Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 4010/2006/QĐ-UBND

Vũng Tàu, ngày 08 tháng 11 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG, CÁN BỘ, CÔNG CHỨC VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Quyết định số 161/2003/QĐ-TTg ngày 04 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức;

Căn cứ Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg ngày 15 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 886/TTr-SNV ngày 18 tháng 10 năm 2006,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2006 - 2010.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Minh Sanh

 

KẾ HOẠCH

ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC TỈNH BÀ RỊA- VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2006 – 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số 4010/2006/QĐ-UBND ngày 08 tháng 11 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)

Trong những năm qua, thực hiện Quyết định số 74/2001/QĐ-TTg ngày 07 tháng 5 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức giai đoạn 2001 - 2005 và Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 20 tháng 9 năm 2002 của Tỉnh ủy Bà Rịa - Vũng Tàu về nhiệm vụ công tác quy hoạch và đào tạo cán bộ của tỉnh từ năm 2002 đến năm 2010, công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức (sau đây viết tắt là CBCC-VC) của tỉnh đã đạt được một số thành quả nhất định, số cán bộ công chức, viên chức hoàn chỉnh tiêu chuẩn và nâng cao trình độ ngày càng nhiều, từ đó góp phần không nhỏ vào việc trang bị kiến thức và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và tăng cường chất lượng hiệu quả hoạt động của các ngành, các cấp và các cơ quan, đơn vị trong tỉnh.

Ngày 15 tháng 02 năm 2006, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức giai đoạn 2006 - 2010.

Nhằm phát huy những thành quả đã đạt được và triển khai thực hiện Quyết định số 40/2006/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu lần thứ IV nhiệm kỳ 2005 - 2010 và Nghị quyết số 04/NQ/TU ngày 20 tháng 9 năm 2002, Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu giai đoạn 2006 - 2010 với các nội dung như sau:

I. ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG TRÌNH ĐỘ ĐỘI NGŨ CÁN BỘ CÔNG CHỨC – VIÊN CHỨC NHÀ NƯỚC TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Tính đến thời điểm ngày 31 tháng 12 năm 2005, toàn tỉnh có 1.536 công chức hành chính, 15.718 viên chức sự nghiệp và 1.534 cán bộ công chức cấp xã. Đánh giá thực trạng trình độ đội ngũ cán bộ công chức, viên chức của tỉnh như sau:

1. Đối với công chức hành chính:

Trong tổng số 1.536 công chức hành chính có 1.411 công chức ở ngạch cán sự và tương đương trở lên. Thực trạng trình độ của đội ngũ công chức ở ngạch cán sự và tương đương trở lên như sau:

- Về trình độ chuyên môn: có 1.228/1.411 công chức (đạt 87,03%) ở ngạch cán sự và tương đương trở lên có đủ trình độ theo yêu cầu của ngạch và chức danh đang đảm nhận; còn 12,97% công chức ở ngạch cán sự và tương đương chưa có đủ trình độ chuyên môn theo yêu cầu của ngạch và chức danh đang đảm nhận, trong số này có 172 người còn nằm trong độ tuổi cần đào tạo hoàn chỉnh tiêu chuẩn, chiếm 12,19%.

- Về trình độ lý luận chính trị: 1.114/1.411 công chức (đạt 78,95%) ở ngạch cán sự và tương đương trở lên có trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên, còn 274 người nằm trong độ tuổi phải đi đào tạo về lý luận chính trị, chiếm 19,24%.

- Về trình độ quản lý nhà nước: có 1.000/1.411 công chức (đạt 70,87%) ở ngạch cán sự và tương đương trở lên có trình độ quản lý nhà nước theo chương trình cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính theo yêu cầu của ngạch và chức danh đang đảm nhận, còn 29,13% chưa có đủ trình độ quản lý nhà nước theo yêu cầu của ngạch đang đảm nhận, trong đó có 389 người nằm trong độ tuổi cần đi đào tạo hoàn chỉnh tiêu chuẩn, chiếm 27,57%.

- Về trình độ tin học: có 954/1.411 (đạt 67,61%) công chức ở ngạch cán sự và tương đương trở lên có chứng chỉ tin học từ căn bản trở lên, còn 32,39% chưa có trình độ tin học, trong đó có 406 người nằm trong độ tuổi cần đi đào tạo, chiếm 28,77%.

- Về trình độ ngoại ngữ: trình độ này chỉ yêu cầu đối với công chức giữ ngạch chuyên viên và tương đương trở lên. Hiện có 558/1.061 công chức (đạt 52,59%) ở ngạch chuyên viên và tương đương trở lên có trình độ ngoại ngữ từ A trở lên, còn 47,41% công chức ngạch chuyên viên và tương đương trở lên chưa có trình độ ngoại ngữ theo quy định, trong đó có 465 người nằm trong độ tuổi đào tạo, chiếm 43,83%.

2. Đối với viên chức sự nghiệp:

Trong tổng số 15.718 viên chức sự nghiệp có 11.578 viên chức ở ngạch cán sự và tương đương trở lên. Thực trạng trình độ của đội ngũ viên chức ở ngạch cán sự và tương đương trở lên như sau:

- Về trình độ chuyên môn: có 11.288/11.578 viên chức (đạt 97,5%) ở ngạch cán sự và tương đương trở lên có đủ trình độ theo yêu cầu của ngạch và chức danh đang đảm nhận, còn 2,5% chưa có đủ trình độ, trong đó có 276 người nằm trong độ tuổi cần đào tạo hoàn chỉnh tiêu chuẩn, chiếm 2,38%.

 - Về trình độ tin học: có 2.213/11.578 viên chức (đạt 19%) ở ngạch cán sự và tương đương trở lên có trình độ tin học từ căn bản trở lên, còn 81% viên chức chưa có trình độ tin học, trong đó có 8.904 người nằm trong độ tuổi đào tạo, chiếm 76,9%.

- Về trình độ ngoại ngữ: trình độ này chỉ yêu cầu đối với viên chức giữ ngạch chuyên viên và tương đương trở lên, có 1.856/6.089 viên chức (đạt 16,03%) ở ngạch chuyên viên và tương đương trở lên có trình độ ngoại ngữ từ A trở lên, còn 83,97% chưa có trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu, trong đó có 4.022 người nằm trong độ tuổi đào tạo, chiếm 66,05%.

3. Đối với cán bộ công chức cấp xã:

- Đối với cán bộ chuyên trách cấp xã:

+ Về trình độ chuyên môn: có 352/849 (đạt 41,46%) cán bộ chuyên trách có trình độ đào tạo từ trung cấp trở lên, trong đó 125/849 (đạt 14,73%) cán bộ chuyên trách có trình độ đào tạo đại học, cao đẳng; 227/849 (đạt 26,73%) cán bộ chuyên trách có trình độ đào tạo trung cấp.

+ Về trình độ lý luận chính trị: có 503/849 (đạt 59,24%) cán bộ chuyên trách có trình độ lý luận chính trị từ trung cấp trở lên.

+ Về trình độ quản lý nhà nước: có 303/849 ( đạt 35,6%) cán bộ chuyên trách được bồi dưỡng chương trình quản lý nhà nước, chủ yếu là quản lý nhà nước chính quyền cơ sở.

+ Về trình độ tin học, ngoại ngữ: số cán bộ chuyên trách có trình độ tin học và ngoại ngữ chưa nhiều (tin học đạt 17,9%, ngoại ngữ đạt 10,6%) . Trong thời gian tới cần đẩy mạnh việc đào tạo bồi dưỡng tin học và ngoại ngữ đối với đội ngũ cán bộ chuyên trách, trong đó chủ yếu là bồi dưỡng tin học.

- Đối với công chức cấp xã:

+ Về trình độ chuyên môn: có 404/685 (đạt 58,97%) công chức cấp xã có trình độ đào tạo trung cấp trở lên, trong đó 81/685 (đạt 11,82) công chức cấp xã có trình độ đào tạo đại học, cao đẳng; có 323/685 (đạt 47,15%) công chức cấp xã có trình độ đào tạo trung cấp.

+ Về trình độ lý luận chính trị: có 310/685 (đạt 45,2%) công chức cấp xã có trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên.

+ Về trình độ quản lý nhà nước: có 199/685 ( đạt 29,05%) công chức cấp xã được bồi dưỡng chương trình quản lý nhà nước chính quyền cơ sở.

+ Về trình độ tin học, ngoại ngữ: số công chức cấp xã có trình độ ngoại ngữ rất ít (đạt 12,7%), 38,24% công chức cấp xã có trình độ tin học từ căn bản trở lên.

- Đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã:

+ Về trình độ chuyên môn: có 437/1418 (đạt 30,8%) cán bộ không chuyên trách có trình độ đào tạo sơ cấp trở lên, trong đó 36/1418 (đạt 2,53%) cán bộ không chuyên trách cấp xã có trình độ đào tạo đại học, cao đẳng; 214/1418 (đạt 15,09%) cán bộ không chuyên trách cấp xã có trình độ trung cấp và 187/1418 (đạt 13,18%) cán bộ không chuyên trách cấp xã có trình độ sơ cấp.

+ Về trình độ lý luận chính trị: có 430/1418 (đạt 30,32%) cán bộ không chuyên trách cấp xã có trình độ lý luận chính trị từ sơ cấp trở lên.

+ Về trình độ quản lý nhà nước: có 107/1418 ( đạt 7,54%) cán bộ không chuyên trách cấp xã được bồi dưỡng chương trình quản lý nhà nước chính quyền cơ sở.

II. KẾ HOẠCH ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG CBCC-VC NHÀ NƯỚC TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU GIAI ĐOẠN 2006 - 2010

1. Mục tiêu :

a) Mục tiêu chung: Đào tạo bồi dưỡng nhằm trang bị, nâng cao kiến thức, năng lực quản lý, điều hành và thực thi công vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức viên chức chuyên nghiệp, có phẩm chất tốt và đủ năng lực thi hành công vụ, tận tụy phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

b) Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến năm 2010:

- Đối với cán bộ công chức hành chính:

+ 100% cán bộ công chức làm công tác lãnh đạo quản lý, công chức các ngạch cán sự, chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp và tương đương đủ điều kiện được đào tạo, bồi dưỡng hoặc được cử đi đào tạo bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức quản lý nhà nước, tin học và kiến thức chuyên ngành còn thiếu theo tiêu chuẩn quy định.

+ 100% cán bộ công chức ngạch chuyên viên chính và tương đương trở lên được bồi dưỡng ngoại ngữ trình độ B trở lên theo tiêu chuẩn quy định đối với ngạch và chức danh đang đảm nhận.

+ 100% cán bộ công chức làm công tác lãnh đạo quản lý, công chức ngạch cán sự và tương đương trở lên làm việc trong các lĩnh vực hợp tác quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế được đào tạo ngoại ngữ trình độ B trở lên.

+ 100% những người sau khi trúng tuyển qua kỳ thi tuyển công chức được đào tạo, bồi dưỡng tiền công vụ.

+ 100% công chức lãnh đạo cấp sở, huyện được trang bị kỹ năng lãnh đạo quản lý và kỹ năng phối hợp xử lý các vấn đề có tính chất liên ngành.

+ 100% công chức hành chính được trang bị kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ và có khả năng hoàn thành có chất lượng nhiệm vụ được giao.

+ 100% công chức hành chính được trang bị kiến thức về văn hóa công sở, trách nhiệm và đạo đức công chức cho cán bộ công chức các ngạch.

+ Mỗi vị trí chức danh cán bộ lãnh đạo từ cấp Trưởng, Phó Phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh (gọi chung là Sở) và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (gọi chung là Huyện) trở lên có ít nhất 01 cán bộ công chức dự nguồn đã được đào tạo, bồi dưỡng đủ trình độ theo tiêu chuẩn chức danh được quy hoạch vào.

+ Mỗi Sở có ít nhất 01 công chức chuyên môn nghiệp vụ quy hoạch vào ngạch chuyên viên chính và tương đương đã được đào tạo, bồi dưỡng đủ trình độ (hoặc đang được cử đi đào tạo bồi dưỡng) theo tiêu chuẩn quy định.

+ Mỗi sở, Ủy ban nhân dân huyện có ít nhất 01 cán bộ công chức được cử đi đào tạo nâng cao về chuyên môn, 01 cán bộ công chức được cử đi đào tạo nâng cao về ngoại ngữ, 01 cán bộ công chức được đào tạo nâng cao về tin học để hình thành đội ngũ cán bộ công chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao.

- Đối với cán bộ viên chức sự nghiệp:

+ 100% cán bộ viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 01 năm 1996 đủ điều kiện được đào tạo, bồi dưỡng hoặc được cử đi đào tạo bồi dưỡng về trình độ chuyên môn, tin học và kiến thức chuyên ngành còn thiếu theo tiêu chuẩn quy định

+ Mỗi vị trí chức danh cán bộ lãnh đạo (Trưởng, Phó Phòng và tương đương trở lên đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và Trưởng, Phó các đơn vị sự nghiệp trực thuộc sở, Ủy ban nhân dân huyện) có ít nhất 01 cán bộ viên chức dự nguồn được đào tạo, bồi dưỡng đủ trình độ theo tiêu chuẩn chức danh được quy hoạch vào.

+ Mỗi đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và trực thuộc Sở có ít nhất 01 viên chức chuyên môn nghiệp vụ dự nguồn để giữ ngạch chuyên viên chính và tương đương đã được đào tạo bồi dưỡng đủ trình độ theo chức danh được quy hoạch vào.

+ Mỗi đơn vị sự nghiệp có ít nhất 01 viên chức đi đào tạo nâng cao về chuyên môn, 01 viên chức đào tạo nâng cao về ngoại ngữ và 01 viên chức đào tạo nâng cao về tin học để hình thành đội ngũ viên chức có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao.

- Đối với cán bộ, công chức cấp xã:

+ 95 % cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã được đào tạo trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên, được bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn quy định (trong đó 100% cán bộ chuyên trách, công chức cấp xã là người dân tộc thiểu số được đào tạo trình độ chuyên môn từ Trung cấp trở lên, được bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn quy định).

+ 85 % cán bộ không chuyên trách cấp xã được đào tạo trình độ chuyên môn, được bồi dưỡng về trình độ lý luận chính trị, quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn quy định.

+ 100% Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã được đào tạo bồi dưỡng theo chức danh.

+ 100% Cán bộ trực tiếp làm công tác dân tộc công tác tại các vùng có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống được đào tạo tiếng dân tộc thiểu số của vùng đó..

 + 100% Trưởng thôn, ấp, khu phố được bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn, kiến thức pháp luật, kỹ năng hoạt động theo quy định.

- Đối với Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp: 100% đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2009 - 2014 được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng hoạt động.

2. Đối tượng đào tạo bồi dưỡng:

- Cán bộ công chức hành chính, viên chức sự nghiệp đang làm việc trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp Nhà nước cấp tỉnh, cấp huyện.

- Cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn (bao gồm cả cán bộ tăng cường công tác tại xã, phường, thị trấn); cán bộ không chuyên trách cấp xã và Trưởng thôn, ấp, khu phố.

- Đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

3. Nội dung đào tạo bồi dưỡng:

a) Đối với cán bộ công chức hành chính:

- Đào tạo trình độ chuyên môn:

+ Đào tạo trình độ đại học hành chính hoặc đại học có chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực công tác đối với: cán bộ công chức hiện giữ ngạch từ chuyên viên và tương đương trở lên và cán bộ công chức là Trưởng, Phó các phòng sở, huyện trở lên (kể cả trường hợp Trưởng, Phó phòng hiện đang giữ ngạch cán sự và tương đương) chưa có trình độ đại học.

+ Đào tạo trình độ trung cấp Hành chính hoặc trung cấp có chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực công tác đối với cán bộ công chức hiện giữ ngạch cán sự và tương đương.

+ Đào tạo trình độ đại học bằng thứ 2 hoặc đào tạo sau đại học (hành chính hoặc chuyên ngành) phù hợp với lĩnh vực công tác của cán bộ công chức đối với các đối tượng đào tạo theo quy hoạch và đào tạo nâng cao.

- Đào tạo trình độ lý luận chính trị:

+ Đào tạo cao cấp lý luận chính trị đối với:

. Cán bộ công chức giữ chức vụ từ Trưởng, Phó phòng sở, huyện trở lên (riêng Trưởng, Phó phòng phải là những người đảm nhận nội dung công việc của chuyên viên chính);

. Công chức giữ ngạch chuyên viên chính và tương đương trở lên.

. Công chức giữ ngạch chuyên viên và tương đương được quy hoạch giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được quy hoạch vào ngạch chuyên viên chính và tương đương.

. Công chức giữ ngạch chuyên viên và tương đương được đưa vào kế hoạch đào tạo nâng cao để hình thành đội ngũ cán bộ công chức có trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao.

+ Đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị đối với công chức giữ ngạch chuyên viên và tương đương.

- Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước:

+ Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp đối với Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, công chức giữ ngạch chuyên viên cao cấp và những người được sơ tuyển dự thi nâng ngạch lên chuyên viên cao cấp.

+ Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên chính đối với:

. Trưởng, Phó phòng thuộc sở, huyện trở lên (riêng Trưởng, Phó phòng phải là những người đảm nhận nội dung công việc của chuyên viên chính).

. Công chức giữ ngạch chuyên viên chính.

. Công chức giữ ngạch chuyên viên và tương đương được quy hoạch giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được quy hoạch vào ngạch chuyên viên chính và tương đương.

+ Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên đối với công chức giữ ngạch chuyên viên, công chức giữ ngạch cán sự và tương đương hiện đang giữ chức vụ Trưởng, Phó phòng thuộc sở, Ủy ban nhân dân huyện.

+ Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch cán sự đối với công chức giữ ngạch cán sự.

- Bồi dưỡng ngoại ngữ:

+ Bồi dưỡng ngoại ngữ trình độ C đối với:

. Công chức giữ ngạch chuyên viên cao cấp.

. Cán bộ công chức trực tiếp làm công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế đã có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ B.

. Cán bộ công chức được đưa vào kế hoạch đào tạo nâng cao để hình thành đội ngũ công chức có trình độ chuyên môn cao.

+ Bồi dưỡng ngoại ngữ trình độ B đối với:

. Cán bộ công chức giữ chức vụ Trưởng, Phó phòng sở, huyện trở lên (riêng Trưởng, Phó phòng phải là những người đảm nhận nội dung công việc của chuyên viên chính).

. Công chức giữ ngạch chuyên viên chính và tương đương.

. Công chức giữ ngạch chuyên viên và tương đương được quy hoạch giữ chức vụ lãnh đạo hoặc được quy hoạch vào ngạch chuyên viên chính và tương đương.

 . Cán bộ công chức trực tiếp làm công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế đã có chứng chỉ ngoại ngữ trình độ A.

+ Bồi dưỡng ngoại ngữ trình độ A đối với công chức trực tiếp là công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế, hội nhập kinh tế quốc tế chưa có chứng chỉ ngoại ngữ.

- Đào tạo bồi dưỡng tin học: đào tạo bồi dưỡng tin học trình độ từ căn bản tới nâng cao đối với tất cả cán bộ công chức hành chính. Riêng cán bộ công chức trực tiếp làm công tác quản lý tin học trong các cơ quan hành chính và công chức được đưa vào kế hoạch đào tạo nâng cao để hình thành đội ngũ chuyên gia đầu ngành, lĩnh vực thì được đào tạo trình độ trung cấp tin học trở lên.

- Đào tạo tiền công vụ: đào tạo kiến thức về nền hành chính nhà nước, pháp luật, kỹ năng hoạt động công vụ và đạo đức công chức đối với công chức dự bị sau khi trúng tuyển qua các kỳ thi tuyển công chức .

- Bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo quản lý: đối với cán bộ công chức giữ chức vụ lãnh đạo từ Trưởng, Phó phòng sở, huyện và tương đương trở lên, các đối tượng được quy hoạch giữ chức vụ lãnh đạo. Trong giai đoạn 2006 - 2008 ưu tiên đào tạo trước cho cán bộ lãnh đạo đương chức cấp sở, huyện và tương đương.

- Bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ, kiến thức về văn hóa công sở, trách nhiệm và đạo đức công chức: bồi dưỡng nhằm trang bị kỹ năng nghiệp vụ theo yêu cầu công vụ, kiến thức về văn hóa công sở, trách nhiệm và đạo đức công chức cho tất cả cán bộ công chức phù hợp với cơ quan công tác và chức danh đảm nhận.

- Bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành, lĩnh vực: bồi dưỡng cho cán bộ công chức kiến thức chuyên ngành, lĩnh vực phù hợp với cơ quan công tác và chức danh đảm nhận.

b) Đối với viên chức sự nghiệp:

 - Đào tạo trình độ chuyên môn:

+ Đào tạo trình độ đại học chuyên ngành đối với cán bộ viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 01 năm 1996 giữ ngạch chuyên viên và tương đương chưa có bằng đại học theo theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh quy định.

+ Đào tạo bằng Đại học thứ 2, Chuyên khoa I, Chuyên khoa II, Thạc sỹ, Tiến sỹ đối với cán bộ viên chức được quy hoạch giữ chức vụ lãnh đạo, được quy hoạch giữ ngạch chuyên viên chính và tương đương hoặc được đưa vào đối tượng đào tạo nâng cao để hình thành đội ngũ viên chức có trình độ chuyên môn sâu.

+ Đào tạo trung cấp chuyên ngành đối với cán bộ viên chức được tuyển dụng trước ngày 01 tháng 01 năm 1996 giữ ngạch cán sự và tương đương chưa có bằng trung cấp theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh quy định.

- Đào tạo lý luận chính trị:

+ Đào tạo trình độ cao cấp lý luận chính trị đối với:

. Trưởng, Phó các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, trực thuộc sở.

. Viên chức giữ ngạch tương đương chuyên viên cao cấp.

. Viên chức được quy hoạch giữ chức vụ lãnh đạo Trưởng, Phó các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, trực thuộc Sở.

+ Đào tạo trình độ trung cấp chính trị đối với các chức danh Trưởng, Phó các đơn vị sự nghiệp thuộc Huyện và Trưởng, Phó phòng của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh và viên chức được quy hoạch giữ chức vụ lãnh đạo các danh này.

- Bồi dưỡng ngoại ngữ:

+ Bồi dưỡng trình độ C đối với viên chức ngạch chuyên viên và tương đương trở lên được đưa vào kế hoạch đào tạo bồi dưỡng để hình thành đội ngũ viên chức có trình độ chuyên môn sâu.

+ Bồi dưỡng ngoại ngữ trình độ A, B đối với:

. Cán bộ viên chức lãnh đạo giữ ngạch chuyên viên và tương đương trở lên theo tiêu chuẩn quy định và chức danh đang đảm nhận.

. Cán bộ viên chức được quy hoạch vào chức danh cán bộ lãnh đạo hoặc chức danh chuyên viên chính và tương đương.

- Đào tạo tin học: đào tạo tin học từ căn bản tới nâng cao đối với viên chức lãnh đạo và viên chức chuyên môn nghiệp vụ. Riêng viên chức được đưa vào kế hoạch đào tạo đội ngũ viên chức có trình độ chuyên môn sâu thì đào tạo trình độ từ trung cấp trở lên.

- Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước chuyên ngành, lĩnh vực: đối với cán bộ lãnh đạo quản lý, cán bộ quy hoạch chức vụ lãnh đạo và đối với một số chức danh khác phù hợp với cơ quan công tác và chức danh đảm nhận.

c) Đối với cán bộ, công chức cấp xã:

- Đào tạo, bồi dưỡng để hoàn chỉnh các trình độ theo yêu cầu của chức danh đang đảm nhiệm:

+ Đối với cán bộ chuyên trách:

. Đào tạo trình độ chuyên môn: đào tạo trình độ trung cấp trở lên (các chuyên ngành Luật, Hành chính, Kinh tế).

. Đào tạo trình độ lý luận chính trị: đào tạo trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên.

. Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước: bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước dành cho cán bộ chính quyền cơ sở hoặc bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước đối với từng chức danh.

. Bồi dưỡng tin học: theo chương trình tin học căn bản.

. Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng, nghiệp vụ quản lý hành chính nhà nước, nghiệp vụ quản lý kinh tế, đất đai, tài chính, xây dựng và các kiến thức khác như pháp luật, kiến thức quốc phòng, an ninh (tùy theo chức danh cụ thể).

+ Đối với công chức cấp xã :

. Đào tạo trình độ chuyên môn: đào tạo trình độ trung cấp trở lên theo chuyên ngành phù hợp chức danh đang đảm nhiệm ( các chuyên ngành Luật, Hành chính, Kinh tế, Quân sự, Công an, Văn hóa, Địa chính, Lao động tiền lương, Văn thư – Lưu trữ, Nông nghiệp v.v…)

. Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước: bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước dành cho cán bộ chính quyền cơ sở hoặc bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước ngạch chuyên viên, cán sự (tùy theo ngạch công chức hiện giữ).

. Bồi dưỡng tin học: theo chương trình tin học căn bản (bảo đảm phải sử dụng được kỹ thuật tin học trong công tác chuyên môn).

. Bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành: Bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành phù hợp với chức danh công chức đang đảm nhận.

+ Đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã:

. Đào tạo trình độ chuyên môn: đào tạo trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên theo chuyên ngành phù hợp với chức danh đang đảm nhiệm.

. Bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước: bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước dành cho cán bộ chính quyền cơ sở.

. Bồi dưỡng tin học: tùy theo các chức danh có yêu cầu về tin học .

. Bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành: Bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành phù hợp với chức danh cán bộ không chuyên trách đang đảm nhận.

+ Đối với Trưởng thôn, ấp, khu phố: Bồi dưỡng kiến thức quản lý hành chính nhà nước, các kiến thức về kinh tế, pháp luật liên quan tới chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng thôn, ấp, khu phố, những kiến thức bổ trợ cần thiết và kỹ năng hoạt động cho giúp Trưởng, thôn, ấp, khu phố thực hiện tốt nhiệm vụ tại địa bàn dân cư theo quy chế bồi dưỡng Trưởng thôn, ấp, khu phố do Bộ Nội vụ quy định.

- Bồi dưỡng các kiến thức bổ trợ về nghiệp vụ chuyên môn, đạo đức công chức cho cán bộ công chức cấp xã và các kỹ năng hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp:

+ Tổ chức đào tạo bồi dưỡng trang bị kiến thức, phương pháp và kỹ năng điều hành cho Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã theo Quyết định số 31/2006/QĐ-TTg về việc phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng Chủ tịch Hội đồng nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn giai đoạn 2006 - 2010 của Thủ tướng Chính phủ,

+ Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn là người dân tộc thiểu số theo Quyết định 34/2006/QĐ-TTg ngày 08 tháng 02 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức xã, phường, thị trấn là người dân tộc thiểu số giai đoạn 2006 - 2010.

+ Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về đạo đức cán bộ công chức cho cán bộ, công chức cấp xã; xây dựng tinh thần sống và làm việc theo pháp luật, thái độ tôn trọng dân, phục vụ dân.

+ Tổ chức đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức và kỹ năng hoạt động cho đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2009 - 2014.

4. Điều kiện cử cán bộ, công chức đi đào tạo, bồi dưỡng:

a) Đối với các đối tượng đào tạo, bồi dưỡng theo quy hoạch hoặc nâng cao:

- Nằm trong diện quy hoạch cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức chuyên môn nghiệp vụ ; hoặc nằm trong diện quy hoạch vào một trong các chức danh cán bộ chủ chốt ở xã, phường, thị trấn.

- Có quá trình công tác trong ngành, địa phương từ 03 năm trở lên .

- Cơ bản đã đạt tiêu chuẩn trình độ quy định đối với ngạch, chức danh hiện giữ.

- Có tuổi đời nam dưới 45, nữ dưới 40 tính đến năm đi đào tạo bồi dưỡng (một số trường hợp tuổi đời cử đi đào tạo có thể cao hơn nhưng đối với nam cũng không quá 49 tuổi, nữ không quá 44 tuổi và do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định).

- Có đủ các điều kiện khác theo yêu cầu của cơ sở đào tạo.

b) Đối với các đối tượng còn lại khi được cử đi đào tạo trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, bồi dưỡng ngoại ngữ:

+ Tuổi đời nam dưới 50, nữ dưới 45 tính đến năm được cử đi đào tạo. Đối với cán bộ, công chức cấp xã độ tuổi chủ yếu cử đi đào tạo: nam dưới 45, nữ dưới 40 tính đến năm được cử đi đào tạo.

+ Đối tượng cử đi đào tạo là cán bộ bầu cử phải nằm trong dự kiến tiếp tục bố trí trong nhiệm kỳ 2009 - 2014. Đối tượng cử đi đào tạo là cán bộ công chức khác phải thuộc diện bố trí sử dụng lâu dài, ổn định.

+ Riêng đối tượng được cử đi đào tạo trình độ lý luận chính trị cao cấp phải là Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

+ Có đủ các điều kiện khác theo yêu cầu của cơ sở đào tạo.

5. Hình thức đào tạo: chủ yếu đào tạo, bồi dưỡng theo hình thức tại chức, hình thức tập trung đối với cán bộ công chức viên chức còn trẻ quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh và huyện.

6. Kinh phí đào tạo: từ nguồn Ngân sách Nhà nước bao gồm ngân sách Trung ương phân bổ hàng năm và ngân sách địa phương; nguồn đóng góp của các tổ chức cử cán bộ, công chức viên chức đi đào tạo, của học viên và các nguồn kinh phí khác.

7. Dự kiến số lượng cán bộ - công chức viên chức được cử đi đào tạo bồi dưỡng trong giai đoạn 2006 - 2010: có trong biểu mẫu đính kèm.

8. Tiến độ thực hiện: mỗi năm phấn đấu cử 20% tổng số cán bộ - công chức viên chức đi đào tạo - bồi dưỡng theo kế hoạch. Riêng chỉ tiêu bồi dưỡng đào tạo bồi dưỡng trang bị kỹ năng lãnh đạo, quản lý cho cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, huyện hoàn thành trước năm 2008.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giám đốc các sở, ban ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm phổ biến nội dung Kế hoạch này đến cán bộ công chức nhân viên trong cơ quan, đơn vị mình và các đơn vị trực thuộc (nếu có).

2. Căn cứ vào nội dung Kế hoạch này, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh có trách nhiệm xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức cho từng năm, trên cơ sở đó, Sở Nội vụ, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Văn hóa – Thông tin, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm thẩm định và phê duyệt kế hoạch đào tạo bồi dưỡng của các cơ quan, đơn vị trực thuộc theo thẩm quyền phân cấp.

3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm triển khai thực hiện Kế hoạch đào tạo hàng năm sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và thực hiện chế độ báo cáo theo quy định hiện hành.

4. Trường Chính trị tỉnh, các Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và các cơ sở đào tạo bồi dưỡng của tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch mở lớp, phối hợp với các cơ sở đào tạo của Trung ương nhằm thực hiện có chất lượng và hiệu quả Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức nhà nước giai đoạn 2006 – 2010.

5. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư xây dựng kế hoạch bố trí ngân sách địa phương hàng năm cho công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức của tỉnh.

6. Sở Nội vụ có trách nhiệm đôn đốc các cơ quan, đơn vị thực hiện Kế hoạch này, theo dõi, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nội vụ theo quy định./.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 4010/2006/QĐ-UBND về kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công, viên chức của tỉnh giai đoạn 2006 - 2010 do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ban hành

  • Số hiệu: 4010/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 08/11/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
  • Người ký: Trần Minh Sanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản