Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH GIA LAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/2024/QĐ-UBND

Gia Lai, ngày 11 tháng 9 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH GIA LAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Gia Lai.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25 tháng 9 năm 2024.

2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các cơ quan,  đơn vị, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (b/c);
- Vụ pháp chế - Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp;
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh (b/c);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Hội đồng nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;
- Các sở, ban, ngành;
- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố;
- Sở Tư pháp;
- Báo Gia Lai, Đài Phát thanh – Truyền hình tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, CNXD.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Dương Mah Tiệp

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH GIA LAI
(Kèm theo Quyết định số 42/2024/QĐ-UBND ngày 11 tháng 9 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh Gia Lai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Gia Lai bao gồm: Chất thải rắn sinh hoạt; chất thải rắn xây dựng, chất thải nhựa, bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước; chất thải rắn y tế; tuyến đường và thời gian hoạt động đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cộng đồng dân cư, hộ gia đình và cá nhân (sau đây gọi chung là các tổ chức, cá nhân) có hoạt động liên quan đến việc phát sinh, phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn.

Chương II

QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN SINH HOẠT

Điều 3. Phân loại chất thải rắn sinh hoạt khác

Các tổ chức, cá nhân có hoạt động phát sinh chất thải rắn sinh hoạt ngoài việc thực hiện phân loại chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt khác như sau:

1. Chất thải nguy hại:

a) Bao bì đựng thuốc bảo vệ, axit thải, dung môi thải, kiềm thải, dầu mỡ công nghiệp, chất tẩy rửa có thành phần nguy hại, bình gas mini, … từ hoạt động sinh hoạt; sơn, mực, chất kết dính (loại có các thành phần nguy hại trong nguyên liệu sản xuất); găng tay, giẻ lau dính dầu, hóa chất; kim tiêm, khẩu trang, bông băng bị nhiễm khuẩn từ người bệnh;

b) Các loại bóng đèn huỳnh quang thải; thủy tinh hoạt tính thải; nhiệt kế chứa thủy ngân thải;

c) Các loại pin, ắc quy thải.

2. Chất thải rắn cồng kềnh phân loại thành 04 nhóm sau:

a) Nhóm 1: Tủ gỗ, bàn ghế, giường, nệm cũ hỏng…

b) Nhóm 2: Tủ sắt, khung cửa, cánh cửa…

c) Nhóm 3: Cành cây, thân cây, gốc cây…

d) Nhóm 4: Ti vi, tủ lạnh, máy điều hòa, máy rửa bát, quạt điện, quạt sưởi, máy giặt, máy vi tính….

3. Chất thải khác còn lại:

a) Vỏ các loại hạt như macca, óc chó, hạt điều, dừa, vỏ trứng, xơ dừa, rơm, trấu,… từ hoạt động sinh hoạt. Chiếu cói, chiếu tre, trúc; gối mây, tre; lông gia súc, gia cầm,…; bã các loại: cà phê, trà (túi trà), bã mía, xác mía, lõi ngô (cùi bắp),…; chất thải từ làm vườn từ hộ gia đình như lá, rễ cây, cành cây nhỏ, cỏ, hoa,…;

b) Phân động vật cảnh; xác động vật cảnh chết không do dịch bệnh,…;

c) Tã, bỉm, băng, giấy vệ sinh, giấy ăn đã sử dụng; giấy ướt đã sử dụng; bông tẩy trang, khẩu trang,…; các loại hộp xốp, các loại sản phẩm nhựa sử dụng một lần; bã kẹo cao su, đầu lọc thuốc lá,…; bóng bay, băng keo dán, tăm bông tai, tăm chỉ kẽ răng; vỏ thuốc,…

d) Giày, dép nhựa, thước kẻ, muôi (vá), thìa (muỗng) bằng nhựa; bút, bật lửa đã hết gas, bàn chải đánh răng, vỏ tuýp, hộp kem đánh răng,…; các loại nhựa thải khác.

e) Vỏ cứng các loại thủy, hải sản; xỉ than từ hoạt động sinh hoạt,…;

f) Các loại chất thải còn lại.

Điều 4. Chính sách khuyến khích việc phân loại riêng chất thải nguy hại trong chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân

1. Khuyến khích hộ gia đình, cá nhân phân loại riêng chất thải nguy hại để tự lưu chứa tại hộ gia đình hoặc bỏ vào thiết bị, thùng lưu chứa chất thải nguy hại do Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí tại mỗi xã, phường, thị trấn. Thùng lưu chứa chất thải nguy hại phải kín, không rò rỉ, có nắp đậy, in dòng chữ “CHẤT THẢI NGUY HẠI”.

2. Hộ gia đình, cá nhân được khuyến khích tự trang bị thùng lưu chứa chất thải nguy hại trong trường hợp tự lưu chứa tại hộ gia đình; phải chuyển giao chất thải nguy hại cho cơ sở chức năng thu gom, vận chuyển, xử lý khi Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý. Hộ gia đình, cá nhân không phải chi trả giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải nguy hại.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường để bố trí thiết bị, thùng lưu chứa chất thải nguy hại tại các xã, phường, thị trấn; thực hiện thu gom, vận chuyển và thuê xử lý chất thải nguy hại định kỳ (tối thiểu 01 lần/năm); thông báo rộng rãi thời điểm thu gom chất thải nguy hại cho hộ gia đình, cá nhân biết để phối hợp tổ chức thực hiện.

Điều 5. Thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn cồng kềnh

1. Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt

a) Chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ các tổ chức, cá nhân phải được thu gom và vận chuyển đến các điểm tập kết đúng thời gian, đúng nơi quy định, đảm bảo vệ sinh môi trường. Tại các khu đô thị, không lưu giữ chất thải rắn sinh hoạt tại các thùng đựng rác công cộng trên các đường phố quá 48 giờ và tại các điểm trung chuyển quá 24 giờ; tránh thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt trong giờ cao điểm (trừ trường hợp đột xuất theo yêu cầu của cơ quan chức năng hoặc chính quyền địa phương); không tập kết xe thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các địa điểm dễ gây ùn tắc giao thông.

b) Cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải sử dụng thiết bị, phương tiện được thiết kế phù hợp đối với từng loại chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 27 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ Môi trường. Trong quá trình vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải bảo đảm không làm rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi, nước rò rỉ.

c) Tùy vào đặc điểm của mỗi khu vực dân cư, điều kiện cung ứng dịch vụ, Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt xác định tuyến đường, thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt phù hợp.

d) Chất thải rắn sinh hoạt phải được xử lý tại các cơ sở được cơ quan có thẩm quyền cấp phép.

2. Thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn cồng kềnh: Tổ chức, cá nhân có phát sinh chất thải rắn cồng kềnh có trách nhiệm thu gom, tháo rã và giảm kích thước trước khi vận chuyển đến điểm tập kết. Chất thải rắn cồng kềnh sau khi tháo rời phải phân loại thành các thành phần có thể tái chế, tái sử dụng và chỉ thải bỏ các thành phần không thể tái chế, tái sử dụng để giảm thiểu tối đa việc phát thải ra môi trường và tận dụng triệt để giá trị nguồn tài nguyên từ chất thải rắn cồng kềnh. Chất thải rắn cồng kềnh sau khi tháo rã, giảm kích thước được thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 6. Lựa chọn và xây dựng các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt

1. Các điểm tập kết chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT; trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường quy định tại điểm a, b, c, d, đ, e, g khoản 2 Điều 26 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt xác định vị trí và quy mô các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt trên địa bàn quản lý.

3. Các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt phải phù hợp về cự ly vận chuyển đến các khu xử lý; được thiết kế theo đúng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng; đảm bảo mỹ quan, không gây ô nhiễm môi trường đất, không khí và nguồn nước trong quá trình vận hành.

Chương III

QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN XÂY DỰNG, CHẤT THẢI NHỰA, BÙN THẢI TỪ BỂ PHỐT, HẦM CẦU VÀ BÙN THẢI TỪ HỆ THỐNG THOÁT NƯỚC

Điều 7. Thu gom, vận chuyển chất thải rắn xây dựng

1. Chất thải rắn xây dựng phải được thu gom, vận chuyển đến điểm tập kết hoặc cơ sở xử lý theo quy hoạch xây dựng được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cơ sở tái chế, công trình khác để tái chế, tái sử dụng.

2. Việc vận chuyển phải theo thời gian và lộ trình về tuyến đường, an toàn giao thông và tuân thủ các quy định của cơ quan có thẩm quyền về phân luồng giao thông tại địa phương.

3. Phương tiện vận chuyển chất thải rắn xây dựng phải đáp ứng các yêu cầu về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về giao thông vận tải.

4. Trong quá trình vận chuyển, phương tiện vận chuyển phải bảo đảm không làm rơi vãi chất thải, gây phát tán bụi, mùi, nước rò rỉ.

5. Trong trường hợp chủ nguồn thải chất thải rắn xây dựng tự vận chuyển chất thải rắn xây dựng thì phải tuân thủ các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4 Điều này.

Điều 8. Xử lý chất thải rắn xây dựng

1. Khuyến khích tái sử dụng, tái chế chất thải rắn xây dựng tại nơi phát sinh theo các mục đích sau:

a) Chất thải rắn xây dựng dạng bê tông và gạch vụn chủ yếu được tái chế thành cốt liệu thô, có thể sử dụng làm vật liệu sản xuất gạch, tấm tường, gạch lát nền, các sản phẩm vật liệu xây dựng khác hoặc san nền.

b) Đối với chất thải rắn xây dựng như gỗ, giấy chủ yếu được tái chế làm nguyên liệu cho sản xuất giấy, gỗ và nhiên liệu đốt.

c) Đối với chất thải rắn xây dựng là vật liệu hỗn hợp nhựa đường, có thể tái chế thành vật liệu bê tông nhựa (dạng cốt liệu).

d) Đối với phế liệu là thép và các vật liệu kim loại khác, có thể trực tiếp tái sử dụng hoặc làm nguyên liệu cho ngành luyện kim.

đ) Các loại chất thải rắn xây dựng khác, tùy theo tính chất và đặc điểm (thành phần), được tái sử dụng, tái chế theo mục đích sử dụng phù hợp.

2. Công nghệ xử lý chất thải rắn xây dựng:

a) Nghiền, sàng.

b) Sản xuất vật liệu xây dựng.

c) Chôn lấp.

3. Đối với chất thải xây dựng phát sinh từ hoạt động cải tạo, phá dỡ công trình xây dựng của các tổ chức, cá nhân tại đô thị không có khả năng tái sử dụng, tái chế phải được hợp đồng thu gom, xử lý với đơn vị có chức năng xử lý chất thải rắn xây dựng.

Điều 9. Quy hoạch địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng; bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước; địa điểm đổ chất thải đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm bố trí quỹ đất, quy hoạch địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng; bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước; địa điểm đổ chất thải đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa; ưu tiên bố trí địa điểm đổ chất thải cùng khu vực xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

2. Việc lựa chọn địa điểm đổ chất thải từ hoạt động xây dựng; bùn thải từ bể phốt, hầm cầu và bùn thải từ hệ thống thoát nước; địa điểm đổ chất thải đối với vật chất nạo vét từ hệ thống giao thông đường thủy nội địa phải đảm bảo theo quy định pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, bảo vệ môi trường.

Điều 10. Quản lý chất thải nhựa

1. Khuyến khích không sử dụng băng rôn, khẩu hiệu, chai, cốc, ống hút, bát, đũa bằng nhựa dùng một lần tại công sở và trong các hội nghị, hội thảo, cuộc họp, ngày lễ, lễ kỷ niệm và các sự kiện khác; ưu tiên lựa chọn các sản phẩm tái chế, thân thiện với môi trường.

2. Giảm dần việc sản xuất sản phẩm nhựa dùng một lần, bao bì nhựa, túi ni lông khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa theo lộ trình quy định tại khoản 4 Điều 64 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính Phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.

3. Các tổ chức, cá nhân thực hiện việc phân loại chất thải nhựa tại nguồn để tái sử dụng, tái chế phục vụ sản xuất hàng hóa, vật liệu xây dựng, công trình giao thông; trường hợp không thể tái chế, chất thải nhựa phải được chuyển giao cho cơ sở có chức năng theo quy định, không được thải bỏ vào hệ thống thoát nước, sông, suối, ao, hồ, kênh, mương, rạch.

4. Các đơn vị thực hiện thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm bố trí nhân lực, thiết bị cho công tác thu gom, vận chuyển chất thải nhựa phát sinh từ quá trình sinh hoạt.

Chương IV

QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN Y TẾ

Điều 11. Thu gom chất thải rắn y tế

1. Chất thải rắn y tế thông thường được thu gom theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Thông tư số 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế.

2. Chất thải rắn y tế lây nhiễm được thu gom theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư số 20/2021/TT-BYT.

3. Chất thải rắn y tế nguy hại không lây nhiễm được thu gom theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư số 20/2021/TT-BYT.

Điều 12. Vận chuyển chất thải rắn y tế

1. Phương tiện vận chuyển đối với từng loại chất thải rắn y tế:

a) Phương tiện vận chuyển chất thải rắn y tế thông thường phải đáp ứng các quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 34 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

b) Phương tiện, thiết bị vận chuyển chất thải rắn y tế lây nhiễm phải đáp ứng các quy định tại khoản 3 Điều 42 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

c) Phương tiện, thiết bị vận chuyển chất thải rắn y tế nguy hại không lây nhiễm phải đáp ứng các quy định tại Điều 37 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT.

2. Trong quá trình vận chuyển chất thải rắn y tế lây nhiễm từ các cơ sở y tế về cơ sở xử lý chất thải rắn y tế, khi xảy ra sự cố phải thực hiện ngay các biện pháp ứng phó, khắc phục sự cố môi trường.

3. Người tham gia vận chuyển chất thải rắn y tế lây nhiễm phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, thực hiện theo đúng hành trình vận chuyển, khử khuẩn phương tiện sau mỗi lần vận chuyển.

Điều 13. Xử lý chất thải rắn y tế

1. Việc xử lý chất thải rắn y tế thông thường được thực hiện tại các cơ sở có các công trình bảo vệ môi trường đáp ứng yêu cầu kỹ thuật môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Việc xử lý chất thải rắn y tế theo hướng ưu tiên lựa chọn các tiêu chí công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường và bảo đảm xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

3. Xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm được thực hiện theo mô hình xử lý tại chỗ và mô hình xử lý theo cụm:

a) Mô hình xử lý tại chỗ: Các cơ sở y tế đã đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm (lò đốt/lò nghiền cắt hấp ướt/lò vi sóng) thì tự xử lý chất thải y tế phát sinh tại cơ sở đảm bảo chất thải được lưu giữ, xử lý theo đúng quy định; công nghệ xử lý đáp ứng các quy chuẩn hiện hành.

b) Mô hình xử lý theo cụm:

- Tại thành phố Pleiku: Các cơ sở y tế (Trung tâm y tế, Bệnh viện) đã được trang bị lò đốt/lò vi sóng tự xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm do chính đơn vị phát sinh, xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm của các cơ sở y tế và các phòng khám tư nhân (nếu có nhu cầu). Các cơ sở y tế chưa được trang bị/đầu tư công trình xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm chủ động lựa chọn đơn vị để hợp đồng xử lý chất thải y tế (hợp đồng với các đơn vị có đủ chức năng để thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế theo đúng quy định hoặc các đơn vị trong cụm).

- Tại thị xã Ayun Pa, thị xã An Khê và các huyện: Chư Prông, Đức Cơ, Chư Sê, Chư Pưh, Phú Thiện, Ia Pa, Krông Pa, Chư Păh, Ia Grai, Đak Đoa, Mang Yang, Đak Pơ, Kbang, Kông Chro: Các cơ sở y tế ngoài việc xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm do chính đơn vị phát sinh ra, có trách nhiệm xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm của các trạm y tế xã, phường, thị trấn; các phòng khám đa khoa, chuyên khoa tư nhân trên địa bàn huyện, thị xã và các đơn vị khác có nhu cầu.

4. Các cơ sở y tế thuộc phạm vi thu gom, xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm theo mô hình cụm được phép phối hợp, chuyển giao với các cụm xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm khác trên địa bàn tỉnh hoặc chuyển giao cho đơn vị có chức năng xử lý chất thải nguy hại để xử lý trong trường hợp hệ thống xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm tại cụm xử lý bị hỏng hoặc gặp sự cố.

5. Đơn vị nhận thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm và chất thải rắn y tế nguy hại không lây nhiễm phải có giấy phép môi trường được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc giấy phép xử lý chất thải nguy hại do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp, trong đó có nội dung thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn y tế nguy hại trên địa bàn tỉnh.

Chương V

TUYẾN ĐƯỜNG VÀ THỜI GIAN HOẠT ĐỘNG ĐỐI VỚI PHƯƠNG TIỆN VẬN CHUYỂN CHẤT THẢI RẮN CÔNG NGHIỆP THÔNG THƯỜNG, CHẤT THẢI NGUY HẠI

Điều 14. Tuyến đường và thời gian hoạt động đối với phương tiện vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại

1. Thời gian vận chuyển chất thải rắn công nghiệp thông thường đối với phương tiện vận chuyển có hành trình đi qua các tuyến đường thuộc nội thành, nội thị được thực hiện từ 08 giờ đến 17 giờ và từ 19 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau. Các khu vực còn lại thời gian hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương sau khi được sự thống nhất của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Thời gian vận chuyển chất thải nguy hại đối với phương tiện vận chuyển có hành trình đi qua các tuyến đường thuộc nội thành, nội thị được thực hiện từ 19 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau, trường hợp vận chuyển đột xuất chủ phương tiện vận chuyển chất thải nguy hại phải báo cáo với Sở Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án, cơ sở sản xuất, kinh doanh. Các khu vực còn lại thời gian hoạt động phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương sau khi được sự thống nhất của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn thực hiện quản lý chất thải rắn, kiểm tra thực hiện công tác vệ sinh môi trường theo quy định của pháp luật.

b) Phối hợp với Sở Tài chính, hàng năm rà soát nguồn kinh phí sự nghiệp môi trường phân bổ cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Tài chính

Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các đơn vị, địa phương có liên quan tham mưu cấp thẩm quyền bố trí kinh phí sự nghiệp hằng năm cho hoạt động thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định có liên quan, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương hàng năm theo phân cấp ngân sách Nhà nước hiện hành.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện cơ chế, chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư; tham mưu bố trí vốn từ nguồn vốn đầu tư công để hỗ trợ đầu tư cho các chương trình, dự án đầu tư thuộc lĩnh vực xử lý chất thải rắn theo quy định của pháp luật đầu tư công và các quy định khác có liên quan.

4. Sở Giao thông vận tải

Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan có liên quan trong việc xác định tuyến đường và thời gian vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn công nghiệp thông thường, chất thải nguy hại.

5. Sở Y tế

Chủ trì hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định quản lý chất thải y tế đối với các bệnh viện, trung tâm y tế và cơ sở khám chữa bệnh.

6. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành khác

Căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao, các sở, ban, ngành liên quan có trách nhiệm phối hợp, hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các đơn vị trực thuộc thực hiện theo đúng Quy định này.

Điều 16. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động quản lý chất thải rắn.

2. Tổ chức triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt theo quy định, hướng dẫn và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm Quy định này.

3. Chủ động nguồn lực để đầu tư cho hoạt động thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương. Trình cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí sự nghiệp môi trường hằng năm theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và các quy định có liên quan, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách địa phương.

4. Phối hợp Ủy ban nhân dân cấp xã, đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt xác định vị trí và quy mô các điểm tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt; bố trí địa điểm để hộ gia đình, cá nhân tập kết chất thải nguy hại sau khi phân loại.

5. Chủ trì xây dựng lộ trình thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt để làm cơ sở đấu thầu, giao nhiệm vụ, đặt hàng lựa chọn đơn vị cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật. Đầu tư, khuyến khích xã hội hóa và quản lý quá trình đầu tư cho thu gom, vận chuyển, xây dựng công trình xử lý chất thải rắn sinh hoạt.

Điều 17. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

1. Chịu trách nhiệm quản lý hoạt động thu gom, tập kết, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt tại các thôn, làng, tổ dân phố và các tổ chức tự quản.

2. Phối hợp với các đơn vị thu gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt xác định cụ thể thời gian, cách thức chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt và thời gian chuyển giao chất thải rắn sinh hoạt tại các điểm cố định phù hợp với đặc điểm của từng khu vực, từng địa bàn.

3. Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, cơ sở thu gom, vận chuyển chất thải nguy hại xác định thời gian, địa điểm, tần suất thu gom chất thải nguy hại phù hợp với hiện trạng địa phương; bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại tập trung tại điểm thuận tiện giao thông và đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường.

4. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đoàn thể cấp xã tuyên truyền, vận động, phổ biến các nội dung liên quan đến việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Điều khoản thi hành

1. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định này.

2. Trường hợp văn bản quy phạm pháp luật được viện dẫn tại Quy định này được sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ hoặc thay thế bằng văn bản quy phạm pháp luật mới thì áp dụng quy định tại văn bản quy phạm pháp luật mới.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc phát sinh các đơn vị phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường (thông qua Chi cục Bảo vệ Môi trường) để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 42/2024/QĐ-UBND quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Gia Lai

  • Số hiệu: 42/2024/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/09/2024
  • Nơi ban hành: Tỉnh Gia Lai
  • Người ký: Dương Mah Tiệp
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/09/2024
  • Tình trạng hiệu lực: Không xác định
Tải văn bản