Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------

Số: 37/2008/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 01 tháng 02 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng công trình giao thông đường bộ và Thông tư số 13/2005/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2005 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ;
Căn cứ ý kiến thống nhất của Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng, Sở Tư pháp, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tại Biên bản họp ngày 29 tháng 01 năm 2008;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 891/TTr-SGTVT ngày 24 tháng 12 năm 2007 và Báo cáo thẩm định số 1015/BC-STP ngày 21 tháng 12 năm 2007 của Sở Tư pháp và ý kiến của Sở Xây dựng tại văn bản số 60/SXD ngày 15 tháng 01 năm 2008 về việc đề nghị phê duyệt Đề án điều chỉnh phân loại và phân cấp quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành quy định phân loại, phân cấp quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, gồm 3 Chương, 8 Điều (có nội dung quy định kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 24/2001/QĐ-UB ngày 16 tháng 3 năm 2001 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận về việc phân hạng và phân cấp quản lý đư­ờng giao thông trên địa bàn tỉnh.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Giao thông vận tải, Giám đốc Sở Xây dựng, Giám đốc Sở Nội vụ, Giám đốc Sở Tài chính, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hoàng Thị Út Lan

 

QUY ĐỊNH

PHÂN LOẠI, PHÂN CẤP QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyêt định số 37/2008/QĐ-UBND ngày 01 tháng 02 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận)

Để công tác quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh phù hợp với các quy định của pháp luật và tình hình thực tế của địa phương, phát huy hiệu quả của kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phát triển kinh tế - xã hội, củng cố an ninh quốc phòng, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông,

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quy định phân loại, phân cấp quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ trên địa bàn tỉnh (sau đây gọi tắt là Quy định), gồm các nội dung sau:

Chương 1:

CÁC CƠ SỞ PHÁP LÝ VÀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH QUY ĐỊNH

Điều 1. Căn cứ pháp lý ban hành Quy định:

1. Luật Giao thông đường bộ ngày 29 tháng 6 năm 2001.

2. Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004.

3. Nghị định số 186/2004/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ quy định về phạm vi quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

4. Thông tư số 13/2005/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2005 của Bộ Giao thông vận tải hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 186/2005/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2005 của Chính phủ.

Điều 2. Mục tiêu ban hành Quy định nhằm đáp ứng các yêu cầu sau:

1. Nhằm thực hiện đúng quy định của Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải về phân loại, phân cấp quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

2. Khắc phục những bất cập, chồng chéo trong thực hiện giữa các ngành chức năng của tỉnh trong nhiệm vụ quản lý và bảo vệ công trình hạ tầng giao thông với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ các công trình hạ tầng khác trong đô thị.

3. Phân cấp mạnh hơn đối với chính quyền cấp huyện, thành phố và cấp cơ sở để quản lý, bảo vệ công trình giao thông, tạo sự chủ động của các ngành, địa phương trong công tác quản lý, bảo vệ công trình giao thông.

4. Xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể được giao trong quản lý khai thác, bảo trì và đầu tư cải tạo, nâng cấp, … đối với các công trình giao thông.

5. Phù hợp với công tác đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới và điều chỉnh quy hoạch các tuyến đường giao thông, điều chỉnh quy hoạch địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện trong thời gian qua.

Chương 2:

QUY ĐỊNH VỀ PHÂN LOẠI, NÂNG CẤP QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỜNG BỘ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

Điều 3. Quy định về phân loại đường bộ.

1. Hệ thống đường bộ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do địa phương quản lý được phân loại như sau:

a) Đường Quốc lộ: có một tuyến là Quốc lộ 27B, ký hiệu là QL27B (theo ủy quyền quản lý của Bộ Giao thông vận tải);

b) Hệ thống đường tỉnh: gồm 10 tuyến, ký hiệu là ĐT.701 đến ĐT.710;

c) Hệ thống đường huyện: gồm 21 tuyến, ký hiệu là ĐH, trong đó:

- Huyện Bác Ái có 4 tuyến, ký hiệu từ ĐH.01 đến ĐH.04.

- Huyện Ninh Hải có 4 tuyến, từ ĐH.11 đến ĐH.14.

- Huyện Ninh Phước có 6 tuyến, từ ĐH.21 đến ĐH.26.

- Huyện Ninh Sơn có 7 tuyến, từ ĐH.31 đến ĐH.37.

- Huyện Thuận Bắc có 3 tuyến, từ ĐH.41 đến ĐH.43.

(Các số ký hiệu còn lại của mỗi huyện cho đến số tự nhiên chẵn chục là dành để dự phòng khi có nâng loại hoặc bổ sung các tuyến đường huyện mới).

d) Hệ thống đường xã (ký hiệu là ĐX): gồm 71 tuyến, trong đó, huyện Bác Ái có 5 tuyến, huyện Ninh Hải có 16 tuyến, huyện Ninh Phước có 13 tuyến, huyện Ninh Sơn có 12 tuyến, huyện Thuận Bắc có 7 tuyến, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có 18 tuyến;

đ) Hệ thống đường đô thị, thị trấn, trung tâm huyện lỵ (ký hiệu là ĐĐT) gồm 194 tuyến, trong đó, huyện Bác Ái có 11 tuyến, huyện Ninh Hải có 13 tuyến, huyện Ninh Phước có 18 tuyến, huyện Ninh Sơn có 9 tuyến, huyện Thuận Bắc có 30 tuyến, thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có 113 tuyến;

e) Hệ thống đường chuyên dùng (ký hiệu CD) là các đường chuyên phục vụ cho việc vận chuyển đi lại của một hoặc nhiều cơ quan, doanh nghiệp, đường vào các khu công nghiệp.

(Danh mục phân loại các tuyến đường bộ có bảng phân loại kèm theo)

Điều 4. Quy định về phân cấp quản lý.

1. Nguyên tắc chung:

Sở Giao thông vận tải được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống đường tỉnh.

Sở Xây dựng được Ủy ban nhân dân tỉnh giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống đường đô thị.

Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý, bảo trì và khai thác hệ thống đường huyện, đường xã.

2. Nội dung chi tiết:

a) Sở Giao thông vận tải quản lý Nhà nước đối với tất cả các tuyến đường trên địa bàn tỉnh và đường Quốc lộ do Bộ Giao thông vận tải ủy quyền cho địa phương quản lý (trừ các Quốc lộ do Trung ương quản lý, các đoạn tuyến nằm trong khu đô thị và đường thuộc phạm vi trung tâm hành chính huyện lỵ); đồng thời trực tiếp quản lý khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng các tuyến đường tỉnh, đường Quốc lộ được ủy quyền, các tuyến đường huyện Kiền Kiền - Bỉnh Nghĩa, Bỉnh Nghĩa - Mỹ Tân;

b) Sở Xây dựng quản lý Nhà nước đối với các tuyến đường đô thị, các đoạn tuyến thuộc đường tỉnh và Quốc lộ được ủy quyền nằm trong phạm vi địa giới hành chính của đô thị, các trục đường thuộc phạm vi trung tâm hành chính của huyện (trừ các đoạn tuyến Quốc lộ đi qua đô thị do Trung ương quản lý). Việc quản lý khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng hệ thống đường đô thị giao Sở Xây dựng xem xét và đề xuất nhằm đảm bảo tính hiệu quả và sát với tình hình thực tế của địa phương;

c) Ủy ban nhân dân các huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước tại địa phương theo thẩm quyền, tổ chức khai thác bảo trì kết cấu hệ thống đường huyện, đường xã (trừ các tuyến đường Kiền Kiền - Bỉnh Nghĩa, Bỉnh Nghĩa - Mỹ Tân);

d) Các chủ thể khác quản lý khai thác, sử dụng và bảo trì các tuyến đường chuyên dùng do mình đầu tư.

Điều 5. Trách nhiệm của các chủ thể được phân cấp quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

1. Trách nhiệm chung:

a) Đối với các cơ quan được giao quản lý Nhà nước về đường bộ:

Hằng năm lập kế hoạch duy tu, sửa chữa đường bộ thuộc phạm vi quản lý của ngành; gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính để cân đối bố trí vốn thực hiện.

Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị liên quan thực hiện theo quy trình, quy phạm liên quan đến quản lý khai thác và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

Tổ chức cấp phép xây dựng, cấp phép thi công cho các tổ chức và cá nhân có nhu cầu liên quan đến kết cấu hạ tầng đường bộ theo phân cấp.

Thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo thẩm quyền;

b) Đối với các cơ quan được giao quản lý khai thác, sử dụng và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ:

Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước về đường bộ tổ chức thực hiện việc cắm mốc lộ giới xác định phạm vi đất dành cho đường bộ và bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, bảo vệ.

Thực hiện bảo trì đường bộ theo các quy định của Bộ Giao thông vận tải. Bao gồm theo dõi, cập nhật thông tin về công trình đường bộ; kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, đột xuất các hư hỏng của công trình được phân cấp.

Kịp thời báo cáo và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ở địa phương xử lý các trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép hành lang an toàn đường bộ.

Hình thành bộ máy phù hợp, bố trí hoặc đề xuất bố trí vốn hằng năm để thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo trì mạng lưới đường bộ được giao.

(Một số công tác quản lý Nhà nước khác có liên quan về giao thông đường bộ, thực hiện theo quy định của Nhà nước hiện hành).

2. Trách nhiệm cụ thể:

a) Sở Giao thông vận tải:

Quản lý Nhà nước đối với tất cả các tuyến đường trên địa bàn tỉnh (trừ các đoạn tuyến nằm trong đô thị, thị trấn và đường thuộc phạm vi trung tâm huyện); đồng thời quản lý khai thác, sử dụng và bảo trì các tuyến đường tỉnh, đường Quốc lộ được ủy quyền quản lý.

Phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh lập và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn tỉnh.

Chỉ đạo Thanh tra Giao thông tỉnh thanh, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật đối với các tổ chức và cá nhân về bảo vệ an toàn giao thông và kết cấu hạ tầng đường bộ của địa phương và Quốc lộ được ủy quyền quản lý.

Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác an toàn giao thông, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên tất cả các tuyến đường của địa phương.

Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị được giao quản lý khai thác và bảo trì kết cấu hạ tầng đường bộ tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật, định mức, các quy định về công tác quản lý, bảo trì đường bộ theo quy định của Bộ Giao thông vận tải; thẩm định các dự án đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới, duy tu liên quan đến kết cấu hạ tầng đường bộ theo phân cấp.

Cấp, thu hồi giấy phép thi công, đình chỉ hoạt động gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông của các tuyến đường được phân cấp.

Đề xuất, kiến nghị, làm nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường được giao quản lý khai thác và bảo trì.

Và một số công tác khác;

b) Sở Xây dựng:

Quản lý Nhà nước đối với các tuyến đường đô thị (trừ các đoạn tuyến Quốc lộ đi qua đô thị do Trung ương quản lý), các đoạn tuyến thuộc đường tỉnh và Quốc lộ được ủy quyền nằm trong phạm vi đô thị và các tuyến đường thuộc phạm vi trung tâm hành chính các huyện.

Phối hợp với các ngành, địa phương trong tỉnh tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý công tác quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, giám sát các đơn vị liên quan thực hiện theo quy trình, quy phạm xây dựng liên quan đến công trình đường bộ trong đô thị; thẩm định các dự án đầu tư sửa chữa, cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới, duy tu liên quan đến đường bộ.

Chỉ đạo Thanh tra Xây dựng tiến hành thanh, kiểm tra đối với các tổ chức và cá nhân trong việc tuân thủ quy hoạch đô thị được duyệt; đồng thời phối hợp với lực lượng Thanh tra Giao thông tỉnh thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn giao thông và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông trong đô thị.

Cấp, thu hồi giấy phép thi công, giấy phép xây dựng, đình chỉ các hoạt động gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị của các tuyến đường được phân cấp;

c) Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

Quản lý khai thác, sử dụng và bảo trì kết cấu hạ tầng các tuyến đường huyện, đường xã, đường đô thị thuộc địa giới hành chính huyện, thành phố.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất giành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn huyện, thành phố.

Quản lý, bảo trì đường bộ, bao gồm theo dõi, kiểm tra, bảo dưỡng thường xuyên, sửa chữa định kỳ, đột xuất các hư hỏng, cập nhật các số liệu có liên quan đến công trình.

Tổ chức cắm mốc lộ giới xác định phạm vi đất dành cho đường bộ và giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý; phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ của tỉnh bảo vệ công trình đường bộ trên địa bàn; quản lý, sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn giao thông đường bộ, đặc biệt là việc giao đất, cấp giấy phép xây dựng dọc theo đường bộ trên địa bàn huyện, thành phố.

Chỉ đạo thực hiện các biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa các hành vi vi phạm về kết cấu hạ tầng và hành lang an toàn đường bộ trên địa bàn, tổ chức giải toả các công trình vi phạm và xử lý theo quy định của pháp luật các vi phạm về bảo vệ hành lang đường bộ và kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong phạm vi của huyện, thành phố;

Phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ huy động lực lượng, vật tư, thiết bị để bảo đảm khôi phục giao thông kịp thời khi bị thiên tai, địch hoạ;

Đề xuất, kiến nghị, làm nhiệm vụ chủ đầu tư các dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường được giao quản lý khai thác, sử dụng và bảo trì.

Giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo liên quan đến công trình giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật;

d) Ủy ban nhân dân cấp xã, phường, thị trấn:

Phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ của huyện, tỉnh thực hiện nhiệm vụ bảo vệ kết cấu hạ tầng các công trình đường bộ trên địa bàn xã, phường, thị trấn theo chức trách và thẩm quyền.

Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và giáo dục nhân dân các quy định về phạm vi đất giành cho đường bộ, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.

Quản lý việc sử dụng đất trong và ngoài hành lang an toàn giao thông đường bộ theo các quy định của pháp luật, đặc biệt là việc giao đất, cấp giấy phép xây dựng dọc theo đường bộ.

Phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ và các lực lượng có liên quan huy động lực lượng, vật tư, thiết bị để khôi phục giao thông kịp thời khi bị thiên tai, địch hoạ.

Phối hợp với cơ quan liên quan giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo liên quan đến công trình giao thông đường bộ trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật;

đ) Các chủ thể khác khai thác, sử dụng và bảo trì các đường chuyên dùng do mình tự đầu tư và khai thác theo các quy định của Nhà nước.

Điều 6. Tùy theo khả năng và điều kiện thực tế, Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn hằng năm; đồng thời bố trí biên chế phù hợp để các chủ thể được phân cấp quản lý và bảo vệ hạ tầng kết cấu đường bộ (trừ các tuyến đường chuyên dùng do các chủ đầu tư tự đảm nhiệm) thực hiện nhiệm vụ được giao theo các quy định hiện hành.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Xác định phạm vi quản lý.

Các chủ thể được giao quản lý trước đây và các chủ thể được giao quản lý theo quy định này thực hiện việc phân định ranh giới và phạm vi tuyến đường được giao quản lý ngay sau khi quy định này có hiệu lực. Tổ chức bàn giao và tiếp nhận công tác quản lý theo quy định để bắt đầu thực hiện trong quý I/2008.

Điều 8. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

1. Các cơ quan được giao quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ lập kế hoạch tổ chức thực hiện từ đầu năm 2008, bao gồm kiện toàn bộ máy, lập kế hoạch quản lý, bảo trì đường bộ hằng năm, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt.

2. Giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt hình thức tổ chức, biên chế bộ phận làm nhiệm vụ quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ trực thuộc các cơ quan được giao quản lý đường bộ.

3. Giao Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí vốn hằng năm cho công tác quản lý, bảo trì đường bộ để phân bổ cho các ngành, các địa phương thực hiện.

4. Các sở, ngành, địa phương có liên quan theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt quy định này. Trường hợp vướng mắc, báo cáo (bằng văn bản) gửi về Sở Giao thông vận tải và Sở Xây dựng để kịp thời tham mưu điều chỉnh cho phù hợp. Giao Sở Giao thông vận tải, Sở Xây dựng (theo phạm vi quản lý của ngành) tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh những vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện để kịp thời điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương./.

Kèm theo: Phụ lục phân loại, phân cấp quản lý đường bộ tỉnh.

 

 

FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 37/2008/QĐ-UBND quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận do Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận ban hành

  • Số hiệu: 37/2008/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 01/02/2008
  • Nơi ban hành: Tỉnh Ninh Thuận
  • Người ký: Hoàng Thị Út Lan
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản