Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/2018/QĐ-UBND

An Giang, ngày 09 tháng 11 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ ÂM THANH GÂY TIẾNG ỒN TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, DỊCH VỤ VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 103/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng;

Căn cứ Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình;

Căn cứ Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo;

Căn cứ Nghị định số 28/2017/NĐ-CP ngày 20 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 131/2013/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan;

Căn cứ Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19 tháng 11 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 185/2013/NĐ-CP ngày 15 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng;

Căn cứ Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt;

Căn cứ Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số 04/2009/TT-BVHTTDL ngày 16 tháng 12 năm 2009 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quy định chi tiết thi hành một số quy định tại Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành kèm theo Nghị định số 103/2009/NĐ-CP của Chính phủ;

Căn cứ Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16 tháng 12 năm 2010 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường;

Căn cứ Thông tư số 04/2011/TT-BVHTTDL ngày 21 tháng 01 năm 2011 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;

Căn cứ Quyết định số 308/2005/QĐ-TTg ngày 25 tháng 11 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội;

Căn cứ Quyết định số 22/2018/QĐ-TTg ngày 08 tháng 5 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước;

Theo Tờ trình số 2181/TTr-SVHTTDL ngày 07 tháng 11 năm 2018 của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý âm thanh gây tiếng ồn trong các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 23 tháng 11 năm 2018.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Văn phòng Chính phủ;
- TT. Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT. UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành tỉnh;
- Các cơ quan đảng, đoàn thể tỉnh;
- Các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- UBND các xã, phường, thị trấn;
- Báo AG, Đài PT-TH AG, Cổng TTĐT tỉnh;
- Lãnh đạo VP UBND tỉnh;
- Phòng KGVX, TH, NC, Trang Web tỉnh;
- Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thanh Bình

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP QUẢN LÝ ÂM THANH GÂY TIẾNG ỒN TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, DỊCH VỤ VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH AN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 42/2018/QĐ-UBND ngày 09 tháng 11 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã) và các tổ chức, cá nhân, đơn vị có liên quan trong công tác phối hợp quản lý âm thanh gây tiếng ồn trong các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh An Giang.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan, đơn vị có liên quan (gọi tắt là cơ quan quản lý nhà nước).

2. Các tổ chức, cá nhân thực hiện kinh doanh trong hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa hoặc sử dụng các phương tiện phát ra âm thanh cụ thể:

a) Các tổ chức, cá nhân có sử dụng dàn nhạc, nhạc lễ tại cơ quan, doanh nghiệp, nhà hàng ăn uống, quán cà phê - giải khát, tụ điểm ca nhạc cố định.

b) Hộ gia đình có trang bị dàn âm thanh, loa, karaoke, máy phát nhạc, chiếu phim; hộ gia đình thuê dàn nhạc để ca hát hoặc phục vụ các sinh hoạt văn hóa gia đình như tiệc cưới, lễ tang, sinh nhật và các dạng sinh hoạt, đám tiệc mừng, liên hoan khác…

c) Doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho thuê âm thanh, dàn nhạc, nhạc lễ, dàn âm thanh sử dụng màn hình karaoke (kể cả doanh nghiệp, hộ kinh doanh ngoài tỉnh hoạt động trên địa bàn tỉnh An Giang).

d) Các cơ sở sản xuất, điểm kinh doanh, buôn bán cố định, buôn bán di động có sử dụng phương tiện phát âm thanh nhằm quảng cáo thu hút khách hàng.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Đảm bảo thống nhất công tác phối hợp quản lý âm thanh gây tiếng ồn trong các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, đồng thời tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa đúng quy định pháp luật.

2. Công tác phối hợp được thực hiện trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức đã được pháp luật quy định. Chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan để đảm bảo sự thống nhất đồng bộ, tránh chồng chéo trong chỉ đạo, điều hành.

3. Các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã chủ trì hoặc phối hợp các đơn vị có liên quan thực hiện chức năng quản lý, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn, gây mất trật tự theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 4. Nội dung phối hợp

1. Xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức tuyên truyền, tập huấn hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh.

2. Phối hợp thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý âm thanh gây tiếng ồn trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật.

3. Xử lý theo thẩm quyền những vi phạm sử dụng âm thanh gây tiếng ồn của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa.

Điều 5. Phương thức phối hợp

1. Trao đổi ý kiến, cung cấp thông tin bằng văn bản theo yêu cầu của cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp.

2. Tổ chức phối hợp trong việc thanh tra, kiểm tra liên ngành.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6. Sử dụng phương tiện phát âm thanh trong sinh hoạt văn hóa gia đình, kinh doanh dịch vụ văn hóa

1. Khi thực hiện kinh doanh các dịch vụ văn hóa công cộng có sử dụng phương tiện phát âm, doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và ký cam kết thực hiện đúng quy định của pháp luật trong lĩnh vực hoạt động với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi doanh nghiệp đặt trụ sở, nơi hộ kinh doanh đăng ký hộ khẩu thường trú và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện hợp đồng phục vụ dịch vụ văn hóa.

2. Trong thời gian hoạt động, âm thanh phải đảm bảo không vượt quá giới hạn tiếng ồn và độ rung quy định tại QCVN 26:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về tiếng ồn và QCVN 27:2010/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về độ rung ban hành kèm theo Thông tư số 39/2010/TT-BTNMT ngày 16/12/2010.

3. Phải đảm bảo sự yên tĩnh chung tại khu dân cư, nơi công cộng trong khoảng thời gian từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng hôm sau (trừ trường hợp di quan lễ tang).

4. Không đặt, để các phương tiện phát âm thanh lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè gây cản trở giao thông.

Điều 7. Sử dụng phương tiện phát âm thanh trong quảng cáo thu hút khách hàng.

1. Khi sử dụng phương tiện phát âm thanh để quảng cáo thu hút khách hàng, cơ sở sản xuất, điểm kinh doanh, buôn bán cố định, di động phải thực hiện theo Điều 6 Quy chế này.

2. Việc quảng cáo thu hút khách hàng có sử dụng loa phóng thanh và các hình thức tương tự được thực hiện theo quy định của Luật quảng cáo và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 8. Khuyến khích thực hiện

1. Hệ thống loa không hướng về phía khu dân cư, nơi công cộng.

2. Sử dụng ngôn ngữ văn minh, lịch sự trên hệ thống âm thanh.

3. Sử dụng các loại hình âm nhạc phù hợp với từng sự kiện được tổ chức.

4. Điều chỉnh âm thanh vừa đủ nghe, không ảnh hưởng đến cộng đồng.

5. Tổ chức tiệc chiêu đãi, chúc mừng sự kiện tại các điểm sinh hoạt văn hóa, Trung tâm văn hóa - Học tập cộng đồng xã.

Điều 9. Xử lý vi phạm theo quy định hiện hành

1. Vi phạm Khoản 1 Điều 6 Quy chế này, xử lý theo quy định tại Khoản 7 Điều 7 Nghị định số 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

2. Vi phạm Khoản 2 Điều 6 Quy chế này, xử lý theo quy định tại Điều 17, Điều 18 Nghị định số 155/2016/NĐ-CP ngày 18/11/2016 của Chính phủ Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

3. Vi phạm Khoản 3 Điều 6 Quy định này, xử lý theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình.

4. Vi phạm Khoản 4 Điều 6 Quy chế này, xử lý theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26/5/2016 của Chính phủ Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

5. Vi phạm Khoản 2 Điều 7 Quy chế này, xử lý theo quy định tại Điều 62 Nghị định số 158/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ Quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao du lịch và quảng cáo.

Chương III

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN TRONG PHỐI HỢP QUẢN LÝ ÂM THANH GÂY TIẾNG ỒN TRONG CÁC HOẠT ĐỘNG VĂN HÓA, DỊCH VỤ VĂN HÓA

Điều 10. Quy trình xử lý khi phát hiện vụ việc vi phạm cụ thể trên địa bàn.

1. Khi phát hiện vụ việc vi phạm cụ thể trên địa bàn, tùy vào tính chất, mức độ vi phạm, Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ đạo cho công chức văn hóa cấp xã phối hợp với lực lượng công an, xã đội, công chức địa chính xây dựng nông nghiệp môi trường…, lập biên bản xử lý cụ thể theo thẩm quyền đối với từng nội dung vi phạm đã quy định tại Điều 9 Quy chế này.

2. Trong trường hợp không đủ căn cứ để lập biên bản xử phạt theo quy định, chính quyền địa phương căn cứ theo mức độ vi phạm trong cam kết của các cá nhân, tổ chức vi phạm để có hình thức xử phạt theo cam kết, đồng thời có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân cấp huyện xem xét thu hồi giấy phép kinh doanh. Ủy ban nhân dân cấp xã không tiếp nhận thông báo triển khai hành nghề của các cơ sở cho thuê âm thanh trên địa bàn cấp xã.

Điều 11. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và của các sở, ban, ngành

1. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm thực hiện:

- Thiết lập đường dây nóng, chỉ đạo phổ biến trên Đài truyền thanh, niêm yết tại trụ sở, phổ biến đến tổ nhân dân tự quản cho mọi người biết.

- Chỉ đạo Trưởng ấp, khóm; Trưởng khu phố kịp thời nhắc nhở các hộ gia đình thực hiện Quy định này khi tổ chức việc cưới, việc tang và sinh hoạt vui chơi, giải trí.

- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ hộ kinh doanh âm thanh trên địa bàn thực hiện việc ký kết hợp đồng với người sử dụng, đảm bảo không vi phạm các quy định về bài hát, tiếng ồn, an ninh trật tự...; đồng thời, làm cơ sở xác định đối tượng xử phạt khi có vi phạm xảy ra.

- Khi phát hiện vụ việc vi phạm các quy định về bài hát, tiếng ồn, an ninh trật tự...chỉ đạo đơn vị chức năng nhanh chóng đến hiện trường kiểm tra, nhắc nhở hoặc lập biên bản xử lý nghiêm theo quy định.

- Phản ánh bằng văn bản về cơ quan, đơn vị nơi công tác của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm Quy chế này.

- Trường hợp để xảy ra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa vi phạm kéo dài trên địa bàn mà không xử lý nghiêm thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;

b) Phối hợp các ngành hữu quan tuyên truyền, phổ biến việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; các quy định trong sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong kinh doanh đến tổ nhân dân tự quản và tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn;

c) Tổ chức kiểm tra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa của tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi phạm. Đối với các vi phạm vượt thẩm quyền xử lý thì chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền để được xử lý theo quy định của pháp luật.

Có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ kiểm tra hoặc cử cán bộ tham gia các đoàn công tác của tỉnh, huyện khi làm việc trên địa bàn quản lý.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến và vận động tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về tiếng ồn; về các quy định kinh doanh văn hóa, dịch vụ văn hóa;

b) Có biện pháp định hướng tổ chức hoạt động của các Trung tâm văn hóa học tập cộng đồng, Trung tâm nhà văn hóa - thể thao, Khu văn hóa - thể thao ấp, khu phố góp phần đưa loại hình sinh hoạt văn hóa có sử dụng âm thanh gây ồn trong cộng đồng vào nền nếp;

c) Xây dựng kế hoạch hàng năm và chủ động tổ chức kiểm tra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa của tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý; phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các hành vi phạm. Đối với các vi phạm vượt thẩm quyền xử lý, chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền cấp trên để được xử lý theo quy định của pháp luật;

d) Củng cố, kiện toàn hoạt động của Đội Kiểm tra liên ngành văn hoá - xã hội và tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật (bổ sung cơ cấu cán bộ môi trường để xử lý vi phạm về độ ồn) để giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện trong công tác tuyên truyền, nhắc nhở và thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về tiếng ồn, gây mất trật tự;

Phối hợp với Đoàn kiểm tra liên ngành của tỉnh trong quá trình kiểm tra hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn quản lý;

đ) Chỉ đạo các phòng chuyên môn, đội kiểm tra liên ngành văn hóa - xã hội phối hợp tuyên truyền, kiểm tra, tham mưu xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa theo quy định pháp luật;

e) Chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin và Đội kiểm tra liên ngành phối hợp với Công an huyện, thị xã, thành phố có kế hoạch kiểm tra thường xuyên và đột xuất để kịp thời chấn chỉnh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm được phản ánh qua đường dây nóng ở xã, phường, thị trấn;

g) Chỉ đạo các ngành chức năng của huyện khi xét cấp các loại hồ sơ cho cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong quá trình hoạt động có khả năng phát sinh tiếng ồn lớn, vượt các quy chuẩn cho phép phải yêu cầu cơ sở ký cam kết thực hiện đúng quy định về độ ồn, để không ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư. Xem xét rút giấy phép đối với các chủ cơ sở không thực hiện đúng cam kết;

h) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã:

- Tăng cường vai trò, trách nhiệm của chính quyền địa phương cấp cơ sở trong công tác tuyên truyền, vận động, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

- Tuyên truyền phổ biến các quy định của pháp luật hiện hành cho tất cả mọi đối tượng; thiết lập đường dây nóng để kịp thời xử lý các vi phạm trên địa bàn; kiểm tra đối với tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành thực hiện Quy chế này.

- Thường xuyên và kịp thời chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm xảy ra trên địa bàn;

i) Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa đảm bảo phù hợp theo quy định của pháp luật;

k) Trường hợp để xảy ra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa vi phạm kéo dài trên địa bàn mà không xử lý nghiêm thì phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

a) Tổ chức tập huấn, triển khai và hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa cho các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh;

b) Chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi, kiểm tra, xử lý hoặc đề nghị xử lý các vi phạm trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa theo chức năng của ngành.

- Xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì hoặc phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện thường xuyên tổ chức các cuộc kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa theo quy định của pháp luật;

c) Phối hợp với các sở, ngành liên quan; Đội kiểm tra liên ngành tỉnh có kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất vào các dịp cao điểm lễ, tết để kịp thời chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm theo đúng quy định pháp luật;

d) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra, kiểm tra đối với các loại hình văn hóa, dịch vụ vui chơi, giải trí và kiên quyết xử lý các vi phạm theo quy định pháp luật (nội dung, tiếng ồn và giờ giấc);

đ) Phối hợp với Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh xây dựng mẫu hương ước, quy ước có bổ sung tiêu chí tổ chức hoạt động văn hóa trong các đám tiệc, trong sinh hoạt văn hóa gia đình để các địa phương thực hiện;

e) Chỉ đạo, hướng dẫn Phòng Văn hóa và Thông tin:

- Tổ chức tuyên truyền sâu, rộng trong nội bộ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thông suốt để chấp hành tốt các quy định của pháp luật về nội dung hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa theo quy định của pháp luật và quy ước, hương ước ở cơ sở.

- Tuyên truyền, hướng dẫn cho chủ hộ kinh doanh cho thuê âm thanh thực hiện việc ký kết hợp đồng với người sử dụng, đảm bảo không vi phạm các quy định về bài hát, tiếng ồn, an ninh trật tự...; đồng thời, làm cơ sở xác định đối tượng xử phạt khi có vi phạm xảy ra.

- Phối hợp với các phòng, ban chuyên môn trên địa bàn cấp huyện thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về nội dung hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa theo quy định pháp luật. Phối hợp với Phòng Tài chính Kế hoạch khảo sát, thống kê, nắm tình hình các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh dịch vụ văn hóa không đăng ký kinh doanh trên địa bàn để vận động, đôn đốc đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

- Tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện đưa nội dung quản lý tiếng ồn vào trong tiêu chí hương ước, quy ước, bình xét danh hiệu Gia đình văn hóa. Các hộ gia đình vi phạm về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, tang và lễ hội xem như không đạt tiêu chí danh hiệu Gia đình văn hóa (đặc biệt thực hiện nghiêm với đối tượng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức).

- Có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Quy chế này; tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện định kỳ hàng quí, năm và khi có vướng mắc phát sinh.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Tổ chức tuyên truyền phổ biến sâu rộng trong nội bộ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trong tỉnh thông suốt để chấp hành tốt Quy chuẩn quốc gia về tiếng ồn.

Phối hợp với các ngành chức năng tuyên truyền rộng rãi các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn trong các hoạt động, sinh hoạt có sử dụng khuếch đại âm thanh;

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan có kế hoạch thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn của tỉnh theo đúng quy định hiện hành.

Tổ chức tập huấn nghiệp vụ chuyên môn cho lực lượng kiểm tra và xử lý hành vi vi phạm quy định của pháp luật về tiếng ồn để phục vụ cho việc tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm;

c) Tăng cường lực lượng kiểm tra và trang bị đầy đủ phương tiện máy đo độ ồn để hỗ trợ các đơn vị, đo và xử lý kịp thời theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm về tiếng ồn;

d) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố, thị xã phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng kế hoạch thường xuyên tổ chức kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về tiếng ồn trên địa bàn quản lý.

5. Công an tỉnh:

a) Tổ chức nắm tình hình và phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm những hoạt động kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt văn hóa gia đình… có sử dụng thiết bị phát âm thanh vi phạm về an ninh trật tự; gây ồn ào, huyên náo; lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè;

b) Chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ; công an huyện, thị xã, thành phố; công an các xã, phường, thị trấn tăng cường kiểm tra, nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân tổ chức hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa vi phạm các quy định về an ninh trật tự theo quy định của pháp luật;

c) Phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa gây tiếng ồn làm mất an ninh trật tự tại khu dân cư, ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi của nhân dân; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo thẩm quyền.

6. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Chịu trách nhiệm hướng dẫn cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và phối hợp tuyên truyền về quản lý tiếng ồn trong các hoạt động văn hóa, kinh doanh dịch vụ văn hóa đối với các tổ chức, cá nhân, cơ sở đăng ký kinh doanh dịch vụ cho thuê thiết bị, âm thanh hoặc các dịch vụ khác có liên quan;

b) Rà soát, thống kê cung cấp thông tin danh sách các cơ sở kinh doanh dịch vụ cho thuê âm thanh hoặc các dịch vụ khác đã được cấp phép trên địa bàn cho các sở, ban, ngành có liên quan từ tỉnh đến cơ sở .

7. Cục quản lý thị trường:

a) Phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm quy định pháp luật trong kinh doanh dịch vụ văn hóa;

b) Chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các ngành chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở, cá nhân kinh doanh dịch vụ văn hóa không đăng ký kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật.

8. Sở Giao thông vận tải:

Chủ trì, phối hợp với các ngành có liên quan tổ chức kiểm tra và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường do hành vi để, đặt dàn âm thanh không đúng nơi quy định.

9. Sở Thông tin và Truyền thông:

Hướng dẫn các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn Tỉnh, Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Cổng Thông tin điện tử tỉnh, Đài truyền thanh cấp huyện tăng cường đưa tin, bài phản ánh bức xúc của người dân về tình trạng hát nhạc sóng lưu động, sử dụng âm thanh công suất lớn… ảnh hưởng tiêu cực đến sinh hoạt mọi người xung quanh và tuyên truyền, vận động người dân thực hiện nếp sống văn minh, chấp hành tốt các quy định về tiếng ồn.

10. Liên đoàn Lao động tỉnh:

Tuyên truyền, vận động các cấp công đoàn, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp khi tổ chức các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa phải chú ý đến tiếng ồn của âm thanh, không làm ảnh hưởng đến việc học tập, sinh hoạt, nghỉ ngơi của người dân, gây mất trật tự tại khu dân cư. Đề xuất Ban Chỉ đạo phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" bổ sung vào tiêu chí đánh giá, bình xét cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa hằng năm.

11. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể tỉnh:

a) Chỉ đạo trong hệ thống giáo dục, đoàn viên, hội viên; phát huy vai trò gương mẫu của đảng viên, tổ nhân dân tự quản, kết hợp Ban Chỉ đạo cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" lồng ghép nội dung này trong đánh giá, bình xét gia đình văn hóa, khóm ấp văn hóa;

b) Phối hợp với các sở, ban, ngành đoàn thể các cấp đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trong đó tuyên truyền, vận động trong cán bộ, công chức, viên chức và quần chúng nhân dân tự giác, nghiêm túc thực hiện quy ước, hương ước về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; trong đám tiệc của hộ gia đình ở khu dân cư không làm mất an ninh trật tự. Sử dụng dàn nhạc trong đám tiệc, karaoke di động đảm bảo thời gian, nội dung sinh hoạt, tiếng ồn cho phép theo quy định, không làm ảnh hưởng đến giờ giấc nghỉ ngơi của các hộ xung quanh.

12. Báo An Giang, Đài Phát thanh - Truyền hình An Giang, Đài truyền thanh các huyện, thị xã, thành phố:

a) Thường xuyên tuyên truyền, vận động nhân dân, cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang tích cực thực hiện nghiêm Quy định này;

b) Kịp thời phản ánh, phê phán các cá nhân, địa phương, đơn vị, tổ nhân dân tự quản còn để xảy ra vi phạm, gây mất an ninh, trật tự;

c) Biểu dương các cá nhân, hộ gia đình, khu dân cư thực hiện tốt Quy định này.

13. Ban Chỉ đạo phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” các cấp:

a) Bổ sung việc thực hiện Quy chế này vào quy ước của ấp, khu phố văn hóa; không công nhận đối với các đơn vị để xảy ra các hành vi vi phạm nghiêm trọng, gây bức xúc trong nhân dân;

b) Hướng dẫn mẫu quy ước đồng thuận của khu dân cư về tổ chức hoạt động văn hóa trong các đám tiệc, trong sinh hoạt văn hóa gia đình để các địa phương thực hiện.

14. Cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội:

a) Thực hiện nghiêm và có trách nhiệm tuyên truyền, vận động gia đình, người thân nơi cư trú thực hiện Quy chế này và các văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc sử dụng phương tiện phát âm thanh trong sinh hoạt văn hóa và kinh doanh trên địa bàn tỉnh An Giang;

b) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức kiểm điểm và đưa vào tiêu chí chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước để đánh giá và phân loại cán bộ, công chức, viên chức hàng năm đối cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.

15. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân kinh doanh hoặc có sử dụng phương tiện phát âm thanh trong việc cưới, việc tang, hoạt động vui chơi, giải trí:

a) Hoạt động kinh doanh phải đăng ký cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Cơ sở phải ký cam kết thực hiện đúng quy định về tiếng ồn, để không ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư;

b) Thông báo với chính quyền cấp xã thời gian, địa điểm và nội dung hoạt động sử dụng phương tiện phát âm thanh trong việc cưới, tang, hoạt động vui chơi, giải trí khác;

c) Dừng các hoạt động gây tiếng động, ồn ào ảnh hưởng cuộc sống, sinh hoạt của người dân tại khu dân cư và nơi công cộng từ sau 22 giờ hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau.

Điều 12. Tổ chức thực hiện.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có vướng mắc phát sinh, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét sửa đổi, bổ sung./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 42/2018/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý âm thanh gây tiếng ồn trong các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa trên địa bàn tỉnh An Giang

  • Số hiệu: 42/2018/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/11/2018
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Nguyễn Thanh Bình
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản