Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3970/2017/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 18 tháng 10 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH XÉT CÔNG NHẬN, KHEN THƯỞNG HỘ NÔNG DÂN SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỎI VÀ ĐƠN VỊ TỔ CHỨC PHONG TRÀO GIỎI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26/11/2003; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 14/6/2005; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16/11/2013;

Căn cứ Quy định số 944-QĐ/HNDTW ngày 04 tháng 9 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về Quy định tiêu chuẩn hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp và tổ chức thực hiện;

Căn cứ Quyết định số 1415/2017/QĐ-UBND, ngày 03/5/2017 của UBND tỉnh về ban hành Bộ tiêu chí xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2017-2020;

Xét đề nghị của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh tại Tờ trình số 65-TTr/HNDT ngày 01 tháng 8 năm 2017 và Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh tại Công văn số 407/BTĐKT-SBN ngày 14/9/2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định xét công nhận, khen thưởng Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và Đơn vị tổ chức phong trào giỏi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/10/2017.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, Trưởng ban Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh; Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Thị Thìn

 

QUY ĐỊNH

XÉT CÔNG NHẬN, KHEN THƯỞNG HỘ NÔNG DÂN SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỎI VÀ ĐƠN VỊ TỔ CHỨC PHONG TRÀO GIỎI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 3970/2017/QĐ-UBND ngày 18/10/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn, trình tự xét công nhận, khen thưởng Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và Đơn vị tổ chức phong trào giỏi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên các lĩnh vực nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp (gọi tắt là Hộ nông dân).

2. Tổ chức Hội Nông dân các cấp, bao gồm: Chi hội nông dân thôn, bản, tổ dân phố; Hội Nông dân xã, phường, thị trấn; Hội Nông dân huyện, thị xã, thành phố (gọi tắt là Hội Nông dân).

Chương II

XÉT CÔNG NHẬN HỘ NÔNG DÂN SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỎI VÀ ĐƠN VỊ TỔ CHỨC PHONG TRÀO GIỎI

Điều 3. Điều kiện xét công nhận

1. Hộ nông dân có đăng ký thi đua.

2. Hội nông dân có đăng ký tham gia chỉ đạo phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi.

Điều 4. Tiêu chuẩn xét công nhận Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

1. Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở (xã, phường, thị trấn):

a) Tích cực hướng dẫn, phổ biến kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo thêm việc làm mới có tác dụng tốt đối với hội viên, nông dân, hàng năm phổ biến kiến thức và kinh nghiệm làm ăn cho ít nhất 5 lao động trở lên.

b) Có mức thu nhập gấp 1,25 lần so với mức thu nhập đạt chuẩn nông thôn mới.

2. Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện:

a) Hộ đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở từ 02 năm liên tục trở lên.

b) Hàng năm hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho ít nhất 10 lao động trở lên.

c) Mỗi năm giúp đỡ cho ít nhất 05 lao động có việc làm và giúp đỡ có hiệu quả 03 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh.

d) Có mức thu nhập gấp 1,5 lần so với cấp cơ sở.

3. Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh:

a) Hộ đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện từ 02 lần liên tục trở lên.

b) Hàng năm hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho ít nhất 15 lao động trở lên.

c) Mỗi năm tạo việc làm cho ít nhất 10 lao động và giúp đỡ có hiệu quả 05 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn trở lên về về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh.

d) Có mức thu nhập gấp 3 lần so với cấp cơ sở.

4. Tiêu chuẩn đề nghị xét công nhận Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương:

a) Hộ đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh điển hình xuất sắc.

b) Hàng năm hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho ít nhất 20 lao động trở lên.

c) Hàng năm tạo việc làm ổn định cho 15 lao động trở lên, giúp đỡ có hiệu quả 07 lượt hộ nghèo, hộ khó khăn trở lên về vốn, vật tư, kỹ thuật, kinh nghiệm để phát triển sản xuất, kinh doanh.

d) Có mức thu nhập gấp 6 lần so với cấp cơ sở.

Điều 5. Tiêu chuẩn xét công nhận Đơn vị tổ chức phong trào giỏi

1. Chi Hội Nông dân tổ chức phong trào giỏi:

a) Mỗi năm có 85% trở lên số Hộ nông dân đăng ký thi đua (đối với miền núi 70%), trong đó có 70% số hộ đăng ký thi đua trở lên đạt danh hiệu hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.

b) Các hoạt động công tác hội đạt vững mạnh xuất sắc, được Hội cấp trên trực tiếp công nhận.

2. Hội Nông dân cấp cơ sở tổ chức phong trào giỏi:

a) Mỗi năm có 80% trở lên số Hộ nông dân đăng ký thi đua (đối với miền núi 75%), có 60% số hộ đăng ký thi đua trở lên đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở, trong đó có 30% trở lên đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, thị xã, thành phố.

b) Các hoạt động công tác hội đạt đơn vị xuất sắc, được Hội cấp trên trực tiếp công nhận.

3. Hội Nông dân cấp huyện tổ chức phong trào giỏi:

a) Mỗi năm có 75% trở lên số Hộ nông dân đăng ký thi đua (Đối với miền núi 70%), có 50% số hộ đăng ký thi đua trở lên đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở, trong đó có 20% trở lên đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, thị xã, thành phố, 05% trở lên đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, Trung ương.

b) Các hoạt động công tác hội đạt đơn vị xuất sắc, được Hội Nông dân tỉnh công nhận.

Điều 6. Thẩm quyền xét công nhận

1. Hội Nông dân cấp cơ sở xét duyệt, ra quyết định công nhận Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở, Chi hội nông dân tổ chức phong trào giỏi.

2. Hội Nông dân cấp huyện xét duyệt, ra quyết định công nhận Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện, Hội Nông dân cấp cơ sở tổ chức phong trào giỏi.

3. Hội Nông dân tỉnh xét duyệt, ra quyết định công nhận Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh, Hội Nông dân cấp huyện tổ chức phong trào giỏi.

Điều 7. Trình tự xét công nhận Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; Đơn vị tổ chức phong trào giỏi

1. Hồ sơ xét công nhận bao gồm:

- Tờ trình của Hội Nông dân cấp đề nghị xét công nhận;

- Biên bản xét duyệt của Hội Nông dân cấp đề nghị xét công nhận;

- Danh sách trích ngang, báo cáo thành tích của cá nhân, tập thể đề nghị xét công nhận.

Chậm nhất 10 ngày sau khi tổ chức tổng kết đánh giá phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, tổ chức đề nghị xét công nhận phải hoàn thành hồ sơ gửi cơ quan có thẩm quyền xét công nhận theo quy định.

2. Thời gian xét công nhận:

a) Cấp cơ sở: Mỗi năm xét 01 lần vào dịp tổ chức tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cấp cơ sở.

b) Cấp huyện: Định kỳ 05 năm xét 02 lần vào dịp tổ chức tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện.

c) Cấp tỉnh: Định kỳ 05 năm xét 01 lần vào dịp tổ chức tổng kết phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi cấp tỉnh.

3. Thời hạn xét công nhận:

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, cơ quan có thẩm quyền xét duyệt, ra quyết định công nhận và cấp giấy chứng nhận Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; Đơn vị tổ chức phong trào giỏi. Trường hợp không được công nhận phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do không được công nhận.

Chương III

KHEN THƯỞNG HỘ NÔNG DÂN SẢN XUẤT, KINH DOANH GIỎI TIÊU BIỂU VÀ ĐƠN VỊ TỔ CHỨC PHONG TRÀO GIỎI TIÊU BIỂU

Điều 8. Đối tượng khen thưởng

1. Hộ nông dân đạt danh hiệu "Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi" có thành tích tiêu biểu xuất sắc được cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân cùng cấp đề nghị khen thưởng.

2. Tổ chức Hội Nông dân đạt danh hiệu "Đơn vị tổ chức phong trào giỏi" có thành tích tiêu biểu xuất sắc được cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân đề nghị khen thưởng.

Điều 9. Hình thức, thẩm quyền khen thưởng

1. Hình thức:

- Giấy khen của Ban Chấp hành Hội Nông dân xã, phường, thị trấn.

- Giấy khen của Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn.

- Giấy khen của Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện, thị xã, thành phố.

- Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố.

- Bằng khen của Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh.

- Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh.

2. Thẩm quyền khen thưởng:

a) Chủ tịch UBND tỉnh, Ban Chấp hành Hội Nông dân tỉnh quyết định khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc ở các cấp.

b) Chủ tịch UBND cấp huyện, Ban Chấp hành Hội Nông dân cấp huyện quyết định khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc cùng cấp và cấp cơ sở.

c) Chủ tịch UBND cấp xã, Ban Chấp hành Hội Nông dân cấp quyết định khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc cùng cấp.

3. Trong 2 năm liên tục, những hộ hông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và đơn vị tổ chức phong trào giỏi có thành tích đặc biệt xuất sắc, phạm vi ảnh hưởng lớn thì được xem xét, đề nghị khen thưởng với mức cao hơn, không nhất thiết phải theo trình tự có hình thức khen thưởng mức thấp mới được khen thưởng mức cao hơn.

Điều 10. Thủ tục, hồ sơ và chế độ khen thưởng

Thực hiện theo quy định của Luật Thi đua - Khen thưởng và hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Trách nhiệm thi hành

1. Hội Nông dân các cấp có trách nhiệm:

a) Hàng năm xây dựng kế hoạch, tổ chức phát động và hướng dẫn đăng ký thi đua đạt danh hiệu Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, Đơn vị tổ chức phong trào giỏi các cấp; phối hợp, thống nhất với chính quyền cùng cấp tổ chức hội thảo, hội thi, trưng bày sản phẩm hàng hóa để tạo ra không khí thi đua sôi nổi thúc đẩy phong trào.

b) Tham mưu cho cấp ủy, chính quyền cùng cấp tổ chức tổng kết đánh giá phong trào, biểu dương khen thưởng Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; Đơn vị tổ chức phong trào giỏi. Kinh phí cho Hội nghị Tổng kết và khen thưởng ở mỗi cấp do UBND cùng cấp đảm bảo.

2. Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Hội Nông dân tỉnh hướng dẫn, tổ chức chỉ đạo, theo dõi phong trào thi đua; định kỳ 6 tháng một lần

báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh về tình hình phong trào và những vấn đề cần nghiên cứu tổng kết, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp.

3. UBND các cấp có trách nhiệm phối hợp với Hội Nông dân cùng cấp chỉ đạo, tổ chức thực hiện; đảm bảo kinh phí hội nghị, kinh phí khen thưởng và đồng chủ trì hội nghị tổng kết biểu dương khen thưởng ở cấp mình theo định kỳ.

4. Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể, cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm phối hợp, tổ chức thực hiện quy định này.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3970/2017/QĐ-UBND về Quy định xét công nhận, khen thưởng Hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi và Đơn vị tổ chức phong trào giỏi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa

  • Số hiệu: 3970/2017/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 18/10/2017
  • Nơi ban hành: Tỉnh Thanh Hóa
  • Người ký: Lê Thị Thìn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/10/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản