ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2016/QĐ-UBND | Lào Cai, ngày 15 tháng 7 năm 2016 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 166/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai năm 2013;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 287/TTr-STNMT ngày 24 tháng 6 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định về việc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
VỀ VIỆC CƯỠNG CHẾ THI HÀNH QUYẾT ĐỊNH GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI, QUYẾT ĐỊNH CÔNG NHẬN HÒA GIẢI THÀNH VỀ TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÀO CAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/2016/QĐ-UBND ngày 15 tháng 7 năm 2016 của UBND tỉnh Lào Cai)
Quy định này quy định về nguyên tắc, điều kiện, thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan đến việc cưỡng chế trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
1. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoặc đại diện hợp pháp của người được giao quyền quản lý, sử dụng đất đai không tự nguyện chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai; không tự nguyện chấp hành quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai.
2. Người có thẩm quyền, cơ quan chịu trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế và các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân liên quan đến việc cưỡng chế.
Trong quy định này, một số thuật ngữ được hiểu như sau:
1. Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai: Là quyết định hành chính do người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước ban hành theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định để giải quyết các tranh chấp về đất đai.
2. Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai có hiệu lực pháp luật trong các trường hợp sau:
a) Hết thời hạn do pháp luật quy định hoặc sau thời hạn quy định trong quyết định giải quyết, quyết định công nhận hòa giải thành mà một trong các bên tranh chấp đất đai không tiếp tục khiếu nại hoặc khởi kiện đến cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền.
b) Được cấp có thẩm quyền giải quyết lần cuối đã giải quyết theo quy định của pháp luật.
c) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai bị khởi kiện ra tòa án nhưng sau đó cơ quan tòa án trả lại đơn khởi kiện hoặc có quyết định đình chỉ vụ án.
3. Người phải chấp hành: Là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai.
4. Người bị cưỡng chế: Là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải chấp hành quyết định cưỡng chế.
5. Người bị tranh chấp về đất đai: Là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hưởng quyền lợi sau khi có quyết định giải quyết tranh chấp đất đai; quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai (đối lập với người phải chấp hành, người tranh chấp về đất đai hoặc người bị cưỡng chế).
6. Ủy ban nhân cấp huyện là Ủy ban nhân dân (UBND) huyện, UBND thành phố của tỉnh Lào Cai.
7. Ủy ban nhân dân cấp xã là UBND xã, UBND phường, UBND thị trấn của tỉnh Lào Cai.
Điều 4. Nguyên tắc, điều kiện thực hiện việc cưỡng chế
1. Nguyên tắc cưỡng chế
a) Việc cưỡng chế phải tiến hành công khai, dân chủ, khách quan, bảo đảm trật tự, an toàn, đúng quy định của pháp luật;
2. Điều kiện cưỡng chế
a) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai hoặc quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai đã có hiệu lực thi hành theo quy định của pháp luật.
b) Người phải chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai đã quá thời hạn mà không tự nguyện chấp hành (thời hạn được xác định trong các quyết định giải quyết, quyết định công nhận hòa giải thành) sau khi đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền vận động, thuyết phục hoặc đã thông báo bằng văn bản yêu cầu thực hiện trong quá trình tổ chức thi hành.
c) Có đơn của người bị tranh chấp về đất đai đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai, cơ quan quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai xem xét giải quyết.
d) Quyết định cưỡng chế của UBND cấp huyện có hiệu lực; quyết định cưỡng chế đã được giao cho người bị cưỡng chế hoặc được niêm yết, thông báo công khai theo quy định tại Điều 9 của Quy định này.
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối không nhận quyết định cưỡng chế hoặc vắng mặt khi giao quyết định cưỡng chế thì UBND cấp xã phải lập biên bản có sự chứng kiến của đại diện tổ dân phố/thôn, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (MTTQVN) cấp xã.
Điều 5. Thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế
Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai trên địa bàn quản lý hành chính của địa phương mình.
Thời hạn cưỡng chế không quá 45 ngày làm việc kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế.
TRÌNH TỰ, THỦ TỤC THỰC HIỆN CƯỠNG CHẾ VÀ XỬ LÝ SAU CƯỠNG CHẾ
Điều 7. Công tác tham mưu trước khi thực hiện cưỡng chế
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đơn của bên bị tranh chấp về đất đai đề nghị cấp có thẩm quyền tiếp tục giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật được công bố thì UBND cấp huyện giao UBND cấp xã chủ trì, phối hợp với Ủy ban MTTQVN cấp xã, tổ dân phố hoặc trưởng thôn nơi có đất bị tranh chấp gặp gỡ, làm việc với các bên tranh chấp, người có quyền và nghĩa vụ liên quan (nếu có) để thu thập thông tin, vận động, giải thích, thuyết phục yêu cầu các bên tự nguyện chấp hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai. Quá trình vận động thuyết phục này được lập thành biên bản và có đầy đủ chữ ký của các thành phần tham gia.
Trường hợp các bên tranh chấp không chấp hành quyết định giải quyết của cơ quan có thẩm quyền và theo yêu cầu của bên có quyền theo quyết định có hiệu lực pháp luật, trong thời gian 05 ngày nêu trên UBND cấp xã nơi xảy ra tranh chấp đất đai phải báo cáo với UBND cấp huyện về kết quả vận động, thuyết phục đối tượng để UBND cấp huyện xem xét ban hành quyết định cưỡng chế.
2. Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo của UBND cấp xã quy định tại Khoản 1 Điều này, Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện rà soát hồ sơ yêu cầu cưỡng chế; có tờ trình, dự thảo quyết định cưỡng chế, quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế trình Chủ tịch UBND cấp huyện ký ban hành.
Điều 8. Ban hành quyết định cưỡng chế và thành lập Ban thực hiện cưỡng chế
1. Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định cưỡng chế (theo Mẫu phụ lục số 1) bao gồm các nội dung chính sau đây:
a) Căn cứ ban hành quyết định cưỡng chế; nội dung cưỡng chế; thời gian, địa điểm thực hiện cưỡng chế; trách nhiệm tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế;
b) Đối tượng bị cưỡng chế;
c) Cơ quan thường trực Ban thực hiện cưỡng chế là: Phòng Tài nguyên và Môi trường;
d) Cơ quan có trách nhiệm tham gia, phối hợp.
2. Chủ tịch UBND cấp huyện ban hành quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế. Việc thành lập Ban thực hiện cưỡng chế được thể hiện bằng quyết định riêng (theo Mẫu phụ lục số 2).
Thành phần Ban thực hiện cưỡng chế gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp huyện là Trưởng ban; Trưởng hoặc phó Phòng Tài nguyên và Môi trường (cơ quan thường trực Ban thực hiện cưỡng chế) là Phó Trưởng ban; đại diện cơ quan của UBND cấp huyện: Phòng Kế hoạch - Tài chính; Thanh tra, Phòng Tư pháp, đại diện Ủy ban MTTQVN cấp xã, Chủ tịch UBND cấp xã nơi thực hiện cưỡng chế và một số thành viên khác có liên quan do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định.
Điều 9. Gửi, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế
1. Sau khi quyết định cưỡng chế được ban hành, Ban thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm gửi, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế.
2. Gửi quyết định cưỡng chế:
a) Giao trực tiếp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân bị cưỡng chế
Trường hợp người bị cưỡng chế vắng mặt tại thời điểm giao quyết định cưỡng chế, đại diện Ban thực hiện cưỡng chế giao lại cho UBND cấp xã có trách nhiệm phối hợp Ủy ban MTTQVN cấp xã, đại diện thôn, khu dân cư hoặc đại diện cơ quan, tổ chức nơi người bị cưỡng chế cư trú, công tác tiến hành giao quyết định cưỡng chế cho người bị cưỡng chế. Việc giao quyết định cưỡng chế phải được lập thành biên bản.
Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế thì đại diện Ban thực hiện cưỡng chế hoặc UBND cấp xã lập biên bản về việc từ chối nhận quyết định cưỡng chế có xác nhận của đại diện thôn, khu dân cư hoặc ít nhất 02 người chứng kiến.
b) Trường hợp người bị cưỡng chế cư trú, công tác ngoài địa bàn tỉnh Lào Cai nhưng có địa chỉ rõ ràng, quyết định cưỡng chế được gửi qua dịch vụ chuyển phát có bảo đảm. Nếu sau 02 lần gửi liên tiếp, quyết định cưỡng chế vẫn bị từ chối hoặc trả lại thì coi như quyết định cưỡng chế đã được gửi cho người bị cưỡng chế.
c) Trường hợp không thể xác định được địa chỉ cụ thể của người bị cưỡng chế, Ban thực hiện cưỡng chế phải thông báo về việc cưỡng chế trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh 02 lần liên tiếp trước khi thực hiện cưỡng chế ít nhất là 10 ngày làm việc.
d) Gửi cho các bên liên quan trong tranh chấp đất đai, UBND cấp xã, Ủy ban MTTQVN cấp xã nơi thực hiện việc cưỡng chế và các tổ chức, cá nhân liên quan.
3. Niêm yết quyết định cưỡng chế:
Ban thực hiện cưỡng chế phối hợp với UBND cấp xã nơi thực hiện cưỡng chế tổ chức niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở UBND cấp xã và Nhà văn hóa hoặc địa điểm sinh hoạt công cộng của thôn, khu dân cư nơi thực hiện việc cưỡng chế trong vòng 10 ngày liên tục.
Việc niêm yết và kết thúc niêm yết phải được lập thành văn bản có ký xác nhận của UBND cấp xã, Ủy ban MTTQVN cấp xã và đại diện tổ dân phố/thôn, khu dân cư nơi thực hiện niêm yết.
1. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thành lập, Ban thực hiện cưỡng chế tổ chức họp phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên; thu thập thông tin, khảo sát hiện trạng nơi tiến hành cưỡng chế; chủ trì xây dựng phương án cưỡng chế và dự toán kinh phí trình người có thẩm quyền ra quyết định cưỡng chế phê duyệt.
2. Nội dung của phương án cưỡng chế gồm:
- Mục đích, yêu cầu;
- Đối tượng cưỡng chế;
- Nội dung cưỡng chế;
- Thời gian cưỡng chế;
- Địa điểm cưỡng chế;
- Phương pháp cưỡng chế;
- Lực lượng cưỡng chế; công cụ, phương tiện hỗ trợ cưỡng chế;
- Kinh phí cưỡng chế;
- Tổ chức thực hiện cưỡng chế;
- Xử lý sau cưỡng chế...
3. Chậm nhất 02 ngày kể từ ngày phương án cưỡng chế được phê duyệt, Ban thực hiện cưỡng chế tiến hành họp để triển khai tổ chức thực hiện cưỡng chế.
Điều 11. Thông báo thời gian cưỡng chế, đối thoại với người bị cưỡng chế
1. Trước khi thực hiện cưỡng chế ít nhất 05 ngày làm việc, Ban thực hiện cưỡng chế gửi văn bản thông báo thời gian cưỡng chế đến người bị cưỡng chế theo quy định.
Trước khi thực hiện cưỡng chế, nếu người bị cưỡng chế có mặt tại địa phương hoặc đề nghị làm việc với Ban thực hiện cưỡng chế thì Ban thực hiện cưỡng chế phối hợp UBND cấp xã, đại diện Ủy ban MTTQVN cấp xã nơi thực hiện cưỡng chế tiếp tục đối thoại, vận động, thuyết phục với người bị cưỡng chế để phối hợp thực hiện. Nếu người bị cưỡng chế chấp hành sự phối hợp thì lập biên bản ghi nhận sự chấp hành. Chậm nhất sau 05 ngày làm việc, người bị cưỡng chế phải bàn giao ranh giới, mốc giới hoặc bàn giao phần diện tích đất tranh chấp theo quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai.
Trường hợp người bị cưỡng chế vẫn không chấp hành thì lập biên bản và tiến hành cưỡng chế theo quy định này.
2. Trường hợp người bị cưỡng chế không có mặt tại địa phương thì Ban thực hiện cưỡng chế phối hợp UBND cấp xã nơi thực hiện cưỡng chế tổ chức niêm yết công khai văn bản thông báo thời gian cưỡng chế tại trụ sở UBND cấp xã và Nhà văn hóa hoặc địa điểm sinh hoạt công cộng của thôn, khu dân cư nơi thực hiện việc cưỡng chế trước khi thực hiện cưỡng chế. Việc niêm yết phải được lập thành biên bản có ký xác nhận của UBND cấp xã, đại diện Ủy ban MTTQVN cấp xã, Tổ trưởng dân phố/Trưởng thôn đồng thời thông báo 01 lần duy nhất trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh trước khi thực hiện cưỡng chế ít nhất 02 ngày làm việc.
1. Ban thực hiện cưỡng chế thực hiện việc cưỡng chế với sự tham gia chứng kiến của đại diện Ủy ban MTTQVN cấp xã, đại diện tổ dân phố/thôn, khu dân cư nơi tiến hành cưỡng chế.
Trước khi bắt đầu việc cưỡng chế, người chủ trì cưỡng chế đọc, công bố công khai nội dung quyết định cưỡng chế, biện pháp cưỡng chế, thời hạn thực hiện việc cưỡng chế; nêu rõ quyền và nghĩa vụ của người bị cưỡng chế, người thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Trường hợp người bị cưỡng chế vắng mặt tại buổi cưỡng chế, Ban thực hiện cưỡng chế vẫn tiến hành cưỡng chế sau khi đã công bố quyết định cưỡng chế và phải lập biên bản với sự chứng kiến ký xác nhận của đại diện Ủy ban MTTQVN cấp xã, đại diện tổ dân phố/thôn, khu dân cư nơi tiến hành cưỡng chế.
2. Ban thực hiện cưỡng chế buộc người bị cưỡng chế và những người có liên quan ra khỏi khu đất cưỡng chế, di chuyển tài sản (nếu có) ra khỏi khu đất cưỡng chế. Nếu người bị cưỡng chế không tự di chuyển tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản xác định rõ số lượng, chủng loại, tình trạng tài sản có xác nhận của đại diện UBND cấp xã, đại diện thôn, khu dân cư và chữ ký hoặc điểm chỉ của người có tài sản. Trường hợp người có tài sản từ chối ký biên bản thì Ban thực hiện cưỡng chế lập biên bản có chữ ký xác nhận của đại diện của UBND cấp xã, đại diện thôn, khu dân cư; Thực hiện việc di chuyển tài sản ra khỏi khu vực cưỡng chế và bàn giao tài sản đó cho UBND cấp xã nơi cưỡng chế quản lý theo quy định, đồng thời thông báo cho người có tài sản biết để nhận lại tài sản. Chi phí liên quan đến việc bảo quản tài sản do người bị cưỡng chế chi trả. Trường hợp người bị cưỡng chế không nhận lại tài sản thì xử lý theo Điều 14 của Quy định này.
3. Xác định ranh giới, mốc giới trên thực địa theo quyết định giải quyết tranh chấp đất đai; bàn giao quyền sử dụng phần diện tích đất tranh chấp cho bên được chỉ định trong quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
4. Lập biên bản ghi lại toàn bộ diễn biến việc cưỡng chế, các tình huống phát sinh (nếu có). Biên bản phải có chữ ký của đại diện các lực lượng trực tiếp cưỡng chế, người bị cưỡng chế, người chứng kiến; trường hợp người bị cưỡng chế từ chối ký biên bản thì người lập biên bản ghi rõ việc này và ký xác nhận.
5. Trong thời gian 03 ngày, kể từ ngày kết thúc cưỡng chế ngoài thực địa, Ban thực hiện cưỡng chế họp đánh giá kết quả thực hiện cưỡng chế và báo cáo kết quả cưỡng chế đến người ra quyết định cưỡng chế. Báo cáo cưỡng chế gồm có các nội dung như: quá trình thực hiện cưỡng chế, kết quả cưỡng chế; nêu thuận lợi, khó khăn; bài học kinh nghiệm và kiến nghị (nếu có).
Điều 13. Kết thúc việc cưỡng chế
Kết thúc việc cưỡng chế, Chủ tịch UBND cấp huyện giao Phòng Tài nguyên và Môi trường thực hiện các công việc sau đây:
1. Lưu giữ hồ sơ cưỡng chế gồm:
a) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai;
b) Báo cáo kết quả xác minh các điều kiện bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế;
c) Quyết định cưỡng chế, quyết định thành lập Ban thực hiện cưỡng chế;
d) Phương án cưỡng chế được phê duyệt;
đ) Các biên bản giao, gửi, công khai, niêm yết quyết định cưỡng chế, thông báo thời gian cưỡng chế;
e) Các biên bản đối thoại, vận động, thuyết phục người phải chấp hành, người bị cưỡng chế;
g) Biên bản cưỡng chế hoặc biên bản ghi nhận chấp hành của người bị cưỡng chế;
h) Các tài liệu khác có liên quan.
2. Trường hợp người bị cưỡng chế vắng mặt thì chậm nhất sau 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc cưỡng chế, Ban thực hiện cưỡng chế thông báo bằng văn bản kết quả cưỡng chế trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh.
Điều 14. Xử lý tài sản sau cưỡng chế
1. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản thì Ban thực hiện cưỡng chế bàn giao tài sản theo biên bản đã lập khi cưỡng chế cho UBND cấp xã trông giữ, bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật.
UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo địa điểm, thời gian để tổ chức, cá nhân có tài sản nhận lại tài sản. Việc nhận lại tài sản phải được lập thành biên bản, có chữ ký của các bên có liên quan.
Quá thời hạn 06 tháng kể từ ngày thông báo người có tài sản không đến nhận tài sản, UBND cấp xã tiếp tục gửi thông báo lần 2, trong thời hạn không quá 01 tháng mà người có tài sản vẫn không đến nhận thì UBND cấp xã báo cáo UBND cấp huyện thành lập Hội đồng bán đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật, tiền thu được nộp vào ngân sách nhà nước cấp huyện nơi thực hiện cưỡng chế.
2. Đối với tài sản là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng; hàng tươi, sống, hàng hóa dễ bị ôi thiu, khó bảo quản; thực phẩm đã qua chế biến; vật phẩm khác nếu không xử lý ngay sẽ bị hư hỏng thì Ban thực hiện cưỡng chế tiến hành lập biên bản và tổ chức tiêu hủy hoặc bán đấu giá ngay theo quy định. Tiền thu được phải gửi vào tài khoản tạm gửi mở tại Kho bạc nhà nước cấp huyện nơi thực hiện cưỡng chế.
3. Đối với tài sản mà người bị cưỡng chế không được phép quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật thì chuyển giao cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để quản lý, xử lý theo quy định của pháp luật.
4. Chi phí cưỡng chế, trông giữ, bảo quản tài sản bị cưỡng chế do người bị cưỡng chế chịu trách nhiệm thanh toán hoặc được khấu trừ từ số tiền đấu giá tài sản của người bị cưỡng chế (nếu có).
1. Đối tượng bị cưỡng chế có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện việc thực hiện cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Chi phí cưỡng chế và xử lý kinh phí sau cưỡng chế
1. Chi phí thực hiện cưỡng chế bao gồm:
a) Chi phí thông báo cưỡng chế trên Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, chuyển phát có đảm bảo gửi cho đối tượng bị cưỡng chế…;
b) Chi phí huy động người thực hiện quyết định cưỡng chế;
c) Chi phí thù lao cho các thành viên định giá để tổ chức đấu giá, chi phí tổ chức bán đấu giá tài sản;
d) Chi phí thuê phương tiện tháo dỡ, chuyên chở đồ vật, tài sản;
đ) Chi phí thuê giữ hoặc bảo quản tài sản đã kê biên;
e) Chi phí thực tế khác (nếu có).
TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN LIÊN QUAN
Điều 17. Trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp huyện tổ chức thực hiện cưỡng chế
1. Chỉ đạo tổ chức thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai có hiệu lực, tổ chức thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai khi người phải chấp hành không tự nguyện thực hiện việc chấp hành các quyết định đó.
2. Tiếp nhận, giải quyết các kiến nghị, phản ánh, khiếu nại liên quan đến việc cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
Điều 18. Trách nhiệm của Ban thực hiện cưỡng chế
1. Xây dựng phương án cưỡng chế trình Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt.
2. Chịu trách nhiệm tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
3. Báo cáo kết quả thực hiện cưỡng chế.
4. Hoàn thiện hồ sơ sau cưỡng chế chuyển giao cho Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện lưu trữ theo quy định.
1. Cử cán bộ tham gia xác minh các điều kiện bảo đảm thi hành quyết định cưỡng chế; chuẩn bị đầy đủ hồ sơ về giải quyết tranh chấp đất đai, ranh giới, mốc giới, diện tích tranh chấp theo quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai.
2. Đảm bảo các quyết định giải quyết tranh chấp đất đai đã được gửi đến các bên trong quan hệ tranh chấp đất đai, các tổ chức, cá nhân liên quan hoặc đã được niêm yết công khai theo quy định.
3. Chủ trì, phối hợp UBND cấp xã, cơ quan, tổ chức liên quan bố trí nơi ở tạm thời cho người bị cưỡng chế trong trường hợp phải di chuyển chỗ ở khi thực hiện cưỡng chế mà không còn chỗ ở nào khác; bố trí nơi cất giữ tài sản bị cưỡng chế (nếu có)
4. Tiếp nhận kết quả cưỡng chế, hoàn thiện các thủ tục về đất đai sau cưỡng chế theo quy định của pháp luật đất đai.
Điều 20. Trách nhiệm của Phòng Kế hoạch - Tài chính cấp huyện
1. Thẩm định các khoản chi, mức chi cụ thể cho các hoạt động liên quan đến việc cưỡng chế do Ban thực hiện cưỡng chế lập dự toán kinh phí trong xây dựng phương án thực hiện việc cưỡng chế.
2. Tạm ứng kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp huyện để bố trí đầy đủ, kịp thời các khoản chi phục vụ công tác tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế.
3. Chủ trì tham mưu cho UBND cấp huyện thành lập Hội đồng xử lý tài sản bị cưỡng chế và tổ chức thực hiện, thu nộp tiền vào ngân sách nhà nước cấp huyện.
Điều 21. Trách nhiệm của Công an cấp huyện
Xây dựng kế hoạch bảo đảm an ninh, trật tự trong quá trình cưỡng chế; thống nhất với Ban thực hiện cưỡng chế, phân công lực lượng, phương tiện tham gia cưỡng chế; kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, bảo đảm an toàn cho người, tài sản của nhà nước và của công dân trong quá trình tổ chức thực hiện cưỡng chế.
Điều 22. Trách nhiệm của UBND cấp xã nơi thực hiện cưỡng chế
1. Phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan gửi, niêm yết công khai quyết định cưỡng chế, văn bản thông báo thời gian cưỡng chế; thông báo trên các phương tiện truyền thông tại địa phương về việc cưỡng chế; phối hợp cơ quan liên quan bố trí nơi ở tạm, hỗ trợ tìm nơi ở mới cho người bị cưỡng chế trong trường hợp phải di chuyển chỗ ở khi thực hiện cưỡng chế mà không còn chỗ ở nào khác.
2. Cử lực lượng tham gia công tác cưỡng chế; phối hợp di chuyển người và tài sản (nếu có) ra khỏi nơi cưỡng chế; bảo quản và lưu giữ tài sản của người bị cưỡng chế trong trường hợp không có người nhận tài sản hoặc người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản.
Điều 23. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Ban thực hiện cưỡng chế khi có yêu cầu và chịu trách nhiệm với công việc tham gia theo quy định của pháp luật.
Điều 24. Trách nhiệm của người bị cưỡng chế
1. Tuân thủ và thực hiện nghiêm quyết định cưỡng chế, yêu cầu của cơ quan nhà nước, người có thẩm quyền.
Điều 25. Trách nhiệm của Sở Tài Nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố trong việc hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra thực hiện quy định này; định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) theo quy định của pháp luật.
Điều 26. Điều khoản chuyển tiếp
Các quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai ban hành trước ngày quy định này có hiệu lực nếu không tự nguyện chấp hành mà chưa tổ chức cưỡng chế thì thực hiện cưỡng chế theo Quy định này.
Chủ tịch UBND cấp huyện có trách nhiệm phổ biến và thực hiện nội dung của quy định này; trường hợp pháp luật có quy định khác với quy định này thì áp dụng theo văn bản quy phạm pháp luật đó.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì UBND cấp huyện kịp thời phản ánh đến Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh điều chỉnh cho phù hợp./.
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN/TP… | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:............ | …, ngày… tháng… năm….. |
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN/TP…
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Quyết định số …… ngày … tháng … năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về việc ban hành quy định cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Lào Cai;
Căn cứ Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai/quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai số…./QĐ-UBND ngày….tháng…năm... của Chủ tịch UBND.......
Xét đề nghị của Phòng Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số.............. ngày … tháng … năm……..,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Cưỡng chế thi hành Quyết định số.../QĐ-UBND ngày... tháng... năm.......... của Chủ tịch UBND tỉnh/Chủ tịch UBND cấp huyện về việc giải quyết tranh chấp đất đai hoặc Quyết định số.../QĐ-UBND ngày... tháng... năm ....... của Chủ tịch UBND tỉnh/Chủ tịch UBND cấp huyện về việc công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai đối với:
Ông/bà/tổ chức:..........................................................................
Ngày... tháng... năm sinh.........................................................
Quốc tịch:...................................................................................
Nghề nghiệp/lĩnh vực hoạt động:...............................................
Địa chỉ:...................................................................................
Giấy CMND/Quyết định thành lập hoặc ĐKKD số:..............
Cấp ngày:............................................................................
Nơi cấp:...................................................................................
Lý do áp dụng biện pháp cưỡng chế: Do ông/bà/tổ chức… không thực hiện quyết định giải quyết tranh chấp đất đai/quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai đã có hiệu lực pháp luật.
Địa điểm thực hiện cưỡng chế: Phần đất đai thuộc thửa đất số..., thuộc tờ bản đồ số...... tại xã/phường/thị trấn........,do tranh chấp với………………….
Địa chỉ...................................................................................................
Thời gian thực hiện cưỡng chế từ ngày.........tháng...... năm........đến ngày..... tháng.... năm...
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày... tháng... năm...
Điều 3. Quyết định này được:
1. Giao/gửi cho ông/bà/tổ chức:......................................... để chấp hành.
2. Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn............. có trách nhiệm niêm yết công khai quyết định này tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã/phường/thị trấn...., địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư.......
3. Ông/bà/tổ chức:……… có quyền khiếu nại hoặc khởi kiện hành chính đối với Quyết định này theo quy định của pháp luật.
4. Giao Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện tham mưu giúp UBND huyện/TP thành lập Ban thực hiện cưỡng chế tiến hành cưỡng chế theo quy định của pháp luật.
5. Phòng Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã/phường/ thị trấn …; các đơn vị có liên quan; Ông/bà/tổ chức… (người bị cưỡng chế) chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: ......./QĐ-……(3) | …, ngày… tháng… năm….. |
Về việc thành lập Ban thực hiện cưỡng chế
ỦY BAN NHÂN DÂN HUYỆN/TP……………………………………
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 29 tháng 11 năm 2013;
Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;
Căn cứ Quyết định số …… ngày … tháng … năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai về việc ban hành quy định cưỡng chế thi hành: Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai; Quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Lào Cai;
Căn cứ Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai/quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai số…./QĐ-UBND ngày….tháng…năm... của Chủ tịch UBND…
Xét đề nghị của Phòng Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số.............. ngày … tháng … năm……..,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thành lập Ban thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai/quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai gồm các ông/bà có tên sau đây:
1. Ông/bà…………., Phó Chủ tịch UBND huyện/TP……Trưởng ban.
2. Ông/bà…………, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phó Trưởng ban;
3. Ông/bà……………., chức vụ……………………Thành viên;
4. Ông/bà……………., chức vụ……………………Thành viên.
Điều 2. Ban thực hiện cưỡng chế có nhiệm vụ xây dựng phương án thực hiện cưỡng chế trình Chủ tịch UBND huyện/TP phê duyệt và tổ chức triển khai thực hiện việc cưỡng chế.
Giao cho Trưởng Ban thực hiện cưỡng chế chỉ đạo, theo dõi, xử lý hoặc trình Chủ tịch UBND huyện/TP xử lý theo thẩm quyền các kiến nghị của Ban thực hiện cưỡng chế.
Điều 3. Các ông (bà) có tên tại Điều 1, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường, Trưởng phòng Tài chính, Chánh thanh tra huyện/TP, Trưởng Công an huyện/TP, Chủ tịch UBND xã/phường/thị trấn.., ông/bà………(người bị cưỡng chế) và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | CHỦ TỊCH |
- 1Quyết định 06/2016/QĐ-UBND quy định cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hoà giải thành trong lĩnh vực đất đai do tỉnh Bến Tre ban hành
- 2Quyết định 19/2016/QĐ-UBND năm 2016 Quy định cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành trên địa bàn tỉnh Bình Phước
- 3Quyết định 13/2016/QĐ-UBND quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 4Quyết định 72/2015/QĐ-UBND Quy định về cưỡng chế thi hành Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, Quyết định công nhận hòa giải thành trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 5Quyết định 35/2016/QĐ-UBND Quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai; quyết định công nhận hòa giải thành đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
- 1Luật xử lý vi phạm hành chính 2012
- 2Nghị định 166/2013/NĐ-CP quy định về cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính
- 3Luật đất đai 2013
- 4Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
- 5Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 6Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015
- 7Quyết định 06/2016/QĐ-UBND quy định cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hoà giải thành trong lĩnh vực đất đai do tỉnh Bến Tre ban hành
- 8Quyết định 19/2016/QĐ-UBND năm 2016 Quy định cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành trên địa bàn tỉnh Bình Phước
- 9Quyết định 13/2016/QĐ-UBND quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai
- 10Quyết định 72/2015/QĐ-UBND Quy định về cưỡng chế thi hành Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, Quyết định công nhận hòa giải thành trên địa bàn tỉnh Bình Dương
- 11Quyết định 35/2016/QĐ-UBND Quy định trình tự, thủ tục cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai; quyết định công nhận hòa giải thành đã có hiệu lực pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình
Quyết định 41/2016/QĐ-UBND Quy định về cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành về tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Lào Cai
- Số hiệu: 41/2016/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 15/07/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
- Người ký: Đặng Xuân Phong
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 25/07/2016
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực