Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 42/2001/QĐ-UB

Đồng Hới, ngày 13 tháng 12 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V “PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN TỈNH QUẢNG BÌNH THỜI KỲ 2001 - 2010”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân ngày 21/6/1994;

Căn cứ Quyết định số 2371/QĐ-UB ngày 8/12/1999 của UBND tỉnh về việc giao nhiệm vụ bổ sung, hoàn chỉnh và xây dựng quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội của các ngành và các huyện, thị xã;

Căn cứ quyết định số 25/2000/QĐ-UB ngày 25/9/2000 của UBND tỉnh về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội toàn tỉnh thời kỳ 2001 - 2010;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tại công văn số 614/KHĐT-TH ngày 25 tháng 10 năm 2001 và đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tại công văn số 530/SNN ngày 19/7/2001,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thời kỳ 2001 - 2010 với những nội dung chủ yếu sau đây:

I. Định hướng tổng quát và mục tiêu phát triển đến năm 2010:

1. Định hướng tổng quát:

- Tập trung phát triển nông nghiệp toàn diện, đa dựng bền vững, coi trọng đảm bảo an ninh lương thực và tăng nhanh nông sản hàng hóa. Phát triển nông thôn theo hướng mở mang công nghiệp và dịch vụ, đẩy mạnh việc xây dựng, cải tạo và nâng cấp hoàn thiện các công trình hạ tầng nông nghiệp và nông thôn, đáp ứng yêu cầu sản xuất và đời sống, đồng thời tăng khả năng phòng tránh, giảm nhẹ và thích nghi với thiên tai.

- Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp phù hợp với hệ sinh thái theo hướng phát triển mạnh cây công nghiệp và chăn nuôi, tạo ra các vùng sản xuất tập trung, thâm canh cây công nghiệp ngắn ngày, cây ăn quả gắn với công nghiệp chế biến tiên tiến.

- Huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế để trồng mới, chăm sóc, tu bổ, bảo vệ rừng, từng bước phủ xanh đất trống đồi núi trọc, tăng độ che phủ của rừng. Gắn chặt việc khai thác, trồng mới, chế biến lâm sản và tiêu thụ sản phẩm.

- Đẩy nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp, thực hiện việc lai tạo, đưa nhanh các giống cây trồng, vật nuôi mới có năng suất cao, phù hợp với sinh thái và điều kiện của từng vùng sản xuất.

2. Mục tiêu phát triển:

- Giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp thời kỳ 2001 - 2010 tăng trưởng 4,5%.

- Sản lượng lương thực có hạt: 25 - 26 vạn tấn.

- Diện tích cây cao su: 9.000 ha.

- Diện tích cây hồ tiêu: 1.200 ha.

- Diện tích rừng trồng mới thời kỳ 2001 - 2005: 55.000 ha.

- Diện tích thông nhựa: 30.000 ha.

- Diện tích được tưới: 53.000 ha.

II/ Định hướng phát triển từng lĩnh vực:

1. Sản xuất nông nghiệp:

1.1. Trồng trọt:

- Cây lương thực: Đưa các giống lúa kỹ thuật chất lượng cáo vào sản xuất. Thực hiện thâm canh trên diện tích lúa 35.000 ha, ổn định diện tích lúa 47.000 - 48.000 ha. Phấn đấu đến năm 2010 đạt 25.000 - 26.000 vạn tấn lương thực, trong đó có 232.000 tấn lúa. Lương thực bình quân đầu người 275 kg/năm. Chuyển một số diện tích sang trồng lúa có chất lượng cao để xuất khẩu.

- Cây công nghiệp và cây ăn quả: Khuyến khích các thành phần kinh tế, nhất là hộ gia đình trồng cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày. Hình thành các tiều vùng chuyên canh cây công nghiệp ngắn ngày ở bãi bồi ven sông, cây công nghiệp và cây ăn quả ở phía Tây các huyện, thích hợp với đất đai thế mạnh của từng vùng. Tập trung phát triển một số loại cây trồng phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu như: cao su, mía, lạc, thông nhựa, hồ tiêu, tre, luồng...

- Cây cao su: là cây kinh tế mũi nhọn của tỉnh, phấn đấu đến năm 2010 đạt diện tích 9.000 ha, sản lượng 6.000 - 7.000 tấn, Chủ yếu ở các huyện Bố Trạch, Tuyên hóa, Minh hóa, Lệ thủy, Quảng Ninh. Có kế hoạch xây dựng nhà máy sản xuất sản phẩm bằng cao su nhằm nâng cao hiệu quả của cây cao su.

- cây hồ tiêu: là cây có giá trị xuất khẩu cao, có khả năng cải tạo vườn tạp và có triển vọng, phấn đấu đến năm 2005 có diện tích 750 ha, đến năm 2010 đạt 1.200 ha và sản lượng 1.500 tấn.

- Cây mía: Tập trung xây dựng vùng chuyên canh mía nguyên liệu ở huyện Bố Trạch và Quảng Trạch, phát triển thêm ở các huyện khác để đủ nguyên liệu cho nhà máy sản xuất đường. Phấn đấu đến năm 2005 có 4.500 ha và đến năm 2010 ổn định diện tích 5.000 ha.

- Cây lạc: đây là cây xuất khẩu quan trọng của tỉnh, phấn đấu đến năm 2005 có 5.500 ha, sản lượng đạt trên 8.000 tấn, đến năm 2010 có 6.500 - 7.000 ha, sản lượng đạt 11.000 - 12.000 tấn.

- Cây ăn quả: Cần phát triển mạnh cây ăn quả ở vùng vườn đồi, kinh tế trang trại với các loại giống có giá trị cao như bưởi Phúc Trạch, nhãn, vãi thiều, cam bù, dứa... Phấn đấu đến năm 2005 có 3.000 ha, và đến năm 2010 đạt 3.500 ha cây ăn quả và 18.000 - 20.000 tấn sản phẩm. Đối với cây dưa cần nghiên cứu thị trường tiêu thụ sản phẩm dưa hộp cô dặc để phát triển vùng nguyên liệu dưa.

1.2. Chăn nuôi:

Tiếp tục phát triển mạnh ngành chăn nuôi và thực hiện chương trình cải tạo đàn gia súc, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, phát triển mạnh chăn nuôi gia cầm lấy thịt, trứng. Tích cực, tìm kiếm thị trường, gắn chăn nuôi với chế biến xuất khẩu để phát triển nhanh đàn bò, đàn lợn. Phấn đấu thời kỳ 2001 - 2010 tốc độ phát triển đàn trâu đạt 1,1 - 1,2%, đàn bò 1,5 - 2%, đàn lơn 2 - 2,5%. Đến năm 2010 sản lượng thịt hơi đạt 23.000 - 25.000 tấn, tỷ trọng chăn nuôi đạt 40% trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp.

2. Sản xuất lâm nghiệp:

Tăng cường xây dựng và phát triển vốn rừng, đặc biệt coi trọng việc bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và làm giàu rừng một cách hợp lý, qua đó nâng cao chất lượng và sản lượng từ rừng. Kết hợp chặt chẽ giữa quản lý ngành và lãnh thổ, gắn lợi ích kinh tế và trách nhiệm của người dân trong việc chăm sóc, bảo vệ rừng, đẩy mạnh trồng rừng, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và bảo vệ rừng. Phấn đấu đến năm 2010 độ che phủ rừng đạt 70%.

Đẩy mạnh các chương trình xoá đói giảm nghèo, định canh định cư, các dự án đầu tư nước ngoài, chương trình quốc gia để phát triển kinh tế, nâng đời sống cho nhân dân miền núi, vùng cao. Đẩy nhanh tiến độ giao đất, giao rừng đến hộ nông dân cùng với các biện pháp khác để đẩy lùi, tiến tới chấm dứt nạn chặt phá rừng làm nương rẫy và khai thác, buôn bán gỗ trái phép, mặt khác cần khai thác hợp lý tài nguyên rừng.

Phấn đấu từ nay đến năm 2010 đưa diện tích trồng rừng đạt 55.000 ha, khoanh nuôi, phục hồi đạt 60.000 - 65.000 ha rừng. Sản lượng gỗ khai thác rừng tự nhiên hàng năm là 18.000 m3, khai thác nhựa thông 5.000 - 6.000 tấn. Nghiên cứu xây dựng nhà máy chế biến gỗ ván dăm hoặc gỗ nhân tạo để nâng cao hiệu quả rừng trồng.

3. Thủy lợi:

Từ nay đến năm 2010 cơ bản giải quyết được hạn, mặn, úng cho các vùng sản xuất lúa trong toàn tỉnh, đồng thời tăng diện tích tưới cho một số loại cây trồng khác như: tiêu, lạc, mía, rau màu; tao sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác thủy lợi vùng núi và gò đồi. Đảm bảo tiêu úng chắc chắn để giao cây đúng thời vụ ở vùng ruộng sâu. Phấn đấu đến năm 2010 tưới cho diện tích lúa 48.000 ha, trong đó tưới chủ động 47.000 ha, tưới cho cây khác 5.000 ha.

Hoàn thành các công trình chuyển tiếp để đưa vào sử dụng, từng bước xây dựng mới các công trình trọng điểm như hồ Rào Đá, Bang, Khe Lau, Thác Chuối, Bồng lai, Ồ ồ, Khe Văn và các trạm bơm điện ở 2 huyện miền núi. Tiếp tục đầu tư, nâng cấp các công trình hiện có, kiên cố hóa canh mương, đặc biệt là ở những vùng trọng điểm lúa, tu sửa, bồi trúc hệ thống đê điều ngăn mặn, chống úng ở các huyện, nhằm hạn chế những thiệt hại cho sản xuất.

III/ Những giải pháp chủ yếu phát triển nông, lâm nghiệp và kinh tế nông thôn:

- Đẩy mạnh công tác khuyến nông, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, đổi mới giống cây, con, quy hoạch, xây dựng vùng chuyên canh các cây công nghiệp chủ lực, tạo vành đai thực phẩm, rau đậu quanh thị xã Đồng Hới và các thị trấn.

- Đưa nhanh các giống có năng suất cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh vào sản xuất. Đối với vụ 8 cần đưa bộ giống lúa ngắn ngày và cực ngắn có năng suất cao để tạo thế ổn định và gặt trước mùa bão lụt.

- Tăng cường công tác bảo vệ thực vật, phòng trừ có hiệu quả các loại sâu bệnh, dập tắt các ổ dịch bệnh, giảm thiệt hại do sâu bệnh gây ra.

- Ứng dụng công nghệ và kỹ thuật canh tác thích hợp nhằm giảm bớt thất thoát trong và sau khi thu hoạch, tăng chất lượng nông sản.

- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu cây trồng để tăng diện tích, sản lượng mía cho Nhà máy đường và nuôi tôm phục vụ chế biến xuất khẩu. Phát triển tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề trong nông thôn, chú trọng công tác chế biến nông sản nhằm tăng cường tiêu thụ sản phẩm cho nhân dân.

- Tổ chức tốt hoạt động ứng dụng vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, công cụ máy móc cho nhân dân, tạo điều kiện cho kinh tế nông thôn phát triển.

- Tăng cường cơ sở vật chất, cán bộ cho hệ thống thú y toàn tỉnh, thực hiện nghiêm túc pháp lệnh thú y, kiểm soát công tác giết mổ động vật, vệ sinh thực phẩm, nâng cao tỷ lệ tiêm phòng và chủ động trong công tác chẩn đoán bệnh.

- Tăng cường cơ sở chế biến thức ăn chăn nuôi, khuyến khích hộ gia đình, phát triển chăn nuôi có quy mô khá lớn, lập lại trật tự trong quản lý giống thức ăn và an toàn dịch bệnh gia súc, gia cầm.

- Giải quyết tốt vấn đề thủy lợi cho nông thôn gắn với công tác phòng chống thiên tai. Bên cạnh đầu tư xây dựng mới các công trình thủy lợi cần phải chú trọng cải tạo, nâng cấp; kiên cố hóa canh mương, với phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm, mặt khác khép kín hệ thống thủy nông nội đồng nhằm tăng diện tích tưới.

- Ứng dụng các công nghệ mới, vật liệu mới và những tiến bộ kỹ thuật xây dựng công trình thủy lợi nhằm đảm bảo chất lượng và quản lý khai thác công trình.

- Đổi mới cơ chế quản lý thủy nông từ tỉnh xuống cơ sở phù hợp với yêu cầu phát triển nông thôn.

- Đẩy mạnh công tác khuyến lâm, áp dụng các mô hình nông lâm kết hợp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng rừng, thực hiện tốt các chương trình tuyển chọn giống cây trồng, chương trình trồng rừng ven biển, tuyên truyền giáo dục về bảo vệ rừng.

- Huy động mọi nguồn vốn như chương trình 5 triệu ha rừng, thuế tài nguyên, ODA, NGO, để đầu tư trồng mới, chăm sóc, bảo vệ và phát triển vốn rừng.

- Đổi mới tổ chức và cơ chế quản lý của các lâm trường quốc doanh toàn tỉnh, mặt khác làm tốt công tác giao đất, giao rừng đến từng hộ nông dân nhằm tiến tới mọi khu rừng đều có chủ quản lý và quản lý theo đúng quy chế.

- Coi trọng việc bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng lao động trẻ ở nông thôn để đưa nhanh tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Xây dựng các mô hình làm ăn giỏi để nhân ra diện rộng. Có kế hoạch thu hút lực lượng cán bộ kỹ thuật nông lâm nghiệp có năng lực, đào tạo bổ sung nguồn nhân lực tại chỗ để phục vụ cho phát triển nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Điều 2: Quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm về quản lý, hướng dẫn và theo dõi việc thực hiện quy hoạch của ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn căn cứ vào nội dung quy hoạch, phối hợp với các ngành, các huyện, thị xã trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện trên từng địa bàn nhằm hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã và Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Thường vụ Tỉnh ủy; B/c
- TT HĐND tỉnh; B/c
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Lưu.

T/M UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
CHỦ TỊCH




Đinh Hữu Cường

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 42/2001/QĐ-UB phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2001 - 2010

  • Số hiệu: 42/2001/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 13/12/2001
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Bình
  • Người ký: Đinh Hữu Cường
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 13/12/2001
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản