- 1Thông tư 60/2005/TT-BNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 56/2005/NĐ-CP về Khuyến nông, khuyến ngư do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Nghị định 56/2005/NĐ-CP về khuyến nông, khuyến ngư
- 3Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo do Chính phủ ban hành
UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/2009/QĐ-UBND | Lào Cai, ngày 08 tháng 12 năm 2009 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC KIỆN TOÀN HỆ THỐNG KHUYẾN NÔNG VIÊN CƠ SỞ TỈNH LÀO CAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÀO CAI
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 56/2005/NĐ.CP ngày 26/4/2005 của Chính phủ về Khuyến nông, khuyến ngư;
Căn cứ Thông tư số 60/2005/TT-BNN ngày 10/10/2005 của Bộ Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn thực hiện một số nội dung của Nghị định số 56/2005/NĐ.CP của Chính phủ;
Căn cứ Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ;
Căn cứ Công văn số 1630/BNN-VP ngày 10/6/2009 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc tiếp tục duy trì hoạt động Hội đồng tư vấn khuyến nông và khuyến nông viên cơ sở;
Căn cứ Công văn số 245/HĐND-TT ngày 01/ 12/2009 của Thường trực HĐND tỉnh Lào Cai v/v thỏa thuận Tờ trình số 98/TTr-UBND ngày 17/11/2009 của UBND tỉnh Lào Cai về kiện toàn hệ thống khuyến nông viên cơ sở;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Kiện toàn hệ thống khuyến nông viên cơ sở
Nhân viên khuyến nông, khuyến ngư cơ sở thuộc hệ thống mạng lưới khuyến nông của tỉnh Lào Cai, có chức năng tham mưu cho UBND xã, thị trấn thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, thú y, bảo vệ thực vật trên địa bàn (gọi tắt là khuyến nông viên cơ sở).
Khuyến nông viên cơ sở chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của trạm khuyến nông các huyện, thành phố, đồng thời chịu sự quản lý của UBND xã, thị trấn.
Điều 2. Nhiệm vụ quyền hạn của khuyến nông viên cơ sở
1. Giúp UBND cấp xã hướng dẫn, cung cấp thông tin đến người sản xuất, tuyên truyền chủ trương đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, tiến bộ khoa học và công nghệ thông tin thị trường, giá cả, phổ biến điển hình trong sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp; tham gia xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các chương trình, dự án về chăn nuôi, thú y;
2. Quản lý chất lượng giống cây trồng, phân bón và vệ sinh an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của cơ quan quản lý cấp trên;
3. Bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo truyền nghề cho người sản xuất để nâng cao kiến thức về bảo vệ thực vật, kỹ năng sản xuất, quản lý kinh tế, tổ chức tham quan, khảo sát, học tập cho người sản xuất;
4. Xây dựng các mô hình trình diễn về tiến bộ khoa học công nghệ phù hợp với địa phương, nhu cầu của người sản xuất và chuyển giao kết quả từ mô hình trình diễn ra diện rộng;
5. Tổng hợp nhanh, báo cáo kịp thời tình hình sâu bệnh hại, đề xuất, hướng dẫn biện pháp kỹ thuật phòng, trừ dịch bệnh cây trồng; tiếp thu và phản ánh với cấp có thẩm quyền nguyện vọng của nông dân về khoa học công nghệ, cơ chế chính sách trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT;
6. Tư vấn và dịch vụ trong các lĩnh vực:
a. Tư vấn, hỗ trợ chính sách, thị trường, khoa học công nghệ, áp dụng kinh nghiệm tiên tiến trong sản xuất, quản lý, kinh doanh về phát triển nông, lâm, ngư nghiệp;
b. Tư vấn ứng dụng công nghệ chế biến sau thu hoạch;
c. Tư vấn, hỗ trợ cải tiến, hợp lý hoá sản xuất, hạ giá thành trong lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp;
d. Dịch vụ trong các lĩnh vực pháp luật, cung cấp thông tin, chuyển giao công nghệ, xúc tiến thương mại, thị trường, cung cấp vật tư kỹ thuật, thiết bị và các lĩnh vực khác liên quan đến nông nghiệp và phát triển nông thôn.
7. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Trạm Khuyến nông cấp huyện và UBND cấp xã giao.
Điều 3. Về tổ chức khuyến nông viên cơ sở
Mỗi xã, thị trấn bố trí 01 khuyến nông viên cơ sở. Tổng số 152 xã, thị trấn bố trí đủ 152 nhân viên khuyến nông khuyến lâm, khuyến ngư, thú y, bảo vệ thực vật; trong đó:
- Số đã tuyển dụng theo Quyết định 149/2000/QĐ-UB ngày 26/4/2000 là 39 người;
- Số tuyển mới 113 người để đảm nhận các nhiệm vụ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, bảo vệ thực vật ở 113 xã, thị trấn còn lại (trong đó 50 người bố trí cho 50 xã thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP).
Điều 4. Tiêu chuẩn, đối tượng tuyển dụng
1. Tiêu chuẩn: Người có trình độ đào tạo (tốt nghiệp) từ Trung cấp trở lên các chuyên ngành: Nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ lợi, thuỷ sản; có đủ tiêu chuẩn về sức khoẻ theo quy định.
2. Đối tượng tuyển dụng: Nhân viên tham gia chương trình (ASDP); con em người địa phương (tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong nước và học viện Hồng Hà - Vân Nam Trung Quốc về), đặc biệt ưu tiên con em đồng bào dân tộc thiểu số; Những người đang làm công tác thú y cơ sở có trình độ từ trung cấp trở lên có khả năng làm công tác khuyến nông, khuyến ngư, bảo vệ thực vật; con em cán bộ, công chức, viên chức hiện công tác tại Lào Cai; số đang có hộ khẩu thường trú tại địa phương đáp ứng tiêu chuẩn tuyển dụng.
Điều 5. Hình thức, thời gian tuyển dụng
1. Hình thức tuyển dụng (Theo hình thức hợp đồng): Xét tuyển theo quy định về tuyển dụng viên chức vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước thuộc tỉnh Lào Cai.
Sau khi trúng tuyển, người của xã nào sẽ bố trí làm việc tại xã đó, số còn lại được xem xét bố trí hợp lý để ổn định cuộc sống và yên tâm công tác.
2. Thời gian tuyển dụng (theo hình thức hợp đồng): Từ 01/01/2010.
(Từ tháng 6 đến hết tháng 12 năm 2009 tiếp tục duy trì và trả tiền công cho 120 nhân viên hợp đồng tư vấn khuyến nông; chế độ chính sách thực hiện theo Quyết định số 1077/QĐ-UBND ngày 15/5/2007 của UBND tỉnh Lào Cai. Nguồn kinh phí do ngân sách tỉnh cấp).
Điều 6. Chế độ chính sách và nguồn kinh phí thực hiện
1. Chế độ chính sách
- Người trúng tuyển được trả lương theo trình độ chuyên môn đào tạo, được hưởng các chế độ của viên chức nhà nước theo quy định hiện hành.
- Nguồn kinh phí chi trả lương cho nhân viên khuyến nông cơ sở sử dụng nguồn ngân sách của địa phương (do ngân sách cấp huyện chi trả theo dự toán được giao hàng năm). Riêng kinh phí chi trả cho 50 cán bộ thuộc huyện nghèo (huyện Bắc Hà 21 xã, Mường Khương 16 xã, Si Ma Cai 13 xã) thực hiện theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 17/12/2008 của Chính phủ.
2. Kinh phí thực hiện
- Kinh phí địa phương chi trả cho 102 người (kể cả 39 người đã tuyển theo Quyết định 149/2000/QĐ-UB ngày 26/4/2000 của UBND tỉnh Lào Cai);
- Kinh phí từ thực hiện theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 17/12/2008 của Chính phủ để chi trả 50 người (kết thúc thời gian thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 17/12/2008 của Chính phủ, ngân sách tỉnh tiếp tục chi trả).
- Giao cho Trạm Khuyến nông cấp huyện trực tiếp quản lý và thanh toán chế độ cho đội ngũ nhân viên khuyến nông, khuyến ngư cơ sở.
Điều 7. Quản lý đội ngũ nhân viên khuyến nông, khuyến ngư cơ sở
1. Trạm Khuyến nông huyện, thành phố: Trực tiếp quản lý, điều hành nhiệm vụ chuyên môn và thực hiện chế độ chính sách đối với đội ngũ khuyến nông, khuyến ngư cơ sở; hàng tháng, quý và đột xuất tổ chức họp giao ban để nhân viên khuyến nông, khuyến ngư cơ sở báo cáo, phản ánh tình hình sản xuất của địa phương mình phụ trách và nhận sự chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ chuyên môn.
2. UBND xã, thị trấn: Căn cứ vào nhiệm vụ của nhân viên khuyến nông, khuyến ngư trực tiếp sử dụng nhân viên khuyến nông, khuyến ngư xã trên địa bàn. Có trách nhiệm quản lý, đánh giá chất lượng, hiệu quả và thời gian làm việc của Nhân viên khuyến nông, khuyến ngư trên địa bàn. Việc sử dụng nhân viên khuyến nông, khuyến ngư cho các hoạt động khác (nếu cần) không phải là nhiệm vụ sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp không được quá 1/3 thời gian làm việc trong tháng.
3. Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Ký hợp đồng làm việc, điều động, xét đề nghị nâng bậc lương hàng năm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện việc nhận xét, đánh giá phẩm chất đạo đức, năng lực chuyên môn, kết quả công tác hàng năm trên cơ sở có xác nhận của UBND xã, thị trấn và đề nghị của Trạm Khuyến nông cấp huyện.
4. Các cơ quan, đơn vị trên địa bàn huyện, thành phố: Phòng Nông nghiệp và PTNT (Phòng Kinh tế), Trạm Thú y, Bảo vệ thực vật.... phối hợp chỉ đạo, tổ chức tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhân viên khuyến nông, khuyến ngư cơ sở.
Điều 8. Về cộng tác viên khuyến nông, khuyến ngư thôn, bản
Mỗi thôn, bản thuộc các huyện Bắc Hà, Si Ma Cai, Mường Khương bố trí 01 cộng tác viên khuyến nông, khuyến ngư theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ, cụ thể:
1. Tiêu chuẩn, đối tượng: Tốt nghiệp THCS trở lên, đủ sức khoẻ theo quy định; là người địa phương đã tham gia chương trình phát triển ngành nông nghiệp ASDP nhưng không đủ tiêu chuẩn tuyển dụng làm khuyến nông viên cơ sở; nông dân có kinh nghiệm sản xuất, có uy tín và khả năng khuyến nông.
2. Chế độ chính sách: được trả phụ cấp bằng 50% mức lương tối thiểu.
3. Nguồn kinh phí thực hiện theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ.
4. Thời gian thực hiện: Từ 01/01/2010.
Điều 9. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì, phối hợp với Sở Nội vụ tổ chức thực hiện việc tuyển chọn đội ngũ nhân viên khuyến nông cơ sở đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy định, có đủ năng lực thực hiện các nhiệm vụ được giao.
2. Sở Tài chính hướng dẫn UBND các huyện, thành phố cân đối, bố trí nguồn vốn, cấp kinh phí chi trả chế độ chính sách của nhân viên khuyến nông cơ sở theo định mức đã được UBND tỉnh phê duyệt.
3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính hướng dẫn UBND các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Si Ma Cai thực hiện việc hỗ trợ cán bộ khuyến nông, khuyến ngư theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 17/12/2008 của Chính phủ;
4. UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, chỉ đạo các phòng, ban có liên quan, UBND các xã, thị trấn phối hợp với chặt chẽ với Trạm Khuyến nông cấp huyện tổ chức thực hiện việc quản lý sử dụng và thực hiện chế độ, chính sách đối với đội ngũ khuyến nông viên cơ sở.
5. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Trung tâm Khuyến nông tỉnh:
- Xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ, quản lý sử dụng và chỉ đạo đội ngũ khuyến nông, khuyến ngư cơ sở hoạt động hiệu quả.
- Hướng dẫn Trạm Khuyến nông cấp huyện quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn ngân sách Nhà nước cấp; thực hiện nghiêm túc việc chi trả chế độ chính sách cho đội ngũ khuyến nông viên cơ sở theo đúng quy định tài chính hiện hành.
- Hướng dẫn Trạm Khuyến nông cấp huyện phối hợp với UBND cấp xã tuyển chọn cộng tác viên khuyến nông thôn bản.
Điều 10. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nội vụ, Nông nghiệp và PTNT, Tài chính, Lao động - TBXH, Kế hoạch và Đầu tư; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
- 1Thông tư 60/2005/TT-BNN hướng dẫn thực hiện Nghị định 56/2005/NĐ-CP về Khuyến nông, khuyến ngư do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 2Nghị định 56/2005/NĐ-CP về khuyến nông, khuyến ngư
- 3Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo do Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết 07/2007/NQ-HĐND xây dựng hệ thống khuyến nông cơ sở do tỉnh Đắk Lắk ban hành
- 5Nghị quyết 12/NQ-HĐND năm 2015 bãi bỏ Nghị quyết 37/2011/NQ-HĐND về Quy định mức phụ cấp, nguồn chi trả phụ cấp đối với khuyến nông viên cơ sở và cộng tác viên khuyến nông cơ sở do tỉnh Phú Thọ ban hành
Quyết định 39/2009/QĐ-UBND về kiện toàn hệ thống khuyến nông viên cơ sở tỉnh Lào Cai do Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai ban hành
- Số hiệu: 39/2009/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 08/12/2009
- Nơi ban hành: Tỉnh Lào Cai
- Người ký: Nguyễn Hữu Vạn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/12/2009
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực