Hệ thống pháp luật

BỘ XÂY DỰNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 395/QĐ-BXD

Hà Nội, ngày 23 tháng 4 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT NHIỆM VỤ QUY HOẠCH CẤP NƯỚC VÙNG ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG

Căn cứ Nghị định số 62/2013/NĐ-CP ngày 25/06/2013 của Chính Phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Xây dựng;

Căn cứ nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/07/2007 của Chính Phủ về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và Nghị định số 124/2011/NĐ-CP ngày 28/12/2011 của Chính Phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 117/2007/NĐ-CP;

Căn cứ Văn bản số 1900/TTg-CN ngày 29/11/2005 của Thủ tướng Chính Phủ về việc ủy quyền phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch và dự toán chi phí lập đồ án quy hoạch;

Căn cứ Quyết định số 2270/QĐ-TTg, ngày 24/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch triển khai thực hiện kết luận số 28-KL/TW ngày 14/8/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2020;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với những nội dung chính như sau:

1. Phạm vi và đối tượng lập quy hoạch

Phạm vi lập quy hoạch bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) với tổng diện tích tự nhiên khoảng 40.604,7 km2, bao gồm thành phố Cần Thơ và 12 tỉnh: Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Trà Vinh, Hậu Giang, An Giang, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu và Cà Mau.

Đối tượng lập quy hoạch: Quy hoạch cấp nước sinh hoạt, sản xuất tại đô thị, khu công nghiệp và khu dân cư nông thôn tập trung.

2. Giai đoạn lập quy hoạch

Giai đoạn ngắn hạn đến năm 2020, giai đoạn dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

3. Quan điểm quy hoạch

Phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội, Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL; Định hướng phát triển cấp nước đô thị và khu công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan.

Quy hoạch cấp nước vùng ĐBSCL phải hướng tới phát triển ổn định, bền vững trên cơ sở khai thác tối ưu các nguồn lực, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước, cung cấp nước ổn định, bảo đảm chất lượng và đáp ứng các yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội của vùng ĐBSCL.

Quản lý và khai thác hợp lý tài nguyên nước trong điều kiện biến đổi khí hậu (BĐKH), nước biển dâng. Khai thác, sản xuất và cung cấp nước sạch không phụ thuộc vào địa giới hành chính.

Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư và phát triển cấp nước.

4. Mục tiêu lập quy hoạch

Cụ thể hóa nội dung định hướng cấp nước trong Quy hoạch xây dựng và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của vùng ĐBSCL.

Làm cơ sở cho việc rà soát, điều chỉnh và lập quy hoạch cấp nước các tỉnh/thành phố trong vùng, đáp ứng yêu cầu quản lý và phát triển cấp nước phù hợp với phát triển kinh tế xã hội và ứng phó BĐKH, nước biển dâng.

Xác định các dự án đầu tư phát triển cấp nước quy mô cấp vùng liên tỉnh và cấp đô thị theo từng giai đoạn, ứng phó với điều kiện BĐKH, nước biển dâng. Xây dựng mô hình quản lý và phát triển cấp nước của vùng ĐBSCL.

Định hướng phát triển cấp nước cho các khu vực dân cư nông thôn tập trung.

Cải thiện điều kiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao điều kiện sống của nhân dân trong vùng ĐBSCL.

5. Nội dung công tác quy hoạch

Điều tra, khảo sát, thu thập số liệu và đánh giá thực trạng về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội và hệ thống hạ tầng kỹ thuật của vùng ĐBSCL.

Rà soát, cập nhật số liệu của các quy hoạch vùng liên tỉnh về phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng , thủy lợi và chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Rà soát, đánh giá việc triển khai thực hiện các quy hoạch cấp nước quy mô vùng liên tỉnh, vùng tỉnh trên địa bàn.

Rà soát, đánh giá việc huy động, sử dụng các nguồn vốn; việc triển khai thực hiện các dự án đầu tư xây dựng cấp nước chính đã, đang và dự kiến triển khai trên địa bàn.

Điều tra, khảo sát và đánh giá thực trạng hệ thống cấp nước bao gồm: Nhà máy nước, các công trình đầu mối, mạng lưới đường ống cấp I, cấp II đối với khu vực đô thị; các nhà máy nước và phạm vi cấp nước đối với khu vực dân cư nông thôn tập trung. Rà soát, đánh giá thực trạng tổ chức quản lý cấp nước đô thị và nông thôn; việc triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách lĩnh vực cấp nước.

Điều tra, khảo sát và đánh giá trữ lượng, chất lượng nguồn nước mặt, nước dưới đất và khả năng khai thác phục vụ cấp nước.

Thu thập tổng hợp các tài liệu, dự báo về kịch bản BĐKH, nước biển dâng của Việt Nam và vùng ĐBSCL; rà soát, đánh giá các tác động của BĐKH, nước biển dâng đến nguồn nước và công trình cấp nước.

Phối hợp, rà soát và cập nhật các nội dung đã và đang được nghiên cứu của Quy hoạch tổng thể thủy lợi ứng phó với BĐKH, nước biển dâng vùng ĐBSCL và Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050; cập nhật dự báo phát triển kinh tế - xã hội, hệ thống đô thị, khu, cụm công nghiệp, hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo các giai đoạn quy hoạch.

Xác định các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật tính toán quy hoạch cấp nước; dự báo nhu cầu sử dụng nước đô thị, công nghiệp và nông thôn cho toàn vùng, từng tỉnh theo và từng giai đoạn phát triển.

Phân vùng cấp nước và xác định các giải pháp cấp nước cho từng vùng. Phân tích lựa chọn nguồn nước phù hợp với vùng cấp nước và các giải pháp cấp nước ứng phó với điều kiện BĐKH, nước biển dâng.

Xác định vị trí, phạm vi phục vụ, quy mô công suất các công trình đầu mối cấp nước vùng liên tỉnh, liên đô thị; xác định quy mô công suất công trình cấp nước đô thị và khu công nghiệp; xác định các giải pháp cấp nước cho khu dân cư nông thôn tập trung; xác định nhu cầu sử dụng đất cho các công trình cấp nước.

Xác định mạng lưới đường ống cấp nước bao gồm tuyến ống cấp I, cấp II theo vùng cấp nước, công trình cấp nước vùng liên tỉnh, liên đô thị và đô thị lớn; tính toán thủy lực mạng lưới cấp nước cho từng giai đoạn lập quy hoạch.

Xác định tổng mức đầu tư và phân kỳ đầu tư theo từng giai đoạn; xác định quy mô nguồn vốn đầu tư và đề xuất các nguồn vốn; xác định các chương trình, dự án ưu tiên đầu tư.

Nghiên cứu, đề xuất mô hình và quy định về tổ chức quản lý công trình cấp nước vùng liên tỉnh, liên đô thị; đề xuất các quy định bảo vệ nguồn nước, hệ thống cấp nước.

Đánh giá môi trường chiến lược.

6. Sản phẩm giao nộp

Sản phẩm giao nộp của hồ sơ Quy hoạch cấp Vùng ĐBSCL đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 ứng phó với BĐKH, nước biển dâng tuân thủ theo Nghị định số 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ về Sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch và các quy định hiện hành về hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý đồ án quy hoạch, bao gồm các hồ sơ tài liệu sau:

- Thuyết minh tóm tắt;

- Thuyết minh tổng hợp;

- Phụ lục (tính toán và văn bản pháp lý);

- Tập bản vẽ, bao gồm

+ Sơ đồ vị trí và mối liên hệ vùng: tỷ lệ 1/250.000¸ 1/500.000

+ Bản đồ hiện trạng hệ thống cấp nước tỷ lệ 1/10.000¸1/50.000 đối với các tỉnh và đô thị, tỷ lệ 1/250.000 đối với vùng ĐBSCL.

+ Bản đồ đánh giá nguồn nước mặt, nước dưới đất và khả năng khai thác nguồn nước: tỷ lệ 1/250.000¸1/500.000.

+ Bản đồ phân vùng cấp nước theo từng giai đoạn quy hoạch: tỷ lệ 1/100.000¸1/250.000.

+ Bản đồ quy hoạch hệ thống cấp nước vùng ĐBSCL đến năm 2030, tầm nhìn 2050: tỷ lệ 1/250.000.

+ Các bản đồ định hướng cấp nước các Tỉnh, Thành phố trong vùng đến năm 2030, tầm nhìn 2050: tỷ lệ 1/10.000¸1/50.000.

+ Các bản đồ, bản vẽ khác có liên quan.

- Đĩa CD (lưu các file của đồ án)

Số lượng hồ sơ giao nộp: khoảng 20 bộ mỗi loại, (giao nộp cho 13 tỉnh, thành phố và các Bộ Ngành liên quan).

7. Tổ chức thực hiện

- Cấp phê duyệt: Thủ tướng Chính phủ.

- Cơ quan thẩm định và trình duyệt: Bộ Xây dựng

- Đơn vị tư vấn lập quy hoạch: Công ty Cổ phần Nước và Môi trường Việt Nam.

- Thời gian thực hiện quy hoạch là 12 tháng (kể từ ngày Nhiệm vụ Quy hoạch được phê duyệt và hợp đồng được ký kết).

Điều 2. Giao Vụ kế hoạch Tài chính thẩm định dự toán chi phí và bố trí nguồn vốn lập quy hoạch. Giao Cục Hạ tầng kỹ thuật quản lý đồ án Quy hoạch cấp nước vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Chánh văn Phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật, các đơn vị và tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Thủ tướng Chính Phủ (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Các Bộ: KH&ĐT, TC, TNMT, NN&PTNT;
- UBND các tỉnh/thành phố trong vùng ĐBSCL;
- Lưu VT, HTKT, CN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Cao Lại Quang