Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 364/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 25 tháng 3 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH XÂY DỰNG VÙNG TỈNH HÀ NAM ĐẾN NĂM 2030 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân, Luật Xây dựng được Quốc hội thông qua ngày 26 tháng 11 năm 2003; Luật quy hoạch đô thị được Quốc hội thông qua ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24 tháng 01 năm 2005 về quy hoạch xây dựng; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày 5 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ các văn bản của Bộ Xây dựng: Quyết định số 21/2005/QĐ-BXD ngày 22 tháng 7 năm 2005 về việc ban hành quy định hệ thống ký hiệu bản vẽ trong các đồ án quy hoạch xây dựng; Quyết định số 03/2008/QĐ-BXD ngày 31 tháng 3 năm 2008 ban hành quy định nội dung thể hiện bản vẽ, thuyết minh đối với nhiệm vụ và đồ án quy hoạch xây dựng; Quyết định số 04/2008/QĐ-BXD ngày 03 tháng 4 năm 2008 ban hành “Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về quy hoạch xây dựng”; Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07 tháng 4 năm 2008 hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Chỉ thị số 14 CT/TU ngày 06 tháng 5 năm 2008 của Tỉnh Ủy Hà Nam về việc tăng cường công tác lập quy hoạch thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hoá;

Theo Quyết định số 353/QĐ-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2009 của UBND tỉnh Hà Nam phê duyệt nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Nam;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng (tại Báo cáo thẩm định số 899/KTQH-SXD và Tờ trình số 900/TTr-SXD ngày 25 tháng 12 năm 2010) về việc Báo cáo kết quả thẩm định và xin phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Tên đồ án: Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050.

2. Tổ chức thực hiện:

- Cơ quan Chủ đầu tư: Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam.

- Cơ quan lập quy hoạch:

+ Tư vấn chính: Viện kiến trúc, quy hoạch đô thị nông thôn - Bộ Xây dựng.

+ Tư vấn nước ngoài: Công ty AREP (aménagement recherche pôles d’échanges) của Pháp.

3. Mục tiêu, quy mô và phạm vi nghiên cứu:

3.1. Mục tiêu:

Xác định quy mô phát triển không gian đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050, với mục tiêu phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp trước năm 2020 và thành phố Phủ Lý cơ bản đạt các tiêu chí để trở thành đô thị loại II trước năm 2020.

Đảm bảo chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo định hướng phát triển mạnh công nghiệp, dịch vụ, đô thị và đào tạo nguồn nhân lực.

Quản lý sử dụng có hiệu quả tài nguyên đất, nước, khoáng sản và bảo vệ môi trường phát triển bền vững.

Đảm bảo hiệu quả trong việc kêu gọi thu hút đầu tư, huy động nguồn nhân lực, tạo sự đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Phù hợp với chiến lược phát triển quy hoạch vùng thủ đô Hà Nội, vùng đồng bằng sông Hồng và nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với xu thế hội nhập kinh tế Quốc tế. Đảm bảo trình độ phát triển tiên tiến, văn minh, hiện đại.

3.2. Quy mô dân số

- Dân số toàn vùng:

+ Hiện trạng dân số toàn vùng năm 2009: 785.057 người.

+ Dự kiến đến năm 2015: 825.000 người.

+ Dự kiến đến năm 2020: 864.000 người.

+ Tầm nhìn đến năm 2030: 950.000 người.

- Dân số đô thị:

+ Dân số đô thị toàn vùng năm 2009: 77.087 người.

+ Dự kiến đến năm 2015: 214.500 người.

+ Dự kiến đến năm 2020: 348.000 người.

+ Tầm nhìn đến năm 2030: 598.000 người.

- Tỷ lệ đô thị hóa:

+ Năm 2009: 9,8% (toàn quốc 27,12%).

+ Năm 2015 đạt khoảng 26%.

+ Năm 2020 đạt khoảng 40,3%.

+ Tầm nhìn đến 2030: 63,0%.    

3.3. Phạm vi lập quy hoạch:

- Phạm vi lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Nam bao gồm: Toàn bộ ranh giới hành chính thành phố Phủ Lý và 5 huyện: Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm, Lý Nhân, Bình Lục với tổng diện tích đất tự nhiên: 860,18 km2. Có ranh giới địa lí được xác định như sau:

+ Phía Bắc giáp Thủ đô Hà Nội;

+ Phía Nam giáp tỉnh Ninh Bình;

+ Phía Đông giáp tỉnh Nam Định, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình;

+ Phía Tây giáp tỉnh Hoà Bình.

- Phạm vi nghiên cứu bao gồm không gian kinh tế - xã hội liên quan với các tỉnh nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội; các tỉnh nằm trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và các tỉnh nằm trong Vùng đồng bằng sông Hồng...

4. Quy hoạch sử dụng đất

- Hiện trạng: Diện tích đất tự nhiên toàn vùng tỉnh Hà Nam: 86.018,4ha (860,184 km2).

- Năm 2015: Đất xây dựng đô thị khoảng 2.830,25ha chiếm 3,29% diện tích tự nhiên, bình quân 130 m2/người, đất công nghiệp và sản xuất kinh doanh trên 3.900 ha (trong đó: đất công nghiệp 2700 ha, đất SXKD khoảng 1200 ha), đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn khoảng 5.000 ha.

- Năm 2020: Đất xây dựng đô thị khoảng 4.499,75 ha, bình quân 120,0 m2/ng - 150 m2/người, đất xây dựng công nghiệp và sản xuất kinh doanh khoảng 5.400 ha. Đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn khoảng 5.200 ha.

- Tầm nhìn năm 2030: đất xây dựng đô thị khoảng 7.324,6 ha, bình quân 110 m2/người - 140 m2/người, đất xây dựng công nghiệp khoảng 6.712,82 ha. Đất xây dựng các điểm dân cư nông thôn khoảng 5.500 ha.

5. Định hướng phát triển không gian vùng

5.1. Định hướng phát triển không gian vùng tỉnh Hà Nam:

- Vùng động lực phát triển (HaNamBoulevard): Được giới hạn từ đường Cao tốc Cầu Giẽ-Ninh Bình tới lưu vực sông Nhuệ, sông Đáy, từ Hà Nội đến Ninh Bình. Đây là vùng phát triển kinh tế chính và là động lực phát triển KTXH của tỉnh. Trong vùng này phát triển công nghiệp, đào tạo nguồn nhân lực và dịch vụ-đô thị theo mô hình đô thị nén; đảm bảo hài hoà giữa không gian sống, sản xuất mà trung tâm là thành phố Phủ Lý.

- Vùng phát triển du lịch: Nằm dọc theo lưu vực sông Đáy, sông Châu; Kết nối các khu, điểm du lịch chính trong tỉnh với chùa Hương - thành phố Phủ Lý - ra sông Hồng. Hình thành dải cây xanh mặt nước liên hoàn gắn với các sản phẩm du lịch sinh thái nghỉ dưỡng - lịch sử - văn hóa, làng nghề và sản phẩm đặc sản nông nghiệp của vùng. Tạo thành trục ngang (Đông - Tây) phát triển kinh tế - du lịch - dịch vụ của vùng.

- Vùng phát triển công nghiệp VLXD (vùng núi đá phía Tây, trên địa bàn huyện Thanh Liêm, Kim Bảng): Khai thác tốt tiềm năng sẵn có để phát triển công nghiệp xi măng và VLXD gắn với bảo vệ môi trường cảnh quan.

- Vùng phát triển nông nghiệp: Bao gồm các khu vực còn lại. Vùng này chủ yếu phát triển nông nghiệp gắn với phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tạo ra các sản phẩm có tính hàng hóa, phục vụ nhu cầu trong và ngoài tỉnh.

5.2. Phân vùng chức năng và tổ chức không gian vùng:

- Các tuyến và khu du lịch:

+ Các tuyến du lịch nội tỉnh được kết nối với các điểm cảnh quan, di tích lịch sử, làng nghề, kết nối với khu du lịch Tràng An (Ninh Bình), Chùa Hương (Hà Nội), Đền Trần (Nam Định), Quan Sơn (Thanh Hóa), Phố Hiến (Hưng Yên), với Thủ đô Hà Nội và với du lịch biển.

- Phát triển và hình thành các điểm du lịch trọng tâm trong tỉnh như khu du lịch Tam Chúc Ba Sao, trung tâm lễ hội Đền Trần Thương, Ngũ Động Thi Sơn, điểm du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Hồ Ba Hang, cùng các điểm văn hóa lịch sử, lễ hội truyền thống của tỉnh Hà Nam.

- Các khu, cụm công nghiệp:

+ Hà Nam được xác định là vùng công nghiệp phía Nam của vùng thủ đô Hà Nội. Các khu công nghiệp được chia thành 2 vùng phát triển chính là vùng phía Bắc và vùng phía Nam của tỉnh. Hai vùng này đều nằm trên trục động lực phát triển. Trong đó chủ yếu phát triển công nghiệp sạch.

+ Tiểu vùng phía Tây sông Đáy phát triển công nghiệp VLXD trong đó xi măng là sản phẩm chủ lực đến năm 2020.

+ Các trung tâm huyện hình thành các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp với quy mô từ 40ha đến 50 ha nhằm khai thác nguồn nhân lực sẵn có của địa phương.

- Các khu hành chính: Đến năm 2030 cấu trúc đơn vị hành chính của tỉnh sẽ bao gồm: 01 thành phố, 01 thị xã, 05 huyện và 11 thị trấn. Phủ Lý là trung tâm hành chính chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh.

- Các khu thương mại tập trung: Hình thành khu trung tâm thương mại đầu mối nông sản lớn trên trục động lực, nằm ở khu vực nhà ga đường sắt mới phía Đông đường cao tốc, thuận tiện về giao thông, đồng thời kết hợp với khu cảng nội địa có vai trò phát tuyến, điều hoà phân phối hàng hóa trong vùng và khu vực lân cận. Quy mô khoảng 100ha.

+ Tại thị trấn Vĩnh Trụ được định hướng phát triển thêm 1 khu trung tâm thương mại dịch vụ để phục vụ nhu cầu của khu vực phía Đông tỉnh với quy mô khoảng 20ha.

+ Tại thị xã Duy Hà được định hướng phát triển 1 khu trung tâm thương mại dịch vụ để phục vụ nhu cầu của khu vực phía Bắc tỉnh với quy mô khoảng 30ha.

+ Tại thị trấn Phố Cà được định hướng phát triển 1 khu trung tâm thương mại dịch vụ để phục vụ nhu cầu của khu vực phía Nam tỉnh với quy mô khoảng 20ha.

Ngoài ra, tại mỗi huyện, mỗi đô thị cũng được quy hoạch các trung tâm thương mại quy mô vừa và nhỏ để phục vụ nhu cầu của người dân trong khu vực đồng thời thúc đẩy du lịch, dịch vụ, sản xuất phát triển.

- Các khu giáo dục, đào tạo nguồn nhân lực, y tế vùng:

+ Các khu giáo dục đào tạo Tổ chức, phân bố các trường đào tạo trong vùng tạo động lực cho các đô thị phát triển và tạo điều kiện cho các trường đầu tư phát triển cơ sở đào tạo, khu nhà ở cho sinh viên theo mô hình môi trường đào tạo tiên tiến gắn kết với các dịch vụ đô thị hiện tại.

+ Các khu giáo dục đào tạo được phân bố chủ yếu ở phía Bắc tỉnh thuộc khu vực thành phố Phủ Lý và huyện Duy Tiên với tổng quy mô khoảng 1.247ha, trong đó khu đô thị đại học được quy hoạch nằm trong trục động lực phát triển có quy mô 1.000ha. Toàn tỉnh bố trí khoảng 20 trường đại học đào tạo đa ngành, trường cao đẳng chuyên nghiệp, dạy nghề và khoảng 10 trường trung cấp nghề.

+ Hệ thống y tế: Xây dựng các trung tâm y tế chất lượng cao quy mô vùng nhằm giảm sự quá tải các bệnh viện đầu ngành tại nội thành Hà Nội, đồng thời đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho người dân trong vùng. Trung tâm y tế chất lượng cao có tính chất vùng được quy hoạch ở khu vực trung tâm thị xã Duy Hà với quy mô 200ha. Bệnh viện quốc tế Bình An ở thành phố Phủ Lý với quy mô 20ha (700 giường).

- Không gian hệ thống đô thị: Hình thành mạng lưới đô thị đa chức năng.

+ Đô thị trung tâm cấp tỉnh:

Thành phố Phủ Lý: Là đô thị đối trọng phía Nam của vùng thủ đô Hà Nội, là đô thị trung tâm tỉnh, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh. Dự kiến đến trước năm 2020 cơ bản đáp ứng các tiêu chí đô thị loại II.

Phía Đông Bắc tỉnh hình thành thị xã Duy Hà, là đô thị công nghiệp, dịch vụ công nghiệp, thương mại, trung tâm đào tạo và y tế (trên cơ sở sát nhập thị trấn Đồng Văn, thị trấn Hòa Mạc - huyện Duy Tiên). Dự kiến đến năm 2030 lên đô thị loại III.

+ Đô thị trung tâm cấp huyện: Đến năm 2030 toàn tỉnh có 16 đô thị trung tâm cấp huyện bao gồm: Thị trấn Quế, thị trấn Ba Sao, thị trấn Tượng Lĩnh, thị trấn Nhật Tân - huyện Kim Bảng; Thị trấn Bình Mỹ, thị trấn Đô Hai, thị trấn Chợ Sông, thị trấn Ba Hàng - huyện Bình Lục; Thị trấn Vĩnh Trụ, thị trấn Nhân Hậu, thị trấn Nhân Mỹ, hình thành thị trấn mới tại khu vực nút giao giữa đường ĐT 499 và tuyến đường đi Hưng Yên trên địa bàn xã Đạo Lý - huyện Lý Nhân; Thị trấn Thanh Liêm, thị trấn Phố Cà, thị trấn Kiện Khê - huyện Thanh Liêm; Thị trấn Đọi Sơn, huyện Duy Tiên.

+ Mô hình phát triển hệ thống đô thị có hai phần chính được liên kết với nhau bằng hệ thống đường Quốc lộ và đường tỉnh.

 Tập trung phát triển mạnh hành lang động lực kinh tế dọc theo Quốc lộ 1A và đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, đồng thời kết hợp chuỗi đô thị dọc theo quốc lộ 38. Chuỗi và dải đô thị này được tạo lập bởi 2 đô thị trọng tâm là Phủ Lý và thị xã Duy Hà.

 Hệ thống các đô thị trung tâm huyện và chuyên ngành nằm trên phần địa bàn còn lại tạo thành mạng lưới hỗ trợ cho vùng kinh tế động lực của tỉnh đồng thời đảm bảo yêu cầu phục vụ trên địa bàn, đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa trên địa bàn toàn tỉnh.

- Không gian hệ thống khu dân cư nông thôn.

+ Các khu dân cư nông thôn sẽ được phát triển duy trì sự ổn định của hệ thống dân cư sẵn có. Đồng thời phát triển các khu vực dân cư mở rộng (các khu giãn dân, các trung tâm xã), nhằm đáp ứng nhu cầu hiện tại. Đối với các điểm dân cư nằm trong hành lang du lịch: Các lô đất ở thường có quy mô khá lớn từ 250-500m2/lô. Để phát triển du lịch thì quy mô các lô đất này cần được giữ nguyên để phát triển các loại hình trồng cây đặc sản kết hợp mô hình sinh thái. Đối với các khu vực làng nghề: cần được bảo tồn và phát triển để có thể kết hợp phát triển du lịch.

5.3. Các trục hành lang và cực phát triển của vùng.

- Trục hành lang kinh tế Bắc Nam của tỉnh: Là trục phát triển kinh tế chủ đạo, chạy dọc từ phía Bắc tới phía Nam của tỉnh theo trục quốc lộ 1A và trục đường cao tốc đi qua các đô thị Đồng Văn, Phủ Lý, Thanh Liêm. Trên trục tập trung phát triển các khu công nghiệp, đào tạo, dịch vụ thương mại và đô thị.

- Hành lang xanh Đông Tây: Nhằm dành quỹ đất và kết hợp với hành lang sinh thái, các khu vực nghiên cứu phục vụ nông nghiệp. Giới thiệu các mô hình truyền thống của Việt Nam trong thời đại mới. Đồng thời, trong hành lang này cũng phát triển một trục du lịch nối từ sông Đáy qua Phủ Lý tới sông Châu.

- Các vùng phát triển kinh tế.

+ Tiểu vùng phía Tây Bắc: gồm các huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm tập trung phát triển công nghiệp, khu công nghiệp tập trung và phát triển du lịch để tận dụng các lợi thế về địa hình, cảnh quan thiên nhiên, vị trí địa lý và hệ thống giao thông.

+ Tiểu vùng phía Đông Nam: gồm các huyện Bình Lục, Lý Nhân và một phần huyện Thanh Liêm tập trung phát triển nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và du lịch sinh thái.

+ Tiểu vùng trung tâm thành phố Phủ Lý: phát triển thương mại dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển đô thị, dịch vụ đô thị.

6. Quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

6.1. Giao thông:

- Đường cao tốc:

+ Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình liên kết tỉnh Hà Nam với thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và các trung tâm kinh tế của đất nước dọc theo trục đường Bắc Nam; với 05 nút giao khác mức trong đó có 02 nút liên thông và 03 nút tách nhập.

+ Đường vành đai 5 Hà Nội dự kiến (4-6 làn xe) với 5 nút giao khác mức liên thông kết nối với trục Đông Tây đi Hưng Yên, Hải Phòng (đường ĐT499, 01 nhánh theo đường ĐT 499 qua Lý Nhân đi Thái Bình).

- Quốc lộ: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 21A, 21B, 38.

- Đường tỉnh: Nâng cấp cải tạo các tuyến đường tỉnh đạt tiêu chuẩn cấp IV-ĐB (ĐT 491, 492, 493, 494, 494C, 495, 495B, 496, 497, 498B); đạt cấp III-ĐB (ĐT 494, 494B, 495B, 498). Xây dựng các tuyến đường động lực phát triển kinh tế T1, T2, T3. Trục động lực Đồng Văn - Phủ Lý; trục du lịch Trần Thương - Nam Định; Ba Sao - Bái Đính. Trục nối đường vành đai kinh tế T1, T2 nằm trong lõi động lực phía Nam tỉnh. Xây dựng các tuyến đường gom cao tốc Bắc Nam.

- Đường huyện: Nâng cấp mạng lưới đường huyện đạt tiêu chuẩn cấp IV, cấp V, cải tạo hệ thống cầu, cống phù hợp với cấp đường; nhựa hóa hoặc bê tông hóa 100% mặt đường. Nhựa hóa hoặc bê tông hóa 80% đường liên xã, đường xã, nâng cấp toàn bộ mạng lưới đường liên xã, đường xã đạt tiêu chuẩn đường GTNT loại A hoặc loại B.

- Đường đô thị: Phát triển hợp lý hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đô thị và vận tải công cộng; đảm bảo quỹ đất dành cho giao thông đô thị đạt 23,14% ¸ 25%.

- Các đường chuyên dụng: Đường xe điện (Tramway) được xây dựng theo trục dọc phát triển của Tỉnh (còn gọi là HaNamBoulevard) với tốc độ 20km/h. Xây dựng các tuyến xe buýt kết nối trung tâm các huyện với thành phố Phủ Lý; trước mắt thành lập 04 tuyến buýt: Phủ Lý - TT. Đồng Văn - TT. Hòa Mạc, Phủ Lý - TT. Quế, Phủ Lý - TT. Vĩnh Trụ, Cầu Không - Như Trác, Phủ Lý - TT. Bình Mỹ.

- Các bến xe của tỉnh: Xây dựng bến xe khách liên tỉnh tại thành phố. Phủ Lý thay thế bến xe khách hiện tại. Xây dựng hệ thống trạm dừng nghỉ xe khách và các điểm đỗ xe, bãi đỗ xe trong đô thị, đảm bảo quỹ đất dành cho giao thông tĩnh chiếm khoảng 2% diện tích xây dựng đô thị.

- Đường sắt: Đường sắt Bắc Nam (xây dựng tuyến đường sắt nội vùng Hà Nội - Ninh Bình đi song song phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ Ninh Bình), Đường sắt cao tốc Bắc - Nam được điều chỉnh đi song song và nằm ở phía Đông đường cao tốc Cầu Giẽ Phủ lý và phía Nam đường sắt Phủ Lý - Nam Định. Dự kiến xây dựng ga đường sắt mới tại địa phận xã Liêm Tiết huyện Thanh Liêm; từng bước nâng cấp các nhà ga: Đồng Văn, Phủ Lý, Bình Lục, Thịnh Châu, Bút Sơn.

- Đường thủy:

+ Hệ thống sông do Trung ương quản lý: Hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp chỉnh trang, nạo vét luồng lạch tuyến sông Hồng, sông Đáy đảm bảo cho các tàu thuyền có tải trọng 300tấn có thể lưu thông thuận lợi, nhằm phục vụ cho việc phát triển các cảng, bến bốc xếp của hệ thống nhà máy xi măng dọc sông Đáy.

+ Hệ thống sông do địa phương quản lý: Nạo vét mở rộng sông Châu kết hợp xây dựng hệ thống giao thông đường bộ, bến cảng từ cống Tắc Giang đến thị xã Phủ Lý dài 27km và từ Điệp Sơn đi Hữu Bị. Xây dựng một số đập điều tiết nguồn nước, dâng nước tưới tự chảy kết hợp với giao thông thủy bộ: Đập Quan Trung, đập Ngọc Lũ (trên sông Châu) và đập chợ Lương (trên sông Duy Tiên).

+ Các công trình bến cảng: Xây dựng cảng Yên Lệnh trên sông Hồng vị trí bên bờ sông Hồng thuộc xã Chuyên Ngoại, huyện Duy Tiên tỉnh Hà Nam với quy mô diện tích khu đất khoảng 15 ha, trong đó phần dưới nước khoảng 7ha. Công suất cảng: 800.000 tấn/năm; tải trọng tàu lớn nhất 1.000 DWT; cảng đón trục đường 499 tại Chân Lý, Lý Nhân. Mở rộng cảng Bút Sơn, xây dựng cảng Bồng Lạng tại Thanh Nghị, huyện Thanh Liêm. Cải tạo, mở rộng và xây dựng các bến bốc xếp hàng hoá: X77, Kiện Khê, Vĩnh Trụ, An Bài, Điệp Sơn, Như Trác, Đình Thôn và các bến dọc các sông có thông thuyền. Xây dựng các cảng và bến bốc xếp hàng hóa dọc sông Đáy phục vụ cho các nhà máy xi măng: Hòa Phát, Vissai Hà Nam... Xây dựng bến tàu tại Phủ Lý và các bến đón, trả khách dọc sông Đáy phục vụ cho tầu khách du lịch.

- Giao thông đô thị và nông thôn.

+ Định hướng phát triển giao thông đô thị: Quỹ đất dành cho giao thông phải đạt 20 - 25% tổng diện tích đất xây dựng đô thị; mật độ bình quân đường giao thông (không kể đường khu dân cư) tại khu vực trung tâm 6 - 8 km/km2, các khu vực khác 3 - 5 km/km2.

+ Giao thông nông thôn - miền núi: Duy trì, củng cố mạng lưới giao thông hiện có, nâng cấp một số tuyến quan trọng, từng bước đưa vào nâng cấp theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật đường giao thông nông thôn. Xây dựng một số tuyến đường mới, cầu, cống, đảm bảo kết nối liên hoàn với hệ thống đường tỉnh, huyện đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân. Vật liệu sử dụng vật liệu địa phương, tập trung việc nhựa hóa và bê tông xi măng hóa. Tạo tiền để thúc đẩy nông thôn mới phát triển.

6.2. Chuẩn bị kỹ thuật.

- Công tác san nền:

+ Dựa vào địa hình tự nhiên và hiện trạng nền xây dựng hiện nay, phân chia công tác san nền mặt bằng xây dựng trên địa bàn tỉnh thành 2 khu vực:

Vùng 1: Khu vực đồi núi bán sơn địa (hữu Đáy): San lấp cải tạo nền dựa trên cơ sở nền địa hình tự nhiên. Biện pháp san nền tạo mặt bằng xây dựng được áp dụng rộng rãi là san lấp cục bộ và cải tạo nền tại chỗ.

Vùng 2: Vùng Đồng bằng thấp trũng phía Đông Nam (tả Đáy, hữu Hồng).

+ Khu vực vùng đồng bằng cao (tập trung ở phía Bắc tỉnh): Tôn đắp nền xây dựng công trình, chiều cao tôn đắp trung bình dao động từ: 0,5-1,8 m tăng dần từ Bắc - Nam và từ Đông –Tây. Lượng đất tôn đắp nền chủ yếu là cát Sông Hồng và lấy từ khu vực đồi núi bán sơn địa phía Tây hoặc bằng công tác đào ao hồ vượt thổ.

+ Khu vực vùng đồng bằng thấp (tập trung ở phía Nam tỉnh): Tôn đắp nền xây dựng công trình, chiều cao tôn đắp trung bình dao động từ: 0,8-2,5 m. Lượng đất tôn đắp nền được điều phối cân bằng từ công tác đào ao hồ vượt thổ hoặc lấy từ nguồn cát sông Hồng và nguồn đất vùng đồi núi chuyển về.

- Quy hoạch tiêu thoát nước: Nước mưa được thoát theo vùng tiêu thủy lợi theo các lưu vực và trục tiêu chính.

+ Khu vực tả Đáy - Bắc Châu Giang: Bao gồm các xã vùng đồng bằng phía Tây sông Đáy và phía Bắc sông Châu Giang. Có trục tiêu chính là Sông Đáy, Sông Nhuệ và sông Châu Giang.

+ Khu vực tả Đáy - Nam Châu Giang: Bao gồm các đô thị thuộc các huyện Bình Lục, Lý Nhân và phần phía Đông sông Đáy huyện Thanh Liêm, và một phần thành phố Phủ Lý…có trục tiêu chính là Sông Hồng, sông Đáy. Về mùa mưa cần có sự hỗ trợ của các trạm bơm cấp vùng.

+ Khu vực hữu Đáy: Bao gồm phần bán sơn địa phía Tây tỉnh Hà Nam, các huyện Thanh Liêm và Kim Bảng (vùng phân lũ sông Đáy cũ) có trục tiêu chính là sông Đáy có hướng thoát về phía Nam.

+ Chế độ thoát nước mưa ở các khu dân cư chủ yếu là tự chảy, một số khu vực đất sản xuất thấp trũng về mùa mưa cần có sự hỗ trợ của các trạm bơm tiêu. Hệ thống thoát nước riêng, nửa riêng, chung với hệ thống thoát nước bẩn. Kết cấu cống tròn BTCT, hộp BTCT, mương rãnh xây có nắp đan. Cao độ nền phù hợp với nền hiện trạng từng vùng, đảm bảo thoát nước mặt thuận lợi.

+ Về thoát nước mưa:

Hệ thống thoát nước mưa được xây dựng trong các điểm dân cư có quy mô từ 30 hộ trở lên. Áp dụng hệ thống thoát nước tự chảy, sử dụng hệ thống cống chung cho nước mưa và nước thải sinh hoạt. Hướng thoát xả về phía kênh mương thủy nông trong khu vực. Kết cấu sử dụng hệ thống cống xây kín, kết hợp với rãnh mương xây có nắp đậy...Tiêu chuẩn áp dụng từ 60m đến 80m cống, rãnh cho 1ha đất xây dựng khu dân cư nông thôn. Riêng đối với khu vực trung tâm xã, làng nghề, nên chọn hệ thống thoát kín.

- Định hướng cấp điện:

+ Phụ tải điện: Phụ tải điện vùng tỉnh Hà Nam ở các giai đoạn là:

Đợt đầu: khoảng 200.931 KW.

Dài hạn: khoảng 320.696 KW.

+ Nguồn điện: Theo tổng sơ đồ lưới điện Việt Nam VI (TSĐ 6), tỉnh Hà Nam sẽ có 3 trạm biến áp 220/110kV sẽ đáp ứng được nhu cầu cấp điện trong tỉnh.

+ Lưới điện:

Đối với lưới 220kV xây dựng mới đường dây 220kV từ trạm 500kV Nho Quan đi trạm 220kV Thanh Nghị (2 mạch) dài 21km và từ trạm 220kV Nho Quan đi trạm 220kV Lý Nhân (2 mạch) dài 21km; đường dây 220KV từ trạm 220kV Phủ Lý đi trạm 220kV Vân Đình (mạch 2) dài 25km. Cải tạo tuyến đường dây 220KV từ trạm 220KV Nho Quan đến trạm 220kV Phủ Lý mạch kép dây AC-185 chiều dài 39km.

Đối với lưới 110kV: Cải tạo và xây dựng mới mạch 2 các đường dây 110kV hiện có. Xây dựng mới đường dây 110kV mạch kép từ các trạm biến áp 220kV cấp điện cho các trạm biến áp 110kV; nhánh rẽ đường dây 110kV mạch kép từ đường dây 110kV Phủ Lý - Lý Nhân cấp điện cho trạm 110kV Duy Tiên và nối mạch vòng với trạm 110kV Đồng Văn dây AC-185.

Đối với lưới trung áp 35 và 22kV: Cấp điệp áp phân phối về lâu dài sử dụng lưới 22kV phù hợp với định hướng chuẩn lưới phân phối. Ngay giai đoạn đầu mạng lưới 35kV không thể chuyển sang vận hành 22kV do vậy các tuyến 35kV hiện có vẫn giữ nguyên để cung cấp điện cho các phụ tải trong tỉnh. Khu vực nào trạm 110kV có điện áp 22kV thì lưới 35kV chuyển sang vận hành 22kV.

Đối với lưới hạ thế: Bán kính cấp điện < 300m đối với thành phố, thị trấn, khu đô thị mới; đối với khu vực nông thôn < 800m.

- Định hướng cấp nước:

+ Lựa chọn nguồn nước: Chọn nguồn nước và các giải pháp kỹ thuật cấp nước cho các khu công nghiệp.

Nhà máy nước Tân Tạo khai thác nước sông Hồng cấp cho các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Duy Tiên và Thành phố Phủ Lý.

Nhà máy nước Đạo Lý khai thác nước sông Hồng cấp cho các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Lý Nhân, huyện Bình Lục

Nhà máy nước Khả Phong khai thác nước sông Đáy cấp cho các khu công nghiệp trên địa bàn huyện Kim Bảng, huyện Thanh Liêm.

+ Chọn nguồn nước và các giải pháp kỹ thuật cấp nước ở các khu vực nông thôn:

Hệ thống cấp nước tập trung: Áp dụng cho các thị tứ, trung tâm cụm xã gần tuyến ống vận chuyển của các nhà máy nước Tân Tạo, Đạo Lý, Khả Phong.

Hệ thống cấp nước tập trung tại chỗ:Áp dụng cho các thị tứ, trung tâm cụm xã không gần tuyến ống vận chuyển của các nhà máy nước Tân Tạo, Đạo Lý, Khả Phong. Nước sau khi xử lý phải đạt tiêu chuẩn nước sinh hoạt theo TCVN - 1995 và các Tiêu chuẩn quy định của Bộ Y tế: Các chỉ tiêu hóa lý theo quy định của Tiêu chuẩn vệ sinh nước ăn uống được ban hành tại Quyết định số 1329/2002/QĐ- BYT ngày 18/4/2002. Các chỉ tiêu hóa lý và vi sinh của Tiêu chuẩn vệ sinh nước sạch được ban hành tại Quyết định số 09/2005/QĐ-BYT ngày 11/3/2005.

- Giải pháp cấp nước

+ Cấp nước đô thị: Đảm bảo 100% đô thị được cấp nước tập trung. Nâng cấp, cải tạo và đầu tư xây dựng mới các nhà máy cấp nước chủ yếu khai thác nước sông Hồng và sông Đáy.

Giai đoạn 2015: Các đô thị vẫn sử dụng các nhà máy nước hiện có nâng cấp cải tạo: Thành phố Phủ Lý (Nhà máy nước số 1: Có công suất 10.000m3/ngđ; Nhà máy nước số 2: Công suất là 15.000m3ngđ khai thác nước sông Đáy). Thị trấn Đồng Văn, huyện Duy Tiên sử dụng nước sạch từ trạm cấp nước tập trung tại thị trấn công suất 3.000 m3/ng.đêm, khai thác nguồn nước ngầm. Thị trấn Vĩnh Trụ, huyện Lý Nhân (Trạm cấp nước thị trấn công suất 900 m3/ngđ, hiện đang nâng công suất đạt 3.600 m3/ngđ, khai thác nguồn nư­ớc mặt sông Châu Giang). Thị trấn Bình Mỹ, huyện Bình Lục (Trạm cấp nước tập trung thị trấn công suất 2.000 m3/ngđ khai thác nguồn nước mặt sông Sắt). Thị trấn Quế, huyện Kim Bảng (Trạm trung chuyển nước sạch TP Phủ Lý, công suất 1.000 m3/ng.đêm).

Giai đoạn 2020, 2030 xây dựng các nhà máy cấp nước liên đô thị: Nhà máy nước Khả Phong (cấp nước cho Thị trấn Quế, thị trấn Ba Sao, Tượng Lĩnh, Nhật Tân huyện Kim Bảng; thị trấn Thanh Liêm và thị trấn Phố Cà, Kiện Khê huyện Thanh Liêm); nhà máy nước Tân Tạo (cấp cho thành phố Phủ Lý, thị xã Duy Hà, thị trấn Đọi Sơn huyện Duy Tiên); nhà máy nước Đạo Lý (cấp cho thị trấn Vĩnh Trụ, thị trấn Nhân Hậu, Nhân Mỹ huyện Lý Nhân và thị trấn Bình Mỹ, Chợ Sông, Đô Hai, Ba Hàng huyện Bình Lục).

+ Cấp nước công nghiệp: Các điểm, cụm công nghiệp tập trung nằm trong đô thị được cấp nước chung với mạng lưới cấp nước đô thị. Những nhà máy, xí nghiệp nhỏ nằm rải rác trong vùng (không thuộc đô thị) tùy thuộc vào tiềm năng nguồn nước của từng khu vực sẽ lựa chọn nguồn nước cấp riêng biệt cho từng khu công nghiệp một cách thích hợp và an toàn.

+ Cấp nước nông thôn: Hệ thống cấp nước nông thôn chưa hoàn chỉnh, nhiều xã chưa có hệ thống cấp nước tập trung, vì vậy sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các trạm cấp nước quy mô xã và cụm xã.

- Định hướng thoát nước bẩn, vệ sinh môi trường: Định hướng hệ thống thoát nước bẩn của vùng Hà Nam được chia theo 3 khu vực chủ yếu: khu vực 1 (các đô thị); khu vực 2 (các điểm dân cư nông thôn); khu vực 3 (các khu công nghiệp).

+ Các khu vực đô thị cần được xây riêng hệ thống thoát nước thải và nước mưa độc lập và giải quyết tiêu thoát cục bộ cho từng đô thị. Xây dựng các trạm, nhà máy xử lý nước thải đối với các thành phố thị xã.

+ Đối với các khu vực nông thôn, các cụm dân cư tập trung xây dựng hệ thống thoát nước chung (nước mưa và nước thải). Đối với dân cư trong các làng xóm sẽ do các gia đình tự giải quyết cho phù hợp, nhưng đảm bảo vệ sinh, không ảnh hưởng đến nguồn nước xung quanh.

+ Các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng các trạm xử lý nước thải riêng đảm bảo tiêu chuẩn hiện hành.

+ Nước thải phải được xử lý đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo tiêu chuẩn Việt Nam trước khi xả ra môi trường. Mức độ xử lý tuỳ thuộc vào nơi xả nước (theo TCVN đã quy định).

- Thoát nước và xử lý nước thải:

+ Xây dựng hệ thống thoát nước thải riêng cho các đô thị cấp thành phố, thị xã, thị trấn đối với khu vực mở rộng, xây mới; khu công nghiệp, du lịch, đô thị.

+ Xây dựng hệ thống cống chung một nửa cho các đô thị cũ (đã có hệ thống cống chung). Các thị tứ và cụm dân cư nông thôn xây dựng hệ thống thoát nước chung.

+ Đối với các đô thị (đặc biệt là thành phố Phủ Lý) toàn bộ nước thải (sinh hoạt, công nghiệp, bệnh viện) phải được xử lý đạt tiêu chuẩn vệ sinh giới hạn A, B (tùy thuộc vào nguồn tiếp nhận và vị trí nơi xả nước theo quy định của TCVN 7222 - 2002, 5945 - 2005) trước khi xả ra môi trường.

+ Đối với các khu vực nông thôn: Tận dụng các sông hồ sẵn có đào hồ sinh học để xử lý nước thải bằng phương pháp tự làm sạch sinh học.

- Chất thải rắn (CTR)

+ Khu xử lý CTR cấp vùng (tỉnh): Khu xử lý tại khu liên hợp xử lý CTR thung Đám Gai - xã Thanh Thủy - huyện Thanh Liêm (nhà máy chế biến CTR + ô chôn lấp CTR hợp vệ sinh + khu xử lý CTR nguy hại).

+ Khu xử lý CTR cấp vùng (cấp huyện): Khu xử lý tại xã Duy Minh (nhà máy chế biến CTR+ ô chôn lấp CTR hợp vệ sinh), xã Đọi Sơn - huyện Duy Tiên (ô chôn lấp CTR hợp vệ sinh); khu xử lý xã Thanh Thủy (nhà máy chế biến CTR + ô chôn lấp CTR hợp vệ sinh + khu xử lý CTR nguy hại), xã Thanh Nghị - huyện Thanh Liêm (ô chôn lấp CTR hợp vệ sinh); khu xử lý xã Tân Sơn - Huyện Kim Bảng (ô chôn lấp CTR hợp vệ sinh); khu xử lý tại xã Ngọc Lũ, xã Tiêu Động - huyện Bình Lục (ô chôn lấp CTR hợp vệ sinh); khu xử lý CTR Phú Phúc+Nhân Mỹ, xã Bắc Lý - huyện Lý Nhân (ô chôn lấp CTR hợp vệ sinh).

+ Khu xử lý CTR khu vực nông thôn: Giai đoạn 2015-2020 xử lý tại từng hộ gia đình, CTR chủ yếu thuộc loại hữu cơ, sử dụng mô hình chôn lấp kết hợp ủ phân. Giai đoạn 2020-2030 tập trung thu gom, vận chuyển tới những điểm xử lý CTR đã được quy hoạch trên địa bàn từng huyện.

+ Khu xử lý CTR khu công nghiệp - cụm công nghiệp:

Tại các cụm công nghiệp tập trung: CTR tại các khu công nghiệp thực hiện quy chế kiểm soát chất thải và tự thu gom CTR trong khuôn viên nhà máy. Lượng CTR sau tái chế và tái sử dụng được hợp đồng với cơ quan có chức năng tới bãi xử lý chất thải tập trung theo địa bàn huyện, tỉnh.

Tại các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nhỏ tại các huyện: CTR được thu gom, vận chuyển về khu xử lý CTR tập trung theo địa bàn huyện để xử lý.

+ Khu xử lý CTR Bệnh viện: CTR sinh hoạt vận chuyển theo xe thu gom của công ty môi trường đô thị. CTR y tế được vận chuyển theo xe thu gom riêng tới lò đốt tập trung cho hệ thống bệnh viện hoặc vận chuyển đến nhà máy xử lý CTR nguy hại tại khu liên hợp xử lý CTR thung Đám Gai - xã Thanh Thủy - huyện Thanh Liêm (nhà máy chế biến CTR + ô chôn lấp CTR hợp vệ sinh + khu xử lý CTR nguy hại).

- Nghĩa trang:

+ Khu vực đô thị: Việc xây dựng nghĩa trang liên đô thị là cần thiết nhưng phải phù hợp với phong tục tập quán từng vùng, miền và phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt lưu ý yếu tố địa hình, quy mô đất đai, khoảng cách giữa các đô thị, quy mô dân số và phong tục tập quán, văn hoá... của các dân tộc trong vùng.

+ Thành phố Phủ Lý: Nghĩa trang Châu Sơn, phục vụ cho thành phố Phủ Lý và các xã lân cận.

+ Thị xã Duy Hà: Hai nghĩa trang nằm tại thị trấn Hòa Mạc và thị trấn Đồng Văn cũ, phục vụ cho thị xã Duy Hà và các xã lân cận của huyện Duy Tiên.

+ Các thị trấn tại mỗi huyện xây dựng nghĩa trang riêng chủ yếu là chôn cất 01 lần và có cải táng.

+ Xây dựng nghĩa trang sinh thái tại xã Ba Sao - huyện Kim Bảng với diện tích khoảng 100 ha, phục vụ toàn tỉnh.

+ Khu vực nông thôn: Quy hoạch nghĩa trang tập trung theo đơn vị xã, hạn chế các điểm nghĩa trang nhỏ lẻ, từng bước đóng cửa, di dời các nghĩa trang gần khu dân cư.

- Định hướng bảo vệ môi trường:

+ Tăng cường kiểm soát, xử lý ô nhiễm môi trường đô thị, xử lý triệt để các loại nước thải, chất thải rắn, kiểm soát khí thải từ các phương tiện giao thông.

+ Việc phát triển vùng phải gắn với bảo vệ môi trường lưu vực các sông: sông Nhuệ, sông Đáy, sông Châu, sông Sắt, sông Hồng...

+ Tăng cường kiểm soát, xử lý triệt để ô nhiễm môi trường do nước thải, khí thải, chất thải rắn và chất thải nguy hại trong các khu công nghiệp, các cơ sở tiểu thủ công nghiệp và làng nghề.

+ Tăng cường quản lý và bảo vệ môi trường các điểm dân cư ven đô, các khu vực giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Vận tải; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

CHỦ TỊCH




Mai Tiến Dũng

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 364/QĐ-UBND năm 2011 về phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Hà Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050

  • Số hiệu: 364/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 25/03/2011
  • Nơi ban hành: Tỉnh Hà Nam
  • Người ký: Mai Tiến Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 25/03/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản