Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 396/QĐ-UBND

An Giang, ngày 01 tháng 3 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TỈNH AN GIANG TỪ NAY ĐẾN NĂM 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 27/6/2012 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 2163/QĐ-UBND ngày 29/11/2012 của Ủy ban nhân tỉnh An Giang về ban hành Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 – 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2015.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Ban Điều hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành, Đoàn thể có liên quan; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TT TU, HĐND tỉnh, TT UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- UBND huyện, thị, thành phố;
- Chánh, Phó VP.UB;
- Website An Giang;
- Phòng KT, TH, XDCB, VHXH, NC, VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Huỳnh Thế Năng

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO TỈNH AN GIANG TỪ NAY ĐẾN NĂM 2015
(Kèm theo Quyết định số 396 /QĐ-UBND ngày 01/3/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh An Giang)

I. MỤC TIÊU

1. Xây dựng và hoàn thiện các cơ sở vật chất phục vụ hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút, ươm tạo doanh nghiệp và nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

2. Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm 01- 03 giống lúa, hoa màu, cây cảnh, cây ăn quả, giống thủy sản; 03 quy trình công nghệ cao mới có hiệu quả và có triển vọng phát triển tốt.

3. Phấn đấu đến năm 2015 ươm tạo và thu hút được ít nhất 10 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở gắn kết chặt chẽ giữa vùng sản xuất và thị trường tiêu thụ, trong đó doanh nghiệp có vai trò then chốt.

4. Đào tạo và thu hút được ít nhất 30 thạc sĩ, tiến sĩ đáp ứng yêu cầu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

5. Hình thành các vùng sản xuất sản phẩm nông nghiệp hàng hóa ứng dụng công nghệ cao với tổng diện tích đạt được ít nhất là 3000 ha (bao gồm: Vùng sản xuất lúa và giống lúa chất lượng cao; Vùng sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; Vùng rau màu an toàn; Vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao…). Trong đó, tập trung sản xuất các sản phẩm theo hướng an toàn, truy nguyên nguồn gốc và đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng của thị trường tiêu thụ.

6. Xây dựng và ban hành các cơ chế chính sách nhằm khuyến khích, thu hút doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; khuyến khích đầu tư, phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực và chính sách phát triển nghiên cứu các công trình, quy trình công nghệ cao trong nông nghiệp.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Quy hoạch và tổ chức phát triển các vùng sản xuất

1.1 Xây dựng quy hoạch

Xây dựng quy hoạch tổng thể và quy hoạch chi tiết các vùng, sản phẩm, dịch vụ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được định hướng theo tinh thần Quyết định số 2163/QĐ-UB ngày 29/11/2012 của UBND tỉnh An Giang. Trong đó, các quy hoạch chi tiết bao gồm:

a) Vùng sản xuất lúa giống và sản xuất thâm canh lúa chất lượng cao, lúa đặc sản theo hướng truy nguyên nguồn gốc, phát triển thương hiệu quốc gia và địa phương.

b) Vùng sản xuất thủy sản ứng dụng công nghệ cao theo hướng an toàn, truy nguyên nguồn gốc và gắn kết phát triển thương hiệu quốc gia và địa phương.

c) Vùng sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng sản phẩm sạch, an toàn.

d) Vùng chuyên canh hoa màu an toàn, ứng dụng công nghệ cao.

đ) Vùng sản xuất hoa, cây cảnh ứng dụng công nghệ cao.

e) Vùng bảo tồn và sản xuất cây dược liệu theo hướng sản phẩm sạch, an toàn.

g) Vùng chăn nuôi gia súc, gia cầm an toàn sinh học ứng dụng công nghệ cao.

h) Vùng sản xuất cây ăn quả đặc sản, an toàn kết hợp với chỉ dẫn địa lý.

i) Vùng bảo tồn sinh thái và đa dạng sinh học.

1.2 Phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Tập trung nguồn lực để hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được quy hoạch chi tiết. Khuyến khích phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao hoặc kết hợp công nghệ cao với công nghệ truyền thống, trên cơ sở tiềm năng, thế mạnh, đặc thù của các địa phương; đồng thời, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng một số vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được quy hoạch chi tiết với tổng diện tích đạt được ít nhất là 3000 ha (đến năm 2015). Định hướng phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên cơ sở sản xuất sạch, sản phẩm an toàn, chất lượng cao, truy nguyên được nguồn gốc và gắn với phát triển thương hiệu quốc gia và địa phương. Trong đó, các vùng sản xuất cụ thể như sau:

a) Vùng sản xuất lúa giống tại các địa phương theo định hướng tiếp tục xã hội hóa giống lúa cộng đồng trên cơ sở nâng cấp chương trình thương mại hóa giống lúa đáp ứng yêu cầu giống lúa cho xã hội.

b) Vùng sản xuất lúa chất lượng cao gắn kết phát triển cánh đồng lớn, có ứng dụng chương trình 01 phải 5 giảm và các tiến bộ khoa học công nghệ hiệu quả tại huyện Thoại Sơn, Châu Thành, Châu Phú và Tri Tôn.

c) Vùng sản xuất nấm rơm tại Thoại Sơn; Vùng sản xuất nấm bào ngư, linh chi và các loại nấm ăn, nấm dược liệu có giá trị kinh tế cao khác tại huyện Châu Thành theo hướng ứng dụng công nghệ cao, tạo sản phẩm sạch có truy nguyên nguồn gốc.

d) Vùng sản xuất rau an toàn tại huyện Chợ Mới, An Phú, Châu Phú và thành phố Long Xuyên.

đ) Vùng sản xuất cây ăn quả theo hướng GAP tại huyện Chợ Mới.

e) Vùng sản xuất cá tra chất lượng cao, truy xuất được nguồn gốc tại Long Xuyên; Vùng sản xuất tôm càng xanh tại Thoại Sơn; Vùng sản xuất lươn đồng tại Tân Châu.

1.3 Tổ chức triển khai, nhân rộng các mô hình đạt hiệu quả:

Tổ chức triển khai các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư và đẩy mạnh thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả, tập trung vào các đối tượng sản phẩm chiến lược đã được định hướng nêu trên, nhằm tạo tiền đề phát triển các vùng, sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên toàn tỉnh.

2. Chọn lựa và phát triển công nghệ

2.1 Khảo sát, đánh giá hiện trạng và tiềm năng phát triển công nghệ

a) Tổ chức khảo sát, cập nhật, đánh giá hàng năm về hiện trạng và tiềm năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Trong đó, chú trọng phối hợp với các chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu khảo sát, đánh giá và đề xuất những nội dung cụ thể nhằm triển khai có hiệu quả các mô hình, dự án nghiên cứu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh An Giang.

b) Tổ chức khảo sát, đánh giá và xác định năng lực, tiềm năng về chuyển giao công nghệ của các Viện, Trường, các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp, các địa phương trong và ngoài nước liên quan đến hoạt động phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh An Giang.

c) Hàng năm, tổ chức 03-04 hội thảo chuyên đề nhằm thảo luận, thu thập ý kiến, đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân... về các vấn đề liên quan đến việc triển khai thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang.

2.2. Tổ chức hỗ trợ thực hiện các mô hình, dự án nghiên cứu

Ưu tiên đầu tư kinh phí từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh để tổ chức thực hiện các nghiên cứu và lựa chọn một số công nghệ cao ứng dụng trong nông nghiệp theo tinh thần Quyết định số 2163/QĐ-UBND ngày 29/11/2012 của UBND tỉnh An Giang, bao gồm:

a) Nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm và chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao. Trong đó, tập trung nghiên cứu đối với các loại:

- Giống lúa có chất lượng, năng suất cao, giống đặc sản, các loại giống mới đáp ứng yêu cầu về an ninh lương thực, thực phẩm chức năng và thích ứng với biến đổi khí hậu.

- Giống rau màu (rau màu an toàn, ngô, đậu nành, đậu phộng, mè...) có chất lượng, năng suất cao, giống mới đáp ứng nhu cầu về thức ăn cho chăn nuôi, thủy sản, về thực phẩm an toàn, dinh dưỡng cao và giống đặc sản.

- Giống dược liệu quí (gừng, nghệ, gấc, ngãi, đinh lăng, chùm ngây, hà thủ ô...), các loại giống hoa - cây cảnh, cây ăn quả (xoài, mít, cam, chuối, đu đủ, thanh long…), giống đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long và giống mới phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương, phục vụ phát triển du lịch sinh thái, du lịch nông dân, phục vụ phát triển các vùng sản xuất trong và ngoài tỉnh.

- Các loại giống thủy sản thế mạnh, có triển vọng phát triển của tỉnh (như: tôm càng xanh, cá tra, cá lóc, cá sặc rằn, cá linh, cá chạch, cá hô, cá rô phi, lươn đồng, cá kiểng…) theo hướng nâng cao chất lượng, năng suất, tăng tính trạng tăng trưởng, tỷ lệ phi lê cao, tăng khả năng kháng bệnh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Giống gia súc, gia cầm (trước nhất là giống bò và giống vịt) có triển vọng phát triển và phù hợp với điều kiện sản xuất của địa phương.

b) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng, trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi và thủy sản. Cụ thể, tập trung vào lĩnh vực sản xuất chế phẩm sinh học dùng trong bảo vệ cây trồng; phát triển các kit để chẩn đoán, giám định bệnh cây trồng và chẩn đoán nhanh bệnh ở thủy sản.

c) Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm các quy trình công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ cao hiệu quả và phù hợp trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nuôi trồng thủy sản, bao gồm:

- Các quy trình công nghệ tổng hợp, công nghệ mới, tiên tiến, thân thiện với môi trường trong sản xuất lúa (như: sử dụng nấm xanh, trang bằng mặt ruộng bằng tia laser, sử dụng phân hữu cơ sinh học, tiết kiệm nước, quản lý dinh dưỡng, dịch bệnh, giảm thất thoát sau thu hoạch, giảm khí phát thải và sản xuất theo hướng GAP…).

- Quy trình sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu trong nhà có chủ động quản lý ẩm độ, nhiệt độ và hệ thống thông gió; các quy trình trồng cây dược liệu, cây ăn quả, hoa – cây cảnh có giá trị kinh tế cao, theo hướng tạo sản phẩm chất lượng tốt, an toàn, gắn với nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất – tiêu thụ, đa dạng hóa sản phẩm và sản xuất theo GAP.

- Quy trình trồng rau an toàn, rau sạch, trồng hoa - cây cảnh, các loại cây giống với quy trình công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ cao; quy trình trồng trong nhà lưới, nhà màng, trồng trên giá thể; công nghệ thủy canh; công nghệ tưới nước tiết kiệm; công nghệ điều tiết tự động dinh dưỡng, ánh sáng, chăm sóc và thu hoạch.

- Quy trình nuôi thủy sản theo quy trình công nghệ mới, cải tiến trong nuôi luân canh, nuôi thâm canh, siêu thâm canh, tự động hóa, kiểm soát môi trường nuôi... Quy trình công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ tổng hợp, tự động hóa trong chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tạo sản phẩm sạch, chất lượng cao, an toàn sinh học và thân thiện với môi trường.

d) Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm các quy trình công nghệ mới, tiên tiến và công nghệ cao trong bảo quản, chế biến thực phẩm nông nghiệp, sản xuất dược liệu và năng lượng sinh học. Cụ thể:

- Quy trình công nghệ chuyển chất thải thành năng lượng và đa dạng hóa sản phẩm từ sản xuất, chế biến lúa – gạo.

- Các quy trình sơ chế, bảo quản và chế biến rau màu, nấm ăn, nấm dược liệu gắn với chứng nhận sản phẩm sạch, an toàn. Quy trình sơ chế, chiết xuất dược liệu và sản xuất thực phẩm chức năng từ các loại dược liệu quí, chất lượng cao của địa phương. Ứng dụng công nghệ chiếu xạ; xử lý hơi nước nóng, nước nóng; công nghệ sấy nhanh trong bảo quản nông thủy sản; công nghệ sơ chế, bảo quản rau, hoa, quả tươi; công nghệ bao gói khí quyển kiểm soát; bảo quản lạnh nhanh; tạo màng trong bảo quản sản phẩm.

- Quy trình chế biến thủy sản theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao và sản xuất sạch.

đ) Nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm và chọn tạo các loại vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ trong nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cụ thể như: phân bón chuyên dụng, giá thể, chế phẩm sinh học, thiết bị chăm sóc, thu hoạch…

e) Nghiên cứu lựa chọn và hỗ trợ nhập một số công nghệ cao trong nông nghiệp từ nước ngoài mà trong nước chưa có, tiến hành thử nghiệm, làm chủ và thích nghi vào điều kiện sinh thái và thực tế sản xuất của tỉnh.

Tập trung nguồn lực để hỗ trợ thực hiện các mô hình, dự án khoa học và công nghệ nhằm thúc đẩy phát triển các vùng sản xuất đã được quy hoạch chi tiết, đồng thời khuyến khích phát triển các doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

3. Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực

a) Định hướng chung:

- Phối hợp với các Viện, Trường, các đơn vị có năng lực trong và ngoài nước tổ chức đào tạo cho cán bộ công chức, viên chức, cán bộ quản lý, nghiên cứu, kỹ thuật viên thuộc các tổ chức khoa học công nghệ, các doanh nghiệp và nông dân đủ tiêu chuẩn theo quy định, có khả năng đáp ứng yêu cầu về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

Trong đó, đặc biệt chú trọng phối hợp với Trường Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, Khu nông nghiệp công nghệ cao Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Quốc gia Đài Loan, Đại học Saga và Đại học Kagoshima (Nhật Bản), Đại học Lulea và Công viên khoa học Solendar (Thụy Điển)…

- Đào tạo thông qua các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ từ ngân sách nhà nước, từ các chương trình tài trợ, hỗ trợ về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao .....Trên cơ sở đó, đào tạo được tiến sĩ, thạc sĩ, các chuyên gia, kỹ thuật viên, các tổ chức, cá nhân có liên quan về tiếp nhận chuyển giao công nghệ... từ các đề tài, dự án phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp, ưu tiên hợp tác đào tạo sau đại học, đào tạo chuyển giao công nghệ về các kỹ thuật, công nghệ cao, về quản lý sản xuất hiệu quả trong các lĩnh vực có liên quan, phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

Đặc biệt, hợp tác với các trường đại học tiên tiến của khu vực và thế giới có tiềm năng hợp tác với An Giang như: Đài Loan, Nhật, Hàn Quốc, Thụy Điển, Israen,... thông qua các chương trình hợp tác cụ thể. Trong đó, chương trình hợp tác trọng điểm được tập trung nguồn lực để thực hiện đó là hợp tác với Đài Loan và Nhật Bản.

b) Đào tạo ngắn hạn

Hàng năm tổ chức và tham gia 10-15 khóa đào tạo ngắn hạn cho cán bộ quản lý, kỹ thuật viên, doanh nghiệp, nông dân có liên quan nhằm nâng cao kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng về quản lý chất lượng sản phẩm và an toàn vệ sinh thực phẩm, thực hành sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, tổ chức 02-03 khóa đào tạo ngoại ngữ, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận những công nghệ và kỹ thuật cao, đáp ứng yêu cầu về phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

c) Thu hút nguồn nhân lực và đào tạo dài hạn

Hàng năm, tổ chức đào tạo hoặc thu hút được 01-03 thạc sĩ, tiến sĩ tại các nước tiên tiến về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đào tạo và thu hút 05-12 thạc sĩ, tiến sĩ trong nước về các lĩnh vực liên quan đến việc phát triển nông nghiệp cao của tỉnh.

Trong đó, tập trung đào tạo và thu hút nguồn nhân lực cho các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ và các doanh nghiệp có đủ tiêu chuẩn theo quy định.

4. Xúc tiến hợp tác, đầu tư phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ

a) Hàng năm tổ chức ít nhất 01 hội chợ trên địa bàn tỉnh và tham gia các kỳ hội chợ – triển lãm cấp vùng và khu vực, các địa phương trong và ngoài nước nhằm giới thiệu sản nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Từng bước hình thành và phát triển thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu các sản phẩm hàng hóa từ hoạt động sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

b) Tổ chức khảo sát, xúc tiến hợp tác và thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh An Giang.

c) Ươm tạo, hỗ trợ hình thành ít nhất 10 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh thuộc các lĩnh vực như: sản xuất giống thủy sản, sản xuất cây giống quy mô công nghiệp (trước nhất là giống lúa); sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu; sản xuất phân bón, chế phẩm sinh học quy mô công nghiệp; thủy sản hoặc sản xuất giống và các sản phẩm dược liệu.

d) Xúc tiến hình thành và phát triển các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, cung ứng, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Trong đó, chú trọng thúc đẩy hoạt động nhằm xâm nhập các hệ thống phân phối của sản phẩm từ doanh nghiệp và người dân An Giang vào những hệ thống này. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư phát triển các mô hình, hình thức hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm nông sản hàng hóa chính, trên cơ sở hài hòa lợi ích của các bên tham gia.

5. Xây dựng các chính sách và công trình trọng điểm

5.1 Xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ: Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện các cơ chế chính sách, các đề án trọng điểm nhằm khuyến khích, hỗ trợ các hoạt động có liên quan đến phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao một cách đồng bộ, cụ thể như:

a) Chính sách khuyến khích kêu gọi, thu hút doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

b) Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

c) Chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp.

d) Chính sách hỗ trợ phát triển nghiên cứu các công trình, quy trình công nghệ cao trong nông nghiệp.

đ) Đề án đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển hoạt động khuyến nông, khuyến ngư phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang.

e) Đề án phát triển và bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi tỉnh An Giang.

g) Đề án hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

h) Đề án hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị cho các sản phẩm hàng hóa từ chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Phân công xây dựng các chính sách, các đề án đẩy mạnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh An Giang theo phụ lục 1.

( Xem chi tiết tại phụ lục 1)

5.2 Xây dựng và xúc tiến đầu tư, hoàn thiện các công trình trọng điểm

a) Đầu tư xây dựng Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang với các phòng nghiên cứu thí nghiệm, khu sản xuất thực nghiệm, và khu thu hút, ươm tạo doanh nghiệp khoa học công nghệ, đặc biệt là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và công nghiệp sinh học.

b) Đầu tư hoàn thiện Trại thực nghiệm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (giai đoạn 2) của Trung tâm Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh An Giang.

c) Đầu tư hoàn thiện Trại huấn luyện và sản xuất giống thủy sản của Trung tâm Giống thủy sản tỉnh An Giang.

d) Đầu tư hoàn thiện các phòng nghiên cứu thí nghiệm liên quan đến lĩnh vực công nghệ sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Trường Đại học An Giang.

đ) Khuyến khích đầu tư hoàn thiện Trung tâm Nghiên cứu nông nghiệp Định Thành của Công ty Cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang.

e) Khuyến khích xã hội hóa hoạt động đầu tư xây dựng Trung tâm nghiên cứu phát triển dược liệu tỉnh An Giang.

6. Công tác thông tin tuyên truyền

6.1. Thông tin, tuyên truyền, phổ biến về các chính sách, các mô hình sản xuất mới, các sản phẩm cũng như các kết quả về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh, thông qua các hội nghị, hội thảo và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể:

a) Tổ chức 03-04 hội nghị, hội thảo tuyên truyền hàng năm tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

b) Thông tin, tuyên truyền định kỳ hàng tháng trên báo An Giang; Đài Phát thanh và Truyền hình An Giang và trên sóng phát thanh của các địa phương trên địa bàn tỉnh.

6.2. Hình thành và phát triển các chuyên trang, chuyên mục về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên các phương tiện thông tin đại chúng do tỉnh quản lý.

6.3. Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin trên mạng lưới cung cấp thông tin tại các xã, phường và trong các doanh nghiệp nhằm cung cấp những thông tin mới nhất, phổ biến nhanh các chính sách, các mô hình sản xuất hiệu quả, các kiến thức, pháp luật và định hướng thị trường về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho nông dân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh An Giang.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Kinh phí thực hiện

Tập trung các nguồn vốn từ ngân sách nhà nước để tổ chức thực hiện kế hoạch này thông qua các nguồn kinh phí cụ thể như: Sự nghiệp khoa học và công nghệ; Sự nghiệp đào tạo; Sự nghiệp nông nghiệp; Nguồn vốn khuyến công, khuyến thương; Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư phát triển (bao gồm nguồn vốn hỗ trợ đầu tư của Trung ương) và các nguồn khác có liên quan.

Thu hút nguồn vốn vay, vốn của các doanh nghiệp, các tổ chức khoa học và công nghệ và nông dân tham gia đầu tư, tổ chức thực hiện.

Thu hút nguồn vốn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân tham gia thông qua các dự án cụ thể. Tập trung đối với các dự án hợp tác về đào tạo, nâng cao năng lực, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ.

(Xem chi tiết phụ lục 2)

2. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành, địa phương

Định kỳ (giữa tháng 5 và tháng 11 hàng năm), các Sở, ban ngành, UBND các huyện thị, thành phố được phân công có trách nhiệm chủ động tổ chức xây dựng nội dung kế hoạch triển khai cụ thể và báo cáo kết quả thực hiện cho Ban Điều hành Chương trình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp, để Ban Điều hành tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

Chủ trì xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, các cơ chế chính sách và các công trình trọng điểm được phân công, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.

2.1. Sở Khoa học và Công nghệ

Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện nội dung chọn lựa và phát triển công nghệ từ nguồn sự nghiệp khoa học công nghệ hàng năm của tỉnh và từ các chương trình hỗ trợ có mục tiêu của ngành.

Chủ trì, phối hợp với Sở ngành có liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện: Chính sách hỗ trợ phát triển nghiên cứu các công trình, quy trình công nghệ cao trong nông nghiệp; Đề án phát triển và bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi tỉnh An Giang; Đề án hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

2.2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan, đặc biệt với UBND các địa phương trong tỉnh để tổ chức thực hiện nội dung về Qui hoạch và tổ chức phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương có liên quan xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt và thực hiện Đề án đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển hoạt động khuyến nông, khuyến ngư phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang.

2.3. Sở Nội vụ

Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương có liên quan tổ chức thực hiện nội dung về Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực. Xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Chính sách về đào tạo, thu hút nguồn nhân lực khoa học công nghệ, trong đó, đặc biệt chú trọng nguồn nhân lực phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

2.4. Sở Công Thương

Chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương có liên quan tổ chức thực hiện nội dung về Xúc tiến hợp tác, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và phát triển các dịch vụ công nghệ cao phục vụ nông nghiệp.

Chủ trì xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị cho các sản phẩm hàng hóa từ chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

2.5. Sở Kế hoạch và Đầu tư

Chủ trì, phối hợp với với các sở, ban ngành và địa phương có liên quan tổ chức xây dựng danh mục đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chủ trì xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt và triển khai thực hiện: Chính sách khuyến khích kêu gọi, thu hút doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

2.6. Sở Tài chính

Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành và địa phương có liên quan triển khai thực hiện các giải pháp về tổ chức nguồn vốn được nêu trong nội dung kế hoạch này và các kế hoạch có liên quan; Xây dựng danh mục và bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp từ ngân sách Nhà nước cho cả giai đoạn và cụ thể từng năm để thực hiện kế hoạch này.

2.7. Sở Ngoại vụ

Chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương có liên quan tổ chức xúc tiến các chương trình hợp tác quốc tế, hợp tác với các tổ chức quốc tế, các địa phương thuộc các quốc gia có tiềm năng hợp tác với An Giang trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

2.8. Sở Thông tin và Truyền thông

Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương, cơ quan báo chí… có liên quan thực hiện nội dung về tổ chức thông tin và truyền thông được nêu trong bản kế hoạch. Định hướng nội dung tuyên truyền cho Phòng Văn hóa – Thông tin, Đài truyền thanh huyện, xã để xây dựng kế hoạch tuyên truyền các nội dung được nêu trong kế hoạch này.

2.9. Trường Đại học An Giang

Chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức đào tạo, hỗ trợ nguồn nhân lực và triển khai các nghiên cứu phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

2.10. Trung tâm xúc tiến thương mại và đầu tư

Chủ trì phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương có liên quan tổ chức thực hiện nội dung về Xúc tiến hợp tác, đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh An Giang.

2.11. UBND các huyện, thị, thành phố

Chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch cụ thể hàng năm của địa phương gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương và tổ chức thực hiện quy hoạch các vùng, khu và sản phẩm, dịch vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại địa phương.

2.12. Hội Nông dân tỉnh và Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật

Theo chức năng nhiệm vụ của mỗi đơn vị, tổ chức vận động các thành viên thực hiện các mô hình, dự án tổ chức sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao năng lực của các thành viên về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tổ chức giám sát, đánh giá, phản biện xã hội đối với chính sách, đề án, dự án, công trình trọng điểm phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh.

3. Trách nhiệm của Ban Điều hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Ban Điều hành Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang chủ trì, phối hợp cùng các sở, ngành, địa phương và đơn vị có liên quan thực hiện tốt công tác tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Chủ trì xây dựng kế hoạch triển khai hàng năm và định kỳ (tháng 6 và tháng 12 hàng năm) báo cáo kết quả thực hiện cho UBND tỉnh, giúp UBND tỉnh quản lý, theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành và địa phương triển khai thực hiện kế hoạch này. Đồng thời, chủ trì tham mưu, trình UBND tỉnh phê duyệt những vấn đề lớn, phát sinh mới, hoặc chưa phân công cho các sở ngành, địa phương thực hiện./.

 

PHỤ LỤC 1

PHÂN CÔNG XÂY DỰNG CÁC CHÍNH SÁCH, CÁC ĐỀ ÁN ĐẨY MẠNH PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ CAO

STT

Chính sách, đề án trọng điểm

Đơn vị chủ trì

 

Thời gian

hoàn thành

Đơn vị phối hợp

1

Chính sách khuyến khích kêu gọi, thu hút doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

11/2013

- Sở Tài chính

- Sở Công Thương

- Sở Nông nghiệp và PTNT

- Sở Khoa học và Công nghệ

2

Chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Sở Kế hoạch và Đầu tư

11/2014

3

Chính sách hỗ trợ đào tạo, thu hút, sử dụng nguồn nhân lực công nghệ cao trong nông nghiệp.

 

Sở Nội vụ

 

11/2013

- Sở Tài chính

- Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Sở Nông nghiệp và PTNT

- Sở Khoa học và Công nghệ

4

Chính sách hỗ trợ phát triển nghiên cứu các công trình, quy trình công nghệ cao trong nông nghiệp.

 

Sở Khoa học và Công nghệ

 

11/2014

 

- Sở Tài chính

- Sở Công Thương

- Sở Nông nghiệp và PTNT

- Liên hiệp các hội KHKT

5

Đề án phát triển và bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi tỉnh An Giang.

Sở Khoa học và Công nghệ

11/2014

- Sở Nông nghiệp và PTNT

- Sở Tài nguyên và Môi trường.

6

Đề án đẩy mạnh xã hội hóa, phát triển hoạt động khuyến nông, khuyến ngư phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang.

Sở Nông nghiệp và PTNT

 

11/2014

- Sở Tài Chính

- Sở Khoa học và Công nghệ

- Hội Nông dân

7

Đề án hỗ trợ phát triển nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Sở Khoa học và Công nghệ

 

11/2015

 

- Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư.

- Sở Công Thương

- Sở Nông nghiệp và PTNT

8

Đề án hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị cho các sản phẩm hàng hóa từ chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và hỗ trợ phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Sở Công Thương

 

11/2014

 

- Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư.

- Sở Nông nghiệp và PTNT

 

 

PHỤ LỤC 2

DỰ TRÙ KINH PHÍ THỰC HIỆN TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

TT

Nội dung thực hiện

Nguồn kinh phí

Kinh phí (Triệu đồng)

2013

2014

2015

Tổng

I. Quy hoạch và tổ chức phát triển các vùng sản xuất

- Sự nghiệp nông nghiệp và PTNT

- Đầu tư tập trung

- Thủy lợi phí

4.000

14.200

21.800

40.000

1

Xây dựng quy hoạch

Sự nghiệp nông nghiệp và PTNT

200

-

-

200

1.1

Quy hoạch tổng thể

20

-

-

20

1.2

09 quy hoạch chi tiết

180

-

-

180

2

Hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Đầu tư tập trung và thủy lợi phí

-

10.000

17.000

27.000

2.1

- Vùng sản xuất lúa giống

- Vùng sản xuất lúa chất lượng cao

NSNN huyện liên quan

-

5.000

7.000

12.000

2.2

- Vùng sản xuất nấm rơm.

- Vùng sản xuất nấm bào ngư, linh chi và các loại nấm ăn, nấm dược liệu có giá tri kinh tế cao khác.

NSNN huyện liên quan

-

1.000

2.000

3.000

2.3

Vùng sản xuất rau an toàn và cây ăn trái.

NSNN huyện liên quan

-

2.000

4.000

6.000

2.4

- Vùng sản xuất cá tra tại Long Xuyên.

- Vùng tôm càng xanh tại Thoại Sơn.

- Vùng sản xuất lươn đồng tại Tân Châu.

NSNN huyện liên quan.

-

2.000

4.000

6.000

3

Tổ chức triển khai các hoạt động khuyến nông, khuyến ngư và hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất tại các vùng qui hoạch.

Sự nghiệp nông nghiệp và PTNT

 

3.800

4.200

4.800

12.800

3.1

Hoạt động khuyến nông, khuyến ngư về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

- Khuyến nông

- Khuyến ngư

200

200

300

700

3.2

Hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất tại các vùng qui hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Nguồn xây dựng NTM

3.000

3.300

3.700

10.000

3.3

Giám sát chất lượng, lấy mẫu, phân tích mẫu cho các đề tài, dự án thuộc chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Sự nghiệp nông nghiệp và PTNT

100

-

-

100

3.4

Nghiên cứu, học tập các mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong và ngoài nước

Sự nghiệp nông nghiệp và PTNT

500

700

800

2.000

II. Chọn lựa và phát triển công nghệ

Sự nghiệp KHCN

4.700

7.800

13.000

25.500

1

Khảo sát, đánh giá hiện trạng và tiềm năng phát triển công nghệ

Sự nghiệp KHCN

700

800

1.000

2.500

1.1

Tổ chức khảo sát, cập nhật, đánh giá hàng năm về hiện trạng và tiềm năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương trên địa bàn tỉnh.

200

200

300

700

1.2

Khảo sát, đánh giá và xác định năng lực, tiềm năng về chuyển giao công nghệ của các Viện, Trường, các tổ chức khoa học công nghệ và doanh nghiệp.

200

200

300

700

1.3

Tổ chức 03-04 hội thảo chuyên đề hàng năm nhằm thu thập ý kiến, đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân...

300

400

400

1100

2

Hỗ trợ thực hiện các mô hình, dự án khoa học và công nghệ

Sự nghiệp KHCN

4.000

7.000

12.000

23.000

2.1

Nghiên cứu ứng dụng, sản xuất thử nghiệm và chọn tạo, nhân giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, chất lượng cao, giống đặc sản.

1.000

2.000

3.000

6.000

2.2

Ứng dụng công nghệ sinh học trong phòng, trừ dịch bệnh cây trồng, vật nuôi và thủy sản.

300

500

1.000

1.800

2.3

Về các quy trình công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ cao hiệu quả trồng canh tác cây trồng, chăn nuôi và thủy sản.

1.200

2.000

3.000

6.200

2.4

Nghiên cứu ứng dụng, nhận chuyển giao và sản xuất thử nghiệm các qui trình công nghệ mới, tiên tiến và công nghệ cao trong bảo quản, chế biến thực phẩm nông nghiệp, sản xuất dược liệu và năng lượng sinh học.

1.000

1.500

3.000

5.500

2.5

Nghiên cứu ứng dụng, nhận chuyển giao công nghệ, sản xuất thử nghiệm và chọn tạo các loại vật tư, máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

500

1.000

2.000

3.500

III. Đào tạo và thu hút nguồn nhân lực

 

- Sự nghiệp đào tạo

- Sự nghiệp KHCN

4.300

6.500

8.700

19.500

1

Đào tạo ngoại ngữ

Sự nghiệp đào tạo

1.500

1.500

2.000

5.000

 2

Đào tạo ngắn hạn ngoài nước thông qua các chương trình hợp tác của tỉnh.

Sự nghiệp đào tạo

1.000

1.500

2.000

4.500

3

Đào tạo ngắn hạn về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các Viện, Trường, tổ chức KHCN… trong nước

Sự nghiệp KHCN

300

500

700

1.500

4

Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ trong và ngoài nước

Sự nghiệp đào tạo

1.000

2.000

2.500

5.500

5

Thu hút nguồn nhân lực trình độ cao

Sự nghiệp đào tạo

500

1.000

1.500

3.000

IV. Xúc tiến hợp tác, đầu tư phát triển sản xuất và thị trường tiêu thụ

Xúc tiến đầu tư

700

800

900

2.400

1

Tổ chức và tham gia hội chợ – triển lãm trong và ngoài nước.

300

400

400

1.100

2

Tổ chức khảo sát, xúc tiến hợp tác và thu hút doanh nghiệp.

400

400

500

1.300

V. Đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm

 

71.000

66.000

75.000

212.000

5.1

Trung tâm Công nghệ sinh học tỉnh An Giang.

 (Tổng đầu tư: 281.000 triệu đồng).

Đầu tư tập trung

 

68.000

40.000

50.000

158.000

5.2

Trại thực nghiệm ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (giai đoạn 2).

Thu tiền sử dụng đất

3.000

6.000

5.000

14.000

5.3

Trại huấn luyện và sản xuất giống thủy sản của Trung tâm Giống thủy sản tỉnh An Giang.

(Tổng đầu tư 31.000 triệu đồng).

Đầu tư tập trung

 

-

10.000

10.000

20.000

5.4

Các phòng nghiên cứu thí nghiệm liên quan đến lĩnh vực công nghệ sinh học và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Trường Đại học An Giang.

Vốn ODA

-

10.000

10.000

20.000

VI. Công tác thông tin tuyên truyền

Sự nghiệp KHCN

100

200

300

600

1

Thông tin, tuyên truyền, phổ biến thông qua các hội nghị, hội thảo và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

20

50

70

140

2

Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.  

30

50

80

160

3

Hỗ trợ xây dựng cơ sở dữ liệu và cập nhật thông tin trên mạng lưới cung cấp thông tin tại các xã, phường và trong các doanh nghiệp.

50

100

150

300

 

Tổng cộng

 

84.800

95.500

119.700

300.000

Ghi chú:

Tổng kinh phí giai đoạn 2013 – 2015 là: 300.000 triệu đồng, trong đó:

- Nguồn sự nghiệp nông nghiệp và phát triển nông thôn (bao gồm kinh phí hỗ trợ có mục tiêu của Chương trình nông thôn mới) là: 13.000 triệu đồng

- Nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ là: 27.600 triệu đồng

- Nguồn sự nghiệp đào tạo là: 18.000 triệu đồng

- Nguồn xúc tiến đầu tư: 2.400 triệu đồng

- Nguồn đầu tư tập trung và thủy lợi phí: 205.000 triệu đồng

- Nguồn từ thu tiền sử dụng đất: 14.000 triệu đồng

- Nguồn vốn ODA: 20.000 triệu đồng.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 396/QĐ-UBND năm 2013 về Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn từ nay đến năm 2015

  • Số hiệu: 396/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/03/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh An Giang
  • Người ký: Huỳnh Thế Năng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/03/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản