Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 3896/QĐ-UB-NCVX

TP. Hồ Chí Minh, ngày 19 tháng 11 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC KIỆN TOÀN TỔ CHỨC BAN TÔN GIÁO TP.HỒ CHÍ MINH.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21/6/1994;
- Căn cứ Nghị định số 37/CP ngày 04/6/1993 của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tôn giáo của Chính phủ;
- Căn cứ Thông tư số 01//TT-LB ngày 11/4/1994 của Liên Bộ Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ và Ban Tôn giáo của Chính phủ hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn tổ chức bộ máy và quy trình thành lập Ban Tôn giáo ở các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Xét đề nghị của Trưởng Ban Tôn giáo và Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Ban Tôn giáo thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân thành phố, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các hoạt động tôn giáo theo pháp luật của nhà nước trên địa bàn thành phố.

Ban Tôn giáo thành phố chịu sự quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân thành phố về công tác, tổ chức, biên chế và chịu sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Ban Tôn giáo của Chính phủ, đảm bảo sự quản lý thống nhất về chủ trương, chính sách công tác tôn giáo của Đảng và nhà nước.

Ban Tôn giáo thành phố có tư cách pháp nhân, được cấp kinh phí hoạt động, có con dấu riêng và tài khoản ở Kho bạc Nhà nước theo quy định của nhà nước.

Điều 2.- Ban Tôn giáo thành phố có các nhiệm vụ, quyền hạn chính như sau:

1/ Chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan để thực hiện chính sách tôn giáo ở thành phố, là đầu mối quan hệ giữa các sở, ban, ngành và các cấp ở thành phố với các tổ chức tôn giáo ở thành phố, kể cả hoạt động đối ngoại có liên quan đến tôn giáo.

2/ Nắm tình hình hoạt động của các tôn giáo và tình hình công tác tôn giáo ở thành phố; nghiên cứu, quán triệt các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước về hoạt động tôn giáo và công tác tôn giáo; phối hợp với các ngành chức năng của thành phố để đề xuất các chủ trương công tác, đồng thời giúp Ủy ban nhân dân thành phố cụ thể hóa các chủ trương công tác thành các quyết định của Ủy ban nhân dân thành phố phù hợp với chính sách, pháp luật của nhà nước về công tác tôn giáo.

3/ Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức tôn giáo, các cấp, các ngành, tổ chức xã hội và công dân trong việc chấp hành và thực hiện các chủ trương, chính sách, pháp luật của nhà nước về tôn giáo.

4/ Tạo điều kiện giúp Mặt trận tổ quốc thành phố và các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội và ban ngành của thành phố có liên quan trong công tác tuyên truyền vận động tổ chức quần chúng tín đồ tôn giáo chấp hành pháp luật nhà nước và tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng bảo vệ thành phố, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc thực hiện chính sách đối với chức sắc, nhân sĩ tôn giáo.

5/ Có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ làm công tác tôn giáo ở thành phố.

6/ Quản lý tổ chức bộ máy, tài sản, kinh phí hoạt động của Ban theo đúng quy định của nhà nước.

Điều 3.- Ban Tôn giáo thành phố do 1 Trưởng Ban phụ trách. Giúp việc cho Trưởng Ban có một số Phó Trưởng Ban.

Trưởng Ban Tôn giáo thành phố do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm với sự thỏa thuận của Trưởng Ban Tôn giáo của Chính phủ, Phó Trưởng Ban do Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố bổ nhiệm theo đề nghị của Trưởng Ban. Các chức danh khác của Ban Tôn giáo thành phố do Trưởng Ban bổ nhiệm sau khi thỏa thuận với Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố.

Điều 4.- Tổ chức cơ quan Ban Tôn giáo thành phố gồm có Phòng Hành chánh quản trị và các Tổ chuyên viên, chuyên trách sâu từng tôn giáo.

- Trong phạm vị biên chế, quỹ lương được Ủy ban nhân dân thành phố giao, Trưởng Ban Tôn giáo thành phố có trách nhiệm bố trí, sắp xếp bộ máy và cán bộ theo hướng tinh gọn, có hiệu lực.

- Trưởng Ban Tôn giáo thành phố có trách nhiệm nghiên cứu trình Ủy ban nhân dân thành phố (thông qua Ban Tổ chức chính quyền thành phố) xem xét, ban hành quy chế tổ chức hoạt động của Ban Tôn giáo.

Điều 5.- Đối với cấp quận, huyện : nơi có nhiều tôn giáo Ủy ban nhân dân phân công một đồng chí Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phụ trách công tác tôn giáo và có từ 1 đến 2 chuyên viên giúp việc đặt trong Văn phòng Ủy ban nhân dân.

Điều 6.- Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành. Bãi bỏ quyết định số 179/QĐ-UB ngày 17/9/1988 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc kiện toàn tổ chức Ban Tôn giáo thành phố Hồ Chí Minh trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố.

Điều 7.- Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Trưởng Ban Tổ chức chính quyền thành phố, Trưởng Ban Tôn giáo thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể và Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện có trách nhiệm thi hành quyết định này.-

 

 

T/M ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Trương Tấn Sang

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3896/QĐ-UB-NCVX năm 1994 về việc kiện toàn tổ chức ban tôn giáo thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 3896/QĐ-UB-NCVX
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 19/11/1994
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Trương Tấn Sang
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 19/11/1994
  • Ngày hết hiệu lực: 07/07/2009
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản