Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/2010/QĐ-UBND | Thái Nguyên, ngày 06 tháng 12 năm 2010 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003; Căn cứ Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004; Căn cứ Luật Xây dựng ngày 23/11/2003;
Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 44/2002/PL-UBTVQH10 ngày 02/7/2002 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Pháp lệnh sửa đổi bổ sung một số điều Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính số 04/2008/PL-UBTVQH12 ngày 02/4/2008;
Căn cứ Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP ngày 29/6/2007 của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông;
Căn cứ Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24/02/2010 của Chính phủ về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở;
Căn cứ Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 20/02/2008 của Bộ Xây dựng về hướng dẫn quản lý đường đô thị;
Căn cứ Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03/4/2008 về việc ban hành:”Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về Quy hoạch xây dựng”, Thông tư số 16/2009/TT-BXD ngày 30/6/2009 của Bộ Xây dựng về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 04/2008/TT-BXD ngày 03/4/2008;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng Thái Nguyên tại Tờ trình số 1034/TTr-SXD ngày 05/11/2010, Văn bản thẩm định của Sở Tư pháp tại Công văn số 1485/STP-XDVB ngày 03/11/2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý và khai thác sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè trong các đô thị và các khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”
Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2011.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông vận tải, Thông tin và Truyền thông, Công an tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Thái Nguyên, thị xã Sông Công và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
VỀ QUẢN LÝ VÀ KHAI THÁC SỬ DỤNG LÒNG ĐƯỜNG, LỀ ĐƯỜNG, VỈA HÈ TRONG CÁC ĐÔ THỊ VÀ CÁC KHU DÂN CƯ TẬP TRUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 40/2010/QĐ-UBND ngày 06 tháng 12 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Quy định cụ thể nội dung việc quản lý và khai thác sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè trên các tuyến đường đô thị và các khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên nhằm đem lại sự thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý và khai thác sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè qua đó nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác, sử dụng đúng mục đích và nâng cao mỹ quan vệ sinh môi trường.
2. Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khi tham gia các hoạt động quản lý và khải thác sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè trên các tuyến đường đô thị và khu dân cư tập trung thuộc địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến bao gồm các đường dây, đường ống và tuynen, hào kỹ thuật đặt dọc các tuyến đường.
2. Lòng đường là bộ phận của đường được giới hạn bởi lề đường hai bên hoặc phía trong hai bên bó vỉa.
3. Lề đường là phần cấu tạo tiếp giáp với phần xe chạy có tác dụng bảo vệ kết cấu mặt đường, cải thiện tầm nhìn, tăng khả năng thông hành, tăng an toàn chạy xe.
4. Hè (hay vỉa hè, hè phố) là bộ phận của đường đô thị, đường khu dân cư tập trung, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật dọc tuyến.
5. Phần xe chạy là phần mặt đường dành cho các phương tiện đi lại bao gồm các làn xe cơ bản và các làn xe phụ (nếu có).
6. Chỉ giới đường đỏ là đường ranh giới được xác định trên bản đồ quy hoạch và thực địa, để phân định ranh giới giữa phần đất được dành cho đường giao thông với phần đất dành cho các công trình, không gian công cộng khác.
7. Chỉ giới xây dựng là đường giới hạn cho phép xây dựng công trình trên lô đất.
8. Sử dụng tạm thời một phần lòng đường, vỉa hè là các hoạt động được phép của các cơ quan chức năng liên quan đến sử dụng một phần lòng đường, vỉa hè trong phạm vi cho phép với một thời gian nhất định.
9. Hoạt động văn hóa là các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội , triển lãm .v.v. trên đường bộ nhằm phục vụ cộng đồng, chào mừng, lễ hội, sự kiện lớn.
10. Khu dân cư tập trung là khu vực được quy hoạch có đông dân cư sinh sống ngoài đô thị như khu tái định cư, khu chung cư, khu nhà ở công nhân khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
11. Tĩnh không là giới hạn khoảng cách an toàn đường bộ đối với phần không gian bên trên. Không cho phép tồn tại bất kỳ chướng ngại vật nào, kể cả các công trình thuộc về đường như biển báo, cột chiếu sáng ... nằm trong phạm vi tĩnh không.
1. Thiết kế, xây dựng đường không tuân thủ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Tự ý đào, khoan, xẻ đường trái phép; đặt, để các chướng ngại vật trên đường. tháo dỡ gạch lát vỉa hè, đục bó vỉa, làm biến dạng vỉa hè, lòng đường, lề đường đã được xây dựng.
3. Tự ý mở đường nhánh hoặc đấu nối trái phép vào đường chính.
4. Sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè để họp chợ, kinh doanh dịch vụ, tập kết vật liệu, phơi nông lâm sản, buộc thả gia súc.
5. Đổ rác, phế thải và các hành vi gây mất vệ sinh môi trường.
6. Lắp đặt, xây dựng bục, bệ dắt xe, bậc tam cấp vào nhà và công trình bên đường gây ảnh hưởng đến hoạt động của phương tiện giao thông và người đi bộ.
7. Lắp đặt, xây dựng các công trình, biển quảng cáo, mái che, đường dây trái phép, ảnh hưởng đến kết cấu đường, ảnh hưởng đến an toàn giao thông và gây mất mỹ quan chung.
8. Trông, giữ các phương tiện giao thông đường bộ, xe chuyên dùng và các phương tiện cơ giới khác trên vỉa hè, lòng đường không có giấy phép; để, đỗ các phương tiện giao thông đường bộ, xe chuyên dùng và các phương tiện cơ giới khác không đúng nơi quy định.
9. Đỗ xe trên lề đường làm ảnh hưởng tầm nhìn của các phương tiện tham gia giao thông.
Mục 1. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG LÒNG ĐƯỜNG, LỀ ĐƯỜNG
Điều 4. Nguyên tắc quản lý và sử dụng lòng đường, lề đường
1. Lòng đường, lề đường được sử dụng cho mục đích giao thông, là bộ phận của hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật thuộc sở hữu của Nhà nước được quản lý chặt chẽ theo quy hoạch. Khi sử dụng lòng đường, lề đường vào mục đích khác phải được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
2. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu đào lòng đường, lề đường để xây lắp các công trình, phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp phép và thực hiện theo các quy định hiện hành về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường. Trước khi thi công phải thông báo cho chính quyền địa phương sở tại biết.
Điều 5. Quy định về quản lý khai thác sử dụng lòng đường, lề đường
1. Các tổ chức, cá nhân không được sử dụng lòng, lề đường làm nơi để phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Khi sử dụng tạm thời lòng đường, lề đường làm nơi đỗ xe công cộng tại một số tuyến đường đô thị, khu dân cư tập trung trong thời gian chờ xây dựng các bãi đỗ xe theo quy hoạch thì phải được phép của UBND huyện, thành phố, thị xã hoặc Sở Giao thôngvận tải theo phân cấp quản lý.
2. Vị trí đỗ phải đảm bảo:
a) Không chắn ngang lối ra vào đường ngõ, cổng công trình nhà ở, công trình công cộng, khu vực siêu thị, chợ và trung tâm thương mại, các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo, công sở.
b) Không gây cản trở cho các phương tiện giao thông, không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và các hoạt động bình thường của tổ chức, cơ quan, hộ gia đình hai bên đường.
c) Có biển báo điểm đỗ cho từng tuyến đường.
3. Đường đô thị, khu dân cư tập trung phải được quản lý chặt chẽ trong phạm vi chỉ giới đường đỏ, chỉ giới xây dựng, cao độ nền theo quy hoạch được duyệt.
4. Việc đào đường đô thị, đường khu dân cư tập trung phục vụ xây dựng, lắp đặt các công trình ngầm phải tuân thủ các quy định sau:
a) Đúng quy hoạch, thiết kế đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và giấy phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền;
b) Khi xây dựng đường đô thị, khu dân cư tập trung phải xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng kỹ thuật ngầm khác như thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước, cấp ga, cấp điện ... theo quy hoạch xây dựng, quy hoạch chuyên ngành (nếu có) đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
c) Cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ, cấp giấy phép đào đường đô thị, và đường khu dân cư tập trung cho các tổ chức, cá nhân có hồ sơ hợp lệ. Nếu từ chối cấp phép, cơ quan này phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;
d) Công tác xây dựng các công trình ngầm dưới đường phải đảm bảo an toàn công trình liền kề và không gây cản trở đến hoạt động giao thông, bảo đảm vệ sinh môi trường chung;
e) Chủ đầu tư công trình phải bảo đảm thực hiện đúng thời hạn và bảo đảm chất lượng về việc hoàn trả lại hiện trạng đoạn đường đã đào.
5. Xây dựng các công trình nổi trên đường đô thị, khu dân cư tập trung phải tuân thủ các quy định sau:
a) Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng, lắp đặt các công trình nổi gồm: hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, các công trình phục vụ công cộng trên đường đô thị, khu dân cư tập trung phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
b) Các công trình nổi trên đường đô thị, khu dân cư tập trung phải đảm bảo an toàn giao thông cũng như trong khai thác sử dụng; bảo đảm tĩnh không đứng và ngang theo quy định đồng thời bảo đảm mỹ quan đô thị;
c) Khi xây dựng lắp đặt công trình nổi chủ đầu tư phải thực hiện đúng theo nội dung giấy phép và không gây ảnh hưởng đến hoạt động giao thông, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Điều 6. Sử dụng lòng đường, lề đường vào các mục đích khác
1. Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời lòng đường, lề đường đô thị, khu dân cư tập trung ngoài mục đích giao thông phải xin phép cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và thực hiện nghiêm chỉnh các quy định trong giấy phép. Phải bố trí lối đi thuận tiện an toàn cho người đi bộ và phương tiện giao thông.
2. Đối với hoạt động xã hội cần sử dụng lòng đường, lề đường thì các cơ quan, tổ chức, cá nhân chủ trì hoạt động đó phải xin phép cơ quan có thẩm quyền và có phương án tổ chức đảm bảo an toàn giao thông.
Điều 7. Sử dụng lòng đường làm nơi để xe phải bảo đảm các yêu cầu sau:
1. Các yêu cầu về chiều rộng lòng đường:
a) Đối với đường hai chiều: Lòng đường tối thiểu là 10,5m thì cho phép để xe một bên; tối thiểu là 14,0 m thì cho để xe hai bên.
b) Đối với đường một chiều: Lòng đường tối thiểu là 7,5m thì cho phép để xe bên phải phần xe chạy.
2. Không gây cản trở cho các phương tiện giao thông; không gây ảnh hưởng đến sinh hoạt và các hoạt động bình thường của tổ chức, các hộ gia đình hai bên đường.
3. Phù hợp với quy hoạch bến bãi đỗ xe được phê duyệt. Khi sử dụng lòng đường làm nơi để xe công cộng có thu phí thì ưu tiên đối với tổ chức, hộ gia đình và cá nhân có quyền sử dụng hợp pháp nhà, công trình xây dựng dọc tuyến đường đó trong việc thuê chỗ để xe ở vị trí liền kề với nhà, công trình cho nhu cầu của bản thân mình.
Mục 2. QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG VỈA HÈ
Điều 8. Nguyên tắc quản lý và phạm vi sử dụng vỉa hè
1. Các công trình sử dụng vỉa hè không gây cản trở người đi bộ và phải đảm bảo mỹ quan chung, không ảnh hưởng đến sinh hoạt của các chủ công trình trên dọc tuyến đường đó.
2. Không cấp phép sử dụng vỉa hè trước các Công sở, công trình Văn hoá, Giáo dục, Y tế, Tôn giáo, công trình công cộng.
3. Chiều rộng sau cấp phép tạm, cấp phép kinh doanh trên vỉa hè của một số tuyến đường đặc thù phải đảm bảo tối thiểu còn lại là 1,5m dành cho người đi bộ.
Điều 9. Các trường hợp sử dụng vỉa hè tạm thời
1. Sử dụng tạm thời vỉa hè cho hoạt động xã hội, việc cưới, việc tang:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tạm thời một phần vỉa hè cho hoạt động xã hội và việc hiếu, hỷ phải được sự đồng ý của UBND xã, phường, thị trấn. Thời gian sử dụng được quy định cụ thể cho từng trường hợp nhưng không quá 48 giờ và phải đảm bảo: chiều rộng tối thiểu lối đi cho người đi bộ là 1,5m, vệ sinh môi trường, mỹ quan chung;
b) Ủy ban nhân dân xã, phường có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn và giám sát các tổ chức, cá nhân sử dụng tạm thời một phần vỉa hè cho việc hiếu, hỷ.
2. Sử dụng tạm thời vỉa hè phục vụ thi công xây dựng:
a) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè cho hoạt động phục vụ thi công xây dựng, sửa chữa công trình. Có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra việc xây dựng sau cấp phép.
b) Việc tập kết vật liệu xây dựng đòi hỏi mặt bằng lớn, vượt quá phạm vi cho phép sử dụng tạm thời một phần vỉa hè, cơ quan có thẩm quyền có thể xem xét việc cấp phép sử dụng tạm thời toàn bộ vỉa hè để phục vụ hoạt động xây dựng nhưng thời gian cho phép chỉ được từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, sau đó phải trả lại nguyên trạng vỉa hè.
3. Trường hợp sử dụng vỉa hè để xây dựng, sửa chữa, lắp đặt các công trình ngầm và công trình bên trên vỉa hè thì được cấp phép sử dụng tạm thời nhưng phải đảm bảo bề rộng vỉa hè còn lại không nhỏ hơn 1,5m phục vụ cho người đi bộ.
4. Sử dụng vỉa hè vào việc kinh doanh:
Trước khi cấp phép tại một số tuyến phố đặc thù để sử dụng vỉa hè vào việc kinh doanh, ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã tổ chức lấy ý kiến tham gia của các ngành: Giao thông, Xây dựng, Công thương... để lập danh sách trình UBND tỉnh phê duyệt.
Việc sử dụng vỉa hè vào việc kinh doanh phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:
a) Bảo đảm an toàn, thuận tiện giao thông; bảo đảm mỹ quan, vệ sinh môi trường chung và không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của các hộ gia đình, nằm dọc tuyến đường;
b) Chiều rộng hè phố còn lại dành cho người đi bộ tối thiểu là 1,5m;
c) Không cho phép tổ chức kinh doanh buôn bán trước mặt tiền của các công trình văn hóa, giáo dục, thể thao, y tế, tôn giáo và Công sở.
5. Sử dụng vỉa hè vào việc trông giữ xe công cộng có thu phí
a) Các điểm trông giữ xe công cộng trên vỉa hè có thu phí phải được cấp phép, không cản trở giao thông của người đi bộ, phải đảm bảo bề rộng tối thiểu còn lại cho người đi bộ là 1,5m.
b) Các điểm trông giữ xe công cộng trên hè phố có thu phí phải theo quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và phải bảo đảm thuận lợi cho người đi bộ, vệ sinh môi trường, mỹ quan chung không ảnh hưởng đến sinh hoạt bình thường của hộ gia đình và cá nhân sử dụng hợp pháp nhà, công trình xây dựng dọc tuyến đó.
Điều 10. Thủ tục cấp phép sử dụng tạm và gia hạn giấy phép
1. Hồ sơ xin cấp phép sử dụng tạm thời vỉa hè bao gồm:
a) Đơn xin cấp Giấy phép sử dụng tạm thời của tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng một phần vỉa hè;
b) Bản vẽ vị trí mặt bằng đề nghị cấp phép cho tổ chức cá nhân có nhu cầu sử dụng một phần vỉa hè. Bản vẽ phải thể hiện vị trí, kích thước sử dụng.
2. Thời gian giải quyết
Kể từ ngày cơ quan có thẩm quyền cấp phép nhận đủ hồ sơ hợp lệ, việc cấp phép sử dụng vỉa hè được thực hiện trong thời gian:
a) 03 ngày làm việc đối với các trường hợp xin cấp phép được quy định tại Khoản 2, Điều 9 của Quy định này;
b) 20 ngày làm việc đối với các trường hợp xin cấp phép được quy định tại Khoản 3, 4, Điều 9 của Quy định này;
c) Trường hợp không cấp phép thì cơ quan có thẩm quyền cấp phép phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý do không cấp phép, thời hạn trả lời không quá 03 ngày làm việc.
3. Hết thời gian cấp phép sử dụng mà tổ chức, cá nhân vẫn tiếp tục có nhu cầu sử dụng tạm thời vỉa hè thì phải làm thủ tục xin gia hạn giấy phép trước khi hết hạn giấy phép 10 ngày.
a) Thủ tục xin gia hạn gồm:
- Đơn xin gia hạn giấy phép;
- Giấy phép cũ (bản chính);
b) Thời gian giải quyết gia hạn không quá 05 ngày làm việc.
Điều 11. Bảo quản lòng đường, lề đường, vỉa hè
Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trụ sở, công trình tiếp giáp với vỉa hè phải có trách nhiệm đảm bảo vệ sinh môi trường, mỹ quan chung tại khu vực vỉa hè, lòng đường, lề đường. Thông báo cho chính quyền địa phương các hành vi vi phạm về quản lý lòng đường, lề đường, vỉa hè.
Điều 12. Bảo trì, sửa chữa lòng đường, lề đường, vỉa hè
1. Việc bảo trì, sửa chữa lòng đường, lề đường, vỉa hè phải tuyệt đối tuân thủ theo các Tiêu chuẩn xây dựng Việt Nam, phù hợp với quy hoạch đã được phê duyệt.
2. Cơ quan, cá nhân được giao quản lý đường đô thị, đường trong khu dân cư tập trung có trách nhiệm thực hiện bảo trì theo quy định. Khi thực hiện bảo trì không làm ảnh hưởng đến các công trình hạ tầng kỹ thuật nằm dọc tuyến.
3. Khuyến khích mọi hình thức xã hội hóa việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, nâng cấp cải tạo lòng đường, lề đường, vỉa hè.
1. Phí sử dụng vỉa hè, lòng đường được thực hiện theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh và Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Việc thu phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường được thực hiện đối với tất cả các trường hợp xin cấp phép sử dụng.
3. Phí sử dụng tạm thời vỉa hè, lòng đường không bao gồm chi phí trả lại hiện trạng của vỉa hè, lòng đường.
4. Mức thu phí do Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các ngành có liên quan xây dựng trình HĐND và UBND tỉnh ra quyết định.
1. Thống nhất quản lý việc sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè trên địa bàn tỉnh, ban hành các văn bản về quản lý lòng đường, lề đường, vỉa hè.
2. Ban hành các cơ chế chính sách ưu đãi để khuyến khích các tổ chức cá nhân tham gia đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp lòng đường, lề đường, vỉa hè.
3. Ban hành các danh mục các tuyến đường có vỉa hè được sử dụng vào mục đích kinh doanh thương mại.
4. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các biện pháp để tăng cường trật tự xây dựng, trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị, giáo dục pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh. Điều 15. Trách nhiệm của các Sở, Ban, Ngành
1. Sở Xây dựng
Thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo thẩm quyền.
Tham mưu giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh thực hiện công tác quản lý nhà nước về khai thác sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè trong các đô thị và các khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Giao thông Vận tải
Cấp phép và quản lý các loại giấy phép sử dụng lòng đường, lề đường theo quyết định 3199/2004/QĐ-UB ngày 23/12/2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Cấp phép điểm đỗ xe tạm trên lòng đường và cấp phép đào lòng đường cho các tổ chức cá nhân có nhu cầu theo phân cấp quản lý .
Chấp thuận đối với hoạt động xã hội trên đường tỉnh, đường đô thị hoặc trên nhiều hệ thống đường bộ trong đó có đường tỉnh, đường đô thị thuộc thẩm quyền.
Thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, duy tu, bảo dưỡng, quản lý chất lượng lòng đường; Thanh kiểm tra và xử lý vi phạm việc quản lý sử dụng lòng đường do Sở quản lý.
3. Sở Tài chính
Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các ngành liên quan xây dựng mức thu phí sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè trên địa bàn tỉnh trình UBND tỉnh phê duyệt.
Hướng dẫn quản lý và sử dụng các khoản thu được từ cấp phép sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè và tiền phạt theo quy định.
4. Công an tỉnh
Cấp phép và quản lý các loại giấy phép theo Quyết định số 3199/2004/QĐ-UB ngày 23/12/2004 của Uỷ ban nhân dân tỉnh.
Chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã kiểm tra xử lý kịp thời các hành vi vi phạm lòng đường, lề đường, vỉa hè theo đúng quy định của pháp luật.
5. Các cơ quan truyền thông
Các cơ quan thông tin đại chúng ở các cấp có trách nhiệm tuyên truyền phổ biến quy định này tới các đơn vị, tổ chức và đông đảo quần chúng nhân dân trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm về quản lý lòng đường, lề đường, vỉa hè.
Điều 16. Trách nhiệm Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã
1. Cấp giấy phép sử dụng tạm vỉa hè theo quy định của Khoản 2,3 Điều 9 của Quy định này.
2. Chấp thuận đối với hoạt động xã hội trên đường huyện trong địa bàn huyện, đường đô thị đối với hoạt động xã hội diễn ra đồng thời trên cả đường huyện, đường đô thị và đường xã trong địa bàn.
3. Chịu trách nhiệm quản lý hành chính trong việc sử dụng vỉa hè, lòng đường, vệ sinh môi trường trên địa bàn, có biện pháp chống lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, lề đường bảo đảm an toàn giao thông, trật tự, vệ sinh môi trường và mỹ quan chung. Lập và thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng, duy tu, sửa chữa tuyến đường đô thị, khu dân cư tập trung được phân cấp quản lý.
4. Chỉ đạo các phòng, ban, UBND các xã, phường, thị trấn thực hiện chức năng quản lý theo thẩm quyền và tổ chức kiểm tra, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.
Điều 17. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn
1. Chấp thuận đối với hoạt động xã hội trên đường xã trong địa bàn quản lý.
2. Cho phép các trường hợp sử dụng vỉa hè tạm thời quy định tại Khoản 1 Điều 9 của Quy định này.
3. Chịu trách nhiệm quản lý, sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè trên địa bàn theo phân cấp. Tổ chức kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính theo chức năng và thẩm quyền.
4. Tuyên truyền, phổ biến tới các thôn, xóm, tổ dân phố, hộ gia đình và các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn thực hiện nghiêm túc Quy định này và đề xuất với cơ quan cấp phép thu hồi giấy phép đối với các trường hợp vi phạm. Điều 18. Trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân
1. Chấp hành nghiêm túc các quy định của nhà nước về Quy định quản lý, sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè.
2. Tổ chức, cá nhân khi xây dựng, lắp đặt các công trình trên vỉa hè, phải được cấp có thẩm quyền cấp phép và thực hiện đúng nội dung ghi trong giấy phép cùng các quy định về đảm bảo an toàn trật tự giao thông, vệ sinh môi trường chung và có nghĩa vụ đóng phí sử dụng vỉa hè, lòng đường theo đúng quy định.
3. Cơ quan, tổ chức cá nhân chủ trì hoạt động xã hội chịu trách nhiệm hoàn trả hiện trạng lòng đường, lề đường, vỉa hè khi kết thúc hoạt động.
KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM
1. Tổ chức, cá nhân bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc người đại diện hợp pháp có thẩm quyền khiếu nại đối với quyết định xử phạt của người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo. Trong thời gian chờ đợi giải quyết kết quả khiếu nại của cơ quan có thẩm quyền, tổ chức cá nhân bị xử phạt vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt.
2. Mọi công dân Việt Nam có quyền tố cáo với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định này và tố cáo người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính lạm dụng quyền hạn, làm trái các quy định của quy định này.
3. Thủ tục khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại tố cáo được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
1. Những hành vi vi phạm quy định về quản lý sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè đều bị xử lý vi phạm hành chính theo các quy định của Pháp luật. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng thì tùy theo tính chất, phạm vi và mức độ vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
2. Các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý, sử dụng lòng đường, lề đường, vỉa hè sẽ bị thu hồi Giấy phép và bị xử lý theo Nghị định 23/2009/NĐ-CP ngày 27/02/2009 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở; Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 02/4/2010 về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
1. Các Sở, Ban, Ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, các nội dung cần sửa đổi, bổ sung hay thay thế thì các Sở, Ban, Ngành liên quan, UBND các huyện, thành phố, thị xã kịp thời báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh.
- 1Nghị quyết số 32/2007/NQ-CP về một số giải pháp cấp bách nhằm kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông do Chính phủ ban hành.
- 2Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2002
- 3Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4Luật xây dựng 2003
- 5Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 6Thông tư 04/2008/TT-BXD hướng dẫn quản lý đường đô thị do Bộ Xây dựng ban hành
- 7Quyết định 04/2008/QĐ-BXD về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 8Pháp lệnh sửa đổi Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 2008
- 9Luật giao thông đường bộ 2008
- 10Nghị định 23/2009/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà và công sở
- 11Thông tư 16/2009/TT-BXD sửa đổi Thông tư 04/2008/TT-BXD hướng dẫn quản lý đường đô thị do Bộ Xây dựng ban hành
- 12Nghị định 11/2010/NĐ-CP quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ
- 13Nghị định 34/2010/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ
- 14Quyết định 3199/QĐ-UB năm 2004 về quản lý và cấp các loại giấy phép trong lĩnh vực đảm bảo trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên
- 15Quyết định 03/2013/QĐ-UBND điều chỉnh Quy định về sử dụng tạm thời một phần lòng, lề đường - hè phố trong đô thị không vì mục đích giao thông trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa kèm theo Quyết định 01/2011/QĐ-UBND
Quyết định 40/2010/QĐ-UBND Quy định về quản lý và khai thác sử dụng lòng, lề đường, vỉa hè trong đô thị và khu dân cư tập trung trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên do Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành
- Số hiệu: 40/2010/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 06/12/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Thái Nguyên
- Người ký: Phạm Xuân Đương
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/01/2011
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra