THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 412/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 10 tháng 04 năm 2012 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH HỆ THỐNG TRUNG TÂM GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG - AN NINH SINH VIÊN GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Nghị định số 116/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về Giáo dục Quốc phòng - an ninh;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch Hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên giai đoạn 2011 - 2015 với những nội dung cơ bản sau đây:
1. Mục tiêu, quan điểm chỉ đạo:
a) Hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên là các cơ sở đào tạo có nhiệm vụ giảng dạy môn học Giáo dục quốc phòng - an ninh cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn cả nước theo các chương trình đào tạo quy định, nhằm giáo dục cho sinh viên hiểu biết một số nội dung cơ bản về nền quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân, đường lối quân sự của Đảng và trang bị các kiến thức quân sự cần thiết; đồng thời rèn luyện, bồi dưỡng nhân cách, nếp sống tập thể và tác phong công tác của con người mới xã hội chủ nghĩa.
b) Xây dựng hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên trên địa bàn cả nước, bảo đảm thực hiện giáo dục quốc phòng - an ninh cho 70% số sinh viên đại học, cao đẳng được tuyển hàng năm trên địa bàn.
c) Đến năm 2015, xây dựng và hoàn thiện, hoàn chỉnh mạng lưới tổ chức và đi vào hoạt động 16 Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên trên địa bàn cả nước.
2. Nguyên tắc:
a) Quy hoạch Hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên phải phù hợp với đường lối, chính sách về quốc phòng, an ninh của Đảng.
b) Phù hợp với Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
3. Nội dung:
a) Nâng cấp, mở rộng quy mô bảo đảm kiên cố hệ thống giảng đường; phòng học chuyên dùng, thao trường, bãi tập, ký túc xá, nhà ăn đáp ứng yêu cầu học tập và rèn luyện của các trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên sau:
- Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên Thái Nguyên (thuộc Đại học Thái Nguyên) đặt tại tỉnh Thái Nguyên: đạt khoảng 10.000 sinh viên/năm.
- Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên Hà Nội 1 (thuộc Trường Đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội) đặt tại Thành phố Hà Nội: đạt khoảng 15.000 sinh viên/năm.
- Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên Huế (thuộc Đại học Huế) đặt tại tỉnh Thừa Thiên - Huế: đạt khoảng 10.000 sinh viên/năm.
- Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên Tây Nguyên (thuộc Trường Đại học Tây Nguyên) đặt tại tỉnh Đăk Lăk: đạt khoảng 10.000 sinh viên/năm.
- Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên Hải Phòng (thuộc Trường Đại học Hải Phòng) đặt tại Thành phố Hải Phòng: đạt khoảng 10.000 sinh viên/năm.
- Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên Hà Nội 2 (thuộc Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) đặt tại tỉnh Vĩnh Phúc: đạt khoảng 15.000 sinh viên/năm.
- Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên Tây Bắc (thuộc Trường Đại học Tây Bắc) đặt tại tỉnh Sơn La: đạt khoảng 10.000 sinh viên/năm.
- Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên Vinh (thuộc Trường Đại học Vinh) đặt tại tỉnh Nghệ An: đạt khoảng 10.000 sinh viên/năm.
- Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên Khánh Hòa (thuộc Trường Đại học Nha Trang) đặt tại tỉnh Khánh Hòa: đạt khoảng 10.000 sinh viên/năm.
- Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên Cần Thơ (thuộc Trường Đại học Cần Thơ) đặt tại tỉnh Hậu Giang: đạt khoảng 10.000 sinh viên/năm.
- Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên Đà Nẵng (thuộc Trường Quân sự Quân khu 5) đặt tại Thành phố Đà Nẵng: đạt khoảng 10.000 sinh viên/năm.
- Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên Thành phố Hồ Chí Minh (thuộc Trường Quân sự Quân khu 7) đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh: đạt khoảng 15.000 sinh viên/năm.
- Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên Thanh Hóa (thuộc Trường Đại học Hồng Đức) đặt tại tỉnh Thanh Hóa: đạt khoảng 10.000 sinh viên/năm.
- Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên Bắc Giang (thuộc Trường Cao đẳng Ngô Gia Tự) đặt tại tỉnh Bắc Giang: đạt khoảng 10.000 sinh viên/năm.
- Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) đặt tại Thành phố Hà Nội: đạt khoảng 15.000 sinh viên/năm.
- Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (thuộc Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh) đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh: đạt khoảng 35.000 sinh viên/năm.
b) Về đội ngũ cán bộ, giảng viên:
Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện và cơ chế thích hợp để tăng nhanh số lượng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giảng viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định của Luật giáo dục và có số lượng như sau:
- Các trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên có quy mô từ 10.000 sinh viên/năm trở xuống: có 50 cán bộ, giảng viên.
- Các trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên có quy mô từ 10.000 đến 20.000 sinh viên/năm: có 60 cán bộ, giảng viên.
- Các trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên có quy mô từ 20.000 sinh viên/năm trở lên: có 80 cán bộ, giảng viên.
c) Về cơ sở vật chất, kỹ thuật, đồ dùng dạy học, học cụ quân dụng chuyên dùng và phòng học chuyên dùng:
Các trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên phải có phòng học chuyên dùng, thao trường huấn luyện quân sự tổng hợp và đầy đủ thiết bị dạy học theo quy định tại Thông tư số 33/2009/TT-BGDĐT ngày 13 tháng 11 năm 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu môn học giáo dục quốc phòng - an ninh trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp, trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học (có cấp trung học phổ thông).
4. Nguồn vốn đầu tư:
Nguồn vốn đầu tư thực hiện Quy hoạch Hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên bao gồm:
a) Nguồn vốn ngân sách nhà nước (ngân sách trung ương, ngân sách địa phương).
b) Các nguồn khác theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
c) Các khoản chi: chi xây dựng cơ bản bao gồm xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, trang thiết bị ban đầu và chi thường xuyên đảm bảo cho hoạt động của các trung tâm theo định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của Nhà nước.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo:
a) Chủ trì và thông qua Ban Chỉ đạo liên Bộ ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện quy hoạch tại các Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên; lập kế hoạch triển khai quy hoạch hàng năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ. Xây dựng tổ chức biên chế đội ngũ cán bộ quản lý và giảng viên cho các trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh.
b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tại các trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên.
2. Bộ Quốc phòng:
a) Chủ trì về tổ chức, biên chế đội ngũ sĩ quan biệt phái và cử sĩ quan biện phái làm lực lượng nòng cốt tại các trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên đang hoạt động.
b) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tại các trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên.
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:
a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổng hợp nhu cầu, cân đối kế hoạch vốn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch ngân sách hàng năm cho các Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên.
b) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tại các trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên.
4. Bộ Tài chính:
a) Hàng năm, căn cứ vào Luật ngân sách nhà nước lập dự toán kinh phí cho các Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên, tổng hợp vào dự toán ngân sách nhà nước, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
b) Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch tại các trung tâm giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên.
5. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên có trách nhiệm quản lý, giám sát theo thẩm quyền và định kỳ hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện qua Ban Chỉ đạo liên Bộ.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành. Các quy định trước đây trái với quy định tại Quyết định này đều bị bãi bỏ.
Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc các đại học quốc gia và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. THỦ TƯỚNG |
- 1Luật Giáo dục 2005
- 2Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 3Nghị định 116/2007/NĐ-CP về giáo dục quốc phòng - an ninh
- 4Luật giáo dục sửa đổi năm 2009
- 5Thông tư liên tịch 123/2015/TTLT-BQP-BGDĐT-BLĐTBXH Quy định tổ chức, hoạt động của trung tâm giáo dục quốc phòng và an ninh; liên kết giáo dục quốc phòng và an ninh của các trường cao đẳng, cơ sở giáo dục đại học do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Bộ Giáo dục và Đào tạo - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
Quyết định 412/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch Hệ thống Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh sinh viên giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 412/QĐ-TTg
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 10/04/2012
- Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Thiện Nhân
- Ngày công báo: 24/04/2012
- Số công báo: Từ số 345 đến số 346
- Ngày hiệu lực: 10/04/2012
- Tình trạng hiệu lực: Đã biết