Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/2016/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 22 tháng 11 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH VỀ TRỢ CẤP THƯỜNG XUYÊN, ĐỘT XUẤT ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CÔNG VỚI CÁCH MẠNG MẮC BỆNH HIỂM NGHÈO CÓ HOÀN CẢNH KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 14/2009/QĐ-UBND NGÀY 30 THÁNG 5 NĂM 2009 CỦA UBND THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng; Pháp lệnh số 04/2012/UBTVQH13 ngày 16 tháng 7 năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;

Căn cứ Nghị định số 45/2006/NĐ-CP ngày 28/4/2006 của Chính phủ về việc ban hành Điều lệ quản lý và sử dụng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”;

Căn cứ Nghị quyết số 19/2016/NQ-HĐND ngày 11 tháng 8 năm 2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc quyết định chính sách trợ cấp thường xuyên, đột xuất đối với người có công với cách mạng mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Quy định về trợ cấp thường xuyên, đột xuất đối với người có công với cách mạng mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ban hành kèm theo Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND ngày 30/5/2009 của UBND thành phố Đà Nẵng như sau:

1. Điều 2 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 2. Đối tượng, điều kiện được hưởng và mức trợ cấp

Đối tượng, điều kiện được hưởng và mức trợ cấp thực hiện theo quy định tại Điều 1, Nghị quyết số 19/2016/NQ-HĐND ngày 11/8/2016 của Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc quyết định chính sách trợ cấp thường xuyên, đột xuất đối với người có công với cách mạng mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”.

2. Điều 5 được sửa đổi, bổ sung như sau:

Điều 5. Hồ sơ trợ cấp

1. Hồ sơ trợ cấp thường xuyên gồm:

- Bản khai của gia đình người có công với cách mạng;

- Các giấy tờ điều trị bệnh hiểm nghèo tại các cơ sở y tế (đối với trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo);

- Biên bản xác minh tình trạng bệnh tật đối tượng của cán bộ phụ trách Lao động - Thương binh và Xã hội xã, phường và cán bộ y tế thuộc Trạm y tế xã, phường;

- Biên bản họp xét đề nghị trợ cấp của Hội đồng xét duyệt chính sách (Ban Chỉ đạo thực hiện Nghị định 31/2013/NĐ-CP) xã, phường.

Giao Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành biểu mẫu Bản khai, Biên bản xác minh, Biên bản họp xét của Hội đồng xét duyệt chính sách áp dụng thống nhất trên địa bàn thành phố.

2. Hồ sơ trợ cấp khó khăn đột xuất gồm:

- Đơn đề nghị trợ cấp khó khăn đột xuất của người có công với cách mạng có xác nhận của UBND phường, xã;

- Các giấy tờ có liên quan đến bệnh tật trong quá trình điều trị tại các cơ sở y tế (nếu có)”.

3. Điều 6 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 6. Quy trình, thẩm quyền xét duyệt và thời gian giải quyết

1. Quy trình và thẩm quyền xét duyệt:

a) Trợ cấp thường xuyên:

- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (TN &TKQ) xã, phường tiếp nhận bản khai và các giấy tờ điều trị bệnh hiểm nghèo tại các cơ sở y tế (đối với trường hợp mắc bệnh hiểm nghèo) chuyển Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã, phường. Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã, phường phối hợp với cán bộ y tế trực tiếp kiểm tra tình trạng bệnh tật, báo cáo Hội đồng xét duyệt chính sách xã, phường họp xem xét từng trường hợp, lập Biên bản đề nghị giải quyết trợ cấp (kèm theo hồ sơ) gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (thông qua Bộ phận TN &TKQ quận, huyện);

- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra, lập danh sách đề nghị giải quyết trợ cấp (kèm theo hồ sơ), gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (thông qua Bộ phận TN &TKQ của Sở);

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định phê duyệt danh sách giải quyết trợ cấp. Căn cứ quyết định phê duyệt danh sách giải quyết trợ cấp, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định giải quyết trợ cấp cho từng đối tượng.

b) Trợ cấp khó khăn đột xuất:

- Cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã, phường (thông qua Bộ phận TN &TKQ xã, phường), tiếp nhận đơn đề nghị trợ cấp kèm theo các giấy tờ có liên quan đến bệnh tật trong quá trình điều trị tại các cơ sở y tế (nếu có), kiểm tra trình Ủy ban nhân dân xã, phường xác nhận và gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (thông qua Bộ phận TN &TKQ quận, huyện);

- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận đơn kèm theo các giấy tờ có liên quan đến bệnh tật (nếu có), kiểm tra và chuyển về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (thông qua Bộ phận TN &TKQ của Sở);

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp nhận đơn kèm theo các giấy tờ có liên quan đến bệnh tật (nếu có), kiểm tra, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định giải quyết trợ cấp.

2. Thời gian giải quyết:

a) Trợ cấp thường xuyên: Thời gian giải quyết: 18 (Mười tám) ngày làm việc (trong đó: xã, phường 05 ngày; quận, huyện: 05 ngày; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: 05 ngày và UBND thành phố 03 ngày).

Sau khi nhận quyết định phê duyệt danh sách giải quyết trợ cấp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành quyết định giải quyết trợ cấp cho từng đối tượng trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc.

b) Trợ cấp khó khăn đột xuất: Thời gian giải quyết: 19 (mười chín) ngày làm việc (trong đó: UBND xã, phường 02 ngày; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội quận, huyện: 03 ngày, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 07 ngày; UBND thành phố: 07 ngày)”.

4. Điều 7 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 7. Thẩm quyền quyết định, quy trình giải quyết thôi hưởng trợ cấp và di chuyển chế độ trợ cấp

1. Thẩm quyền quyết định việc thôi hưởng trợ cấp và chuyển chế độ trợ cấp:

Chủ tịch UBND thành phố ủy quyền cho Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định việc thôi hưởng trợ cấp hoặc chuyển chế độ trợ cấp trong những trường hợp sau:

a) Thôi hưởng trợ cấp:

- Người có công với cách mạng đang được hưởng trợ cấp từ trần;

- Người có công với cách mạng được giải quyết chế độ trợ cấp mới (có thu nhập từ lương và các khoản trợ cấp hàng tháng cao hơn 02 lần mức chuẩn trợ cấp người có công);

- Người có công với cách mạng đang được hưởng trợ cấp chuyển đến địa phương khác ngoài thành phố.

b) Chuyển chế độ trợ cấp:

Người có công với cách mạng đang được hưởng trợ cấp từ quận, huyện này chuyển đến quận, huyện khác trên địa bàn thành phố.

2. Quy trình giải quyết thôi hưởng trợ cấp và chuyển chế độ trợ cấp:

a) Thôi hưởng trợ cấp:

Người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp từ trần, hoặc được giải quyết chế độ trợ cấp mới (có thu nhập từ lương và các khoản trợ cấp hàng tháng cao hơn 02 lần mức chuẩn trợ cấp người có công), hoặc chuyển đến địa phương khác ngoài thành phố: Ủy ban nhân dân xã, phường lập phiếu báo giảm kể từ tháng tiếp theo tháng từ trần, hoặc được giải quyết chế độ trợ cấp mới, hoặc chuyển đến địa phương khác gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội để chuyển về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thôi hưởng trợ cấp.

b) Chuyển chế độ trợ cấp:

Người có công với cách mạng chuyển trợ cấp đến địa phương khác trong thành phố: Ủy ban nhân dân xã, phường lập phiếu báo giảm gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội; Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy giới thiệu chuyển chế độ trợ cấp, đồng thời kèm theo phiếu báo giảm gửi về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Lao động - Thương binh và Xã hội lập thủ tục chuyển chế độ trợ cấp đến địa phương mới”.

5. Khoản 1, Điều 8 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“1. Kinh phí trợ cấp thường xuyên đối với người có công với cách mạng mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn do ngân sách thành phố bảo đảm. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính trình Ủy ban nhân dân thành phố xem xét, bố trí trong dự toán kinh phí nguồn sự nghiệp đảm bảo xã hội của các quận, huyện để thực hiện”.

6. Điều 9 được sửa đổi, bổ sung như sau:

“Điều 9. Trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị

1. Ủy ban nhân dân xã, phường:

a) Kiểm tra, rà soát người có công với cách mạng bị bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn, hướng dẫn lập hồ sơ đề nghị giải quyết trợ cấp;

b) Lập phiếu báo giảm đối với những trường hợp thôi hưởng và chuyển trợ cấp đến địa phương khác trong thành phố gửi về Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Tổ chức huy động các nguồn lực giúp đỡ người có công với cách mạng mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn, góp phần ổn định và nâng cao đời sống gia đình chính sách.

2. Ủy ban nhân dân quận, huyện chỉ đạo:

- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội và các phòng, ban có liên quan tiếp nhận hồ sơ, kiểm tra và đề nghị Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định phê duyệt danh sách giải quyết trợ cấp;

- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội hằng năm lập dự toán kinh phí trợ cấp thường xuyên gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch tổng hợp vào dự toán của quận, huyện trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và quyết toán nguồn kinh phí trợ cấp theo quy định hiện hành.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

- Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ trợ cấp, tổ chức quản lý hồ sơ, theo dõi đối tượng tăng, giảm. Định kỳ và đột xuất, có trách nhiệm tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố; thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách trợ cấp thường xuyên, đột xuất đối với người có công với cách mạng mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố;

- Hằng năm, lập dự toán kinh phí trợ cấp đột xuất gửi Sở Tài chính tổng hợp vào dự toán ngân sách thành phố trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố xem xét quyết định.

4. Sở Tài chính:

Hằng năm, tổng hợp dự toán kinh phí trợ cấp thường xuyên và đột xuất đối với người có công với cách mạng mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn vào dự toán ngân sách thành phố trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố quyết định theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thực hiện”.

Điều 2. Điều khoản thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 02/12/2016.Chính sách trợ cấp được thực hiện kể từ ngày 01/9/2016.

2. Bãi bỏ Điều 3 và Điều 4 của Quy định về trợ cấp thường xuyên, đột xuất đối với người có công cách mạng mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ban hành kèm theo Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND ngày 30 tháng 5 năm 2009 của UBND thành phố Đà Nẵng; Bãi bỏ Quyết định số 47/2010/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2010 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 2 Quy định về trợ cấp thường xuyên, đột xuất đối với người có công với cách mạng mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng ban hành kèm theo Quyết định số 14/2009/QĐ-UBND.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Kho bạc Nhà nước thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường, Thủ trưởng các đơn vị và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Thơ

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 40/2016/QĐ-UBND sửa đổi Quy định về trợ cấp thường xuyên, đột xuất đối với người có công với cách mạng mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng kèm theo Quyết định 14/2009/QĐ-UBND

  • Số hiệu: 40/2016/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/11/2016
  • Nơi ban hành: Thành phố Đà Nẵng
  • Người ký: Huỳnh Đức Thơ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 02/12/2016
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản