Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 41/2002/QĐ-BVHTT

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ-THÔNG TIN SỐ 41/2002/QĐ-BVHTT NGÀY 31 THÁNG 12 NĂM 2002 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ HOẠT ĐỘNG TRIỂN LÃM

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12/11/1996;
Căn cứ Nghị định số 81/CP ngày 8/11/1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hoá-Thông tin;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Văn hoá-Thông tin cơ sở,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động triển lãm.

Điều 2: Quy chế hoạt động triển lãm ban hành kèm theo Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Văn hoá-Thông tin cơ sở, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Văn hoá - Thông tin, Giám đốc các Sở Văn hoá-Thông tin tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế ban hành kèm theo Quyết định này.

 

 

Phạm Quang Nghị

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG TRIỂN LÃM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 41/2002/QĐ-BVHTT ngày 31 tháng 12 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá-Thông tin)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Triển lãm thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này là việc tổ chức trưng bày có nghệ thuật các hiện vật, tài liệu và sử dụng các phương tiện để thể hiện về một chủ đề có nội dung chính trị, văn hoá, xã hội và kinh tế không mang tính thương mại tại một địa điểm trong một khoảng thời gian xác định, nhằm mục đích thông tin đến công chúng.

2. Các triển lãm chuyên đề: Mỹ thuật, sách, báo, ảnh và triển lãm thương mại thực hiện theo các quy định riêng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam và tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động triển lãm ở Việt Nam hoặc đưa ra nước ngoài có nội dung quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế này đều phải thực hiện các quy định tại Quy chế này và các quy định pháp luật khác có liên quan.

2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với quy định của Quy chế này, thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Điều 3. Triển lãm được khuyến khích

1. Triển lãm nhằm thông tin đến công chúng tình hình thời sự trong nước và quốc tế phù hợp với lợi ích của Nhà nước và nhân dân; giới thiệu về bản sắc văn hoá của các dân tộc Việt Nam, tinh hoa văn hoá của nhân loại; những tiến bộ, thành tựu trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; những triển vọng của Việt Nam và thế giới.

2. Triển lãm của Việt Nam đưa ra nước ngoài và của nước ngoài trưng bày tại Việt Nam nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác quốc tế vì mục đích hoà bình, tiến bộ và phát triển.

Điều 4. Triển lãm bị nghiêm cấm

Nghiêm cấm triển lãm có các nội dung sau:

1. Chống lại Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phá hoại khối đoàn kết toàn dân;

2. Kích động bạo lực, tuyên truyền chiến tranh xâm lược, gây hận thù giữa các dân tộc và nhân dân các nước; truyền bá tư tưởng, văn hoá phản động, lối sống dâm ô đồi truỵ, các hành vi tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, không phù hợp với thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam;

3. Làm tiết lộ bí mật của Đảng, Nhà nước, bí mật quân sự, an ninh, kinh tế, đối ngoại, bí mật đời tư của công dân và các bí mật khác do pháp luật quy định;

4. Thông tin sai sự thật, xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, xúc phạm vĩ nhân, anh hùng dân tộc, vu khống nhằm xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân;

5. Các nội dung khác mà pháp luật cấm phổ biến, quảng cáo trước công chúng.

Chương 2:

ĐIỀU KIỆN TỔ CHỨC TRIỂN LÃM

Điều 5. Hiện vật, tài liệu triển lãm

Hiện vật, tài liệu triển lãm bao gồm: Công cụ, sản phẩm, vật phẩm, tác phẩm, văn bản có chứa đựng nội dung quy định tại khoản 1 Điều 1 Quy chế này được sử dụng để trưng bày, thể hiện chủ đề của triển lãm.

Hiện vật, tài liệu triển lãm phải có các điều kiện sau:

1. Phù hợp với chủ đề, nội dung của triển lãm;

2. Có nguồn gốc, xuất sứ và quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của người tổ chức triển lãm.

Điều 6. Địa điểm và chủ địa điểm triển lãm

Địa điểm tổ chức triển lãm phải có đủ các điều kiện:

a) Có diện tích phù hợp với tính chất và quy mô của triển lãm;

b) Đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông và vệ sinh môi trường;

c) Đảm bảo đủ các điều kiện phòng cháy, chữa cháy.

2. Chủ địa điểm triển lãm chỉ được cho thực hiện triển lãm khi có giấy đăng ký hoặc giấy phép triển lãm của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 11, Điều 13 Quy chế này.

Điều 7. Người tổ chức triển lãm

Người tổ chức triển lãm là tổ chức, cá nhân đứng tên đăng ký hoặc xin giấy phép triển lãm. Người tổ chức triển lãm có trách nhiệm:

1. Bảo đảm nội dung, hình thức trưng bày của triển lãm đúng với hồ sơ đã đăng ký hoặc giấy phép triển lãm đã được cấp;

2. Trường hợp sau khi đăng ký hoặc đã được cấp giấy phép, muốn thay đổi về nội dung, thiết kế trưng bày, địa điểm, thời gian triển lãm, phải có văn bản đề nghị với cơ quan đã đăng ký (đối với triển lãm thuộc loại đăng ký), với cơ quan đã cấp giấy phép (đối với triển lãm thuộc loại cấp giấy phép) và chỉ được thực hiện sự thay đổi khi được cơ quan đó đồng ý;

3. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền đăng ký hoặc cấp giấy phép triển lãm cần duyệt nội dung triển lãm trước ngày khai mạc, người tổ chức triển lãm phải tạo điều kiện để cơ quan có thẩm quyền duyệt;

4. Không được lợi dụng triển lãm để tổ chức các hoạt động khác không phù hợp với mục đích, nội dung của triển lãm đã đăng ký hoặc đã được cấp phép.

Điều 8. Triển lãm của Việt Nam đưa ra nước ngoài

Tổ chức, cá nhân Việt Nam đưa triển lãm ra nước ngoài phải có thư mời của đối tác nước ngoài hoặc văn bản ký kết với nước ngoài có giá trị pháp lý và phải được cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá-thông tin có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định tại Điều 13 Quy chế này.

Điều 9. Triển lãm của nước ngoài trưng bày tại Việt Nam

Triển lãm của tổ chức, cá nhân nước ngoài, đưa từ nước ngoài vào, hoặc của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam trưng bày tại Việt Nam phải được cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá-thông tin có thẩm quyền cấp giấy phép theo quy định tại Điều 13 Quy chế này.

Điều 10. Các hoạt động khác trong triển lãm

Các hoạt động khác trong triển lãm: Quảng cáo, họp báo, hoạt động văn hoá-nghệ thuật, thể thao, vui chơi giải trí phải tuân thủ các quy định của pháp luật về các hoạt động đó.

Chương 3:

THẨM QUYỀN ĐĂNG KÝ, CẤP PHÉP, THỦ TỤC ĐĂNG KÝ, CẤP PHÉP TRIỂN LÃM

Điều 11. Thẩm quyền đăng ký triển lãm

Cơ quan quản lý nhà nước về văn hóa-thông tin có thẩm quyền đăng ký triển lãm của tổ chức, cá nhân Việt Nam trưng bày trong nước quy định như sau:

1. Cục Văn hoá - Thông tin cơ sở thuộc Bộ Văn hóa-Thông tin nhận đăng ký triển lãm của các cơ quan tổ chức ở trung ương có quy mô toàn quốc và khu vực.

2. Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nhận đăng ký triển lãm của tổ chức, cá nhân địa phương và triển lãm của cơ quan, tổ chức ở trung ương không thuộc quy định khoản 1 Điều này trưng bày tại địa phương.

Điều 12. Thủ tục đăng ký, trách nhiệm của cơ quan đăng ký triển lãm

Tổ chức, cá nhân đăng ký triển lãm gửi hồ sơ đến cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá-thông tin có thẩm quyền theo quy định tại Điều 11 Quy chế này trước thời gian dự định khai mạc triển lãm ít nhất 15 ngày làm việc.

1. Hồ sơ đăng ký triển lãm gồm:

a) Văn bản đăng ký triển lãm trong đó ghi rõ tên người tổ chức, tên triển lãm, nội dung, quy mô, thời gian, địa điểm triển lãm;

b) Đề cương triển lãm, bản thiết kế trưng bày, danh mục hiện vật, tài liệu triển lãm;

c) Các văn bản có liên quan đến việc tổ chức triển lãm:

- Hợp đồng thuê địa điểm, nếu là địa điểm của người đăng ký triển lãm phải có văn bản xác nhận quyền sử dụng;

- Ý kiến của cơ quan chủ quản cấp bộ, ngành và đoàn thể đối với triển lãm của cơ quan, tổ chức ở trung ương hoặc cấp sở, ngành và đoàn thể đối với triển lãm của cơ quan, tổ chức ở địa phương;

- Đối với triển lãm của tổ chức, cá nhân không có cơ quan chủ quản phải có ý kiến của cơ quan cấp sở có thẩm quyền quản lý nhà nước về nội dung triển lãm đó;

- Văn bản xác nhận địa điểm triển lãm có đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền.

2. Sau thời hạn 10 ngày làm việc từ khi nộp hồ sơ, cơ quan đăng ký triển lãm không có ý kiến từ chối bằng văn bản, người đăng ký triển lãm được thực hiện triển lãm đó theo đúng hồ sơ đã đăng ký.

Nếu cơ quan đăng ký triển lãm có yêu cầu sửa đổi nội dung triển lãm, tổ chức, cá nhân đăng ký triển lãm có trách nhiệm thực hiện theo yêu cầu đó, thời hạn sửa đổi nội dung quy định trong văn bản yêu cầu, nhưng tối đa không quá 5 ngày làm việc kể từ khi có văn bản yêu cầu; nếu không chấp hành, cơ quan đăng ký có quyền không cho phép triển lãm.

3. Trách nhiệm của cơ quan đăng ký triển lãm:

a) Khi nhận hồ sơ đăng ký triển lãm phải cấp giấy đăng ký triển lãm, trong giấy đăng ký ghi rõ: Tên của tổ chức, cá nhân đăng ký triển lãm, tên triển lãm, nội dung, thời gian, địa điểm tổ chức triển lãm;

b) Trường hợp cần thẩm định nội dung triển lãm, phải trưng cầu thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chuyên ngành về nội dung triển lãm đó;

c) Trường hợp không cho phép triển lãm phải nêu rõ lý do bằng văn bản trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ khi nhận đăng ký, hoặc thời hạn 5 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ đã sửa đổi;

d) Theo dõi, giám sát hoạt động cuộc triển lãm đó.

Điều 13. Thẩm quyền cấp giấy phép triển lãm

Cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá-thông tin có thẩm quyền cấp giấy phép triển lãm của tổ chức, cá nhân Việt Nam đưa ra nước ngoài, triển lãm của tổ chức, cá nhân nước ngoài trưng bầy tại Việt Nam quy định như sau:

1. Bộ Văn hoá-Thông tin cấp giấy phép:

a) Triển lãm của cơ quan, tổ chức ở trung ương hoặc triển lãm của cơ quan, tổ chức ở địa phương mang danh nghĩa triển lãm quốc gia Việt Nam đưa ra nước ngoài;

b) Triển lãm của nước ngoài trưng bày tại Việt Nam.

2. Cục Văn hoá-Thông tin cơ sở cấp giấy phép:

a) Triển lãm có sự kết hợp nội dung của nước ngoài và nội dung của Việt Nam trưng bày tại Việt Nam;

b) Triển lãm của nước ngoài do Bộ Văn hoá-Thông tin uỷ quyền.

3. Sở Văn hoá-Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cấp gấy phép:

a) Triển lãm của tổ chức, cá nhân ở địa phương đưa ra nước ngoài trừ trường hợp thuộc thẩm quyền của Bộ Văn hoá-Thông tin hoặc Cục Văn hoá-Thông tin cơ sở;

b) Triển lãm của nước ngoài trưng bày tại địa phương theo sự uỷ quyền của Bộ Văn hoá-Thông tin.

Điều 14. Thủ tục xin phép, trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép triển lãm của Việt Nam đưa ra nước ngoài

1. Tổ chức, cá nhân Việt Nam xin giấy phép đưa triển lãm ra nước ngoài gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đến cơ quan quản lý nhà nước về Văn hoá-Thông tin có thẩm quyền theo quy định tại Điều 13 Quy chế này.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép trong đó ghi rõ tên của tổ chức, cá nhân xin phép, tên triển lãm, nội dung và mục đích, địa điểm triển lãm ở nước ngoài;

b) Thư mời hoặc văn bản ký kết của đối tác nước ngoài;

c) Danh mục hiện vật, tài liệu triển lãm đưa ra nước ngoài;

d) Ý kiến của cơ quan chủ quản cấp bộ, ngành và đoàn thể đối với triển lãm của cơ quan, tổ chức ở trung ương, hoặc cấp sở, ngành và đoàn thể đối với triển lãm của cơ quan, tổ chức ở địa phương. Đối với triển lãm của tổ chức, cá nhân không có cơ quan chủ quản phải có ý kiến của cơ quan cấp sở có thẩm quyền quản lý nhà nước về nội dung triển lãm đó.

2. Trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép triển lãm:

a) Trong thời hạn 10 ngày làm việc từ khi nhận hồ sơ phải xem xét, cấp giấy phép; trong giấy phép ghi rõ: Tên của tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép, tên và nội dung triển lãm, thời gian và địa điểm triển lãm ở nước ngoài; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản nói rõ lý do;

b) Trường hợp cần thẩm định nội dung triển lãm, phải trưng cầu thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chuyên ngành về nội dung triển lãm đó.

Điều 15. Thủ tục xin phép, trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép triển lãm của nước ngoài trưng bầy tại Việt Nam

1. Triển lãm của tổ chức, cá nhân đưa từ nước ngoài vào trưng bày tại Việt Nam, hoặc có sự kết hợp nội dung của nước ngoài với nội dung của Việt Nam theo thoả thuận hoặc ký kết giữa tổ chức, cá nhân Việt Nam với tổ chức, cá nhân nước ngoài phải do đối tác Việt Nam xin giấy phép.

2. Triển lãm của tổ chức, cá nhân nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam có giới thiệu với công chúng Việt Nam, do tổ chức, cá nhân đứng tên tổ chức triển lãm xin giấy phép.

3. Tổ chức, cá nhân xin giấy phép triển lãm của nước ngoài trưng bày tại Việt Nam gửi hồ sơ đề nghị cấp giấy phép đến cơ quan quản lý nhà nước về văn hoá-thông tin có thẩm quyền theo quy định tại Điều 13 Quy chế này trước trước thời gian dự định khai mạc triển lãm ít nhất 15 ngày làm việc.

Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép triển lãm gồm:

a) Văn bản đề nghị cấp giấy phép triển lãm trong đó ghi rõ tên người tổ chức, tên triển lãm, nội dung, quy mô, thời gian, địa điểm triển lãm;

b) Thư mời hoặc văn bản ký kết với đối tác nước ngoài về việc triển lãm của nước ngoài trưng bầy tại Việt Nam;

c) Đề cương nội dung, bản thiết kế trưng bày, danh mục hiện vật, tài liệu triển lãm;

d) Các văn bản có liên quan đến việc tổ chức triển lãm:

- Hợp đồng thuê địa điểm, nếu là địa điểm của người xin giấy phép triển lãm phải có văn bản xác nhận quyền sử dụng;

- Văn bản xác nhận địa điểm triển lãm có đủ điều kiện phòng cháy, chữa cháy của cơ quan có thẩm quyền.

4. Trách nhiệm của cơ quan cấp giấy phép triển lãm:

a) Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ khi nhận hồ sơ phải xem xét, cấp giấy phép; trong giấy phép ghi rõ: Tên người tổ chức, tên triển lãm, nội dung, thời gian, địa điểm tổ chức triển lãm; trường hợp không cấp giấy phép phải có văn bản nói rõ lý do;

b)Trường hợp cần thẩm định nội dung triển lãm, phải trưng cầu thẩm định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý chuyên ngành về nội dung triển lãm đó;

c) Theo dõi, giám sát hoạt động triển lãm đó.

Chương 4:

XỬ LÝ VI PHẠM VÀ KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG HOẠT ĐỘNG TRIỂN LÃM

Điều 16. Xử lý vi phạm

1. Người hoạt động triển lãm có hành vi vi phạm quy định tại Quy chế này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử phạt hành chính theo các quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa-thông tin hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Thanh tra nhà nước về văn hoá-thông tin thực hiện việc thanh tra, xử lý vi phạm theo các quy định của pháp luật hiện hành.

3. Người đăng ký, cấp phép, kiểm tra, thanh tra hoạt động triển lãm có hành vi vi phạm các quy định tại Quy chế này tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Khiếu nại, tố cáo

1. Cá nhân có quyền tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về các hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động triển lãm.

2. Tổ chức, cá nhân hoạt động triển lãm có quyền khiếu nại với cá nhân, cơ quan nhà nước có thẩm quyền về quyết định cho phép, không cho phép hoặc quyết định xử lý vi phạm trong hoạt động triển lãm theo quy định tại luật khiếu nại, tố cáo.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Hiệu lực thi hành

1. Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

2. Cục Văn hoá-Thông tin cơ sở thuộc Bộ Văn hoá-Thông tin, Sở Văn hoá-Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 41/2002/QĐ-BVHTT về Quy chế về hoạt động triển lãm do Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin ban hành

  • Số hiệu: 41/2002/QĐ-BVHTT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 31/12/2002
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá-Thông tin
  • Người ký: Phạm Quang Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 7
  • Ngày hiệu lực: 15/01/2003
  • Ngày hết hiệu lực: 01/11/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản