Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ Y TẾ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 4158/QĐ-BYT | Hà Nội, ngày 28 tháng 08 năm 2021 |
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007;
Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 75/2017/NĐ-CP ngày 20/6/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn về cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn Phòng ngừa và quản lý nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 3. Thay thế nội dung “Phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 ở nhân viên y tế” tại “Hướng dẫn Phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” ban hành kèm theo Quyết định số 5188/QĐ-BYT ngày 14/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Điều 4. Các Ông, Bà: Chánh Văn phòng Bộ; Chánh Thanh tra Bộ; Vụ trưởng, Cục trưởng các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; Trưởng Ban chỉ đạo phòng, chống bệnh dịch COVID-19 của các tỉnh, thành phố; Giám đốc các Bệnh viện, Viện trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng Y tế Ngành chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
DANH SÁCH BAN BIÊN SOẠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4158/QĐ-BYT ngày 28 tháng 08 năm 2021)
Chỉ đạo biên soạn | |
PGS.TS. Nguyễn Trường Sơn | Thứ trưởng Bộ Y tế |
Chủ biên | |
PGS.TS. Lương Ngọc Khuê | Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế |
Tham gia biên soạn và thẩm định | |
ThS. Nguyễn Trọng Khoa | Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế |
TS. Vương Ánh Dương | Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế |
ThS. Hà Thị Kim Phượng | Trưởng Phòng Điều dưỡng - Dinh dưỡng - Kiểm soát nhiễm khuẩn, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế |
ThS. Nguyễn Thị Thanh Tâm | Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế |
ThS. Lê Thị Hồng Minh | Vụ trang thiết bị và công trình y tế, Bộ Y tế |
TS.BS. Nguyễn Thị Hồng Diễm | Phó trưởng phòng Kiểm soát bệnh không lây nhiễm, Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế |
TS. Vũ Quang Hiếu | Nhóm bệnh truyền nhiễm, Văn phòng WHO tại Việt Nam |
TS. Bùi Hiền | Trưởng nhóm Xét nghiệm, CDC Hoa Kì tại Việt Nam |
PGS. TS. Nguyễn Việt Hùng | Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội |
PGS. TS. Lê Thị Anh Thư | Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn, TP. Hồ Chí Minh |
ThS. Trần Hữu Luyện | Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Thừa Thiên Huế |
TS. Nguyễn Thị Thanh Hà | Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn TP. HCM |
PGS. TS. Đinh Vạn Trung | Nguyên Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 |
PGS. TS. Kiều Chí Thành | Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Quân Y 103 |
ThS. Nguyễn Thành Huy | Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV đa khoa trung ương Huế |
TS. Phùng Mạnh Thắng | Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn , Bệnh viện Chợ Rẫy |
TS. Lê Kiến Ngãi | Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Nhi TƯ |
TS. Nguyễn Văn Hiếu | Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn , Bệnh viện Mắt TƯ |
BS. Huỳnh Thị Vân | Trưởng khoa KSNK, Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Định |
ThS. Đoàn Văn Hiển | Trưởng khoa KSNK, BV Hữu nghị Việt Tiệp - Hải Phòng |
ThS. Lê Thị Thanh Thủy | Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, BV Nhi đồng 1 |
Thư ký biên soạn |
|
ThS. Đoàn Quỳnh Anh | Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế |
Ths Trần Ninh | Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế |
PHÒNG NGỪA VÀ QUẢN LÝ NHÂN VIÊN Y TẾ CÓ NGUY CƠ LÂY NHIỄM SARS-COV-2 TRONG CÁC CƠ SỞ KHÁM BỆNH CHỮA BỆNH
(Ban hành theo Quyết định số 4158/QĐ-BYT ngày 28/08/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế)
Bệnh COVID-19 là bệnh lây truyền từ người sang người. Đường lây nhiễm xảy ra theo ba cách chính: (1) hít phải các giọt bắn hô hấp rất nhỏ và các hạt khí dung, (2) các giọt bắn và hạt khí dung của dịch hô hấp văng bắn trực tiếp lên niêm mạc của miệng, mũi hoặc mắt, và (3) tay có dính dịch hô hấp hoặc các dịch tiết khác chứa vi rút hoặc gián tiếp chạm vào bề mặt môi trường có vi rút sau đó chạm/tiếp xúc vào các vùng niêm mạc.
Những thông tin và báo cáo khoa học mới nhất về COVID-19 cho thấy lây truyền SARS-CoV-2 giữa người với người xảy ra thường xuyên nhất qua các hoạt động tiếp xúc gần với người đã nhiễm COVID-19. Nhân viên y tế (NVYT) không chỉ là những người có nguy cơ nhiễm bệnh cao mà khi đã nhiễm bệnh, họ còn có thể là nguồn phát tán bệnh trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (KBCB). Theo báo cáo sơ bộ ở nhiều quốc gia cho thấy có khoảng 10% tổng số ca mắc COVID-19 là NVYT.
Trước tình hình bệnh dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, xuất hiện nhiều biến chủng có khả năng lây nhiễm cao, số lượng người nhiễm SARS-CoV-2 nhập viện ngày càng tăng khiến nhiều bệnh viện trở nên quá tải, nguy cơ NVYT phơi nhiễm với SARS-CoV-2 ngày càng cao. Nhằm đảm bảo an toàn cho NVYT, duy trì nguồn nhân lực cho công tác phòng chống dịch nói riêng và công tác khám bệnh, chữa bệnh nói chung, mọi cơ sở KBCB cần: (1) xây dựng và triển khai các biện pháp phòng ngừa phù hợp với nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 theo từng khu vực, từng đối tượng NVYT; (2) chủ động đánh giá nguy cơ lây nhiễm, phát hiện sớm để quản lý, cách ly kịp thời NVYT bị nhiễm bệnh.
1. Hạn chế lây nhiễm và lan truyền SARS-CoV-2 trong cơ sở KBCB, bảo vệ NVYT, người bệnh và các đối tượng khác.
2. Phát hiện sớm NVYT có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 cao để cách ly, theo dõi y tế theo quy định.
3. Đảm bảo nguồn nhân lực cho công tác phòng chống bệnh dịch nói riêng và công tác khám bệnh, chữa bệnh nói chung.
1. Áp dụng các tiêu chuẩn cao nhất về an toàn trong chăm sóc NB, phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở KBCB.
2. Bảo đảm luôn trang bị sẵn sàng phương tiện PHCN ở mọi khu vực chăm sóc và điều trị người nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2, với số lượng, chủng loại và chất lượng phù hợp.
3. Bảo đảm tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ liều cho tất cả NVYT, đặc biệt là các NVYT trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch.
4. Bảo đảm đủ nhân lực có kiến thức chuyên môn và phòng ngừa lây nhiễm cho công tác điều trị, chăm sóc người SARS-CoV-2, bố trí ca kíp làm việc phù hợp nhằm bảo đảm sức khỏe NVYT.
5. Hạn chế nguy cơ lây nhiễm cho NVYT và NB thông qua việc phân luồng, tăng cường sàng lọc nhằm phát hiện sớm, cách ly kịp thời người nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2.
6. Bảo đảm NVYT nhận biết chính xác nguy cơ lây nhiễm, tự đánh giá đúng, trung thực nguy cơ lây nhiễm nhằm phát hiện sớm và cách ly kịp thời NVYT nhiễm hoặc nghi nhiễm SARS-CoV-2.
IV. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG
- Mọi công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở KBCB.
- Các cơ sở KBCB trong toàn quốc.
1. Phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 ở nhân viên y tế
1.1. Những biện pháp phòng ngừa chung
1.1.1. Thực hiện nghiêm quy định 5K trong cơ sở KBCB và ngoài cộng đồng: Khẩu trang; Khử khuẩn; Không tập trung đông người; Khai báo y tế; Khoảng cách.
1.1.2. Tuân thủ các quy định chung về phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2.
1.1.3. Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm theo đường lây truyền của SARS-CoV-2 khi lấy mẫu bệnh phẩm, khi chăm sóc và thực hiện các thực hành có tiếp xúc với dịch sinh học của người bệnh COVID-19:
- Có quy trình phòng ngừa văng bắn dịch hô hấp, dịch cơ thể, máu, dịch bài tiết vào niêm mạc mắt, mũi, miệng và vào vùng da không nguyên vẹn.
- Tập huấn cho NVYT xử lý thành thạo các tình huống có nguy cơ văng bắn dịch hô hấp, dịch cơ thể, máu, dịch bài tiết của người bệnh.
1.1.4. Tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng COVID-19 cho NVYT.
1.1.5. Lưu ý trong việc tổ chức cho NVYT trực tiếp điều trị, chăm sóc và phục vụ người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2:
- Bảo đảm NVYT phải được đào tạo và thực hành thành thạo các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 trong phạm vi chuyên môn, vị trí làm việc.
- Không bố trí NVYT mắc các bệnh lý nền, phụ nữ có thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, NVYT chưa được tiêm phòng đầy đủ vắc xin phòng COVID-19.
- Tổ chức NVYT thành các đội, nhóm. Bố trí các nhóm làm việc vào các ca khác nhau.
- Bố trí lịch làm việc, thời gian làm việc trong ngày, lịch nghỉ ngơi hợp lý để tránh NVYT bị quá sức.
- Trong trường hợp NVYT cần ở lại bệnh viện thì bố trí nơi ngủ nghỉ, sinh hoạt theo đội, nhóm, bảo đảm đủ điều kiện cách ly, vệ sinh cá nhân, yên tĩnh, thoáng mát. Đặc biệt là duy trì khoảng cách trong sinh hoạt. Tránh bố trí quá đông NVYT vào một phòng.
- Bố trí dự phòng NVYT để sẵn sàng thay thế NVYT bị ốm đau, có nguy cơ lây nhiễm cao hoặc nhiễm SARS-CoV-2.
- Đảm bảo dinh dưỡng cho NVYT.
1.1.6. Hạn chế NVYT di chuyển khỏi khu vực làm việc trong cơ sở KBCB ngay cả với NVYT làm việc ở những khu vực được đánh giá là nguy cơ lây nhiễm thấp.
1.1.7. Hạn chế họp trực tiếp, nếu họp cần tăng cường qua hình thức trực tuyến.
1.1.8. Tổ chức theo dõi sức khỏe, khám sàng lọc, phát hiện sớm SARS-CoV-2 ở NVYT có triệu chứng chỉ điểm COVID-19 hoặc có yếu tố dịch tễ liên quan.
1.1.9. Hạn chế NVYT đi du lịch hoặc đi ra khỏi tỉnh, thành phố nơi cư trú.
1.2. Tổ chức phân luồng, sàng lọc, phát hiện sớm và cách ly kịp thời người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2
1.2.1. Đối với người bệnh:
- Người bệnh có nguy cơ cao nhiễm SARS-CoV-2 (NB có triệu chứng lâm sàng và/hoặc có yếu tố dịch tễ) cần được phân luồng, khám sàng lọc, làm xét nghiệm SARS-CoV-2 ngay khi tới cơ sở KBCB.
- Người bệnh nghi nhiễm SARS-CoV-2 hoặc trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 cần được cách ly tạm thời tại khu vực sàng lọc, tại các khoa lâm sàng hoặc khu cách ly tập trung của cơ sở KBCB cho tới khi có kết quả xét nghiệm loại trừ.
- Phát hiện sớm người bệnh nội trú nhiễm SARS-CoV-2: Thực hiện xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 khi người bệnh nhập viện và định kỳ hàng tuần trong thời gian nằm viện.
1.2.2. Đối với nhân viên y tế:
- Tự theo dõi sức khỏe: Mọi NVYT cần tự theo dõi sức khỏe của bản thân. Nếu có các dấu hiệu chỉ điểm mắc COVID-19 (Phụ lục 1) phải tạm ngừng làm việc ngay, không tiếp xúc với NVYT khác, thông báo ngay cho lãnh đạo đơn vị để khám sàng lọc, xét nghiệm loại trừ SARS-CoV-2.
- Phát hiện NVYT nhiễm SARS-CoV-2 qua đánh giá và quản lý nguy cơ lây nhiễm: NVYT tiếp xúc trực tiếp với người nhiễm SARS-CoV-2 (khu vực sàng lọc, lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, cách ly, điều trị người bệnh COVID-19) cần tự đánh giá nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 (Mục 2). Những NVYT có nguy cơ lây nhiễm cao cần được cách ly, theo dõi y tế và xét nghiệm loại trừ COVID-19.
- Nhân viên y tế cần được xét nghiệm sàng lọc SARS-CoV-2 định kỳ tối thiểu 1 lần/tuần.
1.3. Phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 trong thực hành lâm sàng
Thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cho NVYT tại Hướng dẫn phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở KBCB ban hành tại Quyết định số 5188/QĐ-BYT ngày 14/12/2020 của Bộ trưởng Bộ Y tế, đặc biệt lưu ý một số nội dung sau:
1.3.1. Phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 khi chăm sóc và điều trị người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2 (Nội dung này áp dụng tại các khu vực tiếp đón, sàng lọc, lấy mẫu và xét nghiệm bệnh phẩm hô hấp, cách ly, chăm sóc và điều trị người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2), gồm các biện pháp chính:
- Luôn sử dụng các phương tiện PHCN đúng chủng loại, đúng chất lượng, đúng quy trình trong suốt thời gian tiếp xúc, chăm sóc NB, bao gồm: quy trình mang và tháo bỏ phương tiện PHCN; không điều chỉnh phương tiện PHCN khi đang tiếp xúc, chăm sóc NB; và thay phương tiện PHCN khi cần thiết (chú ý khi tháo bỏ phải cẩn thận, tránh để lây nhiễm cho bản thân).
- Luôn tuân thủ đúng 5 thời điểm VST khi chăm sóc người bệnh, khi mang và tháo bỏ phương tiện PHCN. Thực hiện VST theo quy trình 6 bước.
- Lau khử khuẩn các bề mặt môi trường thường xuyên có tiếp xúc bàn tay tối thiểu 3 lần/ngày.
- Nhân viên y tế lấy mẫu và xét nghiệm bệnh phẩm đường hô hấp cần được huấn luyện thành thực cách lấy mẫu và xử lý bệnh phẩm an toàn. Nhân viên y tế thực hiện các thực hành chăm sóc có tạo khí dung cần được huấn luyện quy trình thực hành an toàn khi thực hiện ở người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2.
- Thực hiện đúng các quy định, hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 khi thực hiện phẫu thuật, đỡ đẻ, chạy thận nhân tạo, chụp chiếu X-quang chẩn đoán, siêu âm... ở người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2.
- Tất cả các chất thải phát sinh trong quá trình lấy mẫu bệnh phẩm cũng như trong quá trình chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2 đều là chất thải lây nhiễm, cần được thu gom, vận chuyển và xử lý an toàn.
- Thu gom, vận chuyển và xử lý dụng cụ, đồ vải theo đúng hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
1.3.2. Phòng ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2 khi chăm sóc người bệnh khác trong toàn cơ sở KBCB (Nội dung này áp dụng ở mọi khoa lâm sàng, cận lâm sàng trong cơ sở KBCB khi chăm sóc NB thông thường khác), bao gồm:
- Luôn mang phương tiện PHCN phù hợp và sử dụng đúng quy trình trong suốt thời gian tiếp xúc NB, bao gồm: mang khẩu trang y tế khi tiếp xúc trực tiếp (trong vòng 2 mét) với mọi NB, thay khẩu trang khi cần thiết (rách, ẩm, dính dịch sinh học và khi kết thúc công việc sau mỗi ca làm việc).
- Luôn tuân thủ đúng các thời điểm vệ sinh tay (VST) khi chăm sóc NB, vệ sinh bề mặt môi trường, thu gom chất thải, cung cấp thuốc, suất ăn, thu gom, xử lý dụng cụ, đồ vải...
- Vệ sinh và lau khử khuẩn các bề mặt thường xuyên có tiếp xúc bàn tay (như tay nắm cửa, vịn cầu thang, phím bấm thang máy, bàn phím máy tính, điện thoại...) tối thiểu 3 lần/ngày và khi có yêu cầu.
- Phân loại và xử lý chất thải an toàn theo đúng quy định (phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý sau cùng).
- Thu gom, vận chuyển và xử lý dụng cụ, đồ vải theo đúng quy định.
2. Đánh giá nguy cơ và quản lý nhân viên y tế nhiễm SARS-CoV-2
2.1. Đánh giá nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 ở nhân viên y tế
2.1.1. Đối tượng cần đánh giá nguy cơ lây nhiễm
- NVYT có nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 là những NVYT:
+ Tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với người nhiễm, nghi nhiễm hoặc NVYT khác nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2.
+ Tiếp xúc trực tiếp với bề mặt môi trường nơi chăm sóc người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2.
+ Tiếp xúc trực tiếp với dụng cụ, đồ vải bẩn và chất thải phát sinh từ khu vực điều trị, chăm sóc người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2.
+ Bị văng bắn các dịch tiết của người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2 vào niêm mạc hoặc vào vùng da bị không nguyên vẹn hoặc bị vật sắc nhọn đã sử dụng trên người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2 đâm xuyên thấu da.
- Những NVYT cần đánh giá nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 gồm:
+ Có mặt trong cùng buồng bệnh hoặc trực tiếp thực hiện các thủ thuật có tạo khí dung, trong buồng phẫu thuật NB nhiễm SARS-CoV-2.
+ Lấy mẫu bệnh phẩm đường hô hấp để làm xét nghiệm SARS-CoV-2.
+ Thực hiện xét nghiệm mẫu bệnh phẩm đường hô hấp để phát hiện SARS-CoV-2
+ Làm việc tại khu sàng lọc và điều trị, cách ly người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2.
+ Sinh hoạt cùng buồng hoặc làm việc cùng ca, cùng vị trí với NVYT khác nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2.
+ Trực tiếp thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải, đồ vải, dụng cụ phát sinh từ khu sàng lọc, cách ly người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2.
+ Vận chuyển người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2.
+ Nhân viên y tế bị phơi nhiễm qua niêm mạc và vùng da không nguyên vẹn với các dịch tiết của người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2.
2.1.2. Tần suất và thời điểm đánh giá nguy cơ lây nhiễm
a. Tại khu vực cách ly, điều trị và phòng khám sàng lọc người nhiễm SARS-CoV-2: Đánh giá nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 hằng ngày sau mỗi ca làm việc.
b. Tại khoa phòng khác ngoài khu vực cách ly, điều trị và phòng khám sàng lọc người nhiễm SARS-CoV-2:
Đánh giá bất kỳ khi nào khi:
- NVYT vô tình tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần hoặc bị phơi nhiễm với dịch tiết của NB COVID-19.
- NVYT tiếp xúc gần hoặc ở cùng phòng với NVYT nhiễm SARS-CoV-2.
2.1.3. Công cụ đánh giá nguy cơ lây nhiễm
- Sử dụng Phiếu đánh giá nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 ở NVYT. Sau đây gọi tắt là Phiếu đánh giá nguy cơ.
- Cấu trúc Phiếu đánh giá nguy cơ gồm có:
* Phần 1: Thông tin chung về NVYT
* Phần 2: Thông tin chung về người nhiễm SARS-CoV-2 đã có tiếp xúc với NVYT.
* Phần 3: Các hoạt động của NVYT được thực hiện trên người nhiễm SARS-CoV-2 tại cơ sở KBCB. Các thông tin này được ghi nhận nhằm xác định NVYT có phơi nhiễm với SARS-CoV-2 trong quá trình làm việc hay không.
* Phần 4: Nội dung đánh giá việc tuân thủ các quy trình KSNK trong thực hành của NVYT khi tiếp xúc với người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2, bao gồm các nội dung đánh giá:
- Tuân thủ các quy định về sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân
- Vệ sinh tay
- Tuân thủ các quy định về vệ sinh khử khuẩn môi trường bề mặt
* Phần 5. Nội dung đánh giá tuân thủ các biện pháp KSNK khi thực hiện các thủ thuật tạo khí dung, bao gồm các nội dung đánh giá:
- Tuân thủ quy định về sử dụng phương tiện phòng hộ cá nhân khi thực hiện các thủ thuật khí dung trên người nhiễm SARS-CoV-2.
- Vệ sinh tay
- Tuân thủ các quy định về vệ sinh khử khuẩn môi trường bề mặt trong khu vực thực hiện thủ thuật khí dung, đặc biệt các bề mặt tiếp xúc nhiều.
* Phần 6: Tai nạn với dịch tiết sinh học: Nội dung phần này đánh giá việc nhân viên có gặp tai nạn văng bắn dịch sinh học của người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2 vào niêm mặc mắt, mũi, miệng hoặc da không lành lặn hoặc bị đâm bởi vật sắc nhọn sau khi đã được sử dụng trên người nhiễm, nghi nhiễm SARS-CoV-2 không.
Chi tiết Phiếu đánh giá nguy cơ xem tại Phụ lục 2.
2.1.4. Quy trình đánh giá
- Nhân viên y tế như đề cập tại Mục 2.1.1 (Đối tượng đánh giá) sẽ tiến hành đánh giá nguy cơ vào thời điểm như quy định tại Mục 2.1.2 (Tần suất và thời điểm đánh giá).
- Sau khi NVYT hoàn thành đánh giá, Phiếu đánh giá nguy cơ lây nhiễm của NVYT được rà soát, xác minh lại, ký xác nhận bởi:
+ Tiểu ban chuyên môn HOẶC
+ Bộ phận được cơ sở KBCB giao nhiệm vụ rà soát kết quả đánh giá VÀ
+ Trưởng khoa, bộ phận của NVYT đang làm việc.
Việc rà soát, xác minh lại có thể thực hiện bằng cách phỏng vấn trực tiếp NVYT, người cùng ca làm việc hoặc xem lại camera (nếu có).
- Trong khi chờ đợi xác nhận kết quả đánh giá, NVYT cần tuân thủ nghiêm quy định 5K, hạn chế tiếp xúc với NB và các NVYT khác. Trường hợp đánh giá nguy cơ lây nhiễm khi tiếp xúc, chăm sóc người bệnh nghi ngờ nhiễm COVID-19, NVYT cần áp dụng mức độ nguy cơ và các biện pháp kiểm soát như với NB COVID-19.
- Báo cáo lãnh đạo cơ sở KBCB quyết định xử lý kết quả đánh giá.
- Khuyến khích cơ sở KBCB xây dựng Phiếu đánh giá nguy cơ online hoặc ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính... để thuận tiện cho việc đánh giá; tự động xác định kết quả đánh giá; tự động cảnh báo khi có nguy cơ lây nhiễm cao và quản lý nguy cơ lây nhiễm của nhân viên y tế. Phân quyền xác nhận kết quả đánh giá, quyền truy cập theo dõi kết quả đánh giá của toàn bộ NVYT trong cơ sở KBCB.
- Mọi phiếu đánh giá nguy cơ được lưu giữ tại khoa/phòng hoặc tại bộ phận được cơ sở KBCB giao nhiệm vụ.
- Quy trình đánh giá nguy cơ được tóm tắt tại Sơ đồ 1.
2.1.5. Phân loại nguy cơ lây nhiễm theo kết quả đánh giá
- Đối với các câu hỏi đánh giá tại Phần 3. Các hoạt động của NVYT được thực hiện trên NB COVID-19 tại cơ sở KBCB, nếu NVYT trả lời “Có” đối với bất kỳ câu hỏi nào thì NVYT được coi là có phơi nhiễm với COVID-19
- Đối với các câu hỏi đánh giá tại các phần: Phần 4: Tuân thủ các quy trình KSNK trong thực hành KBCB; Phần 5. Tuân thủ các biện pháp KSNK khi thực hiện các thủ thuật tạo khí dung và Phần 6: Tai nạn với dịch tiết sinh học:
+ Nếu mọi nội dung được NVYT đánh giá là "luôn luôn" tuân thủ đúng các quy định, quy trình nêu tạo Phần 4 và Phần 5, đồng thời không có tai nạn với dịch tiết sinh học như đánh giá tại Phần 6, NVYT đó được xếp vào nhóm “NGUY CƠ LÂY NHIỄM THẤP”.
+ Nếu một trong những nội dung tại Phần 4 và Phần 5 được NVYT đánh giá là không “luôn luôn” tuân thủ theo quy định hoặc có tai nạn với dịch tiết sinh học như đánh giá tại Phần 6, NVYT đó được xếp vào nhóm “NGUY CƠ LÂY NHIỄM CAO”. Dưới đây là một số tình huống được xếp vào nhóm “Nguy cơ lây nhiễm cao”:
+ Không mang hoặc mang không đúng chủng loại phương tiện PHCN theo hướng dẫn của BYT về về sử dụng phương tiện PHCN (Ví dụ: tình huống yêu cầu phải mang khẩu trang N95 nhưng thực tế chỉ mang khẩu trang y tế thông thường; không mang găng tay khi khám NB COVID-19...).
+ Mang phương tiện PHCN không luôn luôn đúng theo quy trình của Bộ Y tế (Ví dụ: mang khẩu trang y tế không che kín mũi; không làm test kiểm tra độ kín khi mang khẩu trang N95; không thay ngay găng rách, thủng; không thay ngay khẩu trang mới khi thấy khẩu trang thấm ướt, chưa tháo bỏ hết các phương tiện PHCN mà đã tháo bỏ khẩu trang; tay đụng chạm vào bề mặt phương tiện PHCN nhưng không VST ngay...).
+ Không tuân thủ đúng 5 thời điểm vệ sinh tay (Ví dụ: không VST ngay sau mỗi khi đụng chạm vào mỗi NB hoặc vào bề mặt môi trường xung quanh giường bệnh (kể cả tình huống có mang găng); không VST sau mỗi khi tháo bỏ phương tiện PHCN, sau mỗi khi ra khỏi buồng bệnh, khu cách ly...).
+ Không thường xuyên khử khuẩn các bề mặt môi trường thường xuyên có tiếp xúc bàn tay (Ví dụ: ống nghe, bút viết, bàn phím máy tính, tay nắm cửa, thành giường, bề mặt máy móc thiết bị trong buồng cách ly...).
+ NVYT bị văng bắn các dịch tiết sinh học của NB COVID-19 vào mắt, mũi, miệng hoặc bị kim sau sử dụng ở NB COVID-19 đâm xuyên thấu da...).
2. Quản lý nhân viên y tế nhiễm SARS-COV-2
2.1. Với NVYT được đánh giá “NGUY CƠ LÂY NHIỄM THẤP”
- Nhân viên y tế vẫn tiếp tục làm việc và sinh hoạt bình thường.
- Không phải cách ly hoặc làm xét nghiệm chẩn đoán COVID-19.
- Tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng ngừa lây nhiễm, đánh giá nguy cơ lây nhiễm và xét nghiệm sàng lọc định kỳ theo quy định của cơ sở KBCB.
- Tự theo dõi y tế hàng ngày nhằm phát hiện sớm các dấu hiệu chỉ điểm bệnh COVID-19 (Phụ lục 1). Nếu có triệu chứng sốt, ho, khó thở, đau họng... cần tự cách ly và báo ngay cho người phụ trách đơn vị/tiểu ban chuyên môn để thực hiện các biện pháp phòng ngừa và điều trị phù hợp.
- Khi ở ngoài cơ sở KBCB, nhân viên y tế cần thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch COVID-19 tại cộng đồng.
2.2. Với NVYT được đánh giá “NGUY CƠ LÂY NHIỄM CAO”
- Ngừng làm việc, không tiếp xúc với NB và NVYT khác.
- Lấy mẫu bệnh phẩm hô hấp xét nghiệm xác định SARS-CoV-2.
- Thực hiện cách ly y tế theo quy định chung về cách ly y tế của Bộ Y tế và của mỗi địa phương. Tuy nhiên, ưu tiên bố trí cách ly y tế tại nhà (nếu nhà ở của NVYT đủ điều kiện cách ly theo hướng dẫn của Bộ Y tế) hoặc tại khu vực cách ly do cơ sở KBCB bố trí.
- Trường hợp NVYT được cách ly tại nhà, lãnh đạo cơ sở KBCB ra quyết định cách ly và thông báo tới chính quyền địa phương nơi NVYT cư trú (xã, phường) để phối hợp giám sát cách ly và theo dõi y tế người cách ly.
- Thời gian cách ly theo quy định hiện hành của Bộ Y tế
- NVYT phải tuân thủ nghiêm các quy định về cách ly của Bộ Y tế.
- NVYT được đơn vị hoặc y tế địa phương hướng dẫn và theo dõi y tế theo quy định đối với người đang thực hiện cách ly COVID-19.
- Trong thời gian cách ly, NVYT được tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm chẩn đoán xác định nhiễm SARS-CoV-2 theo quy định đối với người cách ly COVID-19.
- Trong thời gian cách ly, NVYT được tư vấn, hỗ trợ về tâm lý và được hưởng nguyên lương cũng như các chế độ phòng chống dịch khác theo quy định.
* Nếu kết quả dương tính với SARS-CoV-2:
- NVYT được tiếp tục cách ly và điều trị theo quy định hiện hành về cách ly, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 của Bộ Y tế.
- Cơ sở KBCB cần điều tra, xác định những NVYT khác và NB có tiếp xúc gần để đánh giá nguy cơ lây nhiễm và thực hiện các biện pháp cách ly theo quy định.
* Nếu XN SARS-CoV-2 các lần đều âm tính:
- Nhân viên y tế được trở lại làm việc và sinh hoạt bình thường.
- Sau khi hết thời gian cách ly, NVYT được rà soát, huấn luyện lại các biện pháp thực hành phòng ngừa lây nhiễm COVID-19 trước khi trở lại chăm sóc NB.
- Nhân viên y tế tiếp tục thực hiện các hướng dẫn về đánh giá nguy cơ lây nhiễm trong quá trình làm việc
Sơ đồ 2: Quản lý nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV ở NVYT
- Cơ sở KBCB phân công cụ thể bộ phận chịu trách nhiệm chính và các bộ phận phối hợp trong việc kiểm tra giám sát các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, bao gồm công tác phòng ngừa lây nhiễm cho nhân viên y tế.
- Cơ sở KBCB cần xây dựng và ban hành các hướng dẫn, quy định, công cụ giám sát công tác phòng phòng ngừa lây nhiễm cho nhân viên y tế.
- Bộ phận chịu trách nhiệm chính về kiểm tra, giám sát cần lập kế hoạch công tác tháng trình lãnh đạo cơ sở KBCB phê duyệt. Nhân viên được giao nhiệm vụ giám sát cần được tập huấn, đào tạo nội dung, kỹ năng giám sát.
- Kết quả giám sát cần được tổng hợp, báo cáo lãnh đạo cơ sở KBCB để kịp thời xác định và cải thiện những tồn tại.
TRIỆU CHỨNG CHỈ ĐIỂM BỆNH COVID-19
• NVYT cần lưu ý các triệu chứng sau của COVID-19:
• Sốt hoặc ớn lạnh
• Khó thở
• Ho
• Đau họng
• Nghẹt mũi / chảy nước mũi, Đau đầu
• Đau nhức cơ và khớp
• Hôn mê
• Lú lẫn cấp tính
• Thay đổi về mùi/vị
• Bệnh tiêu chảy
PHIẾU ĐÁNH GIÁ NGUY CƠ LÂY NHIỄM SARS-COV-2 Ở NVYT
1. Thông tin NVYT | |
A: Họ và tên |
|
B. Giới tính | □ Nam □ Nữ |
C. Khoa/phòng |
|
D. Cơ sở KBCB |
|
E. Số điện thoại liên lạc |
|
F. Vị trí làm việc của NVYT: □ Bác sĩ □ Điều dưỡng, hộ sinh (hoặc tương tự) □ Hộ lý (hoặc tương đương) □ Kỹ thuật viên X quang □ Nhân viên lấy mẫu bệnh phẩm □ Kỹ thuật viên phòng xét nghiệm | □ Nhân viên lễ tân, tiếp đón □ Nhân viên vận chuyển NB □ Nhân viên thu gom chất thải □ Nhân viên vệ sinh □ Nhân viên thu gom, xử lý đồ vải □ Nhân viên xử lý dụng cụ y tế □ Khác (ghi rõ):..................................... |
2. Thông tin NB COVID-19 tiếp xúc với NVYT | |
A. Ngày NVYT tiếp xúc lần đầu với NB dương tính COVID-19: | Ngày (Ngày/tháng/năm): __ / ___/___ |
□ Không biết | |
B. Địa chỉ của NB (nếu biết): |
|
C. Có nhiều NB COVID-19 tại cơ sở KBCB: | □ Có □ Không □ Không trả lời Nếu có, số NB (gần đúng nếu không biết chính xác số lượng): |
3. Các hoạt động của NVYT thực hiện trên NB COVID-19 tại cơ sở KBCB. | |
A. Anh/chị có chăm sóc trực tiếp cho NB dương tính với SARS-CoV-2 không? | □ Có □ Không □ Không biết |
B. Anh/chị có tiếp xúc trực tiếp (trong vòng 1 mét) với người nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận tại cơ sở y tế không? | □ Có □ Không □ Không biết |
c. Anh/chị đã có mặt khi có bất kỳ thủ thuật tạo khí dung nào được thực hiện trên NB không? (Chi tiết được liệt kê ở dòng câu hỏi tiếp theo) | □ Có □ Không □ Không biết |
Nếu có, là loại thủ thuật nào? | □ Đặt nội khí quản □ Điều trị khí dung □ Hút dịch đường thở □ Lấy mẫu bệnh phẩm đờm □ Mở khí quản □ Nội soi phế quản □ Hồi sức tim phổi (CPR) □ Khác (ghi rõ): |
D. Anh/chị có tiếp xúc trực tiếp với bề mặt môi trường nơi NB dương tính SARS-CoV-2 được chăm sóc không? Ví dụ. giường, đồ vải, thiết bị y tế, phòng tắm vv... | □ Có □ Không □ Không biết |
Nếu NVYT trả lời “Có” đối với bất kỳ câu hỏi 3A - 3D, NVYT được coi là có phơi nhiễm với COVID-19.
4. Tuân thủ các quy trình KSNK trong thực hành khám bệnh, chữa bệnh | |
Đối với các câu hỏi sau, vui lòng định lượng mức độ bạn tuân thủ quy định sử dụng phương tiện PHCN: “Luôn luôn” (hay Có, thực hiện đầy đủ) có nghĩa là hơn 95% thời gian; “Hầu hết thời gian” có nghĩa là 50% thời gian trở lên nhưng không phải 100%; “Thỉnh thoảng” có nghĩa là 20% đến dưới 50% thời gian và “Hiếm khi” có nghĩa là dưới 20%. | |
A. Trong quá trình tiếp xúc chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, Anh/chị có mặc đủ PHCN theo quy định không? | □ Có □ Không |
- Nếu có, đối với từng loại phương tiện PHCN bên dưới, hãy cho biết mức độ thường xuyên anh/chị sử dụng: |
|
1. Găng tay dùng một lần | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
2. Khẩu trang y tế hoặc N95 | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
3. Tấm che mặt hoặc kính bảo hộ | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
4. Trang phục phòng hộ cá nhân dùng 1 lần | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
B. Trong quá trình tiếp xúc chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, anh/chị có loại bỏ và thay phương tiện PHCN của mình theo đúng quy trình (ví dụ: khi khẩu trang y tế bị ướt, bỏ phương tiện PHCN ướt vào thùng chất thải, thực hiện VST...)? | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
C. Trong quá trình tiếp xúc chăm sóc NB COVID-19, bạn đã thực hiện vệ sinh tay trước và sau khi chạm vào NB COVID-19 (cho dù đeo găng tay hay không)? | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
D. Trong quá trình tiếp xúc chăm sóc NB COVID-19, Anh/chị đã thực hiện vệ sinh tay trước và sau khi thực hiện mọi quy trình sạch hoặc vô khuẩn (ví dụ: trong khi đặt ống thông mạch máu ngoại biên, ống thông tiểu, đặt nội khí quản, v.v.)? | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
E. Trong quá trình tiếp xúc chăm sóc NB COVID-19, Anh/chị đã thực hiện vệ sinh tay sau khi tiếp xúc với dịch tiết của NB không? | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
F. Trong quá trình tiếp xúc chăm sóc NB COVID-19, Anh/chị có thực hiện VST sau khi tiếp xúc bề mặt môi trường xung quanh NB (giường, tay nắm cửa, v.v.), bất kể Anh/chị có đeo găng tay không? | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
G. Tại khu vực chăm sóc NB COVID-19, các bề mặt môi trường thường xuyên có tiếp xúc bàn tay trong khu vực chăm sóc có được vệ sinh khử khuẩn thường xuyên (ít nhất ba lần mỗi ngày) không? | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
5. Tuân thủ các biện pháp KSNK khi thực hiện các quy trình tạo khí dung (ví dụ đặt nội khí quản, điều trị khí dung, hút đường thở mở, thu thập đờm, mở khí quản, nội soi phế quản, hồi sức tim phổi (CPR), v.v.). | |
Đối với các câu hỏi sau, vui lòng định lượng mức độ bạn tuân thủ quy định sử dụng phương tiện PHCN: “Luôn luôn” (hay Có, thực hiện đầy đủ) có nghĩa là hơn 95% thời gian; “Hầu hết thời gian” có nghĩa là 50% thời gian trở lên nhưng không phải 100%; “Thỉnh thoảng” có nghĩa là 20% đến dưới 50% thời gian và “Hiếm khi” có nghĩa là dưới 20%. | |
A. Trong quá trình tạo khí dung trên NB COVID-19, Anh/chị có mang đầy đủ PHCN đúng cấp độ không? | □ Có □ Không |
Nếu có, đối với từng loại trang bị PHCN bên dưới, hãy cho biết mức độ thường xuyên bạn sử dụng nó: |
|
1. Găng tay dùng 1 lần | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
2. Khẩu trang N95 (hoặc khẩu trang tương đương) | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
3. Tấm che mặt hoặc kính bảo hộ | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
4. Bộ quần áo phòng chống dịch | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
5. Tạp dề kháng thấm dịch | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
B. Trong các thủ thuật tạo khí dung trên NB COVID-19, Anh/chị đã tháo bỏ và thay thế trang bị PHCN của mình theo đúng quy trình không? | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
C. Trong quá trình tạo khí dung trên NB COVID-19, Anh/chị có thực hiện vệ sinh tay trước và sau khi chạm vào NB COVID-19, bất kể bạn có đeo găng tay không? | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
D. Trong quá trình tạo khí dung trên bệnh nhân COVID-19, Anh/chị có thực hiện vệ sinh tay trước và sau khi thực hiện bất kỳ quy trình sạch hoặc vô trùng nào không? | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
E. Trong quá trình tạo khí dung trên bệnh nhân COVID-19, Anh/chị có thực hiện vệ sinh tay sau khi chạm vào môi trường xung quanh của bệnh nhân (giường, tay nắm cửa, v.v.), bất kể Anh/chị có đeo găng tay không? | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
F. Trong các thủ thuật tạo khí dung trên NB COVID-19, các bề mặt tiếp xúc nhiều có được vệ sinh khử khuẩn thường xuyên (ít nhất ba lần mỗi ngày) không? | □ Luôn luôn, như quy định □ Hầu hết thời gian □ Thỉnh thoảng □ Hiếm khi |
6. Phơi nhiễm với dịch tiết sinh học | |
A. Trong quá trình tiếp xúc chăm sóc NB COVID-19, Anh/chị có gặp tai nạn nào với dịch tiết cơ thể/dịch tiết hô hấp không? Xem bên dưới để biết ví dụ | □ Có □ Không |
Nếu có, loại tai nạn nào? □ Dịch sinh học /dịch tiết hô hấp bắn vào màng niêm mạc mắt □ Dịch sinh học /dịch tiết hô hấp bắn vào màng niêm mạc miệng / mũi | □ Dịch sinh học / dịch tiết hô hấp bắn vào da không còn nguyên vẹn □ Bị đâm bởi bất kỳ vật sắc nhọn nào bị nhiễm dịch sinh học / dịch tiết hô hấp |
Nhân viên y tế tự đánh giá (Ký, ghi rõ họ và tên) | Người kiểm tra/xác nhận | Trưởng khoa/bộ phận |
PHÂN LOẠI NGUY CƠ LÂY NHIỄM SARS-CoV-2 Ở NHÂN VIÊN Y TẾ THEO KẾT QUẢ ĐÁNH GIÁ
1. NGUY CƠ NHIỄM SARS-COV-2 CAO
NVYT đã không trả lời “Luôn luôn” hoặc “có đầy đủ” như theo quy định đối với các câu hỏi:
- 4A1 - 4G, 5A-5F
- Hoặc trả lời “Có” với Mục 6.
2. NGUY CƠ NHIỄM SARS-COV-2 THẤP
NVYT đã trả lời ‘Luôn luôn” như theo quy định đối với các câu hỏi:
- 4A1 - 4G, 5A - 5F
- Hoặc trả lời “Không” với Mục 6.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Quyết định số 5188/QĐ-BYT ngày 14 tháng 12 năm 2020 Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
2. Quyết định 3416/QĐ-BYT ngày 14/7/2021 Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2).
3. Quyết định số 3638/QĐ-BYT ngày 30/07/2021 Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19.
4. Interim Operational Considerations for Public Health Management of Healthcare Workers Exposed to or with Suspected or Confirmed COVID-19: non-U.S. Healthcare Settings, Updated Feb. 23, 2021, CDC.
5. Risk assessment and management of exposure of health care workers in the, Interim guidance-WHO.
- 1Công văn 4393/BYT-KCB năm 2020 về tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-COV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành
- 2Công điện 97/CĐ-BYT năm 2021 về tăng cường quyết liệt các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành
- 3Công văn 5072/BYT-KCB năm 2021 về tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-COV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành
- 4Quyết định 1949/QĐ-BYT năm 2022 phê duyệt các tài liệu truyền thông phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 1Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007
- 2Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009
- 3Nghị định 75/2017/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế
- 4Công văn 4393/BYT-KCB năm 2020 về tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-COV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành
- 5Công điện 97/CĐ-BYT năm 2021 về tăng cường quyết liệt các biện pháp phòng, kiểm soát lây nhiễm COVID-19 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành
- 6Công văn 5072/BYT-KCB năm 2021 về tăng cường phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-COV-2 trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ Y tế ban hành
- 7Quyết định 3416/QĐ-BYT năm 2021 về Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới (SARS-CoV-2) do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 8Quyết định 3638/QĐ-BYT năm 2021 về Hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19 do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- 9Quyết định 1949/QĐ-BYT năm 2022 phê duyệt các tài liệu truyền thông phòng và kiểm soát lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
Quyết định 4158/QĐ-BYT năm 2021 về Hướng dẫn Phòng ngừa và quản lý nhân viên y tế có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 trong cơ sở khám bệnh, chữa bệnh do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành
- Số hiệu: 4158/QĐ-BYT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/08/2021
- Nơi ban hành: Bộ Y tế
- Người ký: Nguyễn Trường Sơn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra