Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 409/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 21 tháng 3 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH CHI TIẾT XÂY DỰNG TỶ LỆ 1/2.000 ĐẠI HỌC QUỐC GIA THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 22 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Xét đề nghị của Bộ Xây dựng và Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh với nội dung như sau:

1. Vị trí, quy mô và ranh giới lập quy hoạch:

Khu đất Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có diện tích 643,7 ha, thuộc địa phận quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh và thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương. Vị trí cụ thể được giới hạn như sau:

- Phía Bắc giáp phần còn lại phường Bình Thắng, giáp phường Bình An, giáp phần còn lại phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương;

- Phía Nam giáp quốc lộ 1, trường Đại học Nông Lâm thành phố Hồ Chí Minh, trường Đại học Thể dục thể thao Trung ương II và Viện Công nghệ sinh học nhiệt đới;

- Phía Đông giáp trường Đại học An Ninh, quốc lộ 1 và khu dân cư phường Đông Hòa, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương;

- Phía Tây giáp phần còn lại của phường Linh Xuân, quận Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh.

(Ranh giới quy hoạch được giữ nguyên theo ranh giới dự án đã được phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung năm 2001, Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 năm 2003 và được cụ thể hóa trên các bản đồ của hồ sơ quy hoạch).

2. Tính chất, quy mô đào tạo của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh:

Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lãnh vực, chất lượng cao, làm nòng cốt trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam và hướng đến xây dựng một hệ thống đại học trong tốp đầu châu Á.

Quy mô đào tạo đến năm 2030 là 65.000 sinh viên.

3. Mục tiêu lập điều chỉnh quy hoạch:

- Đáp ứng yêu cầu về quy mô đào tạo và các chức năng mới theo kế hoạch chiến lược phát triển của Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

- Rà soát, hoàn chỉnh dự án theo các yêu cầu phát triển mới về quy mô đào tạo, bối cảnh phát triển của khu vực và hoàn thiện khu Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh (viết tắt là khu Đại học) trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia.

- Xây dựng các công cụ quản lý mang tính tổng thể về quy hoạch kiến trúc, cảnh quan và hạ tầng kỹ thuật, làm cơ sở cho công tác quản lý đầu tư xây dựng và thu hút các nguồn lực phát triển dự án.

- Là cơ sở để lập dự án đầu tư xây dựng, lập mới hoặc điều chỉnh quy hoạch chi tiết các dự án thành phần.

4. Nội dung điều chỉnh quy hoạch:

- Điều chỉnh mở rộng các trường Đại học Quốc tế, Đại học Kinh tế - Luật và Đại học Công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu tăng quy mô đào tạo. Đồng thời dịch chuyển vị trí các khoa Địa chất dầu khí, khoa Giáo dục, khoa Ngoại ngữ để dành quỹ đất mở rộng các trường nêu trên.

- Bố trí khoa Y Bệnh viện thực hành (dự kiến thành lập trường Đại học Khoa học Sức khỏe) vào khu vực phía Bắc của dự án, gắn với công viên khoa học của khu Đại học.

- Điều chỉnh sắp xếp lại khu vực Viện nghiên cứu và Khu công viên khoa học, đáp ứng các yêu cầu quỹ đất để bố trí các viện nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất.

- Bố trí khu dịch vụ thông tin truyền thông vào quỹ đất dự trữ (vị trí tiếp giáp với quốc lộ 1A và trường Đại học Nông Lâm) đáp ứng các hoạt động sản xuất, in ấn, chế bản, các dịch vụ thông tin và dịch vụ công cộng khác thuộc hoạt động của khu Đại học.

- Mở rộng các trục giao thông để đáp ứng các hoạt động đi bộ, đi xe đạp, giao thông công cộng và các tiện ích hỗ trợ giao thông đặc thù của đô thị đại học.

5. Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị:

a) Tổ chức không gian tổng thể:

- Xây dựng các tổ hợp không gian chức năng, gắn kết hài hòa với cảnh quan tự nhiên, phản ánh nét đặc trưng của từng khu vực. Các công trình trong khu Đại học được xây dựng theo hướng thấp tầng, mật độ thấp. Ưu tiên phát triển các không gian mở, không gian công cộng, mặt nước, cây xanh và không gian đi bộ.

- Hình thành các không gian cửa ngõ, tạo điểm nhấn cho Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tại các vị trí kết nối khu đại học với các tuyến đường đối ngoại (xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A, quốc lộ 1K, đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên).

- Điều chỉnh quy hoạch, kiến trúc của các dự án khoa hoặc trường theo các hình thái kiến trúc cảnh quan đặc trưng trên nguyên tắc kết nối và thống nhất toàn khu đại học.

- Bổ sung các không gian giao lưu, sân bãi luyện tập thể chất, công trình văn hóa, tiện ích công cộng tại các khu vực ký túc xá. Hình thành các tuyến phố đi bộ dành cho sinh viên. Gắn với các tuyến phố đi bộ này là các tổ hợp công trình đa năng.

- Bổ sung hệ thống cầu vượt bộ hành, mái che mưa nắng, chiếu sáng ban đêm, điểm dừng nghỉ, đường đi bộ; bảo đảm thuận tiện, an toàn trong kết nối liên hoàn từ tổng thể khu quy hoạch đến từng khu vực và từng dự án thành phần.

- Phát triển mạng lưới cây xanh gồm các công viên cây xanh mặt nước tập trung, hệ thống sân vườn của các dự án thành phần, cây xanh dọc các tuyến đường... trên cơ sở khai thác tối đa khả năng hiện trạng. Các khu vực hồ đá được cải tạo cảnh quan, thiết kế theo các chủ đề nhằm hình thành nên các không gian công cộng phục vụ cho nhu cầu nghỉ ngơi, hoạt động giao lưu. Có giải pháp thiết kế phù hợp, bảo đảm an toàn cho mọi người khi tiếp cận các khu vực hồ đá.

b) Tổ chức không gian các trục chính và điểm nhấn:

- Xây dựng 02 trung tâm dịch vụ công cộng là tổ hợp công trình điểm nhấn, cung cấp dịch vụ cho hoạt động đào tạo, sinh hoạt của sinh viên và cán bộ giảng viên trong khu đại học.

- Các trục đường đấu nối ra xa lộ Hà Nội, quốc lộ 1A được tổ chức không gian trên cơ sở kết hợp giữa các công trình kiến trúc với không gian các bãi đỗ xe tạo cảnh quan hài hòa, thẩm mỹ và ấn tượng. Các công trình được thiết kế tạo điểm nhấn; đặc biệt là tại 03 vị trí vào trung tâm dịch vụ công cộng 1, trung tâm điều hành và trường Đại học Kinh tế - Luật.

- Các trục đường chính được ưu tiên sử dụng cho các hoạt động giao thông công cộng, đi bộ và kết nối các khu chức năng; kết hợp tổ chức thành các trục phố đi bộ theo chủ đề gắn với công trình đặc trưng. Trên các trục đường này, bố trí các tiện ích đô thị phục vụ nhu cầu giao thông như hệ thống bến bãi đỗ xe, dịch vụ thương mại, nhà chờ, điểm đỗ xe buýt... và cổng vào của các trường đại học, viện nghiên cứu, ký túc xá.

6. Quy hoạch sử dụng đất:

- Khu các khoa hoặc trường thành viên (gồm các ô có ký hiệu HT1 - HT11): Diện tích 180,20 ha (chiếm 28,0% diện tích tự nhiên); mật độ xây dựng tối đa 25%; tầng cao là 3 - 8 tầng, tầng cao tối đa 15 tầng. Quỹ đất dự trữ phát triển khoảng 30% tại các trường thành viên được sử dụng làm sân bãi và công viên cây xanh gắn với các không gian xanh chung của toàn khu Đại học.

- Khu các trung tâm điều hành và dịch vụ công cộng (gồm các ô có ký hiệu ĐH; CC1 - CC4): Diện tích đất 54,21 ha (chiếm 8,4% diện tích toàn khu đại học); mật độ xây dựng tối đa 30%; tầng cao công trình tối đa 30 tầng.

- Khu viện nghiên cứu và khu công nghệ phần mềm (gồm các ô có ký hiệu NC1 - NC3; PM1 - PM2): Diện tích đắt 53,97 ha (chiếm 8,4% diện tích tự nhiên); mật độ xây dựng tối đa 30%; tầng cao công trình tối đa là 25 tầng. Đối với các phòng thí nghiệm đặc thù sẽ có kiểm soát xây dựng riêng biệt.

- Trung tâm Thể dục thể thao (ký hiệu TDTT): Diện tích đất 29,50 ha (chiếm 4,6% diện tích tự nhiên); mật độ xây dựng tối đa 10%; tầng cao tối đa 4 tầng với khu tổ hợp công trình thi đấu trong nhà, sân vận động trung tâm và các sân thi đấu ngoài trời.

- Trung tâm Giáo dục quốc phòng và an ninh sinh viên: Diện tích đất 17,54 ha (chiếm 2,7% diện tích tự nhiên); mật độ xây dựng tối đa khoảng 30%; tầng cao tối đa 5 tầng, phục vụ nhu cầu học tập, rèn luyện và ở tại chỗ.

- Khu ký túc xá sinh viên (bao gồm Khu ký túc xá A, B và các khu vực mở rộng): Diện tích đất 50,77 ha (chiếm 7,9% diện tích tự nhiên); mật độ xây dựng tối đa 30%; tầng cao 5 - 12 tầng cho những công trình xây dựng giai đoạn 1 (khu Ký túc xá A) và 12 - 16 tầng cho những công trình xây dựng giai đoạn 2 ( Ký túc xá A mở rộng và Khu ký túc xá B). Bổ sung các công trình dịch vụ công cộng trong các khu ở sinh viên để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt đặc thù của sinh viên.

- Khu nhà công vụ (có ký hiệu NCV): Diện tích 8,00 ha (chiếm 1,2% diện tích tự nhiên); mật độ xây dựng tối đa 30%; tầng cao tối đa 15 tầng.

- Đất cây xanh - mặt nước tập trung (gồm các ô có ký hiệu CX1 - CX5): diện tích đất 125,36 ha (chiếm 19,47% diện tích tự nhiên; bao gồm 78,0 ha hồ đá); xây dựng các công trình dịch vụ công cộng, hạ tầng kỹ thuật với mật độ xây dựng tối đa 10%; tầng cao tối đa 3 tầng. Đất công viên cây xanh kết hợp với các khu vực dự trữ phát triển tại các đơn vị thành viên và hệ thống công viên cây xanh trong các khu chức năng tạo nên hệ thống không gian xanh của toàn khu đại học.

- Đất giao thông chung và hạ tầng đầu mối với diện tích 101,59 ha (chiếm 15,8% diện tích tự nhiên). Quỹ đất này chủ yếu là hệ thống hạ tầng khung của toàn khu đại học, tại các khu vực chức năng còn quỹ đất bố trí cho giao thông nội bộ và sân bãi theo từng dự án thành phần.

- Đất dự trữ phát triển có diện tích 22,56 ha (chiếm 3,5% diện tích đất toàn khu). Quỹ đất này kết hợp với các quỹ đất dự trữ phát triển tại các khu vực đất chức năng khác như: Các trường hoặc khoa trực thuộc, các trung tâm và viện nghiên cứu,... sẽ được sử dụng khi có nhu cầu phát sinh.

Bảng tổng hợp các chỉ tiêu sử dụng đất:

TT

Chức năng

Diện tích
(ha)

Tỷ lệ
(%)

Mật độ xây dựng
(%)

Tầng cao
(tầng)

Hệ số sử dụng đất
(lần)

1

Các trường thành viên và khoa trực thuộc

180,20

28,2

25

5 - 15

0,6 - 0,8

2

Các trung tâm, viện nghiên cứu

155,22

24,3

20 - 25

 

0,4 - 0,6

 

 - Khu trung tâm điều hành, DVCC

54,21

8,3

15 - 25

3 - 30

0,3 - 0,8

 

 - Khu viện nghiên cứu

34,70

5,7

25

9 - 15

0,4 - 0,6

 

 - Khu công nghệ phần mềm

19,27

3,0

25

16 - 27

0,5 - 0,6

 

 - Trung tâm TDTT

29,50

4,6

20

4

0,3 - 0,4

 

 - Trung tâm GDQP

17,54

2,7

25

5

0,4 - 0,5

3

Khu ký túc xá

50,77

7,9

30

5 - 16

1,0 - 1,2

4

Khu nhà công vụ

8,00

1,2

30

5 - 15

0,4 - 0,6

5

Cây xanh, mặt nước

125,36

10,5

10

1 - 3

0,1 - 0,2

6

Giao thông, HTKT đầu mối

101,59

15,0

 

 

 

7

Dự trữ phát triển

22,56

3,5

 

 

 

 

Tổng cộng

643,7

100,0

 

 

 

7. Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật:

a) Quy hoạch giao thông:

- Mạng lưới giao thông:

+ Khung giao thông cơ bản được giữ nguyên theo Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 đã được phê duyệt tại Quyết định số 660/QĐ - TTg ngày 17 tháng 6 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.

+ Điều chỉnh mạng lưới giao thông theo hướng phù hợp với điều kiện thực trạng và tăng cường các kết nối với giao thông tại khu vực. Hệ thống các tuyến đường được điều chỉnh mở rộng mặt cắt để đáp ứng nhu cầu giao thông đi bộ, giao thông công cộng.

+ Hệ thống giao thông được phân cấp thành các tuyến đường chính, đường khu vực và đường vành đai. Hệ thống giao thông được thiết kế đáp ứng nhu cầu giao thông cơ giới, đường đi bộ, đường đi xe đạp và giao thông công cộng. Các loại hình giao thông được thiết kế hỗn hợp hoặc thiết kế riêng theo từng đoạn tuyến.

+ Bố trí đường vành đai và kiểm soát các điểm đấu nối để hạn chế các luồng giao thông đô thị đi xuyên qua khu vực dự án, làm ảnh hưởng tới môi trường giáo dục đào tạo.

+ Bố trí 02 bến xe buýt để tiếp nhận và vận chuyển hành khách đi và đến khu đô thị đại học tại các khu vực cửa ngõ.

- Quy mô và phân cấp tuyến:

+ Giữ nguyên bề rộng lòng đường theo quy hoạch và dự án đã thực hiện, điều chỉnh bề rộng vỉa hè lên tối thiểu 5 m, mở rộng vỉa hè một số tuyến trục chính để bố trí đường cho xe đạp và người đi bộ đồng thời đủ quỹ đất dự trữ mở rộng mặt cắt đường khi có nhu cầu giao thông cơ giới.

Quy mô mặt cắt ngang các tuyến đường trong khu Đại học như sau:

+ Đường trục chính trung tâm: Mặt cắt ngang 48,0 m; lòng đường 2 x 15,0 m; vỉa hè 7 m + 7 m; giải phân cách giữa 4,0 m.

- Đường trục chính khu vực: Mặt cắt ngang 31,5 m ÷ 41,5 m; lòng đường 2 x 7,5 m; vỉa hè mỗi bên 7,5 m ÷ 12,5 m; giải phân cách giữa 1,5 m.

+ Đường khu vực: Mặt cắt ngang 20,0 m ÷ 35,0 m; lòng đường 10,0 ÷ 15,0 m; vỉa hè mỗi bên từ 5,0 m ÷ 10,0 m; không có giải phân cách giữa.

+ Đường vành đai 01 (tiếp giáp với phường Bình An và phường Bình Thắng): Mặt cắt ngang 22,0 m; lòng đường 12,0m; vỉa hè 5,0 m + 5,0 m; không có giải phân cách giữa.

+ Đường vành đai 02 (tiếp giáp với phường Đông Hòa): Mặt cắt ngang 25,0 m; lòng đường 15,0m; vỉa hè 5,0 m + 5,0 m; không có giải phân cách giữa.

+ Đường vành đai 03 (là tuyến kết nối quốc lộ 1K đến đường xuyên Á): Mặt cắt ngang 32,0 m; lòng đường 2 x 11,25 m; vỉa hè 3,0 m + 5,0 m; giải phân cách giữa 1,5 m.

- Công trình phục vụ giao thông:

+ Diện tích chỗ đỗ xe vào khoảng trên 25 ha + 30 ha bố trí phân tán trong các khu vực chức năng.

+ Bãi đỗ xe buýt: Mạng lưới xe buýt được bố trí với 2 bến đầu cuối:

Bến số 1: Bố trí tiếp giáp với khu ký túc xá A và xa lộ Hà Nội tại khu vực cổng chính, có thể tiếp cận trực tiếp với ga tàu điện (dự kiến) thuộc đường sắt đô thị Bến Thành - Suối Tiên phục vụ cho khu Đại học và các khu chức năng lân cận. Đây là bến tiếp nhận các tuyến xe buýt của thành phố và các tỉnh lân cận. Diện tích bến khoảng 1,58 ha.

Bến số 2: Bố trí ở phía Bắc khu ký túc xá B, tiếp cận với đường vành đai số 03, phục vụ cho khu Đại học và các khu đô thị lân cận thuộc thị xã Dĩ An. Diện tích bến khoảng 1,77 ha.

- Các chỉ tiêu giao thông chính:

+ Diện tích đất giao thông: 101,59 ha.

+ Tỷ lệ đất giao thông: 15,8% (không bao gồm mạng lưới đường trong các trường thành viên và khu chức năng khác).

+ Chiều dài mạng lưới đường: 33,3 km.

+ Mật độ mạng lưới đường: 5,2 km/km2.

b) Quy hoạch nền xây dựng:

- Quy hoạch san nền theo nguyên tắc tôn trọng địa hình tự nhiên, hạn chế san gạt lớn, thực hiện san nền cục bộ theo từng công trình để bảo đảm yêu cầu tiêu thoát nước mặt và tạo cảnh quan. Cao độ nền dao động từ 8 m - 35 m, bình quân 11 m ÷ 12 m, độ dốc tự nhiên từ 3,2% ÷ 7,5%. Các suối (Nhum, Xuân Trường), hồ và các lạch được duy trì để giảm chi phí san lấp, bảo đảm thoát nước mặt.

- Khống chế cao độ mạng lưới đường giao thông và từng cụm công trình theo hiện trạng địa hình tự nhiên, phù hợp với các dự án đã được thực hiện.

- San lấp cục bộ bảo đảm độ dốc địa hình 0,4% < I ≤ 2%, cao ở giữa lô đất thoải ra các trục đường xung quanh từng khu để thoát nước nhanh nhất. Công tác đất tại khu vực dự án sẽ được cân bằng tại chỗ.

c) Quy hoạch thoát nước mặt:

- Phân chia lưu vực:

Dựa trên các trục tiêu thoát nước chính và địa hình khu vực thiết kế, phân chia thành 03 lưu vực chính:

+ Lưu vực 1 (phía Tây): Thoát theo trục tiêu suối Nhum, qua quốc lộ 1A, sang phía quận Thủ Đức.

+ Lưu vực 2 (phía Đông Bắc): Thoát theo trục tiêu ra rạch Đồng Tròn, thuộc phường Bình Thắng, thị xã Dĩ An.

+ Lưu vực 3 (phía Nam): Thoát theo trục tiêu qua xa lộ Hà Nội sang khu vực Suối Tiên - quận 9 và cống ngang trên xa lộ Trường Sơn.

Phân chia lưu vực 1 thành 02 lưu vực nhỏ; phân chia lưu vực 2 thành 04 lưu vực nhỏ để thoát nước nhanh nhất, đồng thời giảm tiết diện và độ sâu chôn cống; phân chia lưu vực 3 thành 02 lưu vực nhỏ.

Trong khu vực có 05 hồ lớn (hầm đá trước đây) có vai trò điều hòa nước mặt, các hồ được kết nối liên thông với nhau khi tràn thông qua các cống, mương hở và thoát ra rạch Đồng Tròn, phường Long Bình, Quận 9.

- Hệ thống thoát nước:

+ Hệ thống cống đi trên vỉa hè dọc các tuyến giao thông. Sử dụng cống hộp hoặc cống tròn bảo đảm đủ khẩu độ thoát nước.

+ Đoạn đầu cống nước mưa tự chảy trong máng đến ga thu đầu tiên với chiều dài tự chảy từ 35 m ÷ 50 m. Tại giao cắt giữa 2 tuyến cống hoặc thay đổi kích thước cống bố trí hố ga kỹ thuật.

+ Dọc các trục đường tùy theo độ dốc dọc đường sẽ đặt các hố ga thu nước mưa theo đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng. Ngoài ra tại các vị trí đặc biệt cũng sẽ thiết kế các hố ga thu nước mưa.

+ Kè mái các đoạn, tuyến mương hở bảo đảm an toàn kết cấu và tạo cảnh quan môi trường.

d) Quy hoạch cấp nước:

- Nhu cầu cấp nước tối đa: 19.000 m3/ngày đêm.

- Nguồn nước cấp lấy từ 4 điểm đấu nối như sau:

+ Điểm đấu nối cấp nước số 1 (đã xây dựng tại Đông Bắc trường Đại học An Ninh): D400 mm nối với tuyến ống cấp nước D600 mm trên quốc lộ 1A.

+ Điểm đấu nối cấp nước số 2 (vị trí Nam Khu công nghệ phần mềm II): D400 mm nối với tuyến ống cấp nước D600 mm trên quốc lộ 1A.

+ Điểm đấu nối cấp nước số 3 (vị trí Nam trường Đại học Kinh tế - Luật) : D300 mm nối với tuyến ống cấp nước D400 ram trên quốc lộ 1A.

+ Bổ sung mới điểm đấu nối số 4 (phía Bắc đường số 2): D200 mm nối với tuyến ống cấp nước D250 mm từ nhà máy nước Dĩ An.

- Mạng lưới cấp nước:

Mạng lưới cấp nước giữ nguyên theo dự án đang triển khai đầu tư gồm các tuyến ống cấp nước mạng vòng, kích thước đường ống D200 mm - D400 mxn. Bổ sung thêm một số tuyến và thay đổi kích thước một số tuyến ống để bảo đảm cấp nước cho toàn khu vực;

+ Bổ sung: Tuyến D200 mm phía bắc Khu Công viên khoa học; tuyến ống cấp nước D400 mm Nam khu Dịch vụ công cộng 1.

+ Giảm kích thước tuyến ống D400 mm phía Nam trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn xuống D300 mm. Tăng kích thước tuyến ống D200 mm phía Tây trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn lên D300 mm.

+ Chuyển vị trí tuyến ống D300 mm trên đường TC08 sang đường vành đai 03.

- Cứu hỏa: Bố trí các trụ chữa cháy tại các nút giao thông và dọc tuyến ống cấp nước chính. Chữa cháy áp lực thấp, khi có cháy nước sẽ được lấy từ trụ cứu hỏa. Hệ thống cứu hỏa của từng trường và trong từng công trình được thiết kế riêng, phù hợp với từng loại hình công trình.

đ) Quy hoạch cấp điện:

- Tổng công suất điện khu vực nghiên cứu thiết kế khoảng: 54 MW tương đương khoảng 64 MVA.

- Xây mới trạm 110/22 KV với công suất 2x40 MVA cấp riêng cho khu đô thị đại học.

- Lưới điện trung thế: Hạ ngầm tuyến đường dây 15 KV - 571, 572 Thủ Đức Bắc cấp điện cho thị xã Dĩ An dọc theo đường giao thông quy hoạch của khu vực, để bảo đảm mỹ quan cho khu vực nghiên cứu thiết kế. Xây dựng 5 mạch vòng (10 lộ) cáp trung thế 22 KV đi ngầm dọc các trục đường giao thông cấp nguồn cho các trạm hạ thế 15(22)/0.4 KV trong các khu chức năng Đại học Quốc gia.

- Lưới điện hạ thế: cấp điện áp 380/220 V, đi ngầm khi cấp cho các công trình cao tầng, các khối nhà lớn.

- Lưới điện chiếu sáng: Lưới điện chiếu sáng trong khu Đại học sử dụng cáp ngầm, bảo đảm theo tiêu chuẩn chiếu sáng hiện hành, hạn chế ô nhiễm ánh sáng.

- Trạm biến thế phân phối: Các trạm biến thế hiện có đang đấu nối với đường dây nổi 15 KV được đấu nối với đường cáp ngầm 22 KV sau khi hệ thống cáp ngầm được hoàn thiện.

e) Quy hoạch thông tin liên lạc:

- Mạng điện thoại được cung cấp từ một nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trong nước. Các đơn vị chức năng của khu Đại học sử dụng các tổng đài PABX để kết nối vào mạng PSTN.

- Hệ thống mạng LAN hỗ trợ mạng LAN không dây trong toàn khu Đại học để phục vụ các thiết bị di động.

- Hạ ngầm tất cả các loại cáp xuống cống bể, trên đường nội bộ có mặt cắt nhỏ, có thể chôn trực tiếp ống nhựa xuống mặt đường, bảo đảm chất lượng thông tin và mỹ quan.

g) Thu gom và xử lý nước thải:

- Giữ nguyên: Hệ thống thoát nước riêng; các tuyến cống đã thi công.

- Điều chỉnh từ 02 thành 04 lưu vực thu gom và xử lý nước thải tập trung ứng với 04 trạm xử lý nước thải với tổng công suất tối đa 14.000 m3/ngày đêm.

- Nước thải sinh hoạt sau khi xử lý đạt loại B theo Quy chuẩn Việt Nam. Nước thải các phòng thí nghiệm, bệnh viện, cơ sở y tế thu gom và xử lý riêng. Nước thải sau xử lý có thể sử dụng cho các mục đích tưới cây, rửa đường, dự phòng cứu hoả.

- Các dự án khi triển khai xây dựng phải có phương án thu gom và xử lý nước thải, tuân thủ quy hoạch về hướng thoát nước; cao độ điểm xả thải bảo đảm đấu nối với hệ thống chung.

h) Quản lý chất thải rắn (CTR):

- Tổ chức phân loại CTR tại nguồn: Tại các cơ quan, trường học, công trình công cộng,... bố trí các thùng rác công cộng; các thùng thu gom rác nhỏ tại các đường trục chính. Mỗi trường, cơ quan, khu nhà ký túc xá bố trí 01 điểm tập trung (hầm chứa CTR), rác được tập kết vào giờ quy định.

- Thu gom tập trung hằng ngày theo phương thức không tiếp đất. CTR các phòng thí nghiệm, CTR y tế nguy hại được thu gom riêng. CTR sau khi thu gom bằng xe chuyên dụng chuyển trực tiếp về điểm tập trung hoặc khu xử lý CTR thành phố theo quy hoạch.

i) Quản lý nghĩa trang:

Không sử dụng nghĩa trang công giáo phường Đông Hòa và nghĩa trang phường Linh Trung nằm trong ranh giới quy hoạch. Khi có nhu cầu sử dụng đất sẽ di dời về nghĩa .trang tập trung theo quy hoạch.

8. Nguồn vốn thực hiện:

Nhu cầu vốn cụ thể được xác định trong giai đoạn lập điều chỉnh dự án đầu tư xây dựng và phương án về thời điểm kết thúc của dự án, cách thức huy động và phân bổ nguồn vốn. Nguồn vốn xây dựng dự án gồm vốn nhà nước và các nguồn vốn huy động khác.

9. Đánh giá môi trường chiến lược:

a) Bảo vệ môi trường nước mặt: Quan trắc, giám sát và kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước các hồ cảnh quan. Xử lý sơ bộ nước thải phát sinh theo từng khu chức năng (khu ký túc xá, các Viện, Trung tâm nghiên cứu, bệnh viện, khu học tập...). Nước thải sau khi xử lý đưa về trạm xử lý tập trung đạt tiêu chuẩn trước khi xả ra hệ thống thoát nước mặt.

b) Bảo vệ môi trường không khí, tiếng ồn: Phát triển giao thông công cộng, giao thông đi bộ, xe đạp giảm thiểu ảnh hưởng tới môi trường. Xây dựng 02 trạm quan trắc môi trường không khí tại nút giao thông chính và khu ký túc xá B.

c) Bảo vệ môi trường đất: Theo dõi khảo sát xói lở đất tại ven hồ đá hoặc nơi địa hình có độ dốc lớn, phục hồi hệ sinh thái, hạn chế xói mòn. Kè tạo cảnh quan các khu vực ven hồ đá, ven suối và các mái taluy. Thực hiện các biện pháp giảm thiểu, xử lý triệt để nước thải, chất thải rắn phát sinh gây ô nhiễm môi trường đất.

d) Biện pháp quản lý chất thải rắn: Phân loại chất thải ngay tại nguồn phát sinh. Tại các khu vực viện, trung tâm nghiên cứu, cơ sở sản xuất và các bệnh viện có phát sinh chất thải nguy hại cần phân loại và xử lý theo quy định. Chất thải rắn sau khi phân loại, được vận chuyển tới trạm trung chuyển hoặc khu xử lý chung của khu vực.

đ) Bảo vệ tài nguyên, hệ sinh thái: Phát triển hệ thống cây xanh bảo đảm cảnh quan và môi trường, tận dụng thảm thực vật bản địa có giá trị tạo cảnh quan, đồng thời phát triển một số chủng loại cây thích hợp nhằm cải thiện chất lượng môi trường.

e) Giảm thiểu các tác động xã hội, tăng cường an toàn đô thị: Thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng đúng quy định, hạn chế các tác động tiêu cực trong quá trình xây dựng đối với hoạt động học tập và sinh hoạt của sinh viên. Phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng bộ máy quản lý, bảo đảm an ninh, trật tự tại khu vực.

10. Quy định quản lý:

Ban hành Quy định quản lý theo đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được duyệt.

Điều 2. Tổ chức thực hiện:

- Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Xây dựng công bố đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

- Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện rà soát điều chỉnh các quy hoạch, dự án thành phần phù hợp với đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 được duyệt; lập và ban hành Quy chế quản lý quy hoạch, kiến trúc theo quy định.

- Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương tiến hành rà soát điều chỉnh các quy hoạch, dự án cận kề với Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, bảo đảm tính kết nối và thống nhất trong phát triển không gian và cơ sở hạ tầng.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Giám đốc Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ: Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ; Tài nguyên và Môi trường;
- Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố Hồ Chí Minh;
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Bỉnh Dương;
- Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, NC, V.III KGVX;
- Lưu: Văn thư, KTN (3b).KN

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 409/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 409/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 21/03/2014
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Vũ Đức Đam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/03/2014
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản