Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 41/2008/QĐ-UBND | Buôn Ma Thuột, ngày 17 tháng 11 năm 2008 |
VỀ VIỆC PHÁT TRIỂN CÀ PHÊ BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND & UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 22/2008/NQ-HĐND ngày 08/10/2008 của HĐND tỉnh về việc phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020;
Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 696/TTr-KHĐT ngày 22/10/2008,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này, Đề án phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau:
1. Các chỉ tiêu cụ thể
- Duy trì diện tích ổn định 150.000 ha, sản lượng đạt bình quân 400.000 tấn/niên vụ, 50% diện tích cà phê trồng có trồng cây che bóng.
- Mở lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh cà phê cho khoảng 8.000 nông dân/năm.
- Triển khai áp dụng TCVN 4193:2005 cho 60% sản lượng cà phê xuất khẩu trở lên. Tham gia phổ biến bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê 4C bộ tiêu chuẩn UTZ và các bộ tiêu chuẩn tiên tiến khác.
- Tăng tỷ lệ chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan đạt 15% trở lên sản lượng của niên vụ.
- Có khoảng 30% sản lượng cà phê được giao dịch qua Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột.
- 100% diện tích cà phê trong vùng quy hoạch được tưới nước chủ động; xây dựng thêm 10.000 m2 kho bảo quản và 40.000 m2 kho ngoại quan; 500.000 m2 sân phơi và 500 máy sấy nông sản.
- Kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 700 triệu USD.
- Giải quyết việc làm cho khoảng 300.000 lao động trực tiếp và 200.000 lao động gián tiếp.
2. Các chính sách cụ thể
- Rà soát hoàn chỉnh quy hoạch đất đai, xây dựng bản đồ thổ nhưỡng thích nghi với cây cà phê.
- Khuyến khích người trồng cà phê tích tụ đất đai, hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung để thuận lợi cho việc đầu tư hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ; sử dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất góp cổ phần, liên doanh, liên kết sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê.
- Tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế thuê đất xây dựng các cơ sở chế biến cà phê phù hợp với quy hoạch vùng nguyên liệu.
- Ngân sách hỗ trợ xây dựng 9 trạm giống, vườn nhân chồi tại 9 huyện trọng điểm. Cung cấp đủ cây giống đảm bảo chất lượng để cải tạo, thay thế khoảng 8.000 ha/12.600 ha vườn cây bị già cỗi và bị nhiễm bệnh nặng cần được thay thế.
- Ngân sách hỗ trợ công tác khuyến công, khuyến nông (mở lớp đào tạo, tập huấn cho nông dân; xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và nhân rộng mô hình).
- Có chính sách thu hút nguồn nhân lực giỏi, liên kết với các nhà khoa học, viện nghiên cứu hỗ trợ đào tạo, tư vấn kỹ thuật và cung cấp thông tin.
- Liên doanh liên kết với các công ty nước ngoài, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tranh thủ học tập kinh nghiệm và đẩy nhanh quá trình áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao (Dự án hỗ trợ kỹ thuật cho các hoạt động của Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột).
- Hỗ trợ pháp lý, cung cấp thông tin, dịch vụ trong việc áp dụng các phương thức mua bán qua sàn giao dịch trong nước và quốc tế, thị trường kỳ hạn.
- Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại trong và ngoài nước (tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, hội chợ triển lãm).
- Hạn chế xuất khẩu cà phê thô. Cà phê xuất khẩu phải phân loại, giám định chất lượng, có chứng chỉ theo tiêu chuẩn Nhà nước.
- Thu mua với giá cả có lợi cho người sản xuất cà phê đảm bảo chất lượng.
- Hỗ trợ kinh phí áp dụng tiêu chuẩn chất lượng TCVN 4193:2005.
- Khuyến khích hình thành các quỹ tín dụng, cải cách thủ tục vay vốn thuận lợi hơn, thời gian vay vốn đủ dài, phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh cà phê.
- Ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn, các Chương trình, kết hợp với doanh nghiệp và nhân dân, đầu tư xây dựng các công trình giao thông, điện, thủy lợi, các cơ sở kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng cà phê.
- Tập trung đầu tư thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật sớm đưa Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột vào hoạt động cuối năm 2008. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư mở rộng hệ thống kho, sân phơi, máy sấy nông sản.
3. Tổ chức thực hiện
- Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Chương trình phát triển cà phê bền vững.
- Giao Giám đốc các sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công thương, Nông nghiệp và PTNT, Khoa học công nghệ, Công an tỉnh, Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Trung tâm khuyến nông, Trung tâm giống cây trồng vật nuôi, Liên minh Hợp tác xã, UBND các huyện và Thành phố Buôn Ma Thuột xây dựng: Chương trình, kế hoạch phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của đơn vị mình.
- Giao Sở Nông nghiệp và PTNT là cơ quan đầu mối tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Chương trình, kế hoạch phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh.
- Giao Sở Nông nghiệp và PTNT đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện Chương trình của các đơn vị, định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh. Đồng thời tham mưu cho UBND tỉnh sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Chương trình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
PHÁT TRIỂN CÀ PHÊ BỀN VỮNG ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Kèm theo Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND ngày 17/11/2008)
Ngành cà phê tỉnh Đăk Lăk giữ vai trò quyết định đến tình hình phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng và môi trường sinh thái. Toàn tỉnh, hiện có 181.120 ha, sản lượng vụ 2008 – 2009 ước đạt 392.313 tấn. Trong đó, có 90% sản lượng dành cho xuất khẩu, chiếm 89% tổng kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn. Hàng năm, toàn ngành đã đóng góp trên 40% (GDP) của tỉnh và đã giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 300.000 lao động trực tiếp và khoảng 100.000 lao động gián tiếp.
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột đã trở thành ngày hội truyền thống, được thường xuyên tổ chức theo định kỳ. Qua đó đã quảng bá, giới thiệu hình ảnh của Đăk Lăk đến với các du khách và từng bước củng cố, phát triển thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột không những ở trong nước mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Kết quả hàng năm đã góp phần thu hút ngày càng tăng lượng du khách đến thăm quan và đầu tư vào tỉnh nhà.
Tuy nhiên, ngành cà phê Đăk Lăk cũng đang đứng trước những thách thức đó là: chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới thấp, tài nguyên thiên nhiên đang bị sử dụng quá mức, môi trường ngày càng bị ảnh hưởng không tốt.
Do vậy, việc xây dựng Đề án phát triển cà phê bền vững mang tính chiến lược dài hạn là rất cần thiết, sẽ đảm bảo thu hút các nguồn lực để thương hiệu “cà phê Buôn Ma Thuột” có tính cạnh tranh cao ở trong nước và quốc tế.
1.1. Cơ sở pháp lý
- Nghị quyết của Bộ Chính trị và kế hoạch hành động của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội vùng Tây Nguyên.
- Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP của Chính phủ ngày 02/02/2000 về phát triển kinh tế trang trại.
- Quyết định số 80/2002/QĐ-TTg ngày 26/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hóa thông qua hợp đồng.
- Quyết định số 25/2008/QĐ-TTg ngày 05/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2010.
- Quyết định số 3988/QĐ-BNN-TT ngày 26/12/2006 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc phê duyệt đề án thâm canh cây công nghiệp lâu năm đến 2010 (Cây cà phê, cao su, hồ tiêu, điều, chè).
- Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 08/05/2008 của Tỉnh ủy Đăk Lăk về phát triển cà phê bền vững trong thời kỳ mới.
1.2. Cơ sở khoa học
Theo các chương trình, đề tài nghiên cứu của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước về cây cà phê.
Các ý kiến đóng góp cho Đề án phát triển cà phê bền vững của các sở, ban, ngành chức năng và các chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực cà phê.
1.3. Cơ sở thực tiễn
Trong thực tiễn đã xuất hiện nhiều điển hình sản xuất cà phê đạt năng suất cao; mô hình sản xuất cà phê bền vững, cà phê sạch, cà phê hữu cơ. Một số thương hiệu cà phê đã có thị trường ổn định.
Đã hình thành hệ thống tổ chức, sản xuất, kinh doanh cà phê. Nhiều nhà sản xuất, kinh doanh cà phê đã tích lũy kinh nghiệm tốt trong quá trình hoạt động của mình.
II. HIỆN TRẠNG NGÀNH SẢN XUẤT CÀ PHÊ
1. Tình hình sản xuất cà phê
1.1. Diện tích, cơ cấu tuổi cây, năng suất và sản lượng
Sau ngày giải phóng, diện tích cà phê của tỉnh chỉ có khoảng 7.000 ha, sản lượng khoảng 5.000 tấn. Đến nay toàn tỉnh có 181.120 ha, sản lượng vụ 2008 – 2009 ước đạt 392.313 tấn, năng suất đạt 2,16 tấn/ha.
Về cơ cấu diện tích tập trung chủ yếu thuộc các hộ tư nhân, chiếm trên 85% tổng diện tích cà phê toàn tỉnh, quy mô bình quân mỗi hộ 0,8 ha.
Kết quả điều tra cho thấy tuổi cây cà phê cụ thể là: Dưới 4 tuổi chiếm 4,1%; từ 5 – 9 tuổi chiếm 7,8%; từ 10 – 14 tuổi chiếm 36,7%; từ 15 – 19 tuổi chiếm 43%; trên 20 tuổi chiếm 8,4%. Phần lớn các vườn cây đều ở độ tuổi cà phê kinh doanh (chiếm trên 95%).
Các kết quả nghiên cứu trước đây đều cho rằng, toàn tỉnh có khoảng 141.914 ha đáp ứng đủ các điều kiện bắt buộc đối với cây cà phê. Đồng nghĩa với việc này là có khoảng 39.206 ha cà phê không phù hợp điều kiện sinh thái. Do đó, cần phải có biện pháp tích cực chuyển đổi những diện tích này sang loại cây trồng khác có tính bền vững và hiệu quả hơn.
1.2. Giống
Do diện tích cà phê tăng nhanh, người dân trồng tự phát, nên hầu hết các hộ đều sử dụng cây giống thực sinh do dân tự ươm, không qua chọn lọc. Trong đó, có 80% từ hạt tự lấy, còn lại mua từ các cơ sở sản xuất giống. Do vậy, năng suất không cao, kích thước hạt nhỏ, không đồng đều, chín không tập trung và thường bị nhiễm bệnh gỉ sắt.
1.3. Sử dụng phân bón
Qua thực tiễn cho thấy một số hộ nông dân dùng phân bón quá mức cho mục tiêu tăng năng suất, chi phí đầu tư phân bón thường cao hơn lượng khuyến cáo từ 10 – 23%. Có khoảng 50% số hộ nông dân bón phân NPK phù hợp với quy trình kỹ thuật, phần còn lại do trình độ hiểu biết của nông dân còn giới hạn, cho nên việc bón phân còn tùy tiện, theo kinh nghiệm và khả năng đầu tư, nên đã làm giảm hiệu quả đầu tư và gây ô nhiễm môi trường. Tỷ lệ dùng phân hữu cơ chưa được nhiều.
1.4. Sử dụng nước
Tưới nước là biện pháp kỹ thuật có tác dụng quyết định đến năng suất cà phê, nhưng tưới nước nhiều quá sẽ không tăng năng suất mà gây ra tác dụng ngược, gây lãng phí, kém hiệu quả. Hiện có hai hình thức tưới nước chủ yếu là tưới gốc (chiếm 85%) và tưới phun (chiếm 15%). Tùy theo điều kiện thời tiết từng năm, số lần tưới từ 2- 5 đợt/năm, với lượng nước từ 2.700 – 3.200 m3/ha/vụ, cao hơn so với khuyến cáo khoảng 650 m3/ha/vụ.
Nguồn nước tưới được lấy chủ yếu từ giếng đào chiếm khoảng 60%, giếng khoan khoảng 20%, còn lại từ các công trình thủy lợi. Tuy nhiên, tình trạng tụt mực nước ngầm đang có nguy cơ báo động.
1.5. Sử dụng đất
Hiện có 85% diện tích cà phê là do các hộ nông dân quản lý, quy mô nhỏ (0,8 ha/hộ). Phần lớn các hộ đều dành từ 80 – 85% quỹ đất trồng cà phê thuần loại, tỷ lệ các hộ trồng cà phê có cây che bóng chiếm 33%.
Nghiên cứu các loại mô hình trồng cà phê thấy rằng có cây che bóng thì năng suất ổn định hơn, tuổi thọ cây cao hơn. Với giá cà phê trên thị trường biến động thất thường, cần tăng hiệu quả canh tác trên một đơn vị sử dụng đất bằng các biện pháp trồng xen cà phê các loại cây ăn trái kết hợp che bóng.
1.6. Phòng trừ sâu bệnh hại
Cà phê chủ yếu là rệp sáp hại quả, hại rễ, bệnh rỉ sắt hại lá. Việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh chưa hợp lý, phần lớn người dân thường phun thuốc đại trà trên toàn lô, ngay cả khi chưa phát hiện sâu bệnh. Nhiều hộ dân không xác định chính xác các loại sâu, bệnh, nên xác định phòng trừ không đúng cả về loại thuốc, liều lượng, phương pháp và thời điểm phun, nên kết quả không cao, gây lãng phí và ô nhiễm môi trường.
1.7. Thu hoạch
Thời vụ thu hái cà phê từ tháng 10 đến tháng 12. Số lần thu hoạch từ 1 - 3 đợt/vụ, trong những đợt đó tỷ lệ quả chín chỉ đạt từ 60-70%, vì hầu hết các hộ thu hái cà phê theo phương pháp “tuốt cành” (tuốt hết cả quả chín lẫn quả xanh trong một lần). Tình trạng thu hái kiểu này đã trở thành một thói quen và chưa có biện pháp khắc phục.
Sở dĩ có tình trạng như vậy là do: sợ mất trộm, giảm chi phí nhân công, không thuê được nhân công. Những năm gần đây, khuynh hướng hái xanh càng trở lên phổ biến hơn, vì việc mua bán sản phẩm cà phê chỉ mang tính thỏa thuận giữa bên mua và bán, không theo tiêu chuẩn quy định nào, giá bán của cà phê nhân thu hái xanh bằng hoặc thấp hơn không đáng kể so với hái chín, trong khi đó hái chín chi phí thu hái cao hơn (vì tăng nhân công), kéo dài thời gian bảo vệ. Từ đó, chưa tạo nên sức ép thúc đẩy đổi mới phương pháp thu hoạch, bảo quản chế biến sau thu hoạch.
1.8. Công tác chế biến, bảo quản sau thu hoạch.
Phương pháp chế biến nông dân áp dụng phổ biến hiện nay là chế biến khô chiếm 80% sản lượng. Phương pháp này có ưu điểm là đơn giản, chi phí thấp phù hợp với điều kiện của nông dân. Nhược điểm của nó là tốn diện tích sân phơi, thời gian phơi kéo dài do vậy làm tăng chi phí chế biến. Ngoài ra còn có phương pháp chế biến ướt và chế biến “nửa ướt” (chiếm 20%).
Trong phạm vi hộ nông dân, các cơ sở nhỏ lẻ, máy móc thiết bị rất sơ sài, chủ yếu là sân phơi xi măng chiếm 80%, sử dụng máy sấy chiếm 20%. Do diện tích sân phơi thiếu nên cà phê thu hoạch về đổ đống hoặc phơi quá dày. Trình độ kỹ thuật sau thu hoạch của người dân còn thấp, chưa có chuyên môn cao, hầu như làm theo kinh nghiệm.
1.9. Chất lượng cà phê
Toàn tỉnh có 30 doanh nghiệp sản xuất cà phê. Trong đó, có 5/6 doanh nghiệp của toàn quốc, được cấp chứng chỉ “cà phê có trách nhiệm” (công ty cà phê Thắng Lợi, Phước An, Tháng Mười, Ea Pôk, Krông Ana).
Hiện chưa có một cơ quan quản lý nhà nước chịu trách nhiệm giám sát chỉ tiêu chất lượng sản phẩm cà phê xuất khẩu. Do đó, chưa thực hiện công tác kiểm tra hoạt động chế biến, thu mua cà phê của các doanh nghiệp và tiêu chuẩn, chất lượng cà phê xuất xưởng.
Hiện tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 mới được thông báo cho IOC vào năm 2007 và đã được IOC chấp nhận, trên thực tế chúng ta chưa triển khai áp dụng tiêu chuẩn này.
1.10. Tiêu thụ
Cà phê phục vụ chủ yếu cho xuất khẩu chiếm trên 90% sản lượng. Do tác động bởi quy luật cung cầu và giá cả thị trường thế giới, nên giá cà phê biến động rất mạnh.
Cà phê Robusta hiện được xuất khẩu đến hơn 51 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. Việc xuất khẩu cà phê chủ yếu là thông qua hình thức trung gian, chưa tham gia giao dịch trực tiếp trên các sàn giao dịch thế giới.
Hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều áp dụng tiêu chuẩn chất lượng theo hình thức thỏa thuận, hình thành qua quá trình buôn bán với các nhà nhập khẩu nước ngoài. Các tiêu chí dùng phân biệt chất lượng là: tỷ lệ % cỡ hạt, tạp chất, đen, vỡ, mùi vị, dư độc chất. Về cơ bản là không theo tiêu chuẩn TCVN 4193:1993, TCVN 4193:2001 và chưa áp dụng TCVN 4193:2005.
Hiện có khoảng 8% sản lượng cà phê được chế biến, tiêu thụ trong nước. Theo Ngân hàng thế giới thì mức tiêu thụ cà phê nước ta khoảng 0,5 kg/người/năm, theo đó thị trường nội địa chiếm 10% sản lượng, tương đương khoảng 70.000 tấn/năm. Trong khi đó năm 2006, mức tiêu thụ cà phê bình quân đầu người ở các nước EU là 5 kg/người/năm, cao nhất là Luxembourg 13,49 kg, Phần Lan 11,92 kg và Đan Mạch 9,19 kg.
2. Tổ chức ngành và các chính sách hiện có
2.1. Tổ chức ngành gồm 2 thành phần chính là
- Thành phần Quốc doanh gồm các công ty cà phê, các công ty xuất nhập khẩu, các tổng công ty trực thuộc Trung ương quản lý;
- Thành phần Tư nhân gồm các chủ trang trại, chủ hộ nông dân (chiếm đại đa số), các công ty TNHH, doanh nghiệp tư nhân;
Riêng Hiệp hội cà phê - Ca cao là một tổ chức phi chính phủ do đại hội các nhà sản xuất và xuất khẩu thành lập.
2.2. Các chính sách hiện có của Trung ương và địa phương
Gồm có các chính sách chung như Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật doanh nghiệp, các chính sách cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất sau đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư, quỹ tín dụng xuất khẩu, hàng rào thuế quan…
Nhìn chung các chính sách trên đã tạo điều kiện để ngành cà phê của tỉnh đạt kết quả như hiện nay. Tuy nhiên, các chính sách còn chưa thực sự tiếp cận với người sản xuất, kinh doanh cà phê. Việc thực thi các chính sách ở một số địa phương chưa triệt để, dẫn đến vẫn còn tình trạng mất an ninh trật tự trong mùa thu hái cà phê và ý thức tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm của người dân, các đại lý và doanh nghiệp chưa nghiêm.
2.3. Các cam kết khi gia nhập WTO
- Cam kết mở rộng thị trường: Xóa bỏ các biện pháp phi thuế quan trong quản lý xuất, nhập khẩu cà phê; có mức cam kết thuế và lộ trình cắt giảm thuế.
- Trợ cấp trong nước: Hạn chế mức trợ cấp “hộp đỏ” dưới mức 10% giá trị sản lượng ngành cà phê (như trợ giá, hỗ trợ lãi suất dự trữ, trợ cấp riêng…).
- Trợ cấp xuất khẩu: Chỉ duy trì hai hình thức trợ cấp xuất khẩu mà các nước đang phát triển được áp dụng là: i) Trợ cấp cước phí vận chuyển cho hàng xuất khẩu; ii) Hỗ trợ hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường.
- Quyền kinh doanh: Các doanh nghiệp nước ngoài được quyền xuất, nhập khẩu cà phê.
3. Những tồn tại hiện nay trong quá trình sản xuất cà phê
Qua phân tích đánh giá bên cạnh những điểm mạnh và các cơ hội trong tương lai thì ngành sản xuất cà phê hiện nay còn bộc lộ những yếu kém, tồn tại là:
- Sản xuất tự phát, thiếu quy hoạch, môi trường tự nhiên bị suy thoái, nguồn nước ngầm bị cạn kiệt, khí hậu thay đổi, có ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng cà phê.
- Một số lượng lớn diện tích trồng cà phê ở những vị trí đất không đủ tiêu chuẩn: nghèo dinh dưỡng, tầng đất mỏng, độ dốc cao, không có hoặc thiếu nguồn nước tưới trong mùa khô hạn.
- Các quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc và thu hái cà phê không được tuân thủ đúng mức.
- Chất lượng cà phê còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường thế giới.
4. Những nguyên nhân cơ bản
- Về quản lý ngành: Cho đến nay chưa có cơ quan quản lý mang tính chuyên nghiệp cho ngành cà phê, công tác quy hoạch, định hướng, bảo hiểm và đề xuất các chính sách hỗ trợ thực hiện chưa được đầy đủ, chưa phù hợp. Chưa xác định được các yếu tố cần đột phá, dẫn đến sản xuất nông nghiệp tự phát, nhỏ lẻ, chưa tạo được mô hình sản xuất - chế biến - tiêu thụ một cách khoa học và hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn sản xuất cà phê theo quy hoạch, đảm bảo khoa học kỹ thuật, đảm bảo môi trường sinh thái, vệ sinh an toàn thực phẩm, đạt được chất lượng cao chưa triệt để; hệ thống tổ chức thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ chưa hiện đại, thiếu chuyên nghiệp.
- Việc áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc, thu hái, chế biến, bảo quản cà phê chưa được rộng khắp.
- Sự chênh lệch thấp về giá thu mua giữa cà phê đủ chất lượng theo quy định và cà phê chưa đủ chất lượng, nên chưa khuyến khích người sản xuất cà phê theo hướng chất lượng cao.
- Cơ sở hạ tầng chưa đảm bảo việc phát triển cà phê như: Đường giao thông, công trình thủy lợi, sân phơi, máy móc thiết bị, hệ thống kho bảo quản… còn thiếu, lạc hậu, chưa đạt yêu cầu.
- Chính sách chưa hoàn thiện, thiếu đồng bộ. Trong quá trình tổ chức thực hiện chưa phát huy được hiệu quả.
III. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Quan điểm
Phát triển bền vững là sự phát triển trên cơ sở nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng được nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến các thế hệ tương lai.
Phát triển cà phê bền vững trên cơ sở hài hòa các mặt: kinh tế, xã hội, môi trường và an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Trong đó:
- Về kinh tế bao gồm phát huy lợi thế tự nhiên, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên, có hiệu quả kinh tế cao, trên cơ sở áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hạ giá thành sản phẩm, nâng cao năng suất, chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm.
- Về xã hội tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập, góp phần xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống nhân dân, đảm bảo ổn định vững chắc quốc phòng an ninh, nhất là an ninh nông thôn.
- Về môi trường cần sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước, áp dụng kỹ thuật canh tác, chế biến theo cách thân thiện với môi trường.
2. Mục tiêu đến 2015
- Duy trì diện tích ổn định 150.000 ha, sản lượng đạt bình quân 400.000 tấn/niên vụ, 50% diện tích cà phê trồng có trồng cây che bóng.
- Mở lớp đào tạo, tập huấn kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh cà phê cho khoảng 8.000 nông dân/năm.
- Triển khai áp dụng TCVN 4193:2005 cho 60% sản lượng cà phê xuất khẩu trở lên. Tham gia phổ biến bộ nguyên tắc chung cho cộng đồng cà phê 4C bộ tiêu chuẩn UTZ và các bộ tiêu chuẩn tiên tiến khác.
- Tăng tỷ lệ chế biến cà phê bột, cà phê hòa tan đạt 15% trở lên sản lượng của niên vụ.
- Có khoảng 30% sản lượng cà phê được giao dịch qua Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột.
- 100% diện tích cà phê trong vùng quy hoạch được tưới nước chủ động; xây dựng thêm 10.000 m2 kho bảo quản và 40.000 m2 kho ngoại quan; 500.000 m2 sân phơi và 500 máy sấy nông sản.
- Kim ngạch xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 700 triệu USD.
- Giải quyết việc làm cho khoảng 300.000 lao động trực tiếp và 200.000 lao động gián tiếp.
3. Giải pháp và chính sách
3.1. Tổ chức, quản lý ngành cà phê
- Củng cố, tổ chức sắp xếp lại các công ty cà phê hiện có trên địa bàn toàn tỉnh.
- Thành lập Hiệp hội cà phê của tỉnh.
- Thành lập trung tâm kiểm định chất lượng sản phẩm cà phê.
- Khuyến khích hình thành mạng lưới nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã sản xuất, dịch vụ cung ứng, tiêu thụ và tiếp nhận đầu tư, chuyển giao công nghệ.
- Tổ chức lại hệ thống chế biến, gắn chế biến với vùng nguyên liệu, chế biến tập trung theo quy mô lớn, vừa và nhỏ. Chú trọng đầu tư máy móc, thiết bị đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, công suất chế biến cho cả vùng và đạt chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường.
- Tăng cường công tác quản lý nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hình thành hệ thống quản lý giám định chất lượng ở các cơ sở sản xuất, chế biến cà phê xuất khẩu. Tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành, mọi người cùng xây dựng, thực hiện phát triển cà phê bền vững từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ. Khuyến khích các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu cho mình, thực hiện cơ chế giá thu mua theo chất lượng, phát triển thương hiệu.
3.2. Khoa học kỹ thuật
- Tiếp tục nghiên cứu lai tạo, chọn lọc những giống cà phê có sức kháng bệnh, có năng suất, chất lượng cao, để đưa vào sản xuất đại trà. Nếu cần phải nhập nội các loại giống tốt.
- Tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy trình kỹ thuật sản xuất cà phê, chuyển giao kỹ thuật cho người sản xuất cà phê.
- Tiếp tục triển khai nhân rộng mô hình sản xuất cà phê bền vững (đã triển khai thí điểm tại huyện Krông Păk), mô hình sản xuất cà phê sạch.
- Tập trung nghiên cứu chế tạo máy móc, thiết bị trong nước vừa đảm bảo các yếu tố kỹ thuật, phù hợp với yêu cầu và thực tế và giá cả hợp lý.
3.3. Cơ chế, chính sách
3.3.1. Chính sách đất đai:
- Rà soát hoàn chỉnh quy hoạch đất đai. Điều chỉnh, bổ sung và phổ biến rộng rãi bản đồ thích nghi về cây cà phê.
- Khuyến khích người trồng cà phê tích liên doanh, liên kết, hình thành vùng sản xuất có quy mô lớn, tạo thuận lợi cho việc đầu tư cơ sở hạ tầng, áp dụng khoa học công nghệ.
- Tạo điều kiện thuận lợi để các thành phần kinh tế thuê đất xây dựng các cơ sở chế biến cà phê phù hợp với quy hoạch vùng nguyên liệu.
3.3.2. Chính sách giống
Ngân sách tỉnh hỗ trợ xây dựng 9 trạm giống, vườn nhân chồi tại 9 huyện trọng điểm. Cung cấp đủ cây giống đảm bảo chất lượng.
3.3.3. Chính sách đào tạo nguồn nhân lực
- Ngân sách hỗ trợ công tác khuyến nông, khuyến công (mở lớp đào tạo, tập huấn cho nông dân; xây dựng mô hình sản xuất, chế biến và nhân rộng mô hình).
- Xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực giỏi, liên kết với các nhà khoa học, viện nghiên cứu hỗ trợ đào tạo, tư vấn kỹ thuật và cung cấp thông tin.
- Liên doanh liên kết với các công ty nước ngoài, kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài nhằm tranh thủ học tập kinh nghiệm và đẩy nhanh quá trình áp dụng các tiêu chuẩn chất lượng cao.
3.3.4. Chính sách thương mại.
- Hỗ trợ pháp lý, cung cấp thông tin, dịch vụ trong việc áp dụng các phương thức mua bán qua sàn giao dịch trong nước và quốc tế, thị trường kỳ hạn.
- Hỗ trợ các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại trong và ngoài nước (tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột, hội chợ triển lãm).
- Sản phẩm Cà phê trước khi xuất khẩu phải được giám định, kiểm tra chất lượng theo tiêu chuẩn quy định.
- Có chính sách khuyến khích thu mua có lợi cho người sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn chất lượng quy định.
3.3.5. Chính sách Tài chính – ngân hàng
- Hỗ trợ kinh phí áp dụng tiêu chuẩn chất lượng TCVN 4193:2005.
- Cải cách thủ tục vay vốn thuận lợi hơn, thời gian vay vốn đủ dài, phù hợp với chu kỳ sản xuất kinh doanh cà phê.
- Thực hiện các chính sách khuyến khích đầu tư để thu hút các nguồn lực thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh cà phê.
3.3.6. Xây dựng cơ sở hạ tầng
- Ưu tiên lồng ghép các nguồn vốn, các Chương trình, kết hợp với doanh nghiệp và nhân dân, đầu tư xây dựng các công trình giao thông, điện, thủy lợi, các cơ sở kiểm nghiệm, kiểm soát chất lượng cà phê.
- Tập trung đầu tư thiết bị, hỗ trợ kỹ thuật sớm đưa Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột vào hoạt động cuối năm 2008. Huy động mọi nguồn lực để đầu tư mở rộng hệ thống kho, sân phơi, máy sấy nông sản.
3.5. Kế hoạch và kinh phí thực hiện đề án.
Trong giai đoạn từ nay đến 2015, các chỉ tiêu, khối lượng và nguồn kinh phí được trình bày chi tiết trong bảng số 5. Tổng mức đầu tư 1.647.000 triệu đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh 84.750 triệu đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ 134.500 triệu đồng, vốn ODA và FDI 285.500 triệu đồng; vốn doanh nghiệp và tư nhân 1.142.250 triệu đồng.
Giai đoạn 2015 - 2020 chỉ mang tính chất định hướng và dự kiến một số chỉ tiêu cần đạt được. Sau khi đánh giá tình hình thực hiện giai đoạn I, sẽ điều chỉnh, bổ sung cho giai đoạn II.
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính tổng hợp xây dựng kế hoạch đầu tư hàng năm và kế hoạch đến năm 2015 để thực hiện.
- Tham mưu cho UBND tỉnh làm việc với các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ vốn đầu tư thực hiện.
2. Sở Tài chính
- Chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp cân đối nguồn vốn sự nghiệp thực hiện Đề án.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu cho UBND thành lập Ban Chỉ đạo phát triển cà phê bền vững của tỉnh.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp xây dựng Chương trình phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thực hiện Chương trình.
- Tham mưu cho UBND tỉnh thực hiện sơ kết, tổng kết tình hình thực hiện Chương trình.
- Chủ trì phối hợp với các Sở Nội vụ, Công thương, NN&PTNT, Tài chính và Liên minh HTX tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Hiệp hội cà phê của tỉnh.
- Xây dựng quy hoạch ngành và sản phẩm chủ yếu là cà phê (từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ).
- Xây dựng Đề án chuyển đổi diện tích cà phê ở những vị trí không thích hợp sang trồng các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn.
- Chỉ đạo trung tâm khuyến nông xây dựng kế hoạch đào tạo, tập huấn kỹ thuật cho nông dân; xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất cà phê bền vững.
- Chỉ đạo Trung tâm giống cây trồng vật nuôi xây dựng kế hoạch nhân chồi, ươm đủ giống chất lượng cao cung cấp cho sản xuất.
- Chỉ đạo các phòng NN&PTNT tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và tập trung chỉ đạo sản xuất.
- Chỉ đạo Chi cục hợp tác xã Nông nghiệp và PTNT xây dựng kế hoạch thành lập các Hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất kinh doanh cà phê.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch sử dụng đất, bản đồ thổ nhưỡng thích nghi về cây cà phê.
- Xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về môi trường đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến cà phê.
5. Sở Khoa học Công nghệ
- Xây dựng kế hoạch thực hiện áp dụng tiêu chuẩn TCVN 4193:2005 cho sản phẩm cà phê. Tăng cường biện pháp quản lý nhà nước về tiêu chuẩn cà phê xuất khẩu.
- Xây dựng kế hoạch thực hiện chỉ dẫn địa lý thương hiệu cà phê Buôn Ma Thuột.
- Xây dựng kế hoạch nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất, kinh doanh cà phê bền vững. Ưu tiên các đề tài nghiên cứu về phát triển cà phê bền vững.
6. Sở Công - Thương
- Chỉ đạo Trung tâm giao dịch cà phê Buôn Ma Thuột khẩn trương hoàn thành cuối năm 2008 đi vào hoạt động.
- Chỉ đạo Trung tâm khuyến công xây dựng kế hoạch, tuyên truyền, giới thiệu, chế tạo các sản phẩm công nghiệp phục vụ cho sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ cà phê.
- Chỉ đạo Chi cục quản lý thị trường tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm cà phê.
- Chủ trì tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ tổ chức Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột.
- Phối hợp với Sở NN&PTNT xây dựng quy hoạch ngành và sản phẩm chủ yếu là cà phê (từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ).
7. Công an tỉnh.
- Xây dựng kế hoạch giữ trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn trong mùa thu hoạch cà phê.
8. Ngân hàng Nhà nước tỉnh
- Chủ trì tham mưu xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù để người sản xuất, kinh doanh cà phê có điều kiện thuận để tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, đặc biệt là từ các ngân hàng chính sách.
9. Trung tâm xúc tiến Thương mại và Đầu tư
- Xây dựng kế hoạch xúc tiến kêu gọi đầu tư sản xuất, kinh doanh, chế biến cà phê. Ưu tiên tinh chế các sản phẩm cà phê.
- Xây dựng kế hoạch quảng bá, giới thiệu các sản phẩm cà phê trong và ngoài nước. Ưu tiên quảng bá thương hiệu sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột.
10. Liên minh Hợp tác xã
- Xây dựng kế hoạch trợ giúp về phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác.
- Tuyên truyền, vận động các hộ nông dân sản xuất kinh doanh cà phê tham gia thành lập các Hợp tác xã, tổ hợp tác.
11. Chính quyền địa phương các cấp
- Tăng cường công tác quản lý Nhà nước, tập trung chỉ đạo hệ thống chính trị của địa phương xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình, kế hoạch phát triển cà phê bền vững cấp địa phương.
- Đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương đưa mặt hàng cà phê vào danh mục được ưu tiên; quan tâm hỗ trợ vốn đầu tư cho địa phương trong vùng thực hiện Đề án. Ưu tiên thành lập trung tâm quản lý chất lượng cà phê của khu vực. Có chính sách hỗ trợ về tài chính trong việc triển khai áp dụng TCVN 4193:2005 đối với sản phẩm cà phê.
- Bộ Nông nghiệp và PTNT sớm quy hoạch sản xuất, sản phẩm cà phê; Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tiếp tục quan tâm hơn đến cây cà phê; có chính sách cụ thể cho việc phát triển các trung tâm giống cà phê chất lượng cao và hỗ trợ thiết bị cho các cơ sở chế biến quy mô nhỏ và vừa.
- Đề nghị Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam tiếp tục vận động hội viên tự giác áp dụng tiêu chuẩn chất lượng, các kỹ thuật tiên tiến trong sản xuất; xây dựng hệ thống thu thập, phân tích, dự báo và cung cấp thông tin về sản xuất, thị trường cà phê một cách có hiệu quả; tham mưu cho Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đổi mới công tác quản lý, tổ chức sản xuất, phát triển ngành cà phê.
- Đề nghị Bộ Tài chính xây dựng chính sách bảo hiểm đối với ngành hàng cà phê./.
- 1Quyết định 1114/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch sản xuất cây cà phê giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 tỉnh Hòa Bình
- 2Quyết định 2261/QĐ-UBND năm 2015 công bố phê duyệt quy hoạch phát triển Cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020
- 3Quyết định 3540/QĐ-UBND năm 2017 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
- 1Luật Đầu tư 2005
- 2Luật Doanh nghiệp 2005
- 3Nghị quyết số 03/2000/NQ-CP về kinh tế trang trại do Chính phủ ban hành
- 4Quyết định 80/2002/QĐ-TTg về chính sách khuyến khích tiêu thụ nông sản hàng hoá thông qua hợp đồng do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5Luật Đất đai 2003
- 6Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 7Quyết định 25/2008/QĐ-TTg về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội đối với các tỉnh vùng Tây Nguyên đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8Nghị quyết 22/2008/NQ-HĐND về phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến 2020 do Hội đồng nhân dân tỉnh Đắk Lắk khóa VII, kỳ họp chuyên đề ban hành
- 9Quyết định 1114/QĐ-UBND năm 2012 phê duyệt Quy hoạch sản xuất cây cà phê giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020 tỉnh Hòa Bình
- 10Quyết định 2261/QĐ-UBND năm 2015 công bố phê duyệt quy hoạch phát triển Cà phê trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2016-2020
- 11Quyết định 3540/QĐ-UBND năm 2017 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển cà phê bền vững của tỉnh Đắk Lắk đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030
Quyết định 41/2008/QĐ-UBND phát triển cà phê bền vững đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk ban hành
- Số hiệu: 41/2008/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 17/11/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk
- Người ký: Lữ Ngọc Cư
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra