Hệ thống pháp luật

BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 403-CNNg/TC

Hà Nội, ngày 29 tháng 12 năm 1990

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA CỤC QUẢN LÝ TÀI NGUYÊN KHOÁNG SẢN NHÀ NƯỚC

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP NẶNG

Căn cứ Pháp lệnh về tài nguyên khoáng sản ban hành ngày 28 tháng 7 năm 1989;
Căn cứ Nghị định số 130-HĐBT ngày 30-4-1990 của Hội đồng Bộ trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ và bộ máy của Bộ Công nghiệp nặng;
Trong khi chờ Hội đồng Bộ trưởng ban hành "Điều lệ hoạt động của Cục quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước";
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước và Vụ trưởng Vụ Tổ chức nhân sự đào tạo;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Cục Quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước (QLTNKSNN) là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về tài nguyên khoáng sản (bao gồm khoáng sản rắn; nước dưới đất, nước nóng, nước khoáng, dầu mỏ và khí đốt) với những nhiệm vụ chủ yếu là:

1. Quản lý, bảo vệ vốn tài nguyên khoáng sản thống nhất trong phạm vi cả nước.

2. Thanh tra Nhà nước về tài nguyên khoáng sản

3. Giải quyết tranh chấp về quyền khai thác tài nhuyên khoáng sản.

Cục Quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước có tư cách pháp nhân, trụ sở tại thành phố Hà Nội và có chi cục miền Nam đặt tại thành phố Hồ Chí Minh. Các chi cục khác được xác định sau.

Điều 2. Cục Quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước có những nhiệm vụ cụ thể sau:

A- Quản lý, bảo vệ vốn tài nguyên khoáng sản:

1. Đăng ký Nhà nước khu vực khai thác mỏ hoặc công trình khai thác tài nguyên khoáng sản, khu vực có tài nguyên khoáng sản phải bảo vệ.

2. Tiếp nhận thẩm tra điều kiện và hồ sơ xin khai thác tài nguyên khoáng sản, trình Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng quyết định theo thẩm quyền hoặc trình lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng quyết định.

3. Phối hợp với các cơ quan có liên quan và Uỷ ban Nhân dân để thực hiện các biện pháp quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

4. Đề xuất và tham gia xây dụng các dự án luật pháp, các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và môi trường liên quan.

5. Tham gia với các Bộ, địa phương, cơ sở về mặt sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản trong khi xây dựng, thẩm tra các dự án và báo cáo kết quả thực hiện quy hoạch, kế hoạch, đề án thăm dò khai thác, chế biến tài nguyên khoáng sản hoặc sử dụng đất đai lòng đất có tài nguyên khoáng sản vào mục đích không phải để khai thác tài nguyên khoáng sản, kể cả các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nói trên.

B- Thanh tra Nhà nước về tài nguyên khoáng sản:

1. Thanh tra việc chấp hành thủ tục được phép điều tra địa chất, các chế độ quản lý, bảo vệ, sử dụng tài nguyên khoáng sản khi tiến hành công tác điều tra địa chất.

2. Thanh tra việc chấp hành các quy định về thủ tục đưa mỏ vào khai thác; chế độ quản lý, bảo vệ và sử dụng hợp lý tài nguyên khoáng sản trong khi khai thác và khi đóng cửa mỏ.

3. Thanh tra việc thực hiện các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác.

4. Tham gia với các cơ quan của Bộ Công nghiệp nặng và các cơ quan khác có thẩm quyền trong việc thanh tra Nhà nước về việc tiến hành các công tác điều tra địa chất và khai thác khoáng sản.

C- Giải quyết tranh chấp về quyền khai thác tài nguyên khoáng sản:

Nghiên cứu, kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng, Uỷ ban Nhân dân các địa phương về việc giải quyết những tranh chấp về quyền khai thác tài nguyên khoáng sản, hoặc trực tiếp giải quyết những tranh chấp đó theo uỷ quyền của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng.

Điều 3. Cục Quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước có những quyền hạn sau:

1. Được cung cấp, thu thập không phải trả tiền những thông tin, tài liệu về địa chất, khai thác, chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản cũng như các tài liệu kinh tế - kỹ thuật khác liên quan đến nhiệm vụ của Cục.

2. Chủ động tiến hành các hoạt động thanh tra Nhà nước về tài nguyên khoáng sản; yêu cầu các tổ chức, cá nhân có dối tượng, nội dung được thanh tra tạo mọi điều kiện thuận lợi về tài liệu, phương tiện và thời gian cho việc tiến hành thanh tra của Cục.

3. Yêu cầu các tổ chức và cá nhân thực hiện các công việc hoặc biện pháp cần thiết trong thời hạn nhất định để chấm dứt vi phạm pháp luật, khắc phục thiếu sót đã được phát hiện theo quy định hiện hành về quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

4. Kiến nghị với Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nặng, Chủ tịch uỷ ban Nhân dân các cấp thi hành các biện pháp cần thiết để chấm dứt hoặc ngăn ngừa và xử lý các hoạt động vi phạm pháp luật, các quy định về quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản; thông báo kết quả thanh tra đến các cơ quan, đơn vị có liên quan.

5. Mời chuyên gia hoặc đại diện của các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương tham gia công tác giám sát hoặc thanh tra Nhà nước về tài nguyên khoáng sản do Cục tổ chức.

6. Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước có thể được Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng uỷ nhiệm những quyền hạn khác để tăng cường hiệu lực quản lý tài nguyên khoáng sản theo thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng.

Điều 4. Cục Quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước và các Chi cục trực thuộc được cấp kinh phí sự nghiệp quản lý Nhà nước, được mở tài khoản tại Ngân hàng Nhà nước; trực tiếp quản lý và sử dụng cơ sở vật chất kỹ thuật, tài sản, đội ngũ cán bộ công nhân viên theo quy định phân cấp quản lý của Bộ Công nghiệp nặng và chính sách chung của Nhà nước.

Cục được phép thu và sử dụng nguồn lệ phí (có quy định cụ thể bằng văn bản riêng).

Điều 5. Hệ thống tổ chức bộ máy của Cục Quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước gồm có:

1. Cơ quan Cục: Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng về mọi hoạt động của Cục. Giúp việc Cục trưởng có một số Phó Cục trưởng do Cục trưởng phân công.

- Các chuyên viên

- Cán bộ, nhân viên, công nhân làm nhiệm vụ quản lý, phục vụ nội bộ cơ quan Cục.

Cơ quan Cục không thành lập các phòng, ban chuyên môn.

2. Các chi Cục Quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước khu vực.

3. Các cộng tác viên ngoài biên chế của Cục được đặt tại các tỉnh (Sở công nghiệp hoặc Văn phòng Uỷ ban Nhân dân) và những giám định viên được mời tham gia công tác thanh tra Nhà nước về tài nguyên khoáng sản.

Biên chế của cơ quan Cục, số lượng các chi Cục khu vực, nhiệm vụ, quyền hạn và biên chế của Chi cục, số lượng các cộng tác viên đặt tại các tỉnh do Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước đề nghị trình Bộ trưởng quyết định.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký, đồng thời thay thế quyết định số 448-MĐC/TC ngày 27-10-1987 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Mỏ - Địa chất.

Điều 7. Chánh Văn phòng Bộ Công nghiệp nặng, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc các Bộ, ngành, địa phương trong cả nước có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Trần Lum

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 403-CNNg/TC năm 1990 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Cục Quản lý tài nguyên khoáng sản Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng ban hành

  • Số hiệu: 403-CNNg/TC
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/12/1990
  • Nơi ban hành: Bộ Công nghiệp nặng
  • Người ký: Trần Lum
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản