Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/2012/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 10 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ CÔNG NHẬN DANH HIỆU “GIA ĐÌNH VĂN HÓA”, “ẤP VĂN HÓA”, “KHU PHỐ VĂN HÓA”; “KHU NHÀ TRỌ VĂN HÓA”; “XÃ ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA NÔNG THÔN MỚI”; “CƠ QUAN ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA”, “ĐƠN VỊ ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA”, “DOANH NGHIỆP ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA” TỈNH BÌNH DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003; Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004; Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua Khen thưởng ngày 14/6/2005;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 08/10/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;

Căn cứ Thông tư số 12/2011/TT-BVHTTDL ngày 10/10/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Thôn văn hóa”, “Làng văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Bản văn hóa”, “Tổ dân phố văn hóa” và tương đương; Thông tư số 17/2011/TT-BVHTTDL ngày 02/12/2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” và Thông tư số 01/2012/TT-BVHTTDL ngày 18/01/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết về tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét và công nhận “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”;

Theo đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 78/TTr-SVHTTDL ngày 26/9/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Khu phố văn hóa”; “Khu nhà trọ văn hóa”; “Xã đạt chuẫn văn hóa nông thôn mới”; “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức, triển khai và kiểm tra thực hiện Quy chế này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các đoàn thể tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp; Lãnh đạo các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Bãi bỏ Quyết định số 186/2006/QĐ-UBND ngày 01/8/2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa, Khu phố (ấp) tiên tiến, Khu phố (ấp) văn hóa, Đơn vị văn hóa và Quyết định số 3581/QĐ-UBND ngày 15/11/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế công nhận danh hiệu Khu nhà trọ văn hóa./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH





Lê Thanh Cung

 

QUY CHẾ

CÔNG NHẬN DANH HIỆU “GIA ĐÌNH VĂN HÓA”, “ẤP VĂN HÓA”, “KHU PHỐ VĂN HÓA”; “KHU NHÀ TRỌ VĂN HÓA”, “XÃ ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA NÔNG THÔN MỚI”; “CƠ QUAN ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA”, “ĐƠN VỊ ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA”, “DOANH NGHIỆP ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA” TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số43/2012/QĐ-UBND ngày 10 / 10 / 2012 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định danh hiệu, tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận Danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Khu phố văn hóa”, “Khu nhà trọ văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa Nông thôn mới”, “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” cho các gia đình, khu nhà trọ; các ấp, khu phố; các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có nhiều thành tích trong thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

2. Đối tượng áp dụng

a) Đối với danh hiệu “Gia đình văn hóa” là hộ gia đình công dân Việt Nam, hiện đang sinh sống tại tỉnh Bình Dương;

b) Đối với danh hiệu “Ấp văn hóa” là các ấp (trực tiếp dưới cấp xã); “Khu phố văn hóa” là các khu phố (trực tiếp dưới cấp phường, thị trấn) - (dưới đây gọi chung là khu dân cư);

c) Đối với danh hiệu “Khu nhà trọ văn hóa” là khu nhà trọ đang sinh hoạt trong Câu lạc bộ Chủ nhà trọ thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động Câu lạc bộ Chủ nhà trọ (tại Quyết định số 2238/QĐ-UBND ngày 29/7/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh);

d) Đối với danh hiệu “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” là các xã trong phạm vi của tỉnh thực hiện theo Chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới;

đ) Đối với danh hiệu “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” là các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có tư cách pháp nhân, có tổ chức Công đoàn cấp cơ sở trở lên (dưới dây gọi chung là cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa);

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân thực hiện theo quy định cụ thể của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an;

e) Các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến trình tự, thủ tục xét và công nhận “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Khu phố văn hóa” (dưới đây gọi chung là “Gia đình văn hóa”; Khu dân cư văn hóa), “Khu nhà trọ văn hóa” “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Cơ quan đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

1. Công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Khu nhà trọ văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” được áp dụng với những trường hợp có đăng ký danh hiệu thi đua và đạt các tiêu chuẩn văn hóa của mỗi danh hiệu được quy định tại Quy chế này.

2. Tuyên truyền, vận động nhân dân nắm vững và tự giác thực hiện tiêu chuẩn công nhận “Gia đình văn hóa”; “Khu dân cư văn hóa”, “Khu nhà trọ văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức, công nhân lao động… nắm vững và tự giác thực hiện tiêu chuẩn công nhận “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.

3. Thống nhất thực hiện nội dung Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” với thực hiện tiêu chuẩn công nhận “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, cụ thể:

a) Đoàn kết xây dựng đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển, chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh;

b) Đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; chăm lo sự nghiệp giáo dục; chăm sóc sức khỏe, thực hiện dân số kế hoạch hóa gia đình;

c) Đoàn kết xây dựng môi trường cảnh quan sạch đẹp;

d) Đoàn kết phát huy dân chủ, chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; xây dựng cơ sở chính trị vững mạnh;

đ) Đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng; phát huy truyền thống “Đền ơn, đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Tương thân, tương ái”.

4. Tiêu chuẩn văn hóa nông thôn mới quy định tại Quy chế này là căn cứ để các địa phương chỉ đạo, thực hiện các tiêu chí văn hóa trong Bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới và các tiêu chí về Phát triển văn hóa nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

5. Công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa gắn với khen thưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có thành tích xuất sắc trong thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.

6. Lấy kết quả công nhận danh hiệu văn hóa là một trong các tiêu chuẩn để bình xét các danh hiệu thi đua của các cá nhân, tập thể, tổ chức hàng năm. Chú trọng công tác khen thưởng, động viên, khuyến khích phong trào phù hợp với Luật Thi đua - Khen thưởng.

7. Việc bình xét, công nhận Danh hiệu “Gia đình văn hóa”; “Khu dân cư văn hóa”, “Khu nhà trọ văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” phải đảm bảo theo nguyên tắc: công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng, kịp thời, chính xác, đúng tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục và có kỳ hạn (tại Phụ lục ban hành kèm theo Quy chế này).

Điều 3. Thẩm quyền, thời hạn công nhận

1. “Gia đình văn hóa” do Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã) công nhận mỗi năm một lần bằng hình thức ghi tên vào Sổ vàng gia đình văn hóa; công nhận và kèm theo Giấy công nhận 03 năm một lần.

2. “Khu dân cư văn hóa” do Chủ tịch UBND cấp xã, công nhận mỗi năm một lần kèm theo Giấy công nhận; “Khu dân cư văn hóa” đạt 03 năm liên tục do Chủ tịch UBND cấp huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là cấp huyện) công nhận và kèm theo Giấy công nhận 03 năm một lần.

3. “Khu nhà trọ văn hóa” do Chủ tịch UBND cấp xã, xem xét, công nhận mỗi năm một lần kèm theo Giấy công nhận trên cơ sở đề nghị của Ban Chỉ đạo cấp xã; Chủ tịch UBND cấp huyện xem xét, công nhận khu nhà trọ đạt danh hiệu văn hóa 03 năm liên tục trên cơ sở đề nghị của Trưởng Ban Chỉ đạo cấp xã; Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, công nhận khu nhà trọ xuất sắc nhất trong số khu nhà trọ 03 năm liên tục đạt danh hiệu Khu nhà trọ văn hóa trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch UBND cấp huyện và đề xuất của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

4. “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” do Chủ tịch UBND cấp huyện công nhận; được thực hiện 02 năm đối với công nhận lần đầu và 05 năm đối với công nhận lại.

5. Các cơ quan, đơn vị (kể cả các cơ quan, đơn vị của Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh) đạt “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” theo quy định của tỉnh do Chủ tịch Liên đoàn Lao động cấp tỉnh công nhận, công nhận lại.

Thời hạn công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa lần đầu là 01 năm trở lên kể từ ngày đăng ký; công nhận lại sau 05 năm, kể từ ngày công nhận lần trước.

6. Thống nhất thực hiện mẫu Giấy công nhận Danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, “Khu nhà trọ văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Mục 1. TIÊU CHUẨN DANH HIỆU “GIA ĐÌNH VĂN HÓA”

Điều 4. Tiêu chuẩn Danh hiệu “Gia đình văn hóa”

1. Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia các phong trào thi đua của địa phương

a) Thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, không vi phạm pháp luật Nhà nước, các quy định của địa phương và quy ước của cộng đồng;

b) Giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; vệ sinh môi trường; nếp sống văn hóa nơi công cộng; bảo vệ di tích lịch sử văn hóa, công trình công cộng và cảnh quan của địa phương; tích cực tham gia các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư;

c) Không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; không sử dụng và lưu hành văn hóa phẩm độc hại; không mắc các tệ nạn xã hội như: ma túy, mại dâm, cờ bạc, mê tín dị đoan; tích cực tham gia bài trừ các tệ nạn xã hội và phòng, chống các loại tội phạm;

d) Tham gia thực hiện đầy đủ các phong trào thi đua do địa phương phát động; tham dự đầy đủ các buổi sinh hoạt, hội họp do Tổ dân cư tổ chức ở cộng đồng.

2. Gia đình hòa thuận, hạnh phúc, tiến bộ, tương trợ giúp đỡ mọi người trong cộng đồng

a) Vợ chồng bình đẳng, thương yêu giúp đỡ nhau tiến bộ; không có bạo lực gia đình dưới mọi hình thức; thực hiện bình đẳng giới; vợ chồng thực hiện sinh con đúng quy định, cùng có trách nhiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan;

b) Gia đình sống nề nếp; ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu thảo hiền; giữ gìn các giá trị văn hóa gia đình truyền thống, tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới về gia đình;

c) Giữ gìn vệ sinh phòng bệnh; nhà ở ngăn nắp; khuôn viên xanh-sạch-đẹp; sử dụng nước sạch, nhà tắm và hố xí hợp vệ sinh; các thành viên trong gia đình có nếp sống lành mạnh, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao; trẻ em được tiêm chủng phòng bệnh; không có trẻ suy dinh dưỡng hoặc bị ngược đãi; phụ nữ có thai đi khám định kỳ, tiêm phòng đủ liều;

d) Tích cực tham gia Chương trình giảm nghèo; đoàn kết tương trợ xóm giềng, giúp đỡ đồng bào hoạn nạn; tích cực hưởng ứng phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” và các hoạt động nhân đạo, từ thiện khác ở cộng đồng.

3. Tổ chức lao động, sản xuất, kinh doanh, công tác, học tập đạt năng suất, chất lượng, hiệu quả

a) Người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; không có trẻ em phải lao động nặng nhọc, trong điều kiện độc hại, nguy hiểm;

b) Có kế hoạch phát triển kinh tế gia đình, chủ động giảm nghèo, năng động làm giàu chính đáng;

c) Thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, không lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè;

d) Kinh tế gia đình ổn định, thực hành tiết kiệm; đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của các thành viên trong gia đình ngày càng nâng cao;

đ) Trẻ em trong độ tuổi đi học đều được đến trường, chăm ngoan, hiếu học để đạt chuẩn phổ cập từ Trung học cơ sở trở lên, không có trẻ em bỏ học.

Điều 5. Hộ gia đình vi phạm một trong các nội dung sau đây không được công nhận gia đình văn hóa (tiêu chuẩn bắt buộc)

1. Không hoàn thành nghĩa vụ công dân (nghĩa vụ quân sự, thuế, phòng chống bão lụt, quỹ quốc phòng an ninh);

2. Có thành viên trong gia đình vi phạm pháp luật (hình sự, hành chính) đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý với mọi hình thức; không chấp hành các quy định về đăng ký tạm trú, tạm vắng, hộ tịch, hộ khẩu;

3. Không chấp hành Quy ước của ấp, khu phố (nơi gia đình đang sinh sống); không treo cờ hoặc treo cờ Tổ quốc không đúng quy định;

4. Vi phạm các quy định về vệ sinh môi trường trong sinh hoạt và sản xuất kinh doanh (gây tác động xấu đến môi trường xung quanh);

5. Tổ chức việc cưới, việc tang xa hoa, lãng phí tạo ra dư luận tiêu cực trong xã hội, cộng đồng; tàng trữ, sử dụng văn hóa phẩm độc hại hoặc kinh doanh dịch vụ văn hóa có nội dung không lành mạnh;

6. Tổ chức hành nghề mại dâm, cờ bạc, ma túy, mê tín dị đoan; có thành viên trong gia đình mắc phải tệ nạn xã hội;

7. Không tham gia đầy đủ các phong trào thi đua và các cuộc họp, sinh hoạt ở tổ, khu dân cư; không đăng ký thực hiện Gia đình văn hóa;

8. Gia đình thường xảy ra cãi vã, bất hòa; con cháu ngược đãi ông bà, cha mẹ; có thành viên trong gia đình sinh con thứ 03 trở lên; có trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng; có trẻ em trong độ tuổi đi học không được đến trường;

9. Hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh trái pháp luật, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè; vi phạm các quy định về phòng chống cháy nổ, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Mục 2. TIÊU CHUẨN DANH HIỆU “ẤP VĂN HÓA”

Điều 6. Tiêu chuẩn Danh hiệu “Ấp văn hóa”

1. Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển

a) Thực hiện tốt Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh;

b) Không có nhà dột nát, nhà tạm; tỷ lệ hộ có nhà bền vững cao hơn mức bình quân chung của tỉnh;

c) Có nhiều hoạt động hiệu quả: về tuyên truyền, phổ biến và ứng dụng khoa học - kỹ thuật; phát triển nghề truyền thống; hợp tác và liên kết phát triển kinh tế;

d) Tỷ lệ lao động có việc làm, thu nhập bình quân đầu người/năm cao hơn mức bình quân chung của tỉnh;

đ) Có trên 80% hộ gia đình tham gia cuộc vận động Xây dựng nông thôn mới; xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội ở cộng đồng.

2. Đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú

a) Nhà Văn hóa - Khu thể thao ấp đạt theo quy định của tỉnh và từng bước đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) Duy trì phong trào văn hóa, thể thao, thu hút 40% trở lên số người dân tham gia, hưởng ứng các hoạt động văn hóa, thể thao ở cộng đồng;

c) Có 80% trở lên hộ gia đình thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; không có người sử dụng và lưu hành văn hóa phẩm độc hại (khiêu dâm, đồi trụy, phản động…); không có người thực hiện hành vi truyền bá và hành nghề mê tín dị đoan; thực hiện tốt Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, không để xảy ra các hành vi bạo lực gia đình;

d) Không phát sinh và tái phạm người mắc tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, cờ bạc…) ở cộng đồng;

đ) Có 90% trở lên hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”, trong đó ít nhất 60% hộ gia đình văn hóa được công nhận 03 năm liên tục trở lên;

e) 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, đạt chuẩn phổ cập giáo dục Trung học cơ sở trở lên; có phong trào “khuyến học”, khuyến tài;

g) Không có hành vi gây lây truyền dịch bệnh; không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người; giảm tỷ lệ trẻ em dưới 05 tuổi bị suy dinh dưỡng hàng năm; trẻ em được tiêm chủng đầy đủ và phụ nữ có thai được khám định kỳ;

h) Thực hiện tốt công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình;

i) Có nhiều hoạt động đoàn kết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và các công trình công cộng; bảo tồn các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống ở địa phương.

3. Môi trường cảnh quan sạch đẹp

a) Có Tổ tự quản về môi trường thường xuyên có hình thức quét dọn vệ sinh, thu gom rác thải về nơi xử lý tập trung theo quy định;

b) 85% hộ gia đình có 03 công trình hợp vệ sinh (nước sạch, nhà tắm, hố xí) đạt chuẩn, cao hơn mức bình quân chung của tỉnh; các cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường.

c) Nhà ở khu dân cư, các công trình công cộng được xây dựng từng bước theo quy hoạch;

d) Thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái; vận động nhân dân xây dựng cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước; cải tạo các ao, hồ sinh thái; trồng cây xanh, không để xảy ra quảng cáo, rao vặt trái pháp luật.

4. Chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

a) Có 90% trở lên hộ gia đình được phổ biến và nghiêm chỉnh thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (hoàn thành các chỉ tiêu về nghĩa vụ quân sự, thuế, đóng góp Quỹ quốc phòng an ninh) và các quy định của địa phương (Quy chế dân chủ ở cơ sở; Quy ước ấp; các quy định về đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký tạm trú tạm vắng; vận động 100% hộ gia đình treo cờ Tổ quốc theo đúng quy định), thực hiện tốt Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, không để xảy ra các hành vi bạo hành trong gia đình;

b) Hoạt động hòa giải có hiệu quả; hầu hết những mâu thuẫn, bất hòa được giải quyết tại cộng đồng;

c) Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; phản ánh kịp thời những đề xuất, kiến nghị của nhân dân; giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở, cộng đồng dân cư; không có khiếu kiện đông người trái pháp luật (khi có kết luận của cơ quan chức năng);

d) Tuyên truyền và tạo điều kiện cho nhân dân ở khu dân cư tham gia giám sát hoạt động cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ công chức Nhà nước; tham gia xây dựng chi bộ Đảng, chính quyền đạt danh hiệu “Trong sạch, vững mạnh”; Ban công tác Mặt trận, các tổ chức đoàn thể đạt danh hiệu tiên tiến, khá trở lên hàng năm; các tổ chức tự quản ở cộng đồng hoạt động có hiệu quả.

5. Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ nhau trong cộng đồng

a) Thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước, phát triển phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”,“Uống nước nhớ nguồn” nhằm chăm sóc các gia đình chính sách, người có công với cách mạng để có mức sống bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung của tỉnh;

b) Thực hiện tốt các hoạt động “Nhân đạo từ thiện”, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, gia đình khó khăn, người già cô đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam - dioxin và những người bất hạnh.

Điều 7. Ấp vi phạm một trong các nội dung sau đây không được công nhận “Ấp văn hóa” (tiêu chuẩn bắt buộc)

1. Không đạt chỉ tiêu về giảm hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mức bình quân chung của tỉnh; còn nhà dột nát, nhà tạm;

2. Có người sử dụng và lưu hành văn hóa phẩm độc hại (khiêu dâm, đồi trụy, phản động); có người thực hiện hành vi truyền bá và hành nghề mê tín dị đoan…đã bị cấp có thẩm quyền xử lý nhưng ấp không phát hiện hoặc không báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý;

3. Phát sinh mới người nghiện ma túy, số người nghiện ma túy cũ không giảm; có tụ điểm sử dụng, mua bán trái phép các chất ma túy; có tụ điểm mại dâm, cờ bạc… bị cấp có thẩm quyền xử lý nhưng không được ấp phát hiện hoặc báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý;

4. Có người của ấp không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, đào ngũ; có trọng án hình sự xảy ra trên địa bàn (đối tượng gây án là người của ấp); có trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, tính mạng;

5. Có trẻ em trong độ tuổi đi học không được đến trường;

6. Để xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm đông người nhưng không được ấp phát hiện hoặc báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý;

7. Có 02 hộ sinh con thứ ba trở lên (đối với ấp có dưới 500 hộ dân) và có 03 hộ sinh con thứ ba trở lên (đối với ấp có trên 500 hộ dân);

8. Có hộ gia đình vi phạm các quy định về vệ sinh môi trường trong sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh; bãi rác nơi công cộng không được thu gom kịp thời; có tụ điểm kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè;

9. Vi phạm trình tự, thủ tục xét và công nhận các danh hiệu quy định tại Điều 23 của Quy chế này, không đăng ký xây dựng ấp văn hóa.

Điều 8. Ấp vi phạm một trong những nội dung quy định tại Điều 7 của Quy chế này nhưng ấp đã thể hiện tốt tinh thần phòng ngừa, có biện pháp đấu tranh ngăn chặn; chủ động phát hiện, cung cấp thông tin, tài liệu và phối hợp các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm (được chính quyền địa phương xác nhận) thì vẫn được xét công nhận danh hiệu.

Mục 3. TIÊU CHUẨN DANH HIỆU “KHU PHỐ VĂN HÓA”

Điều 9. Tiêu chuẩn Danh hiệu “Khu phố văn hóa”

1. Đời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển

a) Thực hiện tốt Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, tỷ lệ hộ nghèo thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh;

b) Không có nhà dột nát, nhà tạm; tỷ lệ hộ có nhà bền vững cao hơn mức bình quân của cấp tỉnh;

c) Đạt tỷ lệ trên 80% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định; thu nhập bình quân đầu người/năm cao hơn mức bình quân của cấp tỉnh;

d) Có nhiều hoạt động hiệu quả: về tuyên truyền, phổ biến và ứng dụng khoa học - kỹ thuật; phát triển nghề truyền thống; hợp tác và liên kết phát triển kinh tế.

2. Có đời sống văn hóa lành mạnh, phong phú

a) Xây dựng nhà văn hóa, sân thể thao phù hợp với điều kiện của khu phố; có điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao và vui chơi giải trí dành cho người lớn và trẻ em; Duy trì phong trào văn hóa, thể thao thu hút 60% trở lên người dân tham gia, hưởng ứng các hoạt động văn hóa, thể thao ở cộng đồng;

b) Có 90% trở lên hộ gia đình thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; nếp sống văn minh đô thị; không có người thực hiện hành vi truyền bá và hành nghề mê tín dị đoan;

c) Không phát sinh và không có người tái phạm tệ nạn xã hội ở cộng đồng; không có người sử dụng và lưu hành văn hóa phẩm độc hại;

d) Có 90% trở lên hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa”, trong đó ít nhất 60% gia đình văn hóa được công nhận 3 năm liên tục trở lên;

đ) 100% trẻ em trong độ tuổi đi học được đến trường, đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở trở lên; có phong trào “khuyến học”, khuyến tài;

e) Không để xảy ra lây truyền dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm đông người; không có trẻ em bị suy dinh dưỡng; 100% trẻ em được tiêm chủng mở rộng và phụ nữ có thai được khám định kỳ;

g) Thực hiện tốt công tác dân số, kế hoạch hoá gia đình;

h) Đoàn kết giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh và các công trình công cộng; bảo tồn các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao dân gian truyền thống ở địa phương.

3. Môi trường cảnh quan sạch đẹp

a) Không lấn chiếm lòng đường, hè phố; không gây cản trở giao thông, không đặt biển quảng cáo, rao vặt trái pháp luật, không làm mái che, cơi nới gây mất mỹ quan đô thị;

b) Nhà ở khu dân cư và các công trình công cộng được xây dựng theo quy hoạch, đúng quy định pháp luật về xây dựng, kiến trúc hài hòa cảnh quan đô thị;

c) Thường xuyên tuyên truyền, nhắc nhở, nâng cao ý thức của người dân về bảo vệ môi trường sinh thái; không xả nước thải và vứt rác ra đường; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn đạt tiêu chuẩn về môi trường; bảo vệ hệ thống thoát nước; có điểm thu gom và xử lý rác thải về nơi quy định.

4. Chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

a) Có 95% trở lên hộ gia đình được phổ biến và nghiêm chỉnh thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (hoàn thành các chỉ tiêu về nghĩa vụ quân sự, thuế, quỹ quốc phòng an ninh…) và các quy định của địa phương (Quy chế dân chủ ở cơ sở; Quy ước khu phố; các quy định về đăng ký hộ tịch, hộ khẩu, đăng ký tạm trú tạm vắng; vận động 100% hộ gia đình treo cờ Tổ quốc theo đúng quy định); thực hiện tốt Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, không để xảy ra các hành vi bạo hành trong gia đình;

b) Hoạt động hòa giải có hiệu quả, hầu hết những mâu thuẫn bất hòa được giải quyết tại cộng đồng;

c) Đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở; phản ánh kịp thời những đề xuất, kiến nghị của nhân dân, giải quyết những vấn đề bức xúc ở cơ sở; không có khiếu kiện đông người trái pháp luật; tích cực tham gia phòng chống tội phạm, ma túy, mại dâm, AIDS, văn hóa phẩm độc hại; không để trọng án hình sự xảy ra trên địa bàn;

d) Tuyên truyền và tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân ở khu phố tham gia giám sát hoạt động cơ quan Nhà nước, đại biểu dân cử, cán bộ công chức Nhà nước; tham gia xây dựng chi bộ Đảng, chính quyền đạt danh hiệu “Trong sạch, vững mạnh”; Ban công tác Mặt trận và các tổ chức đoàn thể đạt danh hiệu tiên tiến hoặc loại khá trở lên hàng năm; các tổ chức tự quản ở cộng đồng hoạt động có hiệu quả.

5. Có tinh thần đoàn kết, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng

a) Thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước, phát triển phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhằm chăm sóc các gia đình chính sách, người có công với cách mạng để có mức sống bằng hoặc cao hơn mức bình quân chung của tỉnh;

b) Thực hiện tốt các hoạt động “Nhân đạo từ thiện”, giúp đỡ đồng bào bị thiên tai, gia đình khó khăn, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, người tàn tật, nạn nhân chất độc da cam-dioxin và những người bất hạnh.

Điều 10. Khu phố vi phạm một trong các nội dung sau đây không được công nhận “Khu phố văn hóa” (tiêu chuẩn bắt buộc)

1. Không đạt chỉ tiêu về giảm hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cao hơn mức bình quân chung của tỉnh; còn nhà dột nát, nhà tạm;

2. Có người sử dụng, kinh doanh văn hóa phẩm độc hại (khiêu dâm, đồi trụy, phản động); có người thực hiện hành vi truyền bá và hành nghề mê tín dị đoan…đã bị cấp thẩm quyền xử lý nhưng Khu phố không phát hiện hoặc không báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý;

3. Phát sinh mới và tái phạm người nghiện ma túy, số người nghiện ma túy cũ không giảm; có tụ điểm sử dụng, mua bán trái phép các chất ma túy; có tụ điểm mại dâm, cờ bạc bị cấp có thẩm quyền xử lý nhưng không được Khu phố phát hiện hoặc báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý;

4. Có người của Khu phố không chấp hành lệnh gọi nhập ngũ, đào ngũ; có trọng án hình sự xảy ra trên địa bàn (đối tượng gây án là người của Khu phố); có trẻ em bị bạo lực xâm hại tình dục, tính mạng;

5. Có trẻ em trong độ tuổi đi học không được đến trường;

6. Để xảy ra dịch bệnh, ngộ độc thực phẩm đông người nhưng không được khu phố phát hiện, báo cáo kịp thời với các cơ quan chức năng để phối hợp xử lý;

7. Có 02 hộ sinh con thứ ba trở lên (đối với khu phố có dưới 500 hộ dân) và có 03 hộ sinh con thứ ba trở lên (đối với khu phố có trên 500 hộ dân);

8. Có hộ gia đình vi phạm các quy định về vệ sinh môi trường trong sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh; bãi rác nơi công cộng không được thu gom kịp thời; có tụ điểm kinh doanh lấn chiếm lòng đường, vỉa hè;

9. Vi phạm trình tự, thủ tục xét và công nhận các danh hiệu quy định tại Điều 23 của Quy chế này, không đăng ký xây dựng khu phố văn hóa.

Điều 11. Khu phố vi phạm một trong những nội dung quy định tại điều 10 của Quy chế này nhưng khu phố đã thể hiện tốt tinh thần phòng ngừa, có biện pháp đấu tranh ngăn chặn; chủ động phát hiện cung cấp thông tin, tài liệu và phối hợp các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm (được chính quyền địa phương xác nhận) thì vẫn được xét công nhận Danh hiệu.

Mục 4. TIÊU CHUẨN DANH HIỆU “KHU NHÀ TRỌ VĂN HÓA”

Điều 12. Tiêu chuẩn Danh hiệu “Khu nhà trọ văn hóa”

1. Chấp hành tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước

a) Đối với Chủ khu nhà trọ và người ở trọ

- Thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước;

- Tích cực tham gia phong trào phòng, chống tội phạm, ma túy, mại dâm, AIDS, văn hóa phẩm độc hại và các tệ nạn xã hội khác. Phòng, chống bạo lực gia đình trong khu nhà trọ, không để trọng án hình sự xảy ra trong khu nhà trọ.

b) Đối với Chủ khu nhà trọ

- Đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội trong khu nhà trọ;

- Thực hiện tốt công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật, quy chế, nội quy, các quy định về đăng ký tạm trú, tạm vắng trong khu nhà trọ;

- Có giấy phép kinh doanh do UBND cấp huyện cấp.

2. Môi trường cảnh quan sạch đẹp

a) Đối với Chủ khu nhà trọ và người ở trọ

Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, phòng ở; lối đi sạch sẽ, để rác đúng nơi quy định.

b) Đối với Chủ khu nhà trọ

- Đảm bảo 100% người ở trọ được sử dụng nước sạch, có nhà tắm, nhà tiêu tự hoại hợp vệ sinh; không để dịch, bệnh xảy ra trong khu nhà trọ;

- Phòng trọ thoáng mát, khang trang, vệ sinh; đảm bảo điện, nước sinh hoạt cho người ở trọ, thực hiện tốt các quy định về phòng, chống cháy nổ và các quy định có liên quan trong kinh doanh nhà trọ.

3. Đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, phong phú

a) Đối với Chủ khu nhà trọ và người ở trọ

- Thực hiện tốt nếp sống văn minh trong sinh hoạt cộng đồng.

- Thực hiện tốt chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình; không có trường hợp sinh con thứ 03 trở lên.

b) Đối với Chủ khu nhà trọ

- Có địa điểm để người ở trọ tổ chức sinh hoạt cộng đồng.

- Khuyến khích trang bị tủ sách, giỏ đựng tờ rơi, tài liệu tuyên truyền pháp luật, phương tiện nghe nhìn phục vụ người ở trọ sinh hoạt trong thời gian rỗi.

4. Có tinh thần đoàn kết, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong cộng đồng

a) Đối với Chủ khu nhà trọ và người ở trọ

Tham gia đóng góp các quỹ trợ vốn, hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau trong khó khăn hoạn nạn.

b) Đối với Chủ khu nhà trọ

Thực hiện tốt công tác hòa giải các vụ tranh chấp phát sinh trong khu nhà trọ.

Điều 13. Khu nhà trọ vi phạm một trong các nội dung sau đây không được xem xét, công nhận khu nhà trọ văn hóa (tiêu chuẩn bắt buộc)

1. Vi phạm trình tự, thủ tục xét và công nhận danh hiệu quy định tại Điều 24 của Quy chế này; không đăng ký xây dựng khu nhà trọ văn hóa, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do UBND cấp huyện cấp.

2. Có phòng trọ vi phạm các quy định về vệ sinh môi trường trong sinh hoạt, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường chung quanh, không có địa điểm để rác thải trong khu nhà trọ.

3. Có 01 trường hợp sinh con thứ 03 trở lên đối với khu nhà trọ có từ 100 đến dưới 200 phòng trọ, có 02 trường hợp sinh con thứ 03 trở lên đối với khu nhà trọ có từ 200 đến dưới 300 phòng trọ, có 03 trường hợp sinh con thứ 03 trở lên đối với khu nhà trọ có từ 300 phòng trọ trở lên; hoặc có hành vi bạo lực trong gia đình (đã bị cấp có thẩm quyền xử lý).

4. Có người vi phạm pháp luật hình sự, hành chính về lĩnh vực an ninh trật tự, các tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, cờ bạc, mê tín dị đoan) đã bị cơ quan có thẩm quyền xử lý với mọi hình thức; có tụ điểm ma túy, mại dâm, cờ bạc, có người hoạt động mê tín dị đoan; sử dụng, kinh doanh, lưu hành tuyên truyền, phát tán các loại văn hóa phẩm đồi trụy trong khu nhà trọ.

Điều 14. Khu nhà trọ vi phạm một trong những nội dung quy định tại Điều 13 của Quy chế này nhưng khu nhà trọ đã thể hiện tốt tinh thần đấu tranh, phòng ngừa, có biện pháp ngăn chặn; chủ động phát hiện cung cấp thông tin, tài liệu và phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý (được chính quyền địa phương xác nhận) thì tùy theo tính chất, mức độ có thể xem xét công nhận danh hiệu.

Mục 5. TIÊU CHUẨN XÉT VÀ CÔNG NHẬN “XÃ ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA NÔNG THÔN MỚI”

Điều 15. Tiêu chuẩn “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”

1. Giúp nhau phát triển kinh tế

a) Thực hiện tốt Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”; giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống dưới mức bình quân chung của huyện hàng năm;

b) Không có nhà dột nát, nhà tạm;

c) Có 80% trở lên hộ gia đình (làm nông nghiệp) trong xã được tuyên truyền, phổ biến khoa học - kỹ thuật về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp;

d) Có 70% trở lên hộ gia đình tham gia các hình thức hợp tác phát triển kinh tế;

đ) Có nhiều hoạt động phát triển sản xuất kinh doanh, thu hút lao động việc làm, nâng cao thu nhập của người dân.

2. Nâng cao chất lượng xây dựng “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa”

a) Có 60% trở lên hộ gia đình được công nhận “Gia đình văn hóa” 03 năm trở lên;

b) Có 70% trở lên hộ gia đình cải tạo được vườn tạp, không để đất hoang, khuôn viên nhà ở xanh, sạch, đẹp;

c) Có 30% trở lên hộ gia đình phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập từ sản xuất nông nghiệp hàng hóa và dịch vụ nông thôn;

d) Có 50% trở lên ấp được công nhận và giữ vững danh hiệu “Ấp văn hóa” liên tục từ 05 năm trở lên;

đ) Có 70% trở lên ấp văn hóa vận động được nhân dân đóng góp xây dựng và nâng cấp cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội ở cộng đồng; có từ 40% trở lên Ấp đạt chuẩn cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - kỹ thuật nông thôn mới.

3. Xây dựng thiết chế và phong trào văn hóa, thể thao cơ sở

a) Trung tâm Văn hóa - Thể thao xã có cơ sở vật chất, trang thiết bị bảo đảm; ổn định về tổ chức; hoạt động thường xuyên, hiệu quả; từng bước đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

b) 100% ấp có văn phòng, có tụ điểm sinh hoạt văn hóa thể thao, phấn đấu từng bước xây dựng Nhà văn hóa - Khu thể thao đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

c) 100% ấp duy trì được phong trào sinh hoạt Câu lạc bộ; phong trào văn hóa, văn nghệ và thể thao quần chúng. Hằng năm, xã tổ chức được Liên hoan văn nghệ quần chúng và thi đấu các môn thể thao ít nhất 02 lần/năm; thu hút 40% người dân của xã tham gia thường xuyên vào các hoạt động văn hóa, thể thao, trong đó có 30% người dân của xã luyện tập thể dục, thể thao thường xuyên;

d) Di tích lịch sử-văn hóa, cảnh quan thiên nhiên được bảo vệ; các hình thức sinh hoạt văn hóa, thể thao truyền thống và thuần phong mỹ tục của địa phương được bảo tồn;

đ) Trên 90% cán bộ văn hóa - thể thao được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn về nghiệp vụ.

4. Xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa nông thôn

a) 90% trở lên hộ gia đình thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội theo quy định của tỉnh;

b) Xây dựng và thực hiện tốt nếp sống văn minh nơi công cộng, trong các sinh hoạt tập thể, cộng đồng; không có tệ nạn xã hội phát sinh, giảm mạnh các tệ nạn xã hội hiện có;

c) 100% ấp có Tổ tự quản về môi trường, thường xuyên có hình thức tổ chức quét dọn, thu gom rác thải về nơi quy định. Xã tổ chức tốt việc xử lý rác thải tập trung theo quy chuẩn về môi trường; vận động người dân thực hiện việc chôn cất tại nghĩa trang theo quy hoạch;

d) Đạt chất lượng, hiệu quả thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; phòng chống tội phạm; bảo vệ an ninh trật tự an toàn xã hội; đền ơn đáp nghĩa; nhân đạo từ thiện; an toàn giao thông và các phong trào văn hóa-xã hội khác ở nông thôn.

5. Chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

a) 90% trở lên người dân được phổ biến và nghiêm chỉnh thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương;

b) 90% trở lên hộ gia đình nông dân tham gia thực hiện cuộc vận động xây dựng nông thôn mới; tham gia xây dựng cơ sở vật chất hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn mới;

c) 100% ấp xây dựng và thực hiện hiệu quả Quy ước cộng đồng, Quy chế dân chủ ở cơ sở; không có khiếu kiện đông người, trái pháp luật (khi có kết luận của cơ quan chức năng);

d) Các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch được xây dựng theo quy hoạch và quản lý theo pháp luật; không tàng trữ và lưu hành văn hóa phẩm có nội dung độc hại.

Điều 16: Xã vi phạm một trong các nội dung sau đây không được công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” (tiêu chuẩn bắt buộc)

1. Không đạt chỉ tiêu về giảm hộ nghèo theo kế hoạch hàng năm của tỉnh; còn nhà dột nát, nhà tạm.

2. Có phát sinh mới tệ nạn xã hội, không giảm các tệ nạn xã hội hiện có, như: có người mới nghiện ma túy, số người nghiện ma túy cũ không giảm; có tụ điểm sử dụng, mua bán trái phép các chất ma túy; có tụ điểm mại dâm, cờ bạc…;

3. Có người của xã không chấp hành lệnh nhập ngũ; có trọng án hình sự xảy ra trên địa bàn (đối tượng gây án là người của xã); có trẻ em bị bạo lực, xâm hại tình dục, tính mạng.

4. Không tổ chức tốt việc xử lý rác thải tập trung theo quy chuẩn về môi trường; không thực hiện việc xây dựng và quản lý nghĩa trang theo quy hoạch.

5. Có người sử dụng, kinh doanh văn hóa phẩm độc hại (khiêu dâm, đồi trụy, phản động…); thực hiện hành vi truyền bá và hành nghề mê tín dị đoan…

6. Có khiếu kiện đông người, trái pháp luật (có kết luận của cơ quan chức năng).

7. Có tổ chức cơ sở Đảng, Mặt trận, đoàn thể xếp loại trung bình hoặc yếu;

8. Vi phạm trình tự, thủ tục, điều kiện xét và công nhận danh hiệu quy định tại Điều 25 của Quy chế này, không đăng ký xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”.

Điều 17. Xã vi phạm một trong những nội dung quy định tại Điều 16 của Quy chế này nhưng xã đã thể hiện tốt tinh thần phòng ngừa, có biện pháp ngăn chặn, chủ động xử lý thì vẫn được xét công nhận danh hiệu.

Mục 6. TIÊU CHUẨN XÉT VÀ CÔNG NHẬN “CƠ QUAN VĂN HÓA”, “ĐƠN VỊ ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA”, “DOANH NGHIỆP ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA”

Điều 18. Tiêu chuẩn công nhận “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”

1. Hoàn thành tốt nhiệm vụ

a) Có phong trào thi đua thường xuyên, thiết thực, hiệu quả; có trên 90% cán bộ, công chức, viên chức hoàn thành tốt nhiệm vụ, trong đó có trên 65% hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chuyên môn, kế hoạch công tác hàng năm;

b) Nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ công phù hợp với chức năng, nhiệm vụ được giao;

c) Có sáng kiến, cải tiến quản lý; kinh nghiệm được áp dụng vào thực tiễn nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc;

d) Hoạt động không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh;

đ) Tổ chức lực lượng bảo vệ an ninh trật tự và bảo vệ tài sản cơ quan, đơn vị không để xảy ra mất mát tài sản công; không để cháy nổ;

e) 70% trở lên cán bộ, công chức, viên chức thường xuyên nghiên cứu nâng cao trình độ, tự học hoặc theo học các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ;

g) Thực hiện tốt nghĩa vụ và đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật; cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn thể… thực hiện tốt tác phong, thái độ làm việc phục vụ nhân dân, không gây phiền hà, sách nhiễu nhân dân.

2. Thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa công sở.

a) 95% trở lên cán bộ, công chức, viên chức không vi phạm các quy định về thực hiện nếp sống văn minh, thực hành tiết kiệm trong việc cưới, việc tang và lễ hội;

b) Khuôn viên làm việc của cơ quan, đơn vị xanh-sạch-đẹp, an toàn; bố trí cột cờ, sơ đồ phòng làm việc, các bảng thông báo, lịch làm việc… theo đúng quy định; không hút thuốc lá trong phòng làm việc; không uống rượu, bia trong giờ làm việc, trang phục gọn gàng, lịch sự;

c) Không có người vi phạm pháp luật hình sự, hành chính về lĩnh vực an toàn giao thông và mắc các tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, cờ bạc…); không có người sử dụng, tàng trữ, lưu hành văn hóa phẩm độc hại; không có người tuyên truyền và thực hiện các hành vi mê tín dị đoan;

d) Cơ quan, đơn vị tạo điều kiện và trang bị cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động để nâng cao đời sống văn hóa cho cán bộ, công chức, viên chức; 100% cán bộ, công chức, viên chức hưởng ứng và tham gia phong trào văn hóa, thể dục thể thao do cơ quan, đơn vị và cấp trên tổ chức;

đ) Sinh hoạt cơ quan, đơn vị nề nếp; thực hiện tốt nội quy, quy chế làm việc; quy chế dân chủ ở cơ sở; nội bộ đoàn kết, giúp nhau cùng tiến bộ.

3. Gương mẫu chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

a) 100% cán bộ, công chức, viên chức nắm vững, chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương;

b) Cơ quan, đơn vị chấp hành nghiêm chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương nơi cơ quan, đơn vị hoạt động;

c) Không có người vi phạm pháp luật phải xử lý từ hình thức cảnh cáo trở lên; cơ quan an toàn, an ninh trật tự; không có khiếu kiện vượt cấp, trái pháp luật;

d) Thực hiện tốt cải cách hành chính; quản lý và sử dụng có hiệu quả ngân sách Nhà nước và các nguồn kinh phí được giao; không để xảy ra lãng phí, tham nhũng; tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Điều 19. Cơ quan, đơn vị vi phạm một trong các nội dung sau đây sẽ không được công nhận Cơ quan, Đơn vị đạt đạt chuẩn văn hóa (tiêu chuẩn bắt buộc)

1. Không hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, kế hoạch công tác năm;

2. Có trường hợp sinh con thứ 03 (01 trường hợp đối với cơ quan, đơn vị có dưới 300 cán bộ, công nhân, viên chức, lao động; có 02 trường hợp sinh con thứ 03 đối với cơ quan, đơn vị có từ 300 đến dưới 500 cán bộ, công nhân, viên chức, lao động; có 03 trường hợp sinh con thứ 03 đối với cơ quan, đơn vị có từ 500 cán bộ, công nhân, viên chức, lao động trở lên);

3. Không đạt tiêu chuẩn về cơ quan đơn vị an toàn; có xảy ra cháy nổ; để xảy ra đình công trái luật; vi phạm các quy định về vệ sinh môi trường, gây ảnh hưởng xấu đến môi trường xung quanh;

4. Có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm pháp luật hình sự, hành chính, an toàn giao thông và các tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, cờ bạc, mê tín dị đoan…) bị xử lý từ hình thức cảnh cáo trở lên; sử dụng, tàng trữ, lưu hành văn hóa phẩm độc hại; tuyên truyền và thực hiện các hành vi mê tín dị đoan mà không được cơ quan, đơn vị phát hiện xử lý;

5. Có cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nghĩa vụ và đạo đức theo quy định của pháp luật, của cơ quan, đơn vị;

6. Đối với cơ quan Đảng, Nhà nước, Đoàn thể, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, đơn vị lực lượng vũ trang; không đạt chỉ tiêu 100% gia đình cán bộ, công chức, viên chức được công nhận gia đình văn hóa; có trường hợp gia đình cán bộ, công chức, viên chức sinh con thứ 03;

7. Tổ chức Công đoàn xếp loại trung bình hoặc yếu kém;

8. Vi phạm trình tự, thủ tục xét và công nhận Cơ quan, Đơn vị văn hóa quy định tại Điều 26 của Quy chế này.

Điều 20. Tiêu chuẩn công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”

1. Sản xuất, kinh doanh ổn định và từng bước phát triển

a) Hoàn thành chỉ tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh đề ra hàng năm;

b) Thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp có uy tín trên thị trường;

c) Cải tiến quản lý, đổi mới công nghệ, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giảm chi phí gián tiếp; phân công lao động hợp lý;

d) 70% trở lên công nhân thường xuyên được tập huấn, nâng cao tay nghề; lao động có kỷ luật, năng suất, chất lượng và hiệu quả.

2. Thực hiện nếp sống văn minh, môi trường văn hóa doanh nghiệp

a) Có quan hệ lao động hài hòa, tiến bộ giữa người lao động và người sử dụng lao động;

b) Xây dựng và thực hiện tốt nội quy lao động; đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động, vệ sinh an toàn thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm đông người (từ 30 người trở lên) thực hiện tốt công tác phòng chống cháy nổ;

c) 70% trở lên người sử dụng lao động và người lao động thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;

d) Không mắc các tệ nạn xã hội; không sử dụng, tàng trữ, luân chuyển các sản phẩm văn hóa độc hại; đảm bảo trật tự, an ninh, an toàn xã hội;

đ) Thực hiện tốt quy định về bảo vệ môi trường; hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải đạt chuẩn theo quy định; khuôn viên doanh nghiệp xanh, sạch, đẹp;

e) Không hút thuốc lá trong phòng làm việc; không uống rượu, bia trong giờ làm việc.

3. Nâng cao đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người lao động

a) 70% trở lên công nhân có việc làm thường xuyên, thu nhập ổn định;

b) Tạo thuận lợi cho công nhân về nơi làm việc, nhà ở, nhà trẻ, mẫu giáo, sinh hoạt đoàn thể; hỗ trợ công nhân lúc khó khăn, hoạn nạn;

c) Doanh nghiệp có thiết chế văn hóa hoặc tạo điều kiện và trang bị cơ sở vật chất, phương tiện hoạt động để nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân lao động, thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, tham quan du lịch và vui chơi giải trí cho công nhân lao động.

4. Nghiêm chỉnh chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước

a) 100% người sử dụng lao động và công nhân lao động được phổ biến các chính sách, pháp luật trong lĩnh vực có liên quan bằng nhiều hình thức;

b) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước; tích cực tham gia Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, “Nhân đạo, từ thiện” và các cuộc vận động xã hội khác;

c) Thực hiện nghiêm mọi chế độ, chính sách, quyền lợi hợp pháp của công nhân theo các quy định của pháp luật;

d) Sản xuất, kinh doanh, cạnh tranh lành mạnh theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Doanh nghiệp vi phạm một trong các nội dung sau đây sẽ không được công nhận “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” (tiêu chuẩn bắt buộc)

1. Không hoàn thành chỉ tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh đề ra hàng năm;

2. Để xảy ra đình công trái pháp luật khi có kết luận của cơ quan chức năng;

3. Vi phạm các quy định đảm bảo an toàn lao động, vệ sinh lao động, vi phạm về phòng chống cháy nổ, để xảy ra cháy nổ; vi phạm các quy định về an toàn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng.

4. Có trường hợp cán bộ, công nhân lao động vi phạm pháp luật hình sự, hành chính và mắc các tệ nạn xã hội (ma túy, mại dâm, cờ bạc) sử dụng, tàng trữ, luân chuyển các sản phẩm văn hóa độc hại và tuyên truyền, thực hiện các hành vi mê tín dị đoan bị cơ quan có thẩm quyền xử lý với mọi hình thức. Có 01 trường hợp dưới 300 cán bộ, công nhân lao động; 02 trường hợp từ 300 đến dưới 500 cán bộ, công nhân lao động có 03 trường hợp trên 500 cán bộ, công nhân lao động sinh con thứ 03 trở lên;

5. Vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường; không có hệ thống thu gom, xử lý nước thải, rác thải đạt chuẩn theo quy định pháp luật;

6. Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước;

7. Không thực hiện nghiêm mọi chế độ, chính sách, quyền lợi hợp pháp của công nhân theo các quy định của pháp luật;

8. Tổ chức Công đoàn xếp loại trung bình hoặc yếu kém;

9. Vi phạm trình tự, thủ tục xét và công nhận các danh hiệu quy định tại Điều 26 của Quy chế này.

Chương III

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, HỒ SƠ CÔNG NHẬN DANH HIỆU “GIA ĐÌNH VĂN HÓA”, “KHU DÂN CƯ VĂN HÓA”, ‘KHU NHÀ TRỌ VĂN HÓA’, “XÃ ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA NÔNG THÔN MỚI”, “CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, DOANH NGHIỆP ĐẠT CHUẨN VĂN HÓA”

Điều 22. Trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”

1. Trình tự, thủ tục

a) Hộ gia đình đăng ký xây dựng Gia đình văn hóa với Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư vào dịp tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết dân tộc (18/11 hàng năm). Đại diện gia đình ký tên vào Sổ đăng ký gia đình văn hóa của khu dân cư;

b) Trên cơ sở hộ gia đình tự chấm điểm theo các tiêu chí trong Bảng chấm điểm Gia đình văn hóa, Trưởng Ban vận động (trưởng ấp, trưởng khu phố) ở khu dân cư chủ trì phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận họp khu dân cư, bình bầu gia đình văn hóa;

c) Căn cứ vào biên bản họp bình xét ở khu dân cư, Trưởng ban Chỉ đạo cấp xã, đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định công nhận “Gia đình văn hóa” hàng năm trước ngày 31/10 hàng năm.

Thời gian giải quyết là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ;

d) Căn cứ quyết định công nhận “Gia đình văn hóa” hàng năm, Trưởng Ban chỉ đạo cấp xã đề nghị Chủ tịch UBND cấp xã ra quyết định công nhận và cấp Giấy công nhận “Gia đình văn hóa” 03 năm liên tục.

Thời gian giải quyết là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

2. Hồ sơ

a) Bản đăng ký xây dựng danh hiệu “Gia đình văn hóa” của các hộ gia đình;

b) Biên bản họp bình xét ở khu dân cư, kèm theo danh sách những gia đình được đề nghị công nhận “Gia đình văn hóa” (có trên 50% trở lên số người tham gia dự họp nhất trí đề nghị).

Số bộ hồ sơ cần nộp là 01 bộ; nộp tại UBND cấp xã. Giấy công nhận “Gia đình văn hóa” thực hiện theo Mẫu số 01 Phụ lục kèm theo Quy chế này.

c) Điều kiện công nhận

- Đạt 03 tiêu chuẩn, quy định tại Điều 4 và không vi phạm một trong các nội dung quy định tại Điều 5 của Quy chế này

- Thời gian xây dựng “Gia đình văn hóa” là 01 năm (công nhận lần đầu); 03 năm (cấp Giấy công nhận).

d) Biểu dương, khen thưởng:

- Danh sách “Gia đình văn hóa” được công bố trên hệ thống truyền thanh ở khu dân cư; được biểu dương tại “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” (ngày 18/11 hàng năm) ở khu dân cư;

- “Gia đình văn hóa” 03 năm, được ghi vào “Sổ vàng gia đình văn hóa” ở khu dân cư; được cấp Giấy công nhận “Gia đình văn hóa”;

- “Gia đình văn hóa” được cấp Giấy công nhận, được bình bầu là gia đình văn hóa tiêu biểu, được tặng thưởng theo quy định tại điểm c, khoản 2, Điều 71 Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ.

Điều 23. Trình tự, thủ tục, hồ sơ công nhận , “Ấp văn hóa”, “Khu phố văn hóa”

1. Trình tự, thủ tục

a) Khu dân cư đăng ký xây dựng khu dân cư văn hóa với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã trước ngày 31/01 hàng năm;

b) Ban Chỉ đạo cấp xã, hướng dẫn Trưởng Ban vận động ở khu dân cư chủ trì phối hợp với Trưởng ban công tác Mặt trận khu phố chấm điểm, xét trước ngày 30/11 hàng năm, đề nghị công nhận khu dân cư văn hóa;

c) Căn cứ vào hồ sơ đề nghị công nhận khu dân cư văn hóa, Phòng Văn hóa-Thông tin cấp huyện phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các ngành, đoàn thể thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện thành lập đoàn để tiến hành kiểm tra (có Biên bản kiểm tra);

d) Phòng Văn hóa - Thông tin phối hợp với Mặt trận Tổ quốc cấp huyện và bộ phận Thi đua, Khen thưởng trình Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định công nhận, công nhận lại và cấp Giấy công nhận cho các khu dân cư văn hóa;

Thời gian giải quyết 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

2. Hồ sơ

a) Báo cáo thành tích xây dựng khu dân cư văn hóa của Ban vận động ở khu dân cư, có xác nhận của UBND cấp xã;

b) Biên bản kiểm tra kết quả thực hiện tiêu chuẩn công nhận khu dân cư văn hóa của Ban Chỉ đạo cấp xã hàng năm và 03 năm;

c) Công văn đề nghị của UBND cấp xã;

Hồ sơ đề nghị công nhận 01 bộ, nộp trực tiếp tại UBND cấp huyện; Giấy công nhận khu dân cư văn hóa thực hiện theo Mẫu số 02 phụ lục kèm theo quy chế này.

d) Điều kiện công nhận

- Đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 6 và Điều 9 và không vi phạm một trong các nội dung quy định tại Điều 7 và Điều 10 Quy chế này;

- Thời gian đăng ký xây dựng khu dân cư văn hóa từ 02 năm trở lên (công nhận lần đầu); 03 năm trở lên (công nhận lại).

e) Khen thưởng

- Khu dân cư văn hóa được thưởng theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 71 Nghị định số 42/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ;

- Khuyến khích các địa phương căn cứ vào khả năng ngân sách Nhà nước và các nguồn lực xã hội hóa, tăng kinh phí hỗ trợ cho các khu dân cư văn hóa xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị hoạt động cho tụ điểm sinh hoạt văn hóa, thể thao, Nhà Văn hóa - Khu thể thao ở khu dân cư.

Điều 24. Trình tự, thủ tục xét và công nhận “Khu nhà trọ văn hóa”

1. Trình tự, thủ tục xét và công nhận khu nhà trọ văn hóa thuộc thẩm quyền UBND cấp xã

a) Khu nhà trọ đăng ký xây dựng khu nhà trọ văn hóa với Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ chủ nhà trọ (có xác nhận của Câu lạc bộ) gửi Ban Chỉ đạo cấp xã trước ngày 31/01 hàng năm;

b) Ban Chỉ đạo cấp xã hướng dẫn và cấp Sổ chấm điểm khu nhà trọ văn hóa cho Ban Chủ nhiệm các Câu lạc bộ Chủ nhà trọ;

Bước 1: Chủ khu nhà trọ tự chấm điểm vào sổ chấm điểm.

- Chủ khu nhà trọ tự chấm điểm vào sổ chấm điểm khu nhà trọ văn hóa;

- Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ nhà trọ tổ chức họp với các Chủ khu nhà trọ chấm điểm từng khu nhà trọ và ghi kết quả vào sổ chấm điểm;

- Nếu khu nhà trọ đạt tiêu chuẩn văn hóa thì Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ gửi sổ chấm điểm về Ban Chỉ đạo cấp xã (gửi kèm biên bản họp của Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ nhà trọ có ý kiến xác nhận của Ban vận động ấp, khu phố).

Bước 2: Ban Chỉ đạo cấp xã chấm điểm.

- Ban Chỉ đạo cấp xã thành lập đoàn kiểm tra các khu nhà trọ do Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ nhà trọ đề nghị công nhận khu nhà trọ văn hóa (có biên bản kiểm tra);

- Đoàn kiểm tra đi kiểm tra thực trạng tình hình, quy trình chấm điểm của khu nhà trọ văn hóa và chấm điểm vào sổ chấm điểm;

- Ban Chỉ đạo cấp xã họp xét danh sách công nhận danh hiệu các khu nhà trọ văn hóa do đoàn kiểm tra đề nghị. Nếu đạt tiêu chuẩn khu nhà trọ văn hóa thì Ban Chỉ đạo đề nghị UBND cấp xã công nhận danh hiệu Khu nhà trọ văn hóa trước ngày 31/12 hàng năm.

Thời hạn giải quyết là năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

c) Hồ sơ

- Bảng tự chấm điểm của Chủ khu nhà trọ (có xác nhận của Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Chủ nhà trọ);

- Biên bản họp xét, chấm điểm và văn bản đề nghị của Ban Chỉ đạo cấp xã.

- Số bộ hồ sơ: 01 bộ nộp trực tiếp tại UBND cấp xã

d) Hình thức công nhận

- Khu nhà trọ đạt tiêu chuẩn khu nhà trọ văn hóa được Chủ tịch UBND cấp xã công bố quyết định công nhận kèm theo Giấy chứng nhận hàng năm;

- Chọn một số khu nhà trọ văn hóa tiêu biểu 03 năm liên tục đề nghị UBND cấp huyện tặng Giấy khen (có kèm theo bản báo cáo thành tích).

đ) Điều kiện công nhận

Đạt 4 tiêu chuẩn, quy định tại Điều 12 và không vi phạm một trong những nội dung tại Điều 13 của Quy chế này;

2. Trình tự, thủ tục xét và công nhận khu nhà trọ văn hóa thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện

- Khu nhà trọ ba (03) năm liên tục đạt tiêu chuẩn khu nhà trọ văn hóa, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp xã đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện ra Quyết định công nhận kèm theo giấy công nhận;

- Trường hợp danh hiệu khu nhà trọ văn hóa do Chủ tịch UBND huyện công nhận phải có biên bản kiểm tra chấm điểm và công văn đề nghị của Trưởng Ban Chỉ đạo cấp huyện;

- Chọn một khu nhà trọ văn hóa tiêu biểu 03 năm liên tục đề nghị UBND tỉnh tặng Bằng khen (có kèm theo bản báo thành tích).

+ Hồ sơ: Một (01) bộ, nộp trực tiếp tại UBND cấp huyện

Thời gian giải quyết năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

3. Trình tự, thủ tục xét khen thưởng thuộc thẩm quyền UBND cấp tỉnh

Chủ tịch UBND tỉnh Quyết định khen thưởng đối với những khu nhà trọ xuất sắc nhất trong số những khu nhà trọ 03 năm liên tục đạt danh hiệu khu nhà trọ văn hóa trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch UBND cấp huyện và đề xuất của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh.

* Hồ sơ: Một (01) bộ nộp tại Hội đồng thi đua khen thưởng thuộc UBND tỉnh

- Công văn đề nghị của Chủ tịch UBND cấp huyện;

- Bản thành tích khu nhà trọ ba (03) năm liên tục đạt Khu nhà trọ văn hóa;

Thời gian giải quyết năm (05) ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

4. Khen thưởng

Việc Khen thưởng Khu nhà trọ văn hóa và các đối tượng khác thực hiện theo Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua khen thưởng;

Điều 25. Trình tự, thủ tục, xét và công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”

1. Trình tự, thủ tục

a) Ban Chỉ đạo cấp huyện tổ chức Lễ phát động xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” trên địa bàn huyện; phổ biến tiêu chuẩn công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; hướng dẫn các xã đăng ký xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”;

b) Trưởng Ban Chỉ đạo xã đăng ký xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” với UBND cấp huyện trước ngày 31/01 hàng năm;

c) Ban Chỉ đạo phong trào của xã họp thông qua báo cáo thành tích xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, gửi UBND cấp xã;

d) Chủ tịch UBND cấp xã đề nghị Chủ tịch UBND cấp huyện công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”;

đ) Ban Chỉ đạo cấp huyện kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện tiêu chuẩn công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” (có Biên bản kiểm tra);

e) Phòng Văn hóa - Thông tin cấp huyện phối hợp với bộ phận thi đua, khen thưởng cùng cấp, trình Chủ tịch UBND cấp huyện ra quyết định công nhận, công nhận lại và cấp Giấy công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” (hàng năm và 05 năm).

2. Điều kiện công nhận

a) Đạt các tiêu chuẩn theo quy định tại Điều 15 và không vi phạm một trong các nội dung quy định tại Điều 16 Quy chế này;

b) Thời gian đăng ký xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” từ 02 năm trở lên (công nhận lần đầu); 05 năm trở lên (công nhận lại).

3. Thủ tục công nhận

a) Báo cáo thành tích xây dựng “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” của Trưởng Ban Chỉ đạo cấp xã, có xác nhận của Chủ tịch UBND xã:

- Báo cáo 02 năm (công nhận lần đầu);

- Báo cáo 05 năm (công nhận lại);

b) Công văn đề nghị của Chủ tịch UBND xã;

- Số bộ hồ sơ cần nộp là 01 bộ, nộp trực tiếp UBND cấp huyện.

- Thời hạn giải quyết là 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

- Căn cứ hồ sơ đề nghị và biên bản kiểm tra, đánh giá kết quả thực hiện tiêu chuẩn “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” của Ban Chỉ đạo cấp huyện; Chủ tịch UBND huyện ra quyết định công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, kèm theo Giấy công nhận; trường hợp không công nhận, phải có văn bản trả lời UBND cấp xã và nêu rõ lý do chưa công nhận.

4. Khen thưởng

“Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới” được Chủ tịch UBND huyện xem xét, khen thưởng; mức khen thưởng do các địa phương quyết định căn cứ vào khả năng ngân sách và các nguồn lực xã hội hóa.

Điều 26. Trình tự, thủ tục xét và công nhận cơ quan, đơn vị, Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa

1. Trình tự đăng ký, xét và công nhận

a) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa với Liên đoàn Lao động cấp huyện (đối với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn có tổ chức Công đoàn do Công đoàn cấp huyện quản lý);

Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đăng ký theo hệ thống Công đoàn ngành và cấp tương đương (bao gồm Công đoàn ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo, ngành Dệt May, Công đoàn Viên chức tỉnh, Công đoàn các Khu công nghiệp tỉnh, Công đoàn Khu công nghiệp VSIP, Công đoàn các khu công nghiệp địa bàn huyện Bến Cát);

Các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh, các doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn thuộc ngành Trung ương quản lý trên địa bàn tỉnh, đăng ký về Liên đoàn Lao động tỉnh;

b) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp Báo cáo thành tích xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa;

c) Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp tỉnh kiểm tra đánh giá kết quả thực hiện tiêu chuẩn công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa;

d) Liên đoàn Lao động cấp huyện, Công đoàn ngành và cấp tương đương phối hợp với cơ quan thi đua, khen thưởng cùng cấp, trình Liên đoàn Lao động cấp tỉnh ra quyết định công nhận, công nhận lại và cấp Giấy công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa (hàng năm và 05 năm).

Thời hạn giải quyết là 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ.

đ) Điều kiện công nhận:

- Đạt các tiêu chuẩn quy định tại Điều 18 và Điều 20 và không vi phạm một trong những nội dung Điều 19 và Điều 21 Quy chế này.

- Thời gian đăng ký xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa là 01 năm trở lên (công nhận lần đầu) và 05 năm trở lên đã được công nhận (công nhận lại).

2. Thủ tục công nhận

a) Báo cáo thành tích xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa của Thủ trưởng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp

- Báo cáo 01 năm đối với công nhận lần đầu

- Báo cáo 05 năm đối với công nhận lại

b) Công văn đề nghị của Chủ tịch Liên đoàn Lao động cấp huyện hoặc Chủ tịch Công đoàn ngành hoặc tương đương; Công đoàn cơ sở trực thuộc Liên đoàn Lao động tỉnh. Số bộ hồ sơ cần nộp là 01 bộ, nộp trực tiếp tại Liên đoàn Lao động cấp tỉnh.

c) Căn cứ hồ sơ đề nghị và Biên bản kiểm tra của Ban Chỉ đạo cấp huyện hoặc Công đoàn ngành, Công đoàn cơ sở trực thuộc tỉnh. Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh ra quyết định công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa và trao Giấy công nhận “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”. Trường hợp không công nhận phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do.

3. Khen thưởng

a) Khuyến khích các địa phương, các ngành, đoàn thể căn cứ vào khả năng ngân sách và các nguồn lực xã hội hóa; có hình thức động viên bằng lợi ích vật chất cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; hỗ trợ trang thiết bị hoạt động văn hóa, thể thao cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

b) Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa tiêu biểu xuất sắc, được Ban Chỉ đạo Phong trào cấp tỉnh khen thưởng theo thẩm quyền và đề nghị Uỷ ban nhân dân tỉnh khen thưởng.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 27. Trách nhiệm thực hiện

1. Ban Chỉ đạo Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”các cấp

Có trách nhiệm phổ biến, quán triệt, chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra việc tổ chức thực hiện Quy chế này; định kỳ hàng năm có báo cáo kết quả về UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo cùng cấp và cấp trên.

2. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phổ biến, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Quy chế này theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan; Hướng dẫn tổ chức thực hiện việc công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa” và “Khu nhà trọ văn hóa”.

- Phối hợp với Ban Chỉ đạo cấp huyện chỉ đạo, hướng dẫn việc bình xét, công nhận các danh hiệu văn hóa và kiểm tra việc công nhận các danh hiệu vào Quý IV hàng năm.

- Trên cơ sở UBND tỉnh quy định tiêu chí, mức đạt của các tiêu chuẩn công nhận các danh hiệu trong Quy chế này, phân công các thành viên Ban Chỉ đạo xây dựng Bảng chấm điểm các danh hiệu văn hóa và hướng dẫn Ban Chỉ đạo các cấp thực hiện các tiêu chí, mức đạt, số điểm của Bảng chấm điểm. Có thể điều chỉnh phù hợp với sự phát triển chung của tỉnh trong từng giai đoạn.

- Phối hợp với Sở Tài chính xây dựng dự toán kinh phí hoạt động hàng năm của Ban Chỉ đạo tỉnh.

- Chịu trách nhiệm tham mưu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh các nội dung tổ chức họp Ban Chỉ đạo; tổ chức các hội nghị sơ kết, tổng kết, tuyên dương thực hiện phong trào theo định kỳ.

- Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, khó khăn tổng hợp báo cáo Ban Chỉ đạo và trình UBND tỉnh xem xét quyết định.

3. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh

Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức vận động các hộ gia đình và các khu dân cư trên địa bàn tỉnh thực hiện Phong trào “TDĐKXDĐSVH” và Chương trình phối hợp chỉ đạo nâng cao chất lượng Cuộc vận động “TDĐKXĐSVH ở KDC” trong giai đoạn mới giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; hướng dẫn, tổ chức thực hiện việc công nhận danh hiệu “Khu dân cư văn hóa”.

4. Liên đoàn Lao động tỉnh

Chịu trách nhiệm xây dựng Bảng chấm điểm, chủ trì xây dựng kế hoạch và phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc công nhận “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” và chỉ đạo việc bình xét, công nhận danh hiệu, tổ chức kiểm tra việc công nhận “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” vào quý IV hàng năm;

Hàng năm lập dự toán kinh phí chỉ đạo triển khai, kiểm tra, đánh giá, in ấn và tổ chức trao Giấy công nhận cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa, gửi Thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chịu trách nhiệm xây dựng Bảng chấm điểm, chủ trì xây dựng kế hoạch và phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND cấp huyện hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc công nhận “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”.

Hàng năm lập dự toán kinh phí chỉ đạo triển khai, kiểm tra, đánh giá, in ấn và tổ chức trao Giấy công nhận gửi Thường trực Ban Chỉ đạo để tổng hợp.

6. Các Sở, ngành, đoàn thể thành viên Ban Chỉ đạo

Chủ trì chỉ đạo, triển khai thực hiện các Danh hiệu văn hóa gắn với thực hiện các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội và chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình.

Điều 28. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ kết quả bình xét, đánh giá hàng năm, các gia đình, các ấp, khu phố, khu nhà trọ, các xã, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp không giữ vững được tiêu chuẩn công nhận danh hiệu sẽ không được công nhận lại. Nếu vi phạm nghiêm trọng tiêu chuẩn sẽ bị xóa tên trong danh sách; cấp nào ra quyết định công nhận, cấp đó ra quyết định xóa tên trong danh sách.

Các cá nhân, tập thể trong quá trình thực hiện đăng ký xét và công nhận “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Khu phố văn hóa”; “Khu nhà trọ văn hóa”, “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”, “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” có hành vi vi phạm dẫn đến sai sự thật về thành tích của danh hiệu… tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu cần thay đổi, bổ sung hay bãi bỏ bất cứ điều khoản nào của bản Quy chế này thì Ban Chỉ đạo phong trào tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 43/2012/QĐ-UBND về Quy chế công nhận danh hiệu “Gia đình văn hóa”, “Ấp văn hóa”, “Khu phố văn hóa”; “Khu nhà trọ văn hóa”; “Xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới”; “Cơ quan đạt chuẩn văn hóa”, “Đơn vị đạt chuẩn văn hóa”, “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa” tỉnh Bình Dương

  • Số hiệu: 43/2012/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 10/10/2012
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương
  • Người ký: Lê Thanh Cung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/10/2012
  • Ngày hết hiệu lực: 10/08/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản