Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 405/2008/QĐ-UBND

Tuy Hòa, ngày 05 tháng 3 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ VẬN HÀNH CÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT TẬP TRUNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 07 tháng 02 năm 2005 và Nghị định số 111/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;
Căn cứ Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Chính phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch;
Căn cứ Quyết định số 104/2000/QĐ-TTg ngày 25 tháng 8 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 42/2002/QĐ-TTg ngày 19 tháng 3 năm 2002 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý và điều hành các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ Quyết định số 277/2006/QĐ-TTg ngày 11 tháng 12 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 80/2007/TTLT-BTC-BNN ngày 11 tháng 7 năm 2007 của liên Bộ Tài chính-Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2006-2010;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (tại Tờ trình số 49/TTr-SNN ngày 22 tháng 01 năm 2008),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế quản lý vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Điều 2. Giao cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Giám đốc các sở, ngành liên quan tổ chức hướng dẫn thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Thủ trưởng các sở, ban, ngành liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Tuy Hòa; Giám đốc Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn Phú Yên chịu trách nhiệm thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Chi

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ VẬN HÀNH CÁC CÔNG TRÌNH CẤP NƯỚC SINH HOẠT TẬP TRUNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ YÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 405/2008/QĐ-UBND ngày 05 tháng 3 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Quy chế này được áp dụng để quản lý, khai thác, sử dụng đối với các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, được đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước, nguồn tài trợ của các tổ chức quốc tế, vốn đóng góp của người dân vùng hưởng lợi và các nguồn tài trợ hợp pháp khác trên địa bàn tỉnh Phú Yên.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

1. Công trình cấp nước bằng động lực là công trình sử dụng máy bơm, bơm vào đường ống dẫn nước và phân phối nước.

2. Công trình cấp nước tự chảy là công trình không sử dụng bơm nhưng nước tự chảy được vào đường ống dẫn nước và phân phối nước.

3. Công trình cấp nước tập trung là công trình có qui mô phục vụ nhiều hộ gia đình, có hệ thống phân phối nước đến cụm dân cư hoặc đến hộ gia đình.

4. Công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn là công trình hạ tầng kỹ thuật nhằm khai thác nước phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân khu vực nông thôn (không bao gồm các thị trấn, thị tứ được đầu tư theo chương trình cấp nước của tỉnh).

5. Nước sạch là nước tự nhiên hoặc đã qua xử lý có các chỉ tiêu đạt theo Quyết định số 09/2005/QĐ-BYT ngày 11 tháng 3 năm 2005 của Bộ Y tế.

6. Sửa chữa nhỏ là loại sửa chữa mang tính chất thường xuyên trong năm nhằm duy trì sự hoạt động bình thường cho công trình.

7. Sửa chữa lớn là loại sửa chữa mang tính chất định kỳ nhằm bảo đảm công trình hoạt động như công suất thiết kế.

Điều 3. Nguyên tắc khai thác, sử dụng nguồn nước

Việc tổ chức khai thác nguồn nước để cung cấp cho các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, phải thực hiện theo Nghị định 149/2004/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước.

Điều 4. Vùng bảo vệ vệ sinh đối với công trình cấp nước

Vùng bảo vệ vệ sinh đối với công trình cấp nước tập trung đối với việc khai thác nguồn nước mặt, khai thác nguồn nước ngầm, công trình xử lý, đường ống dẫn nước cần phải tuân theo tiêu chuẩn TCXDVN 33:2006 “Cấp nước - mạng lưới đường ống và công trình” tại mục 11.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Tổ chức quản lý khai thác

Tất cả các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn và vệ sinh môi trường nông thôn sau khi xây dựng xong, chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý, khai thác hoặc bàn giao công trình cho chính quyền địa phương hoặc cá nhân, tổ chức như: Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp nông nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, cá nhân có đủ năng lực để quản lý, duy tu, bảo dưỡng và khai thác sử dụng công trình.

Trường hợp đơn vị quản lý, khai thác, vận hành là Hợp tác xã kinh doanh tổng hợp nông nghiệp, doanh nghiệp tư nhân, cá nhân quản lý, thực hiện theo Luật Hợp tác xã, Luật Doanh nghiệp và phải đảm bảo quản lý, khai thác, vận hành công trình có hiệu quả.

Điều 6. Định biên nhân sự quản lý ở các đơn vị cấp nước do chủ đầu tư hoặc chính quyền địa phương quản lý

Nhân sự tham gia quản lý công trình cấp nước phải có trình độ, chuyên môn chuyên ngành hoặc đã qua các lớp tập huấn về quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình nước sạch.

1. Đối với công trình cấp nước tự chảy:

a) Công trình phục vụ cho dưới 1.500 người, được bố trí 01 người;

b) Công trình phục vụ từ 1.500 người đến 2.000 người, được bố trí không quá 02 người;

c) Công trình phục vụ từ 2.000 người đến 5.000 người, được bố trí không quá 03 người;

d) Công trình phục vụ từ 5.000 người đến 10.000 người, được bố trí không quá 04 người;

e) Đối với công trình cấp nước phục vụ từ 10.000 người trở lên, cứ tăng thêm 5.000 dân, được bố trí thêm 01 người;

f) Đối với các công trình cấp nước tập trung tự chảy ở miền núi phục vụ dưới 1.500 người, được bố trí không quá 02 người.

2. Đối với công trình cấp nước bằng động lực:

Được thêm 01 người với cùng qui mô tương ứng với công trình cấp nước tự chảy.

3. Tiêu chuẩn nhân sự quản lý, vận hành công trình cấp nước: đảm bảo các tiêu chuẩn sau:

a) Công nhân có trình độ văn hóa tốt nghiệp trung học phổ thông đối với vùng đồng bằng; có trình độ văn hóa tốt nghiệp phổ thông cơ sở đối với vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa;

b) Đã qua các lớp bồi dưỡng quản lý, vận hành do các cơ quan nhà nước tổ chức;

c) Khuyến khích tuyển dụng các cá nhân có trình độ trung cấp thuộc chuyên ngành cấp thoát nước.

Điều 7. Hợp đồng dịch vụ cấp nước

1. Hợp đồng dịch vụ cấp nước là văn bản pháp lý được ký kết giữa đơn vị cấp nước với đối tượng sử dụng nước.

2. Hợp đồng dịch vụ cấp nước bao gồm các nội dung cơ bản sau:

a) Chủ thể hợp đồng;

b) Mục đích sử dụng;

c) Tiêu chuẩn và chất lượng dịch vụ;

d) Quyền và nghĩa vụ của các bên;

đ) Giá nước, phương thức và thời hạn thanh toán;

e) Điều kiện chấm dứt hợp đồng;

g) Xử lý vi phạm hợp đồng;

h) Các nội dung khác do hai bên thỏa thuận.

Điều 8. Thanh toán tiền nước

1. Khách hàng sử dụng nước phải thanh toán đủ và đúng thời hạn số tiền nước ghi trong hóa đơn cho đơn vị cấp nước. Phương thức, hình thức và địa điểm thanh toán do hai bên thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ cấp nước.

2. Khách hàng sử dụng nước chậm trả tiền nước quá 01 tháng so với thời hạn thanh toán được quy định trong hợp đồng dịch vụ cấp nước thì phải trả cả tiền lãi của khoản tiền chậm trả cho đơn vị cấp nước.

3. Đơn vị cấp nước thu thừa tiền nước phải hoàn trả cho khách hàng sử dụng nước khoản tiền thu thừa bao gồm cả tiền lãi của khoản tiền thu thừa nếu thời điểm hoàn trả sau một tháng so với thời điểm đã thu thừa tiền nước.

4. Lãi suất của số tiền chậm trả hoặc thu thừa do các bên thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ nhưng không vượt quá lãi suất cho vay cao nhất của ngân hàng mà đơn vị cấp nước có tài khoản ghi trong hợp đồng dịch vụ cấp nước tại thời điểm thanh toán.

5. Khách hàng sử dụng nước có quyền yêu cầu đơn vị cấp nước xem xét lại số tiền nước phải thanh toán. Khi nhận được yêu cầu của khách hàng sử dụng nước, đơn vị cấp nước có trách nhiệm giải quyết trong thời hạn 15 ngày làm việc. Trường hợp không đồng ý với cách giải quyết của đơn vị cấp nước, khách hàng sử dụng nước có thể đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền tổ chức việc hòa giải. Trong trường hợp không đề nghị hòa giải hoặc hòa giải không thành, khách hàng sử dụng nước có quyền khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Trong thời gian chờ giải quyết, khách hàng sử dụng nước vẫn phải thanh toán tiền nước và đơn vị cấp nước không được ngừng dịch vụ cấp nước.

Điều 9. Đo đếm nước

1. Thiết bị đo đếm nước phải phù hợp với tiêu chuẩn Việt Nam và được cơ quan quản lý nhà nước về đo lường kiểm chuẩn và niêm phong.

2. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm tổ chức ghi đúng chỉ số đồng hồ nước theo định kỳ và thông báo cho khách hàng sử dụng nước, khách hàng sử dụng nước có quyền kiểm tra, giám sát việc ghi chỉ số đồng hồ của đơn vị cấp nước.

3. Khách hàng sử dụng nước có trách nhiệm bảo vệ đồng hồ nước lắp đặt trong khu vực quản lý của mình và thông báo kịp thời cho đơn vị cấp nước khi phát hiện đồng hồ nước bị mất hoặc bị hỏng. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm bảo vệ đồng hồ nước lắp đặt ở ngoài khu vực quản lý của khách hàng sử dụng nước.

Điều 10. Kiểm định thiết bị đo đếm nước

1. Chỉ những tổ chức có thẩm quyền hoặc được ủy quyền theo quy định của cơ quan quản lý nhà nước về đo lường mới được phép kiểm định thiết bị đo đếm nước.

2. Đơn vị cấp nước có trách nhiệm tổ chức việc kiểm định thiết bị đo đếm nước theo đúng yêu cầu và thời hạn do cơ quan quản lý nhà nước về đo lường quy định.

Điều 11. Tạm ngừng, ngừng dịch vụ cấp nước

1. Tạm ngừng dịch vụ cấp nước:

Đơn vị cấp nước tạm ngừng dịch vụ cấp nước trong trường hợp khách hàng sử dụng nước có yêu cầu vì các lý do hợp lý như tạm vắng, tạm dừng sản xuất, kinh doanh trong một thời gian nhất định nhưng không chấm dứt hợp đồng dịch vụ cấp nước.

2. Ngừng dịch vụ cấp nước:

a) Đối với đối tượng sử dụng nước là hộ gia đình sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt:

Đơn vị cấp nước có thể ngừng dịch vụ cấp nước từ điểm đấu nối nếu khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nước hoặc do có lý do khách quan đã được thông báo trước, vi phạm các quy định của hợp đồng dịch vụ cấp nước sau 01 tháng kể từ khi có thông báo đến khách hàng sử dụng nước về việc ngừng dịch vụ cấp nước;

b) Đối với các đối tượng sử dụng nước khác:

Đơn vị cấp nước có thể ngừng dịch vụ cấp nước từ điểm đấu nối nếu khách hàng sử dụng nước không thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nước, vi phạm các quy định của hợp đồng dịch vụ cấp nước sau 15 ngày làm việc kể từ khi có thông báo đến khách hàng sử dụng nước về việc ngừng dịch vụ cấp nước.

Điều 12. Chấm dứt hợp đồng

1. Một trong hai bên có quyền chấm dứt hợp đồng dịch vụ cấp nước khi bên kia không thực hiện đúng các điều khoản của hợp đồng hoặc khách hàng sử dụng nước không còn nhu cầu sử dụng nước.

2. Hợp đồng dịch vụ cấp nước được khôi phục hoặc ký lại sau khi các vướng mắc giữa hai bên đã được giải quyết.

Điều 13. Nguyên tắc tính giá nước

1. Giá nước phải được tính đúng, tính đủ các yếu tố chi phí sản xuất hợp lý trong quá trình sản xuất, phân phối nước sạch bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các đơn vị cấp nước và khách hàng sử dụng nước.

2. Giá nước phải bảo đảm để các đơn vị cấp nước duy trì, phát triển, khuyến khích nâng cao chất lượng dịch vụ, góp phần tiết kiệm sử dụng nước có xét đến hỗ trợ người nghèo, đồng bào dân tộc.

3. Đơn vị cấp nước tự quyết định giá nước đảm bảo phù hợp với khung giá, biểu giá nước do nhà nước quy định và phù hợp với đặc điểm nguồn nước, điều kiện sản xuất nước của từng vùng, từng địa phương, từng khu vực.

4. Giá nước được xác định không phân biệt đối tượng sử dụng là tổ chức, cá nhân trong nước hay nước ngoài.

5. Đối với công trình cấp nước tập trung chưa thu đủ chi phí: hàng năm tuỳ theo nguồn vốn hỗ trợ ngân sách của Trung ương trong nguồn kinh phí sự nghiệp của Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ bố trí vốn hỗ trợ vận hành, bảo dưỡng công trình cấp nước tập trung theo tiêu chuẩn kỹ thuật nhưng không quá 03 năm kể từ khi công trình hoàn thành đưa vào sử dụng.

Điều 14. Thẩm quyền quyết định giá tiêu thụ nước

Ủy ban nhân dân tỉnh duyệt khung giá nước; giao cho Ủy ban nhân dân huyện và thành phố quyết định giá tiền thu tiền nước trên 1m3 cụ thể đối với đối tượng sử dụng nước (nước sinh hoạt, nước sử dụng cho công nghiệp, dịch vụ,...) trên đồng hồ đo nước, đồng thời công bố công khai cho dân biết.

Điều 15. Trách nhiệm và nghĩa vụ của đơn vị cấp nước, các đối tượng dùng nước và chính quyền địa phương

1. Đối với Ủy ban nhân dân xã:

a) Vận động nhân dân tham gia sử dụng nước sạch, đóng góp kinh phí mở mạng cấp nước về hộ gia đình;

b) Phối hợp cùng với đơn vị cấp nước tổ chức kiểm tra, bảo vệ công trình và bảo vệ nguồn nước.

2. Đối với các đơn vị cấp nước sinh hoạt nông thôn:

a) Quản lý, vận hành theo quy trình, quy phạm đã xây dựng, khai thác và duy tu bảo dưỡng thường xuyên công trình, đảm bảo phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt đạt tiêu chuẩn hiện hành cho nhân dân khu vực hưởng lợi theo năng lực, nhiệm vụ của từng công trình và kiểm tra chất lượng nước định kỳ (ít nhất 6 tháng 1 lần) theo quy định ban hành kèm theo Quyết định số 09/2005/QĐ-BYT ngày 11 tháng 3 năm 2005 của Bộ Y tế; được thu tiền sử dụng nước theo quy định;

b) Theo dõi, kiểm tra ghi chép nhật ký quản lý công trình, kịp thời phát hiện, xử lý các sự cố, sửa chữa công trình trong quá trình sử dụng, theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn;

c) Phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm về bảo vệ, khai thác và sử dụng hệ thống cấp nước sinh hoạt nông thôn,...;

d) Thực hiện các quy định của pháp luật về tài nguyên nước và bảo vệ môi trường;

đ) Bảo vệ an toàn nguồn cấp nước, xây dựng đới phòng hộ vệ sinh khu vực lấy nước, hệ thống công trình cấp nước theo quy định;

e) Báo cáo đột xuất khi được yêu cầu và định kỳ theo quy định tới chính quyền địa phương và cơ quan quản lý nhà nước về cấp nước ở địa phương và Trung ương;

g) Chịu sự quản lý, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm Nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn.

3. Đối với các đối tượng dùng nước:

a) Thanh toán tiền nước đầy đủ, đúng thời hạn và thực hiện các thỏa thuận khác trong hợp đồng dịch vụ cấp nước;

b) Sử dụng nước tiết kiệm;

c) Thông báo kịp thời cho đơn vị cấp nước khi phát hiện những dấu hiệu bất thường có thể gây mất nước, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, mất an toàn cho người và tài sản;

d) Tham gia bảo vệ công trình, trường hợp công trình bị sự cố hoặc có hiện tượng xảy ra sự cố thì phải tham gia ứng cứu, sửa chữa, bảo vệ công trình theo chỉ dẫn của cán bộ kỹ thuật và sự huy động của địa phương;

đ) Tạo điều kiện để đơn vị cấp nước kiểm tra, ghi chỉ số của đồng hồ đo nước;

e) Bảo đảm các trang thiết bị sử dụng nước đáp ứng các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, phù hợp với đặc tính kỹ thuật trang thiết bị của đơn vị cấp nước;

g) Bồi thường khi gây thiệt hại cho đơn vị cấp nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định của pháp luật;

Điều 16. Quyền hạn của đơn vị cấp nước và các đối tượng dùng nước

1. Đối với các đơn vị cấp nước sinh hoạt nông thôn:

a) Hoạt động kinh doanh cấp nước theo các quy định, được phép vào khu vực quản lý của khách hàng sử dụng nước để thao tác bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị cấp nước, đường ống và đồng hồ đo nước;

b) Đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến hoạt động cấp nước;

c) Lập biên bản và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với những người có hành vi phá hoại công trình, làm thất thoát nguồn nước và ảnh hưởng đến chất lượng nước cung cấp;

d) Đề xuất và kiến nghị cho Thủ trưởng cơ quan quản lý về các công việc liên quan đến công tác quản lý, vận hành, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa công trình,… nhằm nâng cao chuyên môn, đảm bảo công trình hoạt động có hiệu quả và bền vững lâu dài;

đ) Được quyền tham gia ý kiến vào việc lập quy hoạch cấp nước trên địa bàn;

e) Được bồi thường thiệt hại do khách hàng sử dụng nước gây ra theo quy định của pháp luật.

2. Đối với các đối tượng sử dụng nước:

a) Được cung cấp đầy đủ, kịp thời về số lượng, bảo đảm về chất lượng dịch vụ đã nêu trong hợp đồng;

b) Yêu cầu đơn vị cấp nước kịp thời khôi phục việc cấp nước khi có sự cố;

c) Được cung cấp hoặc giới thiệu thông tin về hoạt động cấp nước;

d) Được bồi thường thiệt hại do đơn vị cấp nước gây ra theo quy định của pháp luật;

đ) Yêu cầu đơn vị cấp nước kiểm tra chất lượng dịch vụ, tính chính xác của thiết bị đo đếm, số tiền nước phải thanh toán;

e) Khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về cấp nước của đơn vị cấp nước hoặc các bên có liên quan.

Chương III

BẢO ĐẢM AN TOÀN CẤP NƯỚC

Điều 17. Bảo vệ hệ thống cấp nước

1. Chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với đơn vị cấp nước bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước trên địa bàn.

2. Đơn vị cấp nước có nhiệm vụ tổ chức lực lượng bảo vệ an toàn hệ thống cấp nước do mình quản lý.

3. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu thăm quan, nghiên cứu các công trình cấp nước phải được phép của đơn vị cấp nước.

Điều 18. Bảo đảm ổn định dịch vụ cấp nước

1. Đơn vị cấp nước có nhiệm vụ tổ chức sản xuất an toàn, cung cấp ổn định dịch vụ cấp nước cho các khách hàng sử dụng nước về chất lượng nước, áp lực, lưu lượng và tính liên tục theo quy chuẩn kỹ thuật và hợp đồng dịch vụ cấp nước đã ký kết.

2. Trong trường hợp có sự cố xảy ra trên hệ thống cấp nước:

a) Đơn vị cấp nước cần thông báo kịp thời cho các khách hàng sử dụng nước có biện pháp dự trữ nước trong thời gian khôi phục dịch vụ cấp nước;

b) Thông báo ngay với cơ quan quản lý giao thông và có quyền chủ động khắc phục sự cố để bảo đảm an toàn cấp nước, đồng thời phải bảo đảm an toàn giao thông tại nơi có sự cố và hoàn trả mặt bằng theo quy định;

c) Nếu thời gian khắc phục sự cố kéo dài, đơn vị cấp nước phải phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện các biện pháp cấp nước tạm thời đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người dân ở khu vực bị ảnh hưởng.

Chương IV

QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA ĐƠN VỊ CẤP NƯỚC

Điều 19. Các khoản thu

1. Thu tiền sử dụng nước hàng tháng đo được trên đồng hồ, hoặc thu khoán hộ gia đình sử dụng nước từ vòi công cộng.

2. Thu tiền vật tư, lắp đặt hệ thống nước từ đường ống phân phối (do nhà nước đầu tư) vào hộ gia đình theo quy định hiện hành.

Điều 20. Quản lý nguồn thu

1. Việc cung cấp nước sinh hoạt nông thôn cho các tổ chức, cá nhân, các hộ sử dụng nước phải được ký kết hợp đồng bằng văn bản giữa đơn vị quản lý với các tổ chức, cá nhân và hộ gia đình dùng nước theo mẫu thống nhất.

2. Thu tiền sử dụng nước phải sử dụng biên lai thu do cơ quan thuế phát hành và ghi theo quy định.

Điều 21. Các khoản chi đối với các tổ chức quản lý khai thác công trình

Nội dung chi thực hiện theo quy định của nhà nước và cơ quan tài chính cấp trên hướng dẫn; tự chịu trách nhiệm về nội dung chi và cân đối thu chi một cách hợp lý.

Mở sổ theo dõi tình hình thu - chi tài chính theo kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và báo cáo quyết toán năm theo quy định.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quản lý, khai thác các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn có trách nhiệm theo dõi, kiểm tra, giám sát và thực hiện Quy chế này.

Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có gì vướng mắc thì phản ảnh với các cơ quan, ngành chức năng có liên quan để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và quyết định./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 405/2008/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý vận hành các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nông thôn trên địa bàn tỉnh Phú Yên do Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên ban hành

  • Số hiệu: 405/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 05/03/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Yên
  • Người ký: Phạm Ngọc Chi
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 05/03/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản