Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 39/2010/QĐ-UBND

Phan Thiết, ngày 09 tháng 9 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP QUẢN LÝ CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp;
Căn cứ Thông tư số 39/2009/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Bộ Công thương quy định thực hiện một số nội dung của Quy chế quản lý cụm công nghiệp ban hành kèm theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công thương tại Tờ trình số 1247/TTr-SCT ngày 26 tháng 8 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 18/2008/QĐ-UBND ngày 31 tháng 01 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy chế về tổ chức và quản lý hoạt động các cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Công thương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh Bình Thuận, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Huỳnh Tấn Thành

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP QUẢN LÝ CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 39/2010/QĐ-UBND ngày 09 tháng 9 năm 2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy chế này quy định một số nội dung trong hoạt động phối hợp giữa các sở, ban, ngành và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh; cụ thể hóa một số nội dung trong quản lý Nhà nước về cụm công nghiệp, quản lý đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp nhằm thực hiện Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 39/2009/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Bộ Công thương về Quy chế quản lý cụm công nghiệp.

2. Đối tượng áp dụng là các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp xã), Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp và các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có liên quan.

Điều 2. Quy hoạch, thành lập, mở rộng, bổ sung quy hoạch cụm công nghiệp

1. Các cụm công nghiệp nêu tại Quy chế này nằm trong danh mục quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt

hoặc cho phép bổ sung vào quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong từng thời kỳ.

2. Nội dung, trình tự, thủ tục thành lập, mở rộng cụm công nghiệp, quy hoạch và bổ sung quy hoạch các cụm công nghiệp theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về Quy chế quản lý cụm công nghiệp.

Điều 3. Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp

1. Nội dung, trình tự, thủ tục thành lập Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp theo Điều 12 Thông tư số 39/2009/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Bộ Công thương.

2. Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp là đơn vị sự nghiệp kinh tế có thu, chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân cấp huyện và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Công thương và các sở, ngành của tỉnh có liên quan.

Chương II

PHỐI HỢP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CỤM CÔNG NGHIỆP

Điều 4. Trách nhiệm quản lý Nhà nước chuyên ngành cấp tỉnh

1. Sở Nội vụ:

a) Phối hợp với Sở Công thương, Sở Tài chính thẩm định hồ sơ thành lập Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp;

b) Phối hợp với Sở Công thương hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng, ban hành quy định, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp.

2. Sở Công thương:

a) Là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý Nhà nước về cụm công nghiệp theo khoản 2, Điều 19 Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý cụm công nghiệp;

b) Phối hợp cùng với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp huyện làm đầu mối giúp các nhà đầu tư xúc tiến đầu tư vào các cụm công nghiệp;

c) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành xem xét việc thành lập các cụm công nghiệp phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của tỉnh; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; quy hoạch 3 loại rừng và các quy hoạch liên quan khác trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân tỉnh;

d) Chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính thẩm định hồ sơ thành lập Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định thành lập hoặc không thành lập;

đ) Đề nghị và xem xét hỗ trợ của chương trình khuyến công cho các doanh nghiệp đầu tư kết cấu hạ tầng, doanh nghiệp sản xuất thuộc cụm công nghiệp hoạt động có hiệu quả và chấp hành tốt các quy định về sản xuất kinh doanh. Hướng dẫn các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp thực hiện chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ - thiết bị để khuyến khích tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, mở rộng quy mô sản xuất;

e) Cung cấp các biểu mẫu và hướng dẫn về các thủ tục làm hồ sơ xin cấp hạn ngạch; xuất nhập khẩu sản phẩm, hàng hóa, nguyên vật liệu phục vụ sản xuất - dịch vụ của các doanh nghiệp, nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật. Hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất - dịch vụ trong các cụm công nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, tổ chức các chương trình khuyến mãi trên địa bàn tỉnh; tham gia các hội chợ, triển lãm trong và ngoài nước thông qua các chương trình xúc tiến thương mại - xuất khẩu của tỉnh;

f) Chịu trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy phép thành lập Văn phòng đại diện của các nhà đầu tư nước ngoài trên địa bàn tỉnh; cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thương mại, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện theo quy định của pháp luật; g) Chỉ đạo Trung tâm Xúc tiến thương mại tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất - dịch vụ trong cụm công nghiệp tham gia vào chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ triễn lãm, đào tạo nguồn nhân lực theo kế hoạch hàng năm của Trung tâm được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; h) Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư và giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình hình thành hoạt động và phát triển cụm công nghiệp đồng thời có sự tham gia của các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố.

3. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

a) Phối hợp góp ý về quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp, thành lập cụm công nghiệp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Tổ chức thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư xây dựng hạ tầng ngoài hàng rào các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

b) Tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh ghi kế hoạch vốn cho công tác lập quy hoạch, vốn xây dựng hạ tầng kỹ thuật hàng năm cho các cụm công nghiệp;

c) Làm đầu mối tiếp nhận và xử lý hồ sơ theo Luật Đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào cụm công nghiệp;

d) Thông qua các chương trình, chính sách thu hút đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp của Trung ương và của tỉnh, phối hợp với Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp để mời gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp; đồng thời, cùng với đơn vị đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp đẩy mạnh hoạt động thu hút đầu tư vào cụm công nghiệp.

4. Sở Tài chính:

a) Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Công thương thẩm định hồ sơ thành lập Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp;

b) Cân đối và thực hiện hỗ trợ kinh phí đầu tư hạ tầng ngoài hàng rào cụm công nghiệp theo chính sách ưu đãi của Trung ương và của tỉnh.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Chủ trì cùng các sở, ngành, địa phương có liên quan thực hiện các công tác về giải tỏa, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định hiện hành;

b) Sau khi quy hoạch chi tiết cụm công nghiệp 1/2.000 được phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp về thủ tục liên quan đến việc cho thuê đất, hoặc giao đất theo quy định của chính sách pháp luật đất đai; trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thu hồi, chuyển mục đích sử dụng đất và giao quyền sử dụng đất của dự án cho doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp; giao đất, cho thuê đất các doanh nghiệp sản xuất - dịch vụ trong cụm công nghiệp;

c) Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về tài nguyên và môi trường trong quá trình hoạt động của nhà đầu tư; hướng dẫn các thủ tục về tài nguyên và bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật cho các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng, doanh nghiệp sản xuất - dịch vụ ở các cụm công nghiệp;

d) Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện để kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường đối với các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng và các doanh nghiệp sản xuất - dịch vụ ở các cụm công nghiệp theo quy định;

đ) Trình Ủy ban nhân dân tỉnh cấp Giấy chứng nhận sở hữu công trình cho các chủ đầu tư.

6. Sở Xây dựng:

a) Phối hợp với các sở, ngành, địa phương trong việc lập quy hoạch các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Thẩm định các quy hoạch chi tiết đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp để chủ đầu tư trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt;

b) Hướng dẫn lập hồ sơ xin cấp phép xây dựng và cấp phép xây dựng cho nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp khi triển khai xây dựng công trình; c) Cung cấp các thông tin liên quan đến chính sách kinh tế xây dựng; cung cấp nội dung liên quan đến quy hoạch kiến trúc các công trình trong cụm công nghiệp khi có yêu cầu.

7. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

a) Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát, xem xét các quy hoạch phát triển lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản, quy hoạch đất lúa, quy hoạch đất sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi…đối với phần diện tích có chồng lấn với quy hoạch cụm công nghiệp để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định;

b) Triển khai quy hoạch phát triển ngành nghề nông thôn của tỉnh đến các cụm công nghiệp trên địa bàn;

c) Phối hợp với các sở, ngành, địa phương có liên quan trong việc lập quy hoạch các hồ chứa, kênh mương, bảo đảm cấp đủ nước cho sản xuất các cụm công nghiệp.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội:

a) Theo dõi, quản lý, kiểm tra, hướng dẫn việc ký kết hợp đồng lao động cho doanh nghiệp sản xuất và dịch vụ các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh; khai trình việc sử dụng lao động, đăng ký lao động; cấp sổ lao động; đăng ký nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể; đăng ký hệ thống thang lương, bảng lương; cấp gia hạn, thu hồi Giấy phép lao động cho lao động người nước ngoài, thực hiện an toàn, vệ sinh lao động; báo cáo tình hình sử dụng lao động định kỳ quý, năm;

b) Phân cấp cho Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội cấp huyện phối hợp với Phòng Kinh tế và Hạ tầng (Phòng Kinh tế), Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp theo dõi, quản lý, kiểm tra, hướng dẫn các doanh nghiệp trong cụm công nghiệp sử dụng dưới 10 lao động thực hiện các nội dung quy định của Bộ luật Lao động thực hiện các chính sách, chế độ lao động, tiền lương (tiền công) đối với người lao động theo đúng quy định của pháp luật; tham mưu Ủy ban nhân dân cấp huyện giải quyết tranh chấp lao động khi có phát sinh ở các doanh nghiệp trong các cụm công nghiệp.

Điều 5. Trách nhiệm quản lý Nhà nước của chính quyền địa phương

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Căn cứ quyết định ban hành Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện ban hành Quy chế phối hợp quản lý Trung tâm Phát triển cụm công nghiệp cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương;

b) Tham gia xây dựng quy hoạch tổng thể, quy hoạch cụm công nghiệp trên địa bàn. Hàng năm, căn cứ quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tình hình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của địa phương; nếu đáp ứng đủ các điều kiện quy định tại Điều 5 Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ thì lập hồ sơ trình Ủy ban nhân dân tỉnh thành lập cụm công nghiệp thông qua Sở Công thương;

c) Khai thác các nguồn vốn, vận động các nhà đầu tư để đầu tư kinh doanh hạ tầng và đầu tư sản xuất kinh doanh dịch vụ trong cụm công nghiệp;

d) Phối hợp với Sở Công thương đề xuất danh mục ngành nghề sản xuất ưu tiên đầu tư trong các cụm công nghiệp trên địa bàn;

đ) Tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp hoạt động theo Quy chế này và các quy định khác của pháp luật.

2. Các phòng, ban cấp huyện:

a) Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế và Hạ tầng:

- Thực hiện chức năng là cơ quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý Nhà nước về cụm công nghiệp trên địa bàn;

- Thẩm tra và trình Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư đối với các nhà đầu tư trong nước đầu tư vào cụm công nghiệp; tiếp nhận hồ sơ đăng ký cấp Giấy chứng nhận đầu tư dự án có vốn đầu tư nước ngoài chuyển đến cơ quan có thẩm quyền xét duyệt và thông báo kết quả cho nhà đầu tư.

b) Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện, Phòng Quản lý đô thị, Phòng Tài nguyên và Môi trường, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phối hợp với Phòng Kinh tế, Phòng Kinh tế và Hạ tầng:

- Đẩy nhanh tiến độ lập các thủ tục đền bù, giải tỏa, giải phóng mặt bằng, tái định cư, đảm bảo sớm hoàn thành thi công xây dựng kết cấu hạ tầng các cụm công nghiệp để có mặt bằng kêu gọi, thu hút đầu tư;

- Lập các thủ tục tạm giao mặt bằng, thẩm định thiết kế xây dựng của nhà đầu tư theo phân cấp, thỏa thuận địa điểm được nhà đầu tư lựa chọn, thực hiện quy hoạch, quản lý việc triển khai quy hoạch được duyệt.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác của huyện trong việc tuyên truyền, giải thích và thực hiện chủ trương đền bù, giải tỏa, động viên nhân dân giải phóng mặt bằng (nhà cửa, vật kiến trúc, cây trồng…) để tạo điều kiện thi công nhanh kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp, bố trí sớm đất xây dựng nhà xưởng cho nhà đầu tư;

b) Khi đã có thông báo quy hoạch hoặc quy hoạch cụm công nghiệp được duyệt, Ủy ban nhân dân cấp xã phải thực hiện quản lý tốt quy hoạch, không được để dân cư lấn chiếm, xây dựng trái phép các công trình, chôn cất mồ mã, trồng cây xanh, khai thác nguyên liệu… làm ảnh hưởng đến bố trí quy hoạch;

c) Đảm bảo tốt an ninh trật tự, an toàn xã hội, ngăn chặn, xử lý kịp thời các hành vi làm ảnh hưởng xấu đến môi trường xã hội, môi trường đầu tư của các nhà đầu tư tại cụm công nghiệp;

d) Hướng dẫn và thực hiện đăng ký tạm trú, tạm vắng cho công nhân, tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư yên tâm phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tránh làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư tại cụm công nghiệp thuộc địa phương mình quản lý;

đ) Tham mưu đề xuất Ủy ban nhân dân cấp huyện và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng khác của huyện trong quá trình lập khu tái định cư cho các hộ bị giải tỏa để xây dựng cụm công nghiệp;

e) Tham gia quản lý các công trình công cộng như: công trình đường bộ, lưới điện, cây xanh, công trình hạ tầng bên ngoài cụm công nghiệp; phối hợp với các ngành liên quan của huyện để quản lý các hoạt động tại cụm công nghiệp theo hướng trật tự, an toàn và văn minh.

Chương III

PHỐI HỢP QUẢN LÝ ĐẦU TƯ CỤM CÔNG NGHIỆP

Điều 6. Phân cấp quản lý đầu tư trong cụm công nghiệp

1. Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Phê duyệt quy hoạch chi tiết các cụm công nghiệp sau khi có ý kiến thẩm định của Sở Xây dựng;

b) Cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng, sản xuất - dịch vụ trong cụm công nghiệp do Sở Kế hoạch và Đầu tư trình đối với các dự án có vốn đầu tư nước ngoài.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Thực hiện, phối hợp trong công tác bồi thường giải tỏa, hỗ trợ và tái định cư theo quy định hiện hành;

b) Lập và trình dự án xin kinh phí từ ngân sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hệ thống giao thông kể từ điểm nối đường giao thông công cộng đến hàng rào cụm công nghiệp, hệ thống thoát nước (đấu nối từ trạm xử lý nước thải tập trung trong cụm công nghiệp đến hệ thống thoát nước chung), trình xin hỗ trợ 20% kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung trong cụm công nghiệp;

c) Xem xét cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy phép xây dựng đối với các nhà đầu tư trong nước vào trong cụm công nghiệp;

d) Xem xét cấp, điều chỉnh, thu hồi Giấy phép đăng ký kinh doanh đối với các hộ kinh doanh cá thể đầu tư trong cụm công nghiệp;

đ) Tham gia thẩm định giá cho thuê lại đất, giá cho thuê hoặc bán nhà xưởng, chi phí sử dụng kết cấu hạ tầng và chi phí dịch vụ khác tại các cụm công nghiệp đầu tư bằng vốn ngân sách trên địa bàn.

3. Các sở quản lý chuyên ngành:

Thực hiện theo các Điều 3, Điều 4, Điều 5 của Quy chế này và theo phân cấp quản lý đất đai, đầu tư xây dựng hiện hành.

Điều 7. Phối hợp về đầu tư kết cấu hạ tầng, sản xuất - dịch vụ trong cụm công nghiệp

1. Doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp:

a) Phối hợp với các phòng, ban chức năng của huyện có liên quan trong việc đền bù giải tỏa, tái định cư phục vụ cho việc phát triển cụm công nghiệp;

b) San lấp mặt bằng toàn bộ diện tích dự án;

c) Đầu tư xây dựng hệ thống giao thông trong nội bộ cụm công nghiệp;

d) Đầu tư xây dựng hệ thống điện trung thế từ điểm nối với hệ thống điện lưới quốc gia đến trạm biến áp trong cụm công nghiệp. Hệ thống lưới điện hạ áp

3 pha từ xuất tuyến trạm biến áp phủ khắp khu vực cụm công nghiệp;

đ) Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước từ điểm đấu nối với hệ thống cấp nước công cộng hoặc từ nguồn nước thông qua hệ thống ống dẫn bố trí khắp cụm công nghiệp;

e) Đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước, xử lý nước thải: cống thu hồi nước thải xây dựng trong khắp cụm công nghiệp đến hồ xử lý tập trung và dẫn đến điểm nối dẫn vào hệ thống thoát công cộng;

f) Đầu tư các hạng mục khác liên quan đến hạ tầng như: hệ thống thông tin liên lạc, công trình cây xanh trong cụm và các công trình khác...

2. Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong cụm công nghiệp: Chịu trách nhiệm đầu tư đấu nối từ các hệ thống ở khoản 1 Điều này vào khu vực sản xuất - dịch vụ của doanh nghiệp.

Điều 8. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng

1. Đơn vị kinh doanh hạ tầng có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 11 của Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg.

2. Lập và trình duyệt quy hoạch chi tiết, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng các cụm công nghiệp (trong đó, bao gồm phương án đền bù, giải phóng mặt bằng, di dời dân trên diện tích đất được giao hoặc được thuê; các yêu cầu và giải pháp về kết nối hạ tầng ngoài các cụm công nghiệp; xây dựng phương án khung giá cho thuê lại đất đã xây dựng kết cấu hạ tầng và các loại phí dịch vụ).

3. Triển khai dự án đầu tư đã được phê duyệt trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày được giao hoặc thuê đất để xây dựng kết cấu hạ tầng, đảm bảo chất lượng, tiến độ xây dựng.

Điều 9. Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp sản xuất - dịch vụ

1. Doanh nghiệp sản xuất - dịch vụ có quyền và nghĩa vụ theo quy định tại Điều 14 Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg.

2. Triển khai thực hiện dự án đầu tư đã được cấp phép trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày được giao hoặc thuê đất trong các cụm công nghiệp. 3. Trường hợp doanh nghiệp tự đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất thì phải đảm bảo quy hoạch chung và các tiêu chuẩn về xây dựng.

Điều 10. Xây dựng và giao kế hoạch vốn đầu tư

Trong kế hoạch hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo danh mục các cụm công nghiệp ưu tiên đầu tư, cân đối và đề xuất nguồn vốn gửi về Sở Công thương tổng hợp, thông qua Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính xem xét, trình Ủy ban nhân dân tỉnh đề nghị Bộ Công thương bố trí vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp hoặc giao kế hoạch vốn ngân sách địa phương hỗ trợ lập quy hoạch chi tiết, lập dự án đầu tư kết cấu hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải, kinh phí đền bù giải tỏa, giải phóng mặt bằng cho địa phương.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Điều khoản thi hành

1. Giao Giám đốc Sở Công thương chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện tốt Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg ngày 19 tháng 8 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 39/2009/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2009 của Bộ Công thương về Quy chế quản lý cụm công nghiệp và những nội dung trong Quy chế này.

2. Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh các tổ chức và cá nhân hoạt động theo Quy chế quản lý cụm công nghiệp theo Quyết định số 105/2009/QĐ-TTg , Thông tư số 39/2009/TT-BCT và Quy chế này, phản ảnh kịp thời về Sở Công thương để tổng hợp. Định kỳ 6 tháng, Sở Công thương báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình hoạt động và phát triển các cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và những vấn đề phát sinh cần giải quyết, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Bộ Công thương xem xét điều chỉnh, bổ sung./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 39/2010/QĐ-UBND về Quy chế phối hợp quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận ban hành

  • Số hiệu: 39/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/09/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận
  • Người ký: Huỳnh Tấn Thành
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/09/2010
  • Ngày hết hiệu lực: 01/05/2019
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản