Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 38/2007/QĐ-UBND

Tam Kỳ, ngày 11 tháng 9 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 02 tháng 12 năm 1998; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 15 tháng 6 năm 2004 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Khiếu nại, tố cáo ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định 136/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo và các Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Khiếu nại, tố cáo;

Theo đề nghị của Chánh Văn phòng UBND tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế về tổ chức tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, các tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Đức Hải

 

QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 38 /2007/QĐ-UBND ngày 11 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh Quảng Nam)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này cụ thể hóa việc tổ chức tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam nhằm đáp ứng yêu cầu giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo đúng trình tự, thủ tục và thời gian quy định của Pháp luật hiện hành.

Điều 2. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân và bố trí cán bộ có phẩm chất đạo đức tốt, nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, có nghiệp vụ chuyên môn, am hiểu pháp luật, nắm bắt thực tiễn, có ý thức trách nhiệm làm nhiệm vụ chuyên trách tiếp công dân giúp Thủ trưởng theo dõi công tác tiếp công dân tại đơn vị.

Việc tiếp công dân chỉ được thực hiện tại công sở.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan công an để tổ chức bảo vệ, bảo đảm an toàn, trật tự, văn minh lịch sự tại nơi tiếp công dân. UBND xã, phường, thị trấn và công an phụ trách địa bàn có trách nhiệm bảo vệ an toàn nơi tiếp công dân của các cơ quan trên địa bàn mình quản lý.

Điều 4. Nghiêm cấm các hành vi

1. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để cản trở, gây phiền hà, sách nhiễu đối với công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

2. Lợi dụng việc khiếu nại, tố cáo để xuyên tạc, vu khống, lôi kéo, kích động, cưỡng ép, dụ dỗ, mua chuộc người khác khiếu nại, tố cáo sai sự thật, gây rối trật tự, gây thiệt hại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân; tố cáo sai sự thật, đe dọa, trả thù, xúc phạm người khiếu nại, tố cáo, xúc phạm uy tín, danh dự của cơ quan nhà nước, người tiếp công dân, người thi hành nhiệm vụ, công vụ.

Chương II

TỔ CHỨC TIẾP CÔNG DÂN

Điều 5. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm tổ chức, bố trí địa điểm thuận tiện, đảm bảo các điều kiện vật chất cần thiết và trực tiếp tiếp công dân để nghe và chỉ đạo xử lý, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân thuộc thẩm quyền và trách nhiệm quản lý.

Điều 6. Tại nơi tiếp công dân phải niêm yết lịch tiếp và nội quy tiếp công dân. Lịch tiếp công dân phải ghi cụ thể về thời gian, chức vụ của người tiếp công dân. Nội quy tiếp công dân phải ghi rõ trách nhiệm của người tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Điều 7. Cán bộ tiếp công dân phải ghi chép đầy đủ các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân vào sổ tiếp công dân và lưu giữ tại nơi tiếp công dân. Hồ sơ tiếp công dân được quản lý và lưu giữ theo quy định.

Điều 8. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm định kỳ tổ chức tiếp công dân theo đúng quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo. Cụ thể như sau:

1. Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn tổ chức tiếp công dân mỗi tuần ít nhất 1 ngày;

2. Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiếp công dân mỗi tháng ít nhất 2 ngày;

3. Giám đốc các Sở và Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh tổ chức tiếp công dân mỗi tháng ít nhất 1 ngày;

4. Thủ trưởng các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện công tác đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư tổ chức tiếp công dân để giải quyết yêu cầu, kiến nghị, phản ánh của công dân mỗi tháng ít nhất 2 ngày;

5. Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ mỗi tháng ít nhất 1 ngày tại Phòng Tiếp dân tỉnh.

6. Trong trường hợp cần thiết, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố tổ chức tiếp công dân đột xuất theo thời gian và địa điểm thích hợp (có Thông báo, lịch, giấy mời đối với từng trường hợp cụ thể);

7. Ngoài việc tiếp công dân định kỳ theo quy định trên đây, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị phải tiếp công dân khi có yêu cầu khẩn thiết.

Điều 9. Trong thời hạn mười (10) ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kỳ tiếp công dân, Lãnh đạo cơ quan phải có thông báo cho công dân được biết kết quả tiếp công dân.

Điều 10. Cơ quan Thanh tra, Công an, Bộ Chỉ huy quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Thương mại, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Lao động- Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Giao thông Vận tải, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thủy sản, Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức tiếp công dân thường xuyên theo quy định của Pháp luật.

Điều 11. Phòng Tiếp dân tỉnh trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, có trách nhiệm

1. Tổ chức tiếp công dân, tiếp nhận, xử lý các đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân đúng quy định của Pháp luật và Quy chế này;

2. Bố trí cán bộ thường trực tiếp công dân trong giờ hành chính (trường hợp đặc biệt sẽ tiếp công dân ngoài giờ hành chính kể cả ngày nghỉ, theo chỉ đạo của Lãnh đạo UBND tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh);

3. Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, hồ sơ, tài liệu để Chủ tịch UBND tỉnh tiếp công dân định kỳ và đột xuất tại Phòng Tiếp dân hoặc tại các địa điểm khác theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh;

4. Đối với kiến nghị, phản ánh của công dân đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết hoặc đã có ý kiến trả lời của cơ quan chức năng, nhưng công dân vẫn có nguyện vọng gặp Chủ tịch UBND tỉnh thì phải kiểm tra, nghiên cứu cụ thể hồ sơ vụ việc trước khi báo cáo đề xuất Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định bố trí lịch tiếp công dân;

5. Tham mưu Chánh Văn phòng UBND tỉnh, tổ chức kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh trong những lần tiếp công dân. Cơ quan, đơn vị nào thiếu trách nhiệm hoặc chậm trễ trong việc xem xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân thì Phòng Tiếp dân tỉnh báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét xử lý theo quy định;

6. Phối hợp cơ quan công an để tổ chức bảo vệ, bảo đảm an toàn, trật tự tại Phòng Tiếp dân tỉnh;

7. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ về tình hình và kết quả tiếp công dân theo quy định.

Điều 12. Phòng Tiếp dân của cấp huyện, các Sở, ban, ngành do Chủ tịch UBND cấp huyện, Giám đốc Sở, ban, ngành quyết định. Tùy theo tình hình thực tế của đơn vị mà Phòng Tiếp dân được thủ trưởng đơn vị giao cho Văn phòng hoặc Thanh tra phụ trách.

Điều 13. Lãnh đạo các cơ quan, tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện công tác đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư có trách nhiệm:

1. Tổ chức tiếp công dân để kịp thời trả lời hoặc giải quyết các yêu cầu, kiến nghị, phản ánh của công dân thuộc phạm vi trách nhiệm quản lý. Riêng đối với các khiếu nại, tố cáo thì xử lý, giải quyết theo quy định của Pháp luật về khiếu nại, tố cáo;

2. Chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, địa điểm, hồ sơ, tài liệu để Chủ tịch UBND tỉnh hoặc giao Chủ tịch UBND cấp huyện tiếp công dân đột xuất tại đơn vị theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh;

3. Tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận của Chủ tịch UBND tỉnh tại các buổi tiếp công dân và báo cáo kết quả việc thực hiện các kết luận đó cho Chủ tịch UBND tỉnh, đồng thời thông báo cho Văn phòng UBND tỉnh và Thanh tra tỉnh để theo dõi tổng hợp.

Chương III

TRÁCH NHIỆM, QUYỀN HẠN CỦA THỦ TRƯỞNG, CÁN BỘ TIẾP CÔNG DÂN; QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÔNG DÂN KHI ĐẾN NƠI TIẾP CÔNG DÂN

Điều 14. Khi làm nhiệm vụ, thủ trưởng và cán bộ tiếp công dân phải mặc trang phục chỉnh tề, đeo thẻ công chức theo quy định.

Điều 15. Trong khi tiếp công dân, Thủ trưởng cơ quan phải trả lời ngay cho công dân biết những khiếu nại thuộc thẩm quyền mà vụ việc đã rõ ràng, cụ thể, có cơ sở giải quyết; nếu vụ việc phức tạp cần nghiên cứu, xem xét thì phải nói rõ thời hạn giải quyết, người cần liên hệ để biết kết quả giải quyết, không được đùn đẩy trách nhiệm cho người khác.

Điều 16. Cán bộ tiếp công dân có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Nhiệm vụ của cán bộ tiếp công dân:

a) Khi tiếp công dân phải lịch thiệp, lắng nghe công dân trình bày các nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và giải thích, hướng dẫn rõ ràng các yêu cầu của công dân theo quy định của pháp luật;

b) Hướng dẫn cho công dân thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo theo đúng quy định của Pháp luật;

c) Tiếp nhận, phân loại và xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo quy định tại Điều 49 Nghị định số 136/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ;

d) Giữ bí mật họ, tên, bút tích của người tố cáo khi người tố cáo yêu cầu;

đ) Ghi chép đầy đủ các nội dung tiếp công dân vào sổ tiếp công dân và chịu trách nhiệm quản lý hồ sơ tiếp công dân theo quy định;

e) Thực hiện những việc khác theo quy định của pháp luật.

2. Quyền hạn của cán bộ tiếp công dân:

a) Từ chối không tiếp những trường hợp đã có Quyết định giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng cơ quan cùng cấp, mà Thủ trưởng cơ quan đã tiếp và trả lời trên hai lần cho đương sự, trừ trường hợp nội dung đơn có tình tiết mới hoặc có sự chỉ đạo của cơ quan cấp trên.

b) Không tiếp những người đang trong tình trạng có hơi men hoặc dùng chất kích thích khác, người bệnh tâm thần và những người vi phạm quy chế, nội quy nơi tiếp công dân;

c) Yêu cầu công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền (Trong trường hợp được ủy quyền) hoặc giấy mời; trình bày đầy đủ, rõ ràng, trung thực những nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và cung cấp các chứng từ, tài liệu có liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh. Trong trường hợp công dân trình bày bằng miệng các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, nếu xét thấy cần thiết yêu cầu viết thành văn bản và ký tên xác nhận.

Điều 17. Quyền hạn và nghĩa vụ của công dân khi đến nơi tiếp công dân

1. Quyền hạn của công dân khi đến nơi tiếp công dân:

a) Được trình bày những nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh và được yêu cầu người tiếp công dân hướng dẫn, giải thích, trả lời về những nội dung đã trình bày hoặc hướng dẫn, giải thích về việc thực hiện quyền khiếu nại, tố cáo;

b) Yêu cầu giữ bí mật họ tên, địa chỉ của mình khi thực hiện quyền tố cáo;

c) Khiếu nại hoặc tố cáo về những hành vi sai trái, cản trở, gây phiền hà, sách nhiễu của người tiếp công dân.

2. Nghĩa vụ của công dân khi đến nơi tiếp công dân

a) Xuất trình giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền hoặc giấy mời, nghiêm chỉnh chấp hành nội quy nơi tiếp công dân và thực hiện theo sự hướng dẫn của người tiếp công dân;

b) Nếu người khiếu nại không trực tiếp đến nơi tiếp công dân, thì có thể ủy quyền cho người đại diện theo quy định của pháp luật để thực hiện quyền khiếu nại; khi thực hiện quyền khiếu nại, người đại diện phải có giấy tờ để chứng minh về việc đại diện hợp pháp của mình;

c) Trình bày đầy đủ, rõ ràng, trung thực sự việc, cung cấp toàn bộ tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

d) Ký (hoặc điểm chỉ) xác nhận những nội dung đã khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

đ) Trường hợp có nhiều người đến nơi tiếp công dân để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cùng một nội dung thì phải cử đại diện để trình bày với người tiếp công dân.

Chương IV

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 18. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác tiếp công dân được khen thưởng theo quy định của Pháp luật.

Điều 19. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị và cán bộ tiếp công dân nếu có một trong các hành vi sau đây thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự

1. Thiếu trách nhiệm trong việc tổ chức tiếp công dân;

2. Vi phạm các quy định của nhà nước về tổ chức tiếp công dân và các quy định của Quy chế này;

3. Không kịp thời xử lý hoặc làm sai lệch các thông tin, tài liệu do người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh cung cấp;

4. Vi phạm các quy định khác của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Điều 20. Công dân nào có hành vi gây rối hoặc không chấp hành các quy định về tổ chức tiếp công dân tại nơi tiếp công dân, vi phạm khoản 2, Điều 4 Quy chế này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Giám đốc Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng công an phối hợp các cơ quan, đơn vị bảo vệ trật tự, an toàn tại nơi tiếp công dân; xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật ở nơi tiếp công dân.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22. Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và Trưởng phòng Tiếp dân tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm triển khai thực hiện quy chế này.

Giao Chánh Thanh tra tỉnh và Chánh Văn phòng UBND tỉnh kiểm tra, theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Quy chế này và định kỳ báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo.

Trong quá trình thực hiện quy chế này, nếu có vướng mắc hoặc có những vấn đề mới phát sinh, thì Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân phản ánh về Thanh tra tỉnh và Văn phòng UBND tỉnh để tổng hợp và báo cáo UBND tỉnh kịp thời sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 38/2007/QĐ-UBND ban hành quy chế về tổ chức tiếp công dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

  • Số hiệu: 38/2007/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/09/2007
  • Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Nam
  • Người ký: Nguyễn Đức Hải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/09/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản