Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4013/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 26 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬT LIỆU XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014;

Căn cứ Nghị định số 24a/2016/NĐ-CP ngày 05 tháng 4 năm 2016 của Chính phủ về quản lý vật liệu xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn lập, điều chỉnh, thẩm định, phê duyệt và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm chủ yếu;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng tại Công văn số 4035/SXD-VLXD ngày 22 tháng 11 năm 2016 về việc phê duyệt dự án điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Báo cáo thẩm định quy hoạch số 2890/BC-SKHĐT ngày 05 tháng 12 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu sau:

I. Quan điểm phát triển

- Quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đã phê duyệt, phù hợp với quy hoạch các ngành trên địa bàn tỉnh đã được xây dựng; phù hợp với các quy hoạch phát triển ngành vật liệu xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt như quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, quy hoạch phát triển ngành công nghiệp xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, quy hoạch phát triển ngành gốm, sứ xây dựng và đá ốp lát ở Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và quy hoạch thăm dò, khai thác chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng ở Việt Nam đến năm 2020.

- Đầu tư phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng bền vững, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan các khu du lịch, di tích lịch sử văn hoá và an ninh quốc phòng. Phát triển đa dạng các chủng loại sản phẩm vật liệu xây dựng, tập trung vào các sản phẩm có thị trường tiêu thụ tốt trong tỉnh, ngoài tỉnh và xuất khẩu, các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh như: Khai thác đá khối, chế biến đá ốp lát, cát thủy tinh, vật liệu không nung.

- Đầu tư các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng với quy mô vừa và lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại có mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, công nghệ xanh, sạch tiết kiệm tối đa nguyên liệu, năng lượng, đảm bảo sản phẩm đạt chất lượng cao, ổn định, giá thành hợp lý để có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

II. Mục tiêu phát triển

1. Mục tiêu tổng quát

Phát triển sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng các chủng loại sản phẩm vật liệu xây dựng cả về khối lượng và chất lượng ngày càng cao cho thị trường trong nước và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2020 sản xuất vật liệu xây dựng đạt được trình độ công nghệ tiên tiến, hiện đại ngang bằng các nước trong khu vực và trên thế giới, loại bỏ hoàn toàn các công nghệ thủ công lạc hậu, góp phần gia tăng giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh, tạo thêm nguồn thu cho ngân sách địa phương, giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2020 giá trị sản xuất vật liệu xây dựng tăng gần 4 lần so với năm 2014, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm khoảng 25 - 30%.

- Giải quyết việc làm mới cho khoảng 1.800 lao động phục vụ cho các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, trong đó có trên 10% là cán bộ kỹ thuật chuyên ngành từ trung cấp trở lên.

III. Nội dung điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng đến năm 2020

1. Xi măng

- Đến năm 2020 tổng công suất thiết kế của các nhà máy xi măng đạt khoảng 2,63 triệu tấn.

- Định hướng phát triển: Tiếp tục duy trì và đầu tư chiều sâu công nghệ trong các cơ sở nghiền xi măng để gia tăng năng lực sản xuất và nâng cao chất lượng, đa dạng các chủng loại sản phẩm. Đồng thời phát triển các trạm trung chuyển, phân phối sản phẩm xi măng đáp ứng nhu cầu xây dựng trong vùng Nam Trung Bộ.

- Phương án đầu tư: Duy trì sản xuất đối với các cơ sở nghiền xi măng hiện có với tổng công suất thiết kế là 2,13 triệu tấn/năm. Đầu tư mới trạm phân phối và đóng bao xi măng thuộc Tập đoàn Xuân Thành, tại Khu công nghiệp Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, công suất 500.000 tấn/năm.

2. Vật liệu xây

- Tổng công suất thiết kế đến năm 2020 đạt 602 triệu viên, đáp ứng được nhu cầu trong tỉnh và cung ứng cho một số tỉnh lân cận (trong đó gạch nung tuy nen chiếm 46%, gạch bê tông chiếm 42%, gạch bê tông nhẹ chiếm 12%).

- Các chỉ tiêu quy hoạch:

+ Quy mô công suất:

Công suất thiết kế của 1 dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung bằng lò tuy nen không nhỏ hơn 20 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm. Đối với các vùng miền núi có thể đầu tư dây chuyền sản xuất gạch đất sét nung bằng lò tuy nen với công suất 10 triệu viên quy tiêu chuẩn/năm.

Gạch bê tông cốt liệu và bê tông bọt có thể sử dụng các dây chuyền quy mô công suất khác nhau nhưng phải đảm bảo chất lượng sản phẩm và môi trường.

Công suất thiết kế của 1 dây chuyền công nghệ sản xuất bê tông khí chưng áp không nhỏ hơn 100.000 m3/năm.

- Mức tiêu hao: Đối với gạch đất sét nung: Tiêu hao nhiệt năng ≤ 360 kcal/kg; tiêu hao điện năng ≤ 0,022 kWh/kg. Đối với bê tông khí chưng áp: Tiêu hao nhiệt năng chưng hấp ≤ 1624 kcal/m3 sản phẩm; tiêu hao điện năng ≤ 30 kWh/m3 sản phẩm.

- Công nghệ sản xuất: Xóa bỏ các loại lò thủ công, lò vòng sản xuất gạch đất sét nung sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu, khí). Khuyến khích đầu tư công nghệ sản xuất gạch đất sét nung kích thước lớn, độ rỗng cao để tiết kiệm tài nguyên, nâng cao giá trị sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường.

- Phát triển sản xuất vật liệu xây theo đề án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 2109/QĐ-UBND ngày 21 tháng 7 năm 2016.

2.1. Gạch đất sét nung

- Tổng công suất thiết kế đến năm 2020 đạt 279 triệu viên.

- Định hướng phát triển:

+ Về sản xuất: Tiếp tục đầu tư chiều sâu, đầu tư công nghệ, thiết bị tại các cơ sở sản xuất gạch tuy nen có nguồn nguyên liệu tốt để giảm tổng công suất gạch nung và tăng tỷ lệ sản phẩm mỏng vừa có giá trị kinh tế cao vừa tiết kiệm nguyên liệu. Đến năm 2020 tỷ lệ sản phẩm mỏng chiếm 50% , gồm các loại (ngói nung 22 viên/m2, ngói nóc, các loại ngói trang trí, gạch thẻ, gạch lá dừa, gạch nhân trang trí...).

+ Về nguồn nguyên liệu: Tập trung khai thác vùng nguyên liệu khu vực đất bãi bồi ngoài đê ven sông, khu vực xa khu dân cư và không đưa vào quy hoạch diện tích đất nông nghiệp. Ưu tiên cấp phép thăm dò, khai thác cho các cơ sở đang sản xuất hoặc các cơ sở chưa có vùng nguyên liệu. Đầu tư thăm dò mỏ sét nguyên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu của các cơ sở gạch ngói nung trên địa bàn.

- Phương án đầu tư:

+ Duy trì sản xuất tại Công ty Cổ phần Vật liệu Xây dựng Khánh Hòa tại thị xã Ninh Hòa, công suất vào năm 2020 là 35 triệu viên/năm.

+ Duy trì sản xuất tại huyện Diên Khánh, nâng công suất lên gấp đôi vào năm 2020, TCSTK là 104 triệu viên/năm.

+ Đầu tư mới 02 cơ sở gạch tuy nen tại Diên Xuân, huyện Diên Khánh, công suất 40 triệu viên/năm và 05 cơ sở tại Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa, công suất 100 triệu viên/năm.

- Xóa bỏ hoàn toàn sản xuất gạch đất sét nung bằng lò hoffman sử dụng nhiên liệu hóa thạch, lò thủ công và thủ công cải tiến theo Chỉ thị số 22/2013/CT-UBND ngày 23 tháng 12 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.

2.2. Gạch không nung

- Tổng công suất thiết kế đến năm 2020 đạt 323 triệu viên, trong đó: Gạch bê tông 253 triệu viên, gạch bê tông nhẹ 70 triệu viên.

- Phương án đầu tư:

+ Duy trì sản xuất và nâng công suất lên gấp đôi các cơ sở gạch bê tông đã có ở giai đoạn trước, với TCSTK là 168 triệu viên/năm.

+ Tiếp tục triển khai đầu tư 12 dự án gạch không nung bê tông tại các huyện, thị xã, thành phố với tổng công suất thiết kế 85 triệu viên/năm.

+ Tiếp tục đầu tư dây chuyền sản xuất gạch bê tông khí chưng áp cách âm, cách nhiệt sử dụng cho xây dựng nhà cao tầng tại Khu công nghiệp Vạn Thắng, huyện Vạn Ninh với công suất thiết kế giai đoạn 1 là 70 triệu viên/năm.

3. Vật liệu lợp

- Tổng công suất thiết kế đến năm 2020 đạt 3 triệu m2/năm, trong đó: Ngói nung 1 triệu m2/năm, ngói xi măng 0,5 triệu m2/năm, tấm lợp xi măng cốt sợi 1 triệu m2/năm, tấm lợp polycarbonat 0,5 triệu m2/năm.

- Định hướng phát triển:

+ Đầu tư công nghệ, thiết bị để tăng tỷ lệ sản lượng ngói nung trong tổng sản lượng sản phẩm tại các cơ sở gạch nung tuy nen.

+ Dây chuyền sản xuất tấm lợp xi măng cốt sợi không amiăng phải đầu tư đồng bộ các thiết bị công nghệ với khả năng tự động hóa các khâu xé bao, nghiền, định lượng sợi, tránh sự tiếp xúc trực tiếp của công nhân; chất lượng sản phẩm tấm lợp xi măng cốt sợi phải đạt Quy chuẩn số QCKT 16-4/2012/BXD. Cơ sở sản xuất tấm lợp xi măng cốt sợi không amiăng phải đảm bảo các chỉ tiêu về nồng độ bụi trong khu sản xuất, đặc biệt là hàm lượng sợi trong 1 m3 không khí theo đúng các quy định của tiêu chuẩn môi trường, y tế hiện hành; cơ sở sản xuất phải có hệ thống xử lý nước thải, quản lý và tái sử dụng chất thải rắn, nước thải trong quá trình sản xuất.

+ Phát triển sản xuất các loại ngói không nung xi măng - cát có màu và các loại ngói không nung nhẹ.

+ Đầu tư công nghệ sản xuất các loại tấm lợp nhựa polycarbonat lấy ánh sáng đáp ứng nhu cầu thị trường.

- Phương án đầu tư:

+ Đầu tư tăng tỷ lệ sản lượng ngói nung trong tổng sản lượng sản phẩm, đạt khoảng 1 triệu m2/năm tại các cơ sở gạch tuy nen.

+ Phát huy công suất cơ sở tấm lợp xi măng cốt sợi tại thị xã Ninh Hòa, công suất 1 triệu m2/năm.

+ Đầu tư 05 cơ sở sản xuất ngói xi măng cát tại các huyện, thị xã, thành phố với tổng công suất thiết kế là 0,5 triệu m2/năm.

+ Đầu tư sản xuất tấm lợp nhựa polycarbornat lấy ánh sáng tại Cụm công nghiệp Đắc Lộc, thành phố Nha Trang với công suất là 0,5 triệu m2/năm.

4. Đá ốp lát và khai thác đá khối

- Đến năm 2020 năng lực chế biến đá ốp lát trên địa bàn tỉnh đạt 1,515 triệu m2, khai thác đá khối đạt 260.000 m3.

- Định hướng phát triển:

+ Thực hiện thăm dò, đánh giá trữ lượng các mỏ đá ốp lát để bổ sung vào quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng của cả nước trình Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt.

+ Nâng công suất khai thác đá khối của các cơ sở có nhà máy chế biến đá ốp lát hiện có trên địa bàn tỉnh. Tổ chức sắp xếp các cơ sở có công suất khai thác nhỏ (< 10.000 m3/năm) khuyến khích đầu tư mới, cải tiến công nghệ, trang thiết bị khai thác đá nhằm nâng cao khả năng thu hồi đá khối, tăng hiệu quả khai thác và đảm bảo môi trường.

+ Đầu tư chế biến các sản phẩm đá ốp lát như đá tẩy, đá sân vườn, đá mỹ nghệ... từ đá khối đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

- Phương án đầu tư:

+ Duy trì công suất 10 cơ sở chế biến đá ốp lát giai đoạn trước, tổng công suất đạt 1,515 triệu m2/năm.

+ Duy trì công suất tại các cơ sở khai thác đá khối đã có của giai đoạn trước. Mở rộng và nâng công suất khai thác đá khối tại các huyện Vạn Ninh, Diên Khánh, Cam Lâm, thị xã Ninh Hòa, thành phố Cam Ranh lên 260.000 m3/năm.

5. Đá xây dựng

- Tổng công suất khai thác đến năm 2020 đạt 4,38 triệu m3/năm.

- Định hướng phát triển: Tiếp tục gia hạn đối với các cơ sở khai thác hết hạn giấy phép trong thời gian tới.

- Các chỉ tiêu quy hoạch:

+ Về công nghệ: Dây chuyền công nghệ sản xuất đá xây dựng phải hiện đại, tiên tiến, đồng bộ, bao gồm các thiết bị gia công, sàng, vận chuyển và các thiết bị xử lý môi trường. Phối hợp công nghệ chế biến cốt liệu lớn và cát nghiền. Các cơ sở khai thác cần phải có phương án sử dụng mạt đá để sản xuất các loại vật liệu không nung nhằm tận dụng tài nguyên, giảm ô nhiễm môi trường.

+ Về môi trường: Đảm bảo các yêu cầu về môi trường khu sản xuất và giảm thiểu gây ô nhiễm ra các vùng xung quanh theo quy định của các tiêu chuẩn về môi trường, y tế. Đảm bảo sử dụng hiệu quả tài nguyên, thực hiện cải tạo và phục hồi môi trường mỏ theo quy định.

- Phương án đầu tư: Đầu tư mở rộng khai thác và cấp phép mới cho các cơ sở khai thác chế biến đá xây dựng đã hết hạn giấy phép tại các huyện, thị xã, thành phố, tổng công suất thiết kế 4,38 triệu m3/năm.

6. Cát xây dựng

- Tổng công suất khai thác đến năm 2020 đạt 1,45 triệu m3/năm.

- Định hướng phát triển:

+ Đẩy mạnh khai thác cát trên cơ sở quản lý chặt chẽ việc thực hiện đúng các quy định khai thác cát lòng sông đáp ứng nhu cầu cát xây dựng trong tỉnh. Hàng năm kiểm tra trữ lượng để bổ sung, điều chỉnh vào quy hoạch kịp thời.

+ Kiên quyết xử lý tình trạng khai thác cát trái phép của các tổ chức và hộ cá thể không có chức năng khai thác cát. Xây dựng kế hoạch thăm dò và quy hoạch cấp mỏ cho những tổ chức có năng lực khai thác cát.

+ Phải đảm bảo khai thác đúng những vị trí được các cơ quan quản lý cho phép, không gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, dòng chảy và không gây sạt lở bờ các dòng sông. Xử lý nước thải rửa cát trước khi thải vào môi trường, đảm bảo nồng độ phát tán bụi theo yêu cầu của các tiêu chuẩn tại bãi chứa khi bảo quản và vận chuyển.

+ Đầu tư sản xuất cát nghiền tại các cơ sở khai thác đá xây dựng để tận dụng nguồn phế thải trong quá trình nghiền đá.

- Phương án đầu tư:

+ Đầu tư mở rộng khai thác và cấp phép mới cho các cơ sở khai thác cát đã hết hạn giấy phép tại các huyện, thị xã, thành phố với tổng công suất 1,05 triệu m3/năm.

+ Đầu tư mới 02 cơ sở chế biến nghiền cát tại huyện Vạn Ninh và thành phố Cam Ranh, tổng công suất thiết kế 400.000 m3/năm.

7. Bê tông cấu kiện

- Đến năm 2020 tổng công suất sản xuất bê tông cấu kiện trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là 105.000 m3/năm.

- Định hướng phát triển: Các cơ sở sản xuất tập trung đầu tư nghiên cứu công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm.

- Phương án đầu tư: Duy trì sản xuất tại 2 cơ sở sản xuất bê tông cấu kiện hiện có (với công suất 25.000 m3/năm). Đầu tư mới 02 cơ sở sản xuất bê tông cấu kiện tại Cụm công nghiệp Cam Thành Nam, thành phố Cam Ranh (công suất 50.000 m3/năm) và tại Khu công nghiệp Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa (công suất 30.000 m3/năm).

8. Gạch lát hè tự chèn và terrazzo

- Công suất gạch lát bê tông đến năm 2020 là 300.000 m2/năm.

- Phương án đầu tư: Đầu tư 03 dây chuyền gạch lát bê tông màu và terrazzo, công suất mỗi dây chuyền 100.000 m2/năm, tại Khu công nghiệp Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh), Cụm công nghiệp Cam Thịnh Đông (thành phố Cam Ranh) và Cụm công nghiệp Diên Thọ (huyện Diên Khánh). Sản phẩm gồm các loại gạch lát vỉa hè chất lượng cao, các loại gạch con sâu, gạch hoa thị, gạch 6 cạnh và 8 cạnh...

9. Khai thác, chế biến cát thủy tinh

- Đến năm 2020, công suất khai thác, chế biến cát trắng làm nguyên liệu sản xuất thủy tinh xây dựng, kính xây dựng, men gốm sứ xây dựng... đạt 1,3 triệu tấn/năm, đáp ứng nhu cầu nguyên liệu trong nước và phục vụ xuất khẩu.

- Định hướng phát triển:

+ Phát huy công suất khai thác tại các mỏ để phục vụ nhu cầu nguyên liệu sản xuất thủy tinh, kính xây dựng, men gốm sứ trong nước đồng thời trả lại mặt bằng xây dựng cơ sở hạ tầng cho Khu du lịch sinh thái Bắc bán đảo Cam Ranh.

+ Tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp tham gia khai thác, chế biến cát trắng đầu tư cải tiến công nghệ chế biến, đầu tư mới các cơ sở chế biến nguyên liệu tinh, tạo ra nguồn nguyên liệu công nghiệp có giá trị cao cho thị trường xuất khẩu, hạn chế việc xuất nguyên liệu thô.

- Phương án đầu tư:

+ Phát huy hết công suất các cơ sở chế biến cát trắng để phục vụ thị trường nguyên liệu sản xuất thủy tinh, men gốm, sứ xây dựng trong nước.

+ Đầu tư 01 nhà máy chế biến sodium silicate (thủy tinh lỏng) tại Cụm công nghiệp Cam Thành Nam, thành phố Cam Ranh với công suất 50.000 tấn/năm.

10. Đất san lấp

- Định hướng phát triển: Tiếp tục đẩy mạnh thăm dò, đánh giá trữ lượng các mỏ đất san lấp để có cơ sở cấp phép khai thác đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh.

- Phương án đầu tư: Đầu tư mở rộng khai thác và cấp phép mới các cơ sở tại các huyện, thị xã, thành phố, đảm bảo đến năm 2020 tổng công suất khai thác đạt 7 triệu m3/năm.

11. Những chủng loại vật liệu xây dựng không sản xuất tại Khánh Hòa

- Gạch gốm ốp lát: Nhu cầu về gạch gốm ốp lát cho tỉnh sẽ được cung ứng từ các cơ sở sản xuất ở các tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và từ nguồn nhập ngoại.

- Sứ vệ sinh: Nhu cầu về sứ vệ sinh của tỉnh sẽ được cung ứng từ các cơ sở sản xuất ở các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh và từ nguồn nhập ngoại.

- Kính xây dựng: Nhu cầu về kính xây dựng của tỉnh sẽ được cung ứng từ các cơ sở sản xuất ở Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và từ nguồn nhập ngoại.

IV. Định hướng phát triển sản xuất vật liệu xây dựng đến năm 2030

1. Về chủng loại sản phẩm

Tập trung vào đầu tư chiều sâu, mở rộng về quy mô, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển các sản phẩm mới có chất lượng cao hơn, tiện ích hơn, đạt tiêu chuẩn quốc tế để có khả năng thay thế các loại vật liệu xây dựng truyền thống và các loại vật liệu xây dựng nhập ngoại.

- Xi măng: Đầu tư sản xuất ổn định ở các nhà máy nghiền xi măng hiện có để cung cấp cho thị trường trong vùng. Nghiên cứu sản xuất các chủng loại xi măng đặc biệt để phục vụ thị trường (xi măng bền sunfat, xi măng ít tỏa nhiệt...).

- Vật liệu xây: Hạn chế phát triển sản xuất gạch nung, chỉ sản xuất khi còn bảo đảm nguồn nguyên liệu. Phát triển mạnh hơn các sản phẩm vật liệu xây không nung như: Gạch xi măng - cốt liệu, bê tông khí chưng áp, bê tông rỗng, tấm tường... để từng bước giảm bớt sử dụng gạch nung, thực hiện công nghiệp hóa xây dựng, đồng thời tiết kiệm nguồn đất sét ngày càng cạn dần. Đầu tư sản xuất vật liệu xây không nung theo công nghệ tiên tiến, hiện đại của thế giới, đa dạng chủng loại sản phẩm về kích thước, màu sắc để giúp cho những nhà thi công có thể lựa chọn theo yêu cầu.

- Vật liệu lợp: Phát triển sản xuất các loại ngói nung không tráng men hoặc tráng men và có màu dùng để trang trí, các loại ngói giả cổ. Phát triển sản xuất các loại tấm lợp thông minh, tấm lợp sinh thái, tấm lợp nhựa cao cấp lấy ánh sáng tự nhiên.

- Đá ốp lát: Tiếp tục đầu tư khai thác đá khối và chế biến đá ốp lát về công nghệ, nâng cao chất lượng đá ốp lát cả về mẫu mã và kích thước, màu sắc. Tiếp tục tìm kiếm thị trường, nâng cao tỷ trọng xuất khẩu.

- Bê tông xây dựng: Tiếp tục phát triển sản xuất các loại bê tông cấu kiện đúc sẵn dự ứng lực, bê tông tấm lớn, ống cống, cột điện ly tâm, cọc móng đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa xây dựng. Phát triển đa dạng các loại bê tông đặc biệt như bê tông cường độ cao, bê tông nhẹ, bê tông chịu nhiệt, bê tông cách âm cách nhiệt, bê tông bền nước biển. Phát triển sản xuất các loại phụ gia cho bê tông để nâng cao tính năng sử dụng và cường độ bê tông như phụ gia dẻo hóa, siêu dẻo, tăng cường độ... Phát triển sản xuất các loại vữa trộn sẵn để đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa xây dựng.

- Một số chủng loại vật liệu xây dựng khác:

+ Phát triển sản xuất các loại vật liệu hợp kim nhôm phẳng hoặc cong, có trọng lượng nhẹ, độ cứng cao, có vẻ đẹp hiện đại, bền với môi trường, dùng để ốp trong và ngoài công trình. Đầu tư sản xuất tấm trần bằng nhôm có màu sắc phong phú, đa dạng hình thức, kiểu dáng, nhẹ và có độ bền cao, thuận tiện cho thi công.

+ Phát triển sản xuất vật liệu nhựa. Phát triển sản xuất các loại khung cửa nhôm, khung cửa nhựa lõi thép chất lượng cao, đa dạng về kiểu dáng, màu sắc, có khả năng cách âm, cách nhiệt, không bị biến đổi hình dạng, không cong vênh, co ngót trong điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt.

+ Phát triển sản xuất tấm thạch cao; sàn epoxi giả đá, sàn bằng tấm hợp kim nhôm polyvinil clora lát trực tiếp trên mặt xi măng; các loại sàn nâng (sàn lắp ghép) phục vụ cho công trình văn phòng và nhà công nghiệp.

2. Về công nghệ sản xuất

Chỉ đầu tư những công nghệ tiên tiến, hiện đại có trình độ cơ giới hóa, tự động hóa cao tiệm cận với trình độ công nghệ của thế giới, đảm bảo được các quy định về môi trường theo tiêu chuẩn quốc tế. Tập trung vào chế biến sâu nguyên liệu thành sản phẩm hàng hóa chất lượng cao, có giá trị kinh tế cao, không xuất khẩu nguyên liệu thô hoặc bán thành phẩm.

3. Về tổ chức sản xuất

Phát triển theo hướng hình thành các tập đoàn sản xuất chuyên sâu vào một sản phẩm có thế mạnh hoặc tập đoàn sản xuất nhiều chủng loại sản phẩm để nâng cao và khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế, rút gọn các đầu mối sản xuất và tiêu thụ; đơn giản hóa công tác quản lý và mang lại hiệu quả sản xuất kinh doanh.

4. Về phân bổ sản xuất

- Phân bố các cơ sở sản xuất theo hướng hình thành các khu, cụm công nghiệp vật liệu xây dựng tập trung, sản xuất nhiều chủng loại vật liệu xây dựng để tiết kiệm vốn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hỗ trợ lẫn nhau trong việc đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật.

- Bố trí khu cụm công nghiệp vật liệu xây dựng ở khu vực ngoại vi đô thị, xa khu dân cư để không làm ảnh hưởng đến đời sống dân cư.

- Hình thành các siêu thị vật liệu xây dựng tại các khu đô thị để giới thiệu, quảng bá sản phẩm vật liệu xây dựng, tạo điều kiện cho người sử dụng dễ dàng lựa chọn các sản phẩm vật liệu xây dựng theo yêu cầu của từng loại công trình.

- Xây dựng các cơ sở sản xuất bê tông đúc sẵn, bê tông thương phẩm, vữa trộn sẵn tại các khu vực ngoại thành. Nghiêm cấm vận chuyển trong nội thành các loại sản phẩm vật liệu rời gây ô nhiễm môi trường đô thị như: Cát, đá, sỏi...

5. Về nguồn nguyên liệu

Tiếp tục thăm dò bổ sung (chủ yếu thăm dò xuống sâu) các mỏ đã cạn trữ lượng và đầu tư mở một số mỏ mới đã được thăm dò, cụ thể:

- Sét gạch ngói: Thăm dò bổ sung các khu cạn trữ lượng của các mỏ Ninh Hưng, Ninh Thân (Ninh Hòa); Diên Xuân, Diên Tân (Diên Khánh).

- Đá xây dựng: Thăm dò bổ sung, thăm dò xuống sâu dưới mức đã cấp phép các khu vực khai thác đá đã cạn trữ lượng Vạn Hưng, Vạn Lương, Vạn Thạnh (Vạn Ninh); Ninh Phước, Ninh Giang (Ninh Hòa); Diên Lâm, Diên Sơn (Diên Khánh); Suối Tân, Cam Đức (Cam Lâm); Cam Thịnh Tây, Cam Thịnh Đông, Cam Phước Đông, Ba Ngòi (Cam Ranh); Khánh Bình, Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Đông, Khánh Phú (Khánh Vĩnh); Ba Cụm Bắc (Khánh Sơn).

- Đá khối: Thăm dò bổ sung các khu vực Vạn Thắng, Xuân Sơn (Vạn Ninh) và Suối Cát, Suối Tiên (Diên Khánh).

- Cát xây dựng: Thăm dò mở rộng, thăm dò mới các khu vực Ninh Hưng (Ninh Hòa); Diên Lạc, Diên Đồng, Suối Hiệp, Diên Xuân (Diên Khánh); Cam Đức (Cam Lâm); Cam Thành Đông (Cam Ranh); Khánh Hiệp, Khánh Trung, Khánh Đông, sông Thác Ngựa (Khánh Vĩnh); sông Tô Hạp (Khánh Sơn).

V. Các giải pháp thực hiện

1. Giải pháp về cơ chế chính sách

- Tiếp thị, quảng bá sản phẩm vật liệu xây dựng của tỉnh ra cả nước và thị trường quốc tế. Tổ chức các hội thảo, triển lãm, hội chợ quốc tế, ứng dụng công nghệ thông tin để mở rộng thị trường xuất khẩu. Nâng cao chất lượng sản phẩm để đạt được các tiêu chuẩn quốc tế, xây dựng các thương hiệu mạnh cho sản phẩm vật liệu xây dựng của tỉnh.

- Tiếp tục đầu tư cho công tác thăm dò khảo sát các mỏ khoáng sản, đánh giá đầy đủ về chất lượng, trữ lượng để có các căn cứ cấp phép cho các doanh nghiệp đầu tư khai thác sản xuất vật liệu xây dựng. Thực hiện đấu thầu trong khai thác khoáng sản, gắn khai thác với chế biến.

- Phổ biến rộng rãi quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng cho các ngành, các cấp chính quyền, các tổng công ty, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. Thống nhất quản lý và xây dựng kế hoạch đầu tư phát triển sản xuất vật liệu xây dựng.

- Phân cấp để tăng cường hiệu lực quản lý hoạt động sản xuất, khai thác khoáng sản làm triển vật liệu xây dựng đặc biệt là đối với một số lĩnh vực khai thác đá, cát, sỏi, sản xuất gạch ngói nung... Tăng cường kiểm tra, giám sát để chấm dứt các hoạt động khai thác, sản xuất triển vật liệu xây dựng không phép, trái phép và sử dụng các công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường.

2. Giải pháp về huy động nguồn vốn

- Tập trung nguồn lực cho đầu tư chiều sâu, cải tiến công nghệ, sử dụng công nghệ xanh không gây ô nhiễm môi trường, mở rộng sản xuất tại các cơ sở hiện có.

- Ưu tiên vốn cho các lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng tỉnh có lợi thế, có thị trường tiêu thụ tốt như: Xi măng, đá ốp lát chất lượng cao, gạch, ngói không nung. Thực hiện chính sách hỗ trợ sau đầu tư cho các doanh nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông, điện nước.

- Thực hiện chính sách thuế khuyến khích đầu tư theo Luật Đầu tư đã được ban hành. Cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư theo hướng thông thoáng nhằm thu hút mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư.

- Sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ đất, khoáng sản và thị trường vốn. Phát huy tối đa hiệu quả nguồn vốn từ đất thông qua các hình thức hợp tác đầu tư.

3. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Phát triển, thu hút đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, công nhân lành nghề có trình độ chuyên môn cao, có tay nghề vững vàng để nhanh chóng tiếp thu, làm chủ và vận hành được các dây chuyền công nghệ sản xuất tiên tiến. Có chính sách đãi ngộ các cán bộ khoa học kỹ thuật và công nhân có tay nghề cao.

- Thực hiện xã hội hóa công tác đào tạo nghề, đa dạng hóa các loại hình đào tạo nghề trong đó chú trọng đào tạo cho người lao động ngay tại các cơ sở sản xuất. Kết hợp đào tạo chuyên môn, kiến thức quản lý kinh tế với bồi dưỡng nhận thức pháp luật, phẩm chất lao động, đạo đức xã hội, ngoại ngữ....

4. Giải pháp về phát triển khoa học công nghệ

- Tập trung giải quyết những khó khăn trong sản xuất và áp dụng kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất để kịp thời hòa nhập với trình độ khoa học kỹ thuật cao trên thế giới.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin về những kinh nghiệm trong sản xuất vật liệu xây dựng trong từng doanh nghiệp.

5. Giải pháp về bảo vệ môi trường

- Xây dựng tiêu chí về bảo vệ môi trường sản xuất trong sản xuất vật liệu xây dựng. Các dự án đầu tư mới phải lựa chọn công nghệ tiên tiến và hướng bố trí vào các khu công nghiệp để có phương án tập trung xử lý rác thải. Các doanh nghiệp đang hoạt động phải đầu tư đổi mới công nghệ ở những công đoạn gây ô nhiễm (tiếng ồn, bụi, khói, hóa chất, nước thải...) đầu tư xử lý chất thải (thể khí, rắn, lỏng...) trước khí thải ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn cho phép.

- Thực hiện đấu thầu trong khai thác khoáng sản, gắn khai thác khoáng sản với chế biến; kiểm tra việc cải tạo và phục hồi môi trường trước khi đóng cửa mỏ.

- Các doanh nghiệp khai thác chế biến đá, cát sỏi phải áp dụng công nghệ khai thác tiên tiến để thu hồi triệt để tài nguyên, tiết kiệm khoáng sản đồng thời hạn chế ô nhiễm môi trường, đồng thời bố trí xa khu dân cư.

- Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc đánh giá tác động môi trường đối với các dự án đầu tư mới, việc tuân thủ các tiêu chí về môi trường, Luật Môi trường của các cơ sở khai thác, chế biến, sản xuất vật liệu xây dựng.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Xây dựng

- Chủ trì công bố công khai và phổ biến quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng cho các ngành, các cấp, các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cùng các cá nhân có liên quan biết để thực hiện.

- Xây dựng các văn bản hướng dẫn cho các cơ sở đầu tư mới, nâng công suất, đổi mới công nghệ và thiết bị tiên tiến theo hướng tiết kiệm nguyên nhiên vật liệu và bảo vệ môi trường phù hợp với định hướng của quy hoạch và từng bước chuyển dịch sản xuất từ “Nâu” sang “Xanh”.

- Thường xuyên kiểm tra giám sát hoạt động sản xuất vật liệu xây dựng, kiến nghị xử lý các đơn vị, cá nhân sản xuất vi phạm Luật Đất đai, Luật Tài nguyên khoáng sản và các quy định về bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên và giữ gìn di tích lịch sử văn hóa, an ninh quốc phòng.

- Xây dựng quy chế, chính sách nhằm khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển sản xuất vật liệu xây không nung đạt được hiệu quả kinh tế - xã hội.

- Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Xây dựng về tình hình hoạt động khai thác chế biến khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Hướng dẫn các chủ đầu tư lập đề án thăm dò khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, xây dựng chính sách ưu tiên thăm dò mở rộng, xuống sâu đối với một số mỏ có khả năng mang lại hiệu quả.

- Phối hợp với Sở Xây dựng trong việc quản lý về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật môi trường ở các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác khoáng sản, xây dựng ban hành Quy chế quản lý công nghệ khai thác các mỏ.

- Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện việc thanh tra, kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng theo giấy phép.

3. Sở Công thương

Phối hợp với các sở, ngành tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, các hoạt động triển lãm hàng hóa, hội chợ về vật liệu xây dựng nhằm giúp các doanh nghiệp khai thác thị trường trong và ngoài nước, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có cơ hội giao lưu, học tập kinh nghiệm.

4. Sở Giao thông Vận tải

Phối hợp cùng các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện quy hoạch giao thông đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Đầu tư xây dựng mới và mở rộng hệ thống đường bộ, đường sông, để đáp ứng nhu cầu vận chuyển đối với các khu vực có khối lượng sản phẩm vật liệu xây dựng lớn.

5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Nghiên cứu chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển các dự án đầu tư về vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng tiến độ xây dựng công trình.

- Là đầu mối tiếp nhận hồ sơ xin cấp phép đầu tư và là đầu mối tổ chức thẩm định các dự án về sản xuất vật liệu xây dựng, không cấp phép đầu tư cho các dự án sản xuất vật liệu xây dựng sử dụng công nghệ lạc hậu, không tiết kiệm nguyên nhiên liệu và không có trong quy hoạch, phương án bảo vệ môi trường.

6. Sở Khoa học và Công nghệ

- Thẩm định về công nghệ các dự án đầu tư phát triển vật liệu xây dựng. Tổ chức các hoạt động khoa học kỹ thuật nói chung và lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng nói riêng để giới thiệu và phổ biến những công nghệ hiện đại trong nước và thế giới.

- Phối hợp với Sở Xây dựng mở rộng việc quảng cáo, tuyên truyền về hiệu quả kinh tế kỹ thuật và sử dụng các sản phẩm mới, đặc biệt sử dụng vật liệu xây không nung cho các công trình xây dựng.

7. Sở Tài chính

Bố trí các khoản mục trong vốn đầu tư của tỉnh để đầu tư thăm dò, khảo sát điều tra cơ bản các mỏ có triển vọng, từ đó thu hút đầu tư hoặc đấu thầu để thu hồi vốn.

8. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Phối hợp cùng Sở Xây dựng trong việc quản lý các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng, các mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng và thực hiện quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn.

Chịu trách nhiệm quản lý, theo dõi, thống kê về hoạt động của các doanh nghiệp khai thác và sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn, hàng quý báo cáo về Sở Xây dựng.

Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số 1603/QĐ-UBND ngày 17 tháng 6 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Giao thông Vận tải, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đào Công Thiên

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4013/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

  • Số hiệu: 4013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 26/12/2016
  • Nơi ban hành: Tỉnh Khánh Hòa
  • Người ký: Đào Công Thiên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 26/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản