Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4243/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 17 tháng 8 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH "HỖ TRỢ GIỮ TRẺ NGOÀI GIỜ CHO CON CÔNG NHÂN TẠI KHU CHẾ XUẤT VÀ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH TỪ NĂM 2016 ĐẾN NĂM 2020"

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao;

Căn cứ Công văn số 2509/UBND-VX ngày 04 tháng 6 năm 2014 của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh về Đề án Hỗ trợ giáo dục mầm non Thành phố Hồ Chí Minh;

Căn cứ Thông báo số 23-TB/BCĐQHLĐ ngày 27 tháng 11 năm 2015 về kết luận của đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp về giải quyết các kiến nghị của nữ chủ nhà trọ;

Căn cứ Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 6 năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động;

Căn cứ Công văn số 1531/BQL-P.QLLĐ ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố Hồ Chí Minh về việc kéo dài thời gian giữ trẻ, trả trẻ, của các trường mầm non cho con công nhân khu chế xuất, khu công nghiệp;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tại Tờ trình số 2496/TTr-GDĐT-VP ngày 28 tháng 7 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay phê duyệt Kế hoạch "Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ tại khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2016 đến năm 2020".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp, Thủ trưởng các Sở ngành Thành phố có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận - huyện, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Thu

 

KẾ HOẠCH

"HỖ TRỢ GIỮ TRẺ NGOÀI GIỜ CHO CON CÔNG NHÂN TẠI KHU CHẾ XUẤT VÀ CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TỪ NĂM 2016 ĐẾN 2020"
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4243/QĐ-UBND ngày 17 tháng 8 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

- Thể hiện sự quan tâm của Đảng, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể chăm lo cho người lao động, đặc biệt là công nhân làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, giúp người lao động có nơi gửi con và yên tâm công tác.

- Nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ, giúp trẻ phát triển về thể chất, tình cảm, trí tuệ, thẩm mỹ, hình thành những yếu tố đầu tiên của nhân cách, chuẩn bị cho trẻ vào lớp Một.

- Xây dựng lộ trình tổ chức giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

II. THỰC TRẠNG

1. Số lượng

Ngành Giáo dục mầm non Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm qua phát triển mạnh mẽ về quy mô, số lượng và chất lượng.

 

Năm học
2012-2013

Năm học
2013-2014

Năm học
2014-2015

Năm học
2015-2016

Số trường

827

912

969

1.006

Số nhóm, lớp độc lập

1.243

1.469

1.624

1.551

Số trẻ

326.131

331.231

343.036

335.222

Số giáo viên

16.576

18.585

19.575

20.727

Số trường, số trẻ con công nhân gửi ở các trường Mầm non khu chế xuất, khu công nghiệp:

Số TT

Khu chế xuất khu công nghiệp

Tổng số trường

Quận/ huyện

Tổng học sinh

Tổng số con công nhân

Ghi chú

1

KCN Cát Lái

4

Quận 2

1.036

132

 

2

KCX Tân Thuận

6

Quận 7

1.723

724

MN KCX Tân Thuận dự kiến hoạt động NH: 2016-­2017 (425 hs)

3

KCN Tân Thới Hiệp

6

Quận 12

916

189

 

4

KCN Vĩnh Lộc

6

Bình Tân

2.363

793

 

5

KCN Tân Tạo

MN Tân Tạo A (345hs); MN Mai Vàng (345hs) dự kiến hoạt động NH 2016-2017.

6

Khu Tanimex- Tân Bình

MN Đỗ Quyên (590hs) dự kiến hoạt động NH 2016-­2017.

7

KCN Tân Bình

7

Tân Phú

1.758

170

 

8

KCN Lê Minh Xuân

13

Bình Chánh

3.407

980

MN KCN Lê Minh Xuân (350hs) chưa khởi công.

9

KCN Hiệp Phước

1

Nhà Bè

438

223

 

10

KCN Tây Bắc

1

Củ Chi

150

150

Dự kiến hoạt động NH: 2016-2017

11

KCN Linh Trung 1

14

Thủ Đức

3.594

2.086

 

12

KCN Linh Trung 2

10

1.676

1.006

 

13

KCN Sóng Thần

5

1.680

668

 

 

Tổng cộng

73

9

18.741

7.121

 

2. Một số hạn chế, khó khăn

Ở địa bàn có khu chế xuất, khu công nghiệp dân số cơ học tăng nhanh và luôn biến động.

Các trường mầm non công lập và tư thục tại các khu chế xuất, khu công nghiệp có thời gian đón trả trẻ không phù hợp với thời gian làm việc theo ca kíp của công nhân. Vì vậy, các nhóm lớp độc lập tư thục phát triển nhanh, trong đó nhiều lớp chưa được cấp phép, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây mất an toàn cho trẻ.

Quy mô trường, lớp mầm non chưa đáp ứng nhu cầu gửi con của phụ huynh, nhất là công nhân lao động thuộc khu chế xuất, khu công nghiệp.

Với thực trạng này, cần thiết phải tập trung đảm bảo tạo điều kiện để con công nhân có thể gửi con ngoài giờ tại các trường mầm non khu chế xuất, khu công nghiệp để yên tâm công tác.

III. LỘ TRÌNH THỰC HIỆN

1. Năm học 2016 - 2017:

- Xây dựng và triển khai kế hoạch thực hiện thí điểm ở 2 quận: Bình Tân và Thủ Đức.

+ Quận Bình Tân: trường Mầm non 30/4 khu công nghiệp Vĩnh Lộc thực hiện giữ trẻ đến 17g30 và cả ngày thứ bảy.

+ Quận Thủ Đức: trường Mầm non Khu chế xuất Linh Trung 1 (Phường Linh Xuân) và Mầm non khu chế xuất Linh Trung II (Phường Linh Trung) thực hiện giữ trẻ đến 17g30 và cả ngày thứ bảy.

-Thực hiện khảo sát thực trạng về nhu cầu gửi trẻ ngoài giờ của công nhân ở khu chế xuất Linh Trung I, Linh Trung II, khu công nghiệp Vĩnh Lộc và đội ngũ giáo viên bậc học mầm non trên địa bàn.

- Tổ chức họp với các sở, ngành, ban quản lý các khu chế xuất và công nghiệp đề xuất phương án hỗ trợ.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các cấp, các ngành và của toàn xã hội đối với trẻ em, đặc biệt con công nhân lao động. Phổ biến kế hoạch đến chính quyền các cấp, các tổ chức và nhân dân ủng hộ nhằm tranh thủ sự đồng thuận của cộng đồng.

- Hướng dẫn xây dựng kế hoạch tổ chức hoạt động chăm sóc giáo dục cho trẻ trong ngày thứ bảy.

- Hướng dẫn các đơn vị thí điểm thực hiện trả lương thêm giờ cho người lao động theo Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23/6/2015 của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc hướng dẫn thực hiện một số điều về tiền lương của Nghị định số 05/2015/NĐ-CP ngày 12/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số nội dung của Bộ luật Lao động.

- Sơ kết rút kinh nghiệm 01 năm thực hiện thí điểm kế hoạch "Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ tại Khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2016 đến năm 2020".

2. Năm học 2017- 2018:

- Triển khai thực hiện tại quận 7: khu chế xuất Tân Thuận và huyện Củ Chi: khu công nghiệp Tây Bắc.

- Quận, huyện thực hiện theo lộ trình đã xây dựng.

- Sơ kết 2 năm thực hiện công tác giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại Khu chế xuất, khu công nghiệp.

3. Năm học 2018 - 2019:

- Thực hiện đại trà tại các trường mầm non khu chế xuất, khu công nghiệp ở các quận, huyện.

- Tổng kết 3 năm thực hiện công tác giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại Khu chế xuất, khu công nghiệp.

4. Năm học 2019 - 2020 và các năm tiếp theo:

- Các quận, huyện tập trung mở rộng số trường nhận trẻ giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại Khu chế xuất, khu công nghiệp.

IV. BIỆN PHÁP THỰC HIỆN

1. Công tác tuyên truyền

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các khu chế xuất, khu công nghiệp đối với con công nhân.

- Giáo dục tuyên truyền về tư tưởng, nâng cao tinh thần trách nhiệm và đạo đức nhà giáo trong thực hiện nhiệm vụ.

- Khuyến khích công tác xã hội hóa giáo dục mầm non, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện lộ trình giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn thành phố.

2. Rà soát thống kê số trẻ của con công nhân có nhu cầu gửi trẻ ngoài giờ

Tiến hành rà soát, thống kê số trẻ của con công nhân có nhu cầu gửi trẻ ngoài giờ.

Thống kê số trẻ con công nhân hiện đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non khu chế xuất, khu công nghiệp. Từ đó nắm được tổng số trẻ hiện có và nhu cầu thực tế phù hợp với việc làm ca kíp của công nhân. Dựa trên số liệu để chủ động chuẩn bị đội ngũ.

3. Đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hóa trong giáo dục mầm non:

Thực hiện các cơ chế, chính sách về xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, vốn vay và thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở GDMN phục vụ nhu cầu gửi trẻ của công nhân ở các khu chế xuất, khu công nghiệp.

Vận động các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố hỗ trợ chi trả một phần kinh phí cho con công nhân gởi thêm ngoài giờ ở các trường mầm non khu chế xuất, khu công nghiệp.

Các cấp công đoàn tăng cường vận động người sử dụng lao động thực hiện chính sách hỗ trợ, chăm lo cho con công nhân, viên chức, lao động. Thương lượng hỗ trợ một phần chi phí gửi con ngoài giờ ở nhà trẻ mẫu giáo vào ký kết thỏa ước lao động tập thể.

4. Chế độ chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên:

Đề xuất kinh phí ngân sách hỗ trợ kinh phí ngân sách chi trả 100% kinh phí cho con công nhân gửi thêm ngoài giờ ở các trường mầm non khu chế xuất, khu công nghiệp theo Thông báo số 23-TB/BCĐQHLĐ thông báo kết luận của đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp về giải quyết các kiến nghị của nữ chủ nhà trọ.

Trường hợp khó khăn về ngân sách, đề xuất kinh phí ngân sách hỗ trợ chi trả 50% kinh phí cho con công nhân gửi thêm ngoài giờ ở các trường mầm non khu chế xuất, khu công nghiệp. 50% kinh phí còn lại sẽ vận động doanh nghiệp hỗ trợ và thu của phụ huynh.

Chi trả tiền làm thêm giờ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên theo đúng quy định của Bộ luật lao động.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Chủ trì, phối hợp với các Sở - ngành, quận - huyện, Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp Thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng các trường mầm non, đặc biệt là tiến độ dành đất xây dựng các trường mầm non trong các khu công nghiệp của Thành phố.

Tham mưu đề xuất các chính sách đặc thù, phù hợp với tình hình thực tế của thành phố, trong đó, chú ý chính sách thu hút nguồn nhân lực từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp để khuyến khích cá nhân, tổ chức phát triển cơ sở giáo dục mầm non.

Là cơ quan thường trực, phối hợp với sở ngành liên quan để trình Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành các chế độ, chính sách, cấp phát kinh phí theo yêu cầu của kế hoạch.

Lập kế hoạch, tiến độ triển khai đề án chi tiết.

Hướng dẫn các quận, huyện xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục, chế độ dinh dưỡng cho trẻ,... một cách cụ thể, thiết thực trong việc giữ trẻ ngoài giờ và cả ngày thứ bảy.

Chủ trì phối hợp với các sở ngành tổ chức kiểm tra tiến độ thực hiện kế hoạch, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố.

Tổ chức sơ kết, tổng kết về thực hiện đề án, rút kinh nghiệm trình UBND thành phố chỉ đạo kịp thời những phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch.

2. Sở Nội vụ:

Hướng dẫn các đơn vị xây dựng Đề án vị trí việc làm đối với các trường mầm non thí điểm tổ chức nhận giữ trẻ ngoài giờ cho con công nhân tại Khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2016-2020, để làm cơ sở trình Ủy ban nhân dân Thành phố bổ sung số lượng người làm việc cho phù hợp, nhưng phải quản lý chặt chẽ.

Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, các quận, huyện có liên quan tham mưu thực hiện chế độ, chính sách cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên thực hiện làm thêm ngoài giờ từ 16g30 đến 17g30 hàng ngày từ thứ hai đến thứ sáu và cả ngày thứ bảy.

3. Sở Tài chính:

Tham mưu Ủy ban nhân dân thành phố hỗ trợ kinh phí ngân sách chi trả 100% kinh phí cho con công nhân gửi thêm ngoài giờ ở các trường mầm non khu chế xuất, khu công nghiệp theo Thông báo số 23-TB/BCĐQHLĐ thông báo kết luận của đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp về giải quyết các kiến nghị của nữ chủ nhà trọ.

Trường hợp khó khăn về ngân sách, tham mưu UBND Thành phố hỗ trợ kinh phí ngân sách chi trả 50% kinh phí cho con công nhân gửi thêm ngoài giờ ở các trường mầm non khu chế xuất, khu công nghiệp. 50% kinh phí còn lại sẽ vận động doanh nghiệp hỗ trợ và thu của phụ huynh.

4. Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Thành phố:

Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện, các đơn vị liên quan rà soát các khu công nghiệp có khó khăn về nhà ở cho người lao động. Trên cơ sở đó, phối hợp với các Sở ngành và Ủy ban nhân dân các quận, huyện nghiên cứu, tham mưu, đề xuất việc điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết để dành một phần diện tích đất cho việc xây dựng trường, lớp mầm non, đảm bảo đến năm 2020, đáp ứng cơ bản nhu cầu, trường lớp mầm non ở các khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố.

Có trách nhiệm phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức trong quá trình thực hiện kế hoạch giữ trẻ ngoài giờ.

Vận động các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp Thành phố hỗ trợ chi trả một phần kinh phí cho con công nhân gửi thêm ngoài giờ ở các trường mầm non khu chế xuất, khu công nghiệp.

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật đối với lao động nữ các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp không được sử dụng lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi làm việc ban đêm, làm thêm giờ, đi công tác xa và bố trí cho nghỉ mỗi ngày 60 phút trong thời gian làm việc mà vẫn được hưởng đủ tiền lương theo hợp đồng lao động.

5. Liên đoàn Lao động Thành phố:

Tiến hành rà soát, thống kê số trẻ của con công nhân có nhu cầu gửi trẻ ngoài giờ.

Chỉ đạo, hướng dẫn công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp khu chế xuất, khu công nghiệp đưa việc hỗ trợ chi trả một phần kinh phí cho con công nhân gửi thêm ngoài giờ ở các trường mầm non vào nội dung thương lượng khi ký kết thỏa ước lao động tập thể với người sử dụng lao động.

6. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

Rà soát, đánh giá và chỉ đạo thực hiện nghiêm các cơ chế, chính sách về xã hội hóa giáo dục, tạo điều kiện thuận lợi về đất đai, vốn vay và thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non phục vụ nhu cầu của cán bộ và công nhân khu công nghiệp. Đối với các khu công nghiệp đang hoạt động nghiên cứu dành quỹ đất để xây dựng trường mầm non.

Chủ trì phối hợp với Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp dành quỹ đất và triển khai nhanh chóng việc xây dựng các trường mầm non trong các khu công nghiệp phục vụ nhu cầu gửi trẻ của công nhân trên địa bàn.

Tiến hành rà soát thống kê số trẻ của con công nhân có nhu cầu gửi trẻ ngoài giờ. Dựa trên số liệu để chủ động chuẩn bị cơ sở vật chất và đội ngũ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4243/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Kế hoạch "Hỗ trợ giữ trẻ ngoài giờ tại khu chế xuất và công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2016 đến năm 2020"

  • Số hiệu: 4243/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/08/2016
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Nguyễn Thị Thu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 121
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản