Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36/2003/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI TỪ NĂM 2003 ĐẾN 2007

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND;
Căn cứ Quyết định số 13/2003/QĐ-TTg ngày 17/1/2003 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình Phổ biến giáo dục pháp luật từ năm 2003 đến năm 2007;
Xét đề nghị của Thường trực Hội đồng phối hợp công tác Phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố tại Tờ trình số 209/TT-TP ngày 28/02/2003;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1 : Ban hành kèm theo Quyết định này: "Chương trình Phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố Hà Nội từ năm 2003 đến năm 2007"

Điều 2 : Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3 : Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, thành viên Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật Thành phố, Thủ trưởng các sở, ban, nghành, đơn vị, Chủ tịch UBND các quận, huyện có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

T/M. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
 


 

Nguyễn Quốc Triệu

 

 

CHƯƠNG TRÌNH

PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI TỪ NĂM 2003 ĐẾN NĂM 2007
(Kèm theo Quyết định số 36/2003/QĐ-UB ngày 27/02/2003 của UBND Thành phố Hà Nội)

A. MỤC TIÊU, YÊU CẦU CỦA CHƯƠNG TRÌNH PHỔ BIẾN, GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TỪ NĂM 2003 ĐẾN NĂM 2007 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

I. Mục tiêu

1. Phổ biến kịp thời, đầy đủ nội dung pháp luật liên quan đến cuộc sống của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, tạo điều kiện để công dân sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của nhà nước, của xã hội. Nâng cao ý thức tự giác, chủ động tìm hiểu và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân Thủ đô.

2. Tạo bước phát triển mới trong phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) nhằm hỗ trợ, đáp ứng nhu cầu hiểu biết pháp luật của nhân dân, nâng cao trình độ dân trí pháp lý, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển toàn diện con người Việt Nam, người Hà Nội văn minh, thanh lịch, nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy Nhà nước và trong xã hội, góp phần bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững định hướng XHCN, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá Thủ đô và đất nước.

II. Yêu cầu:

1. Bảo đảm tính liên tục, kế thừa và phát triển thực hiện các nội dung, hình thức, biện pháp đã được đề ra từ Kế hoạch số 15/KH-UB ngày 27/5/1998 của UBND Thành phố Hà Nội về PBGDPL trên địa bàn thành phố Hà Nội (từ năm 1998 đến năm 2002), tiếp tục thực hiện PBGDPL cho các đối tượng cán bộ, nhân dân. Lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp từng đối tượng, địa bàn, chú trọng phổ biến các quy định hướng dẫn thực hiện thiết thực.

2. Sử dụng, khai thác hiệu quả các hình thức, phương pháp PBGDPL đã và đang phát huy tác dụng trên địa bàn Hà Nội, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong từng thời kỳ, từng đối tượng, bảo đảm tính phù hợp khả thi; kếp hợp các hình thức PBGDPL với hoạt động tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, hoà giải, giải quyết tranh chấp mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, giải quyết khiếu nại tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật trong từng vụ việc cụ thể; nghiên cứu từng bước ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động PBGDPL cho cán bộ, nhân dân Thủ đô.

3. Lồng ghép hợp lý, có hiệu quả việc PBGDPL phục vụ Chương trình phát triển kinh tế xã hội Thủ đô với tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, các quy định của Thành phố, góp phần xây dựng và hoàn thiện pháp luật, tổ chức thi hành và xử lý vi phạm pháp luật, thực hiện Qui chế dân chủ trên địa bàn.

B. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, HÌNH THỨC, BIỆN PHÁP PHỔ BIẾN GIÁO DỤC PHÁP LUẬT TRÊN ĐỊA BÀN HÀ NỘI (từ 2003-2007)

I. Đối tượng, nội dung PBGDPL

1. Nội dung chung PBGDPL cho các tầng lớp nhân dân: Phổ biến giáo dục các quy định pháp luật liên quan trực tiếp với cuốc sống của nhân dân Thủ đô, nhất là các quy định về đất đai, nhà ở, khiếu nại, tố cáo, an toàn giao thông, phòng chống ma tuý phòng HIV/AIDS và tệ nạ xã hội, phòng chống cháy nổ, lao động việc làm, sản xuất kinh doanh, bảo vệ môi trường, qui chế dân chủ, nghĩa vụ bảo vệ tổ quốc phù hợp với đặc điểm từng địa bàn; chú trọng phổ biến, hướng dẫn thực hiện quyền và nghĩa vụ công  dân theo quy định của pháp luật.

2. Nội dung PBGDPL cho đối tượng cụ thể :

Ngoài nội dung trên, chú ý phổ biến, giáo dục các nội dung sát hợp với từng đối tượng cụ thể sau :

a. Đối tượng nông dân : Phổ biến, hướng dẫn các kiến thức cơ bản về Luật Đất đai và Luật Đất đai sửa đổi; nghĩa vụ nộp thuế, bảo vệ đê điều, các công trình thủy lợi.

b. Đối với phụ nữ : Phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định về Hôn nhân và gia đình, bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, bình đẳng giới v.v...

c. Đối với cán bộ công chức : Phổ biến, giáo dục các quy định về cán bộ, công chức, về ngân sách nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện Qui chế dân chủ ở cơ quan, đơn vị; chú trọng các quy định pháp luật chuyên ngành gắn với chức năng, nhiệm vụ cơ quan, đơn vị, với chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, công chức.

d. Đối với cán bộ chính quyền cơ sở : Phổ biến, giáo dục các quy định, trình tự thủ tục liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cán bộ chính quyền cơ sở, quy định về bảo đảm các quyền tự do, dân chủ, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; trình tự thủ tục giải quyết khiếu nại tố cáo; Qui chế tiếp công dân; Qui chế dân chủ ở cơ sở, các văn bản qui phạm pháp luật của địa phương.

e. Đối với thanh, thiếu niên :

Phổ biến, giáo dục các quy định của pháp luật về quyền và bổn phận của trẻ em, Hôn nhân và gia đình, bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống ma tuý, phòng chống HIV/AIDS và tệ nạn xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản văn hóa, nghĩa vụ quân sự.

g. Đối với người lao động, người quản lý và cán bộ công đoàn trong doanh nghiệp :

Phổ biến, giáo dục các kiến thức cơ bản về Luật Lao động, Luật Doanh nghiệp và các Luật chuyên ngành phù hợp; chú ý gắn với phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước về hội nhập kinh tế quốc tế.

h. Đối với các lực lượng vũ trang :

- Đối với cán bộ chiến sỹ thuộc Quân đội và lực lượng dân quân tự vệ : Phổ biến, giáo dục các quy định chuyên ngành về quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, kinh tế, tài chính, cán bộ công chức.

- Đối với cán bộ chiến sỹ lực lượng công an nhân dân : Phổ biến, quán triệt các văn bản qui phạm pháp luật chuyên ngành, trình tự thủ tục điều tra, xử lý vi phạm hành chính, giải quyết khiếu nại tố cáo, hình sự, tố tụng hình sự, xuất nhập cảnh, trật tự an toàn giao thông, hộ khẩu...

II. Các biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đối tượng :

Các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các quận, huyện tuỳ đặc điểm địa bàn, đối tượng, thời gian thích hợp, áp dụng các biện pháp chủ yếu sau đây :

1. Củng cố, mở rộng lực lượng tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật :

- Nâng cao hiệu quả hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật từ thành phố tới quận, huyện, phường, xã, thị trấn...

- Kiện toàn tổ hòa giải ở các thôn, xóm, tổ dân phố, cụm dân cư; nâng cao vai trò của hòa giải viên trong việc tham gia PBGDPL cho nhân dân ở cơ sở.

- Đưa nội dung phổ biến pháp luật và vận động chấp hành pháp luật vào hoạt động của thanh niên tình nguyện và thanh niên xung kích.

- Phát huy vai trò của cán bộ công đoàn, người sử dụng lao động tại các doanh  nghiệp trong PBGDPL cho người lao động.

- định kỳ bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật cho đội ngũ các thầy cô giáo dạy "Giáo dục công dân", phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên tư vấn trợ giúp pháp lý, cán bộ văn hóa thông tin cơ sở.

2. Phát triển các hình thức thông tin, phổ biến pháp luật đa dạng, thuận tiện đáp ứng nhu cầu của các đối tượng.

­- Các cơ quan báo chí của thành phố, đài truyền thanh ở cơ sở, tăng số lượng, chất lượng tin bài khi tuyên truyền, PBGDPL. Chuẩn bị các điều kiện để thành lập và đưa vào hoạt động tờ báo Pháp luật Thủ đô.

- Duy trì, củng cố, sử dụng hiệu quả Tủ sách  pháp luật ở phường xa, thị trấn, cơ quan, đơn vị, trường học, điểm bưu điện văn hóa xã...

- Biên soạn, phát hành rộng rãi các loại tài liệu pháp luật phù hợp từng đối tượng.

- Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật phù hợp từng đối tượng.

- Tổ chức các cuộc thi, hội thi tìm hiểu pháp luật phù hợp các địa bàn, các đối tượng.

- Gắn tuyên truyền, PBGDPL với sinh hoạt văn hoá, văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật, sinh hoạt câu lạc bộ tại các cơ quan, các cấp, các hội, đoàn thể.

- Khai thác có hiệu quả văn bản qui phạm pháp luật được cập nhật, lưu trữ trên mạng tin học diện rộng của Chính phủ, của Thành phố. Xây dựng và đưa vào sử dụng rộng rãi các cơ sở dữ liệu pháp luật điện tử; xây dựng vầ đưa vào thực hiện chương trình giải đáp pháp luật qua mạng điện thoại của thành phố.

3. Nâng cao chất lượng dạy và học pháp luật trong nhà trường ở các cấp học, ngành học :

- Thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục pháp luật chính khóa, tăng cường các hoạt động ngoại khóa cho học sinh ở các cấp học, bậc học theo quy định.

- Xây dựng Tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật ở 100% các trường học.

- Trang bị đủ sách giáo khoa, tài liệu tham khảo, trang thiết bị phục vụ giáo dục pháp luật tại nhà trường.

4. Mở rộng diện đối tượng được hưởng trợ giúp pháp lý miễn phí : Tăng cường các hoạt động trợ giúp pháp lý miễn phí lưu động; xây dựng hệ thống trợ giúp pháp lý từ Thành phố đến quận, huyện, phường, xã, thị trấn.

- Phát triển loại hình trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể để thực hiện trợ giúp pháp lý, PBGDPL cho các hội viên, đoàn viên.

- Hình thành mạng lưới tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp.

- Thực hiện cung cấp thông tin pháp luật, PBGDPL thông qua các Trung tâm tư vấn, dịch vụ giới thiệu việc làm, hướng nghiệp cho thanh niên.

5. Tổ chức hình thức thích hợp, phát động các đợt cao điểm, tập trung tuyên truyền phổ biến, vận động nhân dân chấp hành pháp luật theo từng chủ đề, nội dung cụ thể.

C. TỔ CHỨC THỰC HIỆN  :

1. Căn cứ vào chương trình này và tình hình thực tế, thủ trưởng các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các quận, huyện chủ động tiến hành các nhiệm vụ sau đây :

- Xây dựng kế hoạch PBGDPL hàng năm, triển khai đến cán bộ công chức cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý.

- Bố trí cán bộ có trình độ chuyên môn về pháp lý để theo dõi, tham mưu, thực hiện PBGDPL ở cơ quan, đơn vị trong phạm vi quản lý.

- Lập dự toán kinh phí từ nguồn ngân sách hàng năm để triển khai kế hoạch theo quy định.

- Định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo kết quả tiến độ triển khai kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật về UBND thành phố (qua sở Tư pháp - Cơ quan thường trực hội đồng phối hợp công tác PBGDPL Thành phố) để tổng hợp chung.

2. UBND Thành phố giao trách nhiệm cho các cơ quan đơn vị :

a. Sở Tư pháp - Thường trực Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL Thành phố chủ trì phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan :

- Hướng  dẫn, đôn đốc, theo dõi các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, UBND các cấp triển khai chương trình, kế hoạch PBGDPL; định kỳ báo cáo UBND Thành phố tiến độ, kết quả thực hiện và đề xuất các giải pháp thực hiện tốt chương trình.

- Đề xuất giải pháp kiện toàn đội ngũ, bồi dưỡng nghiệp vụ cho báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, cán bộ chuyên trách, lực lượng làm công tác PBGDPL Thành phố, quận, huyện, phường, xã.

- Biện soạn, in, phát hành các loại tài liệu tuyên truyền, PBGDPL cho các đối tượng trên địa bàn.

- Hướng dẫn Tư pháp quận huyện tham mưu giúp UBND cùng cấp xây dựng các văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai PBGDPL trên địa bàn, thực hiện tốt vai trò đầu mối  phối hợp công tác PBGDPL ở địa phương.

- Lập dự toán, quyết toán kinh phí hoạt động, đề xuất khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện chương trình, kế hoạch PBGDPL.

b. Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan :

- Tổ chức đưa pháp luật vào dạy học sinh trong các trường học, kiểm tra, hướng dẫn việc dạy và học môn "Giáo dục công dân" trong trường học theo quy định.

- Định kỳ tập tuấn bồi dưỡng giáo viên về kiến thức pháp luật, phương pháp giảng dạy môn "Giáo dục công dân".

- Tổ chức các hoạt động ngoại khóa nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả giáo dục pháp luật cho học sinh các trường học như : sinh hoạt câu lạc bộ, nói chuyện pháp luật, Hội viên văn nghệ ca khúc pháp luật, thi tìm hiểu pháp luật...

c. Đề nghị Ban Tuyên giáo Thành uỷ, Sở Văn hóa Thông tin, các cơ quan thông tin đại chúng của Thành phố.

- Chỉ đạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao chất lượng tin bài của đội ngũ phóng viên, biên tập viên, cộng tác viên viết về pháp luật; định kỳ hàng tháng, tuần, định hướng thông tin, PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Chỉ đạo xây dựng các chương trình Hội diễn, biểu diễn nghệ thuật gắn với tuyên truyền, PBGDPL.

- Kiểm tra, đánh giá định kỳ công tác PBGDPL trên các phương tiện thông tin đại chúng, bình xét đề xuất thi đua khen thưởng đối với công tác tuyên truyền, PBGDPL trên báo đài ở địa phương.

d. Sở Tài chính Vật giá :

Chủ trì, phối hợp với các cấp, các ngành có liên quan hướng dẫn  việc lập dự toán, sử dụng, quyết toán kinh phí PBGDPL hàng năm của các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị.

e. Thường trực Hội đồng Thi đua Khen thưởng Thành phố :

Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá bình xét thi đua hàng năm các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc triển khai chương trình, kế hoạch.

g. UBND các quận, huyện :

- Xây dựng chương trình, tổ chức triển khai kế hoạch PBGDPL từ 2003 đến 2007  và từng năm theo hướng dẫn của Thành phố.

- Tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL ở địa bàn; bố trí cán bộ chuyên trách PBGDPL ở các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị; chỉ đạo kiện toàn xây dựng, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên quận, huyện, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở phường, xã, thị trấn; có cơ chế đãi ngộ, khuyến khích động viên đội ngũ cán bộ chuyên trách, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật, hòa giải viên ở cơ sở phù hợp với điều kiện địa phương và theo hướng dẫn của Thành phố.

- Chỉ đạo, kiểm tra, đánh giá kết quả xây dựng, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng Tủ sách pháp luật, thiết chế văn hóa cơ sở trong PBGDPL.

- Đảm bảo kinh phí triển khai chương trình, kế hoạch PBGDPL ở địa phương theo quy định.

- Định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo đánh giá kết quả tuyên truyền PBGDPL ở địa phương gửi về UBND thành phố (qua Sở Tư pháp - thường trực Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL thành phố).

3. Đề nghị các ban của Thành uỷ (Ban Dân vận, Ban Tuyên giáo, Ban Tổ chức), các ban của HĐND Thành phố (Ban Pháp chế, Ban Kinh tế ngân sách, Ban Văn hóa xã hội) và các đoàn thể (Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Luật gia) quân tâm lãnh đạo, hướng dẫn tổ chức triển khai chương trình, kế hoạch PBGDPL trong cơ quan, đơn vị, hội viên, đoàn viên nhất là ở cơ sở.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 36/2003/QĐ-UB ban hành Chương trình Phổ biến giáo dục pháp luật trên địa bàn Thành phố Hà Nội từ năm 2003 đến 2007 do Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội ban hành

  • Số hiệu: 36/2003/QĐ-UB
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 27/02/2003
  • Nơi ban hành: Thành phố Hà Nội
  • Người ký: Nguyễn Quốc Triệu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 27/02/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản