Hệ thống pháp luật

UỶ BAN DÂN TỘC
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 393/2005/QĐ-UBDT

Hà Nội, ngày 29 tháng 08 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TIÊU CHÍ PHÂN ĐỊNH VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI THEO TRÌNH ĐỘ PHÁT TRIỂN

BỘ TRƯỞNG CHỦ NHIỆM UỶ BAN DÂN TỘC

Căn cứ Nghị định số 51/2003/NĐ-CP ngày 16/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân tộc.
Căn cứ Văn bản số 1062/TTg-ĐP ngày 01/8/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt và uỷ quyền cho Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc ra quyết định ban hành tiêu chí phân định Vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển.
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này quy định Tiêu chí thôn (bản, làng, phum, soóc) đặc biệt khó khăn và Tiêu chí phân định xã (phường, thị trấn) thuộc (khu vực I, II, III) Vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển.

Quy định này thay thế quy định ban hành Thông tư số 41/UB-TT ngày 08/1/1996 của Uỷ ban Dân tộc và Miền núi (nay là Uỷ ban Dân tộc).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG - CHỦ NHIỆM
 



Ksor Phước

 

QUY ĐỊNH

VỀ TIÊU CHÍ PHÂN ĐỊNH VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI THEO TRÌNH ĐỘ PHÁT TRIỂN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 393/2005/QĐ-UBDT ngày 29 tháng 8 năm 2005 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy định này áp dụng để phân định thôn, bản, làng, phum, soóc (sau đây gọi chung là thôn) đặc biệt khó khăn và phân định các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là xã) Vùng dân tộc thiểu số và miền núi thành ba khu vực theo trình độ phát triển (sau đây gọi tắt là khu vực I, khu vực II, khu vực III) để áp dụng các chủ trương, chính sách và có kế hoạch đầu tư phát triển sát hợp với điều kiện cụ thể. Từ đó, có kế hoạch chỉ đạo, động viên, hướng dẫn nhân dân địa phương đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền trong cả nước.

Điều 2. Lấy xã làm đơn vị cơ bản để phân định Vùng dân tộc thiểu số và miền núi thành ba khu vực (I, II, III). Trên cơ sở các thôn, bản đặc biệt khó khăn và các Tiêu chí khác kèm theo sẽ xác định và sắp xếp các xã vào khu vực I, II, III khi có đủ 5/6 chỉ tiêu tương ứng quy định tại Điều 5 của quy định này. Thời điểm xác định của các chỉ tiêu tính đến ngày 31/12/2004.

- Tỷ lệ hộ nghèo áp dụng theo chuẩn nghèo mới: Quy định tại Quyết định số 170/2005/QĐ-TTg ngày 08/7/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo áp dụng cho giai đoạn 2006 - 2010.

Điều 3. Đối tượng áp dụng và phạm vi áp dụng:

- Đối tượng áp dụng:

+ Các thôn Vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

+ Các xã thuộc Vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

- Phạm vi áp dụng:

+ Địa bàn miền núi: Là các xã miền núi, vùng cao đã được công nhận tại các Quyết định của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc và Miền núi (nay là Uỷ ban Dân tộc).

+ Các xã đồng bằng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (áp dụng cho vùng đồng bào dân tộc Chăm, Kmer và một số dân tộc thiểu số khác ở Nam Bộ).

Chương 2:

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn: (Thôn được xác định theo Quyết định số 13/2002/QĐ-BNN ngày 06/12/2002 của Bộ Nội Vụ ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của thôn, tổ dân phố).

Thôn đặc biệt khó khăn là thôn còn tồn tại cả 3 Tiêu chí sau:

Tiêu chí 1: Về đời sống và xã hội:

- Tỷ lệ hộ nghèo từ 70% trở lên.

- Và còn tồn tại ít nhất 3 trong 4 chỉ tiêu sau:

+ Trên 25% số hộ có nhà ở còn tạm bợ, tranh, tre, nứa lá.

+ Trên 10% số hộ còn du canh du cư hoặc định cư du canh.

+ Trên 50% số hộ thiếu nước sinh hoạt.

+ Trên 50% số hộ chưa có điện sinh hoạt.

Tiêu chí 2: Về điều kiện sản xuất: còn tồn tại ít nhất 2 trong 3 chỉ tiêu sau:

- Trên 20% số hộ thiếu đất sản xuất theo mức bình quân quy định của địa phương.

- Trên 50% diện tích canh tác cây hàng năm của các hộ gia đình trong thôn chưa có hệ thống thuỷ lợi.

- Tập quán sản xuất còn lạc hậu, chưa có cộng tác viên khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chưa phát triển sản xuất hàng hoá.

Tiêu chí 3: Về điều kiện kết cấu hạ tầng (KCHT):

- Chưa có đường giao thông nông thôn loại B từ thôn đến trung tâm xã.(1)

- Và còn tồn tại ít nhất 2/3 chỉ tiêu sau:

+ Chưa đủ phòng học cho các lớp tiểu học hoặc có nhưng còn tạm bợ.(2)

+ Chưa có hệ thống truyền thanh từ xã đến thôn.

+ Chưa có nhà văn hoá thôn phục vụ sinh hoạt cộng đồng.

Điều 5. Tiêu chí phân định khu vực:

1. Xã khu vực III:

- Có từ 1/3 số thôn đặc biệt khó khăn trở lên.

- Có tỷ lệ hộ nghèo từ 55% trở lên.

- Công trình kết cấu hạ tầng thiết yếu:

Thiếu hoặc có nhưng còn tạm bợ từ 6/10 loại công trình KCHT(3) thiết yếu trở lên.

- Các yếu tố xã hội: Có ít nhất 3 trong 4 yếu tố sau:

+ Chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.(4)

+ Chưa đủ điều kiện khám chữa bệnh thông thường(5). Trên 50% số thôn chưa có y tế thôn.

+ Trên 50% số hộ chưa được hưởng thụ và tiếp cận với hệ thống thông tin đại chúng(6).

+ Trên 50% cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở chưa có trình độ từ sơ cấp trở lên.

- Điều kiện sản xuất rất khó khăn, tập quán sản xuất lạc hậu, còn mang nặng tính tự cấp, tự túc, chưa phát triển sản xuất hàng hoá.

- Địa bàn cư trú: Thuộc địa bàn Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, điều kiện địa hình chia cắt hoặc ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo nhưng không thuộc địa bàn các thành phố, thị xã, thị trấn, trung tâm huyện lỵ, các khu công nghiệp, các cửa khẩu phát triển.

2. Xã thuộc khu vực II là xã:

- Không có hoặc có dưới 1/3 số thôn đặc biệt khó khăn.

- Có tỷ lệ hộ nghèo từ 30% đến dưới 55%.

- Về kết cấu hạ tầng thiết yếu: Thiếu hoặc có nhưng còn tạm bợ từ 3/10 loại công trình KCHT thiết yếu trở lên.

- Các yếu tố xã hội: Có ít nhất 3 trong 4 yếu tố sau:

+ Chưa đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

+ Từ 10 đến 50% số thôn chưa có y tế thôn nhưng đã cơ bản đảm bảo các điều kiện khám chữa bệnh thông thường.

+ Trên 80% số hộ thường xuyên được hưởng thụ và tiếp cận với hệ thống thông tin đại chúng.

+ Từ 30% cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở chưa có trình độ từ sơ cấp trở lên.

- Điều kiện sản xuất: Đã bắt đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hoá, hầu hết đồng bào đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đã có hệ thống khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư đến thôn.

- Địa bàn cư trú: Các xã liền kề hoặc thuộc các thành phố, thị xã, thị trấn, các khu công nghiệp, các trung tâm huyện lỵ, cửa khẩu phát triển, các xã có điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội thuận lợi cho phát triển sản xuất và đời sống.

3. Xã thuộc khu vực I là xã:

- Không có thôn ĐBKK.

- Tỷ lệ hộ nghèo dưới 30%.

- Kết cấu hạ tầng: Đã hình thành và đáp ứng cơ bản các yêu cầu cấp thiết, phục vụ tốt điều kiện sản xuất vào đời sống của đồng bào.

- Các yếu tố xã hội: Có ít nhất 3 trong 4 yếu tố sau:

+ Đã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

+ 100% số thôn đã có y tế thôn và đảm bảo các điều kiện khám chữa bệnh thông thường.

+ 100% số hộ thường xuyên được hưởng thụ và tiếp cận với hệ thống thông tin đại chúng;

+ Trên 70% cán bộ trong hệ thống chính trị cơ sở có trình độ từ sơ cấp trở lên.

- Điều kiện sản xuất: Đã hình thành các vùng sản xuất hàng hoá, tiếp cận được với nền kinh tế thị trường.

Địa bàn cư trú: Là các xã liền kề hoặc thuộc địa bàn của thành phố, thị xã, thị trấn, các khu công nghiệp, các trung tâm huyện lỵ, các cửa khẩu phát triển hoặc thuộc địa bàn có điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội thuận lợi cho phát triển sản xuất và đời sống.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Uỷ ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Văn hoá - Thông tin, Y tế. Mời đại diện Hội đồng Dân tộc của Quốc hội tham gia thành lập Hội đồng tổ chức xét duyệt, Quyết định công nhận các xã theo từng khu vực, các thôn đặc biệt khó khăn cho từng đia phương.

Điều 7. Uỷ ban nhân dân tỉnh, huyện thành lập hội đồng xét duyệt cấp tỉnh, huyện.

Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh, huyện có nhiệm vụ: Căn cứ vào tình hình cụ thể ở từng thôn, xã; đối chiếu với tiêu chí quy định tại Điều 4, Điều 5 của quy định này để xét duyệt và báo cáo lên Hội đồng xét duyệt Trung ương.

Chương 4:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 8. Quy định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 9. Quy định này là cơ sở pháp lý cho việc phân định thôn đặc biệt khó khăn, các xã Vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển, Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các Bộ, ngành, các địa phương gửi ý kiến về Uỷ ban Dân tộc để tổng hợp, đề xuất nội dung cần sửa đổi, bổ sung trình Thủ tướng Chính phủ xem xét Quyết định.

Chú thích:

(1) Loại đường: theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

(2) Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

(3) 10 công trình KCHT thiết yếu bao gồm: đường giao thông loại B đến trung tâm xã, hệ thống điện, chợ, trường học, trạm y tế, thuỷ lợi nhỏ, nước sinh hoạt, nhà văn hoá, trạm truyền thanh, trụ sở xã.

(4) Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

(5) Theo quy định của Bộ Y tế.

(6) Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 393/2005/QĐ-UBDT về tiêu chí phân định vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc ban hành

  • Số hiệu: 393/2005/QĐ-UBDT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 29/08/2005
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Dân tộc
  • Người ký: Ksor Phước
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 13 đến số 14
  • Ngày hiệu lực: 25/09/2005
  • Ngày hết hiệu lực: 06/09/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản