên;

2. Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh

a) Độ tuổi: Từ 18 đến 35 tuổi; riêng các trường hợp công tác tại các đơn vị hành chính cấp xã vùng III hoặc đơn vị hành chính biên giới giữ chức danh không quá 37 tuổi;

b) Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

c) Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp Trung cấp trở lên;

3. Chủ tịch Hội Người cao tuổi

a) Độ tuổi: Từ 55 tuổi trở lên;

b) Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

c) Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp Trung cấp trở lên;

4. Phụ trách công tác Tuyên giáo, Dân vận; Nhân viên thú y; Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự; Phụ trách Công tác xã hội và Dân số, kế hoạch hóa gia đình; Phụ trách Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thủy lợi và bảo vệ thực vật; Phụ trách Dân tộc và Tôn giáo; Phụ trách Thông tin liên lạc và đài truyền thanh; Phụ trách Trật tự đô thị.

a) Độ tuổi: Đủ 18 tuổi trở lên;

b) Trình độ giáo dục phổ thông: Tốt nghiệp trung học phổ thông;

c) Trình độ chuyên môn: Tốt nghiệp trung cấp trở lên.

Riêng chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự tốt nghiệp Trung cấp quân sự cơ sở trở lên tại nhà trường quân đội.

5. Ngoài các tiêu chuẩn cụ thể trên đây, người hoạt động không chuyên trách phải đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định của các tổ chức mà mình là thành viên và các quy định pháp luật có liên quan (nếu có).

Điều 4. Nhiệm vụ của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

1. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thực hiện các nhiệm vụ theo quy định tại điều lệ tổ chức mà mình là thành viên, của văn bản pháp luật liên quan và của cấp có thẩm quyền quản lý.

2. Phối hợp, giúp cán bộ, công chức cấp xã thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, đảm bảo các lĩnh vực công tác của cấp ủy, chính quyền địa phương cấp xã đều có người đảm nhiệm, theo dõi thực hiện.

3. Các nhiệm vụ khác theo phân công của người đứng đầu Đảng ủy, Ủy ban nhân dân cấp xã.

Điều 5. Bầu cử, tuyển chọn người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

1. Căn cứ bầu cử, tuyển chọn

Việc tuyển chọn những người hoạt động không chuyên trách phải căn cứ vào chức danh quy định tại Nghị quyết số 28/2023/NQ-HĐND của Hội đồng nhân dân tỉnh; số lượng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã do Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định hằng năm đối với từng huyện, thành phố; các quy định pháp luật có liên quan và quy định tại Quyết định này.

2. Hình thức, quy trình tuyển chọn

a) Các chức danh: Phó Chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra; Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc; Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ; Phó Chủ tịch Hội Nông dân; Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh; Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Chủ tịch Hội Người cao tuổi; Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ: Thực hiện theo Luật, Điều lệ, Quy định, Quy chế, các văn bản hướng dẫn của tổ chức mà người giữ các chức danh này là thành viên và các quy định của văn bản pháp luật có liên quan.

b) Các chức danh: Phụ trách công tác Tuyên giáo, Dân vận; Nhân viên thú y; Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự; Phụ trách Công tác xã hội và Dân số, kế hoạch hóa gia đình; Phụ trách Khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thủy lợi và bảo vệ thực vật; Phụ trách Dân tộc và Tôn giáo; Phụ trách Thông tin liên lạc và đài truyền thanh; Phụ trách Trật tự đô thị: Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện tuyển chọn thông qua xét tuyển đảm bảo tiêu chuẩn quy định tại Điều 3 Quyết định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Riêng Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về quân sự.

3. Quyết định công nhận chức danh và hưởng phụ cấp

Sau khi chuẩn y, tuyển chọn, bổ nhiệm các chức danh theo quy định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành quyết định giữ chức danh, mức phụ cấp đối với từng chức danh.

Quyết định giữ chức danh, mức phụ cấp phải ghi cụ thể chức danh được phân công đảm nhiệm chính, chức danh kiêm nhiệm (nếu có).

Điều 6. Chế độ làm việc và chế độ đào tạo, bồi dưỡng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

1. Thời gian làm việc

Người hoạt động không chuyên trách cấp xã thực hiện thời gian làm việc 05 buổi/tuần đối với người giữ một chức danh, làm việc 08 buổi/tuần đối với người kiêm nhiệm chức danh (một buổi tính bằng ½ ngày làm việc). Ngoài thời gian làm việc theo quy định, người hoạt động không chuyên trách cấp xã thực hiện các nhiệm vụ khác theo phân công của cấp có thẩm quyền quản lý.

2. Chế độ đào tạo, bồi dưỡng

a) Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã được cử đi đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ, bồi dưỡng kỹ năng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ hiện đang đảm nhiệm và vị trí được quy hoạch; khi được cử đi đào tạo, bồi dưỡng thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật.

b) Thẩm quyền cử đi đào tạo, bồi dưỡng: Căn cứ tiêu chuẩn chức danh của người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đang đảm nhiệm và vị trí được quy hoạch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cử người hoạt động chuyên trách cấp xã đi đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

3. Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế.

Điều 7. Đánh giá, xếp loại người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

1. Các chức danh bầu cử tại điểm a khoản 2 Điều 5 Quyết định này thực hiện việc đánh giá, xếp loại theo quy định của điều lệ tổ chức mà các chức danh này là thành viên và quy định của cơ quan có thẩm quyền quản lý. Nội dung, hình thức, quy trình đánh giá, xếp loại áp dụng tương tự như đối với cán bộ cấp xã.

2. Chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã thực hiện trình tự, thủ tục đánh giá, xếp loại theo quy định tại Điều 25 Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ.

3. Các chức danh còn lại do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã đánh giá, xếp loại. Nội dung, hình thức, quy trình đánh giá, xếp loại áp dụng tương tự như đối với công chức cấp xã.

Điều 8. Khen thưởng người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã có thành tích trong việc thực hiện nhiệm vụ thì được xét khen thưởng theo Điều lệ của Đảng, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và quy định của pháp luật về thi đua, khen thưởng.

Điều 9. Xử lý kỷ luật người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

1. Đối với các chức danh bầu cử tại điểm a khoản 2 Điều 5 Quyết định này: Nội dung, hình thức, quy trình xử lý kỷ luật thực hiện theo quy định của điều lệ tổ chức mà các chức danh này là thành viên và áp dụng tương tự như xử lý kỷ luật đối với cán bộ cấp xã.

2. Đối với chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã: Nội dung, hình thức, quy trình xử lý kỷ luật thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về quân sự.

3. Đối với các chức danh còn lại: do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định. Nội dung, hình thức, quy trình xử lý kỷ luật áp dụng tương tự như xử lý kỷ luật đối với công chức cấp xã.

4. Riêng hình thức kỷ luật thì không áp dụng hình thức hạ bậc lương.

Điều 10. Bãi nhiệm, miễn nhiệm và giải quyết thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã

1. Thẩm quyền bãi nhiệm, miễn nhiệm, giải quyết thôi việc

a) Việc bãi nhiệm, miễn nhiệm đối với các chức danh bầu cử tại điểm a khoản 2 Điều 5 Quyết định này áp dụng tương tự như đối với cán bộ cấp xã được quy định tại Điều 26 của Nghị định số 33/2023/NĐ-CP của Chính phủ. Cấp có thẩm quyền quyết định chuẩn y, phê chuẩn kết quả bầu cử có thẩm quyền bãi nhiệm, miễn nhiệm.

b) Chức danh Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp xã việc miễn nhiệm thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành về quân sự.

c) Các chức danh còn lại được xem xét giải quyết thôi việc trong các trường hợp sau: Người tự nguyện xin nghỉ việc được sự đồng ý của cấp có thẩm quyền; Người có 02 năm liên tiếp không hoàn thành nhiệm vụ; Người vi phạm bị đề nghị xử lý kỷ luật bằng hình thức buộc thôi việc; Người được cơ quan, tổ chức cho nghỉ việc để sắp xếp, kiện toàn, bố trí lại số lượng, chức danh người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo yêu cầu của tổ chức. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền quyết định giải quyết thôi việc.

2. Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã bị bãi nhiệm, miễn nhiệm, thôi việc được hưởng chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật có liên quan và quy định của điều lệ tổ chức mà người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã là thành viên.

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1. Trách nhiệm của Sở Nội vụ

a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Quyết định này.

b) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng người hoạt động không chuyên trách theo quy định.

c) Thống kê, báo cáo số lượng, chất lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã trong toàn tỉnh theo quy định.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

a) Triển khai, hướng dẫn việc bố trí, quản lý, sử dụng, đánh giá và thực hiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã theo quy định của pháp luật và nội dung Quyết định này.

b) Hằng năm xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng để tạo nguồn và nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã trên địa bàn huyện.

c) Tổ chức kiểm tra việc thực hiện các quy định đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

d) Giải quyết và chỉ đạo việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

đ) Thống kê, báo cáo số lượng, chất lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã trên địa bàn theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

3. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Tổ chức triển khai, quán triệt Quyết định này đến toàn thể cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; đồng thời triển khai thực hiện tốt các nội dung trong Quyết định này.

b) Xây dựng quy chế làm việc, quản lý và thực hiện chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo đúng quy định.

c) Báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy chỉ đạo, triển khai và tổ chức thực hiện việc tuyển chọn những người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo đúng quy định.

d) Hằng năm, thực hiện rà soát đăng ký nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng; tạo điều kiện cử người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã đi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực, kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch của cơ quan có thẩm quyền.

đ) Thực hiện tuyển chọn, khen thưởng, kỷ luật, bãi nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi việc đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo thẩm quyền.

e) Thực hiện xếp phụ cấp, phụ cấp kiêm nhiệm đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

g) Giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với người hoạt động không chuyên trách cấp xã theo thẩm quyền.

h) Thực hiện thống kê, báo cáo số lượng, chất lượng người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Điều 12. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20 tháng 10 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn; các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 12;
- Bộ Nội vụ;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH khóa XV tỉnh Hà Giang;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ và các đoàn thể tỉnh;
- Các Ban xây dựng đảng Tỉnh ủy;
- Văn phòng UBND tỉnh: LĐVP, CVNCTH,
Trung tâm TT-CB, Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- Sở Tư pháp;
- HĐND, UBND các huyện, thành phố;
- VNPT ioffice;
- Lưu: VT, NCPC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Sơn

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 43/2024/QĐ-UBND quy định cụ thể việc quản lý, sử dụng đối với từng chức danh người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Hà Giang

  • Số hiệu: 43/2024/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 04/10/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Giang
  • Người ký: Nguyễn Văn Sơn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản