Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/QĐ-UBND | Kiên Giang, ngày 09 tháng 01 năm 2017 |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Quyết định số 1255/QĐ-TTg ngày 26/7/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 124/QĐ-TTg ngày 02/02/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Nghị quyết số 61/2016/NQ-HĐND ngày 19/12/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Kiên Giang về điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 219/TTr-SKHĐT ngày 29/12/2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, với những nội dung chủ yếu sau:
I. Quan điểm điều chỉnh quy hoạch
1- Tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của các tiểu vùng sinh thái cho phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo hướng hiện đại, có năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cao với các sản phẩm chủ lực là lúa gạo và thủy sản. Đồng thời, chú trọng chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng hiệu quả, chất lượng cao với các mô hình sản xuất luân canh lúa - màu, lúa - tôm, lúa - cá. Xây dựng vùng lúa chuyên canh tập trung chất lượng cao theo mô hình cánh đồng lớn. Phát triển vùng cây ăn trái, sản xuất rau màu, đặc biệt là rau sạch ở các vùng ven đô thị, khu du lịch. Địa bàn Phú Quốc tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp công nghệ cao để tạo cảnh quan du lịch.
2- Ứng dụng nhanh các thành tựu khoa học và công nghệ vào sản xuất nhằm làm giảm chi phí, tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững. Tổ chức sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị đối với các mặt hàng nông nghiệp, tập trung xây dựng thương hiệu các sản phẩm chủ lực của tỉnh. Nâng cao hiệu quả hoạt động và không ngừng phát triển các tổ hợp tác, hợp tác xã và kinh tế trang trại trong sản xuất nông nghiệp, làm chủ thể để liên kết với các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị. Tranh thủ hỗ trợ từ cơ chế chính sách, huy động mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế để hỗ trợ người sản xuất kết nối, tiếp cận với dịch vụ nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, liên kết với các doanh nghiệp chế biến, hệ thống tiêu thụ sản phẩm để phát huy sức mạnh tổng hợp, đảm bảo sản xuất có hiệu quả cao và bền vững.
3- Phát triển sản xuất nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống của nông dân và chất lượng nguồn nhân lực. Chú trọng công tác trồng rừng phòng hộ ven biển, giữ ổn định diện tích rừng đặc dụng Vườn Quốc gia Phú Quốc, Vườn Quốc gia U Minh Thượng, khu vực Hòn Chông - Kiên Lương; tăng tỷ lệ rừng kinh tế trong tổng diện tích rừng, nâng cao hiệu quả kinh tế của rừng trồng theo hướng phát triển lâm nghiệp đa chức năng; tăng cường trồng cây phân tán…;để thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH).
1. Mục tiêu chung
- Điều chỉnh quy hoạch nông nghiệp - nông thôn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp nhằm mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng các mặt hàng nông thủy sản và phát triển bền vững. Đồng thời, phải phù hợp với tình trạng biến đổi khí hậu, nước biển dâng và suy giảm nguồn nước ngọt.
- Xây dựng nền nông nghiệp hiện đại theo hướng tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững, dựa trên cơ sở phát huy các lợi thế so sánh gắn nhu cầu thị trường nội địa và xuất khẩu; áp dụng khoa học công nghệ, làm ra sản phẩm có chất lượng cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu đa dạng trong nước và khả năng cạnh tranh thị trường quốc tế; nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, lao động và nguồn vốn; tăng nhanh thu nhập và đời sống của nông dân.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Từ nay đến năm 2020
- Tốc độ tăng giá trị sản xuất (GTSX) theo giá so sánh năm 2010: Toàn ngành 5,6%/năm, nông nghiệp 3,6%/năm, lâm nghiệp 1,7%/năm, thủy sản 8,1%/năm. Trong nội bộ ngành nông nghiệp: Trồng trọt 2,2%/năm, chăn nuôi 9,4%/năm, dịch vụ khoảng 8,5%.
- Cơ cấu GTSX: Nông nghiệp 49,1%, lâm nghiệp 0,5% và thủy sản 50,4%; trồng trọt 67,4%, chăn nuôi 15,3% và dịch vụ nông nghiệp 17,2%.
- Năm 2020, sản lượng lương thực đạt 5,1 triệu tấn, trong đó, sản lượng lúa đạt khoảng 5 triệu tấn. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 755.505 tấn, trong đó: Nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 265.505tấn, riêng nuôi tôm đạt 80.000tấn.
- Giá trị sản lượng (GTSL) bình quân trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 130 triệu đồng, trong đó: GTSL bình quân trồng trọt đạt 100 triệu đồng/ha.
- Tiếp tục hoàn thiện các xã, huyện đã đạt tiêu chí, tăng tỷ lệ xã đạt nông thôn mới lên 50% (59/118 xã) và xây dựng thêm 02 huyện đạt các tiêu chí huyện nông thôn mới. Các xã còn lại đạt từ 10 tiêu chí trở lên.
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 12%.
b) Tầm nhìn đến năm 2030
- Tốc độ tăng GTSX: Toàn ngành 4,5-5,0%/năm, nông nghiệp 3,5%/năm, lâm nghiệp 2,0-2,5%/năm, thủy sản 6,0-6,5%/năm; trồng trọt 1,7-2,0%/năm, chăn nuôi 5,0-5,5%/năm, dịch vụ nông nghiệp 8,0-8,5%.
- Cơ cấu GTSX: Nông nghiệp 41,1%, lâm nghiệp 0,5% và thủy sản 58,4%; trồng trọt 65%, chăn nuôi 16% và dịch vụ nông nghiệp 19%.
- Năm 2030, sản lượng lương thực đạt khoảng 5,0 triệu tấn, trong đó, sản lượng lúa đạt khoảng 4,96 triệu tấn. Sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 800.000-840.000 tấn, trong đó: Nuôi trồng thủy sản đạt khoảng 320.000-340.000 tấn, riêng nuôi tôm nước lợ đạt khoảng 150.000-155.000 tấn).
- GTSL bình quân trên 01 ha đất sản xuất nông nghiệp đạt khoảng 170-200 triệu đồng, trong đó: GTSL bình quân trồng trọt đạt 140-150 triệu đồng/ha.
- Cơ bản hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới
- Tỷ lệ che phủ rừng đạt 11-12%.
III. Điều chỉnh quy hoạch ngành hàng nông nghiệp
1. Phát triển sản xuất nông nghiệp
a) Phát triển sản xuất lúa
- Điều chỉnh giảm diện tích đất trồng lúa từ 395.820 ha năm 2015 xuống còn 382.829 ha vào năm 2020 và cơ bản ổn định đến năm 2030. Trong đó, phát triển 03 vụ lúa ở vùng Tây sông Hậu (TSH) và một phần vùng Tứ giác Long Xuyên (TGLX) thuộc địa bàn Tân Hiệp, Rạch Giá, phía Nam kênh Tri Tôn thuộc huyện Hòn Đất; phát triển 02 vụ lúa và 02 vụ lúa + 01 vụ màu (bắp, đậu nành, mè) và một ít lúa - tôm ở phần còn lại trên đất lúa ở vùng TGLX và lâu dài sau năm 2020 sẽ từng bước phát triển mô hình lúa - tôm ở khu vực phía Nam QL80 từ Rạch Giá đến Ba Hòn - Kiên Lương; vùng U Minh Thượng (UMT) sẽ bố trí lúa - tôm là chủ yếu, còn lại là 02 vụ lúa và 02 vụ lúa + 01 vụ màu (rau, màu thực phẩm).
- Đến năm 2020, diện tích gieo trồng lúa cả năm đạt khoảng 800.950 ha (lúa Đông Xuân 298.275 ha, Hè Thu 298.275 ha, Thu Đông 120.000 ha và lúa Mùa 84.115 ha), tăng 33.300 ha so với năm 2015, năng suất lúa bình quân đạt 6,34tấn/ha và tổng sản lượng lúa đạt 5.080 ngàn tấn; đến năm 2030, tổng diện tích gieo trồng lúa cả năm giảm còn 783.085 ha (lúa Đông Xuân 281.500 ha, Hè Thu 281.500 ha, Thu Đông 120.000 ha và lúa Mùa 100.085 ha), do chuyển đổi gần 17.000 ha đất chuyên lúa ở vùng phía Nam quốc lộ 80 từ Rạch Giá đến Ba Hòn - Kiên Lương sang sản xuất theo mô hình lúa - tôm, năng suất 6,34 tấn/ha và tổng sản lượng 4.962 ngàn tấn.
b) Quy hoạch một số ngành hàng khác
- Cơ bản ổn định địa bàn, diện tích sản xuất khóm 7.000-7.100 ha chủ yếu ở 02 huyện Châu Thành và Gò Quao; Dừa khoảng 7.000ha. Đẩy mạnh phát triển sản xuất rau theo hướng hình thành các vùng chuyên canh rau an toàn ứng dụng công nghệ cao tập trung quanh các đô thị, khu du lịch như Châu Thành, Rạch Giá, Phú Quốc, các huyện thuộc vùng Tây sông Hậu, vùng đệm Vườn Quốc gia U Minh Thượng và phát triển rau luân canh trên đất 02 vụ lúa - màu thuộc vùng UMT; đến năm 2020, diện tích rau các loại đạt 18.142ha, sản lượng đạt 423 ngàn tấn; năm 2030 diện tích rau đạt 25.000ha, sản lượng đạt 625 ngàn tấn.
- Phát triển các cây trồng cạn như bắp, đậu nành, mè theo mô hình 02 vụ lúa + 01 vụ màu ở các huyện thuộc vùng TGLX, nhất là địa bàn huyện Giang Thành. Mở rộng diện tích cây ăn quả trên cơ sở cải tạo đất vườn tạp ở Phú Quốc và các huyện thuộc vùng TSH. Phát triển ổn định địa bàn trồng tiêu ở Phú Quốc, Hà Tiên, Kiên Lương và mở rộng diện tích trồng tiêu ở Gò Quao, Giồng Riềng, UMT; đến năm 2020, diện tích tiêu đạt 1.200ha và ổn định đến năm 2030. Thu hẹp diện tích trồng mía còn 5.000ha, chủ yếu ở vùng UMT 3.500ha và TSH khoảng 1.500ha để phục vụ nguyên liệu cho nhà máy đường.
c) Phát triển ngành chăn nuôi
- Quy hoạch phát triển thành ngành sản xuất chiếm tỷ trọng đáng kể trong nông nghiệp. Tập trang chuyển dịch cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng đàn gà trong tổng đàn gia cầm từ 43% năm 2015 lên 50% năm 2020, khoảng 67% vào năm 2030.
- Chú trọng phát triển chăn nuôi heo và bò thịt. Chuyển dần từ chăn nuôi nông hộ sang phát triển chăn nuôi gia trại, trang trại ứng dụng công nghệ cao và thí điểm sản xuất theo hướng tập trung ở huyện Châu Thành, Hòn Đất, Tân Hiệp.
2. Phát triển ngành lâm nghiệp
- Hiện trạng năm 2015, đất rừng có diện tích là 71.118ha. Đến năm 2020, điều chỉnh diện tích đất quy hoạch 03 loại rừng từ 85.726ha theo quy hoạch được duyệt trước đây xuống còn 79,218ha, trong đó đất rừng sản xuất là 10.959ha, đất rừng phòng hộ 30.121ha và đất rừng đặc dụng là 38.138ha. Điều chỉnh độ che phủ của rừng đến năm 2020 từ 14,5% xuống còn trên 12%.
- Tập trung bảo vệ và trồng mới hệ thống rừng phòng hộ ven biển; quản lý, bảo vệ tốt rừng đặc dụng; phát triển rừng sản xuất, nhất là dự án 4.000ha ở vùng đệm Vườn quốc gia U Minh Thượng, đồng thời đẩy mạnh trồng cây phân tán (khoảng 2,5 triệu cây/năm) để tạo nguồn nguyên liệu cung ứng cho nhà máy chế biến gỗ MDF công suất 75.000m3 gỗ/năm.
3. Phát triển ngành thủy sản
a. Khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản
- Quy hoạch phát triển ổn định khai thác thủy sản khoảng 500 ngàn tấn/năm gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Giảm dần số lượng tàu thuyền đánh bắt còn khoảng 10.000 chiếc; tập trung đầu tư nâng công suất để phục vụ chuyển đổi cơ cấu nghề theo hướng đẩy mạnh khai thác xa bờ, hạn chế khai thác ven bờ; đến năm 2020 sản lượng khai thác xa bờ chiếm khoảng 65% và gần bờ còn khoảng 35%.
- Quy hoạch khu bảo tồn nguồn lợi thủy sản: Tăng cường năng lực quản lý khu bảo tồn biển Phú Quốc (tổng diện tích 33.657 ha, diện tích biển 18.700 ha) theo Quyết định số 742/QĐ-TTg , ngày 26/5/2010, nhằm bảo vệ các hệ sinh thái, các loài thủy sinh vật biển có giá trị kinh tế, khoa học; góp phần phát triển kinh tế biển, cải thiện sinh kế của cộng đồng ngư dân các địa phương ven biển. Đánh giá trữ lượng cá cơm vùng biển Phú Quốc để có phương án khai thác hợp lý cũng như bảo vệ và phát triển nguồn lợi này.
b. Nuôi trồng thủy sản
- Nuôi tôm nước lợ: Hình thành vùng chuyên nuôi tôm nước lợ ở vùng TGLX, thuộc địa bàn các huyện Giang Thành, Kiên Lương, thị xã Hà Tiên, một ít ở Hòn Đất và vùng UMT thuộc địa bàn huyện An Biên, An Minh và ở Vĩnh Thuận. Phát triển mạnh mô hình tôm - lúa ở vùng UMT và sau năm 2020 đẩy mạnh phát triển ở khu vực phía Nam QL80 từ Rạch Giá đến Ba Hòn - Kiên Lương. Quy mô diện tích nuôi tôm nước lợ đến năm 2020 khoảng 104.325ha, trong đó: Nuôi thâm canh - bán thâm canh (TC-BTC) 5.000ha, nuôi quảng canh cải tiến (QCCT) 19.325ha và tôm - lúa 80.000ha; đến năm 2030 khoảng 132.300ha, trong đó: Nuôi TC-BTC 15.380ha, nuôi QCCT 16.550ha và tôm - lúa 100.370ha.
- Nuôi các loại thủy sản khác: Nuôi cá kết hợp trong rừng, trong ruộng lúa và nuôi chuyên khoảng 35.000ha. Nuôi nhuyễn thể ở các vùng bãi triều khoảng 16.800ha. Nuôi cua biển kết hợp trong ruộng tôm và nuôi chuyên khoảng 60.000ha. Nuôi cá lồng, vèo đạt khoảng 3.000 lồng ở các khu vực ven biển, ven đảo. Nuôi thủy đặc sản: Quy mô diện tích khoảng 100 ha năm 2020
IV. Định hướng phát triển công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và bảo quản sau thu hoạch
1. Phát triển công nghiệp chế biến theo hướng đầu tư thành ngành sản xuất có công nghệ tiên tiến, hiện đại; tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn trong nông nghiệp,góp phần quan trọng đưa người dân nông thôn thoát nghèo, tiến lên xây dựng nông thôn mới.
2. Hình thành được chuỗi sản xuất từ vùng sản xuất nguyên liệu, chế biến và hệ thống phân phối đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm; mạng lưới các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các vùng nguyên liệu được bố trí một cách phù hợp để làm vệ tinh và có thể tận dụng lợi thế vùng nguyên liệu để phục vụ cho chế biến xuất khẩu.
3. Tập trung phát triển các ngành công nghiệp chế biến sau:
- Chế biến nông sản: Phát triển các ngành công nghiệp chế biến nông sản sau: Chế biến gạo; chế biến rau quả; chế biến tinh bột từ gạo vỡ (tấm); chế biến thịt gia súc, gia cầm đóng hộp.
- Chế biến thủy sản: Tập trung phát triển các ngành sau: Chế biến thủy sản đông lạnh; chế biến thủy sản tinh, thực phẩm ăn liền đóng hộp; chế biến thức ăn chăn nuôi và thủy sản; chế biến khô các loại; chế biến nước mắm.
- Chế biến lâm sản: Tổ chức hoạt động tốt nhà máy chế biến gỗ MDF ở Khu công nghiệp Thạnh Lộc, công suất chế biến 75.000m3 gỗ MDF/năm.
- Đầu tư các kho chứa lương thực, đông lạnh thủy sản: Kêu gọi đầu tư doanh nghiệp đầu tư hệ thống kho chứa lương thực, đông lạnh thủy sản để đến năm 2020 có thể đáp ứng khoảng 80-90% lượng gạo xuất khẩu và 70% thủy sản đông lạnh xuất khẩu của tỉnh.
V. Phát triển ngành nghề nông thôn
1. Mục tiêu phát triển: Khôi phục, mở rộng và phát triển các ngành nghề nông thôn, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với phòng chống ô nhiễm môi trường làng nghề, góp phần tích cực giải quyết việc làm tăng thu nhập cho lao động và chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
2. Định hướng phát triển các ngành nghề: Tập trung phát triển 07 nhóm ngành nghề đã được UBND tỉnh Kiên Giang phê duyệt quy hoạch tại Quyết định số 2461/QĐ-UBND ngày 05/10/2009.
3. Định hướng phát triển làng nghề: Tiếp tục hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, thông tin thị trường cho 42 làng nghề đã được phê duyệt tại Quyết định số 2461/QĐ-UBND ngày 05/10/2009. Hỗ trợ lập hồ sơ để công nhận làng nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống khi đủ tiêu chí.
VI. Phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn
1. Thủy lợi: định hướng phát triển thủy lợi theo từng vùng như sau:
- Vùng U Minh Thượng: Để khắc phục tình trạng thiếu nước ngọt đối với vùng này cần chọn giải pháp tổng hợp là trữ nước mưa và tận dụng tối đa nguồn nước ngọt từ Sông Hậu về thông qua sông Cái Lớn. Hoàn thiện hệ thống đê biển, tiếp tục xây dựng tuyến đê dọc sông Cái Lớn; xây dựng hệ thống các cống ven biển Tây, cống âu thuyền Xẻo Rô và hệ thống cống ngăn mặn ven sông Cái Lớn; Xây dựng bờ bao dọc bờ tây sông Cán Gáo để khép kín vùng nuôi tôm từ Cán gáo ra biển; mở rộng, nạo vét và bổ sung hệ thống kênh trục, cấp 1, cấp 2 để tăng khả năng lấy nước mặn cho vùng nuôi tôm, trữ ngọt cho vùng trồng rừng và vùng lúa, tăng khả năng tiêu thoát úng xổ phèn...
- Vùng Tây sông Hậu: Đây là vùng ngập nông, được kiểm soát lũ cả năm đối với khu vực dân cư và cây ăn trái; với khu sản xuất nông nghiệp mức độ ngập lũ không lớn, trong khi việc cho nước vào đồng ruộng là cần thiết để lấy phù sa và rửa rạch đồng ruộng thì không xây dựng công trình kiểm soát lũ nam Cái Sắn và không xây dựng các dự án ô bao lớn. Tuy nhiên để tiêu lũ sớm phục vụ sản xuất là cần thiết, do đó cần xây dựng các ô bao nội đồng theo hệ thống kênh cấp 2 có diện tích vừa phải để nhân dân chủ động bơm tiêu cuối lũ gieo sạ lúa đông xuân bằng hệ thống máy bơm và trạm bơm nhỏ một cách chủ động. Xây dựng tuyến đê sông Cái Lớn, Cái Bé và dọc kênh trục; xây dựng các cống thoát lũ và ngăn mặn dọc sông Cái Lớn, Cái Bé; nạo vét mở rộng các kênh trục, kênh cấp 1 nối Sông Hậu với sông Cái Lớn, Cái Bé...
- Vùng Tứ giác Long Xuyên: Đây là vùng ngập sâu, chỉ kiểm soát lũ theo thời gian (chống lũ tháng 8). Để phù hợp với diễn biến lũ và quy hoạch chuyển đổi sản xuất của vùng hiện nay cần tăng cường các công trình kiểm soát lũ và hệ thống công trình nội đồng; bổ sung các công trình ven biển để vừa thoát lũ vừa phát triển nuôi trồng thủy sản. Nạo vét mở rộng hệ thống kênh trục để tăng khả năng thoát lũ, dẫn ngọt mùa kiệt và lấy phù sa; nạo vét mở rộng các kênh thoát lũ từ kênh Rạch Giá - Hà Tiên ra biển; tăng khẩu diện thoát lũ qua QL80; tăng cường khả năng thoát lũ qua hệ thống đê biển...
- Phú Quốc và các đảo: Xây dựng hồ chứa nước, hệ thống xử lý nước, bể chứa nước tập trung, các công trình phòng chống thiên tai nhằm cấp nước sinh hoạt, phát triển kinh tế vào bảo vệ công trình trên đảo.
2. Giao thông nông thôn (GTNT): Đến năm 2020, các tuyến đường GTNT được đầu tư cứng hóa đạt tối thiểu 80%. Định hướng sau 2020, 100% đường GTNT được cứng hóa và một số tuyến đạt tiêu chuẩn cấp VI-ĐB, mặt rộng 3,5m, nền rộng 6,5m.
3. Cấp điện: Đảm bảo đưa điện đến tất cả các cụm tuyến dân cư mới theo quy hoạch, từng bước cải tạo mạng điện theo hướng chuyển dần sang 3 pha để phục vụ nhu cầu bơm tưới bằng trạm bơm điện cho vùng TGLX và TSH, sấy nông thủy sản, phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn.
4. Cấp nước: Nâng tỷ lệ dân số khu vực nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh đến năm 2020 đạt từ 99% trở lên. Từ nay đến năm 2020 tiếp tục đầu tư xây dựng 39 trạm cấp nước, riêng ở các đảo tiến hành xây dựng các hồ chứa nước.
5. Vệ sinh - môi trường: Đầu tư xây dựng, đảm bảo tất cả các nhà trẻ, trường học, trạm xá, trụ sở UBND xã và các công trình công cộng ở nông thôn có nhà vệ sinh hợp chuẩn; xây dựng 9 bãi chôn rác thải rắn trên tuyến tỉnh, huyện và 22 bãi chôn chất thải rắn ở tuyến xã.
1. Tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa
- Tổ chức sản xuất theo không gian lãnh thổ: Tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất theo điều kiện của từng vùng sinh thái, hình thành các vùng sản xuất hàng hóa với quy mô lớn gắn với sự tham gia của các doanh nghiệp để liên kết trong sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm.
- Tái cơ cấu tổ chức sản xuất ngành nông nghiệp: Chú trọng phát triển kinh tế trang trại, kinh tế tập thể theo mô hình hợp tác xã kiểu mới; liên kết các hộ nông dân sản xuất thành các câu lạc bộ, tổ hợp tác và hình thành hợp tác xã để có thể liên kết tốt với các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và thu mua sản phẩm đầu ra. Riêng đối với hoạt động khai thác thủy sản cần tổ chức lại sản xuất trên vùng biển ven bờ và vùng lộng; tổ chức lại sản xuất trên vùng biển khơi; tổ chức lại dịch vụ, hậu cần phục vụ khai thác hải sản.
- Tăng cường liên doanh, liên kết và sự tham gia của “04 nhà” và nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng nông nghiệp. Trong đó chỉ đạo, phối hợp để tăng cường liên kết vùng theo Quyết định số 593/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và sự tham gia của “04 nhà” trong từng ngành hàng sản phẩm. Đồng thời, tăng cường liên kết và nâng cấp chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó cần củng cố và phát triển các mối liên kết ngang và liên kết dọc. Không ngừng xây dựng và nâng cấp chuỗi khép kín nhằm xây dựng hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, tiến đến hình thành thương hiệu hàng hóa.
2. Công tác bảo quản, chế biến và giảm tổn thất sau thu hoạch
- Vận dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Chính phủ để không ngừng thu hút doanh nghiệp chế biến đầu tư cơ sở chế biến và hệ thống kho chứa lương thực, kho lạnh thủy sản ở các vùng nguyên liệu gắn với các khu, cụm công nghiệp nhằm kịp thời thu mua, chế biến, bảo quản nông thủy sản cho người dân.
- Đối với lúa gạo mục tiêu là giảm tổn thất sau thu hoạch xuống còn 5-6% vào năm 2020. Tập trung nghiên cứu và chuyển giao vào sản xuất các giống lúa có năng suất, chất lượng và ít bị rơi rụng trong quá trình thu hoạch. Áp dụng cơ giới hóa các khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc, bảo vệ thực vật. Thực hiện thu hoạch lúa bằng máy đạt 80% vào năm 2020. Khuyến khích đầu tư các loại lò sấy, đảm bảo năng lực sấy lúa hè thu ở tỉnh đạt từ 70% trở lên; chú trọng việc đầu tư các hệ thống sấy tiên tiến, gắn với các cơ sở xay xát, dự trữ lương thực lớn.
- Đối với thủy sản, xây dựng các ao nuôi trồng thủy sản đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, hạn chế các rủi ro do tác động của môi trường. Cải tiến công nghệ bảo quản đông cho những nhóm thương phẩm có giá trị cao, công nghệ bảo quản sản phẩm tươi sống bằng phương pháp sục oxy và cho ngủ đông. Xây dựng hệ thống kho ngoại quan, phục vụ cho xuất khẩu.
3. Khoa học và công nghệ
- Tập trung nâng cao năng lực hoạt động và đầu tư đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân sự cho Trung tâm Giống Nông Lâm Ngư nghiệp, Trung tâm Khuyến nông làm đối tác liên kết với các cơ sở nghiên cứu khoa học bên ngoài tỉnh để khảo nghiệm, xây dựng mô hình trình diễn, chuyển giao, hướng dẫn các tiến bộ khoa học cho người dân ứng dụng vào sản xuất.
- Tập trung nghiên cứu, chuyển giao các giống mới phù hợp với điều kiện sinh thái từng tiểu vùng, đồng thời có chính sách hỗ trợ giá giống xác nhận để kịp thời chuyển giao đến người sản xuất.
- Xây dựng, trình diễn và chuyển giao các mô hình nông nghiệp hiệu quả, tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm, thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thủy sản theo hướng tạo giá trị gia tăng cao và phát triển bền vững.
- Ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Điều chỉnh lịch thời vụ thích hợp với điều kiện từng vùng thông qua sử dụng các giống có thời gian sinh trưởng phù hợp. Khuyến khích ứng dụng quy trình canh tác an toàn sinh học, quy trình sản xuất sản phẩm hữu cơ, đẩy mạnh phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
4. Đầu tư đồng bộ hạ tầng nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới
- Hoàn thiện các quy hoạch và các dự án đầu tư các vùng sản xuất cây con tập trung như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu, vùng sản xuất lúa - màu, vùng sản xuất lúa - tôm, vùng chuyên canh cây ăn quả, vùng sản xuất rau, các vùng sản xuất mía nguyên liệu tập trung, vùng nuôi tôm công nghiệp và đặc biệt vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung.
- Ưu tiên đầu tư đồng bộ hạ tầng các vùng sản xuất cây, con tập trung, bao gồm: Hệ thống thủy lợi, trạm bơm điện phục vụ tưới tiêu, hệ thống điện, hệ thống giao thông phục vụ máy móc cơ giới lưu thông và vận chuyển sản phẩm.
- Đầu tư hệ thống kho chứa, lò sấy, cơ sở chế biến công nghiệp hiện đại gắn với vùng sản xuất cây, con tập trung.
- Lồng ghép các chương trình trong tổ chức đầu tư xây dựng hạ tầng nông nghiệp, nông thôn; nhất là tăng cường đầu tư thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn theo lộ trình đã xác định trong phần định hướng xây dựng nông thôn mới. Ưu tiên nguồn vốn đầu tư hạ tầng vào các địa phương dự kiến sẽ hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trước, sau đó mới đến các địa phương khác, tránh đầu tư dàn trải, gây lãng phí trong khi nguồn lực bị hạn chế.
5. Xúc tiến thương mại mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản, xây dựng thương hiệu, quản lý chất lượng sản phẩm
- Tăng cường liên kết, liên doanh giữa người sản xuất với các doanh nghiệp thu mua chế biến, tiêu thụ nông sản. Tăng cường xúc tiến thương mại, tìm kiếm và mở mang thị trường. Hỗ trợ xây dựng và phát triển thương hiệu, chỉ dẫn địa lý các sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực như lúa gạo, thủy hải sản.
- Gắn nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành và tiêu chuẩn hoá các sản phẩm xuất khẩu theo tiêu chuẩn Global GAP và Viet GAP. Thực hiện chế độ thưởng xuất khẩu, khuyến khích phát triển mạng lưới HTX làm dịch vụ tiêu thụ sản phẩm, mở rộng liên kết, liên doanh. Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp bên ngoài vào kinh doanh hàng xuất khẩu. Đẩy mạnh công tác dự báo thông tin thị trường. Tăng cường vai trò quản lý Nhà nước đối với thị trường và nâng cao trách nhiệm tiêu thụ nông sản hàng hóa của các doanh nghiệp. Đầu tư xây dựng các chợ nông sản và mạng lưới chợ nông thôn...
6. Đào tạo nguồn nhân lực
- Tiếp tục thực hiện công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao; phát triển nhanh đội ngũ cán bộ quản lý, chuyên môn, kỹ thuật; hình thành đội ngũ chuyên gia nông nghiệp nghiên cứu thị trường tại các đơn vị chuyên môn cấp tỉnh, cấp huyện.
- Tăng cường phối hợp, hợp tác với các cơ quan, tổ chức quốc tế trong việc đào tạo, chuyển giao khoa học, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực.
- Tập trung thực hiện có hiệu quả, thiết thực chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tạo nguồn nhân lực phục vụ cho tái cơ cấu nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới, trong đó ưu tiên đối tượng đào tạo là nông dân, đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại. Đồng thời, đào tạo nghề mới để chuyển đổi nghề ngay trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu lao động sang công nghiệp, dịch vụ. Có chính sách khuyến khích doanh nghiệp thực hiện đào tạo nghề và sử dụng lao động sau đào tạo.
7. Về vốn đầu tư
- Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho phát triển nông lâm nghiệp và thủy sản trong giai đoạn 2015-2020 khoảng 77.510 tỷ đồng, trong đó cho phát triển nông nghiệp khoảng 33.000 tỷ đồng, lâm nghiệp khoảng 510 tỷ đồng và thủy sản 44.000 tỷ đồng.
- Giai đoạn 2021-2030: Khoảng 144.500 tỷ đồng, trong đó cho phát triển nông nghiệp khoảng 58.000 tỷ đồng, lâm nghiệp khoảng 500 tỷ đồng và thủy sản khoảng 86.000 tỷ đồng.
+ Vốn ngân sách: Tập trung cho xây dựng cánh đồng lớn, xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, khuyến nông, khuyến ngư, thực hiện các chính sách hỗ trợ, xây dựng các mô hình trình diễn, nghiên cứu ứng dụng khoa học kỹ thuật, thực hiện các chương trình và dự án ưu tiên. Giai đoạn 2015-2020, dự kiến khoảng 11.783 tỷ đồng, chiếm khoảng 15,2%; giai đoạn 2021-2030 khoảng 21.828 tỷ đồng, chiếm 15,1%.
+ Vốn các thành phần kinh tế khác: Bao gồm vốn của dân, vốn doanh nghiệp, vốn tín dụng và vốn huy động từ các nguồn khác chiếm cơ cấu lớn trong tổng nhu cầu vốn đầu tư, chiếm khoảng 84,8%, tương đương 65.727 tỷ đồng giai đoạn 2015-2020 và khoảng 84,9%, tương đương 122.672 tỷ đồng giai đoạn 2021-2030.
Riêng nguồn vốn đầu tư cho xây dựng thủy lợi, giao thông nông thôn, điện, xây dựng nông thôn mới, công nghiệp chế biến...lồng ghép thực hiện theo các chương trình, dự án cụ thể.
8. Rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống cơ chế chính sách ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp - nông thôn
- Tiếp tục rà soát, điều chỉnh, bổ sung và thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hiện có nhằm huy động mọi nguồn lực, thành phần kinh tế đầu tư phát triển vào những ngành, lĩnh vực có tiềm năng, lợi thế như nông nghiệp, thủy sản, kinh tế biển, công nghiệp chế biến... Tập trung nghiên cứu áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi về giá cho thuê đất, thuế, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, phương thức đổi đất lấy hạ tầng để khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Có chính sách hỗ trợ bằng nguồn vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
- Bổ sung chính sách hỗ trợ thỏa đáng cho việc đưa giống, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới và ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp; nhất là các giống chất lượng cao, công nghệ cao tạo bước đột phá cho phát triển sản phẩm nông nghiệp hàng hóa chủ lực của tỉnh.
- Xây dựng chính sách khuyến khích, hỗ trợ các hộ sản xuất, kinh doanh cá thể phát triển thành hợp tác xã, doanh nghiệp.
9. Điều chỉnh, bổ sung và tăng cường quản lý nhà nước về quy hoạch
- Điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch thuộc lĩnh vực nông nghiệp:
+ Điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh Kiên Giang.
+ Điều chỉnh quy hoạch tổng thể nuôi trồng thủy sản tỉnh Kiên Giang.
+ Điều chỉnh quy hoạch vùng nguyên liệu mía tỉnh Kiên Giang.
+ Quy hoạch nông nghiệp - nông thôn các huyện đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
+ Quy hoạch vùng lúa chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
+ Quy hoạch thủy lợi tỉnh Kiên Giang.
+ Quy hoạch phát triển chăn nuôi với 3 đối tượng chính là heo, bò, gia cầm; xác định quy mô và các khu vực chăn nuôi tập trung theo phương thức công nghiệp và bán công nghiệp.
- Phát huy vai trò các cấp, các ngành trong tổ chức phát triển nông nghiệp - nông thôn.
10. Về môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng
- Hạn chế sử dụng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu bằng cách sử dụng rộng rãi biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM), phân vi sinh, khuyến khích sử dụng các loại thuốc có nguồn gốc hữu cơ được phép lưu hành, phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, sản xuất theo phương pháp và công nghệ sạch.
- Đẩy mạnh phát triển chương trình cánh đồng lớn; phát triển nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ cao để hạn chế các tác hại đến môi trường. Tập trung chuyển dịch từ chăn nuôi nông hộ sang chăn nuôi gia trại, trang trại ứng dụng công nghệ cao trong xử lý chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường.
- Đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, di dời các cơ sở công nghiệp xay xát, chế biến nông thủy sản vào khu, cụm công nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư.
- Đối với ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng cần thực hiện đồng bộ nhóm giải pháp phi công trình và giải pháp công trình cụ thể.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung quy hoạch, định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh để theo dõi, chỉ đạo.
2. Các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương và các sở, ngành có liên quan căn cứ chức năng nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của sở, ngành có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ có liên quan trong quy hoạch.
3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và phạm vi quản lý nhà nước của địa phương có trách nhiệm tổ chức thức hiện hiệu quả các nội dung, nhiệm vụ liên quan trong quy hoạch.
4. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu, đề xuất cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| KT. CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 2139/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án Phát triển khoa học, công nghệ nông nghiệp nông thôn tỉnh Sơn La giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2025
- 2Quyết định 816/QĐ-UBND năm 2017 về Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020
- 3Quyết định 2337/QĐ-UBND năm 2017 về bộ tiêu chí thôn, bản Nông thôn mới áp dụng trên địa bàn các xã miền núi tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2017-2020
- 4Quyết định 879/QĐ-UBND năm 2017 Kế hoạch thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 5Quyết định 17/2017/QĐ-UBND Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030
- 1Nghị định 92/2006/NĐ-CP về việc lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội
- 2Quyết định 742/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Quy hoạch hệ thống khu bảo tồn biển Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 1255/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 124/QĐ-TTg năm 2012 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển sản xuất ngành nông nghiệp đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6Quyết định 2139/QĐ-UBND năm 2013 phê duyệt Đề án Phát triển khoa học, công nghệ nông nghiệp nông thôn tỉnh Sơn La giai đoạn 2014 - 2020 và định hướng đến năm 2025
- 7Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 8Quyết định 593/QĐ-TTg năm 2016 Quy chế thí điểm liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng Đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn 2016 - 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Nghị quyết 61/2016/NQ-HĐND điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 10Quyết định 816/QĐ-UBND năm 2017 về Bộ tiêu chí xã nông thôn mới tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2016-2020
- 11Quyết định 2337/QĐ-UBND năm 2017 về bộ tiêu chí thôn, bản Nông thôn mới áp dụng trên địa bàn các xã miền núi tỉnh Nghệ An, giai đoạn 2017-2020
- 12Quyết định 879/QĐ-UBND năm 2017 Kế hoạch thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 13Quyết định 17/2017/QĐ-UBND Đề án Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Ninh Thuận gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu đến năm 2020 và tầm nhìn đến 2030
Quyết định 41/QĐ-UBND năm 2017 phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch phát triển nông nghiệp - nông thôn gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- Số hiệu: 41/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 09/01/2017
- Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
- Người ký: Mai Anh Nhịn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 09/01/2017
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra