Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3651/2010/QĐ-UBND

Việt Trì, ngày 11 tháng 11 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG HÙNG VƯƠNG VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 9 tháng 6 năm 2000;

Xét đề nghị của Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Phú Thọ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế xét tặng giải thưởng Hùng Vương về Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký, ban hành. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban, ngành của tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị và các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thực hiện./.

 

 

Nơi nhân:
- VP Chính phủ;
- Bộ Tư pháp, Bộ KH&CN;
- TTTU, HĐND, UBND tỉnh;
- Liên hiệp các hội KH&KT Việt Nam;
- UBMTTQ và các đoàn thể của tỉnh;
- Website Chính phủ;
- Như Điều 2;
- Các PVP, NCTH;
- Lưu: VT, VX3, CB-TH (Đ. 120b).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Doãn Khánh

 

QUY CHẾ

XÉT TẶNG GIẢI THƯỞNG HÙNG VƯƠNG VỀ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH PHÚ THỌ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3651/2010/QĐ-UBND ngày 11 tháng 11 năm 2010 của UBND tỉnh Phú Thọ)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

Quy chế này quy định đối tượng, tiêu chuẩn, tiêu chí xét thưởng; cơ cấu và giá trị giải thưởng; trình tự, thủ tục xét tặng giải thưởng Hùng Vương về Khoa học và Công nghệ trên địa bàn tỉnh Phú Thọ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

Quy chế này áp dụng đối với các đối tượng sau:

+ Các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác xét giải thưởng Hùng Vương về Khoa học và Công nghệ;

+ Các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước có chức năng theo dõi, quản lý, triển khai, phối hợp thực hiện công tác xét giải thưởng Hùng Vương;

+ Các tổ chức, cá nhân có đề tài, dự án, chương trình khoa học công nghệ (sau đây gọi tắt là công trình khoa học) đã được áp dụng tại tỉnh Phú Thọ thời hạn 5 năm trong kỳ xét giải đều được tham dự. Riêng năm 2010 là năm đầu tiên xét giải thưởng, thời gian được tính từ khi tái lập tỉnh Phú Thọ từ năm 1998 tới nay;

+ Không xét giải thưởng đối với các công trình khoa học có thời gian triển khai, áp dụng trên địa bàn tỉnh Phú Thọ kể từ ngày 31/12/1997 trở về trước.

Điều 3. Nguyên tắc xét Giải thưởng.

1. Giải thưởng được xét thưởng 5 năm 1 lần.

2. Đảm bảo chính xác khách quan trong đánh giá, tôn vinh các đề tài, dự án, chương trình khoa học công nghệ dựa theo các tiêu chí bằng hệ thống thang bảng điểm.

3. Đảm bảo tính trung thực trong khoa học, dân chủ, công bằng, đúng đối tượng, đúng tiêu chuẩn, thông qua việc xây dựng hồ sơ khoa học của các đề tài, dự án, chương trình khoa học công nghệ với các tài liệu, dẫn liệu cụ thể để minh chứng.

4. Đảm bảo tính toàn diện bình đẳng của các thành tựu trên tất cả các lĩnh vực khoa học tự nhiên, khoa học xã hội và công nghệ, kỹ thuật.

5. Tác giả phải chịu trách nhiệm về quyền tác giả của mình đối với công trình dự giải theo quy định của pháp luật.

6. Việc xét thưởng phải dựa trên cơ sở về chất lượng công trình dự giải, mỗi lĩnh vực xét thưởng cũng như trong phạm vi toàn giải không nhất thiết trao tặng đủ các loại giải theo cơ cấu.

7. Khuyến khích, ưu tiên các tài năng trẻ, tác giả nữ, người dân tộc thiểu số, cơ sở trực tiếp sản xuất (áp dụng với các trường hợp có các công trình có điểm đánh giá bằng nhau).

Điều 4. Giải thích từ ngữ.

1. Giải thưởng Hùng Vương về Khoa học và Công nghệ là giải thưởng cao quý nhất về khoa học và công nghệ của tỉnh Phú Thọ, được xét tặng cho những cá nhân, tập thể có công trình khoa học tiêu biểu, có giá trị và hiệu quả to lớn đối với sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

2. Công trình khoa học và công nghệ tại Quy chế này được hiểu là: Chương trình khoa học công nghệ, dự án, đề tài...

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Đối tượng xét Giải thưởng.

1. Các tổ chức, cá nhân, tập thể có công trình khoa học đã được triển khai, áp dụng trên địa bàn tỉnh.

2. Các tổ chức, cá nhân, tập thể có công trình khoa học đã, đang được triển khai, áp dụng trên địa bàn tỉnh đã được các cấp khen thưởng, trao giải trên phạm vi toàn quốc vẫn được tham dự xét trao giải thưởng Hùng Vương.

3. Mỗi công trình khoa học công nghệ chỉ được tham gia xét giải thưởng Hùng Vương về Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ 01 lần.

Điều 6. Tiêu chuẩn tham dự xét Giải thưởng.

1. Các công trình khoa học có tính mới, tính sáng tạo khoa học đã được áp dụng, tổng kết có hiệu quả cao, đóng góp thiết thực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội, cải thiện môi trường của tỉnh Phú Thọ.

2. Công trình không vi phạm pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam cam kết.

3. Công trình dự giải phải có căn cứ cụ thể về thời gian, địa điểm công bố, áp dụng và kết quả thực tế; đồng thời được cơ quan có thẩm quyền xác nhận bằng văn bản.

4. Công trình dự giải phải có báo cáo khoa học, được đánh giá của hội đồng chuyên ngành cấp sở trở lên (hoặc tương đương); khi cần thiết sẽ được thăm dò ý kiến quần chúng nhân dân bằng văn bản.

Điều 7. Tiêu chí xét giải thưởng.

1. Tiêu chí xét chọn.

Các công trình khoa học tham dự xét giải thưởng được chia thành 3 nhóm lĩnh vực đặc thù: Khoa học tự nhiên; khoa học xã hội nhân văn; ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ. Tiêu chí xét chọn công trình đối với các lĩnh vực cụ thể:

a. Lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn:

- Công trình phải có tính sáng tạo: Được cụ thể hóa thành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo của Cấp ủy Đảng, cơ quan nhà nước từ cấp huyện, thành phố, thị xã hoặc sở, ngành trở lên;

- Công trình đã được áp dụng trong thực tiễn;

- Công trình có hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội.

b. Lĩnh vực ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ:

- Công trình phải có tính mới và tính sáng tạo;

- Có khả năng áp dụng trong thực tiễn;

- Công trình có hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường.

2. Thang bảng điểm xét chọn.

Tổng thang điểm đánh giá các công trình thuộc 3 lĩnh vực trên là 100 điểm, cụ thể:

a. Thang bảng điểm cho công trình thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên và khoa học xã hội nhân văn (dùng chung thang điểm):

- Có tính sáng tạo, tối đa: 30 điểm;

- Được áp dụng rộng rãi trong thực tiễn, tối đa : 40 điểm;

- Có hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, tối đa: 30 điểm.

b. Thang bảng điểm cho công trình thuộc lĩnh vực ứng dụng, phát triển khoa học công nghệ:

- Tính khoa học: 20 điểm, cụ thể:

+ Có tính sáng tạo tối đa: 10 điểm;

+ Có tính mới tối đa: 10 điểm;

- Khả năng áp dụng vào thực tiễn tối đa: 35 điểm, cụ thể:

+ Đã được áp dụng vào sản xuất, đời sống tối đa: 20 điểm;

+ Có khả năng mở rộng trong sản xuất, đời sống, tối đa: 15 điểm.

- Hiệu quả kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường, tối đa: 45 điểm, cụ thể:

+ Có hiệu quả kinh tế, tối đa: 15 điểm;

+ Có hiệu quả xã hội, tối đa: 15 điểm;

+ Kết quả bảo vệ môi trường, tối đa: 15 điểm.

(Hội đồng xét giải xây dựng quy chế chấm, xét chọn theo thang điểm chi tiết)

Điều 8. Cơ cấu giải thưởng.

Giải thưởng Hùng Vương về Khoa học và Công nghệ được xếp theo các giải đặc biệt, giải A,B,C và giải khuyến khích theo thứ tự điểm số từ cao xuống thấp. Giải thưởng có tối đa:

- 01 giải đặc biệt xuất sắc (chung cho cả 3 lĩnh vực) dành cho công trình đạt số điểm cao nhất, nhưng tối thiểu phải đạt trên 90 điểm.

- 03 giải A (mỗi lĩnh vực 01 giải) dành cho công trình đạt từ 85 điểm trở lên.

- 06 giải B (mỗi lĩnh vực 02 giải) dành cho công trình đạt từ 75 điểm trở lên.

- 09 giải C (mỗi lĩnh vực 03 giải) dành cho công trình đạt từ 70 điểm trở lên.

- 15 giải khuyến khích (mỗi lĩnh vực 05 giải) dành cho công trình đạt từ 65 điểm trở lên.

Điều 9. Giá trị giải thưởng.

Giải thưởng Hùng Vương về Khoa học và Công nghệ năm 2010 có giá trị:

- Giải đặc biệt xuất sắc: 40 triệu đồng.

- Giải A: 30 triệu đồng/giải.

- Giải B: 20 triệu đồng/giải.

- Giải C: 10 triệu đồng/giải.

- Giải khuyến khích: 5 triệu đồng/giải.

Ngoài thưởng bằng tiền nêu trên, các tác giả đạt giải còn được nhận giấy chứng nhận của UBND tỉnh.

Các kỳ tổ chức xét Giải thưởng tiếp theo, có sự điều chỉnh giá trị giải thưởng phù hợp theo thời giá.

Điều 10. Hội đồng xét Giải thưởng.

1. Hội đồng xét Giải thưởng cấp tỉnh do UBND tỉnh ra quyết định thành lập.

2. Thành phần Hội đồng xét Giải thưởng gồm:

- Chủ tịch Hội đồng xét Giải thưởng là Phó Chủ tịch UBND tỉnh - Chủ tịch Hội đồng khoa học công nghệ tỉnh.

- Các Phó chủ tịch:

+ Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh - Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng.

+ Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ - Phó Chủ tịch

+ Mời lãnh đạo đại diện Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy - Phó Chủ tịch.

- Các thành viên Hội đồng khoa học tỉnh và chủ tịch các hội đồng sơ khảo là ủy viên.

- Trưởng Ban khoa học công nghệ thuộc Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh - Thư ký Hội đồng.

Điều 11. Cơ quan thường trực Hội đồng xét Giải thưởng.

1. Giao Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh là cơ quan thường trực của Hội đồng xét Giải thưởng.

2. Cơ quan thường trực của Hội đồng xét Giải thưởng có trách nhiệm:

- Lập kế hoạch tổ chức Giải thưởng;

- Hướng dẫn thực hiện Quy chế xét giải thưởng;

- Tuyên truyền, vận động tham gia Giải thưởng, hướng dẫn lập, tiếp nhận, phân loại hồ sơ công trình khoa học tham dự Giải thưởng theo từng lĩnh vực quy định. Nhận, phân loại hồ sơ, đề xuất thành lập các hội đồng sơ khảo, tổ chức việc chấm sơ khảo và chung khảo;

- Tổ chức phát động, tổng kết trao Giải thưởng, Hội nghị. Hội thảo, tổng kết rút kinh nghiệm. Huy động kinh phí tài trợ từ các tổ chức, cá nhân phục vụ cho Giải thưởng;

- Lập dự toán và quyết toán kinh phí Giải thưởng. Tập hợp các khiếu nại của các tổ chức, cá nhân tham dự (nếu có) trình Hội đồng xét Giải thưởng xem xét, giải quyết.

Điều 12. Hồ sơ tham dự Giải thưởng.

- Đơn xin tham dự Giải thưởng (theo mẫu).

- Bản tóm tắt giới thiệu công trình và bản toàn văn công trình.

- Bản liệt kê đầy đủ các tài liệu tham khảo và mức độ sử dụng, đặc biệt là các phần mềm mã nguồn mở...

- Bản gốc nhận xét, đánh giá của Hội đồng Khoa học cấp tỉnh hoặc tương đương trở lên. Nếu là bản sao phải có xác nhận của cơ quan chủ quản hoặc xác nhận của công chứng Nhà nước.

- Danh sách các đồng tác giả và thỏa thuận về phần đóng góp có xác nhận của cơ quan chủ quản nếu công trình có 2 người trở lên tham gia.

- Các tài liệu khác (nếu có) như: Bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích liên quan đến công trình tham dự, xác nhận, nhận xét, đánh giá của các đơn vị áp dụng công trình về hiệu quả đạt được do việc áp dụng đó mang lại.

- Các ảnh chụp minh họa về công trình và ảnh chụp trong quá trình thi công xây dựng công trình (nếu có).

Điều 13. Thời gian tổ chức

- Căn cứ vào tình hình năm tiến hành xét giải, Hội đồng xét Giải thưởng quy định thời gian nộp hồ sơ tham dự Giải thưởng cụ thể và thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Lễ trao giải thưởng Hùng Vương về Khoa học và Công nghệ Phú Thọ được tổ chức vào quý I năm sau (sau năm tổ chức xét giải) nhân dịp giỗ tổ Hùng Vương và được truyền hình trực tiếp trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

Điều 14. Kinh phí.

1. Kinh phí dành cho Giải thưởng sử dụng từ các nguồn sau:

- Kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước.

- Huy động từ các nguồn tài trợ, đóng góp tự nguyện của các đơn vị đoạt giải và các tổ chức, cá nhân quan tâm đến giải thưởng (nếu có).

2. Kinh phí dành cho Giải thưởng được chi cho các nội dung sau:

Kinh phí tổ chức giải thưởng được sử dụng cho công tác triển khai giải thưởng, các hoạt động quảng bá, tuyên truyền, các hoạt động hỗ trợ tiếp thị, xúc tiến thương mại cho các nhà tài trợ giải thưởng và các đơn vị đoạt giải; được quản lý theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan.

1. Hội đồng xét Giải thưởng cấp tỉnh:

- Là cơ quan chủ trì tổ chức xét Giải thưởng Hùng Vương về Khoa học và Công nghệ;

- Chỉ đạo cơ quan thường trực Hội đồng xét Giải thưởng phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xét Giải thưởng.

2. Giao Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan và UBND các huyện, thành, thị tham mưu giúp UBND tỉnh tổ chức xét giải thưởng và hướng dẫn thực hiện quy chế này.

3. Sở Tài chính phối hợp với cơ quan thường trực Hội đồng xét Giải thưởng lập kế hoạch kinh phí dành cho Giải thưởng và kinh phí đảm bảo cho công tác xét Giải thưởng trình UBND tỉnh phê duyệt.

Trong quá trình tổ chức thực hiện quy chế này, nếu có vướng mắc các cá nhân, cơ quan, tổ chức phản ánh về Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh (Cơ quan Thường trực Giải thưởng) để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 3651/2010/QĐ-UBND về Quy chế xét tặng giải thưởng Hùng Vương về Khoa học và Công nghệ tỉnh Phú Thọ

  • Số hiệu: 3651/2010/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/11/2010
  • Nơi ban hành: Tỉnh Phú Thọ
  • Người ký: Nguyễn Doãn Khánh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 21/11/2010
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản