Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TỔNG THỂ NÂNG CAO NĂNG SUẤT DỰA TRÊN NỀN TẢNG KHOA HỌC, CÔNG NGHỆ VÀ ĐỔI MỚI SÁNG TẠO GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và công nghệ;

Thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 30 tháng 5 năm 2019 của Ban Bí thư về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế;

Thực hiện Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27 tháng 9 năm 2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ. 

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030 (sau đây viết tắt là Kế hoạch) với những nội dung sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát

a) Đưa năng suất trở thành động lực phát triển quan trọng trong các ngành, lĩnh vực, thông qua việc ứng dụng các thành tựu mới của khoa học, công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất tiên tiến, kết hợp với nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, phù hợp xu thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

b) Triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia, hỗ trợ doanh nghiệp trong nghiên cứu, đổi mới, chuyển giao và ứng dụng công nghệ để nâng cao năng suất; xây dựng, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ, kế hoạch nâng cao năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Mục tiêu đến năm 2025

- Góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7%/năm.

- Góp phần đạt mục tiêu đóng góp của khoa học công nghệ thông qua TFP, đóng góp khoảng 45% vào tăng trưởng kinh tế.

- Từ 12 đến 15 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc xây dựng và triển khai kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; từ 3 đến 5 tập đoàn, tổng công ty triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch năng suất.

- Tối thiểu 300 doanh nghiệp nhỏ và vừa của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất, thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất.

- Hình thành các câu lạc bộ cải tiến năng suất cho sinh viên tại ít nhất 10 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, góp phần gắn kết hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, thực hành về năng suất với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.

b) Mục tiêu đến năm 2030

- Góp phần đạt mục tiêu tăng năng suất lao động bình quân trên 7,5%/năm.

- Góp phần đạt mục tiêu đóng góp của khoa học công nghệ thông qua TFP, đóng góp khoảng 50% vào tăng trưởng kinh tế.

- Từ 30 đến 35 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc xây dựng và triển khai Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; 5 đến 7 tập đoàn, tổng công ty triển khai xây dựng và thực hiện kế hoạch năng suất.

- Tối thiểu 500 doanh nghiệp nhỏ và vừa của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và triển khai các dự án điểm về cải tiến năng suất, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo nâng cao năng suất.

- Hình thành các câu lạc bộ cải tiến năng suất cho sinh viên tại ít nhất 20 trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn kết chặt chẽ hoạt động nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, thực hành về năng suất với hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho thị trường lao động.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

a) Xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường năng suất gắn với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cấp nền kinh tế, ngành kinh tế, địa phương và doanh nghiệp.

b) Xây dựng cơ sở dữ liệu về năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để chia sẻ thông tin, dữ liệu về ứng dụng các tiến bộ công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất mới, tiên tiến, chuyên gia năng suất, năng suất quốc gia, năng suất doanh nghiệp.

c) Xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn đánh giá chuyên gia năng suất của Việt Nam; phát triển hệ thống chứng nhận, đào tạo chuyên gia năng suất của Việt Nam phù hợp với hệ thống tiêu chuẩn của các quốc gia tiên tiến trong khu vực.

d) Nghiên cứu, đề xuất một số cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp áp dụng thử nghiệm các tiến bộ công nghệ, hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất mới, tiên tiến, nhằm ứng dụng nhanh, hiệu quả các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

2. Phát triển các hoạt động nghiên cứu, tư vấn, đào tạo và các tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất

a) Xây dựng, triển khai các nội dung nghiên cứu và tư vấn về năng suất

- Xây dựng, triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu, đánh giá các yếu tố tác động nâng cao năng suất; đề xuất các giải pháp nâng cao năng suất trong từng ngành, lĩnh vực cụ thể của nền kinh tế.

- Nghiên cứu các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất mới, tiên tiến để áp dụng cho các tổ chức, doanh nghiệp tại Việt Nam; tập trung vào các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến năng suất dựa trên nền tảng số và đổi mới sáng tạo. Triển khai các chương trình đánh giá năng lực quản trị, quản lý năng suất, quản lý chuyển đổi số và quản lý đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp.

- Tổ chức triển khai, áp dụng hệ thống quản lý theo tiêu chuẩn ISO 56000 về quản lý đổi mới sáng tạo, các mô hình, công cụ cải tiến năng suất trong lĩnh vực chuyên ngành (năng suất dịch vụ công, năng suất xanh, năng suất bền vững).

b) Triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao năng suất

- Xây dựng, triển khai các chương trình đào tạo, bồi dưỡng về năng suất, chương trình hướng nghiệp tại một số trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên cơ sở gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của một số doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu công nghệ cao cụ thể; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về năng suất trong khối sinh viên các trường đại học, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

- Tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực theo hướng đào tạo thực hành, mô phỏng về cải tiến năng suất.

- Tổ chức các chương trình, khóa đào tạo về các giải pháp nâng cao năng suất, chuyển đổi số, sản xuất thông minh, giao thông thông minh, đô thị thông minh, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

c) Nâng cao năng lực các tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất

- Hình thành, phát triển mạng lưới các tổ chức hỗ trợ hoạt động năng suất ở các bộ, ngành, địa phương, gắn kết với các viện nghiên cứu, trường đại học và doanh nghiệp. Tổ chức hoạt động hợp tác, kết nối giữa các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cung cấp giải pháp công nghệ, CNTT tham gia vào các dự án điểm về cải tiến năng suất trong các lĩnh vực cụ thể.

- Tăng cường năng lực của tổ chức nghiên cứu về năng suất để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất thông qua các chương trình dự án của Tổ chức năng suất châu Á (APO).

- Nâng cao vai trò Cơ quan năng suất quốc gia của Viện Năng suất Việt Nam thông qua các hoạt động nghiên cứu, hỗ trợ, tư vấn hoạt động nghiên cứu, đào tạo của doanh nghiệp; xây dựng, hình thành tạp chí chuyên ngành về năng suất; thực hiện tốt chức năng của Trung tâm xuất sắc về đổi mới sáng tạo của Tổ chức năng suất châu Á (APO).

3. Đẩy mạnh việc áp dụng hệ thống quản lý, mô hình, công cụ nâng cao năng suất trong doanh nghiệp

a) Gắn kết chặt chẽ nội dung về năng suất với các đề án, nhiệm vụ của các chương trình khoa học, công nghệ cấp quốc gia bao gồm: Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia; Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia; Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia; Chương trình phát triển thị trường khoa học, công nghệ và các chương trình khoa học, công nghệ cấp quốc gia khác, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh khi đưa vào áp dụng tại doanh nghiệp.

b) Xây dựng, triển khai kế hoạch nâng cao năng suất tại một số tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia thực hiện Kế hoạch, có tính đến khả năng hấp thụ công nghệ và trình độ, quy mô sản xuất của doanh nghiệp; tổ chức nghiên cứu, đánh giá về vai trò dẫn dắt của các doanh nghiệp này trong việc phát triển phong trào năng suất tại Việt Nam.

4. Đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về năng suất

a) Xây dựng, công bố trong nước và quốc tế báo cáo năng suất Việt Nam hằng năm.

b) Xây dựng chương trình truyền thông, phổ biến kiến thức về năng suất, cải tiến năng suất, các kinh nghiệm điển hình cải tiến năng suất ở cấp quốc gia, cấp địa phương, cấp doanh nghiệp và cộng đồng.

c) Hằng năm, tổ chức các hoạt động tuyên truyền, tôn vinh tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp có đóng góp đối với hoạt động năng suất; tổ chức Diễn đàn năng suất quốc gia với sự tham gia của các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia năng suất, các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp trong nước và quốc tế.

5. Tăng cường các hoạt động hợp tác quốc tế

a) Tăng cường hợp tác song phương với cơ quan năng suất của các quốc gia phát triển trên thế giới và trong khu vực.

b) Khuyến khích doanh nghiệp tham gia các dự án hợp tác nghiên cứu về giải pháp nâng cao năng suất, đào tạo, tư vấn, quảng bá và phát triển chuyên gia năng suất với các tổ chức quốc tế (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế Giới, Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), Tổ chức năng suất châu Á (APO) và các tổ chức quốc tế khác.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Nguồn kinh phí thực hiện Kế hoạch bao gồm nguồn vốn ngân sách nhà nước và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.

Nguồn kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước để thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch bao gồm: Nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách thúc đẩy năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; xây dựng, triển khai các nội dung nghiên cứu và tư vấn về năng suất; triển khai các hoạt động đào tạo nguồn nhân lực, bồi dưỡng kiến thức để nâng cao năng suất; các hoạt động truyền thông, tuyên truyền về năng suất; các hoạt động hợp tác quốc tế.

2. Các bộ, cơ quan, địa phương lập dự toán ngân sách hàng năm và quản lý kinh phí thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch theo quy định hiện hành của pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Khoa học và Công nghệ:

a) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát, kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch; Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng trực thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ là cơ quan đầu mối theo dõi, tổng hợp tình hình triển khai thực hiện Kế hoạch.

b) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành lồng ghép, triển khai các nhiệm vụ khoa học và công nghệ hằng năm để hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất; hướng dẫn các địa phương trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch năng suất trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ năm 2021.

c) Hướng dẫn các bộ, cơ quan, địa phương liên quan xây dựng kế hoạch để triển khai thực hiện. Hằng năm, tổng hợp kinh phí sự nghiệp khoa học thực hiện các nhiệm vụ của Kế hoạch gửi Bộ Tài chính (đối với nhiệm vụ sử dụng kinh phí chi thường xuyên) và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư (đối với nhiệm vụ sử dụng vốn đầu tư phát triển).

d) Chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường năng suất gắn với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cấp nền kinh tế, ngành kinh tế, địa phương và doanh nghiệp, hoàn thành vào năm 2022.

đ) Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, xây dựng cơ sở dữ liệu về năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, hoàn thành vào năm 2022; định kỳ hằng năm cập nhật, bổ sung thông tin, dữ liệu.

e) Xây dựng và công bố trong nước và quốc tế báo cáo năng suất Việt Nam hằng năm; xây dựng, hình thành tạp chí chuyên ngành về năng suất, hoàn thành trong năm 2022.

g) Tổ chức sơ kết thực hiện Kế hoạch vào năm 2025 và tổng kết thực hiện Kế hoạch vào năm 2030. Chủ trì, phối hợp các bộ, cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra việc thực hiện Kế hoạch này.

2. Các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội trong phạm vi thẩm quyền có trách nhiệm:

a) Chỉ định cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Kế hoạch.

b) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng các chương trình truyền thông, phổ biến kiến thức về năng suất tới cộng đồng và doanh nghiệp, định kỳ hằng năm.

c) Xây dựng và triển khai kế hoạch 5 năm, hằng năm thực hiện Kế hoạch, lồng ghép với các chương trình thuộc thẩm quyền quản lý, phù hợp định hướng nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

d) Lập dự toán ngân sách hằng năm thực hiện Kế hoạch, gửi Bộ Khoa học và Công nghệ để tổng hợp gửi Bộ Tài chính bố trí kinh phí theo quy định; huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện Kế hoạch.

đ) Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch trong phạm vi thẩm quyền, chức năng quản lý nhà nước được giao.

3. Các bộ, cơ quan khác căn cứ thẩm quyền, trách nhiệm quản lý nhà nước được giao chủ động, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng, tổ chức thực hiện Kế hoạch theo quy định pháp luật.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư:

a) Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, xây dựng bộ chỉ tiêu đo lường năng suất gắn với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo ở cấp nền kinh tế, ngành kinh tế, địa phương và doanh nghiệp.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính tổng hợp, cân đối các nguồn lực để bảo đảm thực hiện Kế hoạch.

5. Bộ Tài chính:

a) Bố trí kinh phí thực hiện Kế hoạch theo quy định pháp luật về ngân sách nhà nước.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng cơ chế quản lý tài chính để thực hiện Kế hoạch nếu cần thiết.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:

a) Chỉ định cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Kế hoạch.

b) Xây dựng và triển khai Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lồng ghép với các chương trình khoa học và công nghệ, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác thuộc thẩm quyền quản lý, thực hiện từ năm 2021.

c) Bố trí kinh phí, huy động các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật liên quan.

d) Tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong phạm vi thẩm quyền, chức năng quản lý nhà nước được giao.

7. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội doanh nghiệp trung ương và địa phương có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức các hoạt động tôn vinh, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích trong hoạt động thúc đẩy nâng cao năng suất trong cộng đồng doanh nghiệp hằng năm.

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, xây dựng các nhiệm vụ khoa học và công nghệ giúp nâng cao năng suất cho doanh nghiệp.

c) Phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về năng suất cho doanh nghiệp hằng năm.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Liên minh Hợp tác xã Việt Nam;
- Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam;
- Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: TH, KTTH, CN, NN, ĐMDN;
- Lưu: VT, KGVX (2b)

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Đức Đam

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 36/QĐ-TTg năm 2021 về Kế hoạch tổng thể nâng cao năng suất dựa trên nền tảng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021-2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 36/QĐ-TTg
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 11/01/2021
  • Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ
  • Người ký: Vũ Đức Đam
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/01/2021
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản