Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2013/QĐ-UBND

Nghệ An, ngày 17 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ngày 25/7/2001;

Căn cứ Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03/9/2002 của Chính phủ ban hành kèm theo Điều lệ Quản lý thuốc Bảo vệ thực vật;

Căn cứ Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/02/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành;

Căn cứ Thông tư số 03/2013/TT-BNNPTNT ngày 11/01/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật;

Căn cứ Thông tư số 14/2013/TT-BNNPTNT ngày 25/02/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 1570/SNN-TTr ngày 08/7/2013, ý kiến thẩm định của Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 823/BC ngày 03/7/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 692/1998/QĐ-UBND.NN ngày 11/3/1998 của UBND tỉnh Nghệ An quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật và các quy định khác của UBND tỉnh về quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh trái với Quyết định này.

Điều 3.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Khoa học và công nghệ, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài chính; Giám đốc Công an tỉnh; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Viết Hồng

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2013/QĐ-UBND ngày 17 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật bao gồm: Buôn bán, sử dụng, vận chuyển, bảo quản, tiêu huỷ, thông tin, hội thảo, hội nghị, quảng cáo, trình diễn, tổ chức sự kiện, triển lãm, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, vật thể quảng cáo và phương tiện quảng cáo khác có giới thiệu sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động quy định tại Điều 1 Quy định này.

Chương 2.

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Quy định về buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

1. Cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 10 và Điều 11 Thông tư số 14/2013/TT-BNNPTNT ngày 25/02/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Quy định cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật.

2. Tại các cửa hàng, quầy hàng, điểm giao dịch mua bán, cung ứng thuốc Bảo vệ thực vật phải có bảng niêm yết giá bán thuốc bảo vệ thực vật và bán đúng giá niêm yết.

3. Tại các vùng chuyên canh sản xuất rau, chè phải có tủ chứa riêng các loại thuốc được phép sử dụng trên cây rau, chè.

4. Trong trường hợp cửa hàng buôn bán nằm trong vùng có công bố dịch chỉ được bán các loại thuốc đặc hiệu do Sở Nông nghiệp và PTNT quy định.

5. Tổ chức, cá nhân buôn bán thuốc bảo vệ thực vật chỉ được phép hoạt động kể từ khi được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật do Chi cục bảo vệ thực vật Nghệ An cấp.

Điều 4. Nguyên tắc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

1. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ theo Điều 39 Thông tư số 03/2013/TT-BNNPTNT ngày 11/01/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về việc Quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

2. Không được tự ý trộn nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc bảo vệ thực vật với các chất kích thích sinh trưởng, phân bón trong một bình phun khi chưa có khuyến cáo của cơ quan chuyên môn (Bộ Nông nghiệp và PTNT, Cục Bảo vệ thực vật, Viện Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục Bảo vệ thực vật, Trạm bảo vệ thực vật các huyện, thành, thị).

Điều 5. Trách nhiệm của người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

1. Chấp hành quy định tại Điều 40, Thông tư số 03/2013/TT-BNNPTNT ngày 11/01/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

2. Trường hợp nằm trong vùng có công bố dịch chỉ được sử dụng các loại thuốc do Sở Nông nghiệp và PTNT quy định.

Điều 6. Trách nhiệm của các đơn vị buôn bán thuốc bảo vệ thực vật

Phải chấp hành quy định tại khoản 3 Điều 41 Thông tư số 03/2013/TT- BNNPTNT ngày 11/01/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 7. Quản lý thông tin, hội thảo, quảng cáo, trình diễn thuốc Bảo vệ thực vật

1. Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo.

2. Thông tin, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, người chuyển tải sản phẩm quảng cáo, vật thể quảng cáo và phương tiện quảng cáo khác có giới thiệu sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật, chương trình khoa giáo do công ty thuốc bảo vệ thực vật tài trợ trên các phương tiện truyền thông của địa phương phải có ý kiến chấp thuận bằng văn bản của Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh.

3. Các cuộc hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, trình diễn có giới thiệu sản phẩm thuốc bảo vệ thực vật phải có ý kiến chấp thuận của chính quyền địa phương nơi tổ chức.

4. Các loại thuốc bảo vệ thực vật đưa vào chỉ đạo phòng trừ phải tiến hành khảo sát, đánh giá hiệu lực trên đồng ruộng tại Nghệ An.

5. Các loại thuốc bảo vệ thực vật khi tiến hành trình diễn tại Nghệ An phải có hợp đồng thuê ruộng, trong đó phải cam kết đền bù thiệt hại năng suất cây trồng cho nông dân nếu như để xảy ra thiệt hại năng suất do thuốc bảo vệ thực vật trình diễn gây ra và báo cáo kết quả trình diễn cho Sở Nông nghiệp và PTNT và Chi cục bảo vệ thực vật Nghệ An để phục vụ trong công tác quản lý.

6. Tổ chức, cá nhân đăng ký quảng cáo, hội thảo phải nộp phí và lệ phí theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Quản lý vận chuyển thuốc, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật

Thực hiện theo quy định tại Điều 31, 32 Thông tư số 03/2013/TT- BNNPTNT ngày 11/01/2013 của Bộ nông nghiệp và PTNT về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 9. Quản lý bảo quản thuốc bảo vệ thực vật

Thực hiện theo quy định tại Điều 38 Thông tư số 03/2013/TT-BNNPTNT ngày 11/01/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 10. Quản lý tiêu huỷ thuốc, bao bì thuốc bảo vệ thực vật

Thực hiện theo quy định tại Điều 42, 43 Thông tư số 03/2013/TT– BNNPTNT ngày 11/01/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 11. Thanh tra, kiểm tra buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

1. Kiểm tra thường xuyên của Ủy ban nhân dân các cấp:

a) Kiểm tra của Ủy ban nhân dân cấp huyện: Đoàn kiểm tra do Chủ tịch UBND quyết định thành lập theo chương trình, kế hoạch xây dựng hàng năm. Thành phần đoàn do Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định nhưng phải có đại diện phòng Nông nghiệp và PTNT và Trạm bảo vệ thực vật cấp huyện.

b) Kiểm tra của Ủy ban nhân dân cấp xã: Đoàn kiểm tra do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định thành lập theo chương trình, kế hoạch xây dựng hàng năm. Thành phần đoàn do Chủ tịch UBND cấp xã quyết định nhưng trong đó bắt buộc phải có đại diện Ban nông nghiệp xã.

c) Đối tượng kiểm tra: Các tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn cấp huyện, cấp xã quản lý.

d) Nội dung kiểm tra: Kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

e) Chế độ kiểm tra: Thường xuyên nhưng tối thiểu 03 lần/năm.

2. Thanh tra định kỳ: Do Chi cục bảo vệ thực vật thực hiện:

a) Chi cục bảo vệ thực vật chủ trì tổ chức, phối hợp với Ủy ban nhân dân các cấp, các ngành có liên quan tổ chức thanh tra định kỳ việc chấp hành các quy định của Nhà nước đối với các tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

b) Thành phần đoàn thanh tra: Do Chi cục trưởng Quyết định nhưng trong đó bắt buộc phải có Thanh tra chuyên ngành tham gia.

c) Đối tượng thanh tra: Các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn toàn tỉnh Nghệ An.

d) Nội dung thanh tra: Thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

e) Chế độ thanh tra định kỳ: 4 lần/năm.

3. Thanh tra, kiểm tra đột xuất: Thực hiện theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 07/2012/NĐ-CP ngày 09/12/2012 của Chính phủ quy định về cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành và hoạt động thanh tra chuyên ngành.

4. Kiểm tra thường xuyên: Căn cứ vào tình hình, diễn biến cụ thể việc buôn bán, sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật trên thị trường Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật quyết định việc tổ chức kiểm tra nhằm mục đích phát hiện kịp thời các sai phạm và đề xuất hướng xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và PTNT

1. Chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã trong việc thực hiện Quy định này.

2. Định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh.

3. Chịu trách nhiệm quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh; Chỉ đạo Chi cục bảo vệ thực vật thực hiện một số nội dung chủ yếu sau:

a) Tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT thực hiện chức năng quản lý chuyên ngành về thuốc bảo vệ thực trên địa bàn tỉnh. Khi dịch hại xảy ra tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT lựa chọn các loại thuốc đặc hiệu để phòng trừ, dập dịch; Đồng thời, có trách nhiệm hướng dẫn, khuyến cáo để người sản xuất sử dụng thuốc đúng theo quy định.

b) Thành lập các đoàn thanh tra định kỳ và tổ chức kiểm tra thường xuyên các tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng, quảng cáo, hội thảo, trình diễn thuốc bảo vệ thực vật; tham mưu Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT thành lập đoàn thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn thư khiếu nại tố cáo.

d) Chỉ đạo Trạm bảo vệ thực vật cấp huyện:

- Cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra của các huyện khi có đề xuất của UBND cấp huyện.

- Phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc kiểm tra thường xuyên các tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

e) Quản lý các hoạt động buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các hoạt động khác liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

f) Đào tạo chuyên môn và cấp chứng chỉ hành nghề buôn bán, Giấy phép vận chuyển, Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật và các loại giấy chứng nhận khác có liên quan.

g) Xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật theo các quy định của Pháp luật.

h) Tiếp nhận và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

i) Hàng năm xây dựng kế hoạch, kinh phí thu gom, tiêu huỷ thuốc, bao bì thuốc bảo vệ thực vật trình Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện.

k) Hàng năm xây dựng kế hoạch, kinh phí tập huấn để tuyên truyền, phổ biến nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ chủ chốt cấp xã về công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật trình Sở Nông nghiệp và PTNT thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Điều 13. Trách nhiệm của Công an tỉnh, Sở Công Thương, Chi cục Quản lý thị trường, Thanh tra giao thông vận tải

1. Cử thành viên tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có đề xuất của Sở Nông nghiệp và PTNT. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra trong công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật, xử lý các vi phạm liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật giả, gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

2. Công an tỉnh, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh trong việc kiểm tra, quản lý vận chuyển thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09/11/2009 của Chính phủ quy định danh mục hàng nguy hiểm vận chuyển bằng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ; Thông tư số 03/2013/TT-BNNPTNT ngày 11/01/2013 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về Quản lý thuốc bảo vệ thực vật.

Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện.

a) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương.

b) Hướng dẫn, chỉ đạo, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp xã trong việc quản lý thuốc bảo vệ thực vật tại địa bàn cấp xã.

c) Thành lập các đoàn kiểm tra và xử lý sai phạm trong việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn của huyện theo thẩm quyền.

d) Thường xuyên phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT, Chi cục bảo vệ thực vật tỉnh Nghệ An tổ chức thanh, kiểm tra việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn thuộc địa phương quản lý.

đ) Quy hoạch và quản lý việc thực hiện quy hoạch của UBND cấp xã về địa điểm lưu chứa và tiêu huỷ vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn; Trích ngân sách địa phương thực hiện việc thu gom, xử lý bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng; Ngoài ra, có thể vận động nhân dân đóng góp kinh phí để thực hiện công việc trên.

e) Định kỳ 6 tháng, một năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) về công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp xã.

a) Chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân cấp huyện về công tác quản lý thuốc bảo vệ thực vật tại địa phương.

b) Phối hợp với Trạm bảo vệ thực vật để tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, chỉ đạo việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; khi có dịch bệnh xảy ra chỉ đạo các cơ sở buôn bán, người dân sử dụng đúng các loại thuốc mà Sở Nông nghiệp và PTNT quy định.

c) Tiến hành kiểm tra thường xuyên và xử lý vi phạm các tổ chức, cá nhân buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn xã.

d) Bố trí địa điểm chứa đựng, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ở địa phương theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân cấp huyện; Trích ngân sách của địa phương để thực hiện việc thu gom, tiêu huỷ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài ra có thể vận động nhân dân đóng góp kinh phí để thực hiện công việc trên.

đ) Kiểm tra, phê duyệt về địa điểm buôn bán, kho chứa thuốc bảo vệ thực vật của các tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn xã quản lý theo đúng quy định của pháp luật.

e) Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm cho Ủy ban nhân dân cấp huyện (Phòng Nông nghiệp và PTNT) định kỳ 6 tháng và cuối năm.

Điều 15. Điều khoản thi hành

1. Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Chi cục bảo vệ thực vật tổ chức thực hiện, phổ biến và theo dõi thực hiện nội dung quy định này. Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính lập kế hoạch, kinh phí hàng năm để thực hiện công tác thanh, kiểm tra; công tác thu gom tiêu huỷ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật trong lĩnh vực quản lý thuốc bảo vệ thực vật cho chính quyền cấp xã.

2. Các ngành có liên quan, Ủy ban nhân dân cấp huyện phối hợp chặt chẽ với Sở Nông nghiệp và PTNT để triển khai thực hiện các nội dung tại Quy định này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cấp, các ngành phải kịp thời phản ánh về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, xử lý kịp thời./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 37/2013/QĐ-UBND Quy định quản lý thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Nghệ An

  • Số hiệu: 37/2013/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 17/07/2013
  • Nơi ban hành: Tỉnh Nghệ An
  • Người ký: Đinh Viết Hồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/07/2013
  • Ngày hết hiệu lực: 10/01/2018
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản