Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 40/2005/QĐ-UBND | Phan Thiết, ngày 20 tháng 6 năm 2005 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Chương trình hành động số 5088/UBBT-PPLT ngày 17/12/2004 của Ủy ban nhân dân Tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-TU ngày 01/6/2004 của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh (khóa X) về đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm hàng hóa đến năm 2005 và đến năm 2010;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công nghiệp về việc ban hành Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tham gia xuất khẩu của tỉnh Bình Thuận đến năm 2010 tại Tờ trình số 356/CN/KH-ĐT ngày 08/6/2005,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Chương trình phát triển các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tham gia xuất khẩu của tỉnh Bình Thuận đến năm 2010”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Tỉnh, Giám đốc Sở Công nghiệp, Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN |
PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP THAM GIA XUẤT KHẨU CỦA TỈNH BÌNH THUẬN ĐẾN NĂM 2010
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 40/2005/QĐ-UBND ngày 20/6/2005 của Ủy ban nhân dân Tỉnh)
Phát triển các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tham gia xuất khẩu của Tỉnh có ý nghĩa quan trọng trong việc khai thác tiềm năng, phát huy nội lực và thu hút đầu tư từ bên ngoài để định hướng điều hành có hiệu quả hơn, cải thiện đời sống nhân dân trong Tỉnh và phát triển kinh tế - xã hội nhanh hơn.
I. Thực trạng xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thời gian qua:
1. Tình hình xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp:
Đến nay, trên địa bàn Tỉnh có 38 doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu, tăng 30,3% so với năm 2001, gồm: chế biến thủy sản xuất khẩu: 27 doanh nghiệp, chế biến nông lâm sản xuất khẩu: 04 doanh nghiệp, sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu khác: 07 doanh nghiệp. Trong đó: doanh nghiệp nhà nước tham gia sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu: 04 doanh nghiệp, công ty cổ phần: 04 doanh nghiệp, kinh tế tư nhân: 24 doanh nghiệp, đầu tư nước ngoài: 06 doanh nghiệp;
Tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp giai đoạn 2001-2004 thực hiện được 225,2 triệu USD, đạt tốc độ tăng bình quân 17,7%/năm. Trong đó, hai nhóm ngành đóng vai trò chủ lực trong xuất khẩu hàng công nghiệp của Tỉnh là: thủy sản chế biến, năm 2001 chiếm tỷ trọng 51,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, năm 2004 lên 62,5% và nông lâm chế biến, năm 2001, chiếm tỷ trọng 43,6% tổng kim ngạch xuất khẩu, năm 2004 giảm còn 27%. Công nghiệp quốc doanh năm 2001, chiếm tỷ trọng 55,7% kim ngạch xuất khẩu, năm 2004 còn 33,7%; kinh tế tư nhân và đầu tư nước ngoài năm 2001 chiếm tỷ trọng 44,3%, năm 2004 tăng lên 66,3%;
Hải sản đông, khô, hạt điều nhân, quần áo may sẵn là những sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ yếu. Trong nhóm hàng thuỷ sản các mặt hàng quan trọng là mực đông lạnh, mực khô lột da, tôm đông lạnh, cá đông các loại, cá khô tẩm gia vị. Nhuyễn thể 2 mảnh vỏ đông lạnh, luộc ngày càng được đưa vào chế biến xuất khẩu nhiều hơn. Nước mắm không mùi có kim ngạch xuất khẩu ổn định ở quy mô nhỏ. Chế biến bột cá xuất khẩu sau thời gian tìm kiếm thị trường không hiệu quả đã ngừng sản xuất. Thị trường xuất khẩu thuỷ sản chế biến chủ yếu là ở các nước Châu Á, trong đó nhiều nhất là thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc (chiếm gần 50%);
Tiêu thụ nhân điều đã có tiến bộ theo hướng đa dạng hoá thị trường xuất khẩu. Trước năm 2002, Trung Quốc và Hồng Kông là 2 thị trường chủ yếu thì từ năm 2003 trở lại đây thị trường Mỹ chiếm tỷ trọng trên 28,6%, Anh chiếm 23,5%, đang mở ra triển vọng vào các nước khác như Đức, Hà Lan, Úc, Nhật Bản, Singapore…;
Mành lá buông là mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Tỉnh nhưng do nguồn nguyên liệu cạn kiệt, chi phí nguyên liệu tăng cao, sản phẩm bị cạnh tranh nên sản lượng chỉ duy trì ở mức 30.000 - 40.000 m2/năm. Từ năm 2004, đã có thêm các mặt hàng thủ công mỹ nghệ từ dây chuối và lục bình đan kết hợp khung sắt, mây sợi của các đơn vị ở Hàm Tân và Đức Linh, giải quyết được việc làm cho hàng ngàn lao động và hiện đang phổ biến nghề đến các huyện có nguyên liệu nhưng dân chưa biết nghề để phát triển sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ có nhiều triển vọng này;
Trong những năm qua đã khai thác và xuất khẩu trực tiếp khoảng 190.000 tấn Ilmenit-Zircon (cát đen), trong đó 30% được tuyển tách thành quặng tinh với kim ngạch xuất khẩu gần 2 triệu USD/năm. Hoạt động khai thác cát đen thời gian qua đem lại một số lợi ích như nộp ngân sách, giải quyết việc làm cho lao động tại chỗ nhưng cũng dẫn đến những tồn tại về môi trường khu vực lân cận mỏ và ảnh hưởng các tuyến đường vào mỏ;
Hiện nay, có 04 đơn vị may xuất khẩu với chủng loại khá đa dạng (phần lớn là gia công). Trong đó chỉ có 01 đơn vị có sản phẩm FOB với thị trường chủ yếu là Ý và Canada; Các doanh nghiệp còn lại chủ yếu gia công và xuất thông qua Công ty đối tác nên chưa có thị trường riêng của mình;
Năng lực sản xuất, chế biến xuất khẩu ngày càng phát triển. Ở lĩnh vực chế biến hải sản, công suất cấp đông của các doanh nghiệp hiện là 125 tấn/ngày, kho lạnh bảo quản gần 2.700 tấn, năng lực chế biến thủy sản khô cao cấp 50 tấn/ngày. Trên thực tế năng lực này mới sử dụng được khoảng gần 60% công suất sản xuất hàng đông và trên 40% công suất chế biến hàng khô, sản lượng hàng thủy hải sản chế biến xuất khẩu chỉ mới chiếm 53% sản lượng khai thác, nuôi trồng hàng năm. Năng lực chế biến nhân điều trên địa bàn Tỉnh có tổng công suất 8.500 tấn nhân điều/năm. Năng lực thực tế của các doanh nghiệp may hiện có vào khoảng 2 triệu sản phẩm/năm. Năng lực chế biến tinh quặng Ilmenit-Zircon hiện đạt 38.000 tấn/năm chủ yếu tập trung ở phía Nam Tỉnh phù hợp với năng lực khai thác Ilmenite - Zircon ở các huyện phía Nam;
Lao động hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp xuất khẩu đến nay có 13.700 người, chiếm 44,4% lao động toàn ngành công nghiệp. Bao gồm: khoảng 8.000 lao động chế biến thủy sản xuất khẩu, 4.200 lao động chế biến nông lâm sản xuất khẩu; và 1.500 lao động trong các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu khác. Lao động chế biến nông lâm hải sản xuất khẩu có tay nghề bậc cao không nhiều, phần lớn là lao động phổ thông; tuy nhiên, đây là lực lượng lao động khá ổn định cho các doanh nghiệp;
Thủy sản đông lạnh phần lớn là sản phẩm sơ chế, thủy sản khô đa dạng nhưng tỷ trọng chế biến sản phẩm cao cấp còn ít, chủ yếu sử dụng công nghệ thủ công truyền thống, thiết bị đơn giản, công suất thấp. Công nghệ chế biến nhân điều đến nay vẫn duy trì công nghệ chao dầu lạc hậu so với công nghệ hấp cho sản phẩm có chất lượng tốt hơn;
Chất lượng của hầu hết các sản phẩm xuất khẩu của Tỉnh đều được thị trường chấp nhận. Tuy vậy, ở các thị trường đòi hỏi chất lượng sản phẩm cao thì mức độ đáp ứng nhu cầu thị trường của sản phẩm còn rất thấp; tỷ trọng xuất khẩu của Tỉnh vào các thị trường có yêu cầu chất lượng đơn giản, giá trị kim ngạch xuất khẩu thấp còn chiếm tỷ trọng lớn.
2. Đánh giá chung:
Nhìn chung, hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đã có sự chuyển biến tích cực qua từng năm. Các doanh nghiệp chế biến hải sản đã tổ chức tốt việc thu mua nguyên liệu chế biến đáp ứng yêu cầu về chất lượng của thị trường. Nhiều cơ sở đã chủ động vươn ra ngoài Tỉnh thu mua nguyên liệu để đảm bảo các hợp đồng đã ký kết với khách hàng. Các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng trong việc tìm nguồn hàng và thị trường tiêu thụ.
Tuy vậy, trong hoạt động xuất khẩu sản phẩm công nghiệp, tỷ lệ xuất khẩu sản phẩm sơ chế, gia công còn khá cao, phần lớn cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu thiếu nguyên liệu tại chỗ, nhiều sản phẩm có tiềm năng nhưng chưa được khai thác, chế biến xuất khẩu; so với tiềm năng của Tỉnh, phát triển sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu vẫn còn chậm. Tình hình này do nhiều nguyên nhân, nhưng cơ bản vẫn là:
- Thiếu khả năng tổ chức nguồn hàng, tiếp cận thị trường, nhiều đơn vị chấp nhận gia công, ủy thác xuất khẩu cho các đơn vị khác trong nước để không phải bỏ vốn đầu tư cho công tác xúc tiến thương mại nên đã hoạt động nhiều năm nhưng vẫn chưa có thị phần riêng của mình;
- Quy mô của các doanh nghiệp trong Tỉnh hầu hết nhỏ, vốn ít, chủ yếu hoạt động bằng vốn vay. Năng lực đáp ứng các đơn đặt hàng lớn và trực tiếp xuất khẩu còn nhiều hạn chế;
- Trình độ cán bộ làm công tác xuất nhập khẩu ở các doanh nghiệp cũng như ở các cơ quan quản lý nhà nước còn nhiều hạn chế, chưa am hiểu chính sách, pháp luật của các thị trường chủ yếu, thông lệ thương mại quốc tế;
- Vùng nguyên liệu chậm được đầu tư, chỉ có khoảng 20% dự án nuôi trồng thủy sản phục vụ xuất khẩu được cấp phép đã triển khai, các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng chế biến thủy sản làm chậm. Nguồn nguyên liệu mây tre lá không ổn định, chưa triển khai được chương trình khoanh nuôi, tái tạo;
- Kết cấu hạ tầng (cung ứng điện, nước, giao thông đường bộ) phục vụ cho sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu có được cải thiện nhưng cảng vận tải, xuất khẩu hàng hóa và nhập khẩu nguyên liệu còn ở cách xa nơi sản xuất trên 200 km là một cản ngại lớn trong thu hút đầu tư vào sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu so với các tỉnh Đông Nam bộ khác;
- Sự phối hợp giữa các ngành với địa phương trong chỉ đạo phát triển sản phẩm công nghiệp xuất khẩu còn hạn chế, đặc biệt là giữa các cơ quan quản lý nhà nước có quản lý sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu.
1. Định hướng phát triển:
- Tập trung mọi nguồn lực phục vụ cho sản xuất sản phẩm xuất khẩu. Ưu tiên xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư các cơ sở sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu để gia tăng tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu hàng công nghiệp trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh, góp phần tích cực phát triển kinh tế và xuất khẩu của Tỉnh;
- Xây dựng các ngành sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu chủ lực thành một thể hoàn chỉnh từ khai thác đến chế biến để tạo ra các sản phẩm có giá trị cao. Từng bước hạn chế tiến đến chấm dứt xuất khẩu sản phẩm sơ chế dưới mọi hình thức;
- Đa dạng hóa các thành phần kinh tế tham gia sản xuất kinh doanh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp và đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, tăng cường công tác nghiên cứu thâm nhập thị trường mới và mở rộng thị trường hiện có;
- Tăng cường liên kết giữa các ngành, giữa các doanh nghiệp và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực sản xuất các mặt hàng công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp xuất khẩu.
2. Mục tiêu phát triển:
2.1. Giai đoạn 2005-2010, tổng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đạt 750 triệu USD (chưa kể dầu khí) đạt tốc độ tăng bình quân 18,7%/năm, trong đó giai đoạn 2006-2010 đạt 19,5%/năm. Phấn đấu năm 2005 kim ngạch xuất khẩu sản phẩm công nghiệp đạt 85 triệu USD chiếm 77,2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh và đến năm 2010 đạt 210 triệu USD, chiếm 89,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của Tỉnh.
2.2. Về sản phẩm xuất khẩu, từ nay đến năm 2010 tiếp tục phát huy các sản phẩm lợi thế xuất khẩu bao gồm hải sản chế biến, hạt điều nhân, đồng thời tập trung xuất khẩu các sản phẩm tinh chế từ khoáng sản như Điôxit Titan (TiO2), bột Zircon siêu mịn và may mặc. Cụ thể như sau:
- Hải sản chế biến đạt tốc độ tăng bình quân 12,5%/năm; trong đó, giai đoạn 2006-2010 đạt 11,6%/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2005 đạt 50 triệu USD, đến năm 2010 phấn đấu đạt 90 triệu USD;
- Chế biến nông lâm sản xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 23,1%/năm; trong đó, giai đoạn 2006-2010 đạt 24,2%/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2005 đạt 19,5 triệu USD; trong đó, nhân hạt điều xuất khẩu 4.000 tấn, đạt 18 triệu USD. Đến năm 2010, đạt 55 triệu USD; trong đó, nhân hạt điều xuất khẩu 10.000 tấn, đạt 50 triệu USD;
- Sản phẩm khoáng sản xuất khẩu đạt tốc độ tăng trường bình quân 32%/năm; trong đó, giai đoạn 2006 - 2010 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 48%/năm. Kim ngạch xuất khẩu năm 2005 đạt 2 triệu USD, đến năm 2007 chấm dứt xuất khẩu Ilmenite - Zircon tuyển tinh mà chuyển sang xuất khẩu các sản phẩm tinh chế sâu từ sa khoáng như TiO2, Bột Zircon siêu mịn. Kim ngạch xuất khẩu 2010 phấn đấu đạt 30 triệu USD. (Các chỉ tiêu này chưa tính đến xuất khẩu dầu khí);
- Hàng may mặc xuất khẩu đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 12,9%/năm; trong đó, giai đoạn 2006-2010 đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 14,1%/năm. Năm 2005, đạt 1,6 triệu sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu đạt 12 triệu USD. Năm 2010 phấn đấu đạt 3 triệu sản phẩm, kim ngạch xuất khẩu đạt 22 triệu USD;
Ngoài các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu nêu trên, cần chú trọng đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm chế biến từ nông lâm sản như tinh bột mì, sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ mây, tre, lá, gỗ và gốc gỗ, góp phần giải quyết lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống ở khu vực nông thôn. Từng bước thâm nhập và mở rộng sản phẩm nước khoáng Vĩnh Hảo ra thị trường thế giới. Tạo điều kiện để các thành phần kinh tế khai thác, chế biến và xuất khẩu cát thủy tinh có trữ lượng trên 400 triệu tấn, Bentonite có trữ lượng 5 triệu tấn, khuyến khích phát triển các sản phẩm giày da, cơ khí, chi tiết, phụ tùng ô tô, chế biến gỗ… tham gia xuất khẩu.
3. Giải pháp đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng công nghiệp:
3.1. Về chính sách và cơ chế quản lý:
- Tăng cường kiểm tra việc thực hiện các cơ chế, chính sách pháp luật trong quản lý và sử dụng tài nguyên khoáng sản. Thực hiện đầy đủ các loại thuế, phí, các quy định về sử dụng đất, bảo vệ môi trường, kết cấu hạ tầng và sử dụng nhân lực tại địa phương trong sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu;
- Nghiên cứu xây dựng cơ chế cho việc xử lý giảm nợ, khoanh nợ và xóa nợ thuế đối với các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu khó khăn do khách quan;
- Cho phép nhà sản xuất có đầu tư vùng nguyên liệu được miễn giảm các khoản thuế liên quan đến việc khai thác vùng nguyên liệu;
- Nghiên cứu cơ chế hoạt động và thành lập các quỹ tín dụng ngành nghề hoạt động chủ yếu trên cơ sở tín chấp, được huy động vốn từ nhiều nguồn để hỗ trợ vốn người làm nghề tạo thuận lợi về vốn cho sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu, tăng hiệu quả kinh doanh của các cơ sở tiểu thủ công nghiệp quy mô nhỏ thường không có điều kiện tiếp cận vốn vay ngân hàng do không có điều kiện để thế chấp.
3.2. Về đầu tư kết cấu hạ tầng:
- Nâng cấp và xây dựng mới lưới điện và hệ thống thông tin liên lạc đến các vùng có mỏ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác và chế biến khoáng sản;
- Đẩy nhanh tiến độ xây dựng Khu công nghiệp Hàm Kiệm, triển khai đầu tư từng phần các Khu Công nghiệp: Sơn Mỹ, Tân Đức. Hoàn tất đầu tư kết cấu hạ tầng dự án mở rộng Khu Công nghiệp Phan Thiết (giai đoạn 2), Khu Chế biến nước mắm Phú Hài, Khu Chế biến hải sản Nam Cảng Phan Thiết, các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và làng nghề để tạo điều kiện thuận lợi về mặt bằng cho nhà đầu tư chỉ cần đầu tư nhà xưởng, thiết bị đến lắp ráp là có thể hoạt động được;
- Tranh thủ các nguồn vốn có thể huy động được để xây dựng nhanh hơn cảng vận tải ở Phan Thiết, đồng thời thành lập tổ chức Hải quan ở Tỉnh để tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hoá của nhà sản xuất. Về lâu dài, kiến nghị Chính phủ cho xây dựng kho ngoại quan ở Phú Quý, Phan Thiết phục vụ sản xuất kinh doanh của các đơn vị;
- Ưu tiên nâng cấp các tuyến đường đến các khu khai thác khoáng sản xuất khẩu để thuận tiện trong việc vận chuyển sản phẩm. Tổng lượng khoáng sản xuất khẩu đến năm 2005 dự kiến đạt 23.000 tấn/năm và đến năm 2010 vào khoảng 80.000 tấn/năm (không kể cát thuỷ tinh). Đề nghị Bộ Giao thông Vận tải sớm kiến nghị Chính phủ có chủ trương đầu tư xây dựng mới cảng nước sâu trên địa bàn có lượng thông hàng 1 triệu tấn/năm để vừa phục vụ khai thác và chế biến dầu - khí, vừa là cảng xuất các khoáng sản xuất khẩu của Tỉnh và cũng là cảng quá cảnh hàng hoá cho các tỉnh Nam Tây Nguyên. Khi Khu Công nghiệp Hàm Kiệm đi vào hoạt động ổn định thì nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt từ Ga Mương Mán về Khu Công nghiệp Hàm Kiệm để thuận lợi cho việc tiêu thụ hàng hóa xuất Tỉnh và nguyên liệu sản xuất của các doanh nghiệp Khu Công nghiệp này.
3.3. Về ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật công nghệ và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến:
- Tổ chức đánh giá lại trình độ công nghệ, thiết bị của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lớn của Tỉnh để giúp doanh nghiệp định hướng đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Đánh giá kết quả hỗ trợ và tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO 9000, HACCP;
- Việc đổi mới thiết bị công nghệ phải được kết hợp một cách hợp lý giữa đầu tư nhập khẩu thiết bị công nghệ có tác dụng quyết định đến chất lượng sản phẩm xuất khẩu đủ sức cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của các nhà sản xuất khác trên thị trường mục tiêu với tổ chức đặt hàng sản xuất trong nước các thiết bị còn lại để giảm chi phí đầu tư nhưng vẫn đạt hiệu quả đầu tư mong muốn và gia tăng khả năng cạnh tranh về giá của sản phẩm xuất khẩu.
3.4. Về nguyên liệu:
- Khuyến khích phát triển nuôi trồng thủy sản để giảm bớt việc dựa vào nguồn nguyên liệu khai thác tự nhiên như hiện nay. Để hạn chế ảnh hưởng của tính mùa vụ, có thêm nguồn nguyên liệu cho chế biến thủy sản xuất khẩu, nghiên cứu kéo dài hơn một cách hợp lý thời gian cho phép khai thác hải đặc sản. Nghiên cứu chế biến thêm các loại nguyên liệu hải sản đến nay chưa được đưa vào chế biến xuất khẩu để tăng thêm thời gian hoạt động của các cơ sở chế biến xuất khẩu và đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu. Hỗ trợ cơ sở nuôi trồng tăng cường các biện pháp bảo quản sau thu hoạch để nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm chế biến xuất khẩu;
- Tiếp tục đẩy mạnh việc hỗ trợ nông dân cải tạo vườn điều trong Tỉnh ở các vùng quy hoạch tập trung. Xác định thời gian cấm khai thác lâm sản phụ (tre, lá buông...) để các cơ sở sản xuất, chế biến trong Tỉnh hoạt động có hiệu quả hơn. Khoanh vùng và cho phép cơ sở chế tác gốc gỗ được khai thác gốc gỗ. Nghiên cứu cơ chế cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ từ gỗ cao cấp được ưu tiên mua gỗ;
- Triệt để thực hiện lệnh cấm xuất khẩu khoáng sản thô và cả khoáng sản qua sơ chế để tránh lãng phí tài nguyên và hiệu quả không cao. Cơ giới hoá, hiện đại hoá công nghệ và thiết bị khai thác, tuyển tinh quặng Ilmenit-Zircon… Ưu tiên cấp phép khai thác cho các doanh nghiệp có đủ năng lực đầu tư chế biến sâu để tập trung đủ nguyên liệu cho nhà máy sản xuất sản phẩm chế biến sâu sa khoáng hoạt động ổn định, có hiệu quả cao. Trước mắt, cho khai thác tận thu ở các diện tích chồng lấn để giải phóng mặt bằng, sớm thực hiện các dự án du lịch, nuôi trồng thuỷ sản ven biển.
3.5. Về thị trường:
- Thực hiện tốt việc nghiên cứu, khảo sát và thu thập thông tin thị trường trong và ngoài nước, tăng cường công tác dự báo và phổ biến thông tin thị trường - giá cả để định hướng cho hoạt động xuất khẩu. Xây dựng chương trình xúc tiến thương mại dài hạn, cụ thể cho từng nhóm hàng, ưu tiên duy trì và mở rộng thị phần các thị trường quen thuộc, tích cực khai thác thị trường mới, đặc biệt coi trọng thị trường khu vực;
- Tăng cường các chương trình khuyến công hỗ trợ các doanh nghiệp, tham gia các hội chợ triễn lãm, xây dựng và đăng ký thương hiệu trong và ngoài nước. Xét thưởng xuất khẩu thêm ngoài mức quy định của Trung ương và xét thưởng cho các ngành hàng cần khuyến khích xuất khẩu của Tỉnh nhưng không thuộc diện ngân sách Trung ương hỗ trợ;
- Thông qua hoạt động khuyến công, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp xuất khẩu củng cố hệ thống phân phối hiện có trên cơ sở giữ vững và phát huy tác dụng của thị trường truyền thống một cách có hiệu quả làm nền tảng cho việc phát triển thị trường mới. Hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp xuất khẩu xây dựng các trang Web để thông tin và quảng bá sản phẩm trên mạng Internet;
- Từng bước thiết lập mối quan hệ thường xuyên giữa Ủy ban nhân dân Tỉnh, huyện, thành phố, Doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu với các cơ quan Thương vụ của nước ta ở các thị trường trọng điểm xuất khẩu như Nhật Bản, Mỹ, Đài Loan và các nước ASEAN cũng như các cơ quan đại diện của các nước trên tại nước ta nhằm tiếp cận các thông tin về kỹ thuật, giá cả, thị trường, thị hiếu, các thông tin về đối tác đầu tư… để từ đó có kế hoạch kêu gọi vốn đầu tư và sản xuất các mặt hàng xuất khẩu phù hợp.
3.6. Về đào tạo:
- Tăng cường công tác đào tạo, xây dựng lực lượng lao động có tay nghề cao, đồng bộ với tốc độ phát triển của ngành công nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu ở từng giai đoạn cụ thể. Áp dụng đa dạng hóa các loại hình đào tạo từ kèm cặp tại chỗ, truyền nghề, đến liên kết đào tạo hoặc gửi đi đào tạo đối với những nghề Tỉnh chưa có khả năng đào tạo. Ngoài vốn đầu tư cho đào tạo của doanh nghiệp, ngân sách Tỉnh sẽ xem xét cân đối hỗ trợ vốn đào tạo cho công tác chuẩn bị triển khai kế hoạch đào tạo, tăng cường hỗ trợ kinh phí đào tạo cho các ngành giải quyết nhiều lao động, kéo theo sự phát triển của các ngành khác;
- Nội dung đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo chuyên sâu, phù hợp với từng khâu, từ khai thác nguyên liệu đến thu mua, chế biến, kiểm tra chất lượng, xuất khẩu sản phẩm. Ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện tốt công tác đào tạo cán bộ làm công tác xuất nhập khẩu theo từng ngành hàng, mặt hàng xuất khẩu. Khẩn trương tổ chức công tác đào tạo kiến thức về luật pháp thương mại quốc tế, tín dụng quốc tế, trọng tài kinh tế, ngoại ngữ và tin học cho cán bộ các cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về sản phẩm công nghiệp xuất khẩu.
III. Trách nhiệm của các Sở, Ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố:
Trên cơ sở định hướng, mục tiêu và những giải pháp nêu trên, Uỷ ban nhân dân Tỉnh phân công các Sở, Ban, ngành và các địa phương triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân Tỉnh về các lĩnh vực sau:
1. Sở Thương mại:
- Phối hợp với các Sở: Công nghiệp, Thuỷ sản, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Uỷ ban nhân dân Tỉnh ban hành chương trình xúc tiến thương mại đến năm 2010 cho từng nhóm hàng sản phẩm công nghiệp xuất khẩu, hoàn thành trong quý IV năm 2005;
- Chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và phối hợp với Sở Công nghiệp chỉ đạo Trung tâm Khuyến công tiến hành các chương trình hỗ trợ các doanh nghiệp về thông tin thị trường trong và ngoài nước, tham gia các hội chợ triển lãm, xây dựng và đăng ký thương hiệu, xây dựng trang Web… phù hợp kế hoạch xúc tiến thương mại hàng năm được duyệt;
- Lập kế hoạch và tổ chức hàng năm các khóa đào tạo về kinh doanh quốc tế, luật pháp thương mại quốc tế, tín dụng quốc tế, trọng tài kinh tế, ngoại ngữ và tin học cho cán bộ các cơ quan thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về sản phẩm công nghiệp xuất khẩu và các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trên địa bàn Tỉnh.
2. Sở Thuỷ sản:
- Xây dựng chương trình phát triển các sản phẩm thủy sản chế biến xuất khẩu mới để toàn dụng nguồn nguyên liệu thủy sản khai thác được, hoàn thành trong quý IV năm 2005;
- Đẩy nhanh tốc độ xây dựng các dự án mở rộng Khu Chế biến Nước mắm Phú Hài, Khu Chế biến hải sản Nam Cảng Phan Thiết; Phấn đấu quý IV năm 2005, giao đất đợt đầu cho các nhà đầu tư vào Khu Chế biến hải sản Nam Cảng Phan Thiết;
- Nghiên cứu, xây dựng chương trình phát triển các loại nguyên liệu thủy sản phục vụ chế biến các sản phẩm có giá trị xuất khẩu cao trên cơ sở quy hoạch vùng nguyên liệu thích hợp, hoàn thành trong quý II năm 2006;
- Nghiên cứu các biện pháp bảo quản sau thu hoạch, có biện pháp hạn chế, ngăn chặn việc sử dụng các hóa chất cấm sử dụng trong bảo quản chế biến thuỷ sản.
- Chỉ đạo Trung tâm Khuyến ngư chuyển giao công nghệ đánh bắt, khai thác có hiệu quả các hải sản có giá trị xuất khẩu cao.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:
- Phối hợp Sở Tài chính tham mưu quy định tạo thuận lợi cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu từ gỗ cao cấp được ưu tiên mua gỗ phù hợp nhu cầu nguyên liệu của các cơ sở, trình Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét, ban hành trong quý III năm 2005;
- Rà soát quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu, đảm bảo đủ nguyên liệu phục vụ chế biến nông sản xuất khẩu nhất là hạt điều, mía đường và bột mì, hoàn thành trong quý IV năm 2005;
- Nghiên cứu tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh quy định thời gian cấm khai thác lâm sản phụ (tre, lá buông...) đảm bảo hợp lý, tạo điều kiện để các cơ sở sản xuất, chế biến trong tỉnh hoạt động có hiệu quả hơn. Chỉ đạo các Lâm trường, Ban Quản lý rừng được phân giao chỉ tiêu khai thác lâm sản phụ hàng năm ưu tiên cung ứng nguyên liệu tre, nứa, lá, gỗ và gốc gỗ cho các cơ sở sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn để chế biến xuất khẩu.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường:
- Nghiên cứu, tham mưu về cơ chế quản lý việc khai thác, tuyển khoáng, chế biến và sử dụng tài nguyên khoáng sản; Giải pháp khắc phục dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, trình Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét, ban hành trong quý IV năm 2005;
- Phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu Ủy ban nhân dân Tỉnh thành lập và ban hành quy chế hoạt động của tổ chức làm công tác kiểm tra hoạt động khai khoáng theo quy định của pháp luật về khoáng sản và các quy định của Tỉnh về khai khoáng, hoàn thành trong quý III năm 2005;
- Tham mưu xử lý kịp thời hoạt động khai thác, thu hồi khoáng sản trên diện tích chồng lấn với các dự án du lịch, nuôi thuỷ sản để sớm giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho các chủ đầu tư thực hiện dự án được chấp thuận.
5. Sở Công nghiệp:
- Hoàn tất các quy hoạch phát triển cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, rà soát quy hoạch phát triển sản xuất công nghiệp trong quý III năm 2005. Trong đó, lưu ý các nội dung liên quan đến sản xuất sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tham gia xuất khẩu;
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng đề án chế biến quả thanh long phục vụ xuất khẩu; phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng đề án khai thác cát thủy tinh xuất khẩu, hoàn thành trong quý II năm 2006;
- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành liên quan tổ chức đánh giá lại trình độ công nghệ, thiết bị của các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu lớn của Tỉnh để giúp doanh nghiệp định hướng đổi mới công nghệ, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường, hoàn tất trong quý IV năm 2005. Đầu quý III năm 2005, hoàn tất việc đánh giá các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu phục vụ xây dựng đề án phát triển chế biến thủy sản của Sở Thủy sản.
6. Sở Giao thông - Vận tải:
- Trong kế hoạch hàng năm, ưu tiên nâng cấp các tuyến đường đến các khu khai thác khoáng sản xuất khẩu và có kế hoạch đầu tư nhựa hoá để thuận tiện trong việc vận chuyển sản phẩm;
- Nghiên cứu đề án xây dựng tuyến đường sắt từ Ga Mương Mán đến Khu Công nghiệp Hàm Kiệm khi khu công nghiệp này đi vào hoạt động ổn định.
7. Sở Khoa học và Công nghệ:
Định kỳ đánh giá kết quả ứng dụng, phát triển kỹ thuật - công nghệ trong các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu và lập kế hoạch hàng năm hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu xây dựng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến ISO 9000, HACCP và xây dựng thương hiệu.
8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:
Chỉ đạo Trường Dạy nghề và các trung tâm dạy nghề phối hợp với Trung tâm Khuyến công tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng lao động sản xuất sản phẩm công nghiệp xuất khẩu. Nội dung đào tạo bồi dưỡng đảm bảo tính chuyên sâu, phù hợp với từng khâu, từ khai thác nguyên liệu đến thu mua, chế biến, kiểm tra chất lượng, xuất khẩu sản phẩm.
9. Ban Quản lý các khu công nghiệp Bình Thuận:
Có biện pháp đôn đốc, thực hiện nhanh hơn dự án mở rộng Khu Công nghiệp Phan Thiết (giai đoạn 2). Triển khai xây dựng Khu Công nghiệp Hàm Kiệm (3 giai đoạn). Quy hoạch và triển khai từng phần Khu Công nghiệp Sơn Mỹ, Khu Công nghiệp Tân Đức.
10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
Có biện pháp đôn đốc, thực hiện nhanh hơn các dự án xây dựng các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nông thôn trên địa bàn. Mỗi huyện, thành phố cần lựa chọn kỹ để tập trung hỗ trợ đầu tư từ 1 – 2 cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nông thôn có tính khả thi cao nhất, sao cho đầu tư xong kết cấu hạ tầng thì phát huy tác dụng ngay. Trong năm 2005, hoàn tất các dự án hỗ trợ đầu tư cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, làng nghề nông thôn đã được ghi kế hoạch vốn từ trước đến nay. Thực hiện đúng tiến độ đầu tư các dự án cụm công nghiệp, làng nghề đã được cấp vốn năm 2005.
1. Giao Sở Công nghiệp có trách nhiệm đôn đốc, theo dõi việc thực hiện chương trình này;
2. Thủ trưởng các Sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc và đồng bộ các nội dung đã được phân công trong Chương trình này. Các ngành có quản lý doanh nghiệp sản xuất hàng công nghiệp xuất khẩu có trách nhiệm tổ chức hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh hàng xuất khẩu dài hạn, kế hoạch sản xuất sản phẩm xuất khẩu hằng năm phù hợp với mục tiêu chung của Tỉnh;
3. Trong quá trình thực hiện chương trình theo nội dung trên đây, các Sở, ngành, địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất Uỷ ban nhân dân Tỉnh (gửi về Sở Công nghiệp) để kịp thời điều chỉnh, bổ sung những mặt hạn chế, bất cập, để Chương trình đảm bảo sát hợp với tình hình xuất khẩu của từng địa phương trong từng giai đoạn nhất định;
4. Định kỳ 6 tháng (ngày 12/6) và hàng năm (ngày 12/12) các Sở, Ban, ngành, địa phương có trách nhiệm đánh giá kết quả thực hiện Chương trình này và có kế hoạch cho 6 tháng tiếp theo, cho năm sau thuộc phạm vi quản lý của mình (thông qua Sở Công nghiệp) để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân Tỉnh chỉ đạo kịp thời./.
- 1Quyết định 2893/QĐ-UBND năm 2011 bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật đến ngày 30/9/2011 đã hết thời hạn, thời hiệu có hiệu lực, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng không còn do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 2Quyết định 812/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
- 3Quyết định 158/QĐ-UBND năm 2013 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành đến ngày 30/9/2012 hết hiệu lực thi hành
- 1Quyết định 2893/QĐ-UBND năm 2011 bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật đến ngày 30/9/2011 đã hết thời hạn, thời hiệu có hiệu lực, phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng không còn do tỉnh Bình Thuận ban hành
- 2Quyết định 80/2007/QĐ-UBND hủy bỏ một số nội dung của Quyết định 40/2005/QÐ-UBBT ban hành Chương trình phát triển các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tham gia xuất khẩu của tỉnh Bình Thuận đến năm 2010
- 3Quyết định 812/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành
- 4Quyết định 158/QĐ-UBND năm 2013 công bố danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành đến ngày 30/9/2012 hết hiệu lực thi hành
Quyết định 40/2005/QĐ-UBND về Chương trình phát triển các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tham gia xuất khẩu của tỉnh Bình Thuận đến năm 2010
- Số hiệu: 40/2005/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 20/06/2005
- Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
- Người ký: Huỳnh Tấn Thành
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra