Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/2019/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 02 tháng 10 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH MỨC THU TIỀN BẢO VỆ, PHÁT TRIỂN ĐẤT TRỒNG LÚA VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH NGHỊ QUYẾT SỐ 19/2016/NQ-HĐND NGÀY 14/7/2016 CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước được Quốc hội thông qua ngày 25 tháng 06 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/04/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;

Căn cứ Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính Phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/04/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;

Căn cứ Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 342/2016/TT-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21/01/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/04/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa;

Căn cứ Nghị quyết số 19/2016/NQ-HĐND ngày 14/7/2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc quy định mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Nai;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 5008/TTr-STC ngày 12/9/2019.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định mức thu tiền và quản lý, sử dụng khoản tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa từ đất chuyên trồng lúa nước vào mục đích phi nông nghiệp; thời hạn nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng áp dụng:

Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Điều 2. Mức thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa

Mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa nước

=

Diện tích

x

Giá của loại đất trồng lúa

x

50%

Trong đó:

1. Diện tích là phần diện tích đất chuyên trồng lúa nước chuyển sang đất phi nông nghiệp ghi cụ thể trong quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất chuyên trồng lúa nước sang đất phi nông nghiệp của cơ quan có thẩm quyền (m2).

2. Giá của loại đất trồng lúa được tính theo bảng giá đất đang được áp dụng tại thời điểm giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất do UBND tỉnh ban hành (đồng/m2).

Điều 3. Thời hạn nộp tiền

1. Khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa được nộp vào Ngân sách tỉnh Đồng Nai và hạch toán vào tài khoản 7111 Chương 560 Tiểu mục 4914

2. Trong thời hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày ký Thông báo của cơ quan tài chính, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa theo Thông báo;

3. Trong vòng sáu mươi (60) ngày tiếp theo, người sử dụng đất phải nộp 50% tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa còn lại theo Thông báo.

Quá thời hạn nêu trên, người sử dụng đất chưa nộp đủ khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa nước theo Thông báo thì phải nộp tiền chậm nộp đối với số tiền chưa nộp theo mức quy định của pháp luật về quản lý thuế.

Điều 4. Quản lý và sử dụng kinh phí

Việc quản lý và sử dụng kinh phí thu tiền và bảo vệ phát triển đất trồng lúa được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa và Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 62/2019/NĐ-CP ngày 11/7/2019 của Chính Phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, Điều 4 Thông tư số 18/2016/TT-BTC ngày 21/01/2016 của Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

Điều 5. Trách nhiệm của các sở, ngành, UBND cấp xã, cấp huyện

1. Sở Tài chính có trách nhiệm

a) Căn cứ bản kê khai của cơ quan, tổ chức trong nước; tổ chức nước ngoài sử dụng đất để xác định và tổ chức thu khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa nộp vào ngân sách tỉnh theo quy định;

b) Hàng năm phối hợp với Sở Tài nguyên Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan, căn cứ vào kế hoạch chuyển đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, dự kiến khoản thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa để tổng hợp vào dự toán thu, chi ngân sách tỉnh, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân dân tỉnh quyết định;

c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo, đề xuất gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ kinh phí cho địa phương sản xuất lúa (nếu có) theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm

a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ghi rõ diện tích đất chuyên trồng lúa nước mà cơ quan, tổ chức chuyển thành đất phi nông nghiệp và nêu rõ trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong nước; tổ chức nước ngoài lập bản kê khai số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp, tương ứng với diện tích đất chuyên trồng lúa nước trong Quyết định giao đất, cho thuê đất đối với các trường hợp thuộc diện phải nộp và bảo vệ phát triển đất trồng lúa theo điều 134 Luật Đất đai năm 2013 gửi về Sở Tài chính để xác định và thu khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa nước theo quy định.

b) Hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa xác định vị trí, diện tích đất chuyên trồng lúa nước.

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm

a) Căn cứ phương án cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại cho cả thời kỳ và từng năm do Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa lập để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

b) Tổng hợp dự toán kinh phí kiến nghị Trung ương hỗ trợ theo quy định tại Khoản 2 Điều 7 Nghị định số 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa (nếu có), gửi Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư để báo cáo, đề xuất gửi Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa có trách nhiệm

a) Lập và ban hành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của cấp huyện trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi của cấp tỉnh.

b) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại địa bàn huyện.

c) Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, tổng hợp kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo mẫu tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)

d) Căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trồng lúa trong từng thời kỳ được cấp có thẩm quyền phê duyệt của địa phương, chất lượng đất chuyên trồng lúa nước trên địa bàn và điều kiện thực tế của địa phương để lập phương án cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước hoặc đất trồng lúa nước còn lại cho cả thời kỳ và từng năm gửi Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

đ) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu cho Ủy ban nhân dân cấp huyện ghi rõ diện tích đất chuyên trồng lúa nước mà hộ gia đình, cá nhân chuyển thành đất phi nông nghiệp và nêu rõ trách nhiệm của hộ gia đình, cá nhân lập bản kê khai số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp, tương ứng với diện tích đất chuyên trồng lúa nước trong Quyết định giao đất, cho thuê đất gửi về Phòng Tài chính - Kế hoạch để xác định và thu khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa nước theo quy định.

e) Chỉ đạo Phòng Tài chính kế hoạch căn cứ bản kê khai của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất để xác định và tổ chức thu khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa nộp vào ngân sách tỉnh theo quy định.

5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Xây dựng Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa cấp xã trên cơ sở kế hoạch chuyển đổi cấp huyện theo mẫu tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ; Tổ chức lấy ý kiến của hộ gia đình, cá nhân có liên quan trong việc xác định vùng chuyển đổi; thông báo công khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã vào quý IV của năm trước trong thời hạn 60 ngày.

b) Tiếp nhận, xử lý Bản đăng ký chuyển đổi; lập sổ theo dõi chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa.

c) Tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn.

d) Định kỳ trước ngày 30 tháng 11 hàng năm, tổng hợp kết quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa theo mẫu tại Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định số 62/2019/NĐ-CP của Chính phủ báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.”

6. Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài được Nhà nước giao đất, cho thuê đất  có trách nhiệm:

a) Đối với các cơ quan, tổ chức trong nước; tổ chức nước ngoài:

Căn cứ Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập bản kê khai số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp, tương ứng với diện tích đất chuyên trồng lúa nước được Nhà nước giao, cho thuê gửi về Sở Tài chính để xác định và thu khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa nước theo quy định.

b) Đối với hộ gia đình, cá nhân trong nước; cá nhân nước ngoài:

Căn cứ Quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập bản kê khai số tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa phải nộp, tương ứng với diện tích đất chuyên trồng lúa nước được Nhà nước giao, cho thuê gửi về Phòng Tài chính kế hoạch các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa để xác định và thu khoản tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa nước theo quy định.

Điều 6. Hiệu lực thi hành

Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 10 năm 2019 và thay thế Quyết định số 51/2016/QĐ-UBND ngày 09/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định thời hạn nộp tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và biện pháp thực hiện Nghị quyết số 19/2016/NQ-HĐND ngày 14/7/2016 cùa Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Điều 7. Tổ chức thực hiện

Trong quá trình thực hiện Quyết định này nếu phát sinh vướng mắc, đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa; tổ chức, cá nhân liên quan phản ánh kịp thời cho các sở, ngành chức năng để được hướng dẫn thực hiện; trường hợp vượt thẩm quyền thì các sở, ngành chức năng có ý kiến trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Tài chính, Kế hoạch Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Quốc Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 39/2019/QĐ-UBND quy định về mức thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa và biện pháp thi hành Nghị quyết 19/2016/NQ-HĐND do tỉnh Đồng Nai ban hành

  • Số hiệu: 39/2019/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 02/10/2019
  • Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
  • Người ký: Nguyễn Quốc Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 15/10/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản