Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 38/2005/QĐ-UBND

Đồng Hới, ngày 28 tháng 7 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ DẠY THÊM, HỌC THÊM NGOÀI GIỜ CHÍNH KHÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Chỉ thị số 15/2000/CT-BGD&ĐT ngày 17 tháng 5 năm 2000 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về các biện pháp cấp bách tăng cường quản lý dạy thêm, học thêm;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Bình tại Tờ trình số 1320/2004/GD-ĐT ngày 04 tháng 11năm 2004,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc dạy thêm, học thêm ngoài giờ chính khóa trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây của tỉnh về dạy thêm, học thêm trái với quy định này đều bị bãi bỏ.

Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các cá nhân, cơ quan, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Giáo dục - Đào tạo;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Ban TV Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Ban Pháp chế HĐND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Các cơ quan thông tin đại chúng ở địa phương;
- Sở Tư pháp;
- Lưu VT, VX.

TM. UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Công Thuật

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ DẠY THÊM, HỌC THÊM NGOÀI GIỜ CHÍNH KHOÁ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành theo Quyết định số 38/2005/QĐ-UBND ngày 28 tháng 7 năm 2005 của UBND tỉnh Quảng Bình)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích, yêu cầu của việc dạy thêm, học thêm ngoài giờ chính khoá

1. Dạy thêm ngoài giờ chính khoá (sau đây viết tắt là dạy thêm, học thêm) mang tính bổ trợ, củng cố và nâng cao kiến thức, kĩ năng cho học sinh nhằm giúp học sinh yếu, kém theo kịp yêu cầu nội dung chương trình; Bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho học sinh giỏi giúp các em dự thi tại các kì thi chọn học sinh giỏi, và học sinh cuối cấp bậc trung học chuẩn bị thi tốt nghiệp, thi tuyển sinh.

2. Yêu cầu dạy thêm phải trên cơ sở tự nguyện của người học. Nội dung dạy thêm phải đúng chương trình, không được dạy thêm những nội dung ngoài quy định, tuyệt đối không được dạy trước chương trình, cắt xén chương trình chính khóa làm nội dung dạy thêm; Ngăn chặn các hiện tượng tiêu cực trong việc dạy thêm của giáo viên như: có hành vi bắt ép học sinh học thêm để thu tiền, không biến các buổi dạy thêm để làm giúp bài tập, bài kiểm tra cho học sinh hoặc lấy nội dung dạy thêm để làm đề bài kiểm tra ở lớp chính khoá tràn lan, trái với quy định. Giáo viên dạy thêm phải có giáo án cho buổi học, tiết học thêm; không được trực tiếp tổ chức hoặc dạy thêm cho học sinh mà mình là giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn khi học sinh học chính khóa.

Điều 2. Phạm vi quản lý việc dạy thêm, học thêm

Việc dạy thêm được quy định trong văn bản này là dạy thêm ngoài giờ chính khoá có thu tiền được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định tại Thông tư liên bộ số 16/TT-LB ngày 13/9/1993 hướng dẫn thực hiện việc dạy thêm ngoài giờ của giáo viên các trường phổ thông công lập; Chỉ thị số 15/2000/CT-BGD&ĐT ngày 17/5/2000 gồm:

- Dạy thêm ngoài các đối tượng học sinh tiểu học, trung học cơ sở học 2 buổi/ngày.

- Dạy thêm ngoài việc phụ đạo cho học sinh kém, bồi dưỡng học sinh giỏi theo kế hoạch chuyên môn của trường.

- Dạy luyện thi tốt nghiệp cho học sinh các lớp cuối cấp và luyện thi tuyển sinh.

Chương II

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Đối tượng, thủ tục học thêm

1. Học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông xếp loại yếu, kém (căn cứ vào kết quả cuối mỗi học kì hoặc cuối năm học trước) có nhu cầu học thêm nhằm bổ trợ, nâng cao kiến thức, rèn luyện kĩ năng vươn lên trung bình, khá.

2. Học sinh giỏi có nhu cầu học thêm nhằm bồi dưỡng năng khiếu, chuẩn bị thi học sinh giỏi các cấp.

3. Học sinh chuẩn bị dự thi tốt nghiệp, dự thi tuyển sinh.

4. Học sinh muốn học thêm phải tự nguyện làm đơn xin học và được phụ huynh đồng ý, cho phép.

Không được dạy thêm, học thêm đối với học sinh tiểu học; học sinh trung học cơ sở đã học 2 buổi/ngày.

Điều 4. Đối tượng và điều kiện dạy thêm

1. Là giáo viên đương chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành nhiệm vụ được giao, có năng lực sư phạm và trình độ chuyên môn tốt; Phải đạt chuẩn về trình độ đào tạo giáo viên của cấp học theo quy định của Luật Giáo dục.

2. Tổ chức dạy thêm phải có đủ giáo viên thỏa mãn các yêu cầu được quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Được cấp có thẩm quyền cho phép (theo Điều 6 của Quy định này).

Điều 5. Hồ sơ cấp giấy phép dạy thêm

Cá nhân và tổ chức muốn dạy thêm phải lập hồ sơ xin dạy thêm trình cấp có thẩm quyền xét duyệt, bao gồm:

1. Đơn xin cấp giấy phép đăng kí dạy thêm (theo mẫu quy định của Sở Giáo dục - Đào tạo)

2. Danh sách giáo viên tham gia dạy thêm.

3. Bản sao văn bằng của giáo viên tham gia dạy thêm (có công chứng).

4. Ảnh của người đứng tên xin dạy thêm (ảnh màu 3 x 4).

5. Bản sơ đồ bố trí phòng học và báo cáo về các điều kiện đảm bảo tổ chức dạy học theo tiêu chuẩn quy định hiện hành.

Điều 6. Thẩm quyền, thủ tục cấp giấy phép dạy thêm

Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo cấp giấy phép dạy thêm cho cá nhân, tổ chức dạy thêm theo chương trình trung học phổ thông và các cơ sở luyện thi trong tỉnh.

Trưởng phòng Giáo dục các huyện, thành phố cấp giấy phép dạy thêm cho cá nhân, tổ chức dạy theo chương trình trung học cơ sở.

Sau thời hạn 10 ngày kể từ khi nhận hồ sơ, nếu xét thấy không đủ điều kiện để cấp giấy phép dạy thêm thì Sở Giáo dục - Đào tạo (hoặc Phòng Giáo dục) thông báo cho cá nhân, tổ chức biết đồng thời trả lại hồ sơ.

Điều 7. Môn dạy thêm

Được dạy thêm các môn Văn - Tiếng Việt, Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngoại ngữ, Địa lí, Lịch sử, Tin học.

Điều 8. Thời gian dạy thêm

- Dạy ôn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp cuối cấp THPT (2 tháng trước khi thi) mỗi tuần không quá 03 buổi, mỗi buổi không quá 4 tiết.

- Dạy các lớp luyện thi tuyển sinh cho học sinh trung học (thi vào lớp 10 THPT và thi vào đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp), mỗi môn, mỗi tuần không quá 2 buổi, mỗi buổi không quá 4 tiết.

- Không được dạy thêm vào ngày lễ theo quy định của Nhà nước.

Điều 9. Mức thu và tỉ lệ chi tiền học thêm

Mức thu tiền học thêm tạm tính theo đề nghị tại Tờ trình liên ngành số 505/TT-LNTC, GD-ĐT ngày 04/5/2005 của sở Tài chính và sở Giáo dục - Đào tạo về việc đề nghị mức thu, tỉ lệ chi tiền học thêm.

1. Mức thu tiền học thêm:

- Cấp trung học cơ sở: Tối đa 4.000đ/buổi/học sinh.

- Cấp trung học phổ thông: Tối đa 5.000đ/buổi/học sinh.

2. Tỉ lệ chi tiền học thêm:

- Đối với lớp dạy thêm do các cơ sở giáo dục - đào tạo tổ chức:

+ Chi cho người trực tiếp giảng dạy: 75% số thu.

+ Chi cho công tác quản lý: 10% (Trong đó: chi quản lý tại đơn vị: 5%, chi quản lý của cơ quan cấp giấy phép 5%).

+ Bổ sung kinh phí của đơn vị để mua sắm, sửa chữa tài sản, chi trả tiền điện, nước, phục vụ: 15% số thu.

- Đối với lớp dạy thêm do cá nhân tổ chức tại địa phương:

+ Chi cho công tác quản lý: 15%. Trong đó: Chi quản lý của cơ sở giáo dục - đào tạo (đơn vị công tác của giáo viên) 5%, chi quản lý của cơ quan cấp giấy phép 5%, chi quản lý của thôn, tiểu khu 5%.

+ Cán nhân mở lớp và giảng dạy tự trang trải các khoản chi liên quan: 85% số thu.

Không thu tiền của học sinh để chi cho việc phụ đạo học sinh kém và bồi dưỡng học sinh giỏi.

Điều 10. Các điều kiện bảo đảm khi tổ chức dạy thêm

1. Về số lượng học sinh trên lớp:

Mỗi lớp học thêm không quá 40 học sinh.

2. Về phòng học:

Phòng dạy thêm phải đảm bảo các điều kiện, quy cách của một phòng học theo quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo đối với từng cấp học, đáp ứng tốt các yêu cầu dạy học, an toàn và hợp vệ sinh.

3. Về an ninh, trật tự: Tại địa điểm tổ chức dạy thêm, học thêm, giáo viên và học sinh phải có trách nhiệm giữ gìn an ninh, trật tự, bảo đảm vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn giao thông. Không để xe lấn chiếm lòng, lề đường, gây ách tắc, cản trở giao thông.

Điều 11. Trách nhiệm của thủ trưởng các đơn vị, trường học, chính quyền địa phương trong quản lý dạy thêm - học thêm

1. Giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm kỹ thuật tổng hợp - hướng nghiệp; Hiệu trưởng các trường phổ thông các cấp là người chịu trách nhiệm trực tiếp quản lý dạy thêm của giáo viên thuộc đơn vị mình; Có trách nhiệm yêu cầu giáo viên báo cáo trung thực về công tác dạy thêm, thường xuyên theo dõi, kiểm tra để xử lý theo quyền hạn việc vi phạm các quy định đã nêu.

2. Thủ trưởng các đơn vị, trường học phải triển khai đầy đủ, nghiêm túc các văn bản chỉ đạo quản lý về dạy thêm, học thêm của Nhà nước, tập trung tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên gương mẫu chấp hành các quy định của các cấp. Phát hiện, ngăn chặn các hiện tượng như: báo cáo không đầy đủ số lượng học sinh học thêm, trốn tránh việc kiểm tra... Không để các trường hợp giáo viên nhận trông coi học sinh ngoài giờ theo yêu cầu thỏa thuận của gia đình biến thành lớp dạy thêm. Phải kịp thời báo cáo lên cấp trên những hiện tượng vi phạm về dạy thêm.

3. Trưởng phòng Giáo dục các huyện, thành phố chịu trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm của các tổ chức, cá nhân ở trung học cơ sở.

4. Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo có trách nhiệm quản lý, kiểm tra việc dạy thêm, học thêm của tổ chức, cá nhân ở các đơn vị trực thuộc Sở và các trung tâm luyện thi; Kiểm tra việc quản lý dạy thêm của các phòng Giáo dục.

5. Chính quyền địa phương có trách nhiệm quản lý hoạt động dạy thêm trên địa bàn theo quy định này; kịp thời phản ánh cho các cơ quan hữu quan trên địa bàn nếu thấy cóp hiện tượng vi phạm.

6. Nội dung công tác quản lý dạy thêm bao gồm:

+ Địa điểm và thời gian dạy thêm.

+ Môn dạy thêm và giáo viên dạy thêm.

+ Hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận dạy thêm của cá nhân, tổ chức.

+ Danh sách học sinh và việc thu chi học phí dạy thêm, học thêm.

+ Nội dung, chương trình dạy thêm và chất lượng dạy thêm của giáo viên.

Chương III

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 12. Khen thưởng

Cá nhân, tổ chức, cơ quan, đơn vị và địa phương thực hiện tốt các Quy định này và các quy định trong các văn bản pháp luật khác có liên quan sẽ được xem xét khen thưởng.

Điều 13. Xử lý vi phạm

Căn cứ Chỉ thị 38/2003/CT-BGD&ĐT ngày 04 tháng 8 năm 2003 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo :

Cá nhân, tập thể thuộc ngành Giáo dục và Đào tạo quản lý, nếu vi phạm Quy định này, tuỳ mức độ vi phạm, có thể bị xử lý theo các hình thức kỷ luật sau:

- Đối với cá nhân sẽ chịu hình thức kỷ luật theo quy định của Pháp lệnh cán bộ, công chức. Trước mắt, tạm đình chỉ công tác để làm kiểm điểm sai phạm, tuỳ mức độ vi phạm để xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

- Đối với tập thể có giáo viên vi phạm: Trước mắt, có thể tạm đình chỉ công tác của thủ trưởng đơn vị đó để làm rõ trách nhiệm liên quan và tuỳ mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật .

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 14. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý dạy thêm

1. Sở Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm:

a. Tổ chức triển khai, kiểm tra việc thực hiện Quy định này trong toàn ngành.

b. Xử lý hoặc đề nghị xử lý các hành vi vi phạm trong việc dạy thêm theo thẩm quyền.

2. Đoàn kiểm tra liên ngành quản lý dạy thêm - học thêm của tỉnh có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra việc thực hiện Quy định về tổ chức, quản lý dạy thêm, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền xử lý đối với tập thể, cá nhân có hành vi vi phạm.

3. UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm:

a. Phối hợp với Sở Giáo dục - Đào tạo chỉ đạo triển khai và quản lý việc dạy thêm của giáo viên các cấp trên địa bàn huyện, thành phố.

b. Chỉ đạo việc xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền đối với cá nhân, tập thể có hành vi vi phạm các quy định về dạy thêm, học thêm.