Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
| VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
|
Số: 424-QĐ | Hà Nội, ngày 09 tháng 07 năm 1965 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH THỂ LỆ TẠM THỜI CHO VAY ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ NGHỀ MUỐI
TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
Căn cứ nghị định số 171-CP ngày 26-10-1961 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ nghị quyết số 59-TTg ngày 04-3-1964 Hội đồng Chính phủ về việc đẩy mạnh phát triển sản xuất muối và chỉ thị số 17-TTg-CN ngày 17-2-1965 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường lãnh đạo và chỉ đạo đẩy mạnh công tác khai hoang đồng muối;
Để tăng cường giúp đỡ các hợp tác xã nghề muối đẩy mạnh khai hoang xây dựng đồng muối và phát triển sản xuất muối,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này thể lệ tạm thời cho vay đối với hợp tác xã nghề muối.
Điều 2. Thể lệ tạm thời cho vay đối với hợp tác xã nghề muối này được áp dụng kể từ ngày ban hành.
Điều 3. Các ông Chánh văn phòng; Cục trưởng, Vụ trưởng ở Ngân hàng trung ương và các ông Trưởng chi nhánh ngân hàng Nhà nước các tỉnh, thành có đồng muối có trách nhiệm thi hành quyết định này.
| TỔNG GIÁM ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM |
CHO VAY ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ NGHỀ MUỐI
(Ban hành kèm theo quyết định số 424-QĐ ngày 09-7-1965 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam )
MỤC ĐÍCH, NGUYÊN TẮC, ĐIỀU KIỆN CHO VAY
Điều 1. Ngân hàng Nhà nước cho hợp tác xã nghề muối vay nhằm mục đích:
1. Giúp hợp tác xã nghề muối một phần vốn cần thiết để tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật, để giải quyết kịp thời nhu cầu vốn sản xuất, đảm bảo hoàn thành thuận lợi kế hoạch sản xuất muối do Nhà nước giao cho hợp tác xã,
2. Thông qua công tác cho vay, Ngân hàng góp phần giúp đỡ hợp tác xã cải tiến các mặt quản lý, phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, thực hành tiết kiệm, tăng cường củng cố hợp tác xã. Trên cơ sở đó tăng thêm thu nhập cho hợp tác xã, nâng cao dần đời sống của xã viên, củng cố khối liên minh công nông.
1. Vốn vay phải sử dụng đúng mục đích, đúng đối tượng ghi trong kế hoạch và chỉ được nhận tiền vay theo mức thực hiện kế hoạch;
2. Vốn vay phải được trả lại cả vốn và lãi, đúng thời hạn đã quy định.
3. Vốn vay phải thật sự sử dụng vào việc tạo ra của cải vật chất và phải được đảm bảo bằng giá trị vật chất tương đương.
C. ĐIỀU KIỆN CHO VAY
Điều 3. Các hợp tác xã nghề muối được vay vốn Ngân hàng phải có những điều kiện sau đây:
1. Lập được kế hoạch xây dựng cơ bản, kế hoạch sản xuất, kế hoạch tài vụ, kế hoạch vay vốn và trả nợ;
2. Có vốn cố định (vốn cổ phần, vốn khấu hao, vốn tích lũy) và vốn lưu động tự có; có mở tài khoản và gửi các khoản tiền chưa dùng đến vào Ngân hàng hay vào hợp tác xã tín dụng được Ngân hàng ủy nhiệm;
3. Có sổ sách kế toán rõ ràng;
4. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đối với Nhà nước (nộp thuế, bán sản phẩm, trả nợ v.v…)
Chương 2
CHO VAY DÀI HẠN ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ NGHỀ MUỐI
Điều 4. Ngân hàng cho hợp tác xã nghề muối vay dài hạn theo các loại sau đây:
1. Cho vay xây dựng đồng muối mới (gồm cả việc khai hoang và xây dựng ô nề thống chạt);
2. Cho vay cải tạo và cải tiến đồng muối cũ;
3. Cho vay sửa chữa lớn đồng muối;
4. Cho vay xây dựng lò muối nấu;
5. Cho vay phương tiện cơ bản làm các ngành nghề khác;
6. Cho vay cá thể xã viên đi xây dựng đồng muối.
A. CHO VAY XÂY DỰNG ĐỒNG MUỐI MỚI
(Bao gồm việc khai hoang: nhổ sú vẹt, san phẳng cánh đồng, đào mương trung bình; và xây dựng ô nề thống chạt).
Điều 5. Những điều cần thiết đầu tiên để xét cho hợp tác xã vay xây dựng đồng muối mới là:
1. Ở những vùng đã có đê biển, mương, cống thủy lợi nếu hợp tác xã cần mở rộng thêm diện tích, thì diện tích ấy phải có trong kế hoạch khai hoang của huyện. Kế hoạch khai hoang và bản dự trù chi phí xây dựng ruộng muối của hợp tác xã (tính ra giá thành bình quân cho mỗi hécta) phải được Phòng muối xác nhận.
2. Nếu việc xây dựng đồng muối mới ở những vùng đê biển, mương, cống thủy lợi chưa làm xong thì việc xây dựng các công trình này phải được đảm bảo hoàn thành trước mùa bão lũ. Diện tích khai hoang xây dựng đồng muối mới của hợp tác xã nằm trong vùng này phải được ghi vào kế hoạch khai hoang xây dựng đồng muối của tỉnh. Chi cục muối phải có đồ án thiết kế chung cho đồng muối, có bảng dự trù chi phí xây dựng đồng muối (tính ra giá thành bình quân một hécta) được Cục muối của Bộ Công nghiệp nhẹ phê duyệt.
Điều 6. Trong việc xây dựng đồng muối mới, Ngân hàng cho hợp tác xã vay để:
1. Mua sắm các phương tiện dụng cụ dùng cho việc xây dựng đồng muối mới như cuốc, thuồng, xe cút kít, v.v…
2. Dự trữ nguyên vật liệu dùng cho việc xây dựng đồng muối mới như vôi, cát, ciment, tre, nứa, tro, than…;
3. Trả nhân công thường và nhân công kỹ thuật trong việc khai hoang và xây dựng ô nề thống chạt;
4. Trả những chi phí trực tiếp khác cho việc xây dựng đồng muối mới như trả công thuê máy móc trong việc thi công cơ giới đồng muối.
Điều 7. Mức cho vay để xây dựng đồng muối mới sẽ tính theo khối lượng công trình đã thực hiện được theo giá thành kế hoạch, trừ vốn cố định tự có của hợp tác xã (gồm cổ phần công hữu, tích lũy, huy động nhân lực của xã viên và trợ cấp của Nhà nước).
Trường hợp giá thành thực tế thấp hơn giá thành kế hoạch thì cho vay theo giá thực tế, nếu giá thành thực tế vượt quá giá thành kế hoạch thì hợp tác xã phải xin điều chỉnh được cơ quan muối tỉnh chứng nhận, Ngân hàng sẽ cho vay theo giá điều chỉnh.
Điều 8. Trong quá trình xây dựng, khi công trình còn dở dang, chưa tính được khối lượng, Ngân hàng tạm thời cho vay theo số lượng ngày công thực tế đã làm và số lượng nguyên vật liệu dụng cụ đã mua để dùng cho việc xây dựng đồng muối mới.
Số tiền cho vay để ứng trước ngày công sẽ căn cứ vào giá công địa phương sau khi đã trừ phần tự lực của hợp tác xã mà quy định, nhưng không được cao hơn giá công bình quân đã dự trù trong kế hoạch của hợp tác xã.
Về nguyên vật liệu dụng cụ thì căn cứ theo chứng từ hóa đơn mua những thứ ấy mà cho vay.
Điều 9. Thời hạn cho vay xây dựng đồng muối mới tối đa không quá mười năm kể từ ngày vay tiền.
Điều 10. Những hợp tác xã xây dựng đồng muối mới trong diện được Nhà nước trợ cấp, khi chưa được trợ cấp thì được vay vốn Ngân hàng để làm, đến khi được trợ cấp thì hợp tác xã phải dùng số tiền được cấp để trả nợ Ngân hàng, số nợ trả bằng tiền được cấp không phải chịu lãi.
Điều 11. Đầu năm kế hoạch, khi địa phương được Bộ Tài chính phân phối vốn trợ cấp khai hoang đồng muối thì số vốn ấy phải được chuyển ngay vào Chi nhánh Ngân hàng địa phương để có vốn cấp phát kịp thời cho hợp tác xã khi hợp tác xã được xét duyệt trợ cấp.
Điều 12. Sau khi hoàn thành việc xây dựng đồng muối và hợp tác xã đã dùng tiền được cấp để thanh toán bớt nợ vay Ngân hàng thì số nợ còn lại được chia ra từng hạn nợ phù hợp với khả năng trả nợ của hợp tác xã trong từng năm. Hợp tác xã sẽ cùng Ngân hàng quy định cụ thể thời hạn và mức trả nợ cho từng tháng, từng quý của mỗi năm.
Nguyên tắc chung là trong hai năm đầu sản lượng muối còn thấp, nên số nợ thu ít, từ năm thứ ba đến năm thứ sáu sản xuất đã ổn định, số nợ phải thu nhiều hơn và từ năm thứ bảy đến năm thư mười số nợ phải thu ít lại vì hợp tác xã còn phải trả nợ về sửa chữa lớn đồng muối ấy.
Điều 13. Ngoài việc trực tiếp cho các hợp tác xã vay xây dựng đồng muối mới, Ngân hàng còn cho các ban kiến thiết đồng muối vay để xây dựng đồng muối mới trong khi chưa thành lập được các hợp tác xã.
Việc cho các Ban kiến thiết đồng muối vay để xây dựng đồng muối mới do Ngân hàng trung ương quyết định. Ngân hàng địa phương phải điều tra gửi tất cả các tài liệu liên quan đến việc tổ chức Ban kiến thiết đồng muối như quyết định của Ủy ban hành chính tỉnh cho thành lập ban này, đồ án thiết kế, kế hoạch thi công đồng muối v.v… lên Ngân hàng trung ương để xét và quyết định việc cho vay. Sau khi có ý kiến của Ngân hàng trung ương, Ngân hàng địa phương mới tiến hành cho vay.
B. CHO VAY CẢI TẠO VÀ CẢI TIẾN ĐỒNG MUỐI
Điều 14. Muốn vay vốn để cải tạo và cải tiến đồng muối thì hợp tác xã phải có kế hoạch cải tạo hoặc cải tíến đồng muối gửi trước đến Ngân hàng. Riêng về việc cải tạo đồng muối thì kế hoạch cải tạo của hợp tác xã phải có trong kế hoạch cải tạo đồng muối chung của tỉnh và phải được Chi cục muối tỉnh xét duyệt.
Điều 15. Đối với việc cải tạo và cải tiến đồng muối, Ngân hàng cho vay để:
a) Mua sắm các nguyên vật liệu, dụng cụ cần thiết cho việc cải tạo và cải tiến đồng muối;
b) Trả chi phí nhân công trong việc cải tạo và cải tiến đồng muối.
Điều 16. Mức cho vay để cải tạo và cải tiến đồng muối cũng tính theo khối lượng công trình như đối với cho vay xây dựng đồng muối mới. Do đó cách cho vay cũng áp dụng theo các điều 7 và 8 trong mục A “cho vay xây dựng đồng muối mới”.
Điều 17. Thời hạn cho vay đối với việc cải tiến đồng muối tối đa không quá bốn năm; đối với cải tạo đồng muối không quá bảy năm. Trường hợp cải tạo lớn như chuyển toàn bộ ruộng phơi cát sang phơi nước, xem như xây dựng mới thì thời hạn có thể kéo dài đến mười năm.
Điều 18. Hàng năm Ngân hàng sẽ căn cứ vào mức khấu hao cơ bản của đồng muối và giá trị sản lượng muối tăng lên do hiệu quả của việc cải tạo và cải tiến đưa lại để thu hồi nợ. Mức thu nợ hàng năm sẽ do Ngân hàng và hợp tác xã thỏa thuận, nhưng tổng số nợ về việc cải tạo và cải tiến đồng muối phải trả hết trong thời hạn nợ đã quy định.
C. CHO VAY SỬA CHỮA LỚN ĐỒNG MUỐI
Điều 19. Ngân hàng cho các hợp tác xã vay để sửa chữa lớn đồng muối trong hai trường hợp:
a) Sửa chữa lớn thông thường,
b) Sửa chữa lớn do thiên tai, địch họa.
Điều 20. Muốn vay để sửa chữa lớn thông thường hợp tác xã phải mở tài khoản và gửi hết số tiền đã trích khấu hao sữa chữa lớn vào Ngân hàng hay hợp tác xã vay mượn được Ngân hàng ủy nhiệm, phải có kế hoạch sửa chửa lớn đồng muối gửi đến Ngân hàng trước đầu năm kế hoạch.
Trường hợp hợp tác xã xin vay để sửa chữa lớn đồng muối bị hư hỏng vì thiên tai hay địch họa thì phải có sự chứng nhận của Phòng muối, cơ quan tài chính và chính quyền huyện về tình hình thiệt hại của đồng muối và phải có kế hoạch sửa chữa lại đồng muối được Phòng muối xét duyệt.
Điều 21. Đối với cả hai trường hợp sửa chữa lớn đồng muối nói trên, Ngân hàng cho vay để:
a) Mua sắm nguyên vật liệu, dụng cụ dùng trong việc sửa chữa lớn đồng muối;
b) Trả chi phí nhân công trong việc sửa chữa lớn đồng muối.
Điều 22. Mức cho vay để sửa chữa lớn đồng muối là số chênh lệch giữa kế hoạch chi phí sửa chữa lớn và số tiền đã trích khấu hao sửa chữa lớn chưa sử dụng.
Điều 23. Cách tính toán để cho vay sửa chữa lớn đồng muối cũng áp dụng theo các điều 7 và 8 Mục A “cho vay xây dựng đồng muối mới”.
Điều 24. Thời hạn cho vay về sửa chữa lớn đồng muối, tối đa không quá ba năm. Trường hợp, hợp tác xã vay để sửa chữa lớn đồng muối do thiên tai, địch họa, có được trợ cấp của Nhà nước thì thời hạn cho vay tính từ ngày hợp tác xã nhận tiền vay đến ngày hợp tác xã được nhận tiền trợ cấp, nhưng tối đa không quá sáu tháng. Nếu hợp tác xã chỉ được trợ cấp một phần thì phần nợ còn lại sẽ áp dụng thời hạn tối đa không quá ba năm như cho vay để sửa chữa lớn đồng muối nói trên.
Điều 25. Đối với việc cho vay để sửa chữa lớn đồng muối bị thiệt hại vì thiên tai thì khi được trợ cấp hợp tác xã phải dùng số tiền đó để trả nợ cho Ngân hàng. Nếu số tiền trợ cấp không đủ để trả hết nợ thì số nợ còn lại sẽ chia ra từng năm để trả, phù hợp với mức nợ và thời hạn nợ.
Đối với nợ vay sửa chữa lớn thông thường, hàng năm hợp tác xã phải trích đủ mức khấu hao sửa chữa lớn theo kế hoạch để trả nợ Ngân hàng.
D. CHO VAY XÂY DỰNG LÒ MUỐI NẤU
Điều 26. Song song với việc cho vay xây dựng các đồng muối, Ngân hàng còn cho hợp tác xã nghề muối vay để xây dựng lò muối nấu ở những nơi có tập quán và có điều kiện sản xuất muối nấu như:
- Hợp tác xã có thừa ruộng cát so với ô nề hiện có, hoặc có thừa nước chạt trong mùa hanh;
- Có nguồn cung cấp nhiên liệu (than, củi);
- Sản xuất muối nấu của hợp tác xã sau một thời gian nhất định phải có lãi, trường hợp lỗ thì phải có cơ quan Nhà nước đảm bảo bù lỗ.
Điều 27. Đối với muối nấu, Ngân hàng cho vay dài hạn để:
a) Mua sắm các nguyên vật liệu dùng cho việc làm nhà lò như tranh, tre, nứa, gỗ và xây lò như vôi, gạch, cát, ciment, tôn v.v…; các dụng cụ như ang vại, bầu, gáo v.v…
b) Trả chi phí nhân công cho việc làm nhà lò, xây lò nấu.
Điều 28. Cách cho vay cũng áp dụng các điều 7 và 8 của Mục A “cho vay xây dựng đồng muối mới”.
Điều 29. Thời hạn cho vay xây dựng lò muối nấu tối đa không quá ba năm.
Điều 30. Khi hợp tác xã bán muối nấu thì Ngân hàng tiến hành thu dần nợ về. Hợp tác xã có trách nhiệm trích đủ tiền khấu hao về lò muối nấu để trả nợ Ngân hàng đúng hạn định.
E. CHO VAY PHƯƠNG TIỆN CƠ BẢN CHO CÁC NGÀNH NGHỀ KHÁC
Điều 31. Trong các hợp tác xã nghề muối; Ngân hàng còn cho vay về phương tiện cơ bản cho một số ngành nghề khác nhằm sử dụng tốt nhân lực trong hợp tác xã và tăng thu nhập cho hợp tác xã.
Đối với các hợp tác xã muối có làm thêm các ngành nghề khác thì Ngân hàng cho vay để:
- Xây dựng các cơ sở như làm nhà xưởng sản xuất tiểu thủ công; xây dựng chuồng trại; đào ao thả cá, trồng và chăm sóc các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả v.v…;
- Trang bị máy móc dụng cụ cho các nghề tiểu thủ công;
- Mua sắm các phương tiện vận tải v.v…;
Điều 32. Điều kiện, cách cho vay và cách thu nợ đối với các ngành nghề khác trong đồng muối đều áp dụng theo các thể lệ và biện pháp cho vay các ngành nghề của Ngân hàng Nhà nước đã ban hành. Khi cho vay để phát triển ngành nghề khác trong hợp tác xã nghề muối cần chú ý: Ngân hàng chỉ cho vay những ngành nghề do hợp tác xã muối quản lý và những ngành nghề này phục vụ cho nghề sản xuất muối, hoặc không ảnh hưởng đến nhiệm vụ sản xuất muối của hợp tác xã.
Điều 33. Về thời hạn cho vay đối với các ngành nghề khác trong hợp tác xã nghề muối thì khi cho vay ngành nghề nào sẽ áp dụng thời hạn cho vay về ngành nghề ấy như đã quy định trong thể lệ, biện pháp cho vay của Ngân hàng đối với các ngành, nghề.
G. CHO VAY CÁ THỂ XÃ VIÊN ĐI XÂY DỰNG ĐỒNG MUỐI MỚI
Điều 34. Đối với những xã viên và gia đình xã viên đi xây dựng đồng muối mới, Ngân hàng cho vay để giải quyết một phần nhu cầu vốn trong sản xuất thuộc kinh tế phụ gia đình và sinh hoạt cá nhân lúc mới đến nơi xây dựng đồng muối mới. Việc cho vay cá thể xã viên đi xây dựng đồng muối mới do Ngân hàng nơi có người đến trực tiếp cho vay.
Điều 35. Ngân hàng cho xã viên và gia đình xã viên đi xây dựng đồng muối vay để làm các việc sau đây:
- Mua sắm những phương tiện cơ bản làm nghề phụ gia đình như làm chuồng trại, mua súc vật chăn nuôi, mua xa kéo sợi, khung cửi dệt lưới v.v…;
- Mua sắm thêm nguyên vật liệu và trả chi phí cho việc làm nhà ở;
- Mua sắm chăn màn, áo ấm cho những người và gia đình thật sự túng thiếu không thể tự túc được.
Điều 36. Đối với việc mua sắm phương tiện cơ bản làm nghề phụ gia đình thì sau khi trừ phần tự lực của gia đình xã viên ấy, còn thiếu bao nhiêu Ngân hàng cho vay đủ mức cần thiết.
Về chăn màn, áo ấm, nếu người đi khai hoang không tự túc được thì Ngân hàng cho vay, chủ yếu đối với người lao động, mỗi người một chăn, một màn và một áo bông bình thường theo giá của mậu dịch. Đối với những người không lao động thì chủ yếu do gia đình tự giải quyết, trường hợp gia đình quá túng thiếu thì Ngân hàng có thể kết hợp cho vay thêm với người lao động để sắm chăn, màn rộng dùng chung cho gia đình.
Đối với nhà ở của gia đình người đi xây dựng đồng muối mới chủ yếu do gia đình tự giải quyết có sự giúp đỡ của địa phương có người đi và địa phương có người đến, nếu còn thiếu Ngân hàng cho vay thêm, nhưng mức vay tối đa không quá 100đ một nhân khẩu và không quá 400đ đối với mỗi gia đình.
Điều 37. Cá nhân và gia đình người đi xây dựng đồng muối mới chỉ được vay vốn Ngân hàng khi đã ở trong tổ chức hợp tác xã nơi đến khai hoang, được hợp tác xã đồng ý bảo lĩnh về việc vay vốn và trả nợ. Ngân hàng sẽ thông qua hợp tác xã để cho người đi xây dựng đồng muối mới vay. Hợp tác xã có trách nhiệm thu hồi nợ cho Ngân hàng.
Điều 38. Hợp tác xã lập danh sách những người đi xây dựng đồng muối mới cần vay vốn; ghi rõ mục đích sử dụng và số tiền mỗi người xin vay có chữ ký của từng người gửi đến Ngân hàng kèm theo giấy bảo lĩnh của hợp tác xã để Ngân hàng xét cho vay. Khi cho vay, Ngân hàng trực tiếp giao tiền cho hợp tác xã về phân phối lại cho xã viên.
Điều 39. Hợp tác xã có trách nhiệm theo dõi những xã viên có nợ để hàng năm khi phân phối thu nhập, trích một phần thích đáng thu nhập của họ để trả nợ Ngân hàng.
Điều 40. Thời hạn cho vay mua sắm phương tiện cơ bản để làm nghề phụ gia đình và mua sắm chăn màn, áo ấm cho xã viên và gia đình đi xây dựng đồng muối mới tối đa không quá năm năm; cho vay làm nhà ở tối đa không quá bảy năm.
Điều 41. Các hợp tác xã cần thanh toán quyền lợi và đền bù tài sản cho người đi xây dựng đồng muối mới, nếu thiếu vốn thì được vay của Ngân hàng địa phương mình để thanh toán. Cách cho vay, cách sử dụng vốn vay và cách thu nợ, áp dụng theo thông tư Liên bộ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Tổng cục Khai hoang số 01 – VP/M-39 ngày 12-2-1965 về công tác cho vay nhân dân miền xuôi tham gia phát triển kinh tế và văn hóa miền núi.
CHO VAY NGẮN HẠN ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ NGHỀ MUỐI
Điều 42. Đối với hợp tác xã nghề muối; Ngân hàng cho vay ngắn hạn các loại sau đây:
1. Cho vay chi phí sản xuất nghề muối,
2. Cho vay chi phí sản xuất các ngành nghề khác trong hợp tác xã nghề muối.
Điều 43. Về chi phí sản xuất nghề muối, Ngân hàng cho vay để:
- Mua sắm các nguyên vật liệu như tre, nứa, lá cọ, vôi, cát, than, tro, ciment, v.v… dùng cho việc sửa chữa thường xuyên đồng muối;
- Mua sắm các phương tiện, dụng cụ thuộc loại rẻ tiền mau hỏng trong việc sản xuất muối như trang, xêu, cào, bầu v.v…
- Mua sắm nhiên liệu như dầu mỡ chạy máy bơm nước, than, củi để nấu muối v.v…
- Trả chi phí nhân công trong việc sửa chữa thường xuyên đồng muối.
Điều 44. Về chi phí sản xuất cho các ngành nghề khác, Ngân hàng cho vay để:
- Mua sắm các nguyên vật liệu, nhiên liệu dùng trong sản xuất nông nghiệp và trong sản xuất thủ công nghiệp;
- Mua các dụng cụ rẻ tiền làm các việc trên;
- Trả một phần chi phí nhân công xã viên làm các ngành nghề đó, khi hợp tác xã chưa tiêu thụ được sản phẩm.
Ngân hàng không cho vay để thuê nhân công ngoài làm các ngành nghề khác của hợp tác xã.
Điều 45. Đối với các chi phí sản xuất nghề muối cũng như các ngành nghề khác trong hợp tác xã; sau khi huy động hết khả năng tự lực của hợp tác xã (vốn và nhân lực) còn thiếu thì Ngân hàng cho vay đủ mức cần thiết:
Về nguyên vật liệu và dụng cụ, Ngân hàng cho vay trong phạm vi mức tiêu chuẩn kỹ thuật cần thiết và theo giá bán của thương nghiệp (nếu mua của cơ quan thương nghiệp), hoặc theo giá thực tế mua ngoài (nếu mua của hợp tác xã và nhân dân) cộng thêm các khoản chi phí về chuyên chở bốc dỡ.
Về chi phí nhân công, Ngân hàng cho vay theo số công thực tế đã làm nhưng không quá số tiền dự trù trong kế hoạch của hợp tác xã.
Điều 46. Trong cùng một thời gian, hợp tác xã có thể vay để làm nhiều công việc khác nhau; nhưng mỗi công việc phải có một đơn xin vay riêng. Đối với mỗi công việc Ngân hàng xét cho vay một lần, nhưng phát tiền dần dần theo mức thực hiện của công việc ấy. Mỗi lần nhận tiền vay, hợp tác xã phải làm khế ước vay tiền có thời hạn cụ thể cho từng khoản nợ và chịu lãi từ ngày nhận tiền vay.
Điều 47. Số tiền được vay trước tiên phải chuyển trả tiền mua nguyên vật liệu, dụng cụ của các cơ quan thương nghiệp hay của hợp tác xã có mở tài khoản tại Ngân hàng. Số tiền còn lại, hợp tác xã dùng để trả những nguyên vật liệu mua ngoài hoặc trả chi phí nhân lực.
Điều 48. Tùy theo chu kỳ sản xuất dài ngắn và tình hình tiêu thụ sản phẩm của từng ngành nghề trong hợp tác xã mà quy định thời hạn cho thích hợp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.
Điều 49. Ngân hàng thu nợ theo từng loại vay riêng biệt.
Khi hợp tác xã bán sản phẩm do các ngành nghề sản xuất ra phải trả đủ nợ đến hạn cho Ngân hàng. Trường hợp vì điều kiện khách quan; thu nhập của hợp tác xã kém, không thể trả nợ đúng hạn thì phải báo cáo với Ngân hàng địa phương để xét cho gia thêm hạn.
Điều 50. Trường hợp sản phẩm của ngành nghề khác sản xuất ra bằng vốn vay ngắn hạn của Ngân hàng để dùng vào việc xây dựng hay sửa chữa đồng muối thì hợp tác xã phải báo cáo cho Ngân hàng biết để điều chỉnh nợ bằng cách thu nợ ngắn hạn và cho vay dài hạn.
Điều 51. Mức lãi cho vay dài hạn và ngắn hạn của Ngân hàng đối với hợp tác xã nghề muối đều áp dụng biểu lãi suất của Ngân hàng Nhà nước ban hành kèm theo nghị định của Hội đồng Chính phủ số 94-TTg/TN ngày 10 tháng 10 năm 1964.
LẬP VÀ XÉT DUYỆT KẾ HOẠCH VAY VỐN
Điều 52. Muốn được vay vốn dài hạn và ngắn hạn của Ngân hàng, các hợp tác xã nghề muối phải có kế hoạch vay vốn, gửi trước đến Ngân hàng. Kèm theo kế hoạch vay vốn, hợp tác xã phải gửi các tài liệu có liên quan đến việc vay vốn.
Kế hoạch vay vốn dài hạn và ngắn hạn của hợp tác xã nghề muối phải theo đúng sự hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 53. Các hợp tác xã nghề muối được vay vốn Ngân hàng khi đã có kế hoạch gửi đến Ngân hàng và được Hội đồng tín dụng xét duyệt.
KIỂM TRA VỐN VAY VÀ KỶ LUẬT TÍN DỤNG
Điều 54. Ngân hàng kiểm tra hợp tác xã nghề muối nhằm xem xét việc sử dụng vốn của hợp tác xã và mức vật tư để làm đảm bảo cho vay vốn của Ngân hàng .
Điều 55. Ngân hàng kiểm tra bằng cách:
- Căn cứ vào báo cáo sử dụng vốn vay của hợp tác xã,
- Căn cứ vào chứng từ và sổ sách kế toán của hợp tác xã,
- Xem xét công việc làm thực tế của hợp tác xã.
Điều 56. Đối với những hợp tác xã sử dụng tốt vốn vay của Ngân hàng, trả nợ sòng phẳng; thì Ngân hàng sẽ chiếu cố thích đáng việc cho vay và thu nợ như cho vay khi hợp tác xã chưa kịp làm kế hoạch, không chuyển qua nợ quá hạn khi hợp tác xã gặp khó khăn chưa trả được nợ v.v…
Ngược lại, đối với những hợp tác xã sử dụng vốn vay không đúng mục đích, dây dưa trong việc trả nợ, Ngân hàng đã góp ý nhiều lần mà hợp tác xã không sửa chữa thì Ngân hàng sẽ áp dụng kỷ luật tín dụng như thu hồi nợ trước hạn, chuyển sang nợ quá hạn những món nợ không trả đúng hạn và có thể đến mức tạm thời đình chỉ cho vay trong một thời gian.
Điều 57. Đối với hợp tác xã có nợ thiếu vật tư đảm bảo thì tùy từng trường hợp mà Ngân hàng xử lý:
a) Nếu vì thiên tai địch họa, tài sản của hợp tác xã bị hư hao, tổn thất dẫn đến nợ, thiếu vật tư đảm bảo, thì Ngân hàng không chuyển số nợ đó qua nợ quá hạn và sẽ cho vay thêm để hợp tác xã khôi phụ, đồng thời còn giúp hợp tác xã báo cáo với các cấp có thẩm quyền để xét trợ cấp thiên tai;
b) Nếu do hợp tác xã sử dụng vốn sai; thiếu bảo quản tài sản, gây tổn thất, phát sinh nợ thiếu vật tư đảm bảo thì Ngân hàng sẽ áp dụng kỷ luật tín dụng như đã nói ở điều 56 trên.
Điều 58. Những hợp tác xã bị tạm thời đình chỉ cho vay, nếu sau một thời gian, sửa chữa được khuyết điểm thì Ngân hàng sẽ tiếp tục cho vay lại như thường.
THỦ TỤC CHO VAY, THU NỢ ĐỐI VỚI HỢP TÁC XÃ NGHỀ MUỐI
Điều 59. Về thủ tục giấy tờ (khế ước, đơn xin vay, giấy nhận nợ) và thủ tục kế toán (cách lập chứng từ, cách ghi chép sổ sách kế toán) về cho vay dài hạn và ngắn hạn đối với hợp tác xã nghề muối đều áp dụng theo chế độ kế toán cho vay thu nợ số 27-KTCĐ ngày 19-3-1965 của Ngân hàng Nhà nước.
Điều 60. Hợp tác xã nghề muối vay vốn Ngân hàng có trách nhiệm:
1. Chấp hành đầy đủ thể lệ cho vay đối với hợp tác xã nghề muối,
2. Sử dụng vốn vay của Ngân hàng đúng mục đích đã kê khai trong khi xin vay. Gặp trường hợp thật cần thiết, hợp tác xã muốn sử dụng tiền vay loại này cho loại khác thì phải được sự đồng ý trước của Ngân hàng;
3. Trả nợ cho Ngân hàng đúng mức và đúng thời hạn;
4. Chịu sự kiểm tra của Ngân hàng; cung cấp các tài liệu, số liệu cần thiết cho việc kiểm tra, tích cực phát huy những ưu điểm và sửa chữa những khuyết điểm phát hiện trong khi kiểm tra.
Điều 61. Cán bộ Ngân hàng phụ trách cho vay hợp tác xã nghề muối có trách nhiệm:
1. Giúp hợp tác xã nghề muối chấp hành đúng chế độ và thể lệ cho vay;
2. Cho vay kịp thời và đúng mức nhu cầu vốn cần thiết đối với hợp tác xã;
3. Theo dõi giúp đỡ hợp tác xã sử dụng tốt vốn tự có và vốn vay;
4. Cuối mỗi vụ, cùng với hợp tác xã phân tích một số chỉ tiêu kinh tế và tình hình tài vụ của hợp tác xã, giúp hợp tác xã tăng cường cải tiến các mặt quản lý;
5. Thu nợ đúng mức và đúng thời hạn.
Điều 62. Thể lệ cho vay đối với hợp tác xã nghề muối này được ban hành theo quyết định số 424-QĐ ngày 09-7-1965 của ông Tổng Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều 63. Các văn bản trước đây về cho vay thu nợ đối với hợp tác xã nghề muối trái với thể lệ này đều bãi bỏ.
| TỔNG GIÁM ĐỐC |
- 1Thông tư liên bộ 09-TT-TĐ-NLND năm 1964 về việc cho vay đối với các hợp tác xã nuôi thủy sản nước lợ và nước mặn do Ngân hàng nhà nước và Tổng cục Thuỷ sản ban hành.
- 2Chỉ thị 18-CT/TN/NH năm 1969 về công tác cho vay đối với hợp tác xã mua bán trong tình hình mới do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
- 1Nghị định 171-CP năm 1961 quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam do Hội Đồng Chính Phủ ban hành
- 2Thông tư liên bộ 09-TT-TĐ-NLND năm 1964 về việc cho vay đối với các hợp tác xã nuôi thủy sản nước lợ và nước mặn do Ngân hàng nhà nước và Tổng cục Thuỷ sản ban hành.
- 3Chỉ thị 18-CT/TN/NH năm 1969 về công tác cho vay đối với hợp tác xã mua bán trong tình hình mới do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành
Quyết định 424-QĐ năm 1965 ban hành thể lệ tạm thời cho vay đối với hợp tác xã nghề muối do Tổng giám đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành
- Số hiệu: 424-QĐ
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 09/07/1965
- Nơi ban hành: Ngân hàng Nhà nước
- Người ký: Tạ Hoàng Cơ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 11
- Ngày hiệu lực: 09/07/1965
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra