Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 423/QĐ-UBND | Ninh Bình, ngày 11 tháng 4 năm 2025 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NỘI BỘ TRONG HỆ THỐNG HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA SỞ TƯ PHÁP
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 02 năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 1085/QĐ-TTg ngày 15 tháng 9 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 - 2025;
Thực hiện Kế hoạch số 177/KH-UBND ngày 01 tháng 11 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình về thống kê, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022 - 2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt phương án đơn giản hóa 13 thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp tại Phụ lục kèm theo.
Điều 2. Giao Sở Tư pháp dự thảo phương án thực thi đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ban hành.
Giao Văn phòng UBND tỉnh theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
PHỤ LỤC
PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HOÁ THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NỘI BỘ TRONG HỆ THỐNG HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA SỞ TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số 423/QĐ-UBND ngày 11 tháng 4 năm 2025 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)
A. THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NỘI BỘ CẤP TỈNH (09 TTHC)
1. Thành lập Phòng công chứng
a) Nội dung đơn giản hóa
- Về thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ: Đề nghị quy định cụ thể thành phần, số lượng hồ sơ của thủ tục này.
Lý do: Tại Điều 20 Luật Công chứng số 53/2014/QH13 chưa quy định cụ thể thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ trình UBND tỉnh thành lập Phòng Công chứng.
- Về thời hạn xử lý: Đề nghị bổ sung quy định thời hạn xử lý hồ sơ.
Lý do: Tại Điều 20 Luật Công chứng số 53/2014/QH13 chưa quy định thời hạn xử lý hồ sơ tại Sở Tư pháp và UBND tỉnh.
b) Kiến nghị thực thi
Đề nghị sửa đổi về thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ, thời gian giải quyết tại Điều 20 Luật Công chứng số 53/2014/QH13.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 21.265.680 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 13.265.680 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 8.000.000 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí sau đơn giản hóa: 37,6%.
2. Giải thể Phòng công chứng
a) Nội dung đơn giản hóa
- Về thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ: Đề nghị quy định cụ thể thành phần, số lượng hồ sơ của thủ tục này.
Lý do: Tại Điều 21 Luật Công chứng số 53/2014/QH13 chưa quy định cụ thể thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ.
- Về thời hạn xử lý: Đề nghị bổ sung quy định thời hạn xử lý hồ sơ.
Lý do: Tại Điều 21 Luật Công chứng số 53/2014/QH13 chưa quy định thời hạn xử lý hồ sơ tại Sở Tư pháp và UBND tỉnh.
b) Kiến nghị thực thi
Đề nghị sửa đổi về thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ, thời gian giải quyết tại Điều 21 Luật Công chứng số 53/2014/QH13.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 21.265.680 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 13.265.680 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 8.000.000 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí sau đơn giản hóa: 37,6%.
3. Chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng
a) Nội dung đơn giản hóa
- Về thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ: Đề nghị quy định cụ thể thành phần, số lượng hồ sơ của thủ tục này.
Lý do: Tại Điều 21 Luật Công chứng số 53/2014/QH13 chưa quy định cụ thể thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ.
b) Kiến nghị thực thi
Đề nghị sửa đổi về thành phần hồ sơ, số lượng hồ sơ tại Điều 21 Luật Công chứng số 53/2014/QH13.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 21.265.680 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 13.265.680 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 8.000.000 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí sau đơn giản hóa: 37,6%.
4. Thủ tục cập nhật thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật
a) Nội dung đơn giản hóa
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 16 Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28/5/2015 của Chính phủ về cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Đề nghị quy định thời hạn cung cấp văn bản đối với bản điện tử là "gửi ngay đến đơn vị thực hiện việc cấp nhật văn bản trong ngày công bố hoặc ký ban hành".
Lý do: Tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 52/2015/NĐ-CP quy định: "Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành đối với văn bản quy phạm pháp luật; kể từ ngày ký xác thực đối với văn bản hợp nhất, đơn vị giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan nhà nước khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì soạn thảo văn bản phải gửi bản giấy và bản điện tử văn bản đến đơn vị thực hiện việc cập nhật văn bản".
Tuy nhiên, hiện nay việc trao đổi văn bản được thực hiện trực tuyến qua Hệ thống phần mềm quản lý văn bản (IOffice), do đó, việc quy định thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày công bố hoặc ký ban hành là không cần thiết.
b) Kiến nghị thực thi
Đê nghị sửa đổi, bổ sung thời hạn cung cấp văn bản quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định số 52/2015/NĐ-CP.
c) Lợi ích của phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 8.124.000đ/năm
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 5.416.000đ/năm
- Chi phí tiết kiệm: 2.708.000đ/năm
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 33%
5. Thủ tục công nhận báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh
a) Nội dung đơn giản hóa
- Về thành phần hồ sơ:
+ Đề nghị mẫu hóa văn bản đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh.
+ Đề nghị mẫu hoá Tờ trình, dự thảo Quyết định của Sở Tư pháp trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định công nhận báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh để giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thuận lợi trong công tác soạn thảo văn bản.
Lý do: Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22/7/2016 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định về báo cáo viên pháp luật, tuyên truyền viên pháp luật chỉ quy định nội dung của văn bản đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh tại khoản 5 Điều 3, không quy định mẫu văn bản chung cho các đơn vị thực hiện.
b) Kiến nghị thực thi
Kiến nghị Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung mẫu hóa văn bản, Tờ trình, dự thảo Quyết định trong thành phần hồ sơ theo quy định tại Điều 3 Thông tư số 10/2016/TT-BTP.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 466.166.592 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 361.764.699 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 104.401.893 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 22,4%.
6. Thủ tục miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh
a) Nội dung đơn giản hóa
- Về thành phần hồ sơ:
+ Đề nghị mẫu hóa văn bản đề nghị miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh.
+ Đề nghị mẫu hoá Tờ trình, dự thảo Quyết định của Sở Tư pháp trình Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh để giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính, thuận lợi trong công tác soạn thảo văn bản.
Lý do: Thông tư số 10/2016/TT-BTP chỉ quy định nội dung của văn bản đề nghị miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh tại khoản 2 Điều 4, không quy định mẫu văn bản chung cho các đơn vị thực hiện.
b) Kiến nghị thực thi
Đề nghị sửa đổi, bổ sung mẫu hóa văn bản, Tờ trình, dự thảo Quyết định trong thành phần hồ sơ tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 10/2016/TT-BTP.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 466.166.592 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 361.764.699 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 104.401.893 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 22,4%.
7. Thủ tục Xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp
a) Nội dung đơn giản hóa
Đề nghị thay đổi, rút ngắn thời hạn xử lý hồ sơ tại điểm b, điểm d khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch số 02/2010/TTLT-BTP-BNV ngày 11/2/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn việc xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp.
Lý do: Để tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện thủ tục hành chính.
b) Kiến nghị thực thi
Đề nghị sửa đổi quy định thời hạn xử lý hồ sơ tại điểm b, điểm d khoản 3 Điều 8 Thông tư liên tịch số 02/2010/TTLT-BTP-BNV ngày 11/2/2010 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn việc xếp hạng các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc ngành Tư pháp.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 4.929.795 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 3.885.515 đồng/năm
- Chi phí tiết kiệm: 1.044.280 đồng/năm
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 21,2%
8. Thủ tục Xét thăng hạng chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I
a) Nội dung đơn giản hóa
* Về thành phần hồ sơ: Đề nghị bãi bỏ nội dung sau “đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 05/2022/TT-BTP:
- Có bằng cử nhân luật trở lên;
- Có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc thuộc trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư;
- Có giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý hoặc giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, trừ trường hợp trợ giúp viên pháp lý đã được bổ nhiệm theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 hoặc được miễn tập sự trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật”.
Lý do: Việc quy định tiêu chuẩn và thành phần hồ sơ này đối với TTHC “Xét thăng hạng chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I” là không cần thiết. Thành phần hồ sơ TTHC trên trùng lặp với thủ tục “Đề nghị bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý” quy định tại Khoản 2 Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Mặc khác những tiêu chuẩn này đã được áp dụng từ thủ tục “Đề nghị bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý hạng III”; các thành phần hồ sơ kiểm chứng đã được thu, lưu trữ và kiểm tra, thẩm định trước khi được bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý hạng III.
* Về thời hạn giải quyết:
Đề nghị quy định cụ thể thời gian thực hiện TTHC Xét thăng hạng chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I, thay đổi thời hạn thông báo kết quả xét thăng hạng,bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trúng tuyển kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Lý do: Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và Nghị định số 85/2023/NĐ-CP chỉ quy định thời hạn thông báo kết quả xét thăng hạng,bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trúng tuyển kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, chưa quy định thời hạn xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
b) Kiến nghị thực thi
- Đề nghị sửa lại điểm đ, khoản 1, Điều 4 Thông tư số 09/2024/TT-BTP ngày 06/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp như sau: “đ) Bản sao các văn bằng chứng chỉ theo yêu cầu: Trường hợp xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý hạng I thực hiện theo quy định tại điểm e, khoản 2 Điều 5 Thông tư số 05/2022/TT-BTP. Trường hợp xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý hạng II thực hiện theo quy định tại điểm e, khoản 2 Điều 6 Thông tư số 05/2022/TT-BTP”.
- Đề nghị có quy định cụ thể về thời gian thực hiện xét thăng hạng chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng I.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 9.558.520 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 7.614.388 đồng/năm
- Chi phí tiết kiệm: 1.984.132 đồng/năm
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 20,6%
9. Thủ tục: Xét thăng hạng chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng II
a) Nội dung đơn giản hóa
* Về thành phần hồ sơ: Đề nghị bãi bỏ nội dung sau “đáp ứng tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý theo quy định tại Điều 4 Thông tư số 05/2022/TT-BTP:
- Có bằng cử nhân luật trở lên;
- Có giấy chứng nhận tốt nghiệp đào tạo nghề luật sư hoặc thuộc trường hợp được miễn đào tạo nghề luật sư;
- Có giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự trợ giúp pháp lý hoặc giấy chứng nhận kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư, trừ trường hợp trợ giúp viên pháp lý đã được bổ nhiệm theo Luật Trợ giúp pháp lý năm 2006 hoặc được miễn tập sự trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật”.
Lý do: Việc quy định tiêu chuẩn và thành phần hồ sơ này đối với TTHC “Xét thăng hạng chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng II” là không cần thiết. Thành phần hồ sơ TTHC trên trùng lặp với thủ tục “Đề nghị bổ nhiệm trợ giúp viên pháp lý” quy định tại Khoản 2 Điều 21 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017. Mặc khác những tiêu chuẩn này đã được áp dụng từ thủ tục “Đề nghị bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý hạng III”; các thành phần hồ sơ kiểm chứng đã được thu, lưu trữ và kiểm tra, thẩm định trước khi được bổ nhiệm Trợ giúp viên pháp lý hạng III.
* Về thời hạn giải quyết:
Đề nghị quy định cụ thể thời gian thực hiện TTHC Xét thăng hạng chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng II, thay đổi thời hạn thông báo kết quả xét thăng hạng,bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trúng tuyển kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.
Lý do: Nghị định số 115/2020/NĐ-CP và Nghị định số 85/2023/NĐ-CP chỉ quy định thời hạn thông báo kết quả xét thăng hạng, bổ nhiệm và xếp lương chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trúng tuyển kỳ xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp, chưa quy định thời gian tổ chức thực hiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức
b) Kiến nghị thực thi
- Đề nghị sửa lại điểm đ, khoản 1, Điều 4 Thông tư số 09/2024/TT-BTP ngày 06/9/2024 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp như sau: “đ) Bản sao các văn bằng chứng chỉ theo yêu cầu: Trường hợp xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý hạng I thực hiện theo quy định tại điểm e, khoản
2 Điều 5 Thông tư số 05/2022/TT-BTP. Trường hợp xét thăng hạng lên chức danh nghề nghiệp viên chức trợ giúp viên pháp lý hạng II thực hiện theo quy định tại điểm e, khoản 2 Điều 6 Thông tư số 05/2022/TT-BTP”.
- Đề nghị có quy định cụ thể về thời gian thực hiện xét thăng hạng chức danh trợ giúp viên pháp lý hạng II.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 18.997.040 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 15.028.776 đồng/năm
- Chi phí tiết kiệm: 3.968.264 đồng/năm
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 20,8%
B. THỦ TỤC HÀNH CHÍNH NỘI BỘ CẤP HUYỆN (04 TTHC)
1. Thủ tục công nhận báo cáo viên pháp luật (cấp huyện)
a) Nội dung đơn giản hóa
- Thứ nhất:Về cách thức thực hiện: Đề nghị bổ sung quy định về cách thức thực hiện trực tuyến qua Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc.
Lý do: Khoản 3 Điều 3 Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Bộ Tư pháp chưa quy định cách thức thực hiện trực tuyến.
- Thứ hai: Về thành phần hồ sơ: Đề nghị có quy định chung về mẫu văn bản đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật cấp huyện và quy định rõ ràng về số lượng hồ sơ.
Lý do: Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Bộ Tư pháp chỉ quy định nội dung của văn bản đề nghị công nhận báo cáo viên pháp luật cấp tỉnh tại Khoản 5 Điều 3, không có mẫu văn bản chung cho các đơn vị thực hiện, không quy định rõ ràng về số lượng hồ sơ.
b) Kiến nghị, đề xuất phương án thực thi
Đề nghị sửa đổi, bổ sung cách thức thực hiện, mẫu hóa thành phần hồ sơ tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22 tháng 7 năm 2016.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 102.850.000 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 80.223.000 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 22.627.000 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 22%.
2. Thủ tục miễn báo cáo viên pháp luật (cấp huyện)
a) Nội dung đơn giản hóa
- Thứ nhất về cách thức thực hiện: Đề nghị bổ sung quy định về cách thức thực hiện trực tiếp, trực tuyến qua Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc
Lý do: Khoản 2 và Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Bộ Tư pháp chưa quy định cách thức thực hiện trực tuyến.
- Thứ hai: Về thành phần hồ sơ: Đề nghị có quy định chung về mẫu văn bản đề nghị miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật cấp huyện và quy định rõ ràng số lượng hồ sơ 01 bộ
Lý do: Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22 tháng 7 năm 2016 của Bộ Tư pháp chỉ quy định nội dung của văn bản đề nghị miễn nhiệm báo cáo viên pháp luật cấp huyện tại Khoản 2 Điều 4, không quy định mẫu văn bản chung cho các đơn vị thực hiện và không quy định rõ ràng số lượng hồ sơ.
b) Kiến nghị, đề xuất phương án thực thi
Kiến nghị Bộ Tư pháp sửa đổi, bổ sung về cách thức thực hiện, mẫu hóa thành phần hồ sơ tại khoản 2 Điều 4 Thông tư số 10/2016/TT-BTP ngày 22 tháng 7 năm 2016.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 153.682.000 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 115.261.500 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 38.420.500 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 25%.
3. Thủ tục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật theo thẩm quyền (cấp huyện)
a) Nội dung đơn giản hóa
- Thứ nhất về cách thức thực hiện: Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Điều 121 Nghị định 34/2016/NĐ-CP. Đề nghị quy định thời gian gửi là ngay khi thông qua hoặc ký ban hành.
Lý do: Tại Điều 121 Nghị định 34/2016/NĐ-CP quy định thời gian gửi văn bản đến cơ quan kiểm tra: “Trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc, kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành, cơ quan, người có thẩm quyền ban hành văn bản phải gửi văn bản đến cơ quan, người có thẩm quyền kiểm tra văn bản”. Hiện nay cách thức thực hiện kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, xử lý văn bản quy phạm pháp luật trái pháp luật được thực hiện trực tuyến qua Hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc (TD office). Do đó, việc quy định thời gian 03 ngày làm việc kể từ ngày thông qua hoặc ký ban hành là không cần thiết.
- Về thời hạn xử lý văn bản trái pháp luật: Đề nghị quy định cụ thể thời gian xử lý tính theo “ngày làm việc” (Điều 125) để thuận tiện cho quá trình triển khai thực hiện. Ngoài ra đề xuất giảm thời hạn cơ quan, người ban hành văn bản trái pháp luật tổ chức xem xét, xử lý văn bản và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra, đề xuất thời hạn là 15 ngày làm việc (khoản 1 Điều 125 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP).
Lý do: tại khoản 1 Điều 125 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP quy định: “Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kết luận kiểm tra về văn bản trái pháp luật, cơ quan, người đã ban hành văn bản phải tổ chức xem xét, xử lý văn bản đó và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra văn bản”.
Việc quy định 15 ngày (theo khoản 2) hoặc 30 ngày (Theo khoản 1) thông thường sẽ phải tính cả ngày nghỉ thứ 7, chủ nhật, ngày nghỉ lễ, tết, khó đảm bảo cho quá trình triển khai thực hiện. Đề xuất thời gian người đã ban hành văn bản phải tổ chức xem xét, xử lý văn bản và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra văn bản là 15 ngày làm việc để đảm bảo văn bản trái pháp luật được xử lý kịp thời, đúng quy định.
b) Kiến nghị, đề xuất phương án thực thi
Đề nghị Chính phủ xem xét sửa đổi, bổ sung cách thức thực hiện, thời gian xử lý tại khoản 1, khoản 2 Điều 125, Điều 121 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 335.260.000 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 251.445.000 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 83.815.000 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 25%
4. Thủ tục Công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật
a) Nội dung đơn giản hóa
- Thứ nhất về cách thức thực hiện: Đề nghị bỏ nội dung “Gửi hồ sơ bằng bản giấy”, chỉ để hình thức gửi bản điện tử để đơn giản hóa thủ tục và rút ngắn thời gian giải quyết do các tài liệu kèm theo hồ sơ hiện nay đã có sẵn trên hệ thống phần mềm giải quyết hồ sơ công việc
Lý do: Tại điểm e khoản 1 Điều 3 Thông tư số 09/2021/TT-BTP ngày 15/11/2021 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg đang quy định gửi cả hồ sơ giấy hoặc bản điện tử.
- Thứ hai: Về thành phần hồ sơ: Đề nghị mẫu hoá Văn bản đề nghị công nhận xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật tại điểm d khoản 4 Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐTTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
Lý do: Văn bản chưa được mẫu hóa nên khó khăn cho công tác soạn thảo văn bản để trình.
- Bỏ thành phần hồ sơ “các tài liệu khác có liên quan”. Quy định như vậy dẫn đến tùy nghi trong việc yêu cầu nộp các loại hồ sơ khác, gây khó khăn cho cơ quan nộp hồ sơ không biết loại giấy tờ nào cần để nộp.
b) Kiến nghị, đề xuất phương án thực thi
Kiến nghị Bộ Tư pháp sửa đổi cách thức thực hiện, thành phần hồ sơ tại Điểm e khoản 1 Điều 3 và Điểm c, khoản 2 Điều 3 Thông tư số 09/2021/TTBTP ngày 15/11/2021 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành Quyết định số 25/2021/QĐ- TTg; Điểm d khoản 4 Điều 5 Quyết định số 25/2021/QĐ-TTg ngày 22/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ quy định về xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi đơn giản hóa: 99.000.000 đồng/năm
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi đơn giản hóa: 57.000.000. đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 42.000.000 đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 42%.
Quyết định 423/QĐ-UBND năm 2025 phê duyệt phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính Nhà nước thuộc phạm vi chức năng quản lý của Sở Tư pháp tỉnh Ninh Bình
- Số hiệu: 423/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 11/04/2025
- Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Bình
- Người ký: Tống Quang Thìn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/04/2025
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra