Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 394/QĐ-UBND | Nghệ An, ngày 28 tháng 02 năm 2024 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN, GIAI ĐOẠN 2023-2027, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ các Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh: Số 5232/QĐ-UBND ngày 05/11/2013 thành lập Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An; số 1830/QĐ-UBND ngày 27/6/2022 kiện toàn Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An; số 2812/QĐ-UBND ngày 19/9/2022 ban hành Quy chế hoạt động của Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 471/TTr-SNN-KHTC ngày 07/02/2024.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An giai đoạn 2023-2027, định hướng đến năm 2030.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện trong Khu Dự trữ sinh quyển thế giới Miền Tây Nghệ An và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
KẾ HOẠCH
QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN
(Kèm theo Quyết định số 394/QĐ-UBND ngày 28/02/2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh)
PHẦN 1
THÔNG TIN CHUNG VỀ KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN
I. Điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội
1. Vị trí địa lý, địa hình
Khu Dự trữ sinh quyển (gọi tắt là Khu DTSQ) Miền Tây Nghệ An được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) chính thức công nhận là Khu DTSQ thế giới vào ngày 18/9/2007. Đây là Khu DTSQ có diện tích lớn nhất trong số 11 Khu DTSQ thế giới của Việt Nam với tổng diện tích 1.299.795 ha (gồm: Vùng lõi 168.301 ha; vùng đệm 608.547 ha; vùng chuyển tiếp 522.947 ha).
Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An nằm trong địa giới hành chính của 9 huyện miền núi với 182 xã và thị trấn, 2.125 xóm, bản; bao gồm toàn bộ lưu vực đầu nguồn sông Cá với 3 chi lưu quan trọng là sông Hiếu, sông Nậm Nơn và sông Nậm Mộ, thuộc phạm vi vùng sinh thái dãy Trường Sơn. Vùng lõi là 3 khu rừng đặc dụng gồm: Vườn quốc gia Pù Mát, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt.
Địa hình của Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An có đặc điểm địa hình của các huyện vùng núi cao, như: Tương Dương, Con Cuông, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp và Quế Phong. Độ cao địa hình giảm dần từ Tây Bắc xuống Đông Nam. Bậc địa hình cao nhất phân bố dọc theo biên giới Việt - Lào thành một dải dài theo phương Tây Bắc - Đông Nam tạo thành các đỉnh như đỉnh Pù Mát, Pù Miêng, Pù Samtie, Pù Tong Chinh, Pù Xông, Pù Xai Lai Leng với độ cao từ 2.000-2.711m. Thấp nhất là các bề mặt đáy thung lũng với độ cao từ 0-10 m phân bố dọc theo sông Cả và các sông suối trong khu vực. Địa hình khá dốc và hiểm trở ở hầu hết các vùng lõi của Khu DTSQ.
2. Khí hậu, thủy văn
Các huyện thuộc Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An nằm trong vùng nhiệt đới ẩm gió mùa, chia làm 2 mùa rõ rệt:
+ Mùa Hạ (từ tháng 5 đến tháng 9) nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ trung bình từ 33 °C - 34 °C, gió Tây - Nam gây ra khô, nóng và hạn hán ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất và đời sống. Lượng mưa trung bình từ 1.800 - 2000mm/ năm, chiếm 80 - 85% lượng mưa cả năm.
+ Mùa Đông (từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau) lạnh, ít mưa, lượng mưa chỉ chiếm 15 - 20% lượng mưa cả năm, nhiệt độ bình quân 19,9°C, nhiệt độ thấp nhất năm là - 0,5 °C. Gió mùa Đông Bắc thổi vào mùa đông, mang theo không khí lạnh, khô làm nhiệt độ giảm xuống 5 - 15 °C so với ngày thường.
Độ ẩm trung bình năm từ 80- 90%, có sự chênh lệch lớn giữa các vùng và theo mùa, chênh lệch độ ẩm tháng ẩm nhất và khô nhất tới 19%. Số giờ nắng trung bình là 1500 - 1700 giờ/năm.
3. Dân số, dân tộc
Dân số của 9 huyện thuộc Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An là 1.027.370 người, chiếm 30,07% tổng dân số toàn tỉnh Nghệ An.
Mật độ dân cư trong Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An không đồng đều, dân cư sống tập trung ở nơi có điều kiện kinh tế phát triển, có đất canh tác và giao thông thuận lợi hoặc các thị trấn, như Thị trấn Quỳ Hợp 1.460 người/km², Thị trấn Anh Sơn 2.077 người/km², Thị trấn Mường Xén 1.582 người/km², Thị trấn Con Cuông 3.605 người/km², Thị trấn Tân Lạc 4.623 người. Ngược lại, những khu vực có địa hình đồi núi dốc, diện tích rộng, dân cư phân bố thưa thớt như Tam Hợp, Hữu Khuông với chỉ khoảng 10 người/km².
Đối với các phân vùng thuộc Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An, 20 xã vùng lõi Khu DTSQ có mật độ dân số trung bình 37 người/km², 68 xã thuộc vùng đệm các rừng đặc dụng có mật độ dân số trung bình 212 người/km², trong khi 118 xã thuộc vùng chuyển tiếp có mật độ dân số trung bình là 315 người/km².
Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An là nơi có tính đa dạng về văn hóa dân tộc lớn nhất trong 11 khu DTSQ thế giới ở Việt Nam. Đây là ngôi nhà chung của 6 dân tộc anh em sinh sống lâu đời và còn lưu giữ các giá trị văn hóa truyền thống độc đáo, các di tích lịch sử - văn hóa quan trọng. Có 2 dân tộc chỉ có duy nhất ở Nghệ An đang trong tình trạng bị suy thoái về bản sắc văn hóa, đó là tộc người Đan Lai (còn khoảng 3.800 nhân khẩu ở Con Cuông), dân tộc Ơ Đu (còn khoảng 350 nhân khẩu ở Tương Dương). Dân tộc Thái chiếm tỷ lệ lớn 75,3%, người Kinh chiếm 7,3%, các dân tộc còn lại chiếm 17,4%.
4. Về văn hóa, di tích lịch sử
Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An có tổ hợp các di sản thiên nhiên, văn hóa đồ sộ đi kèm với các cảnh quan sinh thái đặc sắc của các cộng đồng dân tộc. Nhiều phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, dân vũ, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục, kiến trúc nhà sàn... mang đậm nét văn hóa bản địa và đa dạng, phong phú.
Di tích lịch sử - văn hóa ở Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An theo danh mục kiểm kê tại Quyết định 201/QĐ-UBND Nghệ An ngày 17/1/2018 là 811 di tích lịch sử - danh lam thắng cảnh (đình, đền, chùa miếu, nhà thờ dòng họ, danh thắng, hang động, di chỉ khảo cổ), chiếm 31% di tích toàn tỉnh. Trong đó, có 88 di tích đã xếp hạng gồm: 01 di tích quốc gia đặc biệt, 20 di tích cấp quốc gia và 67 di tích cấp tỉnh.
5. Sinh kế và thu nhập của người dân
Hoạt động sản xuất nông nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong sinh kế của người dân 9 huyện Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An, chủ yếu để tự phục vụ cho đời sống hàng ngày của người dân địa phương. Do có lợi thế về diện tích đất đai rộng lớn nên chăn nuôi trâu, bò phát triển và là nguồn thu nhập chính. Tuy nhiên, hình thức chăn nuôi chủ yếu là thả rông do đó ảnh hưởng lớn đến rừng tự nhiên, trồng rừng và khoanh nuôi phục hồi rừng.
Hoạt động trồng rừng, bảo vệ rừng là sinh kế chính của nhiều xã của các huyện Quỳ Hợp, Thanh Chương, Quỳ Châu, Con Cuông và Quế Phong. Ngoài trồng gỗ nguyên liệu, một số xã phát triển cây trồng dược liệu như Mường Lống, Na Ngoi, Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn), Nậm Nhoóng, Châu Thôn, Hạnh Dịch, Thông Thụ, Đồng Văn (Quế huyện Phong); Cam Lâm, Châu Khê, Chi Khê (Con Cuông)...
Hoạt động công nghiệp không phải là thế mạnh của các huyện trong Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An. Chỉ có Quỳ Hợp là huyện có 5 khu công nghiệp, đã sản xuất được một số sản phẩm như đá phiên, gạch nung, ngói lợp, bột đá.
Du lịch và dịch vụ chỉ tập trung ở một số thị trấn của các huyện, nổi bật là Thị trấn Mường Xén, Thị trấn Kim Sơn, Thị trấn Con Cuông với các loại hình du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái.
Mức thu nhập bình quân không đồng đều, huyện Anh Sơn dao động từ 23-46 triệu/người/năm, tiếp theo là huyện Tân Kỳ dao động từ 24-43 triệu/người/năm, trong khi đó huyện Kỳ Sơn chỉ từ 11-50 triệu/người/năm.
II. Thông tin về di sản thiên nhiên
1. Tên di sản: Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An.
2. Phân cấp: Di sản thiên nhiên cấp quốc gia đặc biệt.
3. Phạm vi, vị trí: Nằm trong địa giới hành chính của 09 huyện miền núi với 182 xã và thị trấn, 2.125 xóm, bản thuộc tỉnh Nghệ An.
4. Hiện trạng cảnh quan thiên nhiên, đa dạng sinh học, dịch vụ hệ sinh thái:
- Là khu vực có mức độ đa dạng sinh học cao với sự đa dạng và phong phú về các loài, hệ sinh thái và nguồn gen động, thực vật; gắn với các khu rừng đặc dụng bao gồm Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt và các khu rừng liền kề có điều kiện tương tự các khu rừng đặc dụng như khu vực núi cao Pù Xai Lai Leng... Hiện đã ghi nhận 3.627 loài thực vật thuộc 1.184 chi, 205 họ và 39 bộ, 131 họ, 480 chi với 942 loài động vật có xương sống và hơn 1.000 loài côn trùng, trong đó có nhiều loài thực vật nguy cấp, quý hiếm, 134 loài trong Sách Đỏ Việt Nam 2007, 20 loài trong danh mục cảnh báo nguy cơ suy thoái và tuyệt chủng của IUCN 2021, 56 loài trong Nghị định số 84 và nhiều loại dược liệu quý hiếm được phát hiện và khai thác và có nhiều loài nguy cấp, quý hiếm, 95 loài trong Sách Đỏ VN 2007, có 705 loài trong danh mục IUCN 2021, có 71 loài trong Nghị định số 84, 58 loài trong phụ lục CITES và nhiều loài đặc hữu, quý hiếm, nhiều loài mới phát hiện trong thời gian gần đây.
- Các tiêu chí đáp ứng di sản thiên nhiên và cộng đồng sống bên trong, xung quanh di sản thiên nhiên: Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An có vai trò quan trọng (không thể thay thế) trong chu kỳ sống của các loài/các quần thể loài di cư tự nhiên. Nếu bị thay đổi lớn sẽ gây ra những tác động nghiêm trọng đối với sự tồn tại của những loài đó ở quy mô khu vực cũng như toàn cầu.
- Trang bị phòng chống thiên tai, cháy nổ, cứu nạn, cứu hộ, bảo vệ môi trường, tổ chức xử lý, thu gom rác thải: Cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ công tác quản lý và bảo vệ môi trường ở Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An chủ yếu là của các đơn vị chủ rừng tổ chức, do các chủ rừng quản lý, vận hành. Ngoài ra, cơ sở vật chất và trang thiết bị khác đang thuộc sự quản lý của các Ủy ban nhân dân các huyện, các đơn vị, phòng, ban, Hạt kiểm lâm... quản lý, khai thác. Cơ sở trang thiết bị quản lý và bảo vệ môi trường ở Khu DTSQ cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác quản lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn đa dạng sinh học.
III. Hiện trạng môi trường và công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An có diện tích lớn, địa hình phức tạp, hơn 80% diện tích là đồi núi, hình thành nhiều vùng vi khí hậu... tạo nên nhiều hệ sinh thái, đã ghi nhận có 12 kiểu hệ sinh thái và nhiều cảnh quan đẹp là điểm khai thác phát triển du lịch, dịch vụ.
PHẦN 2
QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU, NHIỆM VỤ VÀ KẾ HOẠCH QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG KHU DỰ TRỮ SINH QUYỂN MIỀN TÂY NGHỆ AN
I. Quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ
1. Quan điểm
- Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An xây dựng đảm bảo hài hòa và phát huy hiệu quả 3 chức năng: i) Bảo tồn đa dạng sinh học và các giá trị văn hóa và lịch sử; ii) Phát triển Kinh tế sinh thái; iii) Hỗ trợ phù hợp cho từng vùng chức năng (vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp).
- Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An đảm bảo lồng ghép các mục tiêu của Khu DTSQ vào các quy hoạch, chiến lược, kế hoạch, chương trình phát triển Trung ương và địa phương để đảm bảo sự tham gia của toàn xã hội, các cơ quan quản lý, mọi tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trong Khu DTSQ.
- Kế hoạch Quản lý và bảo vệ môi trường Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An tuân thủ các nguyên tắc: i) Có tính hệ thống, đồng bộ, liên ngành, liên vùng, liên cấp; ii) Có ưu tiên vào trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với từng giai đoạn và xu thế quốc tế; iii) Dựa trên cơ sở khoa học kết hợp với kinh nghiệm truyền thông và kiến thức bản địa; iv) Dựa trên hệ sinh thái, đảm bảo phù hợp với điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, con người và các quy luật tự nhiên; v) Đảm bảo hiệu quả kinh tế xã hội và an toàn trước các yếu tố rủi ro của biến đổi khí hậu.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An đảm bảo các mục tiêu bảo vệ và giải quyết các tình trạng suy thoái môi trường di sản thiên nhiên, sử dụng và khai thác hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa đa dạng sinh học, hỗ trợ nghiên cứu, giám sát, đào tạo và giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững, thúc đẩy các hoạt động bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế xã hội bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu ở Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An, góp phần thực hiện trách nhiệm quốc gia trong việc triển khai Chiến lược UNESSCO/MAB 2015-2025 và Kế hoạch hành động LIMA 2016-2025.
b) Mục tiêu cụ thể
- Mục tiêu kinh tế:
+ Phát triển kinh tế bền vững, xây dựng các mô hình kinh tế sinh thái thông qua các hoạt động phát triển kinh tế xã hội, khai thác và quản lý hiệu quả, bền vững các tài nguyên thiên nhiên, giá trị đặc sắc văn hóa truyền thống cộng đồng, đặc biệt là phát huy giá trị đa dụng hệ sinh thái rừng, chi trả dịch vụ môi trường rừng, kinh doanh tín chỉ các bon, phát triển du lịch sinh thái, cảnh quan, phát triển lâm sản ngoài gỗ và dược liệu dưới tán rừng, gắn liền với bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu.
+ Phát huy giá trị của tài nguyên sinh vật, của các hệ sinh thái rừng, của các giá trị văn hóa truyền thống, các tri thức bản địa... nhằm tạo thêm sinh kế, nâng cao giá trị sản phẩm và cải thiện thu nhập.
+ Góp phần thực hiện chiến lược quốc gia, các cam kết quốc tế về tăng trưởng xanh, phát triển bền vững, tiến tới nền kinh tế các bon thấp.
- Mục tiêu môi trường:
+ Bảo tồn và phát triển bền vững giá trị đặc trưng của Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An, trọng tâm là giá trị đa dạng sinh học, đa dạng cảnh quan thiên nhiên, đa dạng bản sắc văn hóa và tri thức truyền thống.
+ Bảo vệ và phát triển vốn rừng, duy trì đảm bảo các chức năng hệ sinh thái rừng, giữ vững độ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng, phục hồi hệ sinh thái rừng bị suy thoái, cải thiện nâng cao chất lượng môi trường, giảm phát thải khí nhà kính.
- Mục tiêu xã hội:
+ Phát huy chức năng hỗ trợ và phát triển của Khu DTSQ thế giới, góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội gắn với hoạt động quản lý bền vững tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên.
+ Góp phần ổn định an ninh, dân cư và đời sống văn hóa tinh thần của các cộng đồng dân cư sinh sống trong Khu DTSQ thông qua các hoạt động quản lý bảo vệ và phát triển rừng, sinh kế bền vững, thích ứng biến đổi khí hậu.
II. Các hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học
1. Các hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong vùng lõi Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An
- Điều tra, đánh giá định kỳ 5 năm (2023 - 2027) về diễn biến môi trường và các giá trị thiên nhiên cần bảo vệ, bảo tồn theo 07 tiêu chí công nhận Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An.
- Báo cáo đánh giá định kỳ 10 năm Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An lần 2.
- Triển khai thực hiện hiệu quả phương án bảo vệ môi trường theo phân vùng môi trường Khu DTSQ phù hợp với quy hoạch phân vùng môi trường tỉnh Nghệ An thuộc Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 14/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ.
- Thành lập Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Xai Lai Leng thuộc Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An.
- Nghiên cứu phương án chuyển khu vực có tính đa dạng sinh học cao và đặc sắc từ xã Tam Hợp huyện Tương Dương đến xã Nậm Càn và xã Na Ngoi huyện Kỳ Sơn thành rừng đặc dụng (Khu vực Puxailaileng), kết nối với Vườn quốc gia Pù Mát và Khu bồi hoàn sinh thái Bôlykhamxay của nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
- Xây dựng quy hoạch tổng thể các hành lang đa dạng sinh học, kết nối hành lang Vườn quốc gia Pù Mát - đỉnh Pù Xai Lai Leng - Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống - Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt với các hành lang liên vùng (tỉnh Thanh Hóa, tỉnh Hà Tĩnh) và liên biên giới với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào (khu bảo tồn thiên nhiên Nam Chouane - Nam Sang).
- Thực hiện các điều tra, đánh giá bổ sung về đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên để xây dựng được cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường và các giá trị văn hóa, tri thức bản địa... để làm căn cứ, dữ liệu cho việc lập quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững.
- Rà soát điều chỉnh 03 loại rừng để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch Lâm nghiệp cấp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp quy định của pháp luật và tình hình thực tế.
- Rà soát và bàn giao về chính quyền địa phương quản lý sử dụng đất ở và đất sản xuất cho người dân sống ở vùng đệm của các Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống.
- Thực hiện chương trình giám sát 02 loài Gấu ngựa và Gấu chó bằng phương pháp đặt máy bẫy ảnh (giai đoạn 2024 - 2026) và Chương trình quan trắc loài Sơn dương (2025-2027) tại Vườn quốc gia Pù Mát.
- Thực hiện Dự án bảo tồn đa dạng sinh học tại Vườn quốc gia Pù Mát với sự viện trợ của FFI (giai đoạn 2024-2025).
- Lập kế hoạch và thiết lập các khu có giá trị bảo tồn cao (HCV), các khu rừng có giá trị bảo tồn loài và các khu rừng là những hệ sinh thái hiếm hoặc đang bị đe dọa ở vùng lõi của Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An.
- Điều tra bổ sung, phân tích, tổng hợp và lập danh lục các loài ưu tiên bảo tồn cao cho các hệ sinh thái đặc trưng của các khu rừng đặc dụng, cập nhật cơ sở dữ liệu đa dạng sinh học phục vụ các hoạt động bảo tồn, quản lý và nghiên cứu khoa học.
- Nâng cấp vườn thực vật ngoại vi Vườn quốc gia Pù Mát, diện tích 53,65 ha thành một trong 03 vườn thực vật cấp quốc gia, với mục đích nhằm nhân giống các loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm; bảo tồn nguồn gen các loài có giá trị dược liệu của khu vực Bắc Trung Bộ; nghiên cứu giá trị của các loài thực vật làm thuốc.
- Xây dựng vườn thực vật cấp tỉnh tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống và Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt, Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Kỳ Sơn nhằm nhân giống các loài thực vật nguy cấp, quý, hiếm, bảo tồn nguồn gen các loài có giá trị ở địa phương. Đây là các vườn thực vật đầu tư trọng điểm cấp tỉnh.
- Nâng cấp trạm cứu hộ động vật của Vườn quốc gia Pù Mát thành một trong 09 trung tâm cứu hộ động vật trọng điểm quốc gia, nhằm chăm sóc và bảo vệ các loài động vật hoang dã bị săn bắt trái phép ở Nghệ An và khu vực Bắc Trung Bộ; hồi phục và thả lại các loài vào tự nhiên; nhân nuôi sinh sản một số loài có giá trị bảo tồn khó hồi phục trong tự nhiên; hỗ trợ bảo tồn các loài quan trọng cấp quốc gia, quốc tế.
- Quy hoạch và lập kế hoạch khai thác Bảo tàng thiên nhiên văn hóa mở của Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An theo hướng mô hình bảo tàng kiểu mẫu cho các Khu DTSQ của Việt Nam với mục đích sưu tầm và trưng bày các mẫu vật, hoặc mô hình của các loài nguy cấp, quý, hiếm; lưu giữ các dữ liệu về động, thực vật hoang dã... phục vụ giáo dục và du lịch sinh thái.
- Quản lý và kiểm soát chặt chẽ các loài sinh vật ngoại lai xâm hại; xây dựng và thực hiện chiến lược phòng ngừa và xử lý các sự cố có khả năng xảy ra.
- Quản lý có hiệu quả lưu vực sông Giăng thuộc vùng lõi Vườn quốc gia Pù Mát nhằm bảo vệ các loài cá nước ngọt quý, hiếm và có giá trị.
2. Các hoạt động quản lý, bảo vệ môi trường và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học trong vùng đệm và vùng chuyển tiếp Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An
- Nâng cao hiệu quả công tác phòng chống cháy rừng của ban chỉ đạo phòng cháy chữa cháy rừng, cập nhật thường xuyên thông tin vào cơ chế phối kết hợp liên ngành trong chỉ đạo và thực hiện phòng chống cháy rừng; tăng cường tuyên truyền về các phương án phòng chống cháy rừng từ cấp tỉnh tới cấp cơ sở.
- Nâng cao hiệu quả Chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng và thực hiện Chương trình chi trả theo tín chỉ Các bon rừng (REDD+).
- Bảo tồn, phát triển và khai thác bền vững cây dược liệu.
- Bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị khoa học, kinh tế.
- Nghiên cứu, tài liệu hoá và phổ biến tri thức bản địa:
- Tăng cường các hoạt động bảo vệ môi trường, giảm thiểu chất thải và giảm thiểu các tác động xấu từ các hoạt động phát triển kinh tế xã hội lên môi trường và đa dạng sinh học.
III. Các chương trình quản lý, bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học
1. Chương trình 1: Hoàn thiện thể chế, cơ chế tổ chức, điều hành, năng lực quản lý
- Hoàn chỉnh và phê duyệt Quy chế quản lý và bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên của Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An.
- Nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ Ban quản lý, Văn phòng Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An, các cán bộ thuộc các cấp quản lý địa phương, các chủ rừng, các đơn vị liên quan.
- Giải pháp huy động các nguồn lực cho quản lý và phát triển Khu DTSQ (từ ngân sách nhà nước, hợp tác quốc tế và xã hội hóa).
2. Chương trình 2: Bảo tồn đa dạng sinh học, sử dụng hợp lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
- Huy động nguồn lực cho công tác quản lý, bảo vệ môi trường và tài nguyên.
- Quản lý chất thải và hỗ trợ xử lý chất thải, xây dựng nhà máy/cơ sở xử lý rác thải ở các thị trấn, nơi tập trung đông dân cư.
- Xử lý ô nhiễm môi trường đất và nước ở các điểm tồn dư hóa chất, các điểm khai khoáng.
- Quản lý và khai thác hiệu quả hệ thống thông tin của Chương trình quan trắc môi trường được thực hiện trong Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An.
- Hạn chế và sử dụng hiệu quả, an toàn các hóa chất trong hoạt động nông lâm nghiệp.
- Điều tra và giám sát đa dạng sinh học ở các khu vực ưu tiên.
- Xây dựng và thực hiện Đề án bảo tồn các loài nguy cấp (đặc biệt trong các vùng sinh thái quan trọng nhưng đang bị suy thoái).
- Thiết lập hành lang đa dạng sinh học liên vùng và liên quốc gia.
- Thực hiện hiệu quả các Chương trình dịch vụ môi trường rừng và REDD+.
- Phòng chống cháy rừng có sự phối hợp hiệu quả của các bên liên quan.
- Nâng cấp các cơ sở bảo tồn ngoại vi: vườn thực vật, trung tâm cứu hộ động vật.
- Nâng cấp và đề xuất khai thác hiệu quả các Bảo tàng thiên nhiên.
- Bảo tồn và phát triển cây dược liệu bền vững nhằm bảo tồn đa dạng sinh học và tạo sinh kế.
- Bảo tồn các giống cây trồng, vật nuôi bản địa có giá trị khoa học, kinh tế đặc biệt.
- Nghiên cứu, tài liệu hoá và phổ biến tri thức bản địa trong phát triển kinh tế xã hội bền vững.
- Phổ biến, cung cấp công nghệ, kỹ thuật xử lý và tái sử dụng phụ phẩm, phế thải trong sản xuất nông nghiệp.
- Xây dựng tổng hợp kế hoạch điều tiết nguồn nước và thích ứng biến đổi khí hậu cho hệ thống các thủy điện và hồ đập trên địa bàn Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An.
- Tổ chức các hoạt động nâng cao nhận thức về thích ứng biến đổi khí hậu cho các nhóm đối tượng.
- Xây dựng kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu cấp huyện, tập trung ưu tiên cho các xã, các huyện bị ảnh hưởng nặng bởi thiên tai và biến đổi khí hậu.
- Triển khai các hoạt động thích ứng, giảm nhẹ biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh.
- Nâng cao năng lực và đầu tư trang thiết bị cho các trạm khí tượng - thủy văn để có các dự báo chính xác và nhanh chóng.
3. Chương trình 3: Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, phát triển du lịch thân thiện
- Bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa bản địa.
- Bảo tồn và phục dựng các di tích lịch sử và danh thắng, cảnh quan thiên nhiên theo Quyết định số 6103/QĐ-UBND ngày 18/12/2017 của Ủy ban nhân dân phê duyệt Quy hoạch hệ thống di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An định hướng đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
- Bảo tồn và khôi phục các làng nghề truyền thống, các không gian làng bản, các cảnh quan thiên nhiên, phát triển các sản phẩm đặc thù địa phương trong Khu DTSQ theo hướng chuỗi giá trị và gắn nhãn sinh quyển.
- Xây dựng các mô hình du lịch sinh thái, văn hóa và du lịch cộng đồng theo chuỗi cung ứng; gắn du lịch với phát triển làng nghề, phát triển nông lâm ngư nghiệp, phát triển các giá trị cảnh quan và giá trị đa dạng sinh học.
- Xây dựng chiến lược xúc tiến, quảng bá du lịch vùng Miền Tây Nghệ An.
4. Chương trình 4: Phát triển kinh tế bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu
- Phát triển các mô hình kinh tế dựa trên các vùng sinh thái theo tiếp cận hệ sinh thái.
- Xây dựng các mô hình cộng đồng sinh thái theo hướng tăng trưởng xanh; Bao gồm các mô hình sinh kế thích ứng với biến đổi khí hậu, doanh nghiệp sinh thái, trang trại sinh thái, cộng đồng sinh thái, làng sinh thái, làng du lịch sinh thái....
- Xây dựng và phát triển sản phẩm đặc trưng gắn nhãn sinh quyển, các sản phẩm OCOP, sản phẩm sinh thái... gắn với chuỗi giá trị.
- Thúc đẩy hợp tác công - tư trong nhằm phát triển kinh tế bền vững ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An.
- Thực hiện cấp chứng chỉ rừng bền vững cho sản xuất gỗ bền vững, chứng nhận EUDR đối với các sản phẩm gỗ, chè, cà phê, cao su....
5. Chương trình 5: Giáo dục, truyền thông và hỗ trợ
- Xây dựng chiến lược và kế hoạch truyền thông, tích hợp truyền thông vào các chương trình, hoạt động của các sở, ban ngành, các địa phương trong Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An nhằm quảng bá hình ảnh, nâng cao nhận thức về Khu DTSQ, thúc đẩy các hoạt động bảo tồn, bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần phát triển kinh tế xã hội.
- Phát triển mạng lưới truyền thông và triển khai các hoạt động truyền thông với sự tham gia của các bên liên quan.
- Tạo điều kiện triển khai các nghiên cứu ứng dụng và chuyển giao các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao chuỗi giá trị của các sản phẩm địa phương và gắn nhãn Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An.
- Thực hiện truyền thông, chuyển hóa danh hiệu Khu DTSQ thế giới thành thương hiệu địa phương gắn với các hoạt động quảng bá, xúc tiến các sản phẩm nông - lâm nghiệp, thủ công nghiệp đặc trưng gắn với phát triển kinh tế du lịch.
-Tổ chức ngày hội thường niên của Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An nhằm tạo cơ hội quảng bá các sản phẩm đặc trưng, truyền thống và xúc tiến du lịch thân thiện.
IV. Phương án tổ chức và bố trí nguồn lực cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường thiên nhiên Khu DTSQ
- Các mục tiêu quản lý và bảo vệ môi trường của Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An được lồng ghép vào các quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển của các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương... nhằm đảm bảo các mục tiêu bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An. Vì thế, kế hoạch này sẽ khuyến khích sự tham gia của toàn xã hội và huy động các nguồn lực từ các chương trình khác nhau.
- Bên cạnh đó, Ban quản lý Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An chủ động mở rộng quan hệ hợp tác trong và ngoài nước nhằm tăng cường nguồn lực cho các hoạt động mà Ban quản lý Khu DTSQ chủ trì. Ban quản lý cũng chủ động xây dựng cơ chế, quy chế phối hợp liên ngành nhằm huy động và điều phối các bên liên quan cùng thực hiện Kế hoạch. Cụ thể như sau:
+ Các hoạt động điều tra, giám sát đa dạng sinh học, quản lý bảo vệ rừng, rà soát quy hoạch 3 loại rừng, xây dựng cơ sở hạ tầng, bố trí trang thiết bị, phòng chống cháy rừng... trong vùng lõi sẽ được huy động từ các nguồn kinh phí phân cho Vườn quốc gia Pù Mát, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt chủ trì thực hiện.
+ Các hoạt động về bảo tồn các giá trị văn hóa, tri thức cộng đồng, không gian văn hóa, các di tích lịch sử, cảnh quan thiên nhiên gắn với các giá trị văn hóa... sẽ được huy động từ các hoạt động có các nguồn kinh phí phân khai cho Sở Văn hóa và Thể thao, Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì thực hiện.
+ Các hoạt động về phát triển du lịch thân thiện, du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và các loại hình du lịch gắn với các bản sắc văn hóa, cảnh quan, sản phẩm nông nghiệp... sẽ được huy động từ các hoạt động có các nguồn kinh phí phân khai cho Sở Du lịch, Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì thực hiện.
+ Các hoạt động về bảo tồn đa dạng sinh học và nguồn gen quý hiếm, quan trắc môi trường, xử lý chất thải, hạn chế ô nhiễm môi trường, các chương trình, dự án khoa học về bảo vệ môi trường di sản thiên nhiên và thích ứng biến đổi khí hậu... được phân khai cho Sở Tài nguyên và Môi trường, các Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì thực hiện.
+ Các hoạt động về phát triển bền vững nông - lâm - ngư nghiệp, phát triển xanh, hạn chế hóa chất bảo vệ thực vật, các mô hình sinh kế bền vững, sản phẩm sinh thái, quản lý nguồn nước từ các hồ đập, phục hồi rừng, xây dựng hành lang đa dạng sinh học, chứng chỉ rừng, quản lý rừng bền vững... được phân khai cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì thực hiện.
+ Các hoạt động về xúc tiến đầu tư, thúc đẩy hợp tác, xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm hàng hóa của các địa phương... được phân khai cho Sở Công Thương và Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì thực hiện.
+ Các hoạt động về triển khai các chương trình, dự án thử nghiệm, đề tài khoa học nhằm hỗ trợ cho các hoạt động phát triển kinh tế xã hội bền vững ở Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An được phân khai cho Sở Khoa học và Công nghệ và Ủy ban nhân dân cấp huyện chủ trì thực hiện.
+ Những hoạt động được phân khai cho các sở, ban, ngành, các chủ rừng, các địa phương dựa trên cơ sở chức năng nhiệm vụ, lĩnh vực quản lý... của các đơn vị thì do các đơn vị chủ động đề xuất và triển khai thực hiện. Các hoạt động còn lại sẽ do Ban quản lý Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An trình Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất bố trí kinh phí để triển khai thực hiện hoặc huy động từ các nguồn hợp pháp khác.
PHẦN 3
GIẢI PHÁP VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN
I. Giải pháp thực hiện
1. Nâng cao nhận thức và xây dựng năng lực
- Tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo tích hợp nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan quản lý về các chức năng của Khu DTSQ.
- Đẩy mạnh công tác thông tin, giáo dục, truyền thông sâu rộng và thường xuyên tới mọi tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư về tầm quan trọng và các chức năng của Khu DTSQ; nâng cao trách nhiệm phát triển kinh tế xã hội của doanh nghiệp trong việc thực thi các hoạt động có liên quan.
- Xây dựng chuyên mục Khu DTSQ trên các phương tiện thông tin đại chúng.
- Xây dựng và triển khai Chiến lược truyền thông cho các đối tượng đích (cộng đồng, doanh nghiệp, cán bộ quản lý, trường học) trong đó có bao gồm thông điệp, hình thức/ kênh, sản phẩm, ấn phẩm truyền thông, các khóa đào tạo, cuộc thi.
- Khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật để các cộng đồng dân cư áp dụng, triển khai các mô hình sản xuất, mô hình du lịch sinh thái theo hướng bền vững.
- Tăng cường năng lực cho các cán bộ chuyên trách - Ban thư ký của Ban quản lý Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An: Tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo tích hợp ngắn hạn, dài hạn về chuyên môn, nghiệp vụ ở trong nước và ngoài nước; các chuyến thăm quan học tập.
- Tổ chức các hội nghị, hội thảo, diễn đàn đối thoại khoa học về công tác bảo tồn, phát triển với các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức phi chính phủ quốc tế và trong nước.
- Truyền thông, nâng cao nhận thức cho cộng đồng và cán bộ địa phương về bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, sinh kế bền vững và du lịch sinh thái cộng đồng.
2. Giải pháp về khoa học và công nghệ
- Nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ trong xây dựng phát triển, bảo tồn các hệ sinh thái đặc thù, các nguồn gen quý, tiết kiệm năng lượng.
- Ưu tiên chuyển giao công nghệ xanh - sạch, thân thiện môi trường.
- Phát triển các sản phẩm chủ lực có lợi thế so sánh, đặc sản của 9 huyện Miền Tây Nghệ An theo chuỗi giá trị.
- Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong trồng và chế biến dược liệu.
- Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong bảo tồn phát huy bản sắc văn hóa, ngôn ngữ đồng bào dân tộc thiểu số.
- Đầu tư công nghệ hỗ trợ phát triển các vùng nguyên liệu tập trung cho công nghiệp chế biến.
- Huy động nguồn vốn, nguồn nhân lực cho hoạt động khoa học và công nghệ nhằm chuyển giao được nhiều tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu tổng hợp cho Khu DTSQ và tin học hoá cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý và chia sẻ với các bên liên quan và cộng đồng.
- Xây dựng hệ thống bản đồ phân vùng sinh thái cảnh quan Khu DTSQ.
3. Giải pháp về lồng ghép
- Xây dựng quy trình lồng ghép các mục tiêu của Khu DTSQ vào quy hoạch, kế hoạch, chương trình phát triển của các cấp, các ngành.
- Xây dựng Sổ tay hướng dẫn lồng ghép.
- Tập huấn cho các cán bộ quản lý các cấp có liên quan về lồng ghép.
- Xây dựng các kế hoạch, chương trình được lồng ghép, gắn với mục tiêu của Khu Dự trữ sinh quyển.
- Thực hiện việc kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả lồng ghép theo định kỳ và các giai đoạn, gắn với các báo cáo đánh giá định kỳ và cuối kỳ.
4. Giải pháp về đẩy mạnh hợp tác trong nước và quốc tế
- Hợp tác với các Khu DTSQ thế giới hiện nay ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế, theo các thỏa thuận khu vực và song phương trong công tác quản lý, nghiên cứu khoa học và các dự án phát triển của các mạng lưới Khu DTSQ như: SeaBRNet, APBRNet, WNBRs; Mạng lưới Khu DTSQ thế giới tại Việt Nam, các khu bảo tồn, Vườn Quốc gia; các tổ chức phi chính phủ như World Bank, JICA, GIZ...
- Chủ động tham gia và thực hiện có hiệu quả các điều ước, cam kết quốc tế, kế hoạch hành động,., về Khu DTSQ thế giới.
- Đẩy mạnh thu hút nguồn lực nước ngoài nhằm thực hiện các chương trình, dự án được đề xuất, tăng cường năng lực cho Ban quản lý.
- Tăng cường hợp tác quốc tế, tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức quốc tế và các nước trong thực hiện các chương trình của chiến lược.
- Phối hợp với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học để xây dựng và thực hiện các dự án nghiên cứu và triển khai; hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các hoạt động học tập, nghiên cứu của sinh viên, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước đến trao đổi, tìm hiểu về đa dạng sinh học, văn hóa trong Khu DTSQ thế giới.
- Đẩy mạnh hợp tác nghiên cứu xây dựng các dự án khoa học công nghệ vùng và liên vùng.
- Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khu vực tư nhân và nhà nước trong hợp tác quốc tế về nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong sản xuất các sản phẩm nông - lâm nghiệp công nghệ cao; thâm nhập thị trường quốc tế, mở rộng xuất khẩu sản phẩm hàng hóa từ triển khai các kết quả nghiên cứu, sản xuất.
- Tìm kiếm các cơ hội hợp tác với nước ngoài để tổ chức nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế xã hội của các huyện trên địa bàn Khu sinh quyển thế giới.
5. Giải pháp về giám sát - đánh giá
- Lựa chọn, cụ thể hoá và hoàn chỉnh bộ chỉ số giám sát đánh giá hiệu quả quản lý dành cho Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An và việc thực hiện Kế hoạch.
- Xây dựng cơ chế, quy chế giám sát, đánh giá, chế độ báo cáo nhằm hỗ trợ Ban quản lý Khu DTSQ, các sở ngành, 9 huyện, 02 Khu bảo tồn thiên nhiên và Vườn quốc gia.
6. Giải pháp tăng cường hoạt động lãnh đạo, điều phối liên ngành
- Xây dựng cơ chế, quy chế phối hợp liên ngành nhằm thực hiện các nhiệm vụ thuộc các lĩnh vực nông - lâm nghiệp, văn hóa, các dự án phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng.
- Xây dựng cơ chế lồng ghép các nguồn lực từ các dự án, chương trình mục tiêu nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư trong Khu Dự trữ sinh quyển.
- Thực hiện đầy đủ và khai thác hiệu của các cơ chế, chính sách quốc tế, quốc gia và tỉnh Nghệ An theo quy định.
II. Tổ chức thực hiện và giám sát đánh giá
1. Kiện toàn bộ máy chỉ đạo, điều hành
- Hoàn chỉnh bộ máy và quy chế quản lý, hoạt động của Ban quản lý Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An để chỉ đạo, triển khai Kế hoạch.
- Vận hành hiệu quả Văn phòng Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An cùng cơ cấu tổ chức và trang bị đủ cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động.
2. Tổ chức thực hiện
- Ban Quản lý Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch; hướng dẫn, giám sát, đánh giá, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện Kế hoạch và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ; xác định những nhiệm vụ, dự án trọng điểm trong từng giai đoạn cụ thể trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định; huy động nguồn lực trong nước và nguồn tài trợ của nước ngoài để thực hiện Kế hoạch; tham mưu, chỉ đạo các hoạt động và giám sát - đánh giá toàn bộ quá trình thực hiện từ giai đoạn xây dựng đến triển khai thực hiện và tổng kết, đánh giá kết quả của Kế hoạch; tổ chức đánh giá thực hiện Kế hoạch và hiệu quả quản lý giữa kỳ (5 năm) và đánh giá 10 năm vào cuối năm 2027.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện trong hoạch định và thực thi chính sách về phát triển kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ theo hướng công nghệ cao phù hợp với các vùng sinh thái, nâng cao thương hiệu của các sản phẩm sinh quyển theo chuỗi giá trị, thực hiện gắn nhãn sinh quyển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân và nguồn thu cho ngân sách; xây dựng Kế hoạch hoạt động hàng năm và theo giai đoạn của Ban quản lý nhằm duy trì và phát triển bền vững Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An theo yêu cầu của Ủy ban UNESCO; tổ chức đánh giá việc thực hiện Kế hoạch và báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ; giữa kỳ (5 năm) và đánh giá 10 năm vào cuối năm 2027; bố trí nhân lực và các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Văn phòng Ban quản lý Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An.
- Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện tổng hợp, lồng ghép các nội dung của Kế hoạch này và các chỉ tiêu liên quan đến Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An vào quy hoạch và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Nghệ An, các sở, ngành, địa phương liên quan.
- Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện trong hoạch định và thực thi chính sách về bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường, dịch vụ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu nói chung; hướng dẫn đăng ký, theo dõi, giám sát về phát thải khí nhà kính, giám sát thực hiện chính sách đầu tư vào vốn tự nhiên.
- Sở Du lịch chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường và các Sở, ngành, địa phương liên quan trong các hoạt động phát triển du lịch.
- Sở Văn hóa và Thể thao chủ trì, phối hợp với Sở Du lịch, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương, Vườn quốc gia, Khu bảo tồn thiên nhiên để thực hiện công tác bảo tồn văn hóa, tín ngưỡng và phát triển du lịch bền vững.
- Sở Khoa học và Công nghệ chủ trì và phối hợp với các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện trong hoạch định và thực thi chính sách về phát triển và chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ.
- Sở Tài chính tham mưu cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch đối với các nhiệm vụ thuộc trách nhiệm đảm bảo từ Ngân sách Nhà nước theo phân cấp hiện hành trong khả năng cân đối của ngân sách địa phương;
- Các sở, ngành khác có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Ban quản lý Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An, các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện kế hoạch theo quy định của pháp luật hiện hành.
- Ủy ban nhân dân các huyện trong Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Kế hoạch; cụ thể hóa nhiệm vụ và chủ động lồng ghép các hoạt động, chương trình, dự án được đề xuất trong Kế hoạch vào kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm và hàng năm của các huyện; báo cáo kết quả thực hiện và có phản hồi, điều chỉnh cho phù hợp.
- Vườn quốc gia, Khu bảo tồn, các Ban quản lý rừng phòng hộ, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên lâm nghiệp, các chủ rừng: chủ trì và phối hợp và chính quyền, cộng đồng địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển sinh kế bền vững (bao gồm phát triển du lịch sinh thái) cho cộng đồng.
3. Cơ chế quản lý và triển khai Kế hoạch
- Ban quản lý Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An là đầu mối điều hành và thực hiện các hoạt động quản lý Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An trong khuôn khổ các hoạt động của Chương trình Con người và sinh quyển/UNESCO Việt Nam và quốc tế, theo quy hoạch phát triển tỉnh Nghệ An; tuân thủ pháp luật Việt Nam và các hướng dẫn thực hiện của các công ước quốc tế như đã cam kết về lĩnh vực đa dạng sinh học, văn hóa, môi trường.
- Ban quản lý Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Ủy ban nhân dân tỉnh, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An về thực thi nhiệm vụ được giao, chịu trách nhiệm pháp lý về các hoạt động thuộc thẩm quyền và chức năng đảm nhận.
- Ban quản lý Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An không quản lý về mặt địa giới hành chính mà thực hiện việc điều phối các hoạt động liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, văn hóa, môi trường thiên nhiên và phát triển bền vững ở miền Tây Nghệ An; đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa các thành viên Ban quản lý với các bên có liên quan và cộng đồng trong các hoạt động của Khu DTSQ.
- Ban quản lý Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An chủ động phối hợp và đóng góp ý kiến cho các hoạt động của các Sở, ngành, chính quyền (cấp huyện), hiệp hội, doanh nghiệp và cộng đồng trên địa bàn Khu DTSQ có liên quan tới công tác bảo tồn và phát triển bền vững tài nguyên thiên nhiên, văn hóa, bảo vệ môi trường theo sứ mệnh của MAB/UNESCO.
- Ban Quản lý Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An chủ động kêu gọi đầu tư và hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu, giám sát, đánh giá, phát triển kinh tế xã hội, du lịch, giáo dục và đào tạo theo đúng quy định. Các hoạt động này sẽ được triển khai dựa trên các phân vùng chức năng của Khu DTSQ.
- Các hoạt động tại vùng lõi của Khu DTSQ Miền Tây Nghệ An phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý rừng đặc dụng, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, môi trường nước ở các hồ thủy điện và lưu vực sông.
- Đối với vùng đệm và vùng chuyển tiếp, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, mặt nước, thay đổi quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội... thuộc sự quản lý trực tiếp của chính quyền địa phương và phải phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững, Chiến lược tăng trưởng xanh, Chiến lược phát triển Khu Dự trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An, Quy hoạch tỉnh Nghệ An và các quy định của pháp luật hiện hành.
4. Tài chính cho triển khai Kế hoạch quản lý bảo vệ môi trường
Để thực hiện được các nội dung của kế hoạch, việc đảm bảo ngân sách cho các hoạt động là rất cần thiết. Kinh phí để triển khai kế hoạch được huy động từ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công và các quy định của pháp luật liên quan; kinh phí từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình, dự án khác, nguồn Quỹ Bảo vệ môi trường và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật.
5. Giám sát - đánh giá và báo cáo
Lập và triển khai kế hoạch giám sát - đánh giá sẽ bao gồm các bước: lập kế hoạch giám sát - đánh giá; xây dựng bộ tiêu chí và khung chỉ số cho giám sát - đánh giá; lựa chọn phương pháp thu thập và xử lý số liệu; xây dựng công cụ thu thập và xử lý số liệu; thu thập, lưu giữ số liệu trong cơ sở dữ liệu; báo cáo định kỳ theo quy định.
Kế hoạch và các hoạt động quản lý việc thực hiện kế hoạch được tổng kết, báo cáo đánh giá và rút kinh nghiệm theo định kỳ hàng năm, 5 năm (giữa kỳ) và 10 năm (cuối kỳ). Việc đánh giá hàng năm cho phép tổng kết và rút ra bài học thực tiễn thành công cũng như thất bại, điều chỉnh thích hợp nếu thấy cần thiết. Những tổng kết dài hạn có tính định hướng, có thể bổ sung những ý tưởng, khái niệm mới phù hợp với hoàn cảnh địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế.
6. Quản lý rủi ro
Trong thời gian thực hiện kế hoạch có thể gặp một số rủi ro, việc lường trước các rủi ro sẽ giúp xác định được các giải pháp giảm thiểu tác hại trong quản lý, bao gồm:
- Việc lồng ghép chưa khoa học giữa các hoạt động của kế hoạch với các hoạt động theo ngành dọc của các cấp và các Sở, ban ngành, dẫn đến sự phối hợp không nhịp nhàng, thậm chí chồng chéo hay mâu thuẫn trong quản lý. Vấn đề sẽ được điều chỉnh, giải quyết bằng cách cùng tham gia xây dựng kế hoạch, chia sẻ thông tin và điều phối kịp thời, hợp lý của Ban quản lý Khu Dự trữ sinh quyển; khi có phát sinh không thể giải quyết, có thể báo cáo với UBND tỉnh, Ủy ban Quốc gia Con người và Sinh quyển Việt Nam và UNESCO Việt Nam để xem xét, hỗ trợ.
- Nhận thức và sự quan tâm của các thành viên, các cơ quan liên quan không đảm bảo, làm hạn chế hiệu quả phối hợp của các hoạt động. Điều này sẽ được khắc phục bằng việc tổ chức các hoạt động truyền thông, các khóa tập huấn, các đợt tham quan học hỏi để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và năng lực kịp thời cho các đối tượng phù hợp.
- Sự thiếu hụt về tài chính cho các hoạt động, trong quá trình thực hiện kế hoạch, việc đa dạng hóa nguồn vốn luôn luôn được chú ý, đặc biệt là nguồn vốn xã hội từ cộng đồng và sự hỗ trợ của doanh nghiệp cũng như hợp tác quốc tế.
- Có sự thay đổi về nhân sự cấp cao trong Ban quản lý hoặc giữa thời gian thực hiện kế hoạch dẫn tới thay đổi lộ trình và tiến độ thực hiện kế hoạch. Ban quản lý sẽ can thiệp vào quá trình này để đảm bảo quá trình chuyển giao xảy ra không gây xáo trộn lớn.
- Các sự cố, tác động đột xuất, bất thường từ tự nhiên (Biến đổi khí hậu, thiên tai, cháy rừng...) sẽ được giải quyết như các tình huống bất thường theo kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu đã được lồng ghép.
- 1Kế hoạch 61/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chỉ thị 03-CT/TU về tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 2Quyết định 42/2022/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp bảo vệ môi trường trong Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 3Quyết định 1919/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Kế hoạch Bảo vệ môi trường Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
- 1Luật ngân sách nhà nước 2015
- 2Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3Luật Đầu tư công 2019
- 4Luật Bảo vệ môi trường 2020
- 5Nghị định 08/2022/NĐ-CP hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường
- 6Thông tư 02/2022/TT-BTNMT hướng dẫn Luật Bảo vệ môi trường do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 7Kế hoạch 61/KH-UBND năm 2022 thực hiện Chỉ thị 03-CT/TU về tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên đất đai, khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 8Quyết định 42/2022/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp bảo vệ môi trường trong Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa
- 9Quyết định 1059/QĐ-TTg năm 2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10Quyết định 1919/QĐ-UBND năm 2023 phê duyệt Kế hoạch Bảo vệ môi trường Khu kinh tế Dung Quất đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 do tỉnh Quảng Ngãi ban hành
Quyết định 394/QĐ-UBND năm 2024 về Kế hoạch quản lý và bảo vệ môi trường Khu Dữ trữ sinh quyển Miền Tây Nghệ An, giai đoạn 2023-2027, định hướng đến năm 2030
- Số hiệu: 394/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 28/02/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
- Người ký: Nguyễn Văn Đệ
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/02/2024
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra