BỘ NỘI THƯƠNG
| VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
|
Số: 375-NT | Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 1963 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH CHẾ ĐỘ CÂN, ĐONG, ĐO ÁP DỤNG CHO VIỆC MUA BÁN, GIAO NHẬN HÀNG HÓA
BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG
Căn cứ nghị định số 83-CP ngày 16-07-1963 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Nội thương;
Căn cứ sắc lệnh số 08-SL ngày 20-01-1950 và các văn bản kế tiếp quy định thống nhất đo lường trong mọi việc giao dịch,
Nhằm mục đích nâng cao văn minh thương nghiệp, bảo đảm quyền lợi nhân dân, đồng thời bảo đảm tài sản Nhà nước.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. – Nay ban hành chế độ cân, đông, đo, áp dụng cho việc mua bán, giao nhận hàng trong các kho, trạm, các cửa hàng mậu dịch quốc doanh, công tư hợp doanh, hợp tác xã mua bán, tổ hợp tác tiểu thương và những người buôn bán riêng rẽ.
Điều 2. – Chế độ này áp dụng sau hai tháng kể từ ngày ký quyết định này.
Điều 3. – Các ông Chánh văn phòng Bộ, Cục trưởng Cục Kiểm tra phẩm chất hàng hóa và Đo lường, các Sở, Ty Thương nghiệp, các ông Cục trưởng, ông Chủ nhiệm các Cục và Công ty kinh doanh, các ông cửa hàng trưởng có nhiệm vụ thi hành và kiểm tra việc chấp hành quyết định này.
| K.T. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI THƯƠNG |
CHẾ ĐỘ
CÂN, ĐONG ĐO ÁP DỤNG CHO VIỆC MUA BÁN, GIAO NHẬN HÀNG TẠI CÁC KHO, TRẠM, CÁC CỬA HÀNG MẬU DỊCH QUỐC DOANH, CÔNG TƯ HỢP DOANH, HỢP TÁC XÃ MUA BÁN, TỔ HỢP TÁC TIỂU THƯƠNG VÀ CÁC NGƯỜI BUÔN BÁN RIÊNG RẼ
Điều 1. – Để đảm bảo việc mua bán đúng với số lượng, với giá trị số tiền trao đổi, nay quy định như sau chế độ đo lường áp dụng cho việc mua bán, giao nhận hàng tại các kho trạm, các cửa hàng mậu dịch quốc doanh, công tư hợp doanh, hợp tác xã mua bán, tổ hợp tác tiểu thương và những người buôn bán riêng rẽ.
Điều 2. – Những thước, dụng cụ đong, cân và quả cân dùng trong phạm vi kể trong điều 1 phải là những dụng cụ hợp lệ đã được cơ quan đo lường kiểm nghiệm, đóng dấu cho phép lưu hành là mỗi năm phải được kiểm nghiệm lại ít nhất một lần.
Điều 3. – Về đo chiều dài:
Thước đo chiều dài phải là một đoạn đủ 1 mét, phân độ nhỏ nhất ít lắm phải đến 1 xăng-ti-mét (cm); nếu làm bằng gỗ thì hai đầu vuông góc và bịt bằng kim khí.
Nếu dùng thước xếp thì phải đóng vào một thanh gỗ hay tre thẳng.
Không được dùng thước tự khắc độ lấy, hoặc tự vạch lấy vào quầy, tủ hoặc thước mà hai đầu có danh nhọn đóng ngược để cắm mép hàng khi đo.
Điều 4. – Thước đo phải đặt song song và sát mép hàng phải đo.
Phải bấm và gập lá hàng đúng với góc đầu thước khi đo.
Nếu cần đo nhiều mét thì phải đo từng mét một: Không được lấy hàng đã đo rồi thay thước để đo số còn lại, cũng không xếp nhiều lá hàng rồi mới đo một lần.
Không được đặt quá thấp tấm hàng phải đo và do căng quá độ bình thường của mỗi loại hàng.
Nếu là hàng cần rọc hoặc cắt bằng kéo thì trước khi cắt phải so lại mép hai lá hàng xiết thành nếp. Vết cắt phải vuông góc với mép hàng, không được xiên lệch.
Điều 5. – Về đong.
Khi đong hàng lỏng phải rót hoặc múc vào dụng cụ đong cho đầy ngang miệng hoặc ngang vạch do cơ quan đo lường đã ấn định, không kể bọt, rồi mới chuyển sang đồ đựng của khách hàng không để rơi vãi. Nếu có rơi vãi, phải đong lại.
Khi đong hàng khô, đổ hàng đều tay cho tràn miệng dùng một ống tròn bằng gỗ hay tre gạt nhẹ ngang miệng cho hết số thừa rồi mới chuyển sang đồ đựng của khách hàng.
Điều 6. – Dụng cụ đong phải phù hợp với yêu cầu vệ sinh, phải sạch sẽ, được che đậy kín trong khi chưa sử dụng đến.
Những dụng cụ bẩn không được dùng để đong thức ăn. Sau một đợt đong, nếu không còn dùng nữa, phải rửa dụng cụ bằng xà phòng rồi phơi khô.
Điều 7. – Về cân.
Cân phải phù hợp với khối lượng hàng hóa cần cân.
Không được cân quá sức tối đa của cân và dưới mức tối thiểu của cân.
Mức tối thiểu của các loại cân quy định như sau:
- Mức tối thiểu của cân treo bằng 1/20 sức tối đa của cân;
- Mức tối thiểu của cân bàn bằng 1/20 sức tối đa của cân;
- Mức tối thiểu của cân đĩa bằng 1/50 sức tối đa của cân;
- Mức tối thiểu của cân đồng hồ là mức đã ghi sẵn trên mỗi cân.
Điều 8. – Cân phải đặt sao cho khách hàng có thể nhìn rõ ràng không lệch lạc các bộ phận thăng bằng của cân và đọc mã cân một cách dễ dàng.
Điều 9. – Cân bàn, cân đĩa, cân đồng hồ phải đặt thăng bằng trên một mặt phẳng ngang, cứng, không dễ bị lún.
Nếu đặt cân bàn cần được xây bằng gạch lát xi măng, trên có mái che mưa nắng.
Điều 10. – Đối với cân treo, thì quả của cân nào chỉ dùng riêng cho cân đó, không được thay đổi.
Khi cân trên 5kg, phải treo cân lên một xà ngang.
Khi cân dưới 5kg, phải xách bổng cân lên, cùi tay và cánh tay không được tác động vào đầu cân hoặc đòn cân.
Điều 11. – Tuyệt đối không được dùng quả cân sứt mẻ, hoặc bất cứ vật gì khác để thay thế quả cân hợp lệ.
Điều 12. – Đặt nhẹ nhàng vật cân lên đúng giữa bàn cân, đĩa cân; không được vứt mạnh, lấy tay ấn mạnh xuống đĩa cân.
Nếu là cân hai đĩa thì quả cân cũng phải đặt đúng giữa đĩa cân.
Điều 13. – Phải trừ đủ bao bì, giấy gói, dây buộc, nếu hàng phải gói buộc trước khi cân.
Đối với hàng lỏng phải cân với bì, thì sau khi cân xong và chuyển sang đồ đựng của khách hàng, phải cân lại bì để trừ cho đúng khối lượng. Nơi nào đã cân bao bì trước để trừ, nếu khách hàng yêu cầu thì phải vui vẻ cân lại.
Điều 14. – Khi cân còn đang chuyển động, không được vội lấy hàng ra.
Sau khi cân xong và đã lấy hàng ra rồi thì cũng phải lấy quả cân ra, không được để luôn trên bàn cân, đĩa cân.
Điều 15. – Cân và quả cân phải luôn luôn được lau chùi sạch sẽ, đặc biệt cân và quả cân dùng cho các thứ thực phẩm, muối và hóa chất hàng ngày phải lau rửa.
Mỗi tuần phải kiểm tra và cho dầu mỡ vào các bộ phận chính như dao, gối, các khớp, v.v…
Điều 16. – Sau một thời gian từ 6 háng đến 1 năm, tùy theo sử dụng cân nhiều hay ít, phải kiểm tra lại xem cân còn đảm bảo các tiêu chuẩn chính xác, nhậy, nếu không, phải đưa đi sửa chữa và kiểm nghiệm lại. Trong khoảng thời gian này nếu cân hỏng đột xuất cũng phải đem chữa và kiểm nghiệm lại.
Điều 17. – Điều khoảng chung.
Mỗi cửa hàng phải có một số dữ trữ bằng 10% số cân đang sử dụng trong cửa hàng và tối thiểu là một cái để thay thế những cái bị hỏng.
Đối với thước và dụng cụ đong thì chỉ cần dự trữ một cái cho mỗi loại.
Điều 18. – Cửa hàng có từ 3 quầy hàng trở lên cùng sử dụng một loại dụng cụ đo lường phải có dụng cụ kiểm tra công cộng để người mua hàng có thể tự mình kiểm tra lại số lượng đã mua.
Nơi để dụng cụ đo lường kiểm tra phải là nơi dễ thấy nhất trong cửa hàng và có bảng kẻ chữ to và đậm nét: “Thước (hay cân) kiểm tra”.
Điều 19. – Mỗi ngày, trước giờ làm việc, trưởng tổ, thủ kho có trách nhiệm soát thử lại các dụng cụ đo lường dùng trong việc mua bán, giao nhận hàng và dụng cụ đo lường kiểm tra công cộng.
Trước mỗi đợt cân, nhân viên bán hàng cũng phải:
a) Thử xem nơi đặt cân có phải là một mặt phẳng không và kê cân cho bằng.
b) Thử lại xem cân có chính xác và giao động đều hòa không.
Điều 20. – Mỗi khi khách hàng yêu cầu, người bán hàng phải vui vẻ cân, đong, đo lại, hoặc chỉ nơi để dụng cụ kiểm tra để khách hàng tự kiểm tra lại, nếu cửa hàng có dụng cụ kiểm tra công cộng.
Điều 21. – Trong một buổi, nếu phải cân liên tiếp nhiều lần, thì cứ nhiều nhất là sau 30 mã cân, phải thử lại cân một lần.
Điều 22. – Xử lý:
Những người hoặc tổ chức vi phạm các điều khoản trên đây, tùy trường hợp nặng nhẹ và hoàn cảnh cụ thể, sẽ bị thi hành kỷ luật hành chính. Cấp thi hành kỷ luật là cấp chỉ đạo trực tiếp người hoặc tổ chức vi phạm.
Những người hoặc tổ chưc có hành động gian dối về đo lường làm thiệt hại đến quyền lợi người tiêu thụ hoặc tài sản nhà nước sẽ bị đưa ra Tòa án nhân dân xét xử theo luật lệ hiện hành.
Quyết định 375-NT năm 1963 ban hành chế độ cân, đong, đo áp dụng cho việc mua bán, giao nhận hàng hóa do Bộ trưởng Bộ Nội thương ban hành
- Số hiệu: 375-NT
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 04/07/1963
- Nơi ban hành: Bộ Nội thương
- Người ký: Hoàng Quốc Thịnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 27
- Ngày hiệu lực: 04/07/1963
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định