Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3878/2008/QĐ-UBND

Hạ Long, ngày 09 tháng 12 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ về “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về sở hữu công nghiệp”;
Căn cứ Nghị định số 105/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ về Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ;
Xét đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ tại Văn bản số 457/TTr-KHCN ngày 15/7/2008,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 2845/1998/QĐ-UB ngày 03/11/1998 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 3. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Khoa học và Công nghệ (báo cáo);
- Cục kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- TT TU, TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3 (thực hiện);
- UBMT Tổ quốc tỉnh, Liên đoàn LĐ Tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Đoàn TN CS HCM tỉnh Quảng Ninh;
- V0, V1, V2, các CV VP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, MT.

TM. UBND TỈNH QUẢNG NINH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nhữ Thị Hồng Liên

 

QUY CHẾ

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3878 /2008/QĐ-UBND ngày 09/12 /2008 của UBND tỉnh Quảng Ninh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động sở hữu trí tuệ và phân công trách nhiệm quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, các cá nhân, tổ chức có liên quan trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. 

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chế này, các từ ngữ d­ưới đây đ­ược hiểu như sau:

1. "Hoạt động sở hữu trí tuệ" là hoạt động của các cá nhân, tổ chức trong việc nghiên cứu tạo dựng, xác lập, khai thác, phát triển và bảo vệ các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ;

2. "Luật Sở hữu trí tuệ" - được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005;

3. "Đối tượng quyền sở hữu trí tuệ" được hiểu theo quy định tại Điều 3, Luật Sở hữu trí tuệ;

4. "Quyền sở hữu trí tuệ", "Quyền sở hữu công nghiệp", "Quyền tác giả", "Quyền liên quan đến quyền tác giả", "Giống cây trồng", "Quyền đối với giống cây trồng", "Chủ thể quyền sở hữu công nghiệp", "Văn bằng bảo hộ", "Sáng chế", "Kiểu dáng công nghiệp", "Mạch tích hợp bán dẫn", "Thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn", "Nhãn hiệu", "Nhãn hiệu tập thể", "Nhãn hiệu liên kết", "Tên thương mại", "Chỉ dẫn địa lý", "Bí mật kinh doanh" - được hiểu theo quy định tại Điều 4, Luật Sở hữu trí tuệ.

Điều 4. Các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm, nghĩa vụ tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ đang được Nhà nước Việt nam công nhận và bảo hộ.

Điều 5. Nghiêm cấm các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất kinh doanh, chiếm đoạt, sử dụng bất hợp pháp hoặc có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ đang được bảo hộ tại Việt Nam.

Chương II

QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ TRONG SẢN XUẤT KINH DOANH VÀ ĐẦU TƯ

Điều 6. Trách nhiệm của các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân trong hoạt động sản xuất, kinh doanh sản phẩm hàng hoá, dịch vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ.

1. Nâng cao nhận thức pháp luật về sở hữu trí tuệ, có chiến lược xây dựng, phát triển tài sản trí tuệ của mình; phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

2. Rà soát, tra cứu tình trạng pháp lý về quyền sở hữu trí tuệ của các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ dự kiến sử dụng để tránh xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các chủ thể khác.

3. Xác định việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với các doanh nghiệp là tự nguyện, là quyền lợi của doanh nghiệp; Chủ động đăng ký bảo hộ nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình, tăng cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế, khu vực và thông báo cho cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ biết, quản lý.

Điều 7. Quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ đối với các dự án đầu tư

Các dự án đầu tư, dự án chuyển giao công nghệ có bao gồm việc sử dụng, chuyển giao các đối tượng sở hữu trí tuệ hoặc góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu trí tuệ thì việc sử dụng, chuyển giao, góp vốn bằng giá trị quyền sở hữu trí tuệ phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Điều 8. Các hành vi bị cấm

Các hành vi sau đây bị cấm:

1. Hành vi xâm phạm quyền đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí đã được bảo hộ;

2. Hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý và tên thương mại đã được bảo hộ;

3. Hành vi sản xuất, vận chuyển, nhập khẩu, buôn bán vật mang nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được bảo hộ;

4. Hành vi sản xuất, nhập khẩu, vận chuyển, buôn bán, tàng trữ để bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, giả mạo chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ;

5. Hành vi cạnh tranh không lành mạnh và hành vi vi phạm bí mật kinh doanh trong lĩnh vực sở hữu công nghiệp;

6. Các hành vi khác vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

Chương III

CÁC BIỆN PHÁP THÚC ĐẨY HOẠT ĐỘNG SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Điều 9. Đảm bảo thông tin sở hữu trí tuệ

1. Hệ thống thông tin sở hữu trí tuệ bao gồm tập hợp các thông tin liên quan đến các đối tượng sở hữu trí tuệ đã được đăng ký, bảo hộ và công bố tại Việt Nam. Các thông tin được chọn lọc, sắp xếp và tin học hoá để thuận tiện cho việc tra cứu, sử dụng.

2. Các Sở, ngành chức năng có trách nhiệm xây dựng, quản lý các cơ sở dữ liệu thông tin về sở hữu trí tuệ phục vụ hoạt động quản lý và thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo thẩm quyền được giao.

3. Các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có sử dụng vốn ngân sách Nhà nước thì quyền chủ sở hữu đối tượng sở hữu trí tuệ của phần vốn ngân sách đối với kết quả nghiên cứu thuộc về Nhà nước. Tổ chức, cơ quan Nhà nước được giao quyền chủ đầu tư hoặc quản lý vốn có trách nhiệm đại diện Nhà nước xây dựng hồ sơ xác lập quyền và thực hiện quyền chủ sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ nói trên.

Không cấp kinh phí từ ngân sách Nhà nước cho các đề tài, dự án nghiên cứu triển khai nếu việc tra cứu thông tin sáng chế không được thực hiện ngay từ khi xây dựng đề cương đề tài, dự án hoặc nếu đề tài, dự án trùng lặp với các thông tin sáng chế đã có, trừ các đề tài, dự án nhằm áp dụng thử hoặc tìm ra bí quyết kỹ thuật để khai thác các sáng chế đã có.

Điều 10. Các biện pháp khuyến khích hoạt động sở hữu trí tuệ

Khuyến khích các hoạt động sở hữu trí tuệ bằng các biện pháp sau:

1. Tổ chức, hỗ trợ các cuộc thi sáng tạo kỹ thuật, giải thưởng sáng tạo khoa học - công nghệ;

2. Khen thưởng các giải pháp, công trình sáng tạo khoa học- công nghệ, các điển hình tiên tiến về lao động sáng tạo;

3. Hỗ trợ theo quy định đối với các hoạt động nghiên cứu, xác lập, phát triển và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ của cá nhân, tổ chức trên địa bàn;

4. Hỗ trợ các hoạt động nâng cao năng lực thực thi quyền sở hữu trí tuệ của các ban, ngành hữu quan trong hệ thống thực thi quyền sở hữu trí tuệ trên địa bàn.

Chương IV

PHÂN CÔNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ 

Điều 11. Nguyên tắc chung

Việc tổ chức thực hiện hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ dựa trên nguyên tắc thống nhất về mục tiêu, nội dung và biện pháp dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban nhân dân tỉnh, có sự phân công trách nhiệm rõ ràng và sự phối hợp chặt chẽ giữa các Sở, Ban, ngành và Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. 

1. Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh thống nhất quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh.

2. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Sở: Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Sở, Ban, ngành có liên quan, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh theo quy định của Chính phủ và theo hướng dẫn về nghiệp vụ, chuyên môn của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của Uỷ ban nhân tỉnh.

3. Các Sở, Ban, ngành, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc thực hiện quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh. 

Điều 12. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân tỉnh

1. Ban hành và chỉ đạo thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ.

2. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và thực hiện các biện pháp tăng cường hiệu quả quản lý về sở hữu trí tuệ.

3. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật nhà nước về sở hữu trí tuệ đến các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh - dịch vụ trên địa bàn tỉnh.

4. Bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ.

5. Tổ chức hoạt động thông tin, thống kê về sở hữu trí tuệ.

6. Hợp tác quốc tế, với các địa phương trong nước trong hoạt động sở hữu trí tuệ.

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Khoa học và Công nghệ

Giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ và trực tiếp thực hiện chức năng quản lý nhà nước về sở hữu công nghiệp trên địa bàn, cụ thể:

1. Tham m­ưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh các biện pháp nhằm cụ thể hoá việc thi hành các chính sách của Nhà n­ước về sở hữu công nghiệp và tổ chức thực hiện các biện pháp đó;

2. Tổ chức truyên truyền, phổ biến, h­ướng dẫn thực hiện các chủ tr­ương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà n­ước về sở hữu công nghiệp đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh - dịch vụ trên địa bàn tỉnh;

3. Tổ chức hệ thống quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp ở địa phương và thực hiện các biện pháp tăng c­ường hiệu quả của hệ thống này:

a) Lập kế hoạch đào tạo cán bộ quản lý các cấp về sở hữu công nghiệp; chỉ đạo nghiệp vụ và tổ chức bồi d­ưỡng chuyên môn nghiệp vụ về sở hữu công nghiệp cho cán bộ quản lý sở hữu công nghiệp thuộc các Sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố;

b) Hướng dẫn, giúp đỡ phát triển tổ chức quản lý hoạt động sở hữu công nghiệp ở các cơ sở sản xuất, kinh doanh - dịch vụ trên địa bàn tỉnh;

4. H­ướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh - dịch vụ trên địa bàn tỉnh tiến hành các thủ tục đăng ký, bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp tại Việt Nam và ở n­ước ngoài: đánh giá sơ bộ khả năng đ­ược bảo hộ, kiểm tra thực tế việc sử dụng đối tượng quyền sở hữu công nghiệp tại cơ sở và h­ướng dẫn lập hồ sơ đăng ký, các thủ tục phải tiến hành trong quá trình xác lập quyền.

5. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong việc bảo vệ các quyền sở hữu công nghiệp và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu công nghiệp:

a) Thanh tra, kiểm tra các hoạt động sở hữu công nghiệp tại các doanh nghiệp, các đơn vị sản xuất, kinh doanh - dịch vụ;

b) Tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo liên quan đến xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;

c) Thực hiện thẩm định, giám định về sở hữu công nghiệp phục vụ việc xác định hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp;

d) T­ư vấn cho các cơ quan xử lý vi phạm áp dụng hình thức, mức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật và đảm bảo không gây thiệt hại thêm cho bất kỳ bên thứ ba nào, khi có yêu cầu;

6. Ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ công tác quản lý và nhu cầu của tổ chức, cá nhân trong việc xác lập và bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp;

7. Chủ trì phối hợp với các ban, ngành hữu quan rà soát các loại sản phẩm đặc sản đ­ược sản xuất tại địa ph­ương để xây dựng hồ sơ đăng bạ Chỉ dẫn địa lý và tổ chức quản lý các Chỉ dẫn địa lý của địa phương:

a) Xác định danh mục sản phẩm đặc sản truyền thống của tỉnh;

b) Phân loại cơ sở sản xuất, lựa chọn sản phẩm, lĩnh vực ­ưu tiên để lập kế hoạch hỗ trợ thực hiện đăng ký bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ đối với sản phẩm, đặc sản của tỉnh;

8. Tổng hợp ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân về hoạt động sở hữu công nghiệp trên địa bàn để báo cáo và kiến nghị với Ủy ban nhân dân tỉnh về các tồn tại, v­ướng mắc đề xuất biện pháp thực hiện quy định của pháp luật về sở hữu công nghiệp;

9. Xây dựng kế hoạch hoạt động hàng năm và 5 năm về bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; tổ chức kiểm tra, đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch hoạt động sở hữu trí tuệ của các ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã thành phố;

10. Chủ trì, phối hợp với các tổ chức xã hội thực hiện các biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua sáng tạo; tổ chức Hội thi Sáng tạo kỹ thuật Quảng Ninh, Giải thưởng Sáng tạo khoa học - công nghệ Quảng ninh;

11. Tham mưu các nội dung đàm phán, ký kết hợp tác quốc tế về sở hữu trí tuệ và sở hữu công nghiệp, đồng thời tham mưu xử lý các vấn đề tranh chấp trên địa bàn tỉnh liên quan đến sở hữu trí tuệ trong quan hệ quốc tế;

12- Định kỳ 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất tổng hợp, đánh giá, báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Khoa học và Công nghệ về tình hình hoạt động bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đề xuất các chính sách, biện pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ và đảm bảo tính thống nhất quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ;

13. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến sở hữu trí tuệ do Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ giao.

Điều 14. Trách nhiệm của các Sở, ban ngành

Các cơ quan quản lý Nhà n­ước có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ trong việc thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ thuộc lĩnh vực, phạm vi mình quản lý:

1. Tổ chức, quản lý các hoạt động sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh - dịch vụ thuộc phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý;

2. Quản lý các đối t­ượng sở hữu trí tuệ liên quan đến hàng hoá, dịch vụ thuộc phạm vi, lĩnh vực được phân công quản lý;

3. Hàng năm, lập kế hoạch hoạt động về sở hữu trí tuệ có liên quan đến ngành. Đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện các hoạt động của kế hoạch;

4. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về sở hữu trí tuệ nói chung, sở hữu công nghiệp nói riêng;

5. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ của ngành thuộc chương trình, đề án, dự án liên quan đến hoạt động sở hữu trí tuệ của tỉnh; hỗ trợ t­ư vấn, h­ướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh - dịch vụ đăng ký, bảo hộ các đối tư­ợng sở hữu công nghiệp;

6. Xử lý kịp thời các vi phạm về sở hữu trí tuệ theo quy định; cung cấp các thông tin về hoạt động sở hữu trí tuệ, về việc sử dụng các đối tượng sở hữu trí tuệ của các đơn vị, doanh nghiệp trực thuộc, nhằm kịp thời cung cấp thông tin cho các cơ quan liên quan và phối hợp xử lý kịp thời các hành vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ khi cần thiết;

7. Xây dựng kế hoạch và triển khai đào tạo, tập huấn pháp luật, nghiệp vụ sở hữu trí tuệ cho các cán bộ có liên quan; có biện pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, tìm hiểu và chấp hành các văn bản pháp luật về sở hữu công nghiệp;

8. Định kỳ 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất báo cáo về Sở Khoa học và Công nghệ về hoạt động quản lý Nhà nước và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 15. Ngoài những trách nhiệm quy định tại Điều 13 các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành còn có nhiệm vụ sau:

1. Các cơ quan bảo vệ, thực thi quyền sở hữu trí tuệ có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và công nghệ, Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch và Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ sau:

a. Công an tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm trao đổi thông tin về tình hình và các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ với các ngành chức năng để quản lý, phòng ngừa, đồng thời phối hợp phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ có tính chất nghiêm trọng, phức tạp theo quy đi của pháp luật;

b. Hải quan tỉnh Quảng Ninh có trách nhiệm thực hiện các biện pháp kiểm soát hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu liên quan đến sở hữu trí tuệ theo quy định;

c. Chi cục Quản lý thị trường tỉnh chủ động (hoặc khi có yêu cầu của các cơ quan liên quan) kiểm tra, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ xẩy ra trong lưu thông hàng hoá và kinh doanh thương mại trên thị trường.

2. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch

a. Có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ và chủ trì thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan; bảo đảm chính sách, chiến lược, văn bản pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan thống nhất với chính sách, chiến lược, văn bản pháp luật chung về sở hữu trí tuệ; hướng dẫn đăng ký quyền tác giả và quyền liên quan; theo dõi tình hình triển khai thực hiện quyền tác giả và quyền liên quan; tổ chức thanh tra, kiểm tra, tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; báo cáo về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ;

b. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến sở hữu trí tuệ do Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch giao;

c. Định kỳ 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Sở Khoa học và Công nghệ về hoạt động quản lý Nhà nước về quyền tác giả và quyền liên quan để phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Bộ Khoa học và Công nghệ. 

3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a. Có trách nhiệm phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ và chủ trì thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về quyền đối với giống cây trồng; bảo đảm chính sách, chiến lược, văn bản pháp luật về giống cây trồng thống nhất với chính sách, chiến lược, văn bản pháp luật chung về sở hữu trí tuệ; tổ chức thanh tra, kiểm tra, tiếp nhận, xử lý khiếu nại, tố cáo và thực hiện thẩm định, giám định phục vụ việc xác định hành vi xâm phạm quyền giống cây trồng; hướng dẫn đăng ký quyền đối với giống cây trồng; theo dõi tình hình triển khai thực hiện quyền đối với giống cây trồng, báo cáo về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Khoa học và Công nghệ;

b. Thực hiện các nhiệm vụ khác liên quan đến sở hữu trí tuệ do Uỷ ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao;

c. Định kỳ 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất báo cáo Sở Khoa học và Công nghệ về hoạt đông quản lý Nhà nước và bảo vệ quyền giống cây trồng để phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Khoa học và Công nghệ. 

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

- Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ hướng dẫn việc đặt tên doanh nghiệp trong thủ tục đăng ký dinh doanh để đảm bảo không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý đã được bảo hộ trước.

- Khi thẩm định các dự án đầu tư có nội dung sử dụng, chuyển giao hoặc góp vốn bằng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ cần phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các quy định pháp luật sở hữu trí tuệ đối với việc sử dụng, chuyển giao hoặc góp vốn bằng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

- Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ hướng dẫn chủ đầu tư thực hiện các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ đối với việc sử dụng, chuyển giao hoặc góp vốn bằng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ trong việc thẩm định các dự án đầu tư có nội dung sử dụng, chuyển giao hoặc góp vốn bằng các đối tượng quyền sở hữu trí tuệ.

5. Sở Công Thương

a. Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hoá, thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiêp và Phát triển Nông thôn tuyên truyền phổ biến các quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ trong nước và quốc tế liên quan đến thương mại cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn;

b. Hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động xúc tiến thương mại và các chương trình hỗ trợ khác liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp; tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp; chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến xử lý các hành vi vi phạm về sở hữu trí tuệ xảy ra trong lưu thông hàng hóa và kinh doanh thương mại trên thị trường; thực hiện tốt quy chế phối hợp liên ngành về hoạt động bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp trên địa bàn tỉnh;

c. Chủ động kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm hành chính theo thẩm quyền đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong lưu thông hàng hoá trên địa bàn tỉnh.

6. Sở Y tế

Thực hiện việc quản lý, hướng dẫn cho cá nhân, tổ chức trong việc công bố chất lượng sản phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm các vấn đề liên quan trong việc sử dụng nhãn sản phẩm hàng hoá của doanh nghiệp có chứa nhãn hiệu, đảm bảo không xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam.

7. Sở Tài chính

a. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực hoạt động, phát triển tài sản sở hữu trí tuệ;

b. Chủ trì, phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ban, ngành liên quan cân đối, bố trí kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ quản lý về sở hữu trí tuệ nói chung, sở hữu công nghiệp nói riêng trên địa bàn tỉnh.

8. Sở Tư pháp

Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan liên quan trong việc tuyên truyền hướng dẫn các kiến thức pháp luật về sở hữu trí tuệ cho các tổ chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Điều 16. Trách nhiệm Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố

Thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi quản lý theo thẩm quyền được giao và chịu sự hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

1. Ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện các văn bản pháp luật về sở hữu trí tuệ trên địa bàn quản lý;

2. Tổ chức, quản lý các hoạt động sở hữu trí tuệ của các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh - dịch vụ thuộc phạm vi quản lý;

3. Hàng năm, lập kế hoạch hoạt động về sở hữu trí tuệ nhằm phát triển hoạt động sở hữu trí tuệ của địa phương;

4. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về sở hữu trí tuệ nói chung, sơ hữu công nghiệp nói riêng;

5. Xây dựng kế hoạch và triển khai đào tạo, tập huấn pháp luật, nghiệp vụ sở hữu công nghiệp cho các cán bộ có liên quan; có biện pháp hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong việc tiếp cận, tìm hiểu và chấp hành các văn bản pháp luật về sở hữu công nghiệp;

6. Hướng dẫn cho các cá nhân, đơn vị, các hộ, đăng ký kinh doanh, sử dụng tên thương mại, nhãn hiệu nhằm tránh việc xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp của người khác;

7. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ trong việc triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến địa phương thuộc các chương trình, đề án, dự án về hoạt động sở hữu trí tuệ của tỉnh; quản lý Chỉ dẫn địa lý thuộc địa phương quản lý; tổ chức tuyên truyền phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ cho cộng động trên địa bàn; đề xuất về nhu cầu đào tạo, tuyên truyền, phổ biến các kiến thức về sở hữu trí tuệ nói chung, sở hữu công nghiệp nói riêng;

8. Trực tiếp quản lý việc sử dụng nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận của các làng nghề, hiệp hội làng nghề trên địa bàn;

9. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Công Thương, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch, Công an, Quản lý thị trường, Hải quan và các cơ quan liên quan trong việc xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật;

10. Định kỳ 6 tháng và hàng năm hoặc đột xuất báo cáo về Sở Khoa học và Công nghệ về hoạt động quản lý Nhà nước và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ để phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh, tổng hợp báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 17. Đài Phát thanh Truyền hình Quảng ninh và Báo Quảng Ninh

1. Phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tuyên truyền phổ biến pháp luật, chính sách của nhà n­ước và của tỉnh về sở hữu trí tuệ;

2. Phát hiện và đề xuất để xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong hoạt động thông tin, quảng cáo;

3.Tăng cường thời lượng tuyên truyền về hoạt động sở hữu trí tuệ, xử lý vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp, quyền tác giả, các quyền liên quan, quyền đối với giống cây trồng trên địa bàn tỉnh.

Điều 18. Liên đoàn lao động tỉnh và Tỉnh đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ, các sở ban ngành trong công tác quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ. Xây dựng thúc đẩy, phong trào thi đua sáng tạo; tổ chức các Hội thi sáng tạo, Giải thưởng sáng tạo khoa học và công nghệ.

Điều 19. Các đoàn thể, tổ chức xã hội và hội nghề nghiệp có trách nhiệm tuyên truyền vận động các cá nhân, tổ chức thành viên đẩy mạnh hoạt động sở hữu trí tuệ cũng như thực hiện tốt các quy định quản lý về các hoạt động này.

Điều 20. Nội dung cơ chế phối hợp hoạt động.

Theo yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể, các cơ quan quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ có trách nhiệm phối hợp hoạt động như sau:

1. Phân công lãnh đạo phụ trách và chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ;

2. Cử cán bộ, chuyên viên của đơn vị mình tham gia giải quyết các công việc chung, đồng thời làm đầu mối quan hệ phối hợp công tác với các đơn vị có liên quan;

3. Tham dự các phiên họp về sở hữu trí tuệ do Uỷ ban nhân dân tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ triệu tập và chuẩn bị các tài liệu cần thiết theo yêu cầu;

4. Xây dựng kế hoạch và phối hợp tổ chức công tác đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao năng lực quản lý, chuyên môn nghiệp vụ về quản lý sở hữu trí tuệ cho cán bộ của cơ quan mình;

5. Xây dựng kế hoạch và tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra liên ngành cung cấp thông tin hoặc kết luận giám định về sở hữu trí tuệ để phục vụ cho việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

6. Trao đổi, cung cấp thông tin về bảo hộ, xử lý hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của các ngành trên địa bàn tỉnh. Thực hiện chế độ cung cấp thông tin theo định kỳ 6 tháng một lần hoặc đột xuất cho Sở Khoa học và Công nghệ về tình hình quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ, đặc biệt là công tác chống hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ;

7. Sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ, đồng thời đề ra những giải pháp hữu hiệu để thực hiện có hiệu quả.

Chương V

THANH, KIỂM TRA, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM VỀ SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Điều 21. Tổ chức, cá nhân có hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn phải chấp hành chế độ thanh tra, kiểm tra định kỳ về hoạt động sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật. Trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật tổ chức phải chịu thanh tra bất thường.

Điều 22. Thanh tra sở hữu trí tuệ khi tiến hành thanh tra, kiểm tra có quyền và nghĩa vụ sau:

1. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp tài liệu và trả lời những vấn đề cần thiết cho hoạt động thanh tra;

2. Tiến hành các biện pháp kiểm tra kỹ thuật tại hiện trường. Khi phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ phải lập biên bản và xử lý vi phạm theo quy định. Trường hợp chưa đủ căn cứ để khẳng định là hành vi vi phạm thì phải tiến hành lấy mẫu và gửi đến cơ quan có chức năng để giám định;

3. Thực hiện quyền và nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật về thanh tra.

Điều 23. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ phải nghiêm chỉnh thực hiện những yêu cầu trong kết luận thanh tra.

Điều 24. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo về sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật. Các khiếu nại, tố cáo về những hành vi vi phạm pháp luật về sở hữu trí tuệ phải được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xem xét, giải quyết theo đúng trình tự, thủ tục quy định và kết luận bằng văn bản cho người khiếu nại – tố cáo theo đúng quy định của pháp luật.

Điều 25. Sở Khoa học và Công nghệ và các cấp, các ngành liên quan có trách nhiệm tổ chức và chỉ đạo thực hiện thanh tra và giải quyết các khiếu nại - tố cáo về sở hữu trí tuệ theo thẩm quyền.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH 

Điều 26. Trách nhiệm thi hành

1. Các Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện tốt Quy chế này;

2. Sở Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và tổ chức thực hiện Quy chế này. 

Điều 27. Khen thưởng và xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu trí tuệ và thực hiện tốt Quy chế này sẽ được khen thưởng theo quy định hiện hành;

2. Các tổ chức, cá nhân có các hành vi vi phạm trong hoạt động quản lý Nhà nước về sở hữu công nghiệp và Quy chế này sẽ bị xử phạt theo quy định tại Nghị định số 106/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về sở hữu công nghiệp và các quy định pháp luật có liên quan.

Điều 28. Bổ sung, sửa đổi.

Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có những vấn đề gì vướng mắc, phát sinh, các cơ quan, đơn vị phản ảnh về Sở Khoa học và Công nghệ để tổng hợp báo cáo đề xuất với Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp. 

TM. UBND TỈNH QUẢNG NINH

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3878/2008/QĐ-UBND ban hành Quy chế quản lý hoạt động sở hữu trí tuệ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ban hành

  • Số hiệu: 3878/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 09/12/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Ninh
  • Người ký: Nhữ Thị Hồng Liên
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/12/2008
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản