Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 417/QĐ-UBND

Tuyên Quang, ngày 14 tháng 10 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN 2050

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước năm 2012;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường 2014;

Căn cứ Luật Khí tượng thủy văn 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 26/8/2016 của Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 31/10/2016 của Chính phủ phê duyệt Thỏa thuận Paris thực hiện Công ước khung của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu;

Căn cứ Quyết định số 1670/QĐ-TTg ngày 31/10/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020;

Căn cứ Quyết định số 1447/QĐ-UBND ngày 30/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc Phê duyệt đề cương nhiệm vụ và dự toán Đề án xây dựng, cập nhật kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 330/TTr-STNMT ngày 06 tháng 10 năm 2020 về việc ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Giáo dục và Đào tạo; Thủ trưởng các cơ quan: Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Văn phòng UBQG về BĐKH;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường; (Báo cáo)
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Phó CVP UBND tỉnh Nguyễn Thanh;
- Chuyên viên: KS;
- Lưu: VT, Đ 60.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Giang

 

KẾ HOẠCH

HÀNH ĐỘNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU CỦA TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN 2050
(Ban hành kèm theo Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày 14/10/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)

I. SỰ CẤN THIẾT BAN HÀNH KẾ HOẠCH

Biến đổi khí hậu (BĐKH) là một trong những thách thức lớn nhất mà nhân loại đang phải đối mặt. Ở Việt Nam, trong khoảng 50 năm qua, do tác động của BĐKH nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,7oC, mực nước biển đã dâng khoảng 20 cm. Hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. BĐKH thực sự đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng phức tạp. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới, Việt Nam là một trong năm nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH và nước biển dâng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mê Công bị ngập chìm nặng nhất (nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%. Nếu nước biển dâng 3m sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất đối với GDP lên tới 25%); các lĩnh vực, ngành, địa phương dễ bị tổn thương và chịu tác động mạnh mẽ nhất của BĐKH là: tài nguyên nước, nông nghiệp và an ninh lương thực, sức khoẻ; các vùng đồng bằng và dải đất ven biển.

Trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, những năm qua BĐKH cũng đã thể hiện tương đối rõ nét, đặc biệt BĐKH đã làm gia tăng tần suất và cường độ của các hiện tượng khí hậu cực đoan dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống và hoạt sản xuất của người dân. Theo kịch bản BĐKH được xây dựng cho tỉnh Tuyên Quang, nhiệt độ trung bình năm và các mùa ở Tuyên Quang đều có xu thế tăng so với thời kỳ cơ sở trên phạm vi toàn tỉnh, càng về cuối thế kỷ 21 mức tăng nhiệt độ tăng càng lớn; nhiệt độ tăng cao nhất có thể đến 4,0oC; lượng mưa tăng khoảng 30%, có thể lên tới 60% vào giai đoạn cuối thế kỷ theo kịch bản RCP8.5. Dưới tác động của BĐKH, tần suất và cường độ thiên tai, thời tiết khí hậu cực đoạn ngày càng gia tăng, gây ra nhiều tổn thất to lớn về người, tài sản, các cơ sở hạ tầng về kinh tế, văn hoá, xã hội và tác động xấu đến môi trường.

Để triển khai các nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với định hướng của Chính phủ, hướng dẫn, chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường thì việc ban hành Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH của tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là rất cần thiết.

II. QUAN ĐIỂM

1. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường là ba vấn đề quyết định sự phát triển bền vững của đất nước; là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

2. Ứng phó với BĐKH cần phải dựa vào phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất, liên ngành, liên vùng; đáp ứng yêu cầu trước mắt với lâu dài, toàn diện nhưng có trọng tâm, trọng điểm, dựa vào nội lực là chính.

3. Khuyến khích sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường, giảm thiểu BĐKH và hạn chế sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ gây nguy hại đến môi trường. Khuyến khích tổ chức, cá nhân thực hiện các dự án đầu tư theo cơ chế phát triển sạch (CDM) và khuyến khích xã hội hóa trong lĩnh vực BĐKH và bảo vệ môi trường, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn tài nguyên.

4. Các nhiệm vụ, dự án ưu tiên trong ứng phó với BĐKH tỉnh Tuyên Quang cần thiết phải lồng ghép trong các chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển ở các giai đoạn ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm phát huy hiệu quả thế mạnh phát triển kinh tế của tỉnh, đồng thời có vai trò quan trọng trong công tác ứng phó với BĐKH theo mục tiêu đã đặt ra trong Kế hoạch.

III. MỤC TIÊU CỦA KẾ HOẠCH

1. Mục tiêu chung

a) Xác định được các thách thức và cơ hội của BĐKH đối với quá trình phát triển các ngành, lĩnh vực của địa phương; các giải pháp ưu tiên nhằm thích ứng với BĐKH, giảm nhẹ khí nhà kính cho giai đoạn 2021 đến 2030, tầm nhìn đến 2050.

b) Rà soát, điều chỉnh bổ sung yếu tố BĐKH trong chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực và địa phương.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đối với lĩnh vực, khu vực do tỉnh quản lý trên cơ sở kịch bản biến đổi khí hậu của Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố.

b) Xây dựng, lựa chọn các giải pháp cụ thể của tỉnh ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm từ các chính sách, chủ trương đến chương trình, dự án đầu tư.

c) Lồng ghép các hoạt động tương ứng của Kế hoạch hành động vào Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

d) Củng có và tăng cường năng lực tổ chức, thể chế, chính sách về biến đổi khí hậu.

đ) Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cộng đồng và phát triển nguồn nhân lực trong ứng phó với BĐKH.

e) Làm cơ sở cho việc triển khai kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cấp quốc gia.

IV. NHIỆM VỤ CỦA KẾ HOẠCH

1. Nhiệm vụ chung

1.1. Giai đoạn 2021-2030

a) Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của cộng đồng địa phương về BĐKH và ứng phó với những tác động của BĐKH.

b) Nâng cao năng lực ứng phó với biến đổi khí hậu của các ngành, các cấp để có được kế hoạch ứng phó hiệu quả, kịp thời trước BĐKH.

c) Tăng cường triển khai các hoạt động khoa học - công nghệ thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu về đánh giá tác động của BĐKH đến các ngành, lĩnh vực, các vùng cụ thể cũng như những nghiên cứu về khả năng ứng phó với BĐKH của các ngành, lĩnh vực và địa phương.

d) Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách, chiến lược tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế.

đ) Tăng cường phát triển chương trình “Tiết kiệm năng lượng”, sử dụng nguồn năng lượng mới, sạch, vật liệu thích ứng với BĐKH, chuyển đổi các giống cây trồng, vật nuôi thích ứng với BĐKH.

1.2. Giai đoạn 2030-2050

Trên cơ sở kết quả đạt được của giai đoạn 2021 - 2030, tiếp tục triển khai một số nội dung sau:

a) Xây dựng hệ thống giám sát BĐKH của tỉnh.

b) Đánh giá mức độ rủi ro và tính dễ bị tổn thương, tăng cường năng lực thích ứng với BĐKH, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững trong bối cảnh BĐKH và an toàn trước thiên tai.

c) Thực hiện lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu trong tất cả các hoạt động kinh tế - xã hội. Xây dựng các chương trình, dự án liên quan đến thích ứng với BĐKH cho từng ngành, từng lĩnh vực cụ thể, góp phần vào thực hiện việc ứng phó với BĐKH một cách hiệu quả.

2. Nhiệm vụ cụ thể

2.1. Đối với lĩnh vực tài nguyên đất

a) Tăng cường công tác quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt.

b) Định kỳ điều tra, đánh giá mức độ tác động của biến đổi khí hậu đến chất lượng đất (ưu tiên đất nông nghiệp).

c) Tích hợp yếu tố biến đổi khí hậu vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; cụ thể:

- Đánh giá khả năng thích nghi, dự báo sự thay đổi cơ cấu diện tích đất theo các kịch bản biến đổi khí hậu trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.

- Quy hoạch và tăng cường quản lý, sử dụng đất nông nghiệp phù hợp với tiềm năng đất đai, thích ứng với biến đổi khí hậu, khai thác hiệu quả các vùng đất trống có tiềm năng sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu phân tích khu vực không bị ảnh hưởng của lũ lụt, khu vực bị ảnh hưởng của lũ lụt, khu vực chịu ảnh hưởng của khô hạn. Trong các phương án quy hoạch cân nhắc lựa chọn vị trí, diện tích đất nông nghiệp bị ảnh hưởng của BĐKH ít có khả năng phục hồi để chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc chuyển đổi sang mục đích sử dụng đất phi nông ng hiệp.

- Quy hoạch và quản lý tổng hợp đất lâm nghiệp trên cơ sở đẩy mạnh thực hiện các chương trình, dự án trồng rừng mới, khoanh nuôi tái tạo rừng, phục hồi rừng tại các khu vực đất trống, đồi trọc. Bảo vệ nghiêm ngặt, tăng diện tích rừng phòng hộ đầu nguồn, nâng cao độ che phủ rừng. Tiếp tục đẩy mạnh việc giao đất, khoán rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định; khai thác, sử dụng bền vững và bảo vệ tài nguyên rừng, kết hợp với sự tham gia tích cực của cộng đồng dân cư.

d) Xây dựng, hoàn thiện hệ thống thông tin đất đai, cơ sở dữ liệu đất đai làm cơ sở cho việc đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến cơ cấu sử dụng đất theo từng vùng.

đ) Kiểm soát chặt chẽ, hạn chế việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ sang các mục đích khác.

2.2. Đối với lĩnh vực tài nguyên nước

- Tái cơ cấu, tu bổ, nâng cấp hệ thống thủy lợi, điều chỉnh cơ cấu hệ thống thủy lợi lớn, bổ sung công trình thủy lợi vừa và nhỏ nhằm thích ứng với hoàn cảnh BĐKH. Triển khai xây dựng các hồ chứa nước, đập dâng nhằm tăng cường khả năng tích nước tự nhiên, giữ nước cho mùa khô; cải tạo, nâng cấp các hồ chứa thủy lợi hiện có, đầu tư xây dựng mới các công trình thủy lợi có tính đến yếu tố BĐKH, củng cố và nâng cấp các hồ chứa vừa và nhỏ, đảm bảo an toàn trữ nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt, an toàn khu dân cư hạ lưu; tăng cường bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn.

- Quản lý, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm, cân đối nguồn cung và nhu cầu nước ở địa phương. Áp dụng các công nghệ và phương thức sản xuất tiết kiệm nước; công nghệ xử lý nước để tái sử dụng hoặc sử dụng tuần hoàn nước; đảm bảo nhu cầu nước; chủ động phòng, chống, giảm thiểu tác hại tới tài nguyên nước do tác động của BĐKH.

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến trong điều tra, khảo sát, quan trắc, giám sát, bảo vệ, phương pháp đánh giá tài nguyên nước (bao gồm trữ lượng, chất lượng), chế độ và nhu cầu nước của các ngành có liên quan.

- Nghiên cứu và áp dụng phương pháp quản lý tổng hợp tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả của các thiên tai do nước gây ra trong điều kiện BĐKH và thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin liên quan đến quản lý tài nguyên nước và tác động của BĐKH đến tài nguyên nước tỉnh Tuyên Quang.

- Thay đổi thói quen dùng nước truyền thống, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước; Kiểm soát các nguồn thải (nước thải và rác thải) trước khi xả ra môi trường và vào nguồn nước.

- Duy trì và phát triển tỷ lệ che phủ rừng trên 60%, đặc biệt là rừng đầu nguồn để hạn chế dòng chảy mùa lũ. Triển khai việc tăng diện tích các loại rừng có khả năng giữ nước, sinh thủy trong mùa khô; có chính sách ưu tiên, khuyến khích trồng các loại rừng có khả năng giữ nước trên các khu vực đầu nguồn.

- Thực hiện có hiệu quả quy hoạch tài nguyên nước đã được phê duyệt.

- Xây dựng mạng lưới quan trắc về tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh.

- Vận hành Hồ thủy điện Tuyên Quang với dung tích dành cho chống lũ khoảng 01 tỷ m3 đảm bảo giảm thiểu khả năng ngập lụt cho thành phố Tuyên Quang.

- Đối với thời kỳ cấp nước khẩn trương cho đổ ải, thay đổi chế độ vận hành xả nước và tích nước của các hồ chứa như tích nước sớm hơn vào cuối mùa lũ. Ngoài ra, tại những vùng đang bị suy giảm nhanh nguồn nước ngầm cần sớm thực hiện các biện pháp bảo vệ và khôi phục nguồn nước ngầm bằng việc quản lý chặt chẽ việc khai thác nhằm tăng nguồn cấp nước cho các sông trong mùa khô.

2.3. Đối với lĩnh vực không khí và đa dạng sinh học

- Thay thế nhiên liệu hóa thạch bằng các loại nhiên liệu, nguồn năng lượng tái tạo để ngăn chặn ô nhiễm không khí; chấm dứt hoạt động của các lò gạch thủ công truyền thống trên địa bàn tỉnh.

- Khuyến khích người dân đi lại bằng các phương tiện công cộng để giảm thiểu ùn tắc và phương tiện tham gia giao thông, qua đó làm giảm mật độ khói bụi và các chất thải do quá trình đốt cháy nhiên liệu xăng dầu trong không khí, nhất là vào giờ cao điểm.

- Tiếp tục nghiên cứu điều tra cơ bản, theo dõi, đánh giá hiện trạng, đánh giá giá trị đa dạng sinh học ở các hệ sinh thái, tập trung vào khu vực miền núi và Khu bảo tồn thiên nhiên Na Hang. Nghiên cứu các biện pháp khả thi nhằm phục hồi và phát triển các hệ sinh thái thoái hóa. Khôi phục hệ sinh thái tự nhiên tại khu bảo tồn thiên nhiên Cham Chu, thuộc 2 huyện Hàm Yên, Chiêm Hóa, khu vực vùng đệm Vườn quốc gia Tam Đảo tại huyện Sơn Dương.

- Xây dựng các phương án bảo vệ và phát triển các hệ sinh thái, các giống, loài có sức chống chịu tốt với các thay đổi khí hậu; bảo vệ và bảo tồn nguồn gen các loài quý hiếm, loài có nguy cơ tuyệt chủng cao do tác động của biến đổi khí hậu.

2.4. Đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản

a) Nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp tác nghiệp đồng ruộng ngắn hạn, bao gồm:

- Áp dụng các biện pháp canh tác bảo vệ đất trồng trọt, độ phì nhiêu của đất, chống xói mòn. Lựa chọn giống cây trồng thích nghi với BĐKH (chọn giống ngắn ngày, chín sớm, giống có khả năng chống hạn, sâu bệnh…).

- Điều chỉnh thời vụ và lịch gieo trồng thích hợp với BĐKH. Thay đổi các biện pháp canh tác thích hợp (mật độ trồng, cách bón phân, làm cỏ, cày bừa, phòng trừ sâu bệnh, luân canh cây trồng…).

b) Nghiên cứu và ứng dụng các biện pháp tác nghiệp đồng ruộng dài hạn, bao gồm:

- Giải pháp giảm thiểu xói mòn trên đất dốc: làm ruộng bậc thang, làm mương bờ theo đường đồng mức, trồng cây phân xanh, canh tác băng hàng, trồng xen, nông lâm kết hợp và áp dụng các giải pháp quản lý dinh dưỡng tổng hợp. Thực hiện thâm canh ngay từ đầu, thâm canh liên tục theo chiều sâu. Bón phân phù hợp với điều kiện đất trồng, nhu cầu dinh dưỡng của cây trồng và năng suất cần đạt.

- Giải pháp hạn chế khô hạn: Quy hoạch tưới tiêu hợp lý, xây dựng đồng ruộng có khả năng tăng cường giữ nước trong đất và tuyển chọn các giống cây có khả năng chịu hạn. Áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm nước cho cây trồng.

- Thay đổi cơ cấu cây trồng trên đồng ruộng thích hợp với BĐKH.

- Lai tạo giống mới thích nghi với điều kiện BĐKH, có khả năng chịu hạn, úng ngập, sâu bệnh…

c) Trong lâm nghiệp: Trồng rừng, chuyển đổi, chuyển hóa rừng... cần chú ý tới việc lựa chọn: thời vụ trồng thích hợp, loài cây trồng đa tác dụng, cơ cấu cây trồng và phương thức trồng, phương pháp trồng cụ thể cho từng đối tượng đất có độ dốc khác nhau, trên rừng phòng hộ đầu nguồn hay rừng sản xuất để lựa chọn phương pháp xử lý thực bì thích hợp, hạn chế thấp nhất gây tác hại bất lợi tới môi trường đất và ảnh hưởng tới thảm thực vật trong khu vực. Chăm sóc, nuôi dưỡng rừng trồng; cải tạo rừng tự nhiên theo quy định tại Thông tư số 29/2018/TT-BTNMT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quy định các biện pháp lâm sinh, nhằm sử dụng và phát triển bền vững tài nguyên rừng; tăng độ che phủ rừng, phát huy tốt vai trò phòng hộ, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học. Tăng cường kiểm tra, ngăn chặn và xử lý có hiệu quả hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực lâm nghiệp.

d) Đối với những vùng dân cư sinh sống, định cư xen kẽ trên đất rừng và đất lâm nghiệp cần có giải pháp về phòng, chống cháy rừng; giữ nguyên diện tích rừng tự nhiên hiện có và không chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Luật Lâm nghiệp năm 2017 và rừng trồng thay thế đối với diện tích đã chuyển mục đích theo quy định của pháp luật.

đ) Trong thủy sản: Nuôi thả các loại thủy sản chịu được biến đổi môi trường (thích nghi với tăng nhiệt độ, tăng độ sâu của ao hồ để tạo nhiệt độ thích hợp và giảm tổn hại do quá trình tăng nhiệt độ và bốc hơi nhanh của mặt nước).

e) Tận dụng các nguồn nước có khả năng phát triển thuỷ sản từ các ao, hồ, kênh mương, các công trình thuỷ lợi và nước từ các dòng sông, đặc biệt phát huy lợi thế về các loài cá đặc sản.

2.5. Đối với lĩnh vực công nghiệp, xây dựng, năng lượng, giao thông vận tải

- Khuyến khích khai thác sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo, ít phát thải khí nhà kính.

- Đổi mới dây chuyền, công nghệ sản xuất với mức tiêu hao năng lượng, nhiên liệu thấp nhất trên đơn vị sản phẩm; xây dựng hoàn chỉnh, sửa chữa, cải tạo hệ thống xử lý nước thải, hệ thống xử lý ô nhiễm không khí và nghiên cứu, tổng hợp phát triển nguyên liệu sạch, ít phát sinh khí nhà kính trong sản xuất công nghiệp, hoạt động giao thông vận tải.

- Áp dụng các công cụ thị trường nhằm thúc đẩy thay đổi cơ cấu và nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng, khuyến khích sử dụng các loại nhiên liệu sạch, hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, thực hiện lộ trình xóa bỏ trợ cấp đối với nhiên liệu hóa thạch.

- Dán nhãn các thiết bị tiết kiệm năng lượng, ban hành tiêu chuẩn về chất lượng thiết bị.

- Tăng cường đầu tư các phương tiện giao thông sử dụng điện; Nghiên cứu xây dựng lộ trình chuyển đổi dần phương tiện sử dụng xăng, dầu sang sử dụng điện, nhiên liệu sinh học, năng lượng mặt trời.

- Khuyến khích và vận động chủ phương tiện tham gia giao thông sử dụng các nguồn năng lượng, nhiên liệu sạch, tái chế, giảm ô nhiễm môi trường; ứng dụng năng lượng tái tạo, công nghệ ít tốn năng lượng (pin năng lượng mặt trời, đèn led, …) vào các hạng mục báo sáng, báo hiệu giao thông.

- Xây dựng và thực hiện cơ chế, chính sách tài chính, công nghệ nhằm hỗ trợ nghiên cứu áp dụng công nghệ tiên tiến, phù hợp để khai thác và sử dụng tối ưu tiềm năng các nguồn năng lượng tái tạo trong và ngoài lưới điện quốc gia.

- Phát triển thị trường công nghệ, hình thành ngành công nghiệp năng lượng tái tạo và cung cấp dịch vụ thân thiện với môi trường.

- Tăng cường đầu tư nâng cấp các hệ thống, mạng lưới giao thông đường bộ có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, kiểm định khí thải phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; thực hiện đồng bộ các giải pháp quản lý chất lượng nhiên liệu, tiêu chuẩn khí thải, bảo dưỡng phương tiện.

- Xây dựng các tuyến đường sơ tán dân từ các khu dân cư vùng ảnh hưởng do lũ quét đến các khu vực an toàn.

- Xây dựng hoàn chỉnh, sửa chữa, cải tạo hệ thống thoát nước đảm bảo yêu cầu thoát nước cho các công trình xây dựng, công trình giao thông; nghiên cứu, triển khai các giải pháp thích ứng với BĐKH (như: công nghệ xử lý sụt trượt, bền vững địa chất công trình…) bảo đảm khả năng chống đỡ của các công trình giao thông trên địa bàn tỉnh với các hiện tượng thời tiết cực đoan.

- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, thi công công trình và kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông vận tải trước tác động của BĐKH.

- Giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính trong các hoạt động của ngành xây dựng, đặc biệt trong sản xuất vật liệu xây dựng, tổ chức nghiên cứu, áp dụng các công nghệ mới nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính thông qua giảm mức tiêu hao nhiên liệu, giảm hoặc thay thế các loại nhiên liệu hóa thạch đang sử dụng trong sản xuất.

- Rà soát và điều chỉnh quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư tập trung, khu công nghiệp chịu ảnh hưởng của thiên tai (bão, lũ lụt, trượt lở đất). Nghiên cứu các giải pháp ứng phó có hiệu quả đối với biến đổi khí hậu trong công tác cải tạo, xây dựng mới hạ tầng kỹ thuật đô thị, điểm dân cư nông thôn và khu công nghiệp (hệ thống cấp thoát nước, giao thông, cung cấp năng lượng, chiếu sáng, hệ thống thu gom và xử lý rác thải), nhất là các đô thị nằm ven sông Lô, sông Gâm và sông Phó Đáy.

- Nâng cao năng lực quản lý chất thải, giảm thiểu, tái sử dụng, tái chế chất thải nhằm giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ để xử lý nước thải, rác thải cho các đô thị và điểm dân cư nông thôn tập chung.

2.6. Đối với lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch

- Đối với những phát thải do việc sử dụng các thiết bị làm lạnh (tủ lạnh, điều hòa nhiệt độ, bình nóng lạnh) cùng các hệ thống phát điện khác như đèn, bếp… tại các nhà hàng khách sạn ở những khu du lịch như thành phố Tuyên Quang hoặc hệ thống sưởi ấm tại khu nghỉ dưỡng suối khoáng Mỹ Lâm cần khắc phục lượng phát thải bằng cách sử dụng các thiết bị thay thế thân thiện với môi trường.

- Khuyến khích phát triển các loại phương tiện du lịch, các khu bảo tồn sử dụng nguyên liệu tái tạo, thân thiện với môi trường.

- Nâng cấp hệ thống dự báo thời tiết, cảnh báo thiên tai, đảm bảo an toàn tại các khu du lịch, khu vực du lịch sinh thái và các điểm du lịch hồ, thác nước.

2.7. Đối với lĩnh vực xã hội

- Rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển ngành y tế trên cơ sở kịch bản BĐKH của tỉnh. Điều chỉnh các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phù hợp với đặc điểm diễn biến khí hậu, thời tiết trong kịch bản BĐKH.

- Phát triển nguồn nhân lực y tế đáp ứng yêu cầu về số lượng, cơ cấu và chất lượng, đủ sức hoàn thành nhiệm vụ phát triển và xử lý dịch bệnh nói chung và các bệnh nhiệt đới, bệnh lạ phát sinh do tác động của BĐKH.

- Xây dựng và thực hiện chương trình và kế hoạch hành động kiểm soát y tế trong các khu vực có nguy cơ dịch bệnh, ứng phó và ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan.

- Đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống bệnh viện, trạm y tế, đầu tư trang thiết bị y tế tiên tiến, hiện đại đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân.

- Xây dựng và triển khai các mô hình chăm sóc sức khoẻ cộng đồng: nước sạch và vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khoẻ ban đầu, thích ứng với BĐKH tại các vùng bị ảnh hưởng. Tổ chức các cuộc diễn tập của ngành Y tế ứng phó với các tác động của BĐKH.

- Tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ về giảm nghèo bền vững; các chính sách giảm nghèo, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; ưu tiên nguồn lực thực hiện chính sách đối với đồng bào vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, miền núi nhằm đẩy mạnh tốc độ giảm nghèo, hạn chế tài nghèo; tạo điều kiện để người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là tại địa bàn các huyện nghèo, xã đặc biết khó khăn…, tiếp cận một cách tốt nhất các dịch vụ xã hội cơ bản. Phát huy các sáng kiến giảm nghèo dựa vào công đồng; nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, các tấm gương điển hình tự xin thoát khỏi diện nghèo.

- Thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, trợ giúp các đối tượng Bảo trợ xã hội, những hộ gặp khó khăn trong cuộc sống, bị ảnh hưởng, thiệt hại do thiên tai, bão lũ, tai tạn rủi ro…

2.8. Đối với các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương

- Xây dựng và triển khai các mô hình, dự án ưu tiên tập trung chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương như nước sạch và vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, chăm sóc sức khỏe ban đầu, thích ứng với BĐKH tại các vùng bị ảnh hưởng.

- Hỗ trợ tạo việc làm cho người dân, đặc biệt là phụ nữ nghèo. Hoạt động hỗ trợ tạo việc làm lồng ghép trong các chương trình, dự án như dự án vay vốn tạo việc làm trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm và dự án hỗ trợ vay tín dụng ưu đãi tạo việc làm, giảm nghèo theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và vùng chịu tác động của BĐKH.

- Di dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ quét, sạt lở, sụt lún đất, tai biến địa chất cao tại các huyện Lâm Bình, Hàm Yên, Chiêm Hoá, Na Hang, Yên Sơn và thành phố Tuyên Quang.

V. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về cơ chế chính sách và tổ chức quản lý

- Tăng cường công tác quản lý việc thực hiện Kế hoạch thông qua Ban chỉ đạo và Ban chỉ đạo có giao rõ trách nhiệm trong việc quản lý thực hiện Kế hoạch và sẽ có những điều chỉnh khi cần thiết.

- Tăng cường năng lực tổ chức, quản lý của lãnh đạo các đơn vị trực thuộc các Sở, ban, ngành liên quan về BĐKH và các vấn đề liên quan đến ứng phó với BĐKH.

- Đẩy mạnh các hoạt động ứng phó BĐKH trong các ngành/lĩnh vực ở các tiểu vùng khác nhau.

- Đẩy mạnh phối hợp, tham gia của các cơ quan liên quan như: Sở Tài chính, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư trong việc thực hiện Kế hoạch; phân bổ nguồn lực và tổ chức thực hiện kế hoạch.

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư các dự án có công nghệ sản xuất tiên tiến, thân thiện với môi trường; cá dự án thu gom, xử lý nước thải, rác thải hay các dự án ở các khu vực khó khăn, chịu ảnh hưởng của BĐKH.

2. Giải pháp khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế

- Tăng cường hợp tác nghiên cứu khoa học, trao đổi thông tin về xây dựng chính sách và triển khai các nội dung cơ bản của chiến lược, chính sách về BĐKH. Cụ thể hóa chiến lược quốc gia về BĐKH bằng các đề tài, dự án nâng cao năng lực thích ứng với BĐKH; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thời tiết cực đoan trên địa bàn tỉnh.

- Ứng dụng công nghệ ứng phó với BĐKH trong các ngành/lĩnh vực.

- Tranh thủ sự hỗ trợ của các nước và tổ chức quốc tế về tài chính, nâng cao năng lực và công nghệ trong thực hiện các chiến lược, chính sách về BĐKH.

- Chủ động tiếp cận và sử dụng hiệu quả nguồn tài trợ của quốc tế trong các vấn đề liên quan đến BĐKH, vấn đề chuyển giao công nghệ; tăng cường năng lực; đề xuất các hướng tài trợ nhằm huy động tối đa sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế trong lĩnh vực BĐKH trên địa bàn nhằm mang lại những giải pháp ứng phó hữu hiệu và có hiệu quả kinh tế cao.

3. Giải pháp về đào tạo, thông tin tuyên truyền, nâng cao nhận thức

- Xây dựng kế hoạch đào tạo cho cán bộ quản lý nâng cao trình độ kiến thức về BĐKH và các kỹ thuật thích ứng với BĐKH bằng việc kết hợp đào tạo hoặc thuê các chuyên gia, đơn vị nghiên cứu chuyên sâu hỗ trợ để có đội ngũ cán bộ hiểu biết về BĐKH nhằm tuyên truyền và nâng cao nhận thức trong cộng đồng.

- Tổ chức các lớp tập huấn về BĐKH và giải pháp ứng phó với BĐKH cho các đơn vị trong các ngành/lĩnh vực từ cấp sở đến cấp huyện để triển khai rộng rãi đến xã, thôn, hộ gia đình khi dự báo có liên quan đến thiên tai.

- Xây dựng kế hoạch và tổ chức tuyên truyền thông tin nhằm nâng cao nhận thức của các cấp quản lý và người dân về BĐKH và kỹ thuật thích ứng, ứng phó với BĐKH.

4. Giải pháp về tài chính

- Huy động các nguồn lực, bao gồm nguồn xã hội hóa, nguồn tài chính của Trung ương, các dự án ODA, của các tổ chức phi chính phủ thông qua các chương trình liên quan đến nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật, các dự án phát triển và nhân rộng mô hình thích ứng, hỗ trợ sinh kế, đặc biệt là tại các địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng cao do BĐKH và những địa phương chịu nhiều ảnh hưởng cùa BĐKH.

- Đề nghị hỗ trợ, phân bổ kinh phí cho hoạt động ứng phó với BĐKH của Chính phủ, các Bộ ngành của Trung ương cũng như có kế hoạch lồng ghép kế hoạch ứng phó với BĐKH vào các kế hoạch phát triển của các ngành thông qua các dự án phát triển cụ thể.

- Xây dựng chỉ tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần dự báo và đánh giá tác động của BĐKH, kế hoạch ứng phó với BĐKH thông qua các kịch bản đã phê duyệt.

- Ưu tiên đầu tư kinh phí và vật chất nếu có cho công tác nâng cấp các hệ thống hạ tầng, các đánh giá tác động của BĐKH đến các ngành, lĩnh vực một cách chuyên sâu nhằm tăng khả năng ứng phó với BĐKH trong toàn tỉnh.

5. Giải pháp về kiểm tra, giám sát và đánh giá

- Tham khảo hệ thống giám sát và đánh giá cấp quốc gia để xây dựng hệ thống giám sát áp dụng cho tỉnh Tuyên Quang trên cơ sở các điều kiện thực tế tại địa phương.

- Kiểm tra, giám sát và đánh giá theo định kỳ về việc thực hiện Kế hoạch từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã để đảm bảo việc thực hiện Kế hoạch được hiệu quả.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước được phân công; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo các Sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện tốt công tác ứng phó với BĐKH.

- Phối hợp với các cơ quan liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu của tỉnh.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ tài nguyên môi trường góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

- Hướng dẫn, giám sát và đánh giá thực hiện Kế hoạch ứng phó BĐKH trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Đề xuất các chủ trương, giải pháp thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH và tăng trưởng xanh vào các chương trình, chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

- Hướng dẫn các Sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tích hợp yếu tố BĐKH vào các quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.

- Chủ trì phối hợp các cơ quan có liên quan tổng hợp kế hoạch vốn đối ứng của tỉnh, kế hoạch thu hút tài trợ kinh phí cho việc thực hiện Chương trình.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu bố trí nguồn kinh phí đối ứng cho các dự án từ Kế hoạch đầu tư công trung hạn của địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh phê chuẩn.

3. Sở Tài chính

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách địa phương thẩm định, đề xuất bố trí kinh phí đối ứng từ nguồn vốn sự nghiệp ngân sách tỉnh để thực hiện Kế hoạch trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hiện hành của nhà nước.

4. Các Sở, ban, ngành và Đoàn thể

- Chịu trách nhiệm xây dựng và thực hiện Kế hoạch ứng phó với BĐKH cho ngành, lĩnh vực mình.

- Thực hiện các nhiệm vụ giao về ứng phó với BĐKH.

- Chủ động tham gia các hoạt động phối hợp chung theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo về ứng phó với BĐKH.

5. Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố

- Hoàn thiện cơ chế, tổ chức ứng phó với BĐKH cấp huyện.

- Tổ chức thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và các hoạt động ứng phó với BĐKH được Ủy ban nhân dân tỉnh giao.

- Trên cơ sở Kế hoạch hành động, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng Kế hoạch chi tiết thực hiện ứng phó với biến đổi khí hậu của địa phương, trong đó có phân kỳ giai đoạn thực hiện cho phù hợp.

- Tiến hành rà soát lại các đồ án quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết trên địa bàn để lồng ghép các nội dung về biến đổi khí hậu vào quy hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, quy hoạch các bãi rác; Lập kế hoạch cải tạo, xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải khu dân cư,... nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu và đảm bảo phát triển bền vững.

Căn cứ nội dung Kế hoạch này, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch này. Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm báo cáo kết quả thực hiện gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan Trung ương theo quy định.

Trong quá trình triển khai, thực hiện, nếu thấy cần thiết phải bổ sung, điều chỉnh các nội dung của Kế hoạch, các sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chủ động đề xuất, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thế Giang

 

DANH MỤC

CÁC NHIỆM VỤ ƯU TIÊN ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU TỈNH TUYÊN QUANG GIAI ĐOẠN 2021-2030, TẦM NHÌN 2050
(Kèm theo Quyết định số 417/QĐ-UBND ngày 14/10/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)

TT

Nhiệm vụ/dự án

Mục tiêu đạt được

Sản phẩm chính đạt được

Đơn vị chủ trì thực hiện

Thời gian thực hiện

Nguồn kinh phí

Dự kiến kinh phí (tỷ đồng)

I

Lĩnh vực tài nguyên và môi trường (6 nhiệm vụ)

1

Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu

(1) Xây dựng được cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu

(2) Tiếp tục cập nhật cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu hàng năm

- Hệ thống cơ sở dữ liệu

- Hệ thống lưu trữ và cập nhật hàng năm

Sở Tài nguyên và Môi trường

2021-2025

Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác

5,0

2

Kiểm kê khí nhà kính và đề xuất các giải pháp quản lý phát thải trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

(1) Giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, phát triển nền kinh tế của tỉnh Tuyên Quang theo hướng cacbon thấp;

(2) Thu thập thông tin, số liệu, đánh giá hiện trạng; Xây dựng các phương pháp luận tính toán lượng phát thải khí nhà kính và hệ số phát thải cho từng lĩnh vực phát thải phù hợp với điều kiện kinh tế và xã hội của Tuyên Quang;

(3) Kiểm kê khí nhà kính cho các lĩnh vực Năng lượng, Các quá trình công nghiệp, Nông nghiệp, LULUCF và Chất thải trên địa bàn tỉnh.

– Thông tin, số liệu thu thập được, báo cáo đánh giá hiện trạng phát thải KNK trong các lĩnh vực phát thải trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang;

– Báo cáo phương pháp luận tính toán lượng phát thải khí nhà kính và hệ số phát thải cho các lĩnh vực phù hợp với điều kiện kinh tế và xã hội của Tuyên Quang

- Phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực phát thải trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang và xây dựng kịch bản dự báo về lượng phát thải trong thời gian tới.

- Báo cáo Đề xuất các giải pháp quản lý phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực phát thải trên địa bàn Tỉnh Tuyên Quang

Sở Tài nguyên và Môi trường

2023-2024

Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác

2,5

3

Dự án lập bản đồ vùng có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống, sạt lở, sụt lún đất, tai biến địa chất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Xây dựng được bản đồ vùng có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống, sạt lở, sụt lún đất, tai biến địa chất trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang làm cơ sở cho việc đề xuất các giải pháp phòng tránh về về lũ quét, lũ ống, sạt lở, sụt lún đất, tai biến địa chất, phụ vụ cho công tác cảnh báo, quy hoạch, chỉ đạo điều hành phòng chống thiên tai thích ứng với biến đổi khí hậu

- Kết quả điều tra, khảo sát các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống, sạt lở, sụt lún đất, tai biến địa chất trên địa bàn tỉnh;

- Bản đồ phân vùng các khu vực có nguy cơ cao về lũ quét, lũ ống, sạt lở, sụt lún đất, tai biến địa chất trên địa bàn tỉnh;

- Các giải pháp phòng tránh lũ quét, lũ ống, sạt lở, sụt lún đất, tai biến địa chất cho tỉnh Tuyên Quang trong bối cảnh BĐKH

Sở Tài nguyên và Môi trường

2021-2022

Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác

4,5

4

Đánh giá và dự báo các tác động tiêu cực do tài nguyên nước gây ra trước sự biến đổi khí hậu. Đề xuất các giải pháp phòng tránh, giảm thiểu

- Xác định các tác động tiêu cực do tài nguyên nước gây ra;

- Đánh giá các ảnh hưởng của BĐKH đến tài nguyên nước;

- Dự báo và khoanh đinh các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực của tài nguyên nước;

- Đề xuất các giải pháp phòng tránh giảm thiểu

Báo cáo Đề xuất các giải pháp quản lý, khai thác tài nguyên nước trong bối cảnh biến đổi khí hậu

Sở Tài nguyên và Môi trường

2025-2027

Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác

3,0

5

Xây dựng các trạm quan trắc môi trường, các trạm quan trắc ô nhiễm không khí tự động

Phục vụ cho công tác theo dõi, đánh giá diễn biến chất lượng không khí môi trường của tỉnh

Các trạm quan trắc môi trường, quan trắc ô nhiễm không khí tự động của tỉnh

Sở Tài nguyên và Môi trường

2021-2025

Ngân sách Trung ương 50%, Ngân sách địa phương 50%

30,8

6

Đầu tư nâng cấp hệ thống quan trắc môi trường cho Trung tâm Quan trắc và Bảo vệ môi trường

Phục vụ theo dõi, kiểm soát các nguồn thải lớn của địa phương: như nhà máy sản xuất thép, nhà máy sản xuất giấy …, khoanh vùng để kiểm soát nguồn nước; đưa các cơ sở này vào diện giám sát liên tục.

Phòng thí nghiệm đáp ứng các yêu cầu của nhiệm vụ

Sở Tài nguyên và Môi trường

2011-2023

Ngân sách Trung ương 50%, Ngân sách địa phương 50%

29,3

II

Lĩnh vực nông nghiệp và Phát triển nông thôn (03 nhiệm vụ)

7

Nghiên cứu ứng dụng các mô hình tổng hợp, mô hình liên kết trồng trọt chăn nuôi, trồng trọt thủy sản, nông lâm kết hợp để phát triển tổng hợp kinh tế hộ

- Dự báo và khoanh đinh các khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng tiêu cực của tài nguyên nước.

- Danh mục các mô hình canh tác hỗn hợp hiện tại ở địa phương;

- Các mô hình canh tác cải tiến (mô hình tổng hợp, mô hình liên kết) hỗ trợ hiệu quả;

- Báo cáo kết quả thí điểm triển khai mô hình;

- Bản đề xuất các giải pháp để nhân rộng mô hình

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

2021-2022

Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác

3,0

8

Xây dựng bộ tiêu chí nhằm đánh giá hiệu quả thích ứng với BĐKH của tỉnh Tuyên Quang. Áp dụng tính toán cho một số dự án đã triển khai thực hiện trong nông nghiệp

- Đề xuất các giải pháp phòng tránh giảm thiểu

- Báo cáo rà soát

- Báo cáo tổng quan về tiêu chí đánh giá hiệu quả thích ứng với BĐKH của ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang;

- Báo cáo hướng dẫn về các tiêu chí đánh giá hiệu quả thích ứng với BĐKH của ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang;

- Báo cáo kết quả đánh giá hiệu quả thích ứng với BĐKH của ngành nông nghiệp tỉnh Tuyên Quang;

Sở Khoa học và Công nghệ

2021-2022

Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác

2,5

9

Dự án phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

Đảm bảo giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đến trên 60%.

Đảm bảo giữ vững tỷ lệ che phủ rừng đến trên 60%.

Các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh

Thường xuyên

Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác

 

III

Lĩnh vực công nghiệp, năng lượng (02 nhiệm vụ)

10

Nghiên cứu đánh giá tác động của biến đổi khí hậu đến lĩnh vực sử dụng năng lượng tỉnh Tuyên Quang

(1) Hiện trạng của các lĩnh vực sử dụng năng lượng tại tỉnh Tuyên Quang;

(2) Nghiên cứu đánh giá được tác động của biến đổi khí hậu tới lĩnh vực sử dụng năng lượng tỉnh Tuyên Quang;

(3) Dự báo biến động của các nguồn năng lượng trong tương lai

(4) Dự báo tác động của biến đổi khí hậu tới các lĩnh vực sử dụng năng lượng tại tỉnh Tuyên Quang trong tương lai;

(5) Đảm bảo các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang, hạn chế phát thải khí nhà kính;

(6) Phát triển nghiên cứu các nguồn năng lượng sạch, xây dựng lộ trình chuyển đổi thói quen sử dụng năng lượng nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm thiểu phát thải khí nhà kính.

- Các báo cáo, chuyên đề về hiện trạng các lĩnh vực sử dụng năng lượng tại Tuyên Quang.

- Báo cáo về tác động của biến đổi khí hậu tới các lĩnh vực sử dụng năng lượng tỉnh Tuyên Quang

- Các báo cáo, sản phẩm liên quan khác

Sở Khoa học Công nghệ và sở Công thương

2021-2025

Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác

2,5

11

Nâng cao nhận thức và hỗ trợ chuyển đổi sản xuất xanh ở khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa

Đào tạo doanh nghiệp về sản xuất xanh; hình thành đội ngũ chuyên gia hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

- Kế hoạch đào tạo;

- Hình thành đội ngũ chuyên gia

Sở Công thương

2021-2022

Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác

1,5

IV

Giáo dục, truyền thông nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu (02 nhiệm vụ)

12

Truyền thông, nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cho bộ máy quản lý các cấp và cộng động dân cư trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang

(1) Nâng cao nhận thức và năng lực tổ chức, xây dựng thể chế, chính sách về thích ứng với biến đổi khí hậu, bao gồm cả chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong lĩnh vực biến đổi khí hậu;

(2) Tăng cường năng lực cho cán bộ các Sở, ban, ngành và địa phương nhằm triển khai hiệu quả kế hoạch hành động ứng phó BĐKH và các nội dung theo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH.

(3) Phổ biến, nâng cao nhận thức về các tác động của biến đổi khí hậu, từ đó thay đổi thái độ, hành vi và trách nhiệm trong ứng phó BĐKH cho cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

- Các phóng sự, phim tài liệu về biến đổi khí hậu;

- Các bài viết trên các phương tiện truyền thông: tạp chí, báo, đài;

- Các báo cáo chuyên đề các nội dung phục vụ tuyên truyền, đào tạo, tập huấn;

- Các báo cáo chuyên đề đề xuất xây dựng chính sách phát triển nguồn nhân lực truyền thông về biến đổi khí hậu;

- Sổ Tay tuyên truyền về biến đổi khí hậu;

- Tài liệu từ các cuộc thi, mô hình thực hiện;

- Bộ phiếu Điều tra khảo sát đánh giá nhận thức, thái độ hành vi và nhu cầu thông tin về biến đổi khí hậu;

- Báo cáo tổng kết Dự án;

Sở Tài nguyên và Môi trường

2022-2030

Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác

2,0

13

Nâng cao nhận thức, hiểu biết cho học sinh về biến đổi khí hậu thông qua giáo dục ngoại khóa và xây dựng giải pháp lồng ghép, tích hợp biến đổi khí hậu trong giáo dục các cấp học tại Tuyên Quang

(1) Nâng cao nhận thức, hiểu biết cho học sinh về biến đổi khí hậu, góp phần hoàn thành chỉ tiêu đến năm 2021, 80% cộng đồng dân cư trên địa Tỉnh có nhận thức, hiểu biết về BĐKH.

(2) Xây dựng giải pháp lồng ghép, tích hợp BĐKH vào trong giáo dục, tạo tiền đề để nhân rộng các hoạt động thích ứng hiệu quả với biến đổi khí hậu

- Báo cáo điều tra nhận thức của học sinh về BĐKH

- Bộ tài liệu về biến đổi khí hậu dành riêng cho đối tượng học sinh.

- Báo cáo, tài liệu, hình ảnh về các hoạt động ngoại khóa về đề tài biến đổi khí hậu được tổ chức cho các em học sinh

- Bộ tài liệu về giải pháp lồng ghép, tích hợp biến đổi khí hậu trong giáo dục

- Báo cáo tổng kết dự án

Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài nguyên và Môi trường

2021-2025

Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác

1,8

V

Lĩnh vực Y tế, sức khỏe cộng đồng (01 nhiệm vụ)

14

Thực hiện thí điểm giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của ngành y tế

(1) Đề xuất và thực hiện các giải pháp ứng phó cho ngành y tế

(2) Kiện toàn hệ thống giám sát bệnh tật

(3) Giảm nguy cơ, quy mô xuất hiện các bệnh dịch mới do biến đổi khí hậu

(4) Xây dựng thành công mô hình vệ sinh an toàn thực phẩm

- Báo cáo thực hiện thí điểm giải pháp ứng phó với BĐKH của ngành y tế

- Các báo cáo, mô hình có liên quan

Sở Y tế

2021

Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác

3,2

VI

Lĩnh vực giao thông vận tải (02 nhiệm vụ)

15

Dự án đầu tư nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông cho một số địa bàn xung yếu (nhiệm vụ lồng ghép)

- Phát triển hệ thống cơ

sở hạ tầng giao thông cho một số địa bàn xung yếu.

- Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông có khả năng chống chịu với những thay đổi của khí hậu tỉnh Tuyên Quang

Hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông cho một số địa bàn xung yếu.

Sở Giao thông vận tải

2021-2030

Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác

690

16

Tiếp tục triển khai nhân rộng ứng dụng năng lượng tái tạo, công nghệ ít tiêu tốn năng lượng vào các hạng mục chiếu sáng, báo hiệu giao thông.

Tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, giảm phát thải khí nhà kính; thực hiện mục tiêu, yêu cầu của thỏa thuận Paris.

Mô hình ứng dụng năng lượng tái tạo, công nghệ ít tiêu tốn năng lượng trong giao thông

Sở Giao thông Vận tải

2021-2025

Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác

3,5

VI

Ứng phó với BĐKH (02 nhiệm vụ)

 

 

 

 

 

 

17

Di dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ quét, sạt lở, sụt lún đất, tai biến địa chất cao (nhiệm vụ lồng ghép)

- Di dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ quét, sạt lở, sụt lún đất, tai biến địa chất cao

- Bố trí tái định cư cho người dân phải di dời đảm bảo ổn định cuộc sống

- Di dân ra khỏi vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng lũ quét, sạt lở, sụt lún đất, tai biến địa chất cao

- Bố trí tái định cư cho người dân phải di dời đảm bảo ổn định cuộc sống

UBND các huyện/thành phố

2021-2025

Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác

70

18

Nâng cấp hệ thống đê sông Lô (Xử lý sạt lở bờ sông, nứt thân đê tại các khu vực: thôn Hưng Thịnh đến thôn Thái Thịnh thuộc xã Sầm Dương, huyện Sơn Dương; thôn Xạ Hương, xã Đông Thọ, huyện Sơn Dương; thôn Mãn Sơn, xã Vân Sơn, huyện Sơn Dương; bờ sông thuộc tổ 10, phường Nông Tiến; tổ 7, phường An Tường; thôn An Phúc, xã An Khang; thôn Hòa Mục, thôn Hòa Bình, xã Thái Long; phường Đội Cấn, thành phố Tuyên Quang; thôn Trường Thi B, xã An Khang, thành phố Tuyên Quang) (nhiệm vụ lồng ghép)

Bảo vệ cho diện tích đất sản xuất lúa và hoa màu và khu dân cư thuộc các xã dọc sông Lô, phòng chống lũ lên sông Lô ở mức đỉnh lũ cos 30m tại thành phố Tuyên Quang, đồng thời kết hợp làm đường giao thông liên xã phục vụ nhân dân trong khu vực

Hệ thống đê sông Lô

Ban Quản lý dự án ĐTXD các công rình NN tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan

2021-2030

Ngân sách Trung ương

700

VI

Lĩnh vực quy hoạch (01 nhiệm vụ)

19

Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 dựa trên kịch bản BĐKH (nhiệm vụ lồng ghép)

Nhằm đạt được mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội bền vững trong bối cảnh BĐKH của tỉnh Tuyên Quang

Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Tuyên Quang đến năm 2030 và tầm nhìn 2045 dựa trên kịch bản BĐKH

Sở Kế hoạch và Đầu tư

2021-2025

Ngân sách Trung ương, Ngân sách địa phương và các nguồn vốn khác

8,0

Tổng

1.563,1

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 417/QĐ-UBND năm 2020 về Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của tỉnh Tuyên Quang giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2050

  • Số hiệu: 417/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 14/10/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Tuyên Quang
  • Người ký: Nguyễn Thế Giang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 14/10/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản