Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 3788/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 20 tháng 12 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀO HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2011 ĐẾN 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đầu tư ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 848/SKH-XTĐT ngày 29/11/2010 về việc phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Chương trình xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh giai đoạn 2011 đến 2015 (có Chương trình kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ban hành.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 2;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, TP, TX;
- Các Phó VP/UBND tỉnh;
- Các tổ CV UBND tỉnh;
- http://dhtn.hatinh.gov.vn
- Lưu: VT, TKCT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Kim Cự

 

CHƯƠNG TRÌNH

XÚC TIẾN ĐẦU TƯ VÀO HÀ TĨNH GIAI ĐOẠN 2011 - 2015
(Ban hành theo Quyết định số 3788/QĐ-UBND ngày 20/12/2010 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. KHÁI QUÁT MÔI TRƯỜNG ĐẦU TƯ HÀ TĨNH

1. Vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên

Hà Tĩnh thuộc vùng Bắc Trung Bộ, phía Bắc giáp tỉnh Nghệ An, phía Nam giáp tỉnh Quảng Bình, phía Đông giáp biển Đông, phía Tây giáp Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; cách Thủ đô Hà Nội 340 km về phía Bắc, cách thành phố Hồ Chí Minh 1.348km về phía Nam; diện tích đất tự nhiên 6.019km2, dân số gần 1,3 triệu người, điều kiện vị trí địa lý thuận lợi, cùng với sự phát triển của Khu kinh tế Vũng Áng, Cụm cảng biển nước sâu Vũng Áng  - Sơn Dương, Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, …; Hà Tĩnh trở thành nút giao thông quan trọng, cửa ngõ giao lưu quốc tế giữa các nước trong khu vực (Việt Nam - Lào - Thái Lan - Mianma - Trung Quốc, … vv).

2. Tài nguyên thiên nhiên

1.1. Tài nguyên rừng

Rừng và kinh tế rừng là thế mạnh của Hà Tĩnh, với 365.577 ha diện tích rừng (đất có rừng 299.603 ha, đất chưa có rừng 65.974 ha); thảm thực vật rừng rất đa dạng, có trên 86 họ và 500 loài gỗ, có nhiều loại gỗ quý như lim, sến, táu, đinh, gụ, pơmu …; nhiều loại thú quý hiếm như sao la, mang, hổ, báo, hưu đen, dê sừng thẳng, trĩ, gà lôi và các loài bò sát. Đặc biệt có Vườn Quốc gia Vũ Quang rộng 52.882 ha và Khu Bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ rộng 21.759 ha thuộc rừng đặc dụng, có khả năng phát triển các điểm du lịch sinh thái và du lịch thể thao hấp dẫn.

2.2. Tài nguyên biển

Bờ biển dài 137 km, với 18.000 km2 mặt biển và 4 cửa sông lớn; có 267 loài cá, trong đó 60 loài có giá trị kinh tế cao, hơn 20 loài tôm; là một ngư trường rộng lớn để phát triển ngành khai thác, đánh bắt, chế biến hải sản.

Biển có nhiều bãi ngang, bờ thoải, cát mịn, nước trong xanh; cạnh bờ biển có núi, ngoài bờ có các đảo nhỏ tạo thành những bãi tắm lý tưởng như Xuân Thành, Chân Tiên, Thạch Hải, Thiên Cầm, Kỳ Ninh, Đèo Con, … vv. Đây là những khu du lịch biển đầy tiềm năng đã được quy hoạch, sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu và thực hiện dự án đầu tư.

2.3. Tài nguyên khoáng sản

Nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú như: ti tan, vàng, mangan, thiếc, đá granit, nước khoáng nóng, …vv và đặc biệt là mỏ sắt Thạch Khê với trữ lượng 540 triệu tấn, chiếm hiếm hơn 60% trữ lượng sắt cả nước, hàm lượng Fe từ 61,39 đến 62,38%, đây là mỏ sắt lớn nhất khu vực Đông Nam Á; mỏ titan có trữ lượng trên 5,3 triệu tấn; đá granit có trữ lượng hơn 1 tỷ m3, các chỉ tiêu kỹ thuật đảm bảo yêu cầu cho các công trình chất lượng cao; mỏ nước khoáng nóng, nhiệt độ 760C, lưu lượng trên 400m3/ngày, chất lượng tốt, nằm cạnh khu rừng đặc dụng có diện tích trên 30.000 ha, rất thuận lợi cho sản xuất, nước khoáng đóng chai và đầu tư xây dựng khu ngâm tắm, nghỉ dưỡng kết hợp du lịch sinh thái; …vv.

3. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật

3.1. Giao thông

Hà Tĩnh hiện có 5 tuyến đường quốc lộ đi qua với tổng chiều dài 383km, trong đó có đường Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh, đường sắt quốc gia chạy dọc theo chiều dài của tỉnh; đường Quốc lộ 8A nối thị xã Hồng Lĩnh với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và Thái Lan qua cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; Quốc lộ 12A nối Khu kinh tế Vũng Áng với nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan qua cửa khẩu Chalo. Hà Tĩnh là một trong những cửa ngõ lớn, có rất nhiều lợi thế của trục hành lang kinh tế Đông - Tây, có ảnh hưởng trực tiếp tới nước CHDCND Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.

Hà Tĩnh còn có lợi thế về phát triển cảng biển; với cảng Vũng Áng đã tiếp nhận tàu 50.000 tấn; cảng nước sâu Sơn Dương có khả năng tiếp nhận tàu 300.000 tấn; ngoài ra còn có cảng Xuân Hải tiếp nhận tàu 3.000 tấn.

Về đường hàng không, cách Hà Tĩnh 50 km về phía Bắc có sân bay Vinh (tỉnh Nghệ An), cách Khu Kinh tế Vũng Áng 100km về phía Nam có sân bay Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình) đón khách đi Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và ngược lại, rất thuận tiện trong việc đi lại bằng đường hàng không tới Hà Tĩnh.

3.2. Điện

Hà Tĩnh có 02 tuyến đường dây 500kV Bắc - Nam chạy qua, với 01 Trạm biến áp 500KV; có đầy đủ hệ thống đường dây và Trạm biến áp 110kV, 220kV; đến nay 100% số xã trong tỉnh đã có điện lưới quốc gia.

3.3. Nước

Nguồn nước khá phong phú nhờ hệ thống sông, suối, hồ, đập dày đặc; có 266 hồ chứa có tổng dung tích trên 1.600 triệu m3; 15 đập dâng với lưu lượng 6,9m3/s đảm bảo cung cấp đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt.

4. Lao động và giáo dục

Số người trong độ tuổi lao động chiếm 52,6% dân số, trong đó có khoảng 20% đã được đào tạo, số học sinh tốt nghiệp phổ thông trung học hàng năm khoảng từ 20.000 đến 25.000, là nguồn dồi dào bổ sung cho lực lượng lao động. Hệ thống giáo dục đang ngày càng được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các mục tiêu nâng cao chất lượng lao động hiện tại và tương lai. Hà Tĩnh hiện có 01 trường Đại học, 04 trường Cao đẳng, 03 trường Trung học chuyên nghiệp và 33 cơ sở đào tạo nghề.

5. Phát triển kinh tế

Trong 5 năm (2005 - 2010), kinh tế liên tục tăng trưởng, tốc độ tăng bình quân đạt 9,6%/năm. Cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp - xây dựng tăng từ 25,56% lên 32,4%; thương mại - dịch vụ tăng từ 31,29% lên 32,6%; nông - lâm - ngư nghiệp giảm từ 43,15% xuống 35%; GDP bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 11 triệu đồng.

Công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tiếp tục tăng trưởng nhanh, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 18,7%. Từng bước hình thành trung tâm công nghiệp nặng quy mô lớn của khu vực và cả nước tại Khu Kinh tế Vũng Áng với các sản phẩm chủ lực là gang thép, nhiệt điện, lọc hóa dầu, công nghiệp phụ trợ, cảng biển …

Sản xuất nông nghiệp liên tục được mùa toàn diện, giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 5,64%; sản lượng lương thực bình quân đạt 48 vạn tấn/năm.

Hoạt động tài chính - ngân hàng, thương mại - dịch vụ, du lịch ngày càng phát triển và nâng cao chất lượng, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển.

6. An ninh, chính trị xã hội

Tình hình chính trị ổn định, an ninh trật tự an toàn xã hội được giữ vững; sức mạnh của cả hệ thống chính trị được phát huy trong bảo vệ chính trị nội bộ; bảo vệ tốt các mục tiêu và sự kiện chính trị - xã hội diễn ra trên địa bàn. Tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân, quyền được sinh hoạt tôn giáo theo pháp luật.

II. KẾT QUẢ XÚC TIẾN ĐẦU TƯ TỪ NĂM 2005 - 2010

1. Các Khu Kinh tế, Khu công nghiệp

1.1. Khu kinh tế Vũng Áng

Khu kinh tế Vũng Áng cách thành phố Hà Tĩnh 60 km về phía Nam; cách cửa khẩu Chalo 170km theo Quốc lộ 12A; với diện tích 22.781 ha, được chia thành 5 khu chức năng chính: Khu cảng biển và dịch vụ hậu cảng, Khu công nghiệp nặng - luyện kim, Khu đô thị, Khu du lịch - dịch vụ và Khu phi thuế quan. Đặc biệt, tại Khu kinh tế có cụm cảng Vũng Áng - Sơn Dương cho phép tàu có tải trọng đến 300.000 tấn cập bến, sẽ là cửa ngõ thuận lợi để các tỉnh khu vực Miền Trung Việt Nam, Lào và các tỉnh vùng Đông Bắc Thái Lan vận chuyển hàng hóa xuất, nhập khẩu đi các hải cảng quốc tế trong khu vực và trên thế giới.

Hiện nay, tại KKT Vũng Áng đã có 102 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký hơn 192.000 tỷ đồng; một số công trình, dự án lớn đang được đẩy nhanh tiến độ, như: Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I (1.200MW); Khu Liên hợp gang thép và Cảng Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh; Tổng kho xăng dầu Vũng Áng, Khu Du lịch dịch vụ hồ Tàu Voi; Khu Đô thị - Dịch vụ Phú Vinh; Nhà máy Liên hợp gang thép của Công ty cổ phần gang thép Hà Tĩnh …. Nhiều dự án có quy mô đầu tư lớn đang hoàn thiện hồ sơ để được cấp giấy chứng nhận đầu tư, như: Nhà máy Lọc hóa dầu công suất 16 triệu tấn/năm (12,47 tỷ USD); Nhà máy Luyện thép của Công ty cổ phần Sắt Thạch Khê; Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II …

1.2. Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo

Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo có diện tích 56.684ha, cách Thủ đô Viên Chăn (Lào) 350km, cách cửa khẩu Bản Peng (Thái Lan) 220 km, cách thành phố Hà Tĩnh 110 km, thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) 100km. Khu kinh tế ưu tiên phát triển các ngành thương mại - dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu, sản xuất công nghiệp, xây dựng và kinh doanh hạ tầng kỹ thuật, …vv.

Đến nay, đã có hơn 110 doanh nghiệp được cấp đăng ký kinh doanh đang hoạt động, ngoài ra còn có hàng ngàn hộ kinh doanh cá thể hoạt động trong Khu kinh tế, trong đó trên 600 hộ kinh doanh cá thể đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đã thành lập Hội doanh nghiệp Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Cầu Treo.

1.3. Khu công nghiệp mỏ sắt Thạch Khê

Khu công nghiệp khai thác mỏ sắt Thạch Khê nằm cách thành phố Hà Tĩnh 8km, cách cảng Vũng Áng 66km, với nhiều phân khu chức năng như: khai thác, sàng tuyển, thiêu kết, vê viên, công nghiệp phụ trợ khác …vv.

Mỏ sắt Thạch Khê đi vào hoạt động sẽ kéo theo các ngành nghề như cơ khí, chế tạo máy, sửa chữa, … và các dịch vụ khác cùng phát triển; lúc đó khu vực mỏ sắt Thạch Khê và vùng phụ cận sẽ hình thành một trung tâm công nghiệp, dịch vụ phục vụ khai thác mỏ.

1.4. Khu công nghiệp Hạ vàng

Khu công nghiệp Hạ Vàng nằm cạnh Quốc lộ 1A, cách thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) 30 km về phía Bắc, cách thành phố Hà Tĩnh 20 km về phía Nam, với diện tích 300ha; ưu tiên phát triển các ngành: cơ khí lắp ráp; chế tạo phụ tùng điện - điện tử; chế biến nông - lâm - thủy sản; sản xuất vật liệu xây dựng; sản xuất hàng tiêu dùng; sản xuất đồ gia dụng và một số ngành công nghiệp khác. Hiện tại đã cấp phép cho Tổng công ty gốm sứ Việt Nam (Viglacera) quy hoạch đầu tư một số nhà máy trong Khu công nghiệp.

1.5. Khu công nghiệp Gia Lách

Khu công nghiệp Gia Lách nằm gần Quốc lộ 1A và cảng Xuân Hải, cách thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) 5 km về phía Bắc, cách thành phố Hà Tĩnh 45 km về phía Nam; diện tích 350 ha; ưu tiên phát triển các ngành: sản xuất đồ gia dụng; gia công cơ khí, chế tạo phụ tùng; các ngành công nghiệp chế biến nông, lâm thủy sản và một số ngành công nghiệp khác. Hiện đã có 2 nhà máy được đầu tư xây dựng tại đây.

2. Một số dự án lớn trên địa bàn

Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện đang triển khai một số dự án lớn, trọng điểm quốc gia như sau:

- Dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê: trữ lượng mỏ 544 triệu tấn; công suất khai thác mỏ giai đoạn 1 (từ năm thứ nhất đến năm thứ 10): 5 triệu tấn/năm, giai đoạn 2 (từ năm thứ 11 trở đi): 10 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 598 triệu USD (9.932 tỷ đồng). Chủ đầu tư đang triển khai bóc đất tầng phủ; đến nay, đã bóc được trên 10 triệu m3; dự kiến trong năm 2011 sẽ có sản phẩm quặng sắt.

- Dự án khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương: Nhà máy luyện thép có công suất 15 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư khoảng 15,5 tỷ USD (giai đoạn I: 7,5 triệu tấn/năm, vốn đầu tư gần 9 tỷ USD); cảng Sơn Dương có 35 bến, khả năng thông qua 120 triệu tấn/năm, tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD (giai đoạn I: đầu tư 12 bến, vốn đầu tư 732 triệu USD). Hiện tại đã hoàn thành công tác bồi dưỡng, GPMB; nhà đầu tư đang triển khai san lấp mặt bằng, xây dựng bến cảng và các công trình của dự án;

- Dự án Trung tâm Điện lực Vũng Áng gồm 4 nhà máy có tổng công suất 4 x 1.200 MW, vốn đầu tư 4,8 tỷ USD; hiện tại đang triển khai xây dựng Nhà máy số 1, dự kiến Quý IV/2012 sẽ đi vào hoạt động; Nhà máy số 2 cũng đang hoàn thành công tác chuẩn bị để khởi công xây dựng đầu năm 2011;

- Dự án công trình thủy lợi đa mục tiêu Ngàn Trươi Cẩm Trang tại huyện Vũ Quang có dung tích hồ chứa 780 triệu m3 và nhà máy thủy điện công suất 16MW, vốn đầu tư 3.000 tỷ VND bằng nguồn vốn của Chính phủ; khởi công tháng 5 năm 2009.

3. Một số hạn chế và nguyên nhân

- Hoạt động xúc tiến đầu tư chưa gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các thủ tục cấp giấy chứng nhận đầu tư, dẫn đến làm nhà đầu tư lúng túng và mất nhiều thời gian trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư.

- Một số nội dung quy định về thủ tục đầu tư tại các văn bản của Trung ương chưa thống nhất, chưa cụ thể, như: việc cấp giấy chứng nhận đầu tư và thành lập doanh nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài (tại Nghị định số 108/2006/NĐ-CP và Nghị định số 43/2010/NĐ-CP), thủ tục điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án gắn thành lập doanh nghiệp, …

- Tiến độ triển khai một số dự án đầu tư chậm, tỷ lệ giải ngân đạt thấp; nguyên nhân là do một số nhà đầu tư chưa có kinh nghiệm trong thực hiện đầu tư, thiếu năng lực tài chính, thiếu đội ngũ cán bộ có năng lực, …

- Công tác hậu kiểm của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên (đặc biệt các vấn đề như tiến độ góp vốn, tiến độ triển khai dự án, …); việc xử lý đối với các chủ đầu tư vi phạm chưa nghiêm và chưa kịp thời.

- Công tác giải phóng mặt bằng một số dự án còn gặp nhiều khó khăn, tiến độ chậm; do chính quyền địa phương chưa vào cuộc quyết liệt, ngoài ra do nguồn kinh phí giải phóng mặt bằng còn hạn hẹp, chưa đáp ứng được yêu cầu tiến độ dự án.

- Các công trình kết cấu hạ tầng còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, nhất là hạ tầng kỹ thuật trong các khu kinh tế, khu công nghiệp.

III. CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN ĐẦU TƯ GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

1. Mục tiêu tổng quát

Tập trung thu hút các dự án đầu tư vào KKT Vũng Áng, KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thành phố Hà Tĩnh, thị xã Hồng Lĩnh và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp - TTCN trong tỉnh; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp, cảng biển, thương mại, du lịch và dịch vụ; chú trọng xúc tiến thương mại - du lịch, tạo chuyển biến tích cực trong cơ cấu kinh tế những năm tới.

2. Mục tiêu cụ thể

- Thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đạt 300 ngàn tỷ đồng;

- Giải ngân vốn đăng ký đầu tư trên 50%.

- Đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ đảm bảo chất lượng và cung cấp cho các dự án đạt trên 60%.

- Xúc tiến các dự án công nghiệp phụ trợ; các dự án thương mại, du lịch và dịch vụ.

3. Nhiệm vụ và giải pháp

3.1. Tập trung xây dựng và hoàn thiện các quy hoạch

- Xây dựng Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố Hà Tĩnh; Quy hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực …

- Bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch chung, quy hoạch 1/2000 của KKT Vũng Áng, KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; Quy hoạch thị xã Hồng Lĩnh và các huyện. Công bố rộng rãi quy hoạch, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư trong việc khảo sát, tìm hiểu cơ hội đầu tư.

3.2. Tăng cường công tác quản lý nhà nước về đầu tư

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các cơ chế chính sách khuyến khích, ưu đãi đầu tư phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của tỉnh.

- Cấp và thu hồi giấy chứng nhận đầu tư theo đúng quy định của Luật đầu tư và các văn bản quy định của pháp luật; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đẩy mạnh công tác hậu kiểm kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đầu tư những dự án vi phạm quy định.

- Tăng cường sự phối hợp, thống nhất công tác quản lý nhà nước về đầu tư, đặc biệt là cấp giấy chứng nhận đầu tư.

3.3. Tuyên truyền, quảng bá môi trường đầu tư

- Tuyên truyền quảng bá điều kiện tự nhiên, kinh tế xã hội, tiềm năng, cơ hội đầu tư, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư của tỉnh; danh mục các dự án kêu gọi đầu tư; hoạt động của các nhà đầu tư và các dự án đang thực hiện trên địa bàn bằng nhiều hình thức, với nội dung thiết thực và hiệu quả.

- Phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Việt Nam, Đài Phát Thanh - Truyền hình Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh phát sóng các chương trình, phóng sự về đầu tư của Hà Tĩnh.

- Đẩy mạnh hoạt động Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Website của Sở Kế hoạch và Đầu tư, KKT Vũng Áng, KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo và Các sở ngành; cập nhật cơ sở dữ liệu, thông tin về quản trị doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư; công khai quy hoạch, kế hoạch và các thủ tục đầu tư.

3.4. Xây dựng tài liệu xúc tiến đầu tư

- Xây dựng danh mục dự án kêu gọi đầu tư giai đoạn 2011 - 2015.

- Tập trung xây dựng hoàn chỉnh tóm tắt các dự án kêu gọi đầu tư; tài liệu tổng hợp về cơ chế chính sách, môi trường đầu tư của tỉnh.

- Xây dựng các phóng sự ngắn về hoạt động đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp; các phóng sự về môi trường đầu tư, các địa điểm đầu tư, các khu tái định cư…

- Xây dựng bản đồ phát triển các vùng kinh tế, bản đồ công nghiệp, bản đồ du lịch, các trung tâm thương mại …

3.5. Nâng cao năng lực cán bộ

- Bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý đất đai, quy hoạch, đầu tư, xây dựng, xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại.

- Tăng cường tập huấn kiến thức về quản lý đầu tư xây dựng, quản trị doanh nghiệp cho các doanh nghiệp.

- Chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp, các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề xây dựng công trình, kế hoạch đào tạo nhân lực cho các dự án.

3.6. Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư:

- Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư vào KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo; KKT Vũng Áng và các khu công nghiệp.

- Tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư chuyên đề trong và ngoài tỉnh.

- Cử các đoàn đi xúc tiến đầu tư ở nước ngoài (tập trung vào các nước: EU, Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ, …)

- Hướng dẫn, trợ giúp các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân tiếp cận các thông tin về đầu tư ra nước ngoài.

- Lồng ghép, phối hợp các chương trình xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, văn hóa và du lịch.

3.7. Cải cách thủ tục hành chính

- Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính theo hướng nhanh, gọn, thông thoáng trong việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết các thủ tục đầu tư.

- Công bố các quy hoạch về phát triển kinh tế, xã hội; quy hoạch đất đai; quy hoạch các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp …

- Thống nhất chương trình XTĐT giữa các ngành, huyện, thành phố, thị xã trên cơ sở phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Hoạt động XTĐT phải nằm trong chương trình XTĐT chung, đảm bảo gắn kết và hiệu quả.

3.8. Xã hội hóa công tác xúc tiến đầu tư

- Phối hợp với các tỉnh, thành phố có tiềm năng tạo liên kết vùng, liên kết ngành, lĩnh vực tổ chức hội nghị, hội thảo chia sẻ kinh nghiệm, giới thiệu, quảng bá, kêu gọi, xúc tiến các dự án đầu tư.

- Tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để các hội doanh nghiệp, từng doanh nghiệp tổ chức kêu gọi đầu tư, liên doanh, liên kết, ký kết các hợp đồng về sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ, tăng quy mô và mở rộng doanh nghiệp.

- Khuyến khích các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội có điều kiện tham gia hoạt động xúc tiến đầu tư.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công nhiệm vụ

- Ủy ban nhân dân tỉnh là cơ quan chủ trì chỉ đạo thực hiện Chương trình xúc tiến đầu tư giai đoạn 2011 - 2015.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan Thường trực có nhiệm vụ:

+ Theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Chương trình, định kỳ tổng hợp kết quả, báo cáo, đề xuất giải quyết những vướng mắc trong quá trình thực hiện.

+ Chủ động phối hợp với Cục Đầu tư nước ngoài, các Trung tâm XTĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức quảng bá, tuyên truyền, hội thảo chương trình XTĐT của tỉnh.

- Các sở, ban, ngành, Ban Quản lý KKT Vũng Áng, Ban Quản lý KKT cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, Trung tâm XTĐT và UBND các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng, nhiệm vụ, tổ chức thực hiện Chương trình theo chỉ đạo của UBND tỉnh và hướng dẫn của Sở Kế hoạch và Đầu tư; yêu cầu các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá văn hóa du lịch phải có sự phối hợp, lồng ghép giữa các địa phương, các ngành với nhau, đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả.

- Căn cứ Chương trình xúc tiến đầu tư của tỉnh, các sở, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch hàng năm để tổ chức thực hiện.

2. Triển khai các hoạt động

TT

Hoạt động xúc tiến đầu tư

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

1

Xây dựng tài liệu XTĐT

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện

2

Tập huấn, nâng cao năng lực

Sở Kế hoạch và Đầu tư; BQL KKK Vũng Áng

Các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện

3

Hội thảo trong nước

Sở Kế hoạch và Đầu tư; BQL KKK Vũng Áng, Cầu Treo

Các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện

4

Hội thảo nước ngoài

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các sở, ban, ngành

5

Quảng bá, tuyên truyền

Các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện

 

6

Hợp tác, học hỏi kinh nghiệm

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện

3. Kinh phí thực hiện chương trình: bố trí theo kế hoạch hàng năm.

V. DANH MỤC DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ

(Có phụ lục kèm theo)

 

DANH MỤC

CÁC DỰ ÁN KÊU GỌI ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo chương trình xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh giai đoạn 2011 - 2015)

TT

Tên dự án

Địa điểm

Vốn đầu tư (triệu USD)

I

Xây dựng hạ tầng và đô thị

1

Xây dựng hạ tầng và kinh doanh Khu công nghiệp Gia Lách

KCN Gia Lách

35

2

Xây dựng hạ tầng và kinh doanh Khu công nghiệp Hạ Vàng

KCN Hạ Vàng Can Lộc

30

3

Xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu phi thuế quan

Khu KT Vũng Áng

300

4

Xây dựng Khu công nghiệp Đá Mồng

KKT Cầu Treo

7

5

Hạ tầng Khu thương mại - công nghiệp cầu Hà Tân

KKT Cầu Treo

4

6

Xây dựng Khu đô thị, thương mại dịch vụ Kỳ Phương, Kỳ Long, Kỳ Liên và Kỳ Trinh

Khu KT Vũng Áng

500

7

Xây dựng khu đô thị, du lịch sinh thái Kỳ Ninh

Khu KT Vũng Áng

65

8

Khu đô thị nam bờ Sông Lam

Thị trấn Xuân An

35

9

Xây dựng hạ tầng các cụm CN trên địa bàn tỉnh, 50 ha cho mỗi cụm CN

Các huyện, thị

20

10

Xây dựng trung tâm thương mại và khách sạn cho thuê, 30 ha

Thành phố Hà Tĩnh

20

11

Khu đô thị Nam cầu Cày

TP Hà Tĩnh

10

12

Khu đô thị phía Nam thị trấn Tây Sơn, 50 ha

Hương Sơn

4

13

Nhà máy xử lý rác thải

Các huyện, thị

10

14

Xây dựng mới, nâng cấp nhà máy nước các huyện trong tỉnh

Các huyện

5

II

Lĩnh vực nông nghiệp

15

Nhà máy sản xuất gỗ MDF

Khu KT; Khu CN

10

16

Nhà máy gỗ ván nhân tạo cao cấp

Khu KT; Khu CN

7

17

Sản xuất hàng mộc, mỹ nghệ xuất khẩu, 100.000 sp/năm

Cụm làng nghề Thái Yên, các Cụm CN

3

18

Nhà máy sản xuất bột giấy 20.000 tấn/năm

Khu KT; Khu CN

50

19

Nhà máy sản xuất các sản phẩm từ nhựa cao cấp, 5000 tấn sp/năm

Các KCN

5

20

Trồng rừng nguyên liệu, xây dựng nhà máy sản xuất ván dăm, ván MDF, nhà máy giấy, đồ gỗ.

Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Vũ Quang

30

21

Các dự án xây dựng khu sản xuất giống cây, con chất lượng cao; nuôi trồng trên quy mô lớn và chế biến nâng cao giá trị kinh tế các sản phẩm nông nghiệp công nghệ tiên tiến.

Hương Sơn, Hương Khê, Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Vũ Quang

50

22

Nhà máy chế biến cà phê, hạt tiêu, hạt điều, chè xuất khẩu.

Khu KT; Khu CN

15

23

Nhà máy chế biến phân bón từ than bùn, 10.000 sp/năm

Khu CN; Khu KT

3

24

Nhà máy chế biến tinh dầu gió, trầm, 20 tấn dầu/năm

Hương Khê, Vũ Quang

3

25

Nhà máy chế biến nhựa thông, 4-5 tấn sp/năm

Hương Khê

2

26

Nhà máy chế biến thịt gia súc xuất khẩu 3.600 tấn/năm

Khu KT; Khu CN

50

27

Nhà máy chế biến thực phẩm 20.000 tấn/năm

Khu KT; Khu CN

50

28

Nhà máy chế biến thủy sản

Khu KT; Khu CN

5

29

Trồng và chế biến cao su, 5000 tấn/năm.

Hương Khê

5

30

Đầu tư trồng và chế biến rau quả xuất khẩu

Các Huyện, thị

40

31

Bảo tồn đa dạng sinh học các vườn Quốc gia trong tỉnh

Cẩm Xuyên, Vũ Quang

1-2

III

Lĩnh vực công nghiệp

32

Nhà máy lọc hóa dầu 16 triệu tấn/năm

Khu KT Vũng Áng

12.000

33

Nhà máy Pigment

Khu KT Vũng Áng

130

34

Nhà máy sản xuất axít sunfuric 120 tấn/năm

Khu KT; Khu CN

12

35

Nhà máy sản xuất gạch men gốm sứ cao cấp 1,5 triệu m2/năm

Khu KT; Khu CN

14

36

Nhà máy sản xuất ống thép 100.000 tấn SP/năm

Khu KT; Khu CN

50

37

Nhà máy sản xuất động cơ ôtô cung cấp trong nước và xuất khẩu

Khu KT Vũng Áng

20

38

Tổ hợp sửa chữa công nghiệp nặng (điện, cơ khí, …)

Khu KT Vũng Áng

200

39

Nhà máy đóng mới và sửa chữa tàu biển Vũng Áng, 320 ha.

Khu KT Vũng Áng

50

40

Nhà máy sản xuất Caustic Soda-Chlorine-EDC/VMC-MgO

Khu KT; Khu CN

10

41

Nhà máy sản xuất gạch lát ốp Terastone 350.000 m2/năm

Khu KT; Khu CN

40

42

Nhà máy sản xuất sản phẩm nhựa 100.000 SP/năm

Khu KT; Khu CN

50

43

Nhà máy sản xuất bê tông tươi

Khu KT; Khu CN

6

44

Nhà máy ống gang đúc

Khu KT; Khu CN

60

45

Nhà máy thép đặc biệt

Khu KT; Khu CN

130

46

Nhà máy thép tiền chế

Khu KT; Khu CN

50

47

Nhà máy sản xuất Ô xy

Khu KT; Khu CN

30

48

Nhà máy sản xuất than cốc

Khu KT; Khu CN

100

49

Nhà máy sản xuất Olefin và chất dẻo PE

Khu KT; Khu CN

10

50

Nhà máy sản xuất Soda

Khu KT; Khu CN

6

51

Nhà máy sản xuất Carbon Black

Khu KT; Khu CN

6

52

Nhà máy lắp ráp và sửa chữa Ô tô

Khu KT; Khu CN

10

53

Nhà máy sản xuất xi măng 1,5 -2  triệu tấn/năm

Khu KT; Khu CN

50

54

Nhà máy sản xuất động cơ ôtô và linh kiện ô tô

Khu KT; Khu CN

20

55

Nhà máy chế biến sản phẩm thạch cao 5 - 8 triệu m2/năm

Khu KT; Khu CN

20

56

Nhà máy sản xuất dây cáp điện các loại

Khu KT; Khu CN

15

57

Các nhà máy sản xuất dược, phẩm nguyên liệu dược phẩm theo tiêu chuẩn GMP

Khu KT; Khu CN

13

58

Nhà máy lắp ráp điện tử dân dụng 4000 sp/năm

Khu KT; Khu CN

50

59

Nhà máy lắp ráp bảng mạch điện tử 2 triệu SP/năm

Khu KT; Khu CN

15

60

Nhà máy Kim khí

Khu KT; Khu CN

10

61

Nhà máy may mặc xuất khẩu 1 triệu sản phẩm/năm

Khu KT; Khu CN

20

62

Nhà máy Sợi 15.000 tấn sợi/năm

Khu KT; Khu CN

30

63

Nhà máy sản xuất giày vải xuất khẩu

Khu KT; Khu CN

7

64

Nhà máy sản xuất đồ chơi trẻ em

Khu KT; Khu CN

6

65

Nhà máy hóa mỹ phẩm và chất tẩy rửa

Khu KT; Khu CN

6

66

Nhà máy sản xuất bao bì các loại

Khu KT; Khu CN

6

67

Nhà máy sản xuất SP từ vật liệu Composite 1 triệu SP/năm

Khu KT; Khu CN

14

68

Nhà máy chế biến các sản phẩm từ khoáng chất ceiricit Sơn Bình, 5000 tấn sp/năm

Hương Sơn

4

69

Sản xuất thiết bị, công cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Các KCN, Cụm CN

5

70

Xây dựng Nhà máy sản xuất tấm lợp

Các Khu KT

16

71

Xây dựng Nhà máy sản xuất cấu kiện Bê tông

Các Huyện, thị

16

72

Xây dựng Nhà máy gạch không nung

Các Huyện, thị

80

IV

Thương mại và Du lịch

73

Khu du lịch Quốc gia Thiên Cầm 1.557 ha gồm các khu chức năng: Khu A Bắc Thiên Cầm 266,5 ha; Khu B Nam Thiên Cầm 140ha; Khu Làng nghề Cẩm nhượng 277 ha; Khu sinh thái núi Cẩm Lĩnh 480 ha; Khu Cẩm Dương 469 ha.

Thiên cầm Cẩm Xuyên

50

74

Khu Du lịch biển Xuân Thành

Nghi Xuân

10

75

Khu du lịch sinh thái nước sốt Sơn Kim

Hương Sơn

12

76

Khu du lịch biển Chân Tiên, Thịnh Lộc

Can Lộc

9

77

Khu du lịch sinh thái biển Xuân Liên

Nghi Xuân

8

78

Khu du lịch sinh thái Suối Tiên

Thị xã Hồng Lĩnh

7

79

Khu du lịch sinh thái Kẻ Gỗ

Cẩm Xuyên

13

80

Khu du lịch sinh thái Rào Rồng

Hương Khê

5

81

Khu du lịch vườn quốc gia Vũ Quang

Vũ Quang

40

V

Y tế, Văn hóa, giáo dục và viễn thông

82

Trung tâm y tế (Bệnh viện) Vũng Áng, 200 giường bệnh

KKT Vũng Áng

5

83

Trường Đại học Bắc Hà Tĩnh

Hồng Lĩnh, Nghi Xuân

80

84

Trường Cao đẳng công nghệ Kỳ Trinh

KKT Vũng Áng

30

85

Trung tâm dạy nghề và giới thiệu việc làm

Các huyện, thành phố, thị xã

6

86

Khu công viên, thương mại dịch vụ Thạch Hưng

TP Hà Tĩnh

5

87

Các dự án phát triển công nghệ thông tin

Khu KT; Khu CN

6

88

Các dự án phát triển mạng di động 3G

Khu KT; Khu CN

100

89

Xây dựng khu công nghệ phần mềm

Các huyện, Thị và Thành phố

160

90

Trung tâm đào tạo nhân lực CNTT trình độ cao chuẩn Quốc tế

KCN Gia Lách

20

91

Sản xuất gia công phần mềm

KCN Gia Lách, TP Hà Tĩnh

10

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3788/QĐ-UBND năm 2010 về phê duyệt chương trình xúc tiến đầu tư vào Hà Tĩnh giai đoạn 2011 đến 2015 do Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh ban hành

  • Số hiệu: 3788/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 20/12/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh
  • Người ký: Võ Kim Cự
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 20/12/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản