Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3888/QĐ-UBND | Quảng Ninh, ngày 18 tháng 11 năm 2016 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Quy hoạch số 30/2009/QH12 ngày 17/06/2009; Luật Xây dựng số 50/2014/QH13;
Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị”; Nghị định số 44/2015/NĐ-CP ngày 06/05/2015 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 12/2016/TT-BXD ngày 29/6/2016 của Bộ Xây dựng quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch khu chức năng đặc thù;
Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ “V/v phê duyệt điều chỉnh định hướng Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050”; Quyết định số 758/QĐ-TTg ngày 08/6/2009 của Thủ tướng Chính phủ “V/v phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020”; Quyết định số 1659/QĐ-TTg ngày 07/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ “V/v phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020”; Quyết định số 1107/QĐ-TTg ngày 21/8/2006 của Thủ tướng Chính phủ “V/v phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020”; Văn bản số 1607/TTg-KTN ngày 09/9/2009 của Thủ tướng Chính phủ “V/v bổ sung quy hoạch các khu công nghiệp tỉnh Quảng Ninh”; Quyết định số 2622/QĐ-TTg ngày 31/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ “V/v phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Nghị quyết số 22/NQ-CP ngày 07/02/2013 của Chính phủ về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kì đầu (2011-2015) tỉnh Quảng Ninh;
Căn cứ Quvết định số 1588/QĐ-UBND ngày 28/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài năm 2050; Quyết định số 1799/QĐ-UBND ngày 18/8/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh “V/v phê duyệt Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 1418/QĐ-UBND ngày 04/7/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh “Về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 1791/QĐ-UBND ngày 18/8/2014 của Ủy ban nhân dân “V/v phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Quảng Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”; Quyết định số 1047/QĐ- UBND ngày 23/5/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh “V/v phê duyệt Nhiệm vụ Quy hoạch chung thị xã Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”;
Căn cứ Thông báo số 259-TB/TU ngày 30/6/2016 của Tỉnh ủy về kết luận của Thường trực Tỉnh ủy về đồ án Quy hoạch chung thị xã Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Thông báo số 322-TB/TU ngày 24/8/2016 của Tỉnh ủy về ý kiến kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đồ án Quy hoạch chung thị xã Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Thông báo số 173/TB-UBND ngày 22/6/2016 của UBND tỉnh về kết luận của đồng chí Nguyễn Đức Long - Chủ tịch UBND tỉnh tại cuộc họp báo cáo Đồ án Quy hoạch chung thị xã Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Căn cứ Văn bản số 2199/BXD-QHKT ngày 10/10/2016 của Bộ Xây dựng “V/v xin ý kiến thỏa thuận về đồ án Quy hoạch chung thị xã Quảng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”;
Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 482/TTr-SXD ngày 14/11/2016 về việc trình duyệt Quy hoạch chung thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chung thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với các nội dung chính như sau:
1. Phạm vi, ranh giới và thời hạn quy hoạch
1.1. Phạm vi, ranh giới:
- Phạm vi nghiên cứu trực tiếp gồm toàn bộ địa giới hành chính thị xã Quảng Yên (11 phường và 08 xã) với tổng diện tích 31.419,99ha; giới hạn như sau: Phía Bắc giáp thành phố Uông Bí và huyện Hoành Bồ; Phía Nam giáp huyện Cát Hải và Quận Hải An (Hải Phòng); Phía Đông giáp thành phố Hạ Long và Vịnh Hạ Long; Phía Tây giáp huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng.
- Nghiên cứu kết nối về phía Bắc thuộc thành phố Uông Bí, về phía Tây, phía Nam thuộc thành phố Hải Phòng, và phía Đông thuộc thành phố Hạ Long.
1.2. Thời hạn quy hoạch: Quy hoạch ngắn hạn đến năm 2020, dài hạn đến năm 2030, tầm nhìn chiến lược đến năm 2050.
2. Tính chất, chức năng đô thị
- Là trung tâm phát triển kinh tế, thương mại, du lịch, dịch vụ và cảng biển của tỉnh và của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ.
- Là trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí lớn của khu vực phía Tây Nam của tỉnh và vùng lân cận; gắn kết được các địa phương để tạo thành động lực phát triển du lịch toàn vùng.
- Là khu vực tập trung vào các ngành công nghiệp như: Sản xuất các sản phẩm phụ trợ; sửa chữa tàu thuyền; các dịch vụ thương mại và kho vận; chế biến thuỷ sản gắn với các hoạt động nuôi trồng thủy sản ở địa phương.
- Là khu vực năng động phát triển về kinh tế biển, trung tâm là cảng biển; khu công nghiệp hiện đại - khu đô thị thông minh và thân thiện với môi trường; các cơ sở nghiên cứu và phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
- Là địa bàn quan trọng về an ninh, quốc phòng tại cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh Quảng Ninh.
- Cụ thể hóa các mục tiêu của Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội thị xã Quảng Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh giai đoạn đến 2030 tầm nhìn ngoài 2050.
- Quy hoạch xây dựng, phát triển đô thị gắn với bảo tồn di tích lịch sử văn hóa, bản sắc riêng của địa phương, khai thác tốt những lợi thế riêng biệt về vị trí địa lý, môi trường tự nhiên, giá trị văn hóa lịch sử để phát triển kinh tế biển, du lịch, dịch vụ; đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Công nghiệp - Dịch vụ - Nông nghiệp gắn với thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
- Phấn đấu xây dựng thị xã Quảng Yên trở thành đô thị loại III trước năm 2020 và trở thành thành phố thông minh, văn minh, hiện đại trước năm 2030.
- Mở rộng và phát triển không gian đô thị trung tâm thị xã lấy Sông Chanh làm trục chính và là tâm điểm và phát triển các đô thị vệ tinh theo hướng đô thị thông minh, sinh thái, dịch vụ tổng hợp cao cấp.
- Khai thác có hiệu quả mối quan hệ nội ngoại vùng, các thế mạnh về nông lâm ngư nghiệp, công nghiệp, dịch vụ, du lịch, văn hóa, sinh thái và cảnh quan nhằm tạo lập môi trường sống tốt, đáp ứng các nhu cầu vật chất, tinh thần của nhân dân, đảm bảo phát triển hài hòa và bền vững giữa đô thị và nông thôn.
- Xây dựng kiến trúc mang đặc trưng riêng với truyền thống văn hóa Quảng Yên, đồng thời phù hợp với quy hoạch xây dựng vùng tỉnh và các đô thị lớn trong khu vực; xây dựng thị xã Quảng Yên hướng tới mục tiêu là một đô thị văn minh, hiện đại, sinh thái gắn với không gian truyền thống tâm linh, hấp dẫn đầu tư; đô thị Quảng Yên trở thành một đô thị đẹp, phát triển tại cửa ngõ phía Tây Nam của tỉnh, cửa mở sang Hải Phòng (vùng phát triển); Phát triển kinh tế song hành với thành phố Hải Phòng.
- Làm cơ sở để quản lý sử dụng đất đai, quản lý xây dựng theo quy hoạch, lập các đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết, thu hút đầu tư và triển khai các chương trình phát triển, các dự án đầu tư.
4.1. Dự báo quy mô dân số thị xã Quảng Yên:
- Đến năm 2020 khoảng 220.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 180.000 người.
- Đến năm 2030 khoảng 270.000 người, trong đó dân số nội thị khoảng 230.000 người.
4.2. Chỉ tiêu đất xây dựng đô thị
- Giai đoạn đếm năm 2020: Diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 2.353ha, tương ứng khoảng 131m2/người; trong đó: Đất dân dụng khoảng 116m2/người (nhu cầu đất xây dựng dân dụng đô thị khoảng 2.095ha); đất ngoài dân dụng 14,4m2/người.
- Giai đoạn tới năm 2030: Diện tích đất xây dựng đô thị khoảng 4.430ha, tương ứng khoảng 193m2/người; trong đó: Đất dân dụng 164m2/người (nhu cầu đất xây dựng dân dụng đô thị chiếm khoảng 3.768ha); đất ngoài dân dụng 28,8m2/người.
4.3. Các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật và cơ sở hạ tầng khác
Tuân thủ theo quy định của Quy chuẩn Việt Nam 01:2008/BXD và các tiêu chí của đô thị loại II vào năm 2030.
5. Quy hoạch sử dụng đất theo yêu cầu phát triển các giai đoạn
Stt | Loại đất | Đến năm 2020 | Đến năm 2030 | ||||
Diên tích (ha) | Tỷ lệ (%) | m2/ng | Diện tích (ha) | Tỷ lệ (%) | m2/ng | ||
I | Đất dân dụng | 3.623,03 | 11,53 | 164,68 | 5.080,37 | 16,17 | 188,16 |
1 | Đất đơn vị ở | 2.153,09 | 6,85 | 97,87 | 2.938,73 | 9,35 | 108,84 |
1.1 | Đất ở đô thị hiện trạng | 1.352,00 | 4,30 | 61,45 | 1.204,52 | 3,83 | 44,61 |
1.2 | Đất ở đô thị mới | 801,09 | 2,55 | 36,41 | 1.734,21 | 5,52 | 64,23 |
2 | Đất CTCC, DV đô thị | 379,28 | 1,21 | 17,24 | 512,53 | 1,63 | 18,98 |
2.1 | Đất CTCC | 66,98 | 0,21 | 3,04 | 125,08 | 0,40 | 4,63 |
2.2 | Đất y tế | 17,25 | 0,05 | 0,78 | 21,78 | 0,07 | 0,81 |
2.3 | Đất TM, DV, hỗn hợp | 161,95 | 0,52 | 7,36 | 193,36 | 0,62 | 7,16 |
2.4 | Đất giáo dục | 133,10 | 0,42 | 6,05 | 172,31 | 0,55 | 6,38 |
3 | Công viên, CX, TDTT | 119,37 | 0,38 | 5,43 | 245,51 | 0,78 | 9,09 |
4 | Đất giao thông đối nội | 971,28 | 3,09 | 44,15 | 1.383,60 | 4,40 | 51,24 |
II | Đất ngoài dân dụng | 3.735,30 | 11,89 | 169,79 | 8.120,93 | 25,85 | 300,78 |
1 | Đất CTCC, DV | 56,42 | 0,18 | 2,56 | 455,47 | 1,45 | 16,87 |
1.1 | Đất CTCC | 37,22 | 0,12 | 1,69 | 282,25 | 0,90 | 10,45 |
1.2 | Đất TM, DV, hỗn hợp | 19,20 | 0,06 | 0,87 | 173,22 | 0,55 | 6,42 |
2 | Đất SX, kinh doanh | 1.833,89 | 5,84 | 83,36 | 2.897,59 | 9,22 | 107,32 |
2.1 | Đất các Khu, CCN | 1.711,83 | 5,45 | 77,81 | 2.804,53 | 8,93 | 103,87 |
2.2 | Đất kho tàng, bến bãi | 122,06 | 0,39 | 5,55 | 93,06 | 0,30 | 3,45 |
3 | Đất cảng, DV cảng | 494,81 | 1,57 | 22,49 | 1.047,46 | 3,33 | 38,79 |
3.1 | Đất cảng biển | 440,72 | 1,40 | 20,03 | 679,67 | 2,16 | 25,17 |
3.2 | Đất dịch vụ cảng biển | 54,09 | 0,17 | 2,46 | 367,79 | 1,17 | 13,62 |
4 | Đất cơ quan | 39,54 | 0,13 | 1,80 | 65,45 | 0,21 | 2,42 |
5 | Đất các TT C.ngành | 161,08 | 0,51 | 7,32 | 2.004,28 | 6,38 | 74,23 |
5.1 | Đất Đ.tạo, n.cứu k.học | 72,57 | 0,23 | 3,30 | 429,42 | 1,37 | 15,90 |
5.2 | Đất du lịch nghỉ dưỡng | 88,51 | 0,28 | 4,02 | 1.574,86 | 5,01 | 58,33 |
6 | Đất CX ngoài dân dụng | 235,60 | 0,75 | 10,71 | 554,74 | 1,77 | 20,55 |
7 | Đất di tích và tôn giáo | 34,04 | 0,11 | 1,55 | 35,82 | 0,11 | 1,33 |
8 | Đất QP và an ninh | 391,31 | 1,25 | 17,79 | 386,95 | 1,23 | 14,33 |
9 | Giao thông đối ngoại, đầu mối HTKT- VSMT | 488,62 | 1,56 | 22,21 | 673,17 | 2,14 | 24,93 |
9.1 | Đất bến xe đối ngoại | 0,00 | 0,00 | 0,00 | 8,67 | 0,03 | 0,32 |
9.2 | Đất GT đối ngoại | 357,40 | 1,14 | 16,25 | 516,70 | 1,64 | 19,14 |
9.3 | Đầu mối HTKT | 50,43 | 0,16 | 2,29 | 120,75 | 0,38 | 4,47 |
9.4 | Nghĩa trang, nghĩa địa | 80,79 | 0,26 | 3,67 | 27,05 | 0,09 | 1,00 |
III | Đất khác | 24.061,66 | 76,58 | - | 18.218,69 | 57,98 | - |
1 | Đất ở hiện trạng | 979,29 | 3,12 | 44,51 | 895,91 | 2,85 | 33,18 |
2 | Đất ở làng xóm ĐT hóa | 190,98 | 0,61 | 8,68 | 525.32 | 1,67 | 19,46 |
3 | Đất dự trữ phát triển | 310,97 | 0,99 | 14,14 | 226.62 | 0,72 | 8,39 |
4 | Đất nông nghiệp | 4.205,36 | 13,38 | 191,15 | 1.764,78 | 5,62 | 65,36 |
5 | Đất nuôi trồng thủy sản | 5.426,65 | 17,27 | 246,67 | 2.043,89 | 6,51 | 75,70 |
6 | Đất lâm nghiệp | 2.646,44 | 8,42 | 120,29 | 2.625,17 | 8,36 | 97,23 |
7 | Rừng ngập mặn | 964,27 | 3,07 | 43,83 | 321,84 | 1,02 | 11,92 |
8 | Cây xanh cách ly, phòng hộ | 786,58 | 2,50 | 35,75 | 3.300,25 | 10,50 | 122,23 |
9 | Mặt nước | 8.551,12 | 27,22 | 388,69 | 6.514,91 | 20,73 | 241,29 |
| Tổng cộng | 31.419,99 | 100,0 | - | 31.419,99 | 100,0 |
|
6. Định hướng phát triển không gian
6.1. Mô hình và cấu trúc không gian
- Tiếp tục hoàn thiện, phát triển mô hình không gian theo định hướng quy hoạch giai đoạn trước; mở rộng không gian kết nối về phía Bắc và phía Nam, phát triển trên các trục kết nối (Quốc lộ 18, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long, tỉnh lộ 338) với các đô thị và các khu vực động lực phát triển về công nghiệp, du lịch.
- Cấu trúc không gian đô thị thị xã Quảng Yên phân thành 04 khu vực chính với đặc thù phát triển riêng cho từng khu vực, gồm:
(1) Khu vực công nghiệp công nghệ cao: Phạm vi từ ranh giới phía Bắc của thị xã Quảng Yên tới đường đô thị kết nối Hải Phòng với các khu đô thị mới; khu chức năng của vùng gồm khu công nghiệp AMATA, khu công nghiệp Đông Mai; khu đô thị mới Minh Thành cần kết nối chặt chẽ với các trường đại học và trung tâm nghiên cứu cũng như các nhà máy công nghệ cao thông qua giao thông và các chức năng đô thị khác.
(2) Khu vực trung tâm thị xã Quảng Yên: Phạm vi từ ranh giới của khu công nghiệp công nghệ cao phía Bắc, sông Bạch Đằng ở phía Tây, đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và tuyến đường vành đai kết nối khu vực Minh Thành ở phía Đông; khu chức năng chủ yếu gồm khu trung tâm đô thị mới, các khu đô thị mới Cẩm La, Liên Hòa và Đầm Nhà Mạc; định hướng phát triển là trung tâm đô thị đa chức năng với các khu đô thị mới dưới sự kiểm soát hành chính của trung tâm hành chính với dịch vụ công cộng và thương mại; phát huy giá trị lịch sử của di tích Bạch Đằng ở phía Đông; tạo lập cảnh quan của khu vực chính trong hành lang sinh thái dọc sông Chanh.
(3) Khu vực cảng phía Nam: Phạm vi từ ranh giới khu vực trung tâm thị xã Quảng Yên tới phần phía tây của sông Chanh cho đến ranh giới phía Đông Nam của thị xã. KCN Nam Tiền Phong và Đầm Nhà Mạc là vùng chức năng chính của khu vực này; định hướng phát triển kết nối với cảng Lạch Huyện và giao thông đối ngoại; phân biệt tuyến đường vận tải hàng hóa và tuyến phục vụ dân sinh, giữ gìn môi trường nước của sông Rút theo quy hoạch cây xanh.
(4) Khu vực du lịch phía Đông: Phạm vi gồm phần phía Đông Nam của đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng; vùng chức năng của khu vực gồm khu đô thị mới Hoàng Tân, khu nghỉ dưỡng kèm sân golf và các công trình liên quan khác; khu vực bảo vệ rừng ngập mặn và đầm nuôi trồng thủy sản; định hướng phát triển là khu vực du lịch biển với sự phát triển của ngành dịch vụ du lịch của Quảng Yên; phát triển nông nghiệp trải nghiệm theo sát việc bảo tồn đất nuôi trồng thủy hải sản, cải thiện môi trường sống, bảo tồn cảnh quan và giá trị lịch sử, phát triển các khu resort nhằm hướng tới phát triển du lịch giải trí; cung cấp đa dạng các loại hình nghỉ dưỡng cho dân cư địa phương và du khách.
- Phát triển trên các trục kết nối (Quốc lộ 18, Quốc lộ 10, cao tốc Hà Nội - Hạ Long, đường vào di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử, tỉnh lộ 338) với các đô thị và các khu vực động lực phát triển về công nghiệp, du lịch.
6.2. Định hướng phát triển không gian đô thị và nông thôn
- Khu vực đô thị trung tâm thị xã Quảng Yên hiện hữu phía Bắc Quốc lộ 18 từng bước cải tạo chỉnh trang, nâng cao chất lượng môi trường và cảnh quan và không gian đô thị.
- Khu vực giữa đường tránh phía Nam và đường Quốc lộ 18 hình thành trung tâm mới của thị xã Quảng Yên với trung tâm hành chính mới, các trung tâm thương mại, dịch vụ, công viên TDTT tổng hợp và các Khu đô thị;
- Khu vực phía Nam đường tránh phía Nam thành phố Uông Bí phát triển nông nghiệp công nghệ cao, khu đô thị, công nghiệp công nghệ cao kéo dài từ đường Quốc lộ 10 đến khu vực sông Khoai và kết nối khu vực phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao tại thị xã Quảng Yên.
- Khu vực mặt nước phía Đông Nam phát triển khu du lịch sinh thái biển, kết hợp với khu du lịch Hạ Long phát triển các hình thức du lịch, khám phá biển Quảng Ninh.
- Khu vực phía Tây Nam phát triển khu công nghiệp và cảng biển, kết nối với cụm cảng Lạch Huyện, Hải Phòng
6.3. Quy hoạch phân khu quản lý phát triển
Phân chia không gian phát triển đô thị thị xã Quảng Yên thành 04 khu vực chính và các phân khu để quản lý phát triển, gồm:
a. Khu vực phát triển đô thị (Khu A), gồm các phân khu A.1÷A.10; trong đó:
- Khu A. 1 (Khu đô thị Minh Thành) với diện tích khoảng 428ha, dân số đến năm 2030 khoảng 22.000 người; định hướng phát triển khu đô thị mới trọng điểm phát triển phía Đông Bắc thị xã với đầy đủ các chức năng thương mại, dịch vụ, ở hiện đại; xây dựng các công viên lớn ở phía Đông và phía Tây khu trường đại học công nghiệp, khu vực công viên cây xanh phía Đông được kết nối với dòng chảy thấp ở hồ Yên Lập góp phần giữ gìn môi trường đồng thời tận dụng cảnh quan mặt nước để hình thành cảnh quan thiên nhiên khu vực; cải tạo chỉnh trang hạ tầng (kỹ thuật, xã hội) và không gian kiến trúc cảnh quan khu dân cư đô thị hiện trạng; phát triển nuôi trồng thủy sản phía Đông khu đô thị.
- Khu A.2, A.3 (Khu phức hợp đô thị thông minh Amata) với tổng diện tích khoảng 1.717ha, dân số đến năm 2030 khoảng 18.000 người; định hướng phát triển như sau:
+ Khu A.2 (Khu phức hợp đô thị ở, giáo dục đào tạo, trung tâm công nghệ cao, nghiên cứu chuyển giao) với các công trình giáo dục đào tạo quy mô lớn.
+ Khu A.3 là tổ hợp khu công cộng, dịch vụ, hỗn hợp.
- Khu A.4, A.5 (Khu đô thị trung tâm thị xã Quảng Yên) với tổng diện tích khoảng 2101ha, dân số đến năm 2030 khoảng 67.200 người; định hướng phát triển xây dựng hình ảnh mới của Quảng Yên (khu trung tâm bao gồm xây dựng khu trung tâm hành chính mới); xây dựng đa dạng không gian mặt nước dọc sông Chanh; hình thành trung tâm thể dục thể thao (công viên thể thao).
- Khu A.6 (Khu đô thị Nam Hòa) với diện tích khoảng 1.474ha, dân số đến năm 2030 khoảng 41.000 người; định hướng phát triển khu đô thị mới hiện đại, đồng bộ; dọc trục chính hình thành không gian đặc biệt, biểu trưng cho Quảng Yên.
- Khu A.7 (Khu đô thị Liên Hòa) với diện tích khoảng 234ha, dân số đến năm 2030 khoảng 19.000 người; định hướng phát triển khu dịch vụ - thương mại khai thác lợi thế tiếp giáp tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long và nút giao Phong Hải; xây dựng không gian Quảng trường văn hóa cấp khu vực.
- Khu A.8 (Khu đô thị Hà An) với diện tích khoảng 746ha, dân số đến năm 2030 khoảng 33.000 người; định hướng phát triển du lịch trải nghiệm ở đầm nuôi trồng thủy hải sản.
- Khu A.9 (Khu đô thị Hoàng Tân) với diện tích khoảng 275ha, dân số đến năm 2030 khoảng 6.800 người; định hướng phát triển các khu nghỉ dưỡng, biệt thự, trung tâm giải trí, sân golf; xây dựng các công trình khách sạn sao cho có thể tiếp cận tới các bãi biển đẹp, dựa trên kiến trúc độ cao vừa và thấp để tạo nên không gian tiện nghi thoải mái; xây dựng công trình điểm nhấn gần QL18.
- Khu A. 10 (Khu đô thị Đầm Nhà Mạc) với diện tích khoảng 493ha, dân số đến năm 2030 khoảng 23.000 người; định hướng phát triển khu đô thị mới sinh thái tại khu vực Đầm Nhà Mạc.
b. Khu vực phát triển công nghiệp (Khu B), bao gồm các phân khu: B.1÷B.4, trong đó:
- Khu B.1 (Khu công nghiệp Đông Mai) với diện tích khoảng 227ha, trong đó có khoảng 67ha được mở rộng để tái định cư các cơ sở sản xuất hiện trạng; định hướng phát triển công nghiệp sạch, công nghệ cao, logistic...; thân thiện với môi trường.
- Khu B.2 (Khu công nghiệp công nghệ cao Amata) với diện tích khoảng 2.135ha; định hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao; bố trí khu đô thị mới phục vụ công nhân công nghiệp và cải tạo các khu dân cư hiện hữu; bố trí công trình công cộng cấp cấp đơn vị ở và khu ở.
- Khu B.3 (Khu công nghiệp và cảng biển phía Nam) với diện tích khoảng 1.819ha; định hướng phát triển khu công nghiệp hiện đại, đa ngành, được đầu tư đồng bộ, thuận tiện, an toàn cho các nhà đầu tư; xây dựng các bến cảng tổng hợp, container, chuyên dùng phục vụ phát triển khu công nghiệp trong khu vực và nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
- Khu B.4 (Khu công nghiệp và cảng biển Đầm Nhà Mạc) với diện tích khoảng 1.711ha; định hướng phát triển công nghiệp nặng, công nghiệp hóa chất, hóa dầu, và khu dịch vụ cảng biển gắn liền với ngành công nghiệp nặng và cảng biển.
c. Khu vực phát triển theo dự án riêng (Khu C), gồm các phân khu: C.1, C.2, C.3, trong đó:
- Khu C.1 (Dự án bảo tồn di tích bãi cọc Bạch Đằng) với diện tích khoảng 392ha; định hướng phát triển bảo tồn du lịch văn hoá, lịch sử cấp Quốc gia hấp dẫn du khách bởi cảnh quan đẹp, giàu giá trị lịch sử văn hoá, là điểm du lịch quan trọng trong tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh với nhiều địa danh du lịch hấp dẫn nổi tiếng trong và ngoài nước.
- Khu C.2 (Dự án trung tâm chống khủng bố) với diện tích khoảng 523ha; là khu vực hoạt động quân sự của trung tâm chống khủng bố tỉnh Quảng Ninh được phát triển theo dự án QHCT khu trung tâm chống khủng bố.
- Khu C.3 (Dự án khu du lịch và đô thị sinh thái đảo Hoàng Tân) với diện tích khoảng 516,09ha; định hướng phát triển du lịch sinh thái và vui chơi giải trí có đẳng cấp quốc tế với các chức năng dịch vụ du lịch và dịch vụ đô thị.
d. Khu vực ngoài phát triển đô thị (Khu D), gồm các phân khu: D.1, D.2, D.3; định hướng cải tạo, nâng cấp các công trình công cộng, cải thiện môi trường sông cho người dân khu vực; trong đó:
- Khu D.1 diện tích khoảng 768ha, dân số năm 2030 khoảng 2.400 người.
- Khu D.2 diện tích khoảng 1.147ha, dân số năm 2030 khoảng 5.000 người.
- Khu D.3 diện tích khoảng 1.033ha, dân số năm 2030 khoảng 19.600 người.
6.4. Hệ thống các trung tâm chuyên ngành cấp đô thị
a. Các khu ở và nhà ở
- Khu đô thị hiện trạng: Khu vực dân cư đô thị hiện trạng được chọn là cải tạo trong tầm nhìn 2030. Khu vực cải tạo được bố trí chủ yếu là các ngôi nhà có tầng cao trung bình và thấp. Nhà văn hóa cung cấp dịch vụ công cộng trong bán kính 500m trong khu vực xây dựng hiện trạng hoặc đất tĩnh.
- Khu đô thị mới: Nhà ở có độ cao trung bình thấp nhưng mật độ và hình thức xây dựng sẽ khác nhau tùy thuộc từng khu đô thị. Các công trình nhà dân có độ cao vượt quá sẽ bị kiểm soát chặt chẽ ở mỗi khu vực. Tỷ lệ không gian xanh được thiết lập tách biệt ở mỗi khu đô thị mới, cân nhắc các yêu cầu của tự nhiên. Trong việc bố trí khu dân cư, trung tâm văn hóa sẽ cung cấp các dịch vụ công cộng trong bán kính 500m và được coi là yếu tố cơ bản trong đô thị
- Khu dân cư nông thôn hiện trạng: Do việc giảm sút dân số nông thôn tới năm 2030, trong tương lai nhà ở nông thôn sẽ không mở rộng. Theo xu hướng chuyển đổi dân cư nông thôn thành lao động công nghiệp, đất làng xóm hiện trạng sẽ giảm xuống. Nhà ở nông thôn vẫn giữ nguyên cao độ nền hiện trạng.
- Khu dân cư nông thôn đô thị hóa: Các khu vực làng xóm đang có xu hướng đô thị hóa nhanh, đặc biệt dọc các trục đường tỉnh lộ 338, 331, và dọc các đường trục chính đô thị. Mang đặc thù là khu dân cư xây dựng mới đa phần là các khu nhà thấp và trung tầng được bố trí hài hòa với môi trường tự nhiên và khu làng xóm nông thôn lân cận. Về nguyên tắc bố trí khu dân cư, trong phạm vi bán kính đi bộ khoảng 800÷1000m là trung tâm đầu mối khu vực (công trình công cộng).
b. Trung tâm hành chính
Trung tâm hành chính mới của Thị xã được định hướng tại phường Yên Hưng mới với diện tích 16ha, bên bờ sông Chanh nơi trung tâm thị xã mới kết hợp với đất thương mại, dịch vụ công cộng và đất đa năng. Trung tâm hành chính mới sẽ được xây dựng là biểu tượng của thị xã Quảng Yên.
c. Trung tâm thương mại, dịch vụ
- Phát triển trên cơ sở duy trì và nâng cấp các khu dịch vụ, thương mại tại trung tâm đô thị hiện hữu;
- Xây dựng mới các trung tâm thương mại, dịch vụ tại các khu đô thị mới; tại cửa ngõ; tại các khu vực kết nối với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long và khu vực trung tâm mới của thị xã Quảng Yên.
d. Trung tâm du lịch
- Phát triển trên cơ sở hỗ trợ cho khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng; khai thác lợi thế cảnh quan khu vực đồi núi phía Bắc với thắng cảnh đồi thông Yên Lập;
- Xây dựng khu resort sinh thái bao gồm sân golf khu vực đảo Hoàng Tân; khu vực du lịch sinh thái Đầm Nhà Mạc; xây dựng các trọng điểm du lịch đô thị, du lịch công nghiệp, du lịch nông nghiệp;
e. Trung tâm y tế
- Bệnh viện đa khoa nằm gần trung tâm đô thị mới ở phường Tiền An.
- Ba bệnh viện khác tập trung ở các khu đô thị Cẩm La, Minh Thành và Hà An để đảm bảo nhu cầu y tế hàng ngày của người dân và hỗ trợ các trường hợp cấp cứu cho khách du lịch.
- Phòng khám tập trung được sắp xếp ở khu vực dân cư lân cận.
f. Trung tâm Giáo dục và đào tạo
- Hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất các cơ sở đào tạo Cao đẳng hiện có trên địa bàn thị xã Quảng Yên;
- Hình thành đô thị đại học, trung tâm nghiên cứu phát triển tại khu vực phía Đông tại phường Minh Thành, phục vụ các cụm công nghiệp công nghệ cao.
g. Trung tâm công cộng, văn hóa, thể thao, công viên cây xanh
- Hoàn thiện, nâng cấp và mở rộng khu trung tâm văn hóa, thể dục thể thao tại hiện hữu;
- Hình thành các Trung tâm văn hóa, thể dục thể thao tại khu vực trung tâm mới của Thị xã; tại các khu đô thị mới phía Nam kết hợp với các công viên quy mô lớn.
- Cải tạo, chỉnh trang đồng bộ lại hệ thống các công viên cây xanh đảm bảo mỹ quan;
- Quy hoạch các vành đai cây xanh cách ly các khu, cụm công nghiệp; các nhà máy, xí nghiệp; bảo vệ các khu rừng thuộc khu vực đồi núi phía Bắc; khai thác cảnh quan hồ Yên Lập, và các khu vực cảnh quan hai bên bờ các sông, suối;
- Phát triển đô thị, công nghiệp công nghệ cao, xanh - sạch; hoàn nguyên các khu mỏ khai thác khoáng sản, bãi thải đã đóng cửa.
h. Các khu, cụm, cơ sở sản xuất công nghiệp
- Hình thành khu phức hợp đô thị, công nghiệp công nghệ cao tại phía Bắc; khu công nghiệp và cảng biển ở phía Nam.
- Bố trí di dời các cơ sở sản xuất kinh doanh của địa phương, các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm nằm trong khu vực trung tâm của đô thị; khai thác lợi thế các khu vực sông Chanh phía đảo Hà Nam để hình thành, phát triển các khu vực bến bãi vật liệu xây dựng và hàng hóa phục vụ nhu cầu phát triển của địa phương;
- Cải tạo các khu vực hoạt động sản xuất hiện hữu (Nhà máy đóng tàu sông Chanh và cụm công nghiệp đóng mới và sửa chữa tàu thuyền Hà An) để đảm bảo vệ sinh môi trường cho khu vực đô thị; dần dần từng bước di dời, đóng cửa các khu vực hoạt động sản xuất theo lộ trình và thời gian kết thúc dự án.
7. Định hướng không gian, kiến trúc cảnh quan và thiết kế đô thị
7.1. Phân vùng và tổ chức kiến trúc cảnh quan đô thị
- Vùng 1: Là khu vực bảo vệ nguồn nước tại phía Bắc Quốc lộ 18 có yếu tố địa hình của khu vực núi cao, hạn chế sự phát triển và lưu lại cảnh quan tự nhiên.
- Vùng 2: Là khu vực trường đại học, trung tâm nghiên cứu công nghệ cao với mục tiêu xây dựng một đô thị mới với trường đại học và trung tâm nghiên cứu, thành phố thông minh, phong cách hiện đại; kiến tạo vành đai xanh dọc tuyến chính, giữ lại điều kiện tự nhiên của đồi núi, tổ chức tốt các mối quan hệ giữa yếu tố tự nhiên và yếu tố đô thị.
- Vùng 3: Là khu sinh thái của đô thị công, nông nghiệp; xây dựng khu công nghiệp công nghệ cao dọc Quốc lộ 18, giữ môi trường sinh thái của đất nông nghiệp, bảo tồn và sử dụng cảnh quan đất nông nghiệp hình thành rào chắn tự nhiên giữa khu công nghiệp và khu đô thị; xây dựng hành lang xanh, giữ gìn cảnh quan tự nhiên dọc tuyến đường ở phía Đông qua trung tâm đào tạo quốc gia chống khủng bố và đất kho bãi.
- Vùng 4: Là khu vực phát triển trung tâm đô thị hai bờ sông Chanh, gồm:
+ Khu trung tâm: Khu vực này bao gồm trung tâm đô thị mới, khu đô thị mới thuộc phường Cẩm La và phường Liên Hòa với trục chính là điểm kết nối giao thông và cảnh quan.
+ Khu đô thị mới Hà An ở phía đông với nhiều tiềm năng phát triển du lịch.
- Vùng 5: Là khu vực dân cư sinh thái tại khu vực Đầm Nhà Mạc.
- Vùng 6: Là khu vực giải trí tự nhiên phát triển thành các khu nghỉ dưỡng, tổ chức sự kiện, biệt thự, trung tâm giải trí, sân golf, v.v...; giữ gìn hành lang cảnh quan với vịnh Hạ Long, sử dụng cảnh quan bờ biển bảo vệ rừng ngập mặn với môi trường đang phát triển ở đó.
- Vùng 7: Là khu vực công nghiệp, cảng biển; giữ vùng đệm xanh xung quanh khu công nghiệp để bảo vệ môi trường biển; tạo vành đai xanh cắt qua khu vực dọc tuyến đường giao thông chính, xây dựng vùng đệm xanh giữa đất nông nghiệp và khu công nghiệp.
7.2. Các tuyến, điểm nhấn cảnh quan
- Tuyến, điểm nhấn cảnh quan dọc Quốc lộ 18 thuộc phường Đông Mai và phường Minh Thành với không gian đồi phía Bắc có cảnh quan đẹp cần bảo vệ, quản lý phát triển đô thị tại khu vực này; phía Nam là Khu công nghiệp Đông Mai phát triển với tích chất là công nghiệp công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp sạch, thân thiện môi trường và toàn bộ Khu đô thị Minh Thành, khu đô thị công nghiệp công nghệ cao Amata tập trung Các cơ sở đào tạo, nghiên cứu có quy mô, tạo điểm nhất kiến trúc và cảnh quan của khu vực phía Bắc của thị xã Quảng Yên.
- Tuyến, điểm nhấn cảnh quan dọc đường nối thành phố Hạ Long với thành phố Hải Phòng với lợi thế là trục giao thông đối ngoại quan trong kết nối với các khu vực phát triển trên tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và đi qua những vùng phát triển trong điểm của thị xã Quảng Yên (khu phức hợp đô thị Hạ Long Xanh; khu đô thị, công nghiệp, công nghệ cao Amata; khu dịch vụ cảng biển, cảng biển, công nghiệp và đô thị tại khu vực Đầm Nhà Mạc).
- Tuyến, điểm cảnh quan bờ biển phía Đông của thị xã Quảng Yên giáp Vịnh Hạ Long có cảnh quan tự nhiên và môi trường sinh thái đẹp hình thành khu phức hợp đô thị Hạ Long Xanh với tính chất là một khu đô thị mang bản sắc của đô thị ven biển, gắn với những giá trị lịch sử; khu nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp gắn với bảo vệ môi trường sinh thái tự nhiên.
- Tuyến, điểm nhấn cảnh quan dọc Sông Chanh và sông Bạch Đằng và song Rút với điểm nhấn trọng tâm tại đầu nguồn ngã ba sông là khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, cảnh quan sinh thái rừng ngập mặn dọc hai bên sông phát triển đô thị sinh thái, trung tâm mới của thị xã Quảng Yên và xuống phía Nam là hệ thống các cảng Biển thuộc khu dịch vụ cảng biển, cảng biển, công nghiệp và đô thị tại khu vực Đầm Nhà Mạc.
- Tuyến, điểm nhấn cảnh quan dọc các trục trung tâm của khu phức hợp đô thị Hạ Long Xanh; khu đô thị, công nghiệp, công nghệ cao Amata; khu dịch vụ cảng biển, cảng biển, công nghiệp và đô thị tại khu vực Đầm Nhà Mạc.
- Các điểm nhấn cảnh quan tại cửa ngõ đô thị Quảng Yên và các nút giao giữa các tuyến cảnh quan và các công trình điểm nhấn trên tuyến (Cầu Bạch Đằng, các cầu Sông Chanh Mới, các nút giao trên tuyến đường nối thành phố Hạ Long với thành phố Hải Phòng và trên các trục giao thông đối ngoại và trục trung tâm khác).
8. Định hướng phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị
8.1. Chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật
a. Nguyên tắc
- Phù hợp với tổ chức hệ thống thoát nước mưa hiện có; tận dụng địa hình tự nhiên, hạn chế đào đắp; cao độ khống chế tùy thuộc vào mục đích, tính chất các phân khu vực phát triển đảm bảo hài hòa với các khu vực lân cận, đảm bảo yêu cầu chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng;
- Những khu vực đã xây dựng có cốt nền tương đối ổn định, khi xây dựng xen các công trình mới giữ nguyên cao độ san nền hoặc chỉ san nền cục bộ cho phù hợp với hiện trạng xây dựng và điều kiện khu vực đảm bảo không làm ảnh hưởng đến thoát nước mặt của khu vực.
b. San nền
- Cao độ xây dựng khống chế trung bình +3,0÷3,6m; cụ thể như sau:
+ Khu vực Hà Bắc có cao độ khống chế ³3,0m đối với khu vực xây dựng công trình; ³ 2,5m đối với khu vực cây xanh cảnh quan.
+ Khu vực Hà Nam có cao độ khống chế ³3.0 đối với khu vực xây dựng công trình; ³ 2.5m đối với khu vực cây xanh cảnh quan.
+ Khu vực đảo Hoàng Tân có cao độ khống chế ³ 3,6m đối với khu vực xây dựng công trình; ³ 2.5m đối với khu vực cây xanh cảnh quan.
- Giữ nguyên cốt san nền khu dân cư hiện trạng và có giải pháp kết nối với các khu vực đô thị xây mới.
c. Thoát nước mưa
- Hệ thống thoát nước mưa riêng hoàn toàn và tự chảy.
- Phân chia thành 07 lưu vực thoát nước chính: (1) lưu vực phía Tây Bắc vùng Hà Bắc (2) lưu vực Tây Nam vùng Hà Bắc (3) lưu vực phía Đông vùng Hà Bắc (3) lưu vực đảo Hà Nam (4) lưu vực Đầm nhà Mạc (5) lưu vực phía Tây đảo Hoàng Tân (6) lưu vực phía Đông đảo Hoàng Tân.
- Cải tạo, nạo vét lòng sông, cải tạo mặt cắt suối thuộc các lưu vực thoát nước, xây dựng, nâng cấp các tuyến kè sông, kè suối đảm bảo ổn định 2 bên sông, suối, lưu thông dòng nước; bổ sung hệ thống cống ngang qua đường, tiêu thoát nhanh nước mặt.
- Xây dựng hệ thống nửa riêng, tách nước bẩn, xử lý đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh môi trường đối với khu vực đô thị hiện trạng; thiết kế hệ thống thoát nước mặt riêng hoàn chỉnh với chế độ tự chảy đối với khu vực phát triển xây dựng; đối với khu vực nông thôn, sử dụng hệ thống thoát nước chung.
d. Phòng chống lũ
- Cao độ đê phòng chống lũ ³ 6.0m.
- Cải tạo mở rộng lòng sông trong đô thị; gia cố mái dốc phòng tránh sạt lở đất (sử dụng tường chắn, neo đất, trồng cỏ Vetier...).
- Kết hợp các biện pháp quản lý đầu tư xây dựng, dự báo phòng chốn lũ lụt, di dời dân cư khỏi vùng sạt lở...
e. Các công trình kỹ thuật khác: Bảo vệ, cải tạo thường xuyên các tuyến mương, công thoát nước; nạo vét định kỳ và xây dựng kè bờ các đoạn ven sông, suối, hồ trong khu vực, xây tường chắn tại các khu vực có nguy cơ sạt lở.
8.2. Quy hoạch giao thông
a. Giao thông đối ngoại
- Đường bộ:
+ Đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long; bố trí nút giao liên thông tại các khu vực trọng điểm (KCN Đầm Nhà Mạc; kết nối phía Bắc và phía Nam tại khu vực phường Phong Hải, Hoàng Tân).
+ Quốc lộ: Cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 quy mô đường cấp II đồng bằng, đoạn qua nội thị xây dựng hệ thống đường gom.
+ Tỉnh lộ: Nâng cấp tỉnh lộ 338 đoạn nối từ Quốc lộ 18 đi Đầm Nhà Mạc, tỉnh lộ 331.
- Đường sắt: Tuyến đường sắt Yên Viên - Phả Lại - Cái Lân (nâng cấp theo tiêu chuẩn đường đơn cấp 2, khổ lồng 1.435mm và 1.000mm).
- Đường thủy:
+ Tiếp tục khai thác hệ thống các cảng hiện trạng bao gồm: Cảng Hoàng Tân (sông Bến Giang); Cảng Tiền Phong, Cảng Vinalines (sông Cái Tráp); Cảng Đầm Nhà Mạc (sông Bạch Đằng); và các cảng tổng hợp vật liệu địa phương
+ Phát triển tập trung các bến trên sông Chanh thuộc phường Hà An, Liên Hòa là các cảng phục vụ nhu cầu của địa phương.
+ Cải tạo các là bến vật liệu xây dựng nam rải rác trên Sông Chanh hiện tại thành các cảng phục vụ du lịch (bến tàu), hình thành tuyến du lịch đường thủy kế nối với di tích lịch sử Bạch Đằng.
b. Giao thông nội thị
- Xây mới tuyến đường chính kết nối theo trục Bắc - Nam với tiêu chuẩn đường cấp 1 quy mô 4÷6 làn xe.
- Đường liên khu vực: Cải tạo nâng cấp các tuyến đường chính hiện có; xác định các tuyến đường liên khu vực ở các khu vực quy hoạch mới, đảm bảo quy mô theo tiêu chuẩn 4 làn xe.
- Đường chính khu vực: Thiết kế xây dựng mạng đường chính khu vực đảm bảo khoảng cách tối thiểu 300÷500m, quy mô mặt cắt 22÷38m.
- Hệ thống bãi đỗ xe: Bố trí tại các khu trung tâm công cộng, khu dịch vụ vui chơi giải trí và các khu ở; được xây dựng theo 3 phân cấp chính: cấp đô thị (0,8÷1,5ha), cấp khu vực (0,5÷0,8ha), cấp khu ở (0,15÷0,4ha).
c. Hệ thống các công trình đầu mối giao thông
- Hệ thống cầu: Cải tạo nâng cấp hệ thống cầu hiện trạng đảm bảo quy mô, kết cấu kỹ thuật và khả năng kết nối giao thông; trên các tuyến đường trục chính, quốc lộ, đường tránh, đường cao tốc..vượt qua các sông lớn đều được xây dựng cầu; xây dựng tại vị trí giao nhau trực thông giữa đường cao tốc với các tuyến đường khu vực; mở rộng mặt cắt ngang cầu trên những tuyến đường quy hoạch mở rộng trong tương lai.
- Hệ thống nút giao thông khác mức: Xây dựng 3 nút giao thông khác mức liên thông chính tại các giao cắt giữa các đường đối ngoại chính của thị xã với đường cao tốc để đảm bảo khả năng kết nối và tính liên hoàn của mạng giao thông.
- Hệ thống bến xe:
+ Xây dựng 02 Bến xe đối ngoại, gồm: Bến xe Quảng Yên (mới) thuộc xã Hiệp Hòa và Bến xe Hà Nam thuộc xã Liên Vị.
+ Bến xe đối nội: Bố trí tại các trọng điểm trong khu quy hoạch để nâng cao sự thuận tiện trong di chuyển, phục vụ các mục đích của người dân khu vực từ làm việc, học tập hay mua sắm,.... Đặc biệt là tại các khu vực ga đường sắt một ray, tại khu vực này được dự báo sẽ có lượng khách trung chuyển, sử dụng lớn nên đây sẽ là một đầu mối giao thông.
- Hệ thống giao thông công cộng: Phát triển giao thông công cộng với các loại hình: Đường sắt một ray chạy dọc theo trục đường chính đi vào trung tâm thị xã, phát triển tuyến xe buýt đường dài và tuyến xe buýt nội thị.
8.3. Cấp nước
- Tổng nhu cầu sử dụng nước cho thị xã Quảng Yên đến năm 2020 là 95.800m3/ngđ và đến năm 2030 khoảng 115.300m3/ngđ.
- Nguồn nước chính lấy từ hồ Yên Lập dẫn vào nhà máy nước và vào các hồ chứa khác qua hệ thống kênh dẫn nước; khai thác hồ chứa ở Xã Cẩm La (hồ Chéo công suất hồ 16.000m3/ngđ) và hồ chứa xã Liên Vị với công suất hồ 65.000m3/ngđ.
- Công trình nhà máy nước:
+ Xây dựng nhà máy cấp nước hồ Yên Lập tại phường Minh Thành công suất 118.000m3/ngđ cung cấp cho các khu thị xã Quảng Yên là 30.000m3/ngđ.
+ Xây dựng mới nhà máy nước Liên Vị tại xã Liên Vị công suất: 65.000 m3/ngđ cung cấp cho các khu vực phường, xã: Tiền Phong, Liên Vị, Liêm Hòa, Hà An, Phong hải, Phong Cốc, Hoàng Tân.
+ Xây dựng mới nhà máy nước Cấm La tại phường Cẩm La công suất: 15.000m3/ngđ cung cấp nước cho các khu vực phường xã: Nam Hòa, Cẩm La, Yên Hải.
+ Xây dựng một số hồ chứa, giữ nước để đảm bảo chủ động nguồn cấp nước cho công nghiệp và sinh hoạt trên địa bàn thị xã Quảng Yên.
+ Xây mới một nhà máy nước trong khu công nghiệp Amata dẫn nước từ hồ Yên Lập về với công suất 100.000m3/ngđ (theo quy hoạch chung Khu phức hợp đô thị, công nghiệp công nghệ cao đã được phê duyệt);
8.4. Quy hoạch cấp điện
a. Nguồn điện và nhu cầu sử dụng
- Tổng nhu cầu cấp điện đến năm 2020 của thị xã Quảng Yên khoảng 649,99MVA; đến năm 2030 khoảng 1.022,19MVA.
- Nguồn cấp: Lấy từ Trạm 220kV Yên Hưng xây mới công suất 3x250MVA và trạm 220kV Nam Hòa xây mới công suất 2x250MVA. (theo Quy hoạch phát triển Điện lực tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016-2025 có xét đến 2035 đang lập).
- Trạm nguồn 220kV:
+ Giai đoạn đầu đến năm 2020 dự kiến xây dựng trạm 220kV Yên Hưng công suất 2x250MVA và trạm 220kV Nam Hòa với công suất 250MVA cấp điện cho toàn thị xã Quảng Yên và nhà máy nhiệt điện khí Gas/Diesel công suất 100MW.
+ Giai đoạn sau đến năm 2030 nâng cấp trạm 220kV Trạm Yên Hưng lên công suất 3x250MVA và trạm 220kV Nam Hòa lên công suất 2x250MVA.
- Trạm nguồn 110kV:
+ Nâng công suất trạm 110kV Chợ Rộc lên 2x40MVA cấp điện cho các phường Cộng Hòa, phường Quảng Yên và xã Tiền An.
+ Xây dựng mới 13 trạm 110kV với công suất máy từ 25MVA đến 63MVA cấp điện cho các phường, các xã còn lại trong thị xã Quảng Yên.
b. Mạng lưới cao thế
- Lưới 220kV: Giữ nguyên hướng tuyến của các tuyến điện 220kV hiện có và đầu tư xây mới tuyến đường dây 220kV từ nhiệt điện Uông Bí đi trạm 220kV Yên Hưng và trạm 220kV Nam Hòa. Ngoài ra, để bổ trợ nguồn cho trạm 220kV Quảng Yên và trạm 220kV Nam Hòa dự kiến đấu nối đường dây Uông Bí-Yên Hưng với đường dây Tràng Bạch - Hoành Bồ. Đường dây 220kV là đường dây mạch kép tiết diện ACSR 2x330mm2.
- Lưới 110kV: Các tuyến điện hiện trạng 110kV thị xã Quảng Yên được giữ nguyên hướng tuyến và nâng cấp tiết diện lên AC240mm2 theo định hướng của quy hoạch vùng. Riêng tuyến 110kV đến trạm 110kV Chợ Rộc và từ trạm 110kV Chợ Rộc đi Cát Hải sẽ được nắn chỉnh tuyến để phù hợp với Quy hoạch sử dụng đất thị xã Quảng Yên.
c. Mạng lưới trung thế (10kV, 22kV, 35kV)
- Toàn bộ hệ thống lưới điện trung thế hiện trạng 10kV và 35kV sẽ được quy hoạch cải tạo về cấp lưới điện 22kV
- Hệ thống lưới điện trung thế 22kV xây mới dự kiến đi ngầm với tiết diện dây XLPE-2x40mm2.
d. Mạng lưới hạ thế: Lưới điện hạ thế xây dựng mới ở các khu đô thị và khu vực trong trung tâm Thị xã bố trí đi ngầm trong các hào cáp tiêu chuẩn; các trạm biến áp hạ tại các khu vực trung tâm Thị xã, khu du lịch và các khu đô thị mới sử dụng loại trạm kios kiểu kín hợp bộ.
e. Lưới điện chiếu sáng: Tiếp tục cải tạo nâng cấp, phát triển tất cả các loại hình chiếu sáng gồm chiếu sáng các công trình giao thông, chiếu sáng các công trình công cộng và chiếu sáng quảng cáo, lễ hội...
8.5. Quy hoạch thoát nước thải và vệ sinh môi trường
a. Thoát nước thải
- Tổng lượng nước thải cần xử lý đến năm 2020 khoảng 28.300m3/ngđ và đến năm 2030 khoảng 42.000m3/ngđ.
- Nước thải sinh hoạt: Các khu dân cư hiện có đã có hệ thống thoát nước chung sẽ xây dựng hệ thống thoát nước chung một nửa (hệ thống cống bao) tách nước thải đưa về các trạm xử lý; các khu vực xây mới sẽ xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng; tại các vị trí có độ sâu chôn cống lớn (từ 3,5÷4m) bố trí các bơm chuyển tiếp;
- Nước thải công nghiệp:
+ Khu công nghiệp: Nước thải các Nhà máy được đưa về xử lý tại trạm XLNT tập trung của khu công nghiệp đạt tới giới hạn B theo QCVN 40:2011/BTNMT trước khi xả ra nguồn tiếp nhận (nếu nguồn nước không dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt) và đạt giới hạn A theo QCVN 40:2011/BTNMT trước khi xả ra nguồn tiếp nhận (nếu nguồn nước dùng cho mục đích cấp nước sinh hoạt)
+ Cụm công nghiệp địa phương: Nước thải các cơ sở sản xuất được xử đưa về xử lý tại Trạm xử lý nước thải tập trung của khu vực và xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo giới hạn B theo QCVN 40:2011/BTNMT sau đó mới được xả ra hệ thống thoát nước đô thị.
+ Các nhà máy xí nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp: Yêu cầu xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo giới hạn B theo QCVN 40:2011/BTNMT sau đó mới được xả ra hệ thống thoát nước đô thị.
- Nước thải y tế: Đối với các bệnh viện lớn, nước thải yêu cầu phải được xử lý đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo giới hạn B theo QCVN 40:2011/BTNMT và khử trùng sau đó mới được xả ra hệ thống thoát nước đô thị.
b. Thu gom, xử lý chất thải rắn
- Khối lượng chất thải rắn sinh hoạt toàn thị xã đến năm 2030 khoảng 226.77 tấn/ngày đêm.
- Toàn bộ khối lượng CTR của thị xã Quảng Yên được thu gom và vận chuyển đến trung tâm xử lý CTR tại xã Vũ Oai, Hòa Bình huyện Hoành Bồ.
- Thúc đẩy việc áp dụng phương pháp phân loại xử lý và 3R (Recycle- tái chế, Reuse- tái sử dụng, Reduce- giảm thiểu). Giảm lượng thải - Tăng tái chế - Tái sử dụng CTR. Chỉ chôn lấp CTR không thể tái chế, giảm nhu cầu đất dành cho xử lý CTR.
- Chất thải rắn công nghiệp: Các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có trách nhiệm tổ chức thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công nghiệp riêng. Đối với chất thải rắn nguy hại, thực hiện chôn lấp tại bãi dành riêng cho chất thải rắn nguy hại theo các quy định, chỉ đạo của cơ quan quản lý quốc gia về bảo vệ môi trường. Ngoài ra, một phần dùng để tái chế.
- Chất thải rắn y tế: Các bệnh viện, cơ sở y tế tự trang bị lò đốt và khu xử lý chất thải rắn y tế.
c. Nghĩa trang
- Xây dựng công viên nghĩa trang tập trung với có nhiều loại hình táng để đảm bảo phục vụ lâu dài cho toàn thị xã Quảng Yên tại khu đồi Núi Nấm Chiêm, Trũng Bào phường Tân An.
- Xây dựng lộ trình đóng cửa, di chuyển về công viên nghĩa trang tập trung mới của đô thị đối với các nghĩa trang hiện có nằm trong khu vực phát triển đô thị đối với các nghĩa trang nhỏ lẻ khác tại xác xã, trong khu vực phát triển đô thị và khu phực phát triển các dự án trọng điểm.
8.6. Quy hoạch thông tin liên lạc
a. Nguồn cấp và nhu cầu sử dụng
Tổng nhu cầu sử dụng dung lượng đến năm 2020 của thị xã Quảng Yên khoảng 157.911 thuê bao; đến năm 2030 khoảng 257.694 thuê bao.
Nguồn cấp: Được lấy từ Tổng đài Viễn thông tỉnh Quảng Ninh cấp đến Tổng đài Host điều khiển đặt tại Phường Quảng Yên với dung lượng 270.000 lines
b. Giải pháp thiết kế
- Mạng điện thoại dịch vụ công cộng và mạng số liệu sẽ phát triển hội tụ về mạng thế hệ sau.
- Công nghệ chuyển mạch truyền thống (TDM) dần dần được thay thế bởi chuyển mạch giao thức truyền số liệu (IP), các giao thức tiên tiến khác.
- Chuyển mạch quang sẽ được sử dụng rộng rãi đến tận thuê bao. Thông tin quang tốc độ cao với các công nghệ ghép kênh sẽ được áp dụng rộng rãi trên các tuyến truyền dẫn.
- Công nghệ truy nhập sẽ nhanh chóng triển khai sử dụng các thiết bị đầu cuối thông minh. Thông tin băng thông rộng ADSL sẽ là giải pháp trước mắt và sẽ dần được nâng cấp lên các công nghệ tiên tiến hơn như truy nhập không dây băng rộng (Wimax).
9. Các giải pháp quản lý và bảo vệ môi trường chiến lược
9.1. Giải pháp công nghệ, kỹ thuật
- Khai thác và quy hoạch sử dụng đất đúng mục đích, tận dụng quỹ đất xây dựng đô thị, tránh phát triển tràn lan.
- Phát triển đô thị cần quan tâm đến biến đổi khí hậu, rủi ro và tai biến môi trường. Cần tiến hành đo đạc, khảo sát, khoanh vùng hạn chế phát triển nhằm hạn chế các tác động tiêu cực đối với người dân và môi trường.
- Tăng cường trồng cây xanh, rừng phòng hộ tại các khu vực có khả năng xảy ra tai biến môi trường.
- Thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường đất, môi trường nước, môi trường không khí xử lý chất thải rắn, giảm tiếng ồn và các biện pháp bảo vệ môi trường đối với các nhà máy nhiệt điện, xi măng, khai trường khai thác theo đúng các định hướng quy hoạch và các quy định về kỹ thuật môi trường
9.2. Giải pháp về quản lý
- Giảm nguồn thải xen kẽ trong các khu dân cư và định hướng phát triển hợp lý các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn và có kế hoạch di dời các cơ sở công nghiệp xen lẫn khu dân cư ra khu vực ngoại thị.
- Thường xuyên kiểm soát môi trường định kỳ đối với các khu, cụm công nghiệp, cảng biển, cảng hành khách, cảnh báo và nhắc nhở các cơ sở chú ý duy tu, bảo dưỡng hệ thống xử lý khí thải, bụi và nếu cần. Khuyến khích và bắt buộc các nhà máy và xí nghiệp cũ đầu tư công nghệ sản xuất mới, áp dụng công nghệ tiên tiến sản xuất sạch hơn.
- Khi có nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang các mục đích khác cần phải căn nhắc thận trọng. Việc quản lý các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật cần đảm bảo diện tích cây xanh đô thị.
- Việc thu gom chất thải rắn thông thường được thực hiện tốt nhất ở các cấp chính quyền Phường nhưng việc xử lý chất thải rắn được tổ chức tốt nhất trên một cơ sở thống nhất toàn thành phố.
- Nâng cao nhận thức và giáo dục cộng đồng cùng tham gia giữ gìn vệ sinh môi trường.
- Các dự án phát triển hạ tầng kỹ thuật gồm: Nâng cấp, cải tạo và mở rộng các tuyến đường giao thông trọng điểm, giao thông kết nối (đường Quốc lộ 18, đường kết nối với các khu vực trọng điểm phát triển); cải tạo, nâng cấp hệ thống thoát nước, hệ thống đê và các công trình phục vụ thoát nước, xử lý nước thải đô thị và công nghiệp; nâng công suất, xây dựng mới công trình cấp nước, cấp điện và thông tin liên lạc; hoàn thiện các công trình xử lý rác thải sinh hoạt và nghĩa trang;
- Các dự án phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ và môi trường; gồm: các khu đô thị mới phía Bắc; xây dựng khu trung tâm mới của thị xã Quảng Yên, hình thành khu đô thị ven sông Chanh; dự án phát triển đô thị đại học tại phía Đông; dự án phát huy giá trị khu di tích lịch sử chiến thắng Bạch Đằng, dự án phát triển du lịch sinh thái tại đảo Hoàng Tân và các dự án bảo vệ cảnh quan, phục hồi môi trường.
- Các dự án phát triển công nghiệp công nghệ cao tại phía Bắc, cụm công nghiệp và cảng biển phía Nam, khu tiểu thủ công nghiệp phục vụ nhu cầu của địa phương để di dời các cơ sở sản xuất ảnh hưởng đến môi trường tại khu trung tâm đô thị, các khu bến bãi hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp địa phương.
- Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên triển khai các bước tiếp theo đảm bảo quy định:
+ Thực hiện lưu trữ, lưu giữ hồ sơ đồ án; công bố công khai quy hoạch và quản lý giám sát việc thực hiện quy hoạch; triển khai công tác cắm mốc giới theo quy định.
+ Hoàn thiện Chương trình phát triển đô thị thị xã Quảng Yên đến năm 2030 làm cơ sở để quản lý đầu tư phát triển Đô thị theo quy định tại Nghị định số 11/2013/NĐ-CP ngày 14/01/2013 của Chính phủ làm cơ sở để quản lý, đầu tư và nâng cấp đô thị.
+ Xây dựng kế hoạch và triển khai lập quy hoạch phân khu chức năng các phường, các khu vực phát triển phù hợp với định hướng phát triển thị xã Quảng Yên trong từng giai đoạn và báo cáo UBND tỉnh làm cơ sở để triển khai thực hiện.
+ Lập danh mục cụ thể và kế hoạch triển khai các dự án đầu tư giai đoạn đầu, các dự án ưu tiên đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật chung và bảo vệ môi trường của thị xã Quảng Yên; xây dựng danh mục các dự án kêu gọi, thu hút đầu tư bằng nguồn vốn ngoài ngân sách.
- Sở Xây dựng thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quy hoạch xây dựng theo quy định;
- Sở Tài nguyên và Môi trường triển khai bổ sung quy hoạch này vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất huyện Tiên Yên đến năm 2020 để làm cơ sở thu hồi đất, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất sau này.
- Các Sở, ngành: Các Sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường; Giao thông Vận tải; Công thương; Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Kế hoạch và Đầu tư; Khoa học và Công nghệ; Thông tin Truyền thông; Ban Quản lý Khu kinh tế, thực hiện quản lý Nhà nước đối với quy hoạch; hướng dẫn Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên triển khai các bước tiếp theo đúng quy định hiện hành theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
Điều 3. Các Ông (Bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Quảng Yên; Thủ trưởng các ngành và đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1Quyết định 6159/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt quy hoạch chung thị trấn Kim Hoa, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/5000
- 2Quyết định 1481/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phân khu Khu vực Bái Đính, trong Quy hoạch chung Đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 3Quyết định 3964/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, đến năm 2030
- 4Quyết định 4494/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt quy hoạch chung đô thị Thiều, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025
- 5Quyết định 4497/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt quy hoạch chung đô thị khe Hạ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030
- 1Quyết định 1107/QĐ-TTg năm 2006 phê duyệt Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp ở Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 445/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt điều chỉnh định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 3Quyết định 758/QĐ-TTg năm 2009 phê duyệt Chương trình nâng cấp đô thị quốc gia giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4Luật Quy hoạch đô thị 2009
- 5Nghị định 37/2010/NĐ-CP về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị
- 6Nghị định 11/2013/NĐ-CP về quản lý đầu tư phát triển đô thị
- 7Nghị quyết 22/NQ-CP năm 2013 về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011-2015) của tỉnh Quảng Ninh
- 8Quyết định 2622/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9Luật Xây dựng 2014
- 10Quyết định 1588/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050
- 11Nghị định 44/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số nội dung về quy hoạch xây dựng
- 12Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 13Quyết định 1418/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 14Quyết định 1659/QĐ-TTg công nhận huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15Thông tư 12/2016/TT-BXD quy định về hồ sơ của nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch đô thị và quy hoạch xây dựng khu chức năng đặc thù do Bộ trưởng Bộ Xây dựng ban hành
- 16Quyết định 1799/QĐ-UBND năm 2014 về phê duyệt "Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030"
- 17Quyết định 6159/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt quy hoạch chung thị trấn Kim Hoa, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/5000
- 18Quyết định 1481/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch phân khu Khu vực Bái Đính, trong Quy hoạch chung Đô thị Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 19Quyết định 3964/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung xây dựng thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, đến năm 2030
- 20Quyết định 1791/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 21Quyết định 4494/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt quy hoạch chung đô thị Thiều, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025
- 22Quyết định 4497/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt quy hoạch chung đô thị khe Hạ, huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030
Quyết định 3888/QĐ-UBND năm 2016 phê duyệt Quy hoạch chung thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
- Số hiệu: 3888/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 18/11/2016
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
- Người ký: Nguyễn Đức Long
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra